Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

"Trung Kỳ dân biến" qua cái nhìn của thực dân Pháp


"Trung Kỳ dân biến" qua cái nhìn của thực dân Pháp

Báo Quảng Nam, 4/1/2008

Cách đây tròn một thế kỷ, Trung Kỳ dân biến, tức phong trào kháng thuế cự sưu ở Trung Kỳ- năm 1908 (khởi phát từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam sau đó lan rộng ra khắp các tỉnh Trung Kỳ) là một đòn mạnh, trực diện làm rúng động chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam đầu thế kỷ XX; đồng thời được đánh giá là một "Xô viết Nghệ - Tĩnh" trước khi có Đảng, mà Quảng Nam vinh dự là ngọn cờ đầu, đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Đã có không ít các bài viết của các nhà nghiên cứu trong nước đề cập đến sự kiện lịch sử có tầm vóc đặc biệt này. Tuy nhiên, đọc lại các tài liệu của người Pháp, nhất là các công điện, báo cáo (*) của các quan chức Pháp đương thời - những kẻ trực tiếp chỉ thị, chỉ huy đàn áp phong trào - càng giúp có cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về nguồn gốc, vai trò, tác động lớn lao của sự kiện Trung Kỳ dân biến.
Trước hết, có thể nhận thấy trong nhiều tài liệu, nhà cầm quyền Pháp đều nhất quán khẳng định: Phong trào kháng thuế cự sưu năm 1908 chính là một bộ phận và là hệ quả tất yếu của phong trào Duy tân do chí sĩ Phan Châu Trinh lãnh đạo(**). Công điện của Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque ngày 1-4-1908 gửi Toàn quyền Đông Dương nhấn mạnh: "Sự rối loạn này do sự chỉ đạo của những kẻ gọi là cải cách có liên hệ với Nhật. Họ là các nho sĩ, các nho sinh có ảnh hưởng thật sự trong dân chúng ở thôn quê... Tôi không ngần ngại khẳng định y (Phan Châu Trinh) là người chủ mưu thực sự gây ra sự rối loạn này". Báo cáo Tổng hợp số 1919 ngày 22-7-1908 của Toàn quyền lâm thời Đông Dương -Bonhoure- gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa tại Pari viết: "Một đảng thứ hai được phát triển ở Trung Kỳ và Nam Trung Kỳ, cầm đầu là một nho sĩ đi Nhật về là Phan Châu Trinh mà ta có thể coi là kẻ xúi giục cuộc dân biến Trung Kỳ. Đảng này gồm phần lớn các nho sĩ trẻ, các giáo học, các phiên dịch cũ thấm nhuần tư tưởng mới, hướng theo những ý tưởng cách mạng và cải cách. Chính đảng này đã tổ chức ra vụ gây rối chống quan lại tại chỗ...". Nói về những "tác động có hệ thống" do Phan Châu Trinh chủ xướng, báo cáo  trên cho hay: "Những người tổ chức phong trào đã cố gắng tác động vào các tầng lớp khác nhau bằng những biện pháp thích hợp nhất... Họ đã gửi đến cho các quan lại đã nghỉ việc, thậm chí cả đương chức, cho các nho sĩ những lời kêu gọi bằng chữ Hán, những áng thơ văn với giọng cảm khái và rung động lòng yêu nước và tự tôn của nhà nho. Họ cũng khai thác sự bất bình trong giới thượng lưu An Nam đối với việc phế truất Thành Thái, mặc dù không mấy được mến yêu nhưng vẫn là biểu tượng bất khả xâm phạm của quốc gia, triều đình. Với các phụ nữ mua bán tại các chợ, họ trương các biểu ngữ nêu việc tăng giá tiền chỗ, về sự sách nhiễu của đám thu thuế. Với những người làm muối, họ nói về độc quyền muối, việc đóng cửa các lò muối, nạn mua rẻ bán đắt muối ăn. Với các nhà nông, họ nhắc lại chế độ trước đây phân ra rất nhiều loại ruộng đất cho phép đánh lừa cơ quan thuế và giấu diện tích dễ dàng. Với toàn bộ dân chúng phải chịu thuế thân, họ vạch ra mức thuế rất thấp phải đóng ngày xưa, sự gia tăng các ngày sưu dịch có thể thay thế bằng tiền. Họ xúi giục các hương chức bãi công không thu thuế, nộp trả tiền, biểu tượng của sự ủy quyền từ nhà vua. Với các nhà có danh vọng, họ nêu hy vọng là ở Trung Kỳ sẽ có một Hội đồng tư vấn như Bắc Kỳ và bãi bỏ việc đấu thầu thuế chợ".
Cũng xin được nhắc lại rằng, một năm trước khi nổ ra Trung Kỳ dân biến, các văn bản của thực dân Pháp liên tục đề cập khá nhiều đến hoạt động của phong trào Duy tân, trong đó có việc lập các Hội buôn. Ngày 1-7-1907, viên Đại lý Pháp tại Tam Kỳ trình lên thượng cấp Báo cáo số 10, nêu rõ: "…Tôi phải báo cáo hành động của một nhóm nhà nho đã lợi dụng danh nghĩa mua bán để theo đuổi mục đích, tôi chưa xác định rõ ràng nhưng thấy sẽ đến lúc nào đó tạo ra cho chúng ta những khó khăn lớn, nếu chúng ta không chú ý đề phòng. Những tên này đều là nho sĩ, là học sinh bị trả về nguyên quán, hoặc tú tài, cử nhân không có việc làm, có cả cựu quan chức Nam triều bị thôi việc. Họ tổ chức thành cái gọi là Hội buôn, tạo ra dáng dấp buôn bán chứ thật sự không làm việc buôn. Tiệm của họ ở Tam Kỳ chỉ bày mấy thùng dầu hỏa và mấy cái dù, thực ra đó là nơi họ dùng để họp hội". Sau khi điểm lại một số vụ việc do các thành viên Hội buôn thực hiện nhằm chống bọn quan lại, một lần nữa viên Đại lý này cảnh báo: "Các vụ đó có thể bỏ qua ở nơi khác nhưng ở Trung Kỳ có thể xem thường không? Ta dễ dự tính trước những rắc rối có thể xảy ra..., những rắc rối ấy chắc chắn sẽ tác động rất xấu đến tình hình chính trị chung của nước này". Báo cáo mật số 167 (ngày 7-1-1907) của Công sứ Quảng Nam Charles cũng có cùng nhận định như vậy: "Theo ý tôi thì cuộc vận động của họ không chỉ xuất phát từ ý đồ tha thiết đem hệ thống cai trị của Pháp thay cho hệ thống cai trị An Nam. Cũng không phải do muốn bức xúc thay đổi các phong tục tập quán của xã hội Việt Nam. Chính là cuộc chiến đấu chống lại ảnh hưởng của quyền lực của nước Pháp mà họ phát động và khi họ tấn công vào quan lại… thì chính họ nhằm vào chúng ta". Trong Báo cáo số 4 (ngày 8-1-1908), viên Công sứ còn nói rõ thêm: "Hội kín ở Quảng Nam tiếp tục công cuộc tuyên truyền chống Pháp và tư tưởng quốc gia. Trong hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ, họ nắm các trường học và điều hành việc dạy học. Họ trao cho học sinh những tài liệu kích thích tinh thần yêu nước, hận thù quân xâm lược, xem thường cái chết. Mỗi người phải sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc. Thật là những bài học tuyệt vời về chí khí, chỉ tiếc là chúng ta một ngày kia phải trả giá cho sự giáo dục ấy mà thôi". Rõ ràng, bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã nhận thức rõ về "hậu quả" tất yếu mà phong trào sẽ gây ra cho chúng và tìm đủ mọi cách để ngăn cản những hoạt động khôn khéo và đầy hiệu quả của Phan Châu Trinh và những cộng sự của ông.
Thực dân Pháp cũng phải thú nhận những yếu kém khó khắc phục của bộ máy cầm quyền mà chúng cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến Trung Kỳ dân biến: " Nhân sự người Âu trong bộ máy cai trị quá kém, còn nhân sự người bản xứ thì vừa bất cập so với nhiệm vụ vừa không phải lúc nào cũng thật sự trung thành, các cơ quan chuyên môn toàn xứ đã tạo ra những rối rắm, gây nên tình trạng dân bản xứ xa dần bộ máy cai trị của Pháp và làm suy yếu khả năng hành động của chính quyền địa phương"(1).
Trở lại với sự kiện Trung Kỳ dân biến, mặc dù đã dự đoán trước nhưng khi cơ sự xảy ra thực dân Pháp vẫn không khỏi sửng sốt, bất ngờ. Qui mô và tính chất phức tạp của sự kiện này được mô tả khá chi tiết: " Nhiều người Nam ở các phủ và huyện đã tập hợp ở nhiều nơi trong tỉnh và hàng mấy ngàn người đã kéo đến Hội An, phản đối thuế thân và sưu dịch…"(2), " Giai đoạn đầu tiên ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế và tỉnh Thừa Thiên. Giai đoạn này mở đầu với đặc điểm là các cuộc biểu tình đều không vũ trang, với số lượng đông đảo nhưng không mang tính chất bạo lực… Nhưng khi nó lan đến các tỉnh phía Nam thì ngay từ đầu nó đã mang tính chất nổi loạn dữ dội. Tỉnh Bình Định là một trong những nơi đã thực sự rơi vào tình trạng vô chính phủ"(3).
Sức mạnh của Trung Kỳ dân biến đã khiến các quan chức Pháp phải đối phó một cách bị động. Ngày 15-5-1908, Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque cấp báo Toàn quyền lâm thời Đông Dương: "Trong điều kiện rất mỏng hiện nay của tổ chức chúng ta trên đất nước này, với tình hình diện tích đất đai rất rộng của mỗi một tỉnh Trung Kỳ, với tình trạng thiếu thốn của chúng ta về mọi phương diện, với thông tin và đi lại vừa khó khăn vừa chậm chạp, ta hoàn toàn không thể nào thực hiện được một kế hoạch tổng thể được hoạch định trước. Tôi chỉ có thể yêu cầu các Công sứ phối hợp tốt nhất các cố gắng của họ, sắp xếp cho các đội cảnh binh đi lùng các quận huyện có rối loạn một cách có qui củ nhất…". Viên Khâm sứ cũng cho thấy tính khẩn cấp của các hoạt động đối phó mà cả nhà cầm quyền Pháp lẫn Nam triều phải thực hiện để ổn định tình hình: "…Ở Huế, Phủ Phụ chánh ngày nào cũng họp với sự hiện diện của tôi - có ngày phải họp nhiều lần - có lúc ở Viện Cơ mật, có lúc ở Tòa Khâm…", "…Cơ quan Phụ chánh đã mời hai vị Thượng thư đã về hưu và một số vị quan nghỉ hưu hay tạm nghỉ việc và yêu cầu họ bằng mọi cách đưa tình hình trở lại yên tĩnh, cho họ thấy tình hình nguy hiểm mà họ là người phải gánh một phần trách nhiệm và hậu quả đối với chính bản thân họ…"(4).
Đánh giá về tầm quan trọng và vai trò của Trung Kỳ dân biến năm 1908, Công sứ Nha Trang Boyeure cho đây là "một cuộc Cách mạng được chuẩn bị một cách cực kỳ khôn khéo"(5). Còn Toàn quyền lâm thời Đông Dương Bonhoure nhận thấy tính chất nghiêm trọng: "Thực ra họ (tức những người tham gia Trung Kỳ dân biến) không chỉ nhằm giảm một vài thứ thuế mà nhằm- tôi xin nhắc lại đây mới là điều nghiêm trọng và đáng lo cho tương lai - tạo ra sự hỗn loạn về tổ chức cai trị trong toàn quốc và chuẩn bị sự thức tỉnh của một phong trào dân tộc"(6). Bonhoure cũng cảnh báo tác động lâu dài của sự kiện Trung Kỳ dân biến: "Ngay từ bây giờ Chính phủ phải tính đến một cuộc nổi dậy có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà các sự việc vừa qua là những triệu chứng báo hiệu trước và… chúng ta cũng chỉ có thể ngăn chặn bằng cách thường xuyên sẵn có ở Đông Dương những lực lượng vũ trang đủ mạnh" (7).
Thế nhưng, thực dân Pháp đã tính toán sai lầm. Bạo lực của chúng không thể nào ngăn cản đựơc lòng yêu nước và khuất phục được ý chí đấu tranh bất khuất của một dân tộc - được thức tỉnh bởi một phong trào nông dân vĩ đại, mà tinh thần và sức lan tỏa của nó đã trở thành bất diệt. Điều gì đến rồi sẽ đến. Chỉ 8 năm sau đó, khởi nghĩa Duy Tân do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo nổ ra. Đặc biệt, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và bước lên vũ đài chính trị lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1930), các cao trào cách mạng mạnh mẽ nối tiếp nhau làm lung lay nền tảng bộ máy cầm quyền thực dân, phong kiến, tạo tiền đề cơ bản để đến mùa thu năm 1945, cả dân tộc "rũ bùn đứng dậy chói loà" làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử "long trời lở đất", lật nhào ách thống trị gần 100 năm của thực dân và xoá bỏ chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm trên đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta!
_______
(*): Các văn bản này được in trong cuốn " Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước- nhìn từ góc độ văn hóa" của Nguyễn Q. Thắng.
(**): Điều này trùng hợp với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân. Trong cuốn Phong trào Duy tân, ông cho rằng: "...Không thể tách rời chính biến này khỏi phong trào Duy tân. Vì chính nó là một bộ phận thiết yếu của phong trào, là cái thành tựu lớn nhất khi tư tưởng Dân quyền phổ biến và tác động sâu rộng trong dân chúng...".
(1), (3), (6), (7): Báo cáo Tổng hợp về dân biến Trung Kỳ ngày 22.7.1908 của Toàn quyền lâm thời Đông Dương gửi Bộ trưởng Thuộc địa.
(2): Công điện lúc 11h ngày 31.3.1908 của Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque gửi Toàn quyền Đông Dương về diễn biến vụ Dân biến tại Trung Kỳ tại Quảng Nam.
(4): Công điện lúc 11h ngày 1.4.1908 của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương.
(5): Báo cáo chính trị của Công sứ Nha Trang Boyeure gửi Khâm sứ Trung Kỳ, văn bản số 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét