Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Ở một khía cạnh khác của cuộc dân biến năm 1908


Ở một khía cạnh khác của cuộc dân biến năm 1908

Cuộc cự sưu - hay chống thuế cự sưu nổ ra ở Trung kỳ năm 1908, mà đầu mối khởi phát là tại huyện Đại Lộc, một trong những vùng đất "địa linh nhân kiệt" của tỉnh Quảng Nam, sau trở thành cao trào đồng khởi, dấy nên ngọn lửa cách mạng dân biến, thức tỉnh và lan nhanh, lan rộng ra 10 tỉnh thành, từ Thanh Hoá vào đến Bình Thuận (cực Nam Trung bộ). Dư chấn ngày ấy, cách nay đã 100 năm vẫn còn vang động trong tâm thức lớp người hậu thế. Ấy là sự vang động của truyền thống cách mạng, của tự hào dân tộc, luôn len lỏi, âm ỉ cháy trong huyết quản của những người yêu nước ở dọc dài miền Trung, trước vận mệnh và biến đổi không ngừng của thời cuộc, thời đại, mà trong đó số phận con người luôn gắn với vận nước.
Một trăm năm qua, đã có hàng trăm bài viết, bài nói của các học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà báo, các thầy cô giáo và trong nhiều cuốn địa chí, lịch sử cách mạng của tỉnh, huyện, dưới nhiều góc độ nhìn nhận, đề cập đến sự kiện năm 1908, vẫn chưa nói hết được ý nghĩa của hào khí lòng dân trong tình hình và bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Đặc biệt, là các tác phẩm "Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký" của Phan Châu Trinh (Lê Ấm - Nguyễn Q.Thắng, biên soạn giới thiệu) - "Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908” của Nguyễn Thế Anh - "Trần Quý Cáp và tư trào cách mạng đầu thế kỷ XX” của Lam Giang - "Vụ chống thuế ở Trung kỳ năm 1908" của Huỳnh Thúc Kháng - "Phong trào Duy Tân" của Nguyễn Văn Xuân.
Như chúng ta đều biết, cuối thế kỷ XIX, quyền lực của chính thể Nam triều trên dải đất miền Trung coi như đã bị triệt tiêu, vây hãm. Đến vua quan cũng phải nhận từng đồng lương bổng từ "Nhà nước bảo hộ" như những công chức chính quyền thuộc địa. Lý hào ở các làng xã tha hồ tung tác. Các sắc thuế trên ban ra vô thưởng vô phạt là nỗi lo sợ triền miên cho người dân chân lấm tay bùn, buôn thúng bán bưng. Trước kia, thuế điền thu bằng thóc, nay phải nộp bằng tiền. Chưa nói thuế thân, môn bài, thuế chợ, thuế muối, thuế rượu, thuế cá, thuế rừng... và nhiều thứ thuế khác đã vắt kiệt sức người dân. Cũng nên nhớ rằng, ở nông thôn vào thời kỳ đó trên 90% là dân làm nông. Làm nghề nông tang mà không có ruộng đất bao nhiêu. Công điền, công thổ dành cho nhà giàu, người có ruộng đất. Thuế má không chừa ai, nhưng nông dân là người gánh chịu phần thiệt thòi nặng nhất về cả sức lao động, vật chất lẫn tinh thần.
Ở Quảng Nam, người dân còn phải đi phu, lao dịch, đào sông, đắp đường, vận chuyển, hộ đê, canh gác... Nhớ lại những năm tháng dân phu Quảng Nam làm đường đèo Hải Vân, đường Đà Nẵng đi Kontum để chính phủ đô hộ vận chuyển gỗ, chè tiêu; đường Đà Nẵng lên Nông Sơn để khai thác than đá; đường Tam Kỳ vào Bồng Miêu để khai thác vàng; sông ngòi Câu Nhí, Vĩnh Điện, Tam Kỳ để chở thóc, gạo, cá mắm. Sức lực người dân dải nắng dầm mưa, rắn rết, muỗi mòng, tai nạn lao động, đau ốm không có thuốc men, ăn uống thiếu thốn, kham khổ, đã làm nhiều người bỏ mạng, trở về thương tật, bệnh hoạn quanh năm. Cái cảnh ấy đã vào ca dao, như một lời ta thán để đời:
- Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu
hay : - Làm nông nó khổ quá chừng
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Thực tế ấy càng làm cho dân tình xao xuyến, tình hình càng trở nên xôn xao, sôi sục. Khi đọc lại những tư liệu sống trong các tác phẩm kể trên, về toàn bộ diễn biến của sự kiện những ngày tháng 3 năm 1908 của các nhà nghiên cứu mới thấy hết tầm vóc chiều sâu của nó.
1.
Cuộc biểu tình kháng thuế cự sưu diễn ra ở một địa bàn - mà lúc đầu ở một làng, đó là làng La Đái tương đối hẻo lánh, vùng trung, cao huyện Đại Lộc, xa huyện đường, tỉnh đường công sứ Pháp. Nhưng dù ở đâu đi nữa, hễ có áp bức thì có đấu tranh, tức nước thì vỡ bờ. Các phong trào đấu tranh, nổi dậy, các cuộc bạo động, khởi nghĩa có tướng lĩnh, thủ lĩnh, chỉ huy có tổ chức lãnh đạo hay tự nguyện, tự phát từ trước đến nay đều có dân chúng tham gia. Nhân dân là tập thể sức mạnh, là hạt nhân, ngòi nổ của bạo lực cách mạng. Sự phản kháng cho dù sức vóc không cân bằng "giữa địch và ta", nhưng bằng nội lực tinh thần, cộng với ý chí, sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải làm vũ khí tiến công.
Sống trong môi trường và tình cảnh như trên, thì sớm muộn gì cũng nảy sinh, vỡ oà những thái độ, những hành động phản kháng quyết liệt. Ở đây nổi lên một yếu tố cực kỳ quan trọng - là những người dân bình thường cùng những nho sinh và một số lý hào tiến bộ nhận thức được nỗi bất công của chế độ hà khắc và chỉ có đấu tranh, bằng cuộc biểu tình trực diện với những kẻ cầm đầu đầu tỉnh. Họ giăng cờ, khẩu hiệu và hô to đòi cắt giảm sưu thuế. Đó là mục đích và mục tiêu tối thượng, sát sườn với họ trong lúc này. Chỉ có biểu dương sức mạnh nhân dân, lực lượng nhân dân khởi phát vì sinh mệnh cuộc sống, vì miếng cơm manh áo vốn khổ nhục, ngày càng cực nhục, đẩy họ vào cái thế tiến công một mất một còn. Vì thế mà cuộc bạo động này đã có sức thu hút hàng vạn người dân tham gia và lan nhanh ra các phủ huyện, rồi các tỉnh thành, không mất nhiều thời gian cũng như những lời hiển dụ, vận động, tuyên truyền. Sự nổi dậy hưởng ứng như một sự phản ứng dây chuyền đã làm cho bọn thống trị không lường trước được và không kịp đối phó tức thì, mà chỉ lo sợ và xua lính ra ngăn cản, để sau đó tìm cách phản ứng theo kiểu thực dân.
Sở dĩ có được cao trào chống thuế cự sưu, là một trong những phong trào cách mạng ở Quảng Nam, là bắt nguồn từ những nguyên nhân xa, hay là sâu xa. Tức là ngọn nguồn, mạch nguồn xuyên suốt của một quá trình đấu tranh của các phong trào yêu nước từ Cần Vương, Duy Tân, Duy Tân hội, Nghĩa hội nung nấu trong nhiều đối tượng, thành phần xã hội. Tuy bề ngoài, cuộc "dân biến" như là một phản ứng cấp thời của tầng lớp nghèo khổ đối với chính sách sưu cao thuế nặng của chủ nghĩa thực dân và bọn cường hào ác bá ở địa phương, nhưng trong quá trình diễn biến, nó trở thành phong trào rộng lớn, sôi sục. Một trong những nhân chứng sống lúc bấy giờ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có sự khẳng định: "Suy cho cùng, cuộc cự sưu năm 1908 thuần nhiên là từ sức quần chúng phơi gan trải ruột, đem xương máu chống lại hai chính phủ: Chính phủ bảo hộ Pháp và chính phủ bù nhìn Nam triều(...). Rõ ràng là viên đá móng đầu tiên xây nền dân chủ trong thời quyền lực thống trị còn vững chải" (Huỳnh Thúc Kháng - Vụ chống thuế ở Trung kỳ năm 1908).
Nguyên nhân gần, là không tách rời với chủ trương của các nhà khoa bảng, túc nho yêu nước đề xướng và lãnh đạo công cuộc "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", cổ vũ dân quyền bằng cải cách xã hội, hô hào, vận động đồng bào học chữ quốc ngữ, cúp tóc, mặc âu phục, mở mang ngành nghề, chăn nuôi, trồng trọt, giao thương mua bán tự do v.v... đã ảnh hưởng, tác động đến tư tưởng tình cảm, thức tỉnh người dân vùng dậy xuống đường. Đây là những công việc đại sự, hoàn toàn mới mẻ, diễn ra trong khi giai cấp thống trị và ngoại bang đang còn thế lực hoành hành hung hãn, luôn tìm cách dập tắt và đàn áp bất cứ động tỉnh nào của người dân. Nhưng sức hiệu triệu canh tân, cải cách của các nhà cách mạng yêu nước biết dựa vào dân, lấy dân làm gốc, và nhân dân nghèo khổ, bị nô dịch cũng hiểu rằng - chỉ có hành động quyết liệt thì mới có sự thay đổi nào đó, mới đem lại quyền làm người, cho dù chỉ mới là đường lối, kế sách manh nha, chưa dự báo được thành bại như thế nào.
Tuy nhiên, những nguyên nhân xa hay gần của cuộc dân biến chống thuế cự sưu, sau đó bị Pháp đàn áp nhằm vào những nhà yêu nước tên tuổi, nhằm răn đe, chặt đứt mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với các lãnh tụ phong trào đi tiên phong trong cuộc đấu tranh, mà nhân dân tin cậy, gửi gắm. Do đó, cuộc dân biến dù có tổn thất, nhưng vẫn là thắng lợi không gì phủ nhận được.
2.
Trở lại với vấn đề thuế má. Không có quốc gia, chính thể nào lại không đặt ra các sắc thuế, với một hệ thống kèm theo sắc luật, luật lệ về thuế để thi hành. Mọi công dân đều có nhiệm vụ và trách nhiệm với Nhà nước về đóng thuế. Thuế là nguồn thu lớn cho công quỹ để đóng góp vào việc xây dựng, nuôi bộ máy công quyền và phúc lợi cho dân. Đối với chế độ cai trị như thực dân Pháp ở nước ta, thì thuế là điều kiện để bòn rút, nô dịch và khống chế nhân dân ta hữu hiệu và đắt lợi nhất.
Trong châu bản, đạo dụ các triều vua Nguyễn, đến các nghị định, sắc lệnh của chính phủ đô hộ đều có chương, phần bàn về thuế. Khi đọc và tìm hiểu trên báo Dân, Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng, báo Tràng An của Lê Thanh Cảnh và nhất là những ghi chép về Phan Thanh (dân biểu Trung kỳ) sau này, mới thấy cuộc đấu tranh trên báo chí, diễn thuyết, trên nghị trường về thuế thật là dai dẳng, cam go và quyết liệt. Trong đó, hầu hết các nghị viên của Viện dân biểu đều bằng cách này, cách khác đứng về phía dân, đối chất với bọn đại diện khâm sứ, toàn quyền Pháp, hoặc Nam triều, về các yêu sách của các tầng lớp lao động, chống dự án tăng thuế, đòi sửa đổi thuế thân, thuế điền thổ, thổ trạch, môn bài. Trong Đề nghị án của Phan Thanh đòi cắt bỏ và giam ngay 8 hạng người phải nạp thuế. Trong đó có thuế thân là thứ thuế "vô đạo đức", "phi nhân" nhất của chính phủ văn minh Pháp ở Đông Dương được các nghị viên tiến bộ ủng hộ, biện hộ cho lý lẽ của Đề nghị án nổi tiếng này, phản bác kịch liệt dự án thuế của chính phủ.
Cho thấy vấn đề thuế, sưu đối với nhà nước đô hộ Pháp luôn là con bài nô dịch, làm bần cùng hoá các tầng lớp nhân dân để dễ bề cai trị, vắt cạn tài nguyên, đất đai, mồ hôi nước mắt, sức lực và trí tuệ của người dân. Việc khai hoá đi đôi với việc bần cùng hoá là chiêu bài, chính sách hai mặt thâm độc của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa không dễ nhận ra lá mặt, lá trái của nó. Chỉ có những ai là đối tượng trực tiếp, tiếp nhận hoặc cam chịu mới thấm thía hết "đoạn trường" một cổ hai tròng, sống với sưu cao thuế nặng, ngay chính trên mảnh đất mình sinh ra mà phải gánh chịu bất công, không một mảy may làm chủ với đất và bản thân mình.
                             * * *
Cuộc dân biến chống thuế cự sưu từ tháng 3 cho đến tháng 7 năm 1908 ở Đại Lộc, là hệ quả tất yếu của lịch sử. Đó là cuộc vùng dậy đầu tiên, mãnh liệt của nông dân trong sự nghiệp chống thực dân Pháp xâm lược cả về trước và sau này. Nhân dân cả nước, sau 100 năm biến cố ấy vẫn còn nhớ Quảng Nam như là vùng đất có truyền thống yêu nước, luôn kế thừa và phát huy bản chất tốt đẹp đó trên địa bàn hoạt động của nhiều phong trào, hoặc mới khởi xướng, hoặc hưởng ứng, là nơi hội tụ những khuynh hướng đấu tranh hoà bình và bạo lực, cải cách và cách mạng nửa cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX.

Tạp chí Non nước, tháng 8/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét