Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

tư liệu về Chúa Nguyễn, phần 2

Tư liệu về Chúa Nguyễn, phần 2
1. Tổ chức cai trị của chúa Nguyễn

Với ý đồ tách Đàng trong ra khỏi sự thống trị của vua Lê - chúa Trịnh, Nguyễn Hoàng và những người nối nghiệp một mặt củng cố phòng thủ đất Thuận Quảng, chống lại có hiệu quả các cuộc tấn công của quân Trịnh, mặt khác ra sức mở rộng lãnh thổ về phía Nam. Bằng chính sách nội trị mềm dẻo, ngoại giao khéo léo, Nguyễn Hoàng đã thành công trong việc xây dựng thực lực và năm 1570, được lãnh trấn thủ cả vùng đất Thuận Quảng.
Buổi đầu, với chức Trấn thủ việc cắt đặt quan lại của Nguyễn Hoàng chịu sự chi phối của triều đình Lê - Trịnh. Quan lại vẫn do vua Lê bổ nhiệm. Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên nối nghiệp cha, quyết định thải hồi các quan do nhà Lê cắt cử, cải tổ lại bộ máy chính quyền, dời chuyển phủ chúa vào Phước Yên và tổ chức bộ máy ở Chính Dinh gồm 3 ty: Ty Xá (sai giữ việc giấy tờ, kiện tụng), Ty Tướng thần (coi việc thu thuế) và Ty Lệnh sử (giữ việc tế tự và phát lương cho quân lính). Ngoài ra, Chính Dinh còn có thêm Ty Nội lệnh sử coi các loại thuế, hai ty Tả, Hữu lệnh sử chia nhau thu nộp tiền sai dư (thuế thân). Ty Lệnh sử đồ gia (Nhà đồ) giữ việc thu phát vật liệu, quản lý kho. Từ năm 1669, Nguyễn Phúc Tần đặt thêm Ty Nông lại để coi thu thuế điền thổ.
Cho đến giữa thế kỷ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ cả vùng rộng lớn từ Nam Hoành Sơn đến mũi Cà Mau, Đàng Trong chia thành 12 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu Dinh, Chính Dinh (Phú Xuân), Quảng Nam, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và 1 trấn là Hà Tiên. Mỗi dinh quản hạt 1 phủ (riêng Quảng Nam quản 3 phủ), dưới phủ có huyện, tổng, xã (hay phường). Chỉ có Chính Dinh mới có đủ cơ cấu 3 ty, các dinh khác có 1 hoặc 2 ty.
Sau khi chúa Nguyễn Hoàng mất, đời con cháu của ông vẫn được nhà Lê phong chức, đến năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, thành lập triều đình, đổi Ký lục thành Lại bộ, Nha úy thành Lễ bộ, Đô tri làm Hình bộ, Cai bạ làm Hộ bộ, đặt thêm Binh bộ và Công bộ, đồng thời đổi văn chức làm Hàn lâm viện. Vậy là các thay đổi lớn về chính quyền đều diễn ra trên đất Thừa Thiên Huế với tư cách là Chính Dinh.
Các đơn vị cơ sở ở Thừa Thiên Huế và cả Đàng Trong bấy giờ biến động và thay đổi luôn do quá trình khai hoang lập làng diễn ra rất mạnh.
Về bổ nhiệm quan lại, nửa đầu thế kỷ XVII, quan lại được bổ nhiệm theo tiến cử, thân tộc. Năm 1646, chúa Nguyễn Phúc Lan bắt đầu định phép thi cử gồm 2 cấp: Chính đồ (khoa thi lấy người đậu ra làm quan) và Hoa văn (khoa thi lấy học trò viết chữ tốt ra làm lại). Ngoài ra, chúa Nguyễn còn sử dụng chế độ mua quan, bán tước và không cấp bổng lộc cho quan lại, bổng lộc của quan lại phần nhiều do dân đóng góp.
Xây dựng vùng đất Đàng Trong trong bối cảnh phải đương đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài và tự mở mang thêm lãnh thổ nhằm tạo thế lực nên Nguyễn Hoàng và các chúa kế nghiệp đã xây dựng một thể chế đậm tính quân sự, lấy quân đội làm chỗ dựa và ưu tiên việc binh. Từ đầu thế kỷ XVII, người Đàng Trong đã học được cách đúc súng và trang bị cho thuyền chiến.
Phương thức tổ chức chính quyền, quân đội như vậy đã tạo cho Đàng Trong có bước chuyển biến nhanh, đạt được ý đồ xây dựng cơ đồ của họ Nguyễn. Tuy nhiên nó cũng nhanh chóng bộc lộ những hạn chế làm cho bộ máy cồng kềnh, trở thành gánh nặng đối với nhân dân và xã hội.
Dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn, vùng đất Thừa Thiên Huế nhanh chóng được khai thác. Đất đai trồng trọt mở rộng thêm, làng xóm được hình thành ở khắp đồng bằng ven biển, vùng đầm phá, gò đồi. So với thời Lê – Mạc, diện tích ruộng đất và làng xã đã tăng lên rất nhiều. Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ là ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền thuộc phủ Triệu Phong có 23 tổng, 234 xã, 23 thôn, 77 phường, 1 giáp, 1 châu và 3 sách.
Bộ mặt xứ Huế từng bước phát triển với tốc độ đáng kể nhất là khi chúa Nguyễn chuyển dinh phủ từ Phước Yên đến Kim Long, xây dựng thủ phủ xứ Đàng Trong với quy mô lớn trên đất Phú Xuân. Xứ Huế chuyển dân từ làng quê thành phố chợ, cảng thị tấp nập tàu bè các vùng, các nước đến buôn bán, Điều đó làm cơ sở cho việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp. Sự chuyển biến về kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng đến văn hóa Huế, với vị trí là “thủ phủ”, phong thái thượng lưu quý tộc cũng đòi hỏi nhu cầu tương ứng với vị thế xã hội. Nếp sống đài các, tao nhã, thanh lịch ảnh hưởng sâu đậm đến các giai tầng, trở thành đặc trưng văn hóa của vùng đất Huế, biểu hiện trong nếp ứng xử, trong ẩm thực, y phục và nghệ thuật.
2. Các thủ phủ của chúa Nguyễn ở Thừa Thiên Huế
Chúa Nguyễn vào Nam xây dựng cơ đồ, tạo lập giang sơn riêng là cả quá trình vận động cam go và biến đổi không ngừng trên nhiều phương diện, trong đó có cả việc xây dựng, củng cố và xác lập thủ phủ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất Đàng Trong. Trong hơn 200 năm thời chúa Nguyễn kể từ khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), đến khi họ Nguyễn phải rời khỏi Phú Xuân (1775), thủ phủ của chính quyền đã trải qua 8 lần thay đổi vị trí:
Sơ đồ Thủ Phủ Kim Long 1636 -1687

- Ái Tử (1558 – 1570);
- Trà Bát (1570-1600);
- Dinh Cát (1600 – 1626);
- Phước Yên (1626 – 1636);
- Kim Long (1636 – 1687);
- Phú Xuân lần thứ nhất (1687 – 1712);
- Bác Vọng (1712 – 1738)
- Phú Xuân lần hai (1738 -1775).
Sơ đồ Thủ Phủ Phú Xuân I (1687-1712)

Mỗi lần di chuyển quy mô xây dựng và vai trò của thủ phủ ngày càng được nâng lên, khẳng định dần về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đồng thời cũng gắn với việc phát triển và vai trò quan trọng của vùng đất Thừa Thiên Huế đối với sự nghiệp của chúa Nguyễn cũng như đối với Đàng Trong.

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử
(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)
3. NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG TRONG TRONG QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC PHƯƠNG TÂY TỪ THẾ KỶ XVI ĐẾN THẾ KỶ XVII
NGUYỄN VĂN TẬN
HOÀNG THỊ ANH ĐÀO 
Thế kỷ XV - XVII, các nước phương Tây bước vào thời kỳ tích lũy nguyên thủy tư bản, những cuộc phát kiến địa lý đã mở ra một cuộc “cách mạng thương mại” thực sự ở châu Âu và đưa đến việc thiết lập mạng lưới giao thông mậu dịch hàng hải xuyên đại dương nối liền châu Âu với phương Đông.
Mạng lưới giao thông mậu dịch hàng hải xuyên đại dương được hình thành đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kiếm lời của thương nhân nhiều quốc gia Tây Âu có nền kinh tế công thương nghiệp phát triển như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... tìm đến nhiều vùng đất ở phương Đông để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Sự tham gia đồng thời của nhiều nước phương Tây vào thị trường khu vực đã làm cho hoạt động thương mại của các nước trong khu vực đổi sắc.
Ở Đông Nam Á, nhiều nước đã tiến hành mở cửa giao thương với các nước phương Tây như Siam, Indonesia và bán đảo Malacca là cơ hội để cho Đàng Trong tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế. Trong thời gian đầu, khi Đàng Ngoài thực thi chính sách đóng cửa trong quan hệ với các nước phương Tây thì Đàng Trong lại thực thi chính sách ngoại thương cởi mở. Trong lĩnh vực đối nội, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong tạo điều kiện cho thương nghiệp phát triển và có chính sách bảo hộ đối với một số mặt hàng do chính người Đàng Trong sản xuất. Trong lĩnh vực đối ngoại, các chúa Nguyễn không những khuyến khích thương nhân nước ngoài đến buôn bán mà còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các thương nhân phương Tây. Chính nhờ chính sách ngoại thương thông thoáng của các chúa Nguyễn mà việc buôn bán Đàng Trong ngày càng phát triển và hình thành nên những thương cảng nổi tiếng, trong đó tiêu biểu là thương cảng Hội An.
Trong số các nước phương Tây, Bồ Đào Nha là nước đầu tiên có mặt ở Đàng Trong. Theo Booc-Vút (Birdwood), người Bồ Đào Nha tiến hành các hoạt động giao lưu buôn bán với Đàng Trong vào khoảng năm 1540, thương nhân Bồ Đào Nha từ Macao hoặc Nam Dương (Indonesia) đến Hội An vào tháng chạp hoặc tháng giêng bán, mua hàng như tơ, lụa, hồ tiêu, gỗ quý, thông qua các đại lý người Hoa hay người Nhật ở Hội An rồi quay thuyền về các căn cứ trên (Macao, Nam Dương). Điều cần nhận thấy ở đây là để thiết lập quan hệ buôn bán với các nước châu Á, Bồ Đào Nha đã xây dựng nên hệ thống thương điếm trên toàn cõi châu Á nhằm tạo ra một mạng lưới thương mại hùng mạnh vào thế kỷ XVI. Tuy nhiên đối với Việt Nam, Bồ Đào Nha không thiết lập hệ thống thương điếm cho nên mọi quan hệ giao lưu buôn bán đều thông qua môi giới trung gian để gom hàng hoá hoặc giao dịch. Điều đáng lưu ý là các thương nhân Bồ Đào Nha không để lại người thường trực ở Hội An nhưng lại muốn độc quyền buôn bán với Đàng Trong. Để làm việc đó, các thương nhân Bồ Đào Nha tìm mọi cách để lấy lòng chúa Nguyễn, gửi tặng các đồ vật, và thường xuyên cạnh tranh với Hà Lan, thậm chí họ còn đề nghị chúa Nguyễn không nên buôn bán với người Hà Lan, tuy nhiên chúa Nguyễn không đồng ý mà vẫn thiết lập buôn bán với người Hà Lan. Trước tình hình như vậy, Bồ Đào Nha càng hướng sự quan tâm đến các hoạt động giao lưu buôn bán với Đàng Trong. Từ năm 1640 trở đi, quan hệ buôn bán giữa Bồ Đào Nha với Nhật Bản ngày càng giảm, trong khi đó quan hệ buôn bán với Đàng Trong lại được tăng cường. Những sản vật mà các thương nhân mua của Đàng Trong là tơ vàng, một số trầm hương, kỳ nam và một ít benzoin. Đổi lại, các thương nhân Bồ Đào Nha mang súng ống, diêm tiêu, kẽm, đồng... có thợ kỹ thuật đi cùng để bán lại cho Đàng Trong. Người Bồ Đào Nha đã dạy cho chúa Nguyễn kỹ thuật đúc súng nên được các chúa Nguyễn sủng ái và nể trọng. Sở dĩ như vậy là vì, thời kỳ này xảy ra cuộc chiến tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài nên chúa Nguyễn rất cần mua súng đạn từ xưởng đúc súng của Bồ Đào Nha ở Macao. Điều cần nhận thấy là trong số các thương cảng của Đàng Trong thì Hội An được coi là một trong những thương cảng sầm uất nhất. Hội An là trung tâm tập trung và phân phối hàng hoá, là nơi xuất khẩu một số sản phẩm địa phương như kỳ nam và vàng, trong đó kỳ nam là một thứ dầu quý được các thương nhân Bồ Đào Nha ưa chuộng “Kỳ nam hương màu đen, có dầu và giá 50 cruzados một catty nơi người Bồ Đào Nha, trong khi tại chính nơi sản xuất, nó trị giá ngang với bạc, bao nhiêu kỳ nam hương là bấy nhiêu bạc”[1].
Có thể khẳng định rằng Đàng Trong đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Bồ Đào Nha đến giao lưu buôn bán trong đó có cả việc cho phép các thương nhân Bồ Đào Nha xây dựng những cơ sở kinh doanh ở Hội An, cho phép lập phố, xây kho như các thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc. Song do phương thức buôn bán của Bồ Đào Nha chủ yếu thông qua môi giới trung gian hoặc giao dịch nên Bồ Đào Nha không có cơ sở vững chắc tại Đàng Trong. Với tư cách là những người phương Tây đầu tiên đến Việt Nam, “người Bồ Đào Nha đã cậy có một nền hàng hải khỏe vào bậc nhất và hung hăng đến chiếm đất đai để buôn bán”[2]. Mặc dù các thương nhân Bồ Đào Nha mua đuợc nhiều hàng hoá rẻ của Đàng Trong nhưng họ đến Đàng Trong không đại diện cho bất kỳ công ty nào và không cư ngụ tại đó nên vị thế của Bồ Đào Nha ở Đàng Trong về sau bị suy giảm. 
So với Bồ Đào Nha, thì các thương nhân Hà Lan đến Đàng Trong vào thời điểm muộn hơn rất nhiều. Năm 1601, người Hà Lan đã đến Đàng Trong, đặt chân đến Hội An để buôn bán. Nguyên nhân để các thương nhân Hà Lan đặt chân đến Đàng Trong là do phải duy trì nền thương mại nội Á, trong đó việc thu mua bạc Nhật là yếu tố quyết định để các thương điếm phương Đông duy trì hoạt động. Dù có nhiều cố gắng nhưng Công ty Đông Ấn Hà Lan có trụ sở chính đóng tại Batavia ở Indonesia vẫn không cung cấp đủ vốn cho thương mại châu Á nên đến đầu thế kỷ XVII, hoạt động trao đổi bạc lấy tơ lụa là trọng tâm trong hoạt động thương mại của các Công ty Đông Ấn châu Âu ở khu vực Viễn Đông. Trước khi người Hà Lan thâm nhập, buôn bán với Đàng Trong thì người Bồ Đào Nha đã triển khai lấy lụa Trung Quốc đổi bạc Nhật. Vì vậy, để có được bạc Nhật cho mạng lưới buôn bán nội Á, Công ty Đông Ấn Hà Lan cần tơ lụa Trung Quốc. Do không thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, Công ty Đông Ấn Hà Lan buộc phải mua tơ lụa Trung Quốc tại các cảng thị trung chuyển như Hội An.
Bảng 1. Loại tiền đúc VOC đem đến Đàng Trong (1633-1637)
Năm
Loại tiền
Larack
Sacca- motta
Mito
Nume
Tammary
Không xác định được
Tổng cộng
1633
930
15.420
-
-
-
-
16.530
1634
360
9.724
-
-
-
-
10.084
1635
-
41.625
-
-
-
-
41.625
1636
-
5.585
-
5.250
-
2.865
13.500
1637
-
-
2.505
-
510
21.260
24.275
Tổng cộng
1.290
72.154
2.5.5
5.250
510
24.125
106.014
Những mặt hàng mà người Hà Lan thường mang đến buôn bán là những mặt hàng Đàng Trong cần như đại bác, diêm tiêu, lưu huỳnh; dạ châu Âu loại mịn, màu đỏ và màu sẫm; đồng bạc rénaux như tiền đồng, bạc nén và bạc đúc; hạt tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc; vải bông Ấn Độ, gỗ đàn hương… Đổi lại, người Hà Lan mua tơ lụa và các mặt hàng thổ sản như kỳ nam hương, gỗ quý, tơ lụa, xạ hương, vàng... mang về châu Âu[3]. Trong thời gian đầu các thương nhân Hà Lan cũng được các chúa Nguyễn đón tiếp nồng hậu, thậm chí còn được triều đình ban tặng một số đặc quyền để buôn bán. Năm 1633, theo thư mời của chúa Sãi, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã có ý định đến buôn bán ở Quảng Nam và đến năm 1636, thương điếm của Hà Lan đã được thiết lập ở Hội An phố. Tuy nhiên, quá trình buôn bán giữa Đàng Trong với Hà Lan chỉ diễn ra trong 4 thập niên đầu của thế kỷ XVII, về sau do mâu thuẫn với dân bản địa các thương nhân Hà Lan buộc phải rời khỏi Hội An. Sau nhiều cố gắng của Batavia, nhưng Công ty Đông Ấn Hà Lan vẫn không duy trì được mối quan hệ thương mại với Đàng Trong.
Những chuyển biến chính trị và thương mại khu vực Đông Nam Á đầu thập niên 30 của thế kỷ XVII buộc Chính phủ Batavia chuyển hướng trọng tâm quan hệ thương mại từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài. 
Rõ ràng là, trong hơn một thế kỷ thiết lập quan hệ buôn bán với Bồ Đào Nha và Hà Lan, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thực thi chính sách ngoại thương rộng mở và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan đến giao lưu buôn bán. Trong quá trình diễn ra các hoạt động giao lưu buôn bán giữa Bồ Đào Nha và Hà Lan thường xảy ra cạnh tranh, thậm chí dẫn đến xung đột, nhưng các chúa Nguyễn ở Đàng Trong vẫn thực hiện chính sách cân bằng lực lượng, không dành bất cứ sự ưu tiên nào hoặc cho Bồ Đào Nha hoặc cho Hà Lan. Nhờ vậy, quan hệ giữa Đàng Trong với Bồ Đào Nha và Hà Lan vẫn giữ được sự hòa hiếu dẫu rằng có những thời điểm xảy ra bất đồng. Ngoài ra, trong quan hệ với các nước phương Tây, chính quyền Đàng Trong đã biết sử dụng lợi thế của từng nước để phục vụ cho sự phát triển đất nước. Trong thời kỳ đầu, khi Bồ Đào Nha đang có ưu thế, chính quyền Đàng Trong đã dựa vào Bồ Đào Nha để buôn bán, đến giai đoạn sau khi Bồ Đào Nha suy yếu thì Đàng Trong lại hướng sự chú ý của mình về Hà Lan.
Điều cần nhận thấy là trong hoạt động thương mại giữa Bồ Đào Nha với Đàng Trong, người Bồ Đào Nha không thiết lập các thương điếm như ở Ấn Độ, Macao và một số nước khác trong khu vực mà chỉ sử dụng thương cảng Hội An như một trạm trung chuyển, thu mua hàng hóa để buôn bán với Nhật Bản và duy trì thương mại châu Á. Các thương nhân Bồ Đào Nha đến Hội An mua, bán hàng hóa theo từng thời điểm và không định cư lâu dài, dẫu rằng chính quyền Đàng Trong cho phép họ được lập phố, xây nhà. Ngoài ra, hoạt động buôn bán thương mại của Bồ Đào Nha đối với Đàng Trong không theo mô hình quản lý của các công ty mà chỉ dựa vào sự dũng mãnh và tính chất mạnh mẽ của những người đi biển. Trong khi đó, các thương nhân của Hà Lan lại chú trọng xây dựng các thương điếm, phát triển mạng lưới, hệ thống pháp luật và làm việc dưới sự điều hành và quản lý của Công ty ở chính quốc. Với phương cách đó, mọi hoạt động buôn bán của các thương nhân Hà Lan không chỉ chịu sự giám sát trực tiếp của giám đốc thương điếm mà còn chịu sự quản lý của Toàn quyền công ty ở Batavia. Trong vấn đề này hoạt động thương mại của Hà Lan tỏ rõ tính ưu việt, quy cũ và tổ chức chặt chẽ hơn so với hoạt động thương mại của các thương nhân Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, hoạt động thương mại của các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan vẫn có điểm chung trong việc coi thương cảng Hội An là trạm trung chuyển phục vụ cho mục đích kiếm lời nên mặc dù được chính quyền Đàng Trong cho phép và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan đến giao lưu buôn bán, nhưng do nhiều hoàn cảnh khác nhau nên đến nửa sau những năm 50 của thế kỷ XVII, hoạt động thương mại của Đàng Trong với Bồ Đào Nha và Hà Lan chính thức chấm dứt.
Tóm lại, hoạt động thương mại giữa Bồ Đào Nha và Hà Lan với Đàng Trong thế kỷ XVI – XVII được coi là đỉnh cao trong quan hệ giữa Đàng Trong với các nước phương Tây. Nhờ thiết lập được trạm trung chuyển Hội An mà Bồ Đào Nha và Hà Lan duy trì được mạng lưới buôn bán thương mại nội Á trong suốt hơn một thế kỷ từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII. Đây là một trong những đóng góp hết sức quan trọng của chính quyền Đàng Trong trong quan hệ với các nước phương Tây thời Trung đại. Trên một phương diện khác, hoạt động thương mại của Bồ Đào Nha và Hà Lan đã góp phần phá vỡ nền kinh tế tự cung tự cấp của Đàng Trong, thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa của Đàng Trong phát triển mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện để Đàng Trong tham gia vào quá trình hội nhập thương mại quốc tế. 


…………………………
  1. Litana: Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Trẻ, Hà  Nội, 1999, tr. 119
  2. Thành Thế Vỹ: Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII, XIII và đầu thế kỷ XIX, Nxb Sử học, 1961, tr. 70
3. Litana: Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Trẻ, Hà  Nội, 1999, tr. 124

5. CHÍNH SÁCH RUỘNG ĐẤT CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CHÚA NGUYỄN Ở ĐỒNG NAI - GIA ĐỊNH TRONG THẾ KỶ XVIII
* PGS. Huỳnh Lứa
Như chúng ta đều biết công việc khai khẩn đất đai sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng Nai - Gia Định mới bắt đầu được đẩy mạnh kể từ khi Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh năm 1689 vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh dinh vùng đất này, thành lập phủ Gia Định, thực thi việc quản lý Nhà nước, mang lại tâm lý “an cư lạc nghiệp”của lưu dân người Việt đến làm ăn sinh sống ở đấy. Thế nhưng chỉ khoảng sáu, bảy mươi năm sau, vùng đất này đã trở thành vựa lúa lớn của cả xứ Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vào), Vậy yếu tố gì đã tạo nên sự phát triển nhanh chóng đến mức thần kỳ như vậy của nền kinh tế nông nghiệp ở đây? Qua việc nghiên cứu các tờ liệu lịch sử còn để lại, có thể khẳng định rằng một trong những yếu tố đã tạo nên thành quả to lớn đó chính là chính sách ruộng đất công nhận quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất thông thoáng của các chúa Nguyễn.
Tài liệu còn để lại cho biết phủ gia định do Nguyễn Hữu Cảnh thành lập gồm hai  huyện Phước Long, Tân Bình có cương vực rất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Long An ngày nay. Tên cương vực hết sức rộng lớn đó dân số lúc bấy giờ chỉ có khoảng 4 vạn hộ (hoảng 200.000 người, có nghĩa là sự phân bố dân cư còn rất thưa thớt, do đó đất đai chưa được khai phá bao nhiêu, khiến cho vùng đất này về cơ bản  còn là một vùng đất hoang dã, như Lê Quý Đôn nhận xét trong sách Phủ Biên Tạp Lục – Một cuốn sách được viết vào những năm 70 của thế kỷ XVIII: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, Cửa tiểu trở vào toàn bộ là rừng rậm hàng ngàn dặm”. (1)
Trong điều kiện đất rộng người thưa như vậy, lại xuất phát từ mong muốn mở rộng nhanh chóng công cuộc khẩn hoang vùng này nhằm tăng thêm nguồn cung cấp lương thực cho cả xứ, chính quyền các chúa Nguyễn không những cho phép lưu dân được tự do chiếm đất cày cấy, mà còn thi hành chính sách khuyến khích việc trưng đất khẩn hoang, lập thành ruộng đất tư cho riêng mình. Điều này đã được ghi lại trong nhiều sử liệu như Phủ Biên Tạp lục của Lê Quý Đôn,  Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức (viết vào đầu thế kỷ XIX). Trong  Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn ghi rằng khi thành lập phủ Gia Định năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh đã “Chiêu mộ những dân có vật lực (tức có tài sản – TG) ở các phủ Điện Bàn, Quãng Ngãi, Qui Nhơn xứ Quảng Nam di cư đến chặt cây khai phá trở thành bằng phẳng, đất đai màu mở, cho họ chiếm lấy (TG. Nhấn mạnh), lập thành vườn cau, làm nhà ở”(2) .Trong Gia Định Thành Thông Chí,trịnh Hoài Đức cũng viết “lúc ấy đất đai mở rộng ngàn dặm, dân số hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ những lưu dân từ châu Bố Chính (Quảng Bình –TG) trở vô Nam đến ở khắp nơi, đặt ra phường ấp xã thôn, chia cắt địa phận, cho mọi người phân chiếm ruộng đất, chuẩn bị thuế dinh, điền và lập bộ tịch đinh điền”(3).
Sự dễ dãi trong việc cho phép lưu dân tự tiện chiếm hữu ruộng đất để khai khẩn còn được thể hiện trong việc kê khai ruộng đất trưng khẩn. Điều này được Trịnh Hoài Đức ghi lại rất rõ trong Gia Định Thành Thông chí:”Địa phương Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Khi đầu thiết kế lập ba dinh(4) mộ dân đến ở, có đất ở hạt phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt trấn biên, hoặc có đất ở hạt Trấn biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc chi cả, cốt yếu khiến dân mở đất khẩn hoang chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi” (5).
  Điều cần nhấn mạnh là chính sách khuyến khích dân chúng chiếm đất khẩn hoang dưới hình thức sở hữu tư nhân không phải chỉ được thi hành trong thế kỷ XVIII là lúc chính quyền chúa Nguyễn  mới bước đầu được xác lập ở vùng đất mới mở này, mà còn tiếp tục thực hiện trong cả những thập kỷ đầu thế kỷ XIX là lúc mà quyền thống trị của họ Nguyễn ở đây đã thực sự vững chắc. Bằng chứng là năm 1830, vua Minh Mạng ban hành một chỉ dụ qui định rõ những đất hoang, rừng núi, gò đống, bờ sông, bờ suối, các bờ đường, tóm lại là tất cả đất đai cồn bỏ hoang, chưa được khai khẩn canh tác đều có thể được cấp cho làm tư hữu. Một năm sau, năm 1831, Minh Mạng lại ban hành chỉ dụ mới với những quy định cụ thể hơn: “Quan lại các cấp khắp nơi trong nước đều phải sức cho toàn dân và binh lính bất kể chính hộ hay khách hộ, hãy làm đơn trình xin khai khẩn  cày trồng theo thổ ngơi thích hợp, tất cả những chỗ đất nào còn hoang. Dù trước đó dù công hay tư, ai xin lãnh trưng trước thì được. Sau ba năm tính từ ngày nộp đơn, các quan sở tại kiểm tra thực tình làm tờ trình lên tỉnh. Ba năm tiếp theo nữa, đối với các ruộng đất trồng lúa, ngô, đậu, vừng thì không kể trước đó là công hay tư đều cho người khai khẩn nhận làm của  riêng, cho theo hạng ruộng đất tư bắt đầu thu thuế đã tỏ lòng khuyến khích” (6).
Chính sách cho phép và khuyến khích việc khai khẩn đất hoang dưới dạng tư điền của các chúa Nguyễn trên vùng đất Đồng Nai – Gia Định (ngày nay là Nam Bộ) trong thế kỷ XVIII          tạo điều kiện cho bộ phận ruộng đất tư hữu phát triển nhanh chóng và chiếm tỷ lệ áp đảo trong toàn bộ diện tích khai khẩn được. Không những thế, trong tổng số ruộng đất tư hữu, bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu lớn thuộc sở hữu lớn của giai cấp điền chủ ngay từ rất rất sớm đã chiếm một tỷ lệ trọng cao vì như trên đã nói chính quyền chúa nguyễn ngay khi mới thiết lập Phủ Gia Định đã kêu gọi những người “dân có vật lực” (giàu có) từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, qui Nhơn vào khai thác đất đai, từ đó tầng lớp điền chủ hình thành rất sớm và đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng khẩn hoang và tạo ra khối lượng lớn nông sản hàng hóa.
Về tầng lớp điền chủ sở hữu nhiều ruộng đất ở vùng Đồng Nai – Gia Định trong thế kỷ XVIII,  Phủ bên tạp lục của Lê Quí Đôn đã ghi lại như sau:
“Ở phủ Gia Định, Đồng nai Toàn là rừng rậm hàng nghìn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy rồi chiêu mộ những dân có vật lực ở các phủ Điện Bàn, Quãng Ngãi, Quy Nhơn xứ Quảng Nam di cư đến chặt cây khai phá trở thành bằng phẳng, đất đai màu mỡ, họ chiếm lấy làm vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại thu con trai, con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tì… cho chúng lấy nhau, sinh đẻ, nuôi nấng, lớn lên lấy việc cày ruộng làm nghề nghiệp, vì đó mà lúa rất nhiều. Ở các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà có đến 50, 60 điền nô, 300, 400 trâu bò, cày cấy gặt hái rộn ràng không rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xoay giả nữa. Bình thời bán ra Phú Xuân để đổi lấy hàng Bắc như lụa lãnh, trừu, đoạn, áo quần tốt đẹp, ít dùng vải bô”. (7)
Đúng Lê Quý Đôn nhận xét chính vì có sự xuất hiện sớm bộ phận ruộng đất sở hữu lớn của tầng lớp điền chủ mà phần nông sản dư thừa có thể đem bán đã đạt tới một khối lượng rất lớn, đưa tới sự hình thành tương đối sớm nền kinh tế hàng hóa (chủ yếu mua bán lúa gạo) ở đây.
Quả vậy, nhiều sử liệu cho thấy ngay trong thế kỷ XVIII, việc mua bán lúa gạo đã là một hoạt động quan trọng nếu không nói là chủ yếu trong hoạt động doanh thương ở đây,  hàng năm, nhất là sau các vụ lúa, nhiều thuyền buôn kể cả trong nước và nước ngoài đến thu mua thóc gạo ở các cảng rất tấp nập. Người ta bán gạo đến tận Quảng Nam, Thuận Hóa và bán ra cả ngoại quốc (Hồng Kông, Xingapo…).
Theo nhận xét của Lê Quý Đôn thì sản xuất nông nghiệp ở Gia Định (chỉ Nam Bộ nói chung) là “nhất thóc nhì cau” và nguồn gạo chở từ Gia Định ra là nguồn cung cấp lương thực chính cho vùng Quảng Nam – Thuận Hóa, do đó có nhiều người đã nhận xét nếu tách khỏi nguồn gạo của Gia Định thì vùng Quảng Nam – Thuận Hóa chẳng biết sẽ sống bằng cách gì. Như Trong Phủ Biên Tạp Lục Lê Quý Đôn đã viết như sau” “Ngày trước việc buôn bán với xứ Đồng Nai được lưu thông thì tại kinh thành Phú Xuân, giá gạo một hộc mười thăng chỉ có ba tiền đồng, mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một tháng, cho nên nhân dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc làm nghề nông. Ngày nay thành Quy Nhơn bị loạn lạc (chỉ cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn – TG), thành Gia Định bị núi cách sông ngăn, nên nhân dân ở đây lấy việc thiếu ăn làm điều lo lắng lớn” (8). Giáo sĩ nhận xét: “Mỗi năm từ Đồng nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng này mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng” (9)
Như vậy, qua những điều trình bày trên, có thể kết luận rằng chính là nhờ chính sách khuyến khích và bảo hộ quyền chiếm hữu ruộng đất để khai khẩn đối với người dân của các chúa Nguyễn mà công cuộc khẩn hoang ở đây đã mở rộng rất nhanh và sản xuất nông nghiệp sớm đi vào sản xuất lớn, đưa tới hình thành một nền kinh tế hàng hóa phát đạt với thị trường nông sản hàng hóa dồi dào. Đó là mặt tích cực của chính sách ruộng đất – thừa nhận quyền chiếm dụng ruộng đất của họ Nguyễn. Tuy nhiên chính sách này cũng có mặt hạn chế của nó. Đó là sự hình thành và ngày càng mở rộng bộ phận ruộng đất thuộc sở hữu lớn của tầng lớp điền chủ dựa vào thế lực kinh tế và đôi khi cả thế lực chính trị, thông qua các phương thức cho vay nặng lãi, cầm cố, cưỡng đoạt, thôn tính dần những đất đai thuộc sở hữu nhỏ nông dân, đẩy nông dân nghèo vào tình cảnh mất đất, không còn phương tiện sinh sống, xã hội nông thôn phân hóa thành hai cực đối kháng nhau, khiến cho xã hội nông thôn mất ổn định, đấu tranh giai cấp phát sinh. Điều này đã được phản ảnh rất rõ ngay trong chính sử triều Nguyễn. Như trong Minh Mệnh chính yếu có ghi lại lời tâu của Tỉnh thần Gia Định năm 1840 như sau: “Trong hạt không có ruộng công, các nhà giàu bao chiếm ruộng tư đến ngàn trăm mẫu, dân nghèo không được nhờ cậy (10).
Chính sách ruộng đất của chính quyền họ Nguyễn thực thi ở vùng Đồng Nai – Gia Định trong thế kỷ XVIII và nữa đầu thế kỷ XIX đã để lại cho chúng ta bài học lịch sử sâu sắc. Bài học lịch sử có thể tóm tắt như sau: Để mở rộng nhanh chóng việc khai khẩn đất đai và phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, làm ra nhiều nông sản hàng hóa thì cần phải khuyến khích việc chiếm dụng và khai thác đất đai dưới nhiều qui mô khác nhau kể cả quy mô lớn, nhưng đồng thời phải chú ý ngăn ngừa sự phân hóa theo hai cực trong xã hội nông thôn nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của đông đảo nhân dân nhất là nông dân nghèo một khi họ chưa có phương tiện sinh sống nào khác ngoài nông nghiệp.
1. Phủ Biên Tạp Lục Q.IV, tờ 243a.
2. Phủ Biên Tạp Lục. Tập I. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1977, tr. 345.
3. Gia Định Thành Thông Chí.  Tập trung, Sài Gòn, 1972, tr. 12
4. Ba Dinh là Trấn Biên. Phiên Trấn và Long Hồ.
5. Gia Định Thành thông Chí, Sđđ., tr.12.
6. Đại Nam hội điển sự lệ. Tập 4. Q. 40. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr. 114
7. Phủ Biên Tạp Lục Sđđ. , tr. 345   
8. Phủ Biên Tạp Lục. Tập 1, Sđđ. , tr. 252 – 253.
9. A. Launay,  Histoire đe la mission de cochinchine (1658 – 1823). Paris, 1923 . Tome III. Documents historisques.
10. Minh Mệnh chính yếu tập III,  Q. 9.  Bản dịch của Võ Khắc  Văn, Lê Phục Thiện, Sài Gòn, 1974, tr.94.

6. THƯƠNG NHÂN NHẬT BẢN VỚI THƯƠNG CẢNG HỘI AN
TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Theo sử sách, mốc hình thành thương cảng Hội An được ghi nhận từ đầu thế kỷ 16. Tuy nhiên, ít người biết rằng việc ra đời điểm giao thương quốc tế đầu tiên của vùng đất Đàng Trong này lại gắn với giai đoạn biến đổi lịch sử ở một đất nước cách xa hàng ngàn dặm: Nhật Bản.
Bắt đầu từ năm 1600, lịch sử xứ sở hoa anh đào đã có một trang khá đặc biệt, ngôi vị Thiên hoàng chỉ mang tính nghi thức, còn quyền điều hành đất nước thực sự thuộc về cácshogun (tướng quân) theo thể chế Mạc phủ.
Để chấn chỉnh nền ngoại thương Nhật Bản, chính quyền Mạc phủ đã ban hành chế độ shuinsen(châu ấn thuyền), bắt đầu từ năm 1602 kéo dài cho đến năm 1635. Theo đó, Mạc phủ thực hiện việc cấp phát shuinjo (châu ấn trạng), một loại hộ chiếu thương mại, cho các thuyền buôn Nhật Bản có hoạt động giao thương ở hải ngoại. Chủ trương này nhằm tập trung quyền kiểm soát mậu dịch hàng hải vào tay Mạc phủ và diệt trừ nạn hải tặc đang hoành hành ở vùng biển Ðông Á. Chính sách này đã tạo điều kiện cho tàu bè Nhật Bản lan toả khắp vùng biển tây nam Thái Bình Dương và cuốn hút tàu bè từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới đến buôn bán với Nhật Bản.
Chính sách này còn liên quan đến một cơ hội từ phía Trung Quốc, do nhà Minh đã ban hành chính sách bế môn toả cảng từ năm Hồng Vũ thứ 4 (1371), nghiêm cấm người Hoa giao thương hàng hải với các nước khác. Lệnh cấm này đã khiến cho một số mặt hàng thông thương truyền thống giữa Trung Hoa và Nhật Bản như tơ lụa, gốm sứ... bị cấm vận. Do đó, thương thuyền Nhật Bản phải tìm mua những mặt hàng thay thế ở các nước khác như: Đại Việt, Ấn Ðộ, Xiêm La; hoặc dùng hải cảng của các nước này để trung chuyển hàng hóa giữa Nhật Bản và Trung Hoa. Ðiều này khiến cho các cảng thị ở vùng biển Ðông Nam Á trở thành những mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thương đường biển giữa Nhật Bản và Trung Hoa và ngược lại. Theo nhà sử học người Nhật Bản Shieru Ikuta thì vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, “một mạng lưới thương mại hàng hải quốc tế mới được mở ra, nó xuất phát hoặc từ Hirado hay Nagasaki ở Nhật, hoặc thẳng tới Ma Cao, hay qua một số cảng thị nằm ở phía bắc của vĩ tuyến 10 độ bắc tới Trung Hoa. Trên con đường này, đoạn giữa Nhật Bản và các cảng thị (ở Ðông Nam Á) được các tàu Nhật phụ trách, còn đoạn từ các cảng thị tới Trung Hoa do thuyền bè của người Hoa đảm nhiệm. Các cảng thị này, như Ayuthya, Pinhalu, Phnompenh hay Hội An và các cảng kề cận khác đều nằm ở rìa bắc của mạng lưới đường hàng hải quốc tế và đóng vai trò trung gian giữa vùng biển Ðông Nam Á và Trung Hoa”.
Trong khi đó, do yêu cầu xây dựng tiềm lực chính trị - kinh tế - quân sự lớn mạnh để mưu định việc lớn, chúa Nguyễn, trước tiên là Nguyễn Hoàng, sau đó được kế tục bởi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thực thi một chính sách ngoại thương mở cửa ở Đàng Trong. Một số vị trí có giá trị thương cảng đã được các chúa cho phép thành lập, trong đó có  Hội An. Với vị trí nằm cạnh sông Thu Bồn, liền ngay với cửa Đại, được che chắn bởi tiền cảng Cù Lao Chàm, đón được thuyền bè đi từ biển vào Cửa Đại lẫn Cửa Hàn (vịnh Đà Nẵng), lại nằm không quá xa thủ phủ chúa Nguyễn ở Thuận Hóa, dễ liên lạc mà cũng dễ phòng thủ, Hội An đã nhanh chóng khẳng định giá trị của một thương cảng quốc tế đắc địa. GS. Kawamoto Kuniye, người Nhật Bản, nhận xét: “Đó là biểu lộ nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn, trước thời đại mới và trong lãnh thổ Quảng Nam, có một đô thị quốc tế là Hội An, nơi có phong cách quốc tế mới mà mà chúa Nguyễn mới (Nguyễn Phúc Nguyên) tự xưng là An Nam Quốc Vương, muốn phát triển hệ thống ngoại giao đối với các nước, trong đó có Nhật Bản”.
Đặc biệt, do Hội An nằm ở Đàng Trong, không quá gần Hoa lục nên các khách thương người Hoa có thể lén lút cập bến mua bán mà không sợ bị bắt bớ, trừng phạt do lệnh bế môn tỏa cảng của Minh triều. Nhờ hội đủ các yếu tố đó mà Hội An trở thành nơi thu hút các thương nhân Hoa kiều và Nhật Bản đến buôn bán và sinh sống. Từ đó, mà khai sinh ra các phố Nhật, phố Khách (vào trước năm 1618). Theo sau là người Bồ Đào Nha, rồi người Hà Lan lần lượt tìm đến, lập các thương điếm để buôn bán lâu dài trên đất Hội An.
Trong số 354 shuinjo mà Mạc phủ Tokugawa cấp cho các thương thuyền Nhật Bản ra nước ngoài buôn bán trong khoảng thời gian 1604 - 1634, có 130 shuinjo được cấp cho các thương thuyền trực tiếp buôn bán với Đại Việt, trong đó, có 86 shuinjo cấp cho các thương thuyền đến Hội An, chiếm tỉ lệ 66%.
Một trong những mặt hàng được các thương nhân Nhật Bản buôn bán và trung chuyển ở Hội An chính là đồ gốm sứ. Một học giả Nhật Bản khác là GS. Hasebe Gakuji cho biết “kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở Nhật Bản vào thế kỷ 14 còn kém xa so với kỹ thuật Việt Nam”.Vì thế, cho đến đầu thế kỷ 16, người Nhật vẫn nhập khẩu nhiều đồ gốm sứ Việt Nam, trong đó ngoài nhu cầu sử dụng còn có mục đích tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm gốm sứ của người Việt Nam. Vì chưa sản xuất được gốm sứ chất lượng cao nên, các tàu buôn Nhật Bản đã mua nhiều sành sứ từ Trung Quốc và Việt Nam. “Các chuyến thương thuyền shuinsen của Nhật Bản đã đến Việt Nam mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa, đồng thời còn mua một số lượng lớn đồ gốm sứ Việt Nam. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn cất giữ ở Nhật Bản... Loại đồ sứ Việt Nam tiêu biểu hiện còn giữ tại Nhật Bản là những chiếc hoa xanh có hình, là báu vật của gia đình tướng quân Tokugawa. Loại sứ nổi tiếng thứ hai là loại chén uống trà “An Nam hồng” của gia đình Owari Tokugawa”. Nhiều thương nhân người Nhật đã tìm mua những chiếc bình đựng nước hình hoa sen vì nó phù hợp với bộ đồ trà trong môn phái trà đạo Nhật Bản. GS. Hasebe còn khẳng định “đã có tư liệu quý có thể xác định con đường đưa (đồ sứ Việt Nam) vào Nhật Bản. Vào hồi đầu shuinsen buôn bán thịnh vượng, nhiều người Nhật đã nhiều lần đến Hội An và đã ở lại một thời gian, trong đó có gia đình thương nhân Osawa Shirozaemon, hiện nay vẫn còn giữ mấy loại đồ sứ Việt Nam”. Bằng các nguồn tư liệu có kiểm chứng, TS. Đỗ Bang cũng đã đưa ra kết luận: “Trong các mặt hàng mua ở Hội An của thương nhân Nhật Bản có cả đồ gốm được sản xuất tại chỗ (tức gốm Thanh Hà)”.
Việc xuất nhập gốm sứ của người Nhật qua thương cảng Hội An đã diễn ra theo hai thời kỳ: thời kỳ đầu (từ cuối thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 16), Hội An xuất đồ gốm sứ trong nước, có nguồn gốc từ các vùng Bát Tràng, Chu Đậu... sang các nước Đông Nam Á hải đảo và Nhật Bản. Thời kỳ sau (từ cuối thế kỷ 16 đến thế kỷ 18) thì Hội An lại là nơi nhập cảng đồ sứ từ Trung Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam.
Tại sao có sự kiện trái ngược như thế? Nguyên nhân là do chính sách bế môn tỏa cảng của Minh triều kéo dài trong gần 200 năm. Điều này đưa đến một kết quả là hoạt động mậu dịch của các thương nhân Trung Hoa bị hạn chế rất nhiều, buôn bán đồ gốm của Trung Quốc xuống mức rất thấp. Trong bối cảnh đó, đồ gốm Đại Việt đã thay thế và tăng lên. Trước nay Nhật Bản vẫn nhập đồ gốm từ Trung Hoa nhưng do lệnh cấm của Minh triều, nên họ phải quay sang tìm mua đồ gốm của Đại Việt và Xiêm La. Đó là lý do tại sao trong nhiều di chỉ khảo cổ học ở Nhật Bản đã tìm thấy nhiều gốm sứ của Đại Việt và Xiêm La có niên đại thế kỷ 15 - 16.
Đến triều Long Khánh (1567 - 1572), nhận thấy lệnh bế môn tỏa cảng đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Hoa, nhất là nền thương mại hàng hải, nên Minh triều đã bãi bỏ lệnh này vào năm 1567. Các thương nhân người Hoa đã xúc tiến trở lại việc giao thương với thế giới bằng đường biển. Nhờ vậy mà lượng gốm sứ Trung Hoa xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ, tái chiếm thị phần đã mất trước đây. Thuyền buôn nước ngoài quay lại với nguồn gốm sứ mậu dịch Trung Quốc. Đến đây thì các thương cảng của Đại Việt, trong đó có Hội An, lại trở thành các trạm dừng chân cho các con tàu buôn nước ngoài, kể cả thương thuyền Nhật Bản. Và Đại Việt cũng trở thành một nước nhập khẩu đồ sứ Trung Quốc qua các thương cảng trên. Những đồ sứ ký kiểu mang các hiệu đề Nội phủ thị trung, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị đông, Nội phủ thị đoài, Nội phủ thị hữu, Khánh xuân, Khánh xuân thị tả... mà vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, ký kiểu tại Trung Hoa; những đồ sứ vẽ các phong cảnh xứ Huế như núi Túy Vân, cửa bể Tư Dung, Ải Vân, chùa Thiên Mụ... do chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong ký kiểu, chính là những minh chứng cho thực trạng trên. Ngoài đồ sứ Trung Hoa, Đại Việt cũng nhập khẩu đồ sứ của Nhật Bản. Các cuộc khai quật trong những năm gần đây ở Hội An, Thanh Hà (Thừa Thiên Huế), Nước Mặn (Bình Định) đã phát hiện rất nhiều đồ gốm Hizen của Nhật Bản là minh chứng cho nhận định này.  
Về mặt khảo cổ, thập niên 90 của thế kỷ 20 ghi nhận việc phát hiện và khai quật nhiều con tàu đắm chở đầy gốm sứ trên vùng biển Việt Nam: con tàu đắm phát hiện và khai quật ở Hòn Cau trong những năm 1990 - 1992, chở hơn 60.000 món gốm sứ Trung Quốc, chủ yếu thuộc đời Khang Hi (1662 - 1722); con tàu đắm phát hiện ở Hòn Dầm (Phú Quốc, Kiên Giang) vào năm 1991 chở khoảng 10.000 món đồ gốm Sawankhalok (Thái Lan) có niên đại vào cuối thế kỷ XV; con tàu đắm phát hiện ở Bà Rịa - Vũng Tàu chở đồ gốm Việt Nam thế kỷ XIX và ở Khánh Hòa vào năm 1992 chở đồ gốm Nhật Bản niên đại thế XIX; con tàu phát hiện ở Hòn Bà vào nằm 1992 chở đồ gốm Việt Nam thời Nguyễn; vụ phát hiện và khai quật tàu cổ Bình Thuận chở đồ gốm Chương Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) thời kỳ mạt Minh sơ Thanh; vụ phát hiện và khai quật con tàu chở đồ gốm sứ Trung Quốc đời Ung Chính (1723 - 1735) của các lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây), Đức Hóa (Phúc Kiến) và Quảng Châu (Quảng Đông) ở vùng biển Cà Mau trong hai năm 1998 - 1999... và nhất là việc phát hiện và khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm, ngay trước cửa ngõ Hội An, với hơn 240.000 hiện vật gốm Việt Nam thời Lê - Mạc, càng làm sáng tỏ hơn vấn đề con đường gốm sứ trên vùng biển tây nam Thái Bình Dương. Trong đó, Hội An là một thương cảng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên con đường gốm sứ này.
Nhà nghiên cứu người Nhật, GS. Shigeru Ikuta nhận định: “Chúng đóng vai trò trung gian kép giữa vùng ven biển Đông Nam Á và Trung Hoa, cũng như giữa Nhật Bản và Trung Hoa” trên con đường gốm sứ xuyên Thái Bình Dương trong kỷ nguyên đại thương mại của thế giới (thế kỷ 16 - thế kỷ 17).
Với thực tiễn phát triển như thế, Hội An đã từ một vùng đất yên tĩnh trở thành thương cảng giữ vai trò mắt xích trung chuyển hàng hoá trọng yếu của các thương nhân Nhật Bản.
Cùng với các cảng thị ở Đại Việt như: Phố Hiến, Thanh Hà, Nước Mặn... Hội An tham gia cách tích cực vào việc hình thành nên mạng lưới thương mại hàng hải huyền thoại ở vùng biển Thái Bình Dương, là một phần của cáccon đường gốm sứ, con đường gia vị và nhất là con đường tơ lụa lừng danh một thời.
Vai trò này của Hội An chỉ nhượng bộ cho cảng Cửa Hàn khi các chiến thuyền hơi nước phương Tây xuất hiện trong vịnh Đà Nẵng. Tuy nhiên, giá trị của thương cảng Hội An từ dấu ấn liên kết với người Nhật vẫn sẽ còn in dấu trên mảnh đất này.
T.Đ.A.S.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Shigeru Ikuta, “Vai trò của các cảng thị vùng ven biển Đông Nam Á từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XIX”, Đô thị cổ Hội An, Nxb KHXH, Hà Nội, 1991.
2. Hasebe Gakuji, “Tìm hiểu mối quan hệ Nhật - Việt qua đồ gốm, sứ”, Đô thị cổ Hội An.
3. Đỗ Bang, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII, Nxb Thuận Hóa và HKHLSVN xuất bản, Hà Nội, 1996.
4. Aoyagi Yoji, “Đồ gốm Việt Nam đào được ở quần đảo Đông Nam Á”, Đô thị cổ Hội An.
5. Shigeru Ikuta, “Vai trò của các cảng thị vùng ven biển Đông Nam Á từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến đầu thế kỷ XIX”, Đô thị cổ Hội An.
CHÚ THÍCH ẢNH
Ảnh 01. Shuinsen của Nhật Bản vào thời kỳ Mạc phủ.
Ảnh 02. Chùa Cầu, di tích liên quan đến người Nhật, biểu tượng của Hội An ngày nay.
Ảnh 03. Phố cổ Hội An.
Ảnh 04. Góc phố Hội.


7. Chúa Nguyễn Phúc Chu và ý thức chủ quyền lãnh thổ

Hội thảo khoa học “Quốc chúa – Bồ tát Nguyễn Phúc Chu và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước” khai mạc tại TP.HCM hôm 22-8 do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam – Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu tôn giáo – Viện Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức.
Hội thảo có hơn 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành sử học và Phật học của cả nước, cùng tập trung vào ba chủ đề chính: Vấn đề sử học thời các chúa Nguyễn; Sự nghiệp quốc chúa – Bồ tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725); Sự nghiệp phát triển văn hóa và xiển dương đạo Phật dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
Chúa Nguyễn Phúc Chu và ý thức chủ quyền lãnh thổ
Thanh giới đao do vua Tự Đức ban tặng trụ trì chùa Quốc Tự Diệu Đế – Ảnh: L.Điền
Trong hành trình Nam tiến của lịch sử Việt Nam, chúa Nguyễn Phúc Chu (triều Nguyễn truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh hoàng đế, là đời chúa thứ 6 của Ðàng Trong) được ghi nhận là người có công lớn trong việc mở mang, phát triển và ổn định đất nước ở Ðàng Trong vào thế kỷ 17-18.
Báo cáo đề dẫn của Viện Nghiên cứu tôn giáo ghi nhận công trạng của ông: “Trong thời gian tại vị, ngoài thành công trong việc mở rộng bờ cõi, ngài còn có rất nhiều công lao trong việc xây dựng đời sống tư tưởng/ tâm linh, đặc biệt là Phật giáo ở Ðàng Trong. Ngài đề ra chủ trương “cư Nho mộ Thích”, kế thừa một cách sáng tạo chủ trương của vua – Phật Trần Nhân Tông “cư trần lạc đạo” ở thế kỷ 13. Ngài cũng là người bảo trợ cho sự phát triển các đền, chùa ở Ðàng Trong…”.
Các tham luận của giới sử học như nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu, Nguyễn Khắc Thuần, TS Trần Thị Mai ghi nhận ý thức chủ quyền lãnh thổ của chúa Nguyễn Phúc Chu là rất sâu sắc, thể hiện qua việc tiếp tục tổ chức các đội Bắc Hải ra khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa để khẳng định chủ quyền ở những vùng đảo này. Ông Nguyễn Khắc Thuần dẫn lại ghi nhận trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Ðôn để cho rằng: đến thời Nguyễn Phúc Chu, vị chúa này “đã kiểm soát được Hoàng Sa, Trường Sa, có giấy tờ rõ ràng”.
Về những đóng góp của Nguyễn Phúc Chu trong vấn đề phát triển Phật giáo Ðàng Trong, các nhà nghiên cứu đánh giá cao việc truyền bá Phật giáo Bắc tông vào Việt Nam, với sự kiện mời hòa thượng Thạch Liêm mở giới đàn cho 1.400 tăng ni ở Phú Xuân, đúc chuông Thiên Mụ nặng 3.285 cân vào năm 1710 và ngài đích thân làm bài minh khắc vào chuông.
Hòa thượng Thích Phước Sơn đánh giá cao vai trò của chúa Nguyễn Phúc Chu với việc phát triển tông Tào Ðộng Phật giáo vào Việt Nam; TS Trần Lê Bảo đưa cái nhìn biện chứng về sự song hành của Phật giáo với những triều đại Việt Nam, từ Thái tổ Lý Công Uẩn đến Ngự hoàng Trần Nhân Tông và đến Minh vương Nguyễn Phúc Chu.
Triển lãm di sản văn hóa Phật giáo Đàng Trong
Song song với hội thảo về sự nghiệp chúa Nguyễn Phúc Chu, ban tổ chức hội thảo và Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM phối hợp tổ chức Triển lãm di sản văn hóa Phật giáo Đàng Trong thế kỷ 17-20 khai mạc vào sáng 22-8 và kéo dài đến ngày 28-8.
Triển lãm giới thiệu nhiều hiện vật, cổ vật thuộc dòng văn hóa Phú Xuân có liên quan đến Phật giáo. Trong đó, lần đầu tiên trưng bày các bản dập (thác bản) văn bia chùa Huế, có cả ảnh tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và bản dập trên lụa tấm bia chùa Hà Trung (Gio Linh, Quảng Trị) ghi công trạng Trần Đình Ân – vị quan có nhiều công trạng dưới nhiều đời chúa Nguyễn, bản dập văn bia tháp tổ Liễu Quán, tháp tổ Nguyên Thiều và tranh chân dung của hai vị tổ sư này.
Bên cạnh đó là hệ thống các tượng thờ Phật giáo thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Triển lãm cũng giới thiệu nhiều bản kinh Phật thời Nguyễn như các quyển Hiếu kinh và Chư kinh tập, thủ bút của Viên Giác đại sư vào thế kỷ 19, các sớ điệp, sắc chỉ của các vua Nguyễn ban cho các vị hòa thượng trụ trì ở các quốc tự. Đặc biệt có một thanh giới đao do vua Tự Đức ban tặng trụ trì chùa Quốc Tự Diệu Đế – là hiện vật quan trọng trong giới Phật giáo. Thanh đao này dùng để cạo tóc truyền giới cho người xuất gia như một nghi thức biểu tượng.
Triển lãm cũng giới thiệu một số hiện vật Phật giáo Nam bộ như cuốn kinh được viết trên giấy sậy hay kinh viết trên lá thốt nốt. Đây cũng là những dấu tích của sự phát triển Phật giáo Đàng Trong từ thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn.
THÁI QUYÊN








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét