Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

tư liệu về Chúa Nguyễn, phần 1

tư liệu về Chúa Nguyễn

1. Nhận thức lại về chúa Nguyễn và triều Nguyễn

- GS Phan Huy Lê -
Đi sâu vào thời kỳ Nguyễn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thảo luận, nhưng quan điểm trong hội thảo này sẽ xích lại gần nhau qua không khí học thuật tự do, tranh luận cởi mở, để qua cọ xát sẽ tiếp cận sự thật trung thực nhất.
Đến giờ chúng ta mới tổ chức hội thảo để nhìn nhận, đánh giá lại một thời kỳ lịch sử đã bị ứng xử không công bằng, liệu có muộn không? Nhất là khi, rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã học qua SGK và có cái nhìn lệch lạc, một chiều về các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn.
Nói chậm thì cũng đúng, vì quan điểm phê phán thời kỳ chúa Nguyễn, nhà Nguyễn gần như trở thành quan điểm chính thống. Quan điểm này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1954, đỉnh cao là năm 1960 - 1962, từ đó thành quan điểm ảnh hưởng đến tất cả những công trình nghiên cứu, kể cả sách giáo khoa phổ thông cũng như đại học, dù không có sự chỉ đạo cụ thể nào như thế, nhưng một số cuốn sách được xem là chính thống đưa ra quan điểm đó và nhiều người cứ hướng theo.
Quan điểm này có bối cảnh khách quan, hình thành trong thời kỳ chiến tranh, khi mục tiêu sống còn là dành độc lập và thống nhất tổ quốc. Bối cảnh chính trị đó tác động mạnh đến nhận thức của giới Sử học, nhưng bản thân giới sử học cũng phải chịu trách nhiệm về mặt phương pháp luận.
"Hy vọng hội thảo này gây được chuyển biến khá căn bản trong nhận thức đánh giá, cả về mặt công tích lẫn hạn chế về thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Đứng về phương diện khoa học thì đây là thời điểm chín mùi cho cuộc hội thảo tầm quốc gia, vì đã có quá trình chuẩn bị, vài thập kỷ nghiên cứu..."
Đứng về mặt thời gian là chậm, nhưng trong cái chậm đó có những lý do của nó. Trong suốt thời gian từ 1990 trở về đây có rất nhiều công trình nghiên cứu, trên dưới 20 hội thảo về vấn đề này, nhưng chưa có quy mô quốc gia mà mới là những hội thảo cấp trường ĐH (ĐH Huế, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Sư phạm Hà Nội), cấp Viện hay Trung tâm nghiên cứu. Những hội thảo đó về chủ đề thì chưa tập trung, hoặc chưa đi cả thời kỳ dài, mà thường đi vào một phương diện nào đó, như thảo luận riêng về tình hình bảo tồn di sản văn hóa, tình hình kinh tế và bộ máy quản lý hành chính...
Có những cuộc hội thảo quan điểm xung đột khá gay gắt (nhất là thời kỳ đầu), nhưng tiếng nói của những kết quả nghiên cứu mới càng ngày càng thu hút sự quan tâm của giới khoa học tuy chưa thật sự có hệ thống để khẳng định một xu hướng mới trong nhận thữc.
Hy vọng hội thảo này gây được chuyển biến khá căn bản trong nhận thức đánh giá, cả về mặt công tích lẫn hạn chế về thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Đứng về phương diện khoa học thì đây là thời điểm chín mùi cho cuộc hội thảo tầm quốc gia, vì đã có quá trình chuẩn bị, vài thập kỷ nghiên cứu, để trên cơ sở các thành quả đó, đi tới nhìn nhận có tính chất tổng hợp, hệ thống trên một số vấn đề cơ bản, còn dĩ nhiên một số vấn đề cụ thể còn phải tiếp tục thảo luận, nhưng có định hướng chung.
Nghĩa là, ta chính thức thừa nhận quan điểm phê phán và phủ định trước đây là không khách quan?
Đúng vậy, có thể nhìn thấy những thành tựu rất rõ ràng và to lớn của nhà Nguyễn. Di sản rất lớn không phải của một cá nhân chúa Nguyễn, vua Nguyễn nào, mà của cả thời kỳ lịch sử trên 3 thế kỷ đó để lại là xác lập lãnh thổ toàn vẹn của Việt Nam, trên cơ sở đó đi tới sự thống nhất lãnh thổ trong một quốc gia độc lập. Đây là mốc cực kỳ quan trọng trong lịch sử mỗi quốc gia. Đến giữa TK XVIII thì chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ đến đồng bằng Sông Cửu Long, qua thời Tây Sơn đến Nguyễn Ánh đã thống nhất lãnh thổ trên một quốc gia trải rộng từ Bắc đến Nam, từ đất liền tới hải đảo.
Thứ hai là những thành tựu văn hóa của thời Nguyễn. Có tới 3 di sản văn hóa được công nhận có giá trị toàn cầu thuộc về thời kỳ này: Cố đô Huế, Hội An và Nhã nhạc cung đình Huế. Cố đô Huế tuy thời gian tòn tại chỉ từ 1802 - 1945, trước đó là Phú Xuân của chúa Nguyễn, Phú Xuân của Tây Sơn, nhưng về phương diện khác thì là trung tâm chính trị, văn hóa, quyền lực của một nhà nước Việt Nam thống nhất từ Bắc đến Nam, phản ánh được bước phát triển cao hơn của lãnh thổ quốc gia, quy tụ được các giá trị văn hóa của cả lãnh thổ rộng lớn. Hội An cũng là sản phẩm của thời kỳ này, nhưng là một thương cảng, trung tâm kinh tế, mậu dịch đối ngoại, giao lưu quốc tế trong thời kỳ hội nhập mạnh.
Chưa có Quốc sử quán nào hoạt động hiệu quả như triều Nguyễn, để lại cho ta di sản cực kỳ đồ sộ. Di sản văn hóa chữ viết vô cùng phong phú với khối lượng lớn các bộ quốc sử, địa chí, hội điển, văn bia, châu bản, địa bạ, gia phả... Một phần rất quan trọng nữa là các di sản văn hóa vật thể không những của thời kỳ này mà của cả bao thời đại đều được bảo tồn, trùng tu vào thời Nguyễn, kể cả những di sản lâu đời (có từ thời Lý đến Hậu Lê) như chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc... nhờ đó lưu giữ được nhiều di sản trước Nguyễn.
Tất nhiên đi sâu vào thời kỳ Nguyễn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thảo luận, nhưng quan điểm trong hội thảo này sẽ xích lại gần nhau qua không khí học thuật tự do, tranh luận cởi mở, để qua cọ xát sẽ tiếp cận sự thật trung thực nhất. Ví dụ như công lao thống nhất đất nước là của nhà Nguyễn nhưng còn có vai trò của Tây Sơn? Trước đây có hai xu hướng đối nghịch nhau, có lúc nhìn nhận tất cả công cho nhà Tây Sơn, sau lại phủ nhận Tây Sơn, ghi công hết cho nhà Nguyễn. Cả hai quan điểm cục đoan đều không đúng, vì lịch sử là sự tiếp nối và phát triển trong mâu thuẫn và có lúc có vẻ như nghịch lý.
Thành Gia Định (Sài Gòn) vẽ theo tư liệu của bản đồ Bruyn 1795,
Trần Văn Học 1815
Còn những hạn chế của vương triều Nguyễn thì sao, thưa GS? Nguyễn Ánh có tội hay không, khi đưa quân Xiêm vào để chống lại nhà Tây Sơn? Hay vua Tự Đức có bán nước?
Đúng là trong cuộc đấu tranh chống Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đưa quân Xiêm vào. Trước đây có quan điểm cực đoan gọi đây là hành động "cõng rắn cắn gà nhà", là "bán nước". Đúng là không thể biện hộ cho hành động "không sáng" này trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh, nhưng phải nhìn nhận công bằng. Trong những cuộc đấu tranh bên trong quyết liệt, việc nhờ đến ngoại viện là chuyện thường xẩy ra trong lịch sử. Nhưng điều quan trọng nhất là người cầu ngoại viện phải giữ được độc lập chủ quyền của dân tộc, đưa lại lợi ích cho đất nước, còn nếu cầu viện mà bất lực để mất nước thì có tội lớn.
Trong tình thế của Nguyễn Ánh lúc đó, bị đánh bật khỏi đất Gia Định, lưu vong, nên phải nhờ ngoại viện để chống Tây Sơn. Có thực tế là thế lực Nguyễn Ánh yếu, không kiềm chế nổi quân Xiêm, chính ông đã có lúc than thở: Ta đưa quân Xiêm vào thế này, giờ nó cướp bóc giết hại nhân dân, nhân dân oán thán như vậy, ta được nước còn có nghĩa gì? Cũng có thực tế nữa là quân Xiêm đã bị quân Tây Sơn đánh tan trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Nhưng người ta có thể suy luận rằng, nếu quân Xiêm không bị Tây Sơn đánh bại, thì chắc gì Nguyễn Ánh đã kiềm chế được quân Xiêm, nhất là đặt trong tham vọng của vương triều Xiêm lúc bấy giờ đang muốn khóng chế cả Chân Lạp và Gia Định. Hành động của Nguyễn Ánh là không thể biện hộ được nhưng cần phân tích và đánh giá một cách công minh.
Một vấn đề nữa cũng phải thảo luận, là việc nhà Nguyễn (thời Tự Đức) để mất nước trước cuộc xâm lăng của đế quốc Pháp. Kết luận trước đây cho rằng Tự Đức bạc nhược đầu hàng, phản bội dân tộc là chưa thỏa đáng, chưa khách quan. Ông và triều Nguyễn đã tìm mọi cách giữ vương triều đến cùng, nhưng do năng lực và nhãn quan chính trị nên không đề ra được đối sách đúng để chống kẻ xâm lược hoàn toàn mới, mà lịch sử trước đây chưa để lại kinh nghiệm.
Trong cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á, tất cả các quốc gia đều mất nước, hoặc thành thuộc địa, hoặc thành nửa thuộc địa. Chỉ riêng Nhật Bản và Thái Lan giữ được độc lập. Nhật Bản thời Minh Trị thực hiện cuộc cải cách lớn, nhưng tình hình kinh tế xã hội của Nhật có khác các nước phương Đông, bắt đầu từ TK XVII khi đóng cửa với bên ngoài nhưng bên trong phát triển kinh tế rất mạnh, tạo lập những tiền đề cho công cuộc cải cách.
Thái Lan thì có vị vua rất khôn ngoan, tận dụng được vị thế vùng đệm nằm giữa 2 thế lực đế quốc rất mạnh, Anh ở phía Ấn Độ, Pháp ở phía Đông Dương, lợi dụng được mâu thuẫn và cạnh tranh gay gắt này để duy trì thế độc lập tương đối, thực hiện được đường lối mềm mỏng trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuy cũng có lúc phải chấp nhận sự lệ thuộc nào đó với thế lực đế quốc này hay đế quốc khác nhưng không bị mất nước. Vương triều Thái Lan sau đó cũng cải cách khá mạnh, duy trì chế độ quân chủ nhưng đi vào khuynh hướng phát triển tư bản chủ nghĩa khá sớm. Chỉ hai quốc gia đó thoát khỏi sự xâm chiếm và thống trị của đế quốc phương Tây. Chúng ta cần có cái nhìn so sánh để làm sáng rõ hơn nguyên do mất nước cuối thế kỷ XIX.
Nghĩa là, trong việc mất nước cuối TK XIX không thể phủ nhận trách nhiệm của triều Nguyễn vì là nhà nước quản lý đất nước, nhưng lúc phân tích nguyên nhân mất nước thì phải hết sức khách quan, toàn diện, đặt trong bối cảnh lịch sử mới của khu vực và thế giới, không nên quy kết một cách giản đơn.
Có xu hướng nhìn nhận rằng nhà Nguyễn không "mặn mà" với canh tân, đi ngược lại xu thế của thời đại thì sao, thưa GS?
Hiện nay cũng có vấn đề rất lớn đặt ra, là thái độ của triều Nguyễn trước nhu cầu canh tân, nước ta vào TK XIX trong bối cảnh mới của thời đại thì canh tân là nhu cầu rất bức xúc. Chế độ nhà Nguyễn vẫn là quân chủ, trên hệ tư tưởng Nho giáo, nên trên bình diện phát triển của thời đại đã bộc lộ sự chậm tiến, nếu không canh tân thì không đưa đất nước vượt ra khỏi tình trạng lỗi thời, không đủ tiềm lực để tồn tại độc lập. Canh tân thành nhu cầu quyết định sự tồn vong của đất nước, khi ta phải đầu đương đầu với một thế lực xâm lược hoàn toàn mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc trước đó, đấy là các đế quốc phương Tây ở trình độ cao hơn hẳn ta, chế độ chủ nghĩa tư bản, văn minh công nghiệp.
Trong những đề nghị cải cách thời nhà Nguyễn cần phân biệt làm hai loại. Một loạt cải cách trên nền tảng không có gì đụng chạm tới kết cấu kinh tế xã hội đương thời, như khai hoang, làm thủy lợi, chẩn cứu dân nghèo... nghĩa là một số sửa đổi trên nền tảng bảo tồn của chế độ phong kiến, rất cần thiết nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước phù hợp với xu thế của thời đại..
Có những đề xuất canh tân vượt quá tầm nhìn trên, vươn tới những phát triển cao của thời đại, tập trung chủ yếu thời Tự Đức, như những điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ, ba nhà cải cách có hệ thống nhất. Những cải cách đó không phủ định triều Nguyễn, chưa đụng chạm gì đến sự tồn tại của chế độ quân chủ, những người đề xuất cải cách đều trung thành với vương triều Nguyễn. Họ đề nghị mở cửa thông thưong, học tập công nghệ phương Tây, cải cách giáo dục, củng cố quốc phòng...Những đề nghị canh tân đó sẽ tạo nên những chuyển biến về kinh tế xã hội để đưa đất nước vượt qua tình trạng lạc hậu và mở ra xu thế phát triển mới. Nhưng rất tiếc những đề nghị đó không được chấp nhận.
Trong các vua nhà Nguyễn, người có ý tưởng canh tân cao tương đối sớm với những suy tư về tình hình trong nước và cả tầm nhìn khu vực là Minh Mạng. Ông gửi nhiều phái đoàn ra ngoài, lý do là để mua hàng hóa, nhưng những nơi tới đều là cát cứ xâm lược của phương Tây. Ông có tầm nhìn hướng biển, có những thử nghiệm thành công như đóng tàu chạy hơi nước, dịch nhiều sách kỹ thuật phương Tây ra chữ Hán, mua vũ khí, củng cố hệ thống thành lũy... , rất chủ ý đến việc phòng vệ ven biển. Đó là tầm nhìn chiến lược, nhưng Minh Mạng mới có những ý tưởng chứ chưa cụ thể hóa thành chủ trương chính sách, chưa tập hợp được đội ngũ giỏi trong cận thần, nên ông có vẻ cô đơn.
Còn những vấn đề khác nữa cũng sẽ được đề cập trong hội thảo, nhưng thời gian không cho phép đi sâu, chẳng hạn như về vai trò Nho giáo trong bối cảnh TK 19 thì đánh giá thế nào? Hay việc nhà Nguyễn có những thành tựu trong việc thống nhất đất nước, cải cách bộ máy hành chính tiến bộ,... nhưng lại không thu phục được lòng dân, tình hình xã hội bất ổn định triền miên, khởi nghĩa nông dân nhiều nhất so với các thời kỳ trước đây... Hay chính sách của nhà Nguyễn với tôn giáo thế nào? Còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Nhưng trong hội thảo này, không tham vọng giải quyết quá nhiều vấn đề, mà tập trung vào những vấn đề lớn để tạo sự chuyển biến trong nhận thức, còn những vấn đề khác sẽ tiếp tục nghiên cứu và thảo luận.
So với thời vương triều Nguyễn đang cần sự định hướng lại, thời kỳ chúa Nguyễn có vẻ ít được quan tâm hơn? Tư liệu về các chúa Nguyễn dường như khuyết thiếu?
Thật ra thời kỳ này rất quan trọng. Nước ta trước thời các chúa Nguyễn mới đến dinh Quảng Nam (đơn vị hành chính rộng gồm từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định vào đến Bắc Phú Yên), giữa thế kỷ 16 chúa Nguyễn Hoàng tập trung khai phá vùng đất Thuận Quảng cho sự tồn tại của chính quyền mới, vừa lo đối phó với Trịnh ở Đàng Ngoài. Công cuộc mở rộng vào đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh trong TK XVII, đầu TK XVIII, đến giữa thế kỷ XVIII thì đến toàn bộ vùng đất Nam Bộ hiện nay, xác lập chủ quyền trên vùng đất mới. Những chúa Nguyễn như Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu... tư tưởng không bị Nho giáo ảnh hưởng nặng nề, nên mang tính chất thực tế, cởi mở, khai phóng, cái gì có lợi cho xứ sở của mình, cho sự tồn tại và phát triển của vương triều thì thực thi ngay, không bị ràng buộc.
"Đúng là trước đây ta ít nghiên cứu thời kỳ chúa Nguyễn, nhưng gần đây tập trung khá nhiều, vì nghiên cứu Nam Bộ thì phải đi sâu vào thời các chúa Nguyễn cũng như triều đình nhà Nguyễn... "
Chính Nguyễn Phúc Nguyên đã tạo ra Hội An, trong bối cảnh ở ta không có thành thị tự do kiểu phương Tây, không đất nào mà nhà nước quân chủ không nắm, do đó thị dân rất yếu kém. Phải nói rõ, thị dân ở đây không phải là cư dân đô thị chung chung mà là chỉ tầng lớp cư dân trong đô thị mới, có thân phận tự do, hoạt động nặng về công thương nghiệp, sau phân hóa thành tư sản và dân nghèo thành thị.
Thị dân được quyền tham gia vào quản lý đô thị, hội đồng thành phố... Nước ta không có thành thị tự do, nhưng riêng Hội An có được tính tự quản ở mức độ nhất đinh, hình thành 2 khu phố của người nước ngoài là phố người Nhật và phố người Hoa, trưởng khu do người nước ngoài cử ra, họ được quản lý khu phố đó và phải hoàn thành nhiệm vụ với nhà nước (chủ yếu là thuế), cư dân nước ngoài trong khu phố đó được sống theo tập quán, phong tục, lối sống như tại quê hương. Đó là chính sách cuốn hút người nước ngoài, là chỗ dựa cho những chuyến buôn theo gió mùa, vì ở đây họ là phiên dịch, tích trữ hàng hóa, bán sản phẩm của thuyền buôn chở tới, tạo cơ sở từ bên trong hấp thu lực lượng bên ngoài, làm Hội An sớm trở thành trung tâm mậu dịch quốc tế phát đạt.
Đúng là trước đây ta ít nghiên cứu thời kỳ chúa Nguyễn, nhưng gần đây tập trung khá nhiều, vì nghiên cứu Nam Bộ thì phải đi sâu vào thời các chúa Nguyễn cũng như triều đình nhà Nguyễn...
Thời các chúa Nguyễn thì ít đánh giá trái chiều, chỉ có việc kết tội chúa Nguyễn, Chúa Trịnh là hai thế lực phong kiến cát cứ, chia cắt đất nước. Nhưng không thể nhìn nhận vấn đề đơn giản như thế, vì TKXVI trong nước kinh tế hàng hóa mới phát triển, trị thường cả nước chưa có, giao thông thủy bộ mang tính chất địa phương, nên khả năng quản lý của triều định trung ương ở Thăng Long với dải đất phía Nam rất yếu thì việc xuất hiện các thế lực địa phương là chuyện khó tránh khỏi. Tình hình đât nước từ chỗ thống nhất lâm vào chỗ phân liệt là điều đáng tiếc, nhưng đó là không phải hành vi muốn chia cắt đất nước, mà do điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội bấy giờ, khả năng quản lý của trung ương với lãnh thổ mở rộng, điều kiện giao thông kinh tế chưa gắn kết chặt chẽ.
Liệu ta có chấm dứt được cách nhìn nhận lịch sử theo góc nhìn chính trị? Còn nhiều nhân vật, nhiều triều đại khác phải nhìn nhận lại?
Giờ thì không ai ép buộc, nhưng có "chính trị hóa" hay không thì tùy thuộc vào bản lĩnh và năng lực của các nhà khoa học, có thể giữ vai trò chủ động trong sáng tạo khoa học, và chính những kết quả nghiên cứu khoa học bảo đảm tính khách quan và chân xác đó là những cơ sở khoa học đáng tin cậy để nhà quản lý đưa ra các chủ trương và giải pháp chính trị cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội hữu hiệu nhất. Đấy mới là mới quan hệ đúng đắn giữa khoa học và chính trị.
Sử học là quá trình nhận thức lại lịch sử, vấn đề này chưa xong thì vấn đề khác đặt ra, thời gian vừa qua, không chỉ thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn mà cả thời kỳ nhà Hồ, thời nhà Mạc.. đều được nhìn nhận và đánh giá lại một cách khách quan hơn. Đối với thời kỳ chúa Nguyễn và triều Nguyễn, ngoài mổt số vấn đề cơ bản liên quan đến định hướng nhận thức chung, còn rất nhiều vần đề cần tiếp tục đặt ra và tiếp tục công việc nghiên cứu, thảo luận...
GS có hy vọng, hội thảo lần này sẽ thay đổi định hướng chung cho cách nhìn nhận, đánh giá lịch sử?
Tôi hy vọng hội thảo quy mô lớn, hiện đã có 91 báo cáo khoa học (trong đó có 8 báo cáo của nước ngoài), quy tụ tất cả những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về triều Nguyễn, đại diện cho giới khoa học cả nước, sẽ đưa ra định hướng trong nhận thức về thời kỳ lịch sử của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Sẽ có những vấn đề có thể kết luận được, có những vấn đề chưa hoàn toàn nhất trí nhưng nhận thức có thể xích lại gần nhau, tạo nên nền tảng chung để tiếp tục nghiên cứu. Từ kết quả nghiên cứu về thời kỳ này có thể rút ra những kinh nghiệm để giới sử học nâng cao trình độ lý luận và phương pháp luận trong nghiên cứu lịch sử nói chung.
Xin cảm ơn GS.

2. 'Quyền lực mềm' giúp Chúa Nguyễn mở cõi thành công
Trong cuộc mở cõi trải dài về hạ lưu sông Cửu Long (Sài Gòn bây giờ), chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên là người đặt nền móng vững chắc ban đầu khi biến 2 công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Hoa (con gái chúa) thành thứ "quyền lực mềm" đối với các hoàng đế lân bang.
Đồng lòng vì quốc gia đại sự
Ngọc Khoa và Ngọc Vạn không chỉ xinh đẹp mà còn tài chí, một lòng giúp phụ thân hoàn tất sứ mệnh mở mang cõi Việt.

Năm 1613, Nguyễn Phúc Nguyên lên thay Nguyễn Hoàng. Ông cho cải tổ lại bộ máy theo phiên chế của họ Nguyễn, bắt đầu ly khai chính quyền Lê Trịnh. Lúc này, Hạ lưu sông Cửu Long vốn là một vùng đất mênh mông, hoang vu hứa hẹn nhiều tiềm năng, vị chúa Nguyễn nổi tiếng tinh anh, từ lâu nung nấu sử dụng đường lối “dân đi trước, làng nước theo sau” để mở mang bở cõi. Ông cũng hy vọng biến nơi đây thành kho lương thực, tài sản quí giá cho người dân và “quốc gia” bé nhỏ của mình. Và ông suy tính, chỉ có thể dùng kế mỹ nhân mới ít phải hao tài, tốn lực. 
Đèo Hải Vân. (Ảnh minh họa)
Đúng thời điểm đó, vua Chân Lạp Chey Chetta 2 muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nên xin cưới một công nữ, con chúa Nguyễn, làm hoàng hậu. Chúa Sãi chỉ đợi có thế ưng gả ngay nàng Ngọc Vạn, người con gái thứ 2, cho vị vua lân bang này. Và vào năm 1620, cuộc hôn thú có tầm "chính trị" này đã được thực hiện, có ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp sau này.
Không chỉ dừng lại ở đó, ông cho cô con gái út là Ngọc Khoa, vị công nương út, vốn nổi tiếng đẹp nhất trong các công nương, giả làm người đi buôn vào đất Chiêm Thành. Danh tiếng cô lái buôn xinh đẹp đến tai vua xứ này là Po Romé. Vua lập tức cho mời nàng đến. Vừa trông thấy Ngọc Khoa, Po Romé lập tức say mê, rước về làm vợ và phong tước là nàng Bia Út (hoàng hậu Út).
Giống như chị gái, Ngọc Khoa chấp nhận cuộc hôn nhân này và về sau hết lòng phụng sự công cuộc mở cõi của vua cha.
Quyền lực mềm của những mỹ nhân
Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) là vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong (ở ngôi từ 1614 đến 1635) sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
 
Trong thời gian ở ngôi chúa, ông đã xây dựng một vương triều độc lập, từng bước mở rộng nước Nam xuống tận vùng hạ lưu sông Cửu Long như bây giờ.
Nàng Ngọc Vạn vốn xinh đẹp lại đức hạnh vì vậy được vua Cao Miên vô cùng yêu quý. Một mặt giúp chồng trị nước, nàng còn trở thành chiếc cầu nối đưa người Việt đến định cư ở đất nước này.
Nhờ ảnh hưởng của mình, hoàng hậu Ngọc Vạn xin cho nhiều người Việt Nam vào giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Bà cũng lựa lời xin cho nhiều người Việt Nam lập hãng xưởng và buôn bán gần kinh đô Oudong.
Năm 1623, lấy cớ để giúp chính quyền Miên gìn giữa trật tự, một sứ bộ của chúa Nguyễn đến Oudong yêu cầu được lập cơ sở ở Prey Kôr (tức Sài Gòn ngày nay) và được mở ở đó một sở thu thuế hàng hóa. Vua Chey Chetta cũng dễ dàng chấp thuận và triều đình Thuận Hóa khuyến khích người Việt di cư đến đấy làm ăn.
Ngoài ra, chúa Sãi còn pháo một tướng khác đến đóng ở Prey Kôr. Khi Chey Chatta mất, vùng đất từ Prey Kôr trở ra Bắc đến biên giới Chiêm Thành (tức là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay), đã có nhiều người Việt đến ở và khai thác đất đai.
Đổi lại, chúa Sãi hai lần giúp con rể (Chey Chetta 2) đẩy lui quân Xiêm sang xâm lược. Giáo sĩ người Italy tên Christopho Borri ở Quy Nhơn đã nhìn thấy viện binh từ Đàng Trong tiến sang Cao Miên, nên đã ghi lại trong cuốn hồi ký của mình (xuất bản năm 1631) như sau: “Chúa Nguyễn luôn luyện tập binh sĩ và gởi quân đội giúp vua Cao Miên, tức chàng rể chồng của con chúa. Chúa viện trợ cho vua Cao Miên thuyền bè, binh lính để chống lại vua Xiêm...”.


3. Thuỷ quân thời chúa Nguyễn đã từng làm chủ toàn bộ vùng biển Đàng Trong



Cũng nhờ những bước di dân đi trước này của chúa Sãi, trong đó người có công đầu là nàng công nữ Ngọc Vạn, mà công cuộc sáp nhập Cao Miên về với lãnh thổ Việt sau này có nhiều thuận lợi hơn.

Cũng giống như chị gái, Ngọc Khoa ở đất Chàm 20 năm đã giúp cho tình thân hữu hai nước khăng khít. Bà từng bước đưa người dân Việt vào khai khẩn, lập nghiệp. Nhưng năm 1651, đất nước này xảy ra một cuộc nội loạn, chia phe phái giết hại lẫn nhau, Hoàng hậu Ngọc Khoa và đức vua đều bị sát hại. Hiền Vương (sau này là vị chúa Nguyễn thứ 4 của chính quyền Đàng Trong) phải đưa quân vào cứu, dẹp tan loạn, rồi đặt người Việt giữ đất trị an. Từ đó, Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt thành những tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết. 
Ca ngợi công lao của hai nàng, Á Nam Trần Tuấn Khải đã chấp bút đề thơ: “Hồng Lạc ta đâu hiếm nữ tài/Nghìn xưa Trưng Triệu đã từng oai/Noi gương Khoa, Vạn, hai công chúa/Một sớm ra đi mở đất đai”…
Vân Nhi

3. Thuỷ quân thời chúa Nguyễn đã từng làm chủ toàn bộ vùng biển Đàng Trong

BienDong.Net: Thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) đã hoàn toàn làm chủ vùng biển đảo Đàng Trong, đặt nền móng xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo sử sách, thủy quân thời các chúa Nguyễn được tổ chức theo thuyền, đội, cơ và dinh. Ngoài lực lượng chính quy, thời kỳ này còn tồn tại một số các đội thuyền được tổ chức khá đặc biệt.
Tại các phủ ven biển, chúa Nguyễn đều đặt riêng các đội thuyền chuyên đi thu nguồn lợi từ các đảo về. Trong đó, đội Hoàng Sa ở phủ Quảng Ngãi được xem là lớn nhất, làm nhiệm vụ khai thác và kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa được biên chế và tổ chức như một thủy đội biệt lập, kiêm quản luôn đội Bắc Hải hoạt động ở vùng đảo Trường Sa.

Chính sử triều Nguyễn ghi rằng, đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy.

Theo TS Nguyễn Nhã, đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau.
Tượng đài đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Đại đoàn kết.
Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré", TS Nguyễn Nhã cho biết.

Bên cạnh đội Hoàng Sa và Bắc Hải, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một lực lượng các đội thuyền thường xuyên tuần tra trên biển - có nhiệm vụ “đánh bắt cướp biển…phát hiện, đánh đuổi các tàu nước ngoài do thám, can thiệp, đồng thời còn làm nhiệm vụ truyền tin.
Chính nhờ lực lượng truyền tin mà năm 1643 chúa Nguyễn Phúc Tần mới có thể kịp thời đem thủy quân đánh đuổi tàu chiến của Hà Lan. Các chúa Nguyễn còn thiết lập Ty tàu, là cơ quan phụ trách việc quan hệ với tàu thuyền nước ngoài…
Về thuyền chiến, có rất nhiều loại. Thuyền chiến Đàng Trong thời kì này chủ yếu là thuyền pháo, được trang bị trực tiếp súng pháo trên các thuyền. Mỗi chiến thuyền đều có ít nhất một khẩu pháo ở đằng mũi. Tùy dạng thuyền mà số lượng pháo nhiều ít có khác nhau… Sử liệu ghi lại rằng dưới thời các chúa Nguyễn đã có các xưởng chuyên đúc súng và xưởng đóng thuyền chiến.
Sức mạnh của thủy quân chúa Nguyễn được khẳng định và đánh giá cao qua những trận thủy chiến với tàu Tây phương. Theo sử sách ghi lại cũng như theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm 1644 người Hà lan theo yêu cầu của Chúa Trịnh mang 3 chiếc tàu chiến bọc đồng rất lớn, trang bị vũ khí tối tân vào của biển Eo (cửa Thuận An - Huế) nhưng có lẽ do của biển cạn nên không vào được, mà đổi hướng tiến vào cửa Hàn (Đà Nẵng) nổ súng uy hiếp quân chúa Nguyễn.

Đây là lần đầu tiên đối đầu với tàu chiến ngoại quốc nên Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan triệu tập triều thần để bàn định. Chúa Thượng gọi một người Hà Lan đang buôn bán ở đây để hỏi, tên này khoe khoang lực lượng hải quân Hà Lan “bách chiến bách thắng”, hàm ý đe dọa. Chúa Thượng tự ái, bị tổn thương nên dứt khoát tấn công, ra lệnh thế tử Dũng Lê Hầu Nguyễn Phúc Tần (sau này kế nghiệp cha trở thành Chúa Hiền) chỉnh đốn thủy quân ra cửa Hàn đón đánh, còn mình đích thân trợ chiến tại cửa Thuận An.

Dũng Lê Hầu điều động 200 chiến thuyền, bốn phía vây hãm 3 chiếc chiến hạm của giặc. Mặc dù đại bác của giặc bắn xối xả nhưng thuyền của nhà Nguyễn nhẹ, cơ động nên vẫn bám sát chiếm hạm của giặc tấn công. Trước sự chiến đấu gan dạ anh dũng, một chiến hạm của giặc không chịu được phải luồn lách chạy thoát ra biển, chiếc thứ hai va vào đá ngầm chìm nghỉm. Chiếc thứ ba ngoan cố chống trả. Dũng Lê Hầu cho quân sĩ len lỏi lên thuyền giặc đánh gãy bánh lái, cột buồm, và tiến đánh xáp lá cà dồn giặc vào thế tuyệt vọng. Biết khó thoát nên tên thuyền trưởng bèn ra lệnh đốt kho thuốc súng trên tàu làm chiến hạm vỡ tan và bốc cháy thiêu rụi toàn bộ binh đội của chúng ở tên tàu. Đây là trận thủy chiến đầu tiên với chiến hạm nước ngoài và là chiến công oanh liệt nhất của thủy quân chúa Nguyễn.

Cuối thế kỷ 16, khi hoành hành cướp phá bờ biển Trung Quốc, Hải tặc Nhật Bản cũng tràn qua cả nước ta. Chúng kéo nhau đến Cửa Việt vào năm 1585. Hoàng Tử Nguyễn Phước Nguyên, con thứ sáu của Chúa Nguyễn Hoàng, đã điều binh đánh chìm hai chiếc tầu Ngọa khấu (giặc lùn Kenki). Đây là sử liệu đầu tiên đề cập đến mối liên hệ giữa Nhật Bản và Đàng Trong. Năm 1599, một chiếc tàu Kenki khác bị mắc cạn tại Cửa biển Thuận An cũng bị một tướng của Chúa Nguyễn Hoàng chận bắt được. Đầy đủ trang cụ bị tịch thu, cả thủy thủ đoàn tàu cướp biển bị bắt.  Hai năm sau, 1601, Chúa Nguyễn Hoàng gửi bức thư ngoại giao chính thức đầu tiên của nước ta đến Tướng Quân Shogun Tokugawa. Hai xứ Việt Nhật bắt đầu lập giao thương đường biển. Thương điếm vùng Hội An được thành lập với nhiều thương nhân ngoại quốc và đặc biệt đông nhất là người Nhật Bản, bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Dù không còn phải dụng binh nhiều sau năm 1802, Thủy quân Nhà Nguyễn vẫn còn rất mạnh. Nước Anh đưa thư xin ngoại giao thông thương ba bốn lần đều bị khước từ. Năm 1803 khi một Hạm đội của họ gồm 7 chiếc tàu tiến từ Biển Đông theo đường sông vào Hà Nội, bị quân ta đốt cháy. Không thấy chính phủ Anh Cát Lợi phản đối. Có lẽ vì Anh Quốc biết rằng mình có lỗi khi xâm nhập hải phận và lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp, nên mọi việc cũng êm. Tài liệu hiếm này được Nhà Quân Sử Phạm Văn Sơn ghi lại trong Việt Sử Toàn Thư, xuất bản năm 1960, trang 591.

Như vậy, dưới thời các chúa Nguyễn, lực lượng thủy binh thực sự là một lực lượng quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ vùng đất các các chúa cai quản, kiểm soát và làm chủ vùng biển Đàng Trong. Trên nền tảng đó, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn có cơ sở để tiến hành đo đạc, kiểm soát và chính thức xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đó là những bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa .
Vĩnh Khang

4. Các đội “ngư binh” thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

BienDong.Net: Suốt trong ba thế kỷ từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức "ngư binh” Việt Nam- đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Biển Đông với chức năng quan trọng là khai thác các nguồn lợi kinh tế và bảo vệ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, nhiệm vụ của đội Hoàng Sa là thu lượm hàng hóa của các con tàu bị đắm (gươm, súng, vàng bạc, đồ đồng, thiếc, chì...) và các hải sản quý (ốc, hải sâm, vỏ đồi mồi, vỏ hải ba...); kiêm quản, trông coi đội khác cùng làm nhiệm vụ song ở địa bàn khác (như đội Bắc Hải ở phía Nam), đồng thời kiểm soát, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Như thế, nhiệm vụ của đội Hoàng Sa rất nặng nề, không thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm công tác xem xét, đo đạc thủy trình vùng quần đảo Hoàng Sa, du thám, trình báo về các bọn thổ phỉ ngoài biển. Đây chính là nội dung hoạt động thực thi quyền quản lý Biển Đông của chính quyền chúa Nguyễn và buổi đầu nhà Nguyễn thời ấy.
Vì có chức năng đặc biệt quan trọng như vậy nên đội Hoàng Sa được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của Bộ Công, thậm chí nhiều khi đích thân Nhà vua đã quyết định một số những công việc đặc biệt hệ trọng của đội.
Người trực tiếp chỉ huy đội là một cai đội. Cai đội là vị quan lớn, thường được phong tước "hầu”, như: Thuyên Đức Hầu, đã được Lê Quý Đôn tra cứu sổ sách suốt từ 1702 (Nhâm Ngọ) đến 1713 (Quý Tỵ); Hội Đức Hầu, trong Chỉ thị của Thái phó Tổng lý Quân binh dân chư vụ Thượng tướng công, được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh (nay là thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Hoặc như Phú Nhuận Hầu, đã kiêm luôn "Khâm sai cai thủ” cửa biển Sa Kỳ, kiêm chức "Cai cơ thủ ngự”, kiêm quản đội Hoàng Sa, trong tờ trình ngày 1 tháng 10 năm Gia Long thứ 2 (1803) cũng được lưu giữ tại nhà thờ họ Võ.
Sau đó, vì chính quyền nhà Nguyễn dần dần tìm ra các đảo san hô hết sức rộng ở Biển Đông, đội Hoàng Sa không thể bao quát hết được, các chúa Nguyễn đã cho thành lập các đội Bắc Hải, Quế Hương, Đại Mạo hải ba và Quế Hương hàm, cũng có chức năng và nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Song các chúa Nguyễn vẫn để đội Hoàng Sa kiêm quản, chịu trách nhiệm chung để có một đầu mối mà dễ dàng nắm tình hình ở Biển Đông.
Địa bàn hoạt động chủ yếu của đội Hoàng Sa được quy gọn lại vùng biển và hải đảo ngang với khu vực Lý Sơn và ngược lên phía Bắc, trong đó vẫn lấy quần đảo Hoàng Sa là trung tâm. Đội Bắc Hải phụ trách vùng biển đảo phía Nam, từ Trường Sa đến Hà Tiên: xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên.
Về mặt tổ chức, phiên chế đội ngũ, đội Hoàng Sa và các đội khác là những tổ chức dân binh vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa mang tính chất tư nhân vừa mang tính Nhà nước, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý biển đảo.
Họ xuất phát là ngư dân, sau đó tự nguyện gia nhập đội ngũ làm nhiệm vụ cho Nhà nước theo kiểu lính nghĩa vụ nên được gọi là những "quân nhân” hay "ngư binh”.
Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn có chép: "...năm Kiền Long thứ 18 (1753) có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh, đội Cát Vàng, huyện Chương Nghĩa, phủ Quảng Ngãi nước An Nam...”. Vì thế, nhìn chung những người lính Hoàng Sa đều có ý thức kỷ luật cao. Họ là một tổ chức chặt chẽ và hoạt động có hiệu quả, liên tục.
Do hoàn cảnh địa lý tự nhiên, từ vị trí, địa thế cũng như nhân văn của vùng cửa biển Sa Kỳ - Cù Lao Ré khiến dân cư ở đây giỏi đi biển, đánh bắt cá không chỉ gần bờ mà còn xa bờ, thời nay gọi là "viễn dương”, "vươn khơi”.
Họ thường đi tìm những hải sản quý như hải sâm, ốc tai tượng... ngay ở vùng kế cận Cù Lao Ré.
Hiển nhiên những nơi như Hoàng Sa đầy ắp những hải sản tất sẽ có sức hút những cư dân trên đi tới. Đó cũng là lý do đầu tiên khiến Cù Lao Ré - cửa biển Sa Kỳ là cái nôi ra đời của đội Hoàng Sa và các đội khác.
Những "quân nhân” Hoàng Sa, Bắc Hải... không được trả lương hàng tháng như "chính binh” (tức lính "chuyên nghiệp”), chỉ được "miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò”.
Ngoài việc được miễn sưu thuế, về mặt quyền lợi, họ còn được hưởng phần dư - phần còn lại ngoài số sản vật lượm được phải nộp cho Nhà nước theo quy định: "đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm” (Phủ biên tạp lục). Người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được khen thưởng xứng đáng, còn người không hoàn thành nhiệm vụ, "ngạo mạn càn bậy không đến, lại gian dối lấy bớt các vật quý, hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều phải trị tội”.
Tóm lại, đội Hoàng Sa và các đội "ngư binh” khác, với chức năng chủ yếu là bảo vệ và khai thác các vùng quần đảo xa giữa Biển Đông, cũng có lúc thiên về công việc khai thác, cũng có lúc thiên về công việc bảo vệ, nhưng dù là thiên về chức năng nào thì cũng không thể thay thế được các đội Thuỷ quân.
Vì thế trong lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, có những lúc hoạt động của đội Hoàng Sa rất nổi bật, nhưng cũng có những lúc bị lu mờ, thậm chí có khi bị ghép chung vào công việc của đội Thuỷ quân. Lịch sử ghi lại rằng có triều đình đã từng quyết định bãi bỏ đội Hoàng Sa và chuyển công việc của đội Hoàng Sa cho đội Thuỷ quân, nhưng ngay sau đó họ lại phải tính chuyện tái lập trở lại. Hay sau khi giành được chính quyền, các vương triều đã tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải đã tạm ngừng hoạt động do binh lửa chiến tranh. Bởi vì, các đội "ngư binh” này được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản hơn Thủy quân. Chưa chắc Thủy quân đã thông thạo biển đảo bằng những ngư dân phường An Vĩnh. Họ lại phải tự lo phương tiện (như tiểu điếu thuyền, thuyền câu), lương thực và các vật dụng cần thiết cho những chuyến đi. Lấy kinh phí của tư nhân nhưng đi làm nhiệm vụ của Nhà nước. Vì vậy, chiếc thuyền đi làm nhiệm vụ được "cắm biển hiệu thủy quân”.
Ngoài việc tự nhận lấy trách nhiệm "luôn du thám ngoài biển, nếu thấy bọn ác phỉ trên tàu ngoài biển thì trình báo, những việc đó coi là bổn phận giữ gìn ngoài biển”, họ còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý nhà nước trên các quần đảo của Tổ quốc như đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ về Hoàng Sa và Trường Sa, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, xây dựng chùa miếu và trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết...
Họ "sẵn lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm” "nếu như có truyền báo xảy chinh chiến”. Họ thực sự là những "hùng binh” trên biển.
Sau này, từ thời vua Minh Mạng trở đi, lực lượng Thủy quân làm nhiệm vụ thực thi chủ quyền được phiên chế như một "lực lượng đặc nhiệm” gồm kinh phái, tỉnh phái và dân binh địa phương mà chủ yếu là dân binh đội Hoàng Sa. Lúc này, chức năng bảo vệ biển đảo đã chuyển hẳn cho các đội Thủy quân, nhưng những đội Hoàng Sa và Bắc Hải vẫn tiếp tục đi ra Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm hoá vật, hải sản dâng nộp cho triều đình Huế - nghĩa là vẫn thực hiện một chức năng của đội Hoàng Sa, Bắc Hải xưa.
Vì tính chất tổ chức "bán quân sự”, "bán tư nhân”, "bán kinh tế” như vậy nên các đội Hoàng Sa, Bắc Hải... được coi là một tổ chức độc đáo của các Nhà nước Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII, XIX trong chủ trương khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngô Quang Chính

5. Sửng sốt trận thủy binh chúa Nguyễn ‘vùi dập’ hạm đội Hà Lan

Bên cạnh người Bồ Đào Nha, từ đầu thế kỷ 17, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã nổi lên như một thế lực hùng mạnh trong công cuộc khai thác thuộc địa châu Á của thực dân phương Tây. Với những chiến hạm lớn được trang bị vũ khí tối tân vào bậc nhất vào thời bấy giờ, họ đã chinh phục được vùng quần đảo Indonesia và trở thành nỗi sợ hãi của nhiều triều đại phong kiến trong khu vực.
Tuy vậy, trong một trận đánh với đội thủy binh chúa Nguyễn, người Hà Lan đã phải chịu thất bại thảm hại.
Trận đánh này xảy ra trong bối cảnh của thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, khi nước Việt bị chia cắt làm hai phần, gồm Đàng Ngoài (từ sông Gianh trở ra Bắc) do chúa Trịnh kiểm soát và Đằng Trong (từ sông Gianh vào Nam) dưới quyền chúa Nguyễn.
Sau 3 lần đem đại binh vào Nam đánh chúa Nguyễn không thành, năm 1641, chúa Trịnh Tráng đã thương lượng với Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan tại Batavia (Jakarta ngày nay) để mượn chiến hạm và các tay súng đánh chúa Nguyễn. Đổi lại, chúa Trịnh sẽ tặng cho người Hà Lan hàng vạn lạng bạc cùng lời hứa dâng Quảng Nam cho họ cai trị và bắt dân Đàng Trong phải nộp cống cho Toàn quyền Đông Ấn Hà Lan khi đánh bại được Đàng Trong.
Cơ hội mở rộng thuộc địa cùng những mâu thuẫn từ trước với Đàng Trong khiến phía Hà Lan nhanh chóng chấp thuận đề nghị của chúa Trịnh.
Trong hai năm sau đó, giữa quân của chúa Nguyễn và người Hà Lan đã có nhiều cuộc đụng độ, nhưng chưa có trận chiến quyết định nào để thay đổi cục diện giằng co.
Mùa hè năm 1643, theo yêu cầu của chúa Trịnh, Công ty Đông Ấn Hà Lan phái thuyền trưởng Pieter Baek dẫn ba pháo hạm lớn trang bị đầy đủ đến để hội quân với họ Trịnh tại sông Gianh (Quảng Bình). Trong hải trình của mình, hạm đội này đã bị gió thổi giạt vào gần cảng Eo của Đàng Trong (Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế ngày nay).
Pháo hạm của phương Tây là nỗi lo sợ của nhiều triều đại phong kiến châu Á.
Pháo hạm của phương Tây là nỗi lo sợ của nhiều triều đại phong kiến châu Á.
Biết tin, chúa Nguyễn Phúc Lan họp các tướng lĩnh Đàng Trong để bàn xem có nên đưa chiến thuyền ra đánh người Hà Lan hay không. Thủy binh của chúa Nguyễn thời ấy thuộc hàng rất mạnh trong khu vực, nhưng tiếng tăm của chiến hạm Đông Ấn Hà Lan khiến không ai dám tự tin sẽ chắc thắng.
Khi Nguyễn Phúc Lan tham vấn một người Hà Lan đang giúp việc thì người này trả lời với thái độ kiêu ngạo: “Tàu Hà Lan chỉ sợ mãnh lực và quân đội của Chúa trời thôi”. Chính điều này khiến chúa Nguyễn tức giận và quyết định sẽ “dạy cho người Hà Lan một bài học”.
Ngày 7/7/1643, đích thân chúa Nguyễn Phúc Lan và Thế tử Nguyễn Phúc Tần dẫn 50 thuyền tiến thẳng ra cảng Eo. Khi nhìn thấy đối phương, thủy binh Nguyễn lao thẳng vào tấn công.
Dù một số thuyền bị trúng đạn, nhưng nhờ nhỏ, cơ động, cùng số lượng vượt trội, đội thuyền chúa Nguyễn nhanh chóng bao vây ba chiến hạm Hà Lan và đánh phá quyết liệt.
Chiến hạm lớn nhất của Hà Lan mang tên De Wijdeness do thuyền trưởng Pieter Baek chỉ huy đã chống trả rất dữ dội nhưng không đủ sức ngăn cản sự công phá của thủy binh Nguyễn. Quân Nguyễn đã áp sát và tràn lên boong tàu, bẻ bánh lái, chặt gẫy cột buồm khiến chiến hạm này bị tê liệt hoàn toàn.
Bị dồn vào bước đường cùng, thuyền trưởng con tàu Hà Lan cho châm lửa đốt kho thuốc súng. Con tàu nổ tung khiến hầu hết 200 thành viên trên tàu, kể cả Baek thiệt mạng. Hai chiến hạm còn lại cố thoát vòng vây và tăng hết tốc lực để bỏ chạy. Một chiếc trong số đó đâm vào đá ngầm và chìm xuống biển khi bị truy đuổi.
Thủy quân của chúa Nguyễn đã giành chiến thắng. Hỏa lực mạnh mẽ của người Hà Lan đã khiến họ chìm 7 thuyền và mất 700-800 binh sĩ.
Trận đánh này là lần đầu tiên trong lịch sử thuỷ quân của người Việt chiến thắng trước một hạm đội châu Âu. Đây cũng là một sự tổn thương nặng nề đối với thanh thế đội thuyền hùng mạnh của Công ty Đông Ấn Hà Lan.
Thất bại này khiến người Hà Lan từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại Việt Nam. Sau trận đánh, do e ngại thủy binh chúa Nguyễn mà Công ty Đông Ấn Hà Lan không còn dám đưa tàu thuyền ra Đàng Trong.
Đến năm 1651, chúa Nguyền và người Hà Lan đã đạt được thỏa thuận bỏ qua những tranh chấp cũ để phát triển giao thương. Sức mạnh của chúa Nguyễn ngày càng được củng cố và họ Nguyễn đã đánh bại họ Trịnh vào thế kỷ sau đó.

6. Đô thị Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn

Chiến tranh Trịnh - Nguyễn vào thế kỷ XVII trở thành thị trường tiêu thụ vũ khí và nguyên liệu cho các cường quốc thương mại của thế giới hồi bấy giờ. Cuộc chiến tranh này cũng trở thành đối trọng về kinh tế để chúa Nguyễn vươn lên tự khẳng định mình trước sức ép của quân đội chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nhờ chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, nhất là sử dụng nguồn lao động hợp lý và triệt để cùng với chính sách sử dụng người Hoa có hiệu quả; tạo điều kiện cho người Nhật, người Hoa đến cư trú và lập phố, đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế hàng hoá, đẩy mạnh thương nghiệp và mở cửa thông thương với thế giới bên ngoài.

Đô thị Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn

Chiến tranh Trịnh - Nguyễn vào thế kỷ XVII trở thành thị trường tiêu thụ vũ khí và nguyên liệu cho các cường quốc thương mại của thế giới hồi bấy giờ. Cuộc chiến tranh này cũng trở thành đối trọng về kinh tế để chúa Nguyễn vươn lên tự khẳng định mình trước sức ép của quân đội chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nhờ chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, nhất là sử dụng nguồn lao động hợp lý và triệt để cùng với chính sách sử dụng người Hoa có hiệu quả; tạo điều kiện cho người Nhật, người Hoa đến cư trú và lập phố, đặc biệt là chính sách phát triển kinh tế hàng hoá, đẩy mạnh thương nghiệp và mở cửa thông thương với thế giới bên ngoài. Nhờ các chính sách kinh tế đầy ấn tượng nói trên nên sau một thế kỷ kể từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm đất Thuận Hoá (1558), rồi vùng đất Thuận - Quảng (1570), sau đó là Đàng Trong trở thành vùng đất có nền kinh tế phát triển không những không thua kém Đàng Ngoài mà còn là đầu mối thương mại đối với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới.
2. Về tình hình thế giới
Trong hơn 40 năm:1592-1635, là thời kỳ Nhật Bản thực hiện chính sách mở cửa, hàng trăm thương thuyền được Mạc phủ cấp “ châu ấn” (Shuin sen) để xuất bến buôn bán với nước ngoài góp phần tạo nên một hiện tượng thương mại sôi động ở các nước Đông Nam Á trong đó có Hội An của Đàng Trong.
Về phía Trung Quốc, sau hơn hai thế kỷ thực hiện chính sách “ hải cấm” để độc quyền ngoại thương thông qua con đường “thương mại - triều cống” nhằm nâng cao vị thế chính trị đối với các nước trong khu vực không những đã không mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể mà nhà nước không kiểm soát được thị trường vì nạn buôn lậu quốc tế và nạn cướp biển hoành hành khắp nơi. Do vậy, nên đến năm 1567, nhà Minh buộc phải tháo gỡ bằng cách cấp giấy phép cho các thương thuyền đến các vùng biển Đông Nam Á để buôn bán. Đến năm 1592 có 110 thuyền được cấp Wenyin, mở ra một triển vọng trong việc buôn bán với Đàng Trong.
Từ sau năm 1644, khi nhà Mãn Thanh đã thắng nhà Minh thực hiện một chính sách thống trị và kỳ thị người Hán trên lãnh thổ Trung Quốc nên rất nhiều di thần nhà Minh và doanh nhân Trung Quốc đã xin nhập cư ở các nước Đông Nam Á trong đó Đàng Trong.
Thế kỷ XVII cũng là thế kỷ ra đời chủ nghĩa tư bản phương Tây mà đầu tiên là cuộc cách mạng tư sản Hà Lan đã tạo nên làn sóng cạnh tranh thị trường không những giữa các nước tư bản phương Tây mà với các nước trong khu vực châu Á vốn có truyền thống thương mại lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản. Đó là một thách thức nghiệt ngã, nhưng cũng là thời cơ hiếm có để các chúa Nguyễn ở Đàng Trong thực hiện chính sách ngoại thương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hàng hoá và tiến hành đô thị hoá theo hướng thành lập các phố cảng trong thời đại hàng hải của thế giới.
II. Các đô thị tiêu biểu
Trên đất Đàng Trong đã hình thành các trung tâm thương mại để cho ra đời các đô thị cổ từ thời vương quốc Phù Nam nay còn để lại dấu tích kiến trúc của nền văn hóa Óc Eo, xuất hiện từ thế kỷ thứ III ở tỉnh An Giang, mở rộng là cả vùng đất miền Tây Nam Bộ. Vùng đất Thuận Quảng đã xuất hiện một Lâm Ấp phố từ thế kỷ thứ V- X của vương quốc Chămpa nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, nay còn để lại nhiều dấu tích qua hệ thống các giếng cổ và nền móng công trình đô thị ở Trung Phường, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam . Cũng có một cảng Thi Nại hoạt động từ thế kỷ X-XV còn để lại dấu vết công trình kiến trúc mà chúng tôi đã phát hiện vào năm 1986, nay ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Vào thời Đại Việt, người phương Tây được xem là đầu tiên thăm dò thị trường nước ta đã đến vùng đất Quảng vào năm 1523 là Duarte Coelho (Bồ Đào Nha). Trước khi rời xứ, ông đã tạc trên núi đá Cù Lao Chàm một hình thánh giá lớn, có ghi niên hiệu và chính danh của minh . Hơn 10 năm sau, một người Bồ Đào Nha khác là Antonio De Faria đến vùng biển Quảng Nam, ông đã quan sát phố xá và sự nhộn nhịp ghe thuyền ở vùng cảng này. Ông thấy: Một thành phố có tường bao quanh gần 10.000 nóc nhà. Đó là nơi neo đậu 40 chiếc thuyền buồm lớn (Jonques) đến hai hay ba cầu tàu và xung quanh có khoảng 2.000 thuyền buồm với nhiều kích thước khác nhau . Như vậy, khả năng có một thế hệ đô thị thứ hai sau Lâm Ấp phố của Chămpa và trước phố Hội An thời chúa Nguyễn ở vùng biển Đà Nẵng- Hội An mà hiện nay chúng ta chỉ nhận biết qua một số tư liệu hiếm hoi do người nước ngoài ghi chép.
Vào nửa sau thế kỷ thứ XVI, tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán tập trung ở vùng cảng Thuận Hóa, nơi chúa Nguyễn Hoàng chọn làm dinh phủ (nay thuộc tỉnh Quảng Trị); chỉ riêng năm 1577, có 13 thuyền buôn người Phúc Kiến (Trung Quốc) đến cập bến ở đây để buôn bán.
Thuyền buôn Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XVI cũng theo cửa Việt lên buôn bán ở khu vực gần dinh của chúa mà đội thuyền 5 chiếc của Bạch Tần Hiển Quý trong sự kiện thâm nhập vào vùng biển Thuận Hóa bị chúa Nguyễn ngộ nhận cho quân đánh tan vào năm 1585 là một trường hợp buôn bán không chính thức giữa thương nhân Nhật Bản với chúa Nguyễn trước thời Mạc phủ mở cửa (1592).
Năm 1613, thương gia người Bồ Đào Nha là Ferdinand Costa đến Dinh Cát để yết kiến chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi). Cơ hội này, Chúa Sãi nhờ Ferdinand Costa vận động thương nhân người Bồ đến buôn bán ở dinh của chúa.
Bản đồ của Alexandre De Rhodes vẽ giữa thế kỷ XVII có tên Cua Say (tức Cửa Sãi) được xác định tọa độ 16040 là cảng chính hồi bấy giờ của xứ Thuận Hóa . Đây là nơi được sử sách triều Nguyễn xác nhận: “Thuyền buôn các nước đến nhiều, trấn trở nên một đô thị lớn “.
Vào cuối thế kỷ XVI, trên vùng đất Thuận Quảng của chúa Nguyễn đã manh nha ra đời các đô thị đáp ứng cho nhu cầu lưu trú và buôn bán của thương nhân nhưng đến nay rất khó xác minh trên thực địa vì đã qua hơn 5 thế kỷ thay đổi dâu bể nên chúng tôi xem đó là tiền đề để khảo cứu và giới thiệu các phố cảng Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn, Hà Tiên của đất Đàng Trong.
1. Hội An
Vào năm 1980, khi bắt đầu khảo sát Hội An chúng tôi đã chú ý đến các địa danh “sông Đò”, “bàu Dầu”; với các di vật như mảnh thuyền, cột buồm, neo tàu, tre, gỗ để cừ bờ sông... Chúng tôi xác định bờ sông cũ Hội An từ Cồn Tàu ở xã Cẩm Châu cắt dọc thành phố Hội An theo đường chính diện qua đường Trần Phú hiện nay đến hai phường Cẩm Phô, Thanh Hà cách bờ sông hiện thời chừng 100-200 mét. Với chiều dài hơn 4 km đó, ngày xưa là nơi đỗ của các thuyền buôn mà cảng chính là ở Dương thương Hội quán, nay là Trung Hoa Hội quán ở trên con đường Trần Phú.
Từ nửa sau thế kỷ XVI, khi nền thương mại phương Tây đang ồ ạt dồn về phương Đông để tìm kiếm thị trường, lệnh “hải cấm” của nhà Minh cũng bị bãi bỏ (1567), chính sách mở cửa của Mạc phủ Nhật Bản được ban hành (1592). Cũng trong thời gian này, chúa Nguyễn Hoàng và trấn thủ dinh Quảng Nam là Nguyễn Phúc Nguyên đã viết nhiều thư kêu gọi thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Hội An, một địa chỉ có thương hiệu hấp dẫn “ Faifo” trở thành một trung tâm thương mại hàng đầu của nước ta thu hút thương khách nhiều nước đến buôn bán và lưu trú, đặc biệt là thương nhân Nhật Bản.
Sự thu nhận người Nhật nhập cư ở Hội An của chúa Nguyễn trước hết nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết cho một số thương nhân Nhật theo Thiên chúa giáo bị Nhật hoàng trục xuất và sau đó đóng cửa không cho họ quay lại chính quốc. Sau khi có chính sách mở cửa (1592), thương nhân Nhật Bản đến Hội An ngày càng đông. Đồng thời, thương nhân Trung Quốc thời nhà Minh bỏ lệnh “hải cấm” cũng đến Hội An và có yêu cầu ở lại lâu dài để buôn bán với thương nhân Nhật Bản.
Một lý do khách quan khác để Hội An trở thành đô thị quốc tế với sự lưu trú lâu dài của giới thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc là các thương vụ tấp nập diễn ra trên đất Hội An chỉ 6 tháng đầu mỗi năm vào mùa khô. Đến cuối mùa hè các thuyền căng buồm để gió mùa tây-nam đưa về đất bắc; Hội An trở nên hoang vắng. Trước tình hình đó, phủ chúa phải có giải pháp nhằm thỏa mãn yêu cầu cho thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc cũng chính lợi ích của chính quyền sở tại là cho phép họ chọn một nơi gần thương cảng Hội An để lập phố buôn bán và cư trú lâu dài. Từ đó ở Hội An đã hình thành hai khu phố tự trị của người Nhật và người Hoa.
Cơ ngơi của đô thị Hội An vào năm 1618 được Cristoforo Borri mô tả như sau: “ Vì cho tiện việc hội chợ, chúa Nguyễn cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỷ lệ người của họ để dựng nên một đô thị. Đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng tôi có thể nói có hai thành phố, một của người Trung Quốc và một của người Nhật. Họ sống riêng biệt, đặt quan cai trị riêng và theo phong tục, tập quán của mỗi nước “.
Vào thời điểm nói trên ở vùng đất Quảng Nam, Borri cũng cho biết chúa Nguyễn cũng tiếp nhận nhiều thuyền buôn Bồ Đào Nha và Hà Lan đến buôn bán và dự định cấp cho người Bồ ở vùng cận cảng Đà Nẵng 3-4 dặm đất để lập phố với những tiện nghi và ưu đãi như chúa Nguyễn đã dành cho người Nhật và người Hoa.
Trong hội thảo quốc tế về Hội An năm 1990, Ogura Sadao đã cung cấp bản đồ có ghi vị trí chùa Hà Nam (của người Nhật) vào thế kỷ XVII tại Hội An, được xác định vị trí như sau:
- Phía đông là phố Nhật, nằm ở hạ lưu sông.
- Phía tây là Đường Nhân phố (phố người Hoa), nằm ở thượng lưu sông.
- Phía nam là sông lớn (sông Thu Bồn lúc đó).
- Phía bắc là An Nam phố (tức phố người Việt).
Đó là diện mạo của đô thị Hội An vào đầu thế kỷ XVII.
- Phố Nhật: Phố Nhật ở vị trí làng Hoài Phô, một làng cổ lâu đời nên con sông Thu Bồn đoạn chảy qua phố Hội An còn gọi là sông Hoài. Địa danh Faifo cũng bắt nguồn từ tên làng, tên sông đó.
Làng Hoài Phô được ghi tên trong sách Ô châu cận lục (1555) . Vào thế kỷ XVIII, làng đổi tên là Hoa Phô ; về sau đổi thành làng Sơn Phô. Sơn Phô hiện thuộc xã Cẩm Châu, thành phố Hội An.
Người Nhật đến mua 20 mẫu đất của làng Hoài Phô và An Mỹ để xây dựng phố xá, sinh sống; lập một ngôi chùa lấy tên là Tùng Bổn . Trong tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được khắc ghi vào năm 1640 mà chúng tôi đã khảo sát và công bố năm 1985 cho thấy có 9 lần nhắc đến địa danh dinh Nhật Bổn và một lần nhắc đến địa chỉ dinh Tùng Bổn, nơi người Nhật sinh sống tại Hội An và cúng rất nhiều tiền cho ngôi chùa này . Đây là thời kỳ cực thịnh của phố Nhật tại Hội An nên người phương Tây gọi Hội An là đô thị Nhật Bản. Vị thị trưởng đầu tiên được công nhận vào năm 1618 là Furamoto Yashiro; có nhiều thị trưởng có quyền hành rất lớn ở Đàng Trong như Simonosera. Có vị thị trưởng đã can thiệp với chúa Nguyễn ban đặc ân cho Alexandre de Rhodes trong thời kỳ bị cấm đạo Thiên chúa.
Theo một bức tranh tô màu còn giữ tại nhà dòng họ Chaya ở Nhật cho thấy phố Nhật dài khoảng 320 mét, gồm hai dãy phố và gần một cái chợ bán đủ các mặt hàng họp thành “đô thị Nhật Bản” chạy dọc theo trục một con đường nằm bên một hải cảng có nhiều tàu thuyền đang cập bến.
Vào năm 1695, khi Thomas Bowyear, thương gia người Anh đến tại Hội An chỉ còn thấy 5 gia đình người Nhật sinh sống. Cùng thời điểm đó, nhà sư Thích Đại Sán đến Hội An không thấy ghi chép về phố Nhật, người Nhật trong tập bút ký Hải ngoại kỷ sự. Năm 1981, chúng tôi cũng tìm thấy 4 ngôi mộ cổ của người Nhật tại Hội An cũng ghi năm qua đời vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XVII.
Phố Nhật ở Hội An ra đời và thịnh vượng trong nửa đầu thế kỷ XVII và tồn tại đến cuối thế đó.
- Phố Khách: Năm 1618, lúc Cristoforo Borri mô tả về phố Nhật và phố Khách tại Hội An thì Hoa thương bắt đầu quy tụ về Hội An. Ngoài bức hoành phi có niên hiệu Thiên Khải -Tân Dậu niên (tức 1621) của một gia đình người Hoa ở trên đường Trần Phú còn giữ, được xem là di vật cổ xưa nhất của phố Khách. Tư liệu còn cho biết ở vào thời thịnh hành của phố Khách, người Hoa đã xây dựng một tổ đình lấy tên là Cẩm Hà cung vào năm 1626, ở ranh giới làng Cẩm Phô và Thanh Hà, nằm về phía tây của thành phố Hội An hiện nay. Điều đó đúng với vị trí phố Đường Nhân mà Ogura Sadao cung cấp thông tin từ ngôi chùa Hà Nam và cũng đúng với ký ức tồn cổ ở Hội An mà tiêu biểu là Châu Phi Cơ, cho rằng: Người Nhật ở đầu đường phía mặt trời mọc của thành phố còn người Trung Hoa lập phố vào phía cuối đường mặt trời lặn.
Từ phố Nhật lên phố Khách phải qua một con khe, người Nhật đã xây dựng nên một chiếc cầu gọi là cầu Nhật Bản (Lai Viễn kiều), người Hoa làm chùa trên đó để thờ Bắc Đế nên gọi là chùa Cầu.
Kết quả khai quật khảo cổ học của các chuyên gia Nhật Bản vào mùa hè năm năm 1998 và 2006 ở phường Cẩm Phô (trường PTCS Nguyễn Duy Hiệu), xung quanh chùa Cầu, tìm thấy nhiều đồ gốm Cảnh Đức (Trung Quốc), gốm Hizen (Nhật Bản) lẫn với đồ gốm, đồ sành Việt Nam có niên đại thế kỷ XVII. Kết quả này cho chúng ta khẳng định về thị trường gốm thương mại quốc tế tại Hội An và dấu tích cư trú sớm của người Nhật và người Hoa chứ chưa đủ cứ liệu để xác định phố Nhật và phố Khách tại Hội An qua tư liệu khảo cổ học.
- Phố Hội An:
Tấm bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá vẽ (1630-1655) đã xuất hiện các tên Hội An phố, Hội An kiều...đã giúp cho chúng ta khẳng định phố Hội An, cầu Hội An (cầu Nhật Bản) ra đời từ nửa đầu thế kỷ XVII.
An Nam phố tức phố Hội An trong sơ đồ chùa Hà Nam qua các tư liệu cho chúng ta xác định vị trí của làng cổ Hội An mà trung tâm là đình làng Hội An - đền Ông Voi - đường Lê Lợi hiện nay.
Đó là khu đô thị của người Việt ra đời trong nửa đầu thế kỷ XVII cùng tồn tại với phố Nhật và phố Khách.
Sau khi nhà Mãn Thanh đánh bại nhà Minh (1644), lượng Hoa thương di trú ở Hội An rất đông, phố Khách ở Thanh Hà dần bị giải thể. Họ tiến dần về phía đông mua 13,5 mẫu đất của làng Cẩm Phô, Hội An, Cổ Trai để lập phố buôn bán. Lúc đầu họ lập phố từ phía tây cầu Nhật Bản, nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai đến chùa Ông (Quan Công miếu- có ghi niên đại Khánh Đức - Quý Tỵ, tức năm 1653), nay ở trên đường Trần Phú. Các văn khế mua bán nhà đất ở đường Trần Phú có niên đại vào nửa sau thế kỷ XVII đều ghi Lâm sa thổ phố. Và có sự xen cư giữa người Việt và người Hoa trên đất làng Hội An; đó là trường hợp Ngô Vãng Nương mua 3 sào đất ở xứ Hổ Bì của Trịnh Hồng Quang vào năm 1692 giá 60 lạng bạc . Đường Trần Phú hồi đó đã trở thành khu phố đông đúc của người Hoa với hai dãy phố xuất hiện như Bowyear đã mô tả (1695): “Hải cảng này chỉ có một con đường phố lớn trên bờ sông, hai bên có hai dẫy nhà 100 nóc, toàn là người Trung Hoa ở “ . Cũng vào năm 1695, Thích Đại Sán đến Hội An đã ghi lại: ” Thẳng bờ sông một con đường dài 3-4 dặm, gọi là Đại Đường Nhai. Hai bên phố ở liền khít rịt. Chủ phố thảy là người Phúc Kiến vẫn còn ăn mặc theo lối tiền triều”.
Vào thế kỷ XVIII, dãy nhà phố hai bên đường Trần Phú hiện nay mới được xây dựng kiên cố như một số văn khế nhà đất thời Cảnh Hưng, Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh mà chúng tôi đã tìm được đều có ghi tường gạch, lợp ngói, bắc giáp đại lộ, nam cận đại giang...
Phố người Hoa ở Hội An ngày dược mở rộng cùng với sự tăng trưởng doanh thương của họ theo thời gian. Vào năm Gia Long 13 (1814), toàn thể đất của làng Minh Hương là 17 mẫu 7 sào 10 thước.
2. Thanh Hà
Với vị trí trên bến, dưới thuyền tiện lợi, cư dân ở đây có truyền thống buôn bán nên ở Thanh Hà từ trước thế kỷ XVI đã xuất hiện một chợ làng, nơi hội tụ hàng hoá của các vùng lân cận . Sự lớn lên của trung tâm thương mại Thanh Hà đồng thời với sự phát triển kinh tế hàng hoá trong nước và tác động của luồng mậu dịch quốc tế, cùng chế độ cát cứ và công cuộc mở đất Đàng Trong thời các chúa Nguyễn. Đón được luồng thương mại thế giới nhất là Hoa thương, Thanh Hà trở thành một thương cảng lớn nhất, cửa ngõ giao thương hàng đầu của thời Kim Long- Phú Xuân thịnh trị vào thế kỷ XVII-XVIII. Thanh Hà là địa chỉ hấp dẫn thương khách nhiều nước Trung Quốc, Nhật Bản của châu Á, của các nước phương Tây như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp...
Năm 1636, ngay lúc mới chuyển dinh từ Phước Yên vào Kim Long chúa Nguyễn Phúc Lan đã cho phép thành lập phố Thanh Hà. Trong một văn bản còn lưu tại địa phương cho biết :" Chúa Thượng vương sau khi dời phủ về Kim Long bèn cho phép tiền hiền chúng ta kiến thiết khu chợ nơi giáp giới hai xã Thanh Hà và Địa Linh".
Lúc mới thành lập, phố Thanh Hà chủ yếu là người Việt cư trú để buôn bán với nước ngoài phần lớn là Hoa thương. Đến giữa thế kỷ XVII, người Hoa di dân được chúa Nguyễn cho lập phố ở Thanh Hà mà thế hệ đầu tiên có Trần Dưỡng Thuần (1610-1688), quê quán phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến.
Từ đó đến cuối thế kỷ thứ XVII, nhiều Hoa thương tiếp tục đến Thanh Hà cư trú, nhất là sau năm 1685, nhà Thanh cho phép các thuyền buôn Trung Quốc xuất bến đến các nước láng giềng buôn bán.
Trong hồ sơ lưu trữ của làng Minh Hương cho biết vào năm Thịnh Đức thứ 6 (1658), chúa Nguyễn Phúc Tần " thi ân cho lập phố tại đất đồn thổ thuộc làng Thanh Hà và Địa Linh là 1 mẫu 2 sào 5 thước 4 tấc" . Đó chính là khu phố thương mại của Thanh Hà bước vào thời thịnh vượng.
Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có lưu trú ở Thanh Hà. Theo ông, đó là một thành phố, tuy không lớn bằng dinh phủ Kim Long mà ông cho là thành phố lớn; ông viết: " Tôi không dám ở thành phố lớn. Tôi thuê nhà tại thành phố nhỏ gần đó sau cơn hoả tai xãy ra lớn nhất ở đây.
Trong thời kỳ thịnh đạt, phố Thanh Hà phần lớn nằm trong tay Hoa thương nên gọi là" Đại Minh khách phố".
Năm 1685, Hoa thương xây dựng Thiên Hậu cung (còn gọi là chùa Bà) ngay trên điểm cư trú và buôn bán đầu tiên của mình để làm nơi tế tự chung cho Hoa kiều, cũng là mốc giới phía bắc của phố Thanh Hà . Phố Thanh Hà mở rộng dần về phía nam, thương khách mua đất của làng Địa Linh để lập phố và xây dựng đền thờ Quan Thánh (còn gọi là chùa Ông) ở vị trí tận cùng phía nam của phố để làm đền thờ chung và cũng là mốc giới giữa phố Thanh Hà và làng Địa Linh . Đây là dấu vết lâu đời của phố Thanh Hà trong thời kỳ phát triển và cũng là mốc giới có ý nghĩa lịch sử để chúng ta xác định trên thực địa của phố Thanh Hà xưa. Chiều dài của phố Thanh Hà gần 1 km (từ chùa Bà ở làng Thanh Hà đến chùa Ông ở làng Địa Linh), chu vi của phố khoảng 2km, bao gồm cả chợ và khu dân cư, nằm ở vị trí 160 18’ vĩ độ bắc, cách phủ Kim Long ở phía tây- nam 5 km và cách cửa Thuận An 10 km ở phía đông.
Phố Thanh Hà phát triển trên cơ sở phồn thịnh của cảng và chợ Thanh Hà cùng tầng lớp cư dân mà chủ yếu là Hoa thương chuyên nghề buôn bán.
Thanh Hà trong thế kỷ XVII, chỉ hai dẫy phố lợp tranh nằm về phía tây con đường làng Minh Thanh hiện nay, hướng chính quay mặt ra bờ sông. Sau khi chiếm được bãi đất bồi, Hoa thương dựng lên một dẫy nhà đối diện quay lưng ra bờ sông, lấy con đường của làng Thanh Hà làm đường phố chính. Năm 1700, Hoa thương mới được phép xây phố bằng gạch và lợp ngói để tránh hoả hoạn. Phố bao gồm những cửa hàng, cửa hiệu, các đại lý xuất nhập khẩu và những nhà cho thuê dành cho thương khách ở xa, chủ yếu là thương nhân Trung Quốc mới đến, hoặc thương nhân giữa hai mùa mậu dịch trong thời áp đông (từ tháng 10 cuối năm đến tháng 3 năm sau).
Vào giữa thế kỷ XVIII, Pierre Poivre đến Huế và khảo sát tình hình buôn bán ở Thanh Hà, có nhận xét : " Vào mùa mưa, các đường phố chật hẹp, lầy lội, chỉ có phố hay khu Trung Hoa có một lối đi rộng và lát gạch. Dọc hai bên đường người ta dựng lên những nhà gạch lợp ngói khá sung túc".
Phố Thanh Hà xây dựng theo lối đơn tuyến trên một trục giao thông có sẳn làm đường phố chính. Hai dãy phố đối diện dần dần được hình thành, phía sau là đồng ruộng, trước mặt là bến cảng của sông Hương; một điều kiện chủ yếu cho phố cảng ra đời.
Hồi ức về phố Thanh Hà vào đầu thế kỷ XIX, thời kỳ thoái trào của khu thương mại này nhưng nhà phố vẫn giữ được dáng vẽ của thời thịnh vượng, Michel Đức Chaigneau đã mô tả khá chi tiết: ” Nhà cửa vừa là cửa hàng, vừa là nhà kho, phòng ngủ cũng chính là để tiếp khách. Rộng hẹp có khác nhau, nhưng cấu trúc nhà phố Thanh Hà thường theo một mẫu thống nhất là hẹp về bề ngang và mở sâu ra đàng sau...Nhà cửa phần lớn lợp ngói, có cái là một tòa nhà, xung quanh có hành lang. Có cái chỉ một gian phòng, đàng sau có sân vườn và nhà bếp. Cách xây cất phòng ốc và trang hoàng bên trong theo một lối giống nhau. Phòng chính khoảng nửa chiều dài và mở một cửa ra vào. Đàng tước chia làm hai gian hàng, đàng sau chia làm hai chái để làm phòng ngủ và kho chứa”.
3. Nước Mặn
Ở Đàng Trong, sau hai đô thị cảng Hội An và Thanh Hà là Nước Mặn ra đời rất sớm được ghi trong Hồng Đức bản đồ với tên gọi “ Nước Mặn hải môn”, là trung tâm buôn bán xuất nhập khẩu không những cho phủ Quy Nhơn mà cả các dinh, phủ ở phía nam.
Nước Mặn được Alexandre de Rhodes vẽ trên bản đồ vào giữa thế kỷ XVII với tên phiên âm là Nehorman. Tên gọi này xuất phát từ chữ của Cristoforo Borri ghi lại trong tập ký sự của mình vào năm 1618. Borri chỉ đích danh đó là một thành phố (ville). Ông viết: “Vị tổng trấn liền ra lệnh xây dựng cho chúng tôi một cái nhà rất tiện nghi ở thành phố (ville) Nehorman” .
Tên gọi Nước Mặn không được ghi trong các bộ chính sử Việt Nam thời phong kiến nhưng được ghi trong gia phả nhiều người Hoa sinh sống ở đây.
Đầu thế kỷ XVII, chúng ta thấy có luồng buôn bán giữa Hội An và Nước Mặn với một số trung tâm thương mại quốc tế được thể hiện trên bản đồ số 24 vẽ vào năm 1608 có ghi hai địa danh được thương nhân nước ngoài thường đến buôn bán là Hải Phố (tức Hội An) và Thi Nại (tức Nước Mặn hồi bấy giờ) nằm trên đường hàng hải đến với Vuconva.
P.B.Lafont cũng cho biết, trong các cảng ở Đàng Trong thì Binai (tức Thi nại) thuyền buôn các nước Phương Tây, Malasia và một số nước khác thường đến buôn bán.
Tháng 7 năm 1618, C. Borri đến Nước Mặn, dưới con mắt của vị Giáo sĩ này Nước Mặn đã là một thành phố. Ông viết: “ Chúng tôi lại leo lên lưng voi và lên đường với một đoàn tùy tùng đông đảo để đi đến thành phố Nước Mặn” . Ông cũng cho biết đây là thành phố khá rộng:” Thành phố trải dài 5 dặm và rộng 0,5 dăm ” . Đó là thời kỳ thịnh vượng của phố cảng Nước Mặn.
Vào giữa thế kỷ XVIII, Pierre Poivre đến Đàng Trong còn đánh giá rất cao về phố cảng Nước Mặn, ông viết: “Tại tỉnh Quy Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo, lại không thuận tiện vì quá xa kinh thành mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đi đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rả 6 ngày đường”.
Nhưng rất tiếc vào thế kỷ sau không thấy sử sách nào còn ghi về phố cảng Nước Mặn. Sách Đại Nam nhất thống chí bản soạn thời Tự Đức không ghi chép về phố Nước Mặn, cũng không có tên trong danh mục 63 chợ lớn nhỏ trong tỉnh Bình Định.
Cho đến tháng 4 năm 1986, trong đợt khảo sát về đô thị cổ ở các tỉnh miền Trung, chúng tôi mới phát hiện dấu tích của phố cảng Nước Mặn và thông báo kết quả tại Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghĩa Bình (Quy Nhơn-1986) và trong hội nghị thông báo khảo cổ học năm 1991 tại Hà Nội.
Từ tấm bia bằng gỗ chúng tôi phát hiện ở đền Quan Thánh lập năm 1837 (đường Bạch Đằng, thành phố Quy Nhơn) có ghi tên một người họ Nguyễn ở phố Nước Mặn cúng tiền để xây dựng ngôi đền này, chúng tôi phải rất khó khăn mới lần tìm đến xã Phước Quang, huyện Tuy Phước vì không một tấm bản đồ nào ghi tên Nước Mặn; đến đây mới biết còn lưu truyền chiếc cầu ngói và ngôi chợ mang tên Nước Mặn. Cạnh chợ, một bãi hoang nhưng chúng tôi phát hiện ra dấu tích của phố cổ tại ngôi nhà ông Huỳnh Xưng Chiến còn một bức tường dài 5,2 mét, cao 0,9 mét và dày 0,3 mét làm bằng vôi, gạch, đá ong, mật mía, mạch bằng vôi...Tìm thấy dấu tích đền Quan Thánh (chùa Ông) chỉ còn lại bức bình phong, trước cửa còn ba trụ đá tán, một chiếc đỉnh lư bị hỏng nhưng còn 3 chữ Quan Thánh đế.
Thiên Hậu cung (chùa Bà) được xây dựng ở về phía đông của phố. Tuy bị hỏng hơn 80% do chiến tranh nhưng đây là di tích quan trọng nhất của phố Nước Mặn còn lại. Chúng tôi tìm thấy một chiếc đỉnh lư bằng hợp kim có 3 chân cao 47 cm, đường kính 46 cm, được đúc từ lò Vạn Minh (Trung Quốc) vào năm Đinh Tỵ niên hiệu Gia Khánh (1797). Mới biết đến cuối thế kỷ XVIII, phố Nước Mặn vẫn còn hoạt động và có quan hệ giao lưu thương mại với Trung Quốc.
Về phía đông- bắc của chợ là khu mộ cổ.
Khuôn viên của phố Nước Mặn từ bờ Cầu Ngói đến bến Cây Da. Bến cảng từ Cầu Ngói đến chùa Bà của con sông Âm phủ. Khu phố được khoanh vùng trên thực địa chiều dài hơm 1 km, chiều ngang khoảng 500 m; ngày xưa thuộc làng Lạc Hòa và Vĩnh An (trước đó gọi là Minh Hương) sau nhập chung gọi là An Hòa.
Từ thế kỷ XVIII trở về trước khi cửa Kẻ Thử còn tấp nập thuyền ghe ra vào buôn bán. Tàu thuyền qua đầm Thị Nại vào sông Côn đi qua các nhánh sông Âm Phủ, Cây Da rồi lên tận Cầu Ngói để trao đổi hàng hóa với thương nhân ở phố Nước Mặn. Các Giáo sĩ Bozomi, Pina, Augustin... đến đây truyền giáo (7-1618) cũng kể lại về xây dựng ngôi nhà thờ ở phố Nước Mặn như sau:” Quan trấn thủ cho các thừa sai một ngôi nhà bằng gỗ rộng rãi ở phố Nước Mặn. Ông dùng voi đưa các linh mục đến nhà mới, từ đó các linh mục có cơ sở hoạt động và được dân chúng kính nể. Cũng năm đó, thánh đường được dựng sẵn ở phố Nước Mặn và ráp trong vòng một ngày trước sự bỡ ngỡ và thán phục của các nhà truyền giáo“.
Vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX khi mạch đứt gảy ở duyên hải Bình Định hoạt động, cửa Kẻ Thử bị cát bồi ghe thuyền không ra vào được, phù sa của sông Côn cũng không thoát ra biển làm lắng tụ ở phía bắc đầm Thị Nại, các nhánh sông Âm Phủ, Cây Da bị cạn nước mặn không lên đến chợ, thuyền không đến được Cầu Ngói, phố Nước Mặn suy tàn. Những thương nhân ở phố Nước Mặn tản về Gò Bồi, vào Quy Nhơn hoặc lên An Thái đẻ kinh doanh.
Nước Mặn ngày nay là một làng quê, không còn phố- cảng; chợ là một bãi đất hoang trống trải lều quán tiêu điều. Nhưng âm vang về các họ đại phú như Ngụy, Từ, Khưu, Lý, Khổng, Lâm, Huỳnh... trong đó có ông Khách Sáu chuyên buôn bạc được nhân dân truyền tụng về một ông Khách Bạc họ Ngụy giàu có ở Nước Mặn xa xưa.
Năm 2005, Bảo tàng tỉnh Bình Định tổ chức đào thám sát khảo cổ học phố cảng Nước Mặn đã phát hiện nhiều gốm sứ của Trung Quốc có nguồn gốc từ Phúc Kiến và gốm sứ Hizen của Nhật Bản đều có niên đại thế kỷ XVII-XVIII là một sự thừa nhận về phố cảng Nước Mặn với vai trò mậu dịch quốc tế dưới thời các chúa Nguyễn.
4. Hà Tiên
Mạc Cửu- một trung thần của nhà Minh đã rời Trung Quốc sang Hà Tiên kinh doanh và trở nên giàu có. Mạc Cửu đã chiêu dân các vùng Cà Mau, Rạch Giá và đảo Phú Quốc lập thành 7 xã thôn . Trước uy thế của chính quyền Đàng Trong, vào năm 1708, Mạc Cửu ra Phú Xuân gặp chúa Nguyễn và xin được thần phục. Chúa Nguyễn Phúc Chu đồng ý và trao cho Mạc Cửu chức Tổng binh trấn Hà Tiên . Hà Tiên, một vị trí chiến lược kinh tế và quân sự ở vùng đất tây- nam đất nước, một khu đô thị mới ra đời vào cuối thế kỷ XVII, một cảnh quan cẩm tú trở thành một bộ phận lãnh thổ của xứ Đàng Trong.
Ngày 18 tháng 8 năm 2003, khi chúng tôi đến khảo sát đền thờ " Mạc Linh Công" ở Hà Tiên. Ngoài văn bia ghi về Mạc Cửu và con cháu họ Mạc lập nên đất Hà Tiên, chúng tôi chú ý phần chép tiểu sử Mạc Cửu như sau:" Ông người huyện Hải Phong, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Sau khi nhà Minh dứt, năm 1680 Mạc Cửu 17 tuổi đã vượt biển đến Chân Lạp, được giao chức Ốc Nha. Thấy đất Mang Khảm đông đảo, người các nước buôn bán sầm uất, ông xin vua Chân Lạp đến đó để buôn bán và khuyến khích mở mang nông nghiệp, chiêu tập lưu dân lập 7 xã thôn Phú Quốc, Vũng Thơm, Trảng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Cà Mau và Hà Tiên , không mấy chốc trở nên giàu có.
Năm 1687, quân Xiêm cướp phá Hà Tiên, ông bị bắt đưa về Xiêm 13 năm sống ở cảng Vạn Tuế Sơn.
Năm 1700, nhân lúc Xiêm có loạn, ông trốn về.
Năm 1705, ông ở tại Hà Tiên.
Năm 1708, chúa Nguyễn tiếp đoàn sứ gỉa của Mạc Cửu, chúa chấp nhận cho ông làm quan trưởng Hà Tiên, ban cho ông chức Tổng binh. Ông lập thành quách, bảo vệ đất đai thành một nơi trấn nhậm".
Hà Tiên còn được gọi là Phương Thành, một phố thị đông vui, tấp nập khách thương nhiều nước ra vào buôn bán. Mạc Cửu cho lập chùa Tam Bảo (1720-1730) và đền Quan Công (1725-1730) hiện là hai cổ tự danh tiếng của đất Hà Tiên.
Năm 1735, Mạc Cửu chết , được chúa Nguyễn tặng Khai tướng Thượng trụ quốc đại tướng quân Vũ nghị công. Lăng mộ của ông được xây dựng ở Hà Tiên rất uy nghiêm và đã được công nhận di tích Quốc gia vào ngày 6-2-1989.
Con của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn cử làm Đô đốc trấn thủ Hà Tiên. Chúa Nguyễn Phúc Chú cấp cho 3 chiếc thuyền long bài được miễn thuế, sai xuất dương để mua các của vật quý báu để nộp. Lại sai mở cục đúc tiền để tiện việc trao đổi . Thiên Tứ cho đặt nha thuộc, kén bổ quân ngũ, đắp thành xây luỹ, mở phố chợ, khách buôn các nước đều họp đông. Lại với những người văn học, mở Chiêu anh các, ngày ngày cùng nhau giảng bàn và xướng hoạ, có 10 bài vịnh Hà Tiên " . Lê Quý Đôn có viết: " Tôi từng thấy bản khắc 10 bài vịnh Hà Tiên, đều do Tứ đề mà các văn nhân Thuận Hoá- Quảng Nam cùng nhau hoạ vần, không thể bảo rằng hải ngoại không có văn chương được".
Là một người có khả năng kinh doanh, Mạc Cửu đến đất Hà Tiên lúc tuổi còn thanh niên, ông đã chiêu dân từ Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc... để lập làng dựng phố, buôn bán làm ăn. Từ năm 1708, khi Hà Tiên trở thành lãnh thổ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và dòng họ Mạc được chúa Nguyễn trao cho con cháu kế thế giữ chức Tổng trấn, Hà Tiên nhanh chóng trở thành một đô thị lớn ở đất phương Nam. Thành quách được xây dựng, chùa chiền được tạo lập, phố xá được mở rộng, chợ búa tấp nập thương khách nhiều nước đến mua bán. Chúa Nguyễn còn cấp thuyền, miễn thuế để đi buôn bán với ngoại quốc và ưu tiên cho họ Mạc được phép đúc tiền để tiện tiêu dùng trong bối cảnh sự phát triển thương mại quốc tế. Hà Tiên trở thành vùng đô thị trọng điểm của khu vực với sự phát triển văn học, hình thành một nền văn hóa đô thị đặc sắc.
Trước đây các bộ sách giáo khoa lịch sử các cấp học đều phê phán chúa Nguyễn, chúa Trịnh do tham vọng cầm quyền đã gây ra họa chia cắt đất nước và nội chiến; điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn cũng là một trong những động lực tự cường, tự vệ để các chúa Nguyễn không ngừng mở đất về phương nam, phát triển kinh tế, xây dựng đô thị, mở cửa giao lưu với nhiều nước trên thế giới.
Đô thị Đàng Trong ra đời là hệ quả của chính sách tiến bộ của các chúa Nguyễn đón nhận đúng thời cơ thương mại quốc tế và di dân đô thị đang phát triển. Tầm nhìn đó đã vượt xa các nguyên thủ phương Đông cùng thời lấy làng xã làm nền tảng, nông dân làm chỗ dựa, nông nghiệp làm trọng tâm và cấm vận là chủ yếu. Sự ra đời và phát triển đô thị Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn là một hiện tượng lịch sử đáng được ghi nhận để tìm ra nguyên nhân và đặc điểm của nó.
Đàng Trong là nơi giàu về tài nguyên thiên nhiên, có nhiều tiềm năng kinh tế, có nhiều sông ngòi và nhiều cảng biển thuận tiện cho việc lập cảng và ghe thuyền cập bến. Các chúa Nguyễn đã tận dụng mọi khả năng lao động trong nhân dân kể cả chính sách ưu ái với nguồn lao động và đầu tư của người nước ngoài để phát triển kinh tế và đô thị. Các đô thị đều dựa trên cảng sông để phát triển đã tạo ra một thế hệ phố cảng rất đặc sắc nhưng chủ yếu dựa vào thiên nhiên của thời tiền công nhiệp. Khi cảng sông, cửa biển có biến đổi thì phố cũng thay đổi theo và cuối cùng bị suy tàn. Chỉ còn lại Hội An và Hà Tiên là duy trì được sức sống của một dạng đô thị có dáng dấp thời trung đại cần được trân trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử trong tương lai.
PGS.TS Đỗ Bang (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét