Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Vùng Đất Nam Bộ Thời Cổ Đại


Vùng Đất Nam Bộ Thời Cổ Đại
 
Nam bộ là một phần lãnh thổ thiêng liêng của nước Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, nhận thức về vùng đất này thời tiền và sơ sử thì còn nhiều hạn chế. Do khoa học vẩn đang trong quá trình khám phá, giải đáp, mà cũng do chưa thực sự có những nghiên cứu có tính tổng kết. Và cả những xuyên tạc vì mục đích chính trị. Dúơi đây là một số phác họa – mấy nhận thức bước đầu về vùng đất Nam nộ thời cổ đại, trên cơ sở xem xét những ghi chép của thư tịch cổ, những thành tựu của khảo cổ học và một số ngành khoa học liên quan, và tham khảo ý kiến – quan điểm của một số nhà nghiên cứu.
VŨ VĂN QUÂN
Chúng ta từ lâu đã biết đến một nước Phù Nam như một quốc gia một thời hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Chủ yếu là những thông tin đựoc cung cấp bởi ngùôn thư tịch cổ Trung Hoa. Trong kho tàng thư tịch cổ Trung Hoa, tên nứoc Phù Nam xuất hiện sớm, gồm những ghi chép cá nhân, cả chính sử của các triều đại. Dị vật chí của Duơng Phù đời Đông Hán chép nứoc Kim Lân hay Kim Trần cách Phù Nam hơn hai nghìn dặm. Tam Quốc chí (Ngô thư, quyển 47: Ngô chủ truyện) chép sự kiện năm 243 vua Phù Nam là Phạm Chiên sai sứ đến cống nhạc sĩ và phuơng vật, cũng chép sự kiện Lữ Đại sau khi đánh chiếm Giao Châu và Cửu Chân đã sai ngưòi đến các nứoc phuơng Nam, trong đó có Phù Nam, trong khoảng những năm 227-231. Tấn thư chép sứ Phù Nam đến và dâng phuơng vật những năm 268, 285, 286, 287, 357. Tống thư chép sứ Phù Nam đến và dâng phuơng vật những năm 434, 345, 347. Nam Tề thư chép sứ Phù Nam đến và dâng phuơng vật năm 484. Luơng thư chép sứ Phù Nam đến và dâng phuơng vật những năm 503, 504, 512, 514, 517, 519, 520, 530, 535, 540. Trần thư chép sứ Phù Nam đến và dâng phuơng vật những năm 559, 572, 588. Từ Tùy thư đến Cựu Đùơng thư, Tân Đùơng thư không thấy chép những sự kiện tuơng tự nữa. Nguyên nhân vì từ Tùy – Đường quốc gia này đã suy yếu và diệt vong rồi. Ngoài ghi chép về những lần sứ giả Phù Nam đến Trung Quốc dâng phương vật, các tài liệu thư tịch Trung Hoa còn cung cấp nhiều thông tin về quốc gia này. Tấn thư có Phù Nam quốc truyện chép câu chuyện nữ vương Phù Nam là Diệp Liễu (hay Liễu Diệp) lấy chồng người nước ngoài là Hỗn Hội (hay Hỗn Điền) – mà nhiều nhà nghiên cứu cho đó là một cư sĩ Ấn Độ, Nam Tề thư, Lương thư cũng có Phù Nam quốc truyện chép khá chi tiết về vương quốc này, cung cấp những thông tin quan trọng.
Qua ghi chép của thư tịch cổ Trung Quốc, có thể lập một danh sách các triều vua Phù Nam. Danh sách này không liên tục và chắc chắn còn thiếu. Thứ tự (từ đầu đến đầu thế kỷ VI) như sau: 1. Hỗn Bàn Huống; 2. Bàn Bàn; 3. Phạm Man hay Phạm Sư Man; 4. Kim Sinh; 5. Phạm Chiên; 6. Trường; 7. Phạm Tầm; 8. Trúc Chiên Đàn; 9. Kiều Trấn Như; 10. Trì Lệ Đà Bạt Ma; 11. Kiều Trần Như Chà Da Bạt Ma; 12. Lưu Đà Bạt Ma. Trong danh sách này, một số có thể xác định được niên đại tương đối chính xác: Phạm Chiên đầu thế kỷ III, Phạm Tầm cuối thế kỷ III, Trúc Chiên Đàn giữa thế kỷ IV, Kiều Trấn Như đầu thế kỷ V, Trì Lệ Đà Bạt Ma giữa thế kỷ V, Kiều Trần Như Chà Da Bạt Ma cuối thế kỷ V đầu thế kỷ VI, Lưu Đà Bạt Ma đầu thế kỷ VI.
Có những vấn đề đã tương đối rõ ràng. Căn cứ vào ghi chép của thư tịch cổ, các nhà khoa học thống nhất nhận định, Phù Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công nguyên, bắt đầu phát triển thế lực từ thế kỷ thứ II, trở thành một đế quốc hùng mạnh từ thế kỷ thứ III, suy yếu và diệt vong vào khoảng cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ thứ VII. Cụ thể, đến năm 627, Phù Nam bị Chân Lạp – vốn là một thuộc quốc của mình, thôn tính.
Nhưng cũng có nhiều vấn đề không thể xác định được cụ thể. Phức tạp nhất là giới hạn không gian. Theo ghi chép của thư tịch cổ, Phù Nam là một quốc gia nằm ở phía nam của Lâm Ấp (Chăm-pa), hay phía nam xứ Nhật Nam - nghĩa bao gồm vùng đất Nam bộ của Việt Nam hiện nay. Nhưng giới hạn đến đâu? Lương thư (Phù Nam truyện) chép Phạm Man (hay Phạm Sư Man) – vua Phù Nam, chinh phạt các nước chung quanh, thành chư hầu, tự xưng Phù Nam đại vương, đóng thuyền lớn, vượt biển, đánh Khuất Đô Côn, Cửu Trĩ, Điền Tốn (hay Đốn Tốn) hơn mười nước. Những nước trên ở đâu? Vẫn Lương thư (Phù Nam truyện) cho biết thêm, nước Điền Tốn (hay Đốn Tốn) cách Phù Nam hơn ba nghìn dặm, biên giới phía đông thông với Giao Châu (Bắc Việt Nam), biên giới phía tây giáp với Ấn Độ. Thật quá mơ hồ.
Từ cuối thế kỷ XIX, các học giả nước ngoài (chủ yếu Pháp) bắt đầu nghiên cứu về Phù Nam. Nguồn tư liệu chủ yếu là thư tịch cổ Trung Quốc được dịch sang chữ phương Tây. Nhưng – như trên đã nói, sự mơ hồ trong những ghi chép của thư tịch cổ khiến nhận thức không thống nhất.
P.Pelliot trong Nước Phù Nam (1903) dựa vào thư tịch cổ Trung Quốc và một số bi ký bước đầu khôi phục lại lịch sử Phù Nam (từ truyền thuyết nữ hoàng Liễu Diệp hay Diệp Liễu kết hôn với người Ấn Độ là Hỗn Điền, sinh con cái, chia nhau cai quản các thành thị, thời Phạm Man hay Phạm Sư Man chinh phục được nhiều nước thành chư hầu…). Đáng chú ý, P.Pelliot mô tả Phù Nam là một đế quốc rộng mênh mông, đặc biệt từ Phạm Sư Man, bao gồm Nam Bộ của Việt Nam, Campuchiam, thung lũng sông Mê Nam và cả một bộ phận bán đảo Mã Lai. G.Coedes (1931) và một số học giả khác tiếp tục đưa ra những nhận thức bổ sung về cương giới quốc gia này. Vẫn cơ bản một sự nhìn nhận Phù Nam như một đế quốc rộng mênh mông. G.Coedes thậm chí còn kéo quốc gia này ngược lên phía Bắc, đến tận Nha Trang – Khánh Hòa, nơi tìm thấy bia Võ Cạnh. Nhưng càng ngày các nhà nghiên cứu càng thấy khó có thể tin được về một nước Phù Nam với phạm vi không gian quá rộng lớn đến như thế.
Vậy thì phạm vi không gian của nước Phù Nam mà thư tịch cổ ghi chép là như thế nào? Vấn đề sẽ không thể đi đến cùng được nếu cứ mãi loay hoay với những ghi chép của thư tịch cổ, với những địa danh không thể xác định, hoặc xác định được thì lại mâu thuẫn. Những đoán định và giải thích mâu thuẫn của thư tịch cổ sẽ không thể đem đến hình ảnh chân thực về nước Phù Nam.
Nhưng đến nay thì hầu như ai cũng nhận thấy chỉ bằng thông tin thư tịch cổ khó có thể xác định được chính xác phạm vi của nước Phù Nam. Sáu mươi năm kể từ ngày nhà khảo cổ học người Pháp L.Malleret bắt đầu cuộc khai quật khảo cổ học tại địa điểm Óc Eo, giới nghiên cứu càng ngày càng đi đến một nhất trí cơ bản rằng, vấn đề sẽ không thể giải quyết được nếu tách Phù Nam khỏi Óc Eo.
Óc Eo là tên một gò đất đá giữa cánh đồng Giồng Cát – Giồng Xoài phía đông và đông nam núi Ba Thê (Nay thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Đầu năm 1944, L.Malleret, trên cơ sở những phát hiện lẻ tẻ, từ năm 1942, đã tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học tại địa điểm Óc Eo . Khái niệm Văn hóa Óc Eo xuất hiện từ đây. Ngoài Óc Eo và một số nơi khác thuộc tỉnh An Giang, L.Malleret mở rộng phạm vi khảo sát sang tỉnh Kiên Giang và một số địa điểm khác. Tại tỉnh này, L.Malleret đã khảo sát di tích Nền Chùa, cách khu di tích Óc Eo 12km về phía tây nam, coi như là tiền cảng của thành phố cảng Óc Eo, di tích Cạnh Đền (Trăm Phố) (nay thuộc ấp Cạnh Đền 2, xã Vịnh Phong, huyện Vĩnh Thuận)… Các cuộc điều tra và khai quật của L.Malleret đã đem lại một khối lượng di tích và di vật đồ sộ cung cấp một hình ảnh tương đối khái quát về Văn hóa Óc Eo.
Sau cuộc khai quật năm 1944 của L.Malleret, đất nước luôn trong tình trạng chiến tranh. Cách mạng tháng Tám, rồi hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, công cuộc khảo cổ học Nam bộ gần như đình trệ. Các nhà khoa học đã không thể tiếp tục công việc, rất nhiều triển vọng nhưng mới chỉ là bước đầu này, ngay tại khu di tích Óc Eo, cũng như mở rộng phạm vi ra các địa điểm khác, các tỉnh khác hay toàn đồng bằng Nam bộ. Thậm chí, những kết quả L.Malleret thu được cũng phải mãi đến cuối những năm năm mươi đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước mới được công bố một cách có hệ thống.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đất nước thống nhất, vấn đề Nam bộ thời tiền và sơ sử được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Dù các lĩnh vực, nhưng trọng tâm là khảo cổ học, bởi trong trường hợp này, chỉ khảo cổ học mới đem đến tiếng nói phán xét. Từ năm 1975 đến nay, đã có hàng trăm nghiên cứu được công bố về khảo cổ học tiền sơ sử đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nhất vẫn là về văn hóa Óc Eo. Luôn có những phát hiện mới. Cho đến nay, Văn hóa Óc Eo được phát hiện khắp các địa phương Nam bộ, ngoài An Giang và Kiên Giang, bản đồ khảo cổ học văn hóa Óc Eo đã rải khắp các tỉnh đồng bằng Nma bộ, từ Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An đến Tây Ninh, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… Tất nhiên, mức độ trù mật các di chỉ có khác nhau. An Giang và Kiên Giang vẫn là những địa phương có thêm nhiều di chỉ mới được phát hiện. Việc phát hiện và khai quật có hệ thống các di tích Văn hóa Óc Eo của các nhà khảo cổ học Việt Nam ngót ba mươi năm qua đã đem lại nhận thức đầy đủ hơn về nền văn hóa này.
Như vậy, sau sáu mươi năm kể từ ngày L.Malleret khai quật di chỉ Óc Eo, khảo cổ học Nam bộ thời tiền và sơ sử đã có những bước tiến mới, nhất là từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay. Thành tựu đó làm cho nhận thức của chúng ta về lịch sử vùng đất Nam bộ thời tiền và sơ sử ngày càng rõ ràng hơn. Đặc biệt, những mâu thuẫn khó lí giải trong ghi chép của sử sách Trung Quốc về quốc gia Phù Nam, từ Louis Malleret đến những cuộc khai quật khảo cổ học các di chỉ văn hóa Óc Eo gần đây, đã dần dần được giải mã, được khám phá.
Trước hết, những kết quả mà L.Malleret công bố cho thấy mối quan hệ rõ rệt giữa Óc Eo và Phù Na, đem đến một hình ảnh cụ thể, một hình dung tương đối rõ nết về quốc gia này. Các nhà nghiên cứu về sau đặc biệt đánh giá cao những phát hiện và nghiên cứu của L.Malleret. Trên thực tế, chính ông là người đầu tiên xác lập được một sơ sở vật chất – văn hóa của quốc gia Phù Nam. Đặc biệt là luận điểm quan trọng về một nền văn hóa trước Khmer, không phải Khmer (qua những nền móng kiến trúc gạch ngói, dấu tích nhà ở, nhà sàn, cọc gỗ), một cư dân trước Khmer, không phải Khmer (qua dấu tích con tàu đắm, cảng thị, sinh hoạt sông nước trồng lúa nổi), về sự tồn tại của một nước Phù Nam phát triển cao trên địa bàn miền Tây sông Hậu mở rộng sang đến sông Tiền và mở rộng quyền lực hơn nữa ra bên ngoài, không phải là Chân Lạp, hơn nữa thời gian đầu còn là tôn chủ của Chân Lạp.
Những thành tựu nghiên cứu gần ba mươi năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ngày càng chứng minh cho nhận định trên. Văn hóa Óc Eo – như trên đã nói – ngày nay được phát hiện trên khắp các tỉnh Nam bộ, với vài chục di chỉ khảo cổ. Với trên 40 kết quả định niên đại bằng phương pháp C14 các di tích Óc Eo, trừ một số niên đại trước Công nguyên có thể do xáo trộn hoặc lầm lẫn, niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VIII sau Công nguyên nhìn chung là phù hợp với niên đại văn hóa Óc Eo và cũng tương đương với thời kỳ tồn tại của nước Phù Nam mà chính sử Trung Quốc đã ghi chép.
Một nhận định được đông đảo các nhà khoa học tương đối nhất trí là: quốc gia Phù Nam hình thành và phát triển trên nền tảng vật chất và kỹ thuật của văn hóa Óc Eo – mà không gian phân bố của văn hóa này tập trung chủ yếu ở vùng Nam bộ của Việt Nam, điều đó có nghĩa là, dù Phù Nam có thể là một nước bao gồm nhiều thuộc quốc như ghi chép của thư tịch cổ thì trung tâm của nó vẫn là vùng Nam bộ của Việt Nam.
Một vấn đề rất được quan tâm là, vậy chủ nhân Văn hóa Óc Eo – và cũng là chủ nhân của nước Phù Nam (với trung tâm là vùng đất Nam bộ của Việt Nam) là ai? Có phải là người Khmer – chủ nhân của nước Chân Lạp – như một số học giả và chính giới Campuchia quan niệm không? Các kết quả nghiên cứu đã xác lập cơ sở khoa học khá vững chắc để đi đến nhận định rằng chủ nhân của Văn hóa Óc Eo – vương quốc Phù Nam là một cư dân khác với người Khmer, nói một ngôn ngữ khác tiếng Khmer. Đó là những cư dân nói ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo (Ma-layo – Polynésien hay Nam Đảo), khác với người Khmer nói ngôn ngữ Nam Á. Những căn cứ được nêu ra như sau:
Thứ nhất, theo Lương thư, có một nước trong biển cả tên là Tì Kiển, có ngôn ngữ giống với Phù Nam. Tì Kiển được các học giả nhận định là Pekan, nằm trên bán đảo Mã Lai. Như thế, có thể nghĩ Phù Nam nói ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo (Ma-layo – Polynésien).
Thứ hai, theo Tấn thư, phong tục trong tang lễ và hôn nhân của Phù Nam gần giống với Lâm Ấp, nghĩa là gần giống Champa, mà người Champa cũng là cư dân nói ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo (Ma-layo – Polynésien).
Thứ ba, về mặt nhân chủng, năm 1944, G.Malleret và Bous-carde đã phát hiện một di tích khác thuộc Văn hóa Óc Eo ở Rạch Giá. Trong di chỉ này, cùng với nhiều đồ gốm giống hệt như những đồ gốm tìm thấy ở chính di chỉ Óc Eo, người ta còn tìm thấy sáu sọ người cùng với nhiều xương tay chân, mà theo giám định của nhà nhân chủng học E.Génet Varcin thì tất cả những sọ người này đều thuộc giống người Proto-malais, giống hệt loại hình chủng tộc với những cư dân Thượng nói tiếng Ma-layo – Polynésien ở Tây Nguyên. Gần đây, vào năm 1984, các nhà khảo cổ học Việt Nam cũng tìm thấy trong các di chỉ Gò Tháp (Đồng Tháp) và Óc Eo (An Giang) hai sọ cổ mang đặc điểm nhân chủng Protomalais. Trong khi đó, người Khmer thuộc chủng Nam – Mongol với yếu tố da vàng mờ nhạt, khác hẳn với người Protamalais là chủ nhân của Văn hóa Óc Eo.
Thứ tư, quan trọng hơn cả, là những kết quả nghiên cứu văn hóa tiền Óc Eo, làm cơ sở xác lập mối quan hệ tộc người giữa chủ nhân văn hóa Tiền Óc Eo – Óc Eo với các nền văn hóa Nam Đảo. Cuộc khai quật gò Cây Tung ở An Giang tiến hành trong những năm 1994-1995 đã đem lại những kết quả quan trọng. Dưới tầng văn hóa mang những đặc trưng Văn hóa Óc Eo, còn có một tầng cư trú dày của những cư dân trước Óc Eo. Đặc biệt là loại rìu mà ở giữa lưỡi có một gờ nổi gần giống với loại rìu ở Mã Lai và ở Indonesia gọi là bôn có mỏ với địa bản phân bố của cư dân nói tiếng Mã Lai – Đa Đảo. Hoàn toàn có cơ sở để khẳng định một diễn biến văn hóa vật chất từ tiền Óc Eo đến Óc Eo trong di chỉ này. Ngoài di chỉ gò Cây Tung còn nhiều di chỉ khảo cổ học mới phát hiện khác cũng có tính chất tương tự.
Thứ năm, trong diễn tiến văn hóa tiền sử Nam bộ có mối liên hệ với văn hóa Sa Huỳnh ở Trung bộ (sự phổ biến của mộ chum, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú, ở các đồ gốm khắc vạch hồi văn…). Mà văn hóa Sa Huỳnh là nguồn gốc của văn hóa Champa, cũng tức là của cư dân nói tiếng Nam Đảo. Từ đó có thể thấy chủ nhân của các di tích có mộ chum ở Nam bộ cũng là cư dân Nam Đảo.
Đã hơn một trăm năm, kể từ khi công trình của P.Pelliot được công bố và sáu mươi năm kể từ khi L.Malleret khai quật khu di tích Óc Eo, đến nay, nhận thức của chúng ta về vùng đất Nam bộ tiền – sơ sử đã trở nên rõ ràng hơn. Công cuộc nghiên cứu của khảo cổ học, dân tộc học, sử học vùng đất Nam bộ đang và sẽ được tiếp tục, được đẩy mạnh, cả về bề rộng, cả về bề sâu. Còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, nhiều vấn đề còn những ý kiến khác nhau, nhưng cũng đã có những sự thực lịch sử được khẳng định.
Trên vùng đất Nam bộ của Việt Nam hôm nay, từ nhiều nghìn năm trước, những cư dân tiền Óc Eo miệt mài lao động và sáng tạo, chuẩn bị những cơ sở vật chất cần thiết, làm tiền đề, cùng tác động của những nhân tố ngoại sinh, bước vào thời đại văn minh Óc Eo rực rỡ, với thế mạnh là hàng hải và thương mại. Nền văn minh đó là cơ sở vật chất – kỹ thuật của nhà nước Phù Nam, hình thành vào quãng đầu Công nguyên, rồi dần dần mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài, trở thành một đế chế, một trung tâm quyền lực lớn của Đông Nam Á cổ đại. Văn minh đó, quốc gia đó là của một cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo. Nhưng, lịch sử vốn nhiều nghiệt ngã. Chính sự mở rộng quyền lực đó trở thành một nguyên nhân suy yếu của đế quốc này.
Chân Lạp (có sách chép là Cát Miệt – phiên âm chữ Khmer) là một quốc gia hoàn toàn khác, hình thành muộn hơn Phù Nam, với trung tâm là vùng trung lưu sông Mê Kông và khu vực gần Biển Hồ, lấy nông nghiệp là nghề sống chính. Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh, có nhiều nước thần phục, là chư hầu, trong đó có Chân Lạp. Từ thế kỷ thứ IV diễn ra quá trình biển tiến, biến một phần Nam bộ dần chìm ngập trong nước biển. Phù Nam rơi vào tình trạng khó khăn. Biển tiến, sự mở rộng quyền lực, những xung đột nội bộ đã đẩy Phù Nam đến chỗ suy yếu. Chân Lạp nhân đó mà tấn công. Phù Nam diệt vong. Cũng là điểm mở đầu để đi đến sự kết thúc của một nền văn minh. Một Nam bộ sầm uất của những thành thị Óc Eo với một quốc gia hùng cường trở lại trạng thái hoang vu, cho đến khi người Việt vào, do sự bất lực của chính kẻ đã làm quốc gia này diệt vong.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét