Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Thử xét lại các nguyên nhân của phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908


Thử xét lại các nguyên nhân của phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908

Gs. Nguyễn Thế Anh
Những cuộc biểu tình và bạo động của dân chúng Trung-Kỳ, bắt đầu trong tỉnh Quảng-Nam vào tháng ba 1908 và lan rộng mau chóng đến các tỉnh khác, đã được chỉ định dưới nhiều danh từ khác nhau như “phong trào kháng thuế”, “vụ cự sưu” hoặc “xin xâu”, hay còn là “vụ dân biến”. Không ai có thể phủ nhận sự chấn động mà phong trào này đã gây ra. Chính một chứng nhân người Pháp, Jean Ajalbert, cũng phải coi đây như là “cuộc khởi loạn được tổ chức một cách thông thạo nhất, - như là một sự luyện tập, một sự thao diễn thí nghiệm trong đó xứ An-Nam tổng ước các năng lực của nó, kiểm điểm các lực lượng phiến loạn của nó”2. Còn Nam triều, ngay từ ngày 21-5-1908, đã phải hiểu thị cho các quan viên của mình là : “từ nay bất cứ là tỉnh quan cùng phủ, huyện viên hạt nào, phàm người có chức trách thân dân, đều phải gia tâm dò xét, hễ có dị trạng, thì lập tức thương cùng Trú sứ xét trị, để chặn đứng lúc chưa xảy ra… Ngoài ra, phàm xã dân có đơn kêu phủ, huyện, tổng lý, lại dịch nhũng nhiễu tình gì, thì tỉnh quan lập tức thương cứu nghĩ xử, cốt cho bình tình, ngõ hầu khiến cho tiểu dân đều biết kính phục, không dám phạm phận làm càn, không bị kẻ hiếu sự lừa phỉnh, an thường làm ăn, sưu thuế nạp đủ, dân đều là lương dân, thì lại đều là lương lại.”3
Sự diễn biến của phong trào kháng thuế, cự sưu này đã được biết một cách khái quát, nếu không chính xác cho lắm, qua những sự tường thuật của những nhân vật trong cuộc, như cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng. Song le, chúng ta cần phải xác định rõ rệt các nguyên nhân của phong trào này, nhất là chúng ta cần phải đặt câu hỏi xem có phải gánh nặng sưu dịch đã là nguyên nhân chính yếu khiến dân chúng miền Trung bất chấp các sự đàn áp mà tụ tập đông đảo tại các lỵ sở để biểu tình, hay đây chỉ là một cái cớ khiến phát động một phong trào phản kháng chế độ đã âm ỉ từ trước.
Tài liệu đương thời nhấn mạnh nhiều lên gánh nặng sưu dịch làm dân chúng rên xiết; những bài thơ ca nói lên tình trạng khổ cực này và lưu truyền trong tỉnh Quảng-Nam, như bài thơ sau, không phải là hiếm :
“……………………..
Anh em thiệt cũng thương ôi,
Năm nay công ích đã bồi lại thêm.
Đêm nằm nghĩ ngày đêm rơi lụy,
Anh em mình xử trí làm sao ?
Càng ngày xâu thuế càng cao,
Mất mùa ta lại lao đao nhiều bề.
Tỉnh phủ phái, phần tri, tổng lý,
Hiếp dân trình, sao chế mà ăn.
………….
Đêm năm canh chưa tan sương tuyết,
Đánh trống xâu mà niết con dân.
Nghĩ thôi khổ sở trăm phần,
Cơm ăn chưa kịp cũng lần mò đi.
Chân đất nóng vai thì gánh nặng,
Lưng chịu đòn, mình nắng chang chang.
……………………………………….”4
 Phan Chu Trinh, khi chỉ trích các tệ đoan xã hội thời bấy giờ, cũng không quên nhắc đến cái tệ sưu dịch : “Lại còn đến cái tệ sưu dịch cũng không thể nói xiết được, mỗi tên đinh một năm đóng thuế thân rồi phải bốn ngày công ích và mười ngày công sưu, còn như đi làm thứ tạp dịch khác đều có tiền thuê…”.5
Thế nhưng, không nên quên rằng những tài liệu nói trên có tính cách tuyên truyền phần nào ; riêng Phan Chu Trinh đã không có những nhận xét xác đáng về chế độ sưu dịch, cũng như đã lẫn lộn giữa những danh từ công sưu và công ích. Chính vì thế mà cần phải tìm hiểu rõ hơn về chế độ công sưu, đã được xác định dưới triều vua Thành Thái.
Kể từ năm 1898 trở đi, mỗi tráng dân phải trả một món thuế thân đồng niên là 2$20 và phải chịu sưu 10 ngày. Đạo dụ ngày 21 tháng 11 năm Thành Thái thứ 15 (8-1-1904) còn xác định thêm là tại 13 phủ, tỉnh và đạo ở Trung-Kỳ, mỗi tráng dân đồng niên chịu sưu 10 ngày, trong đó để lại 4 ngày làm việc làng, 6 ngày bắt làm công ích thuộc hạt. Một đạo dụ khác tới sau còn cho phép được nạp tiền thay 2 ngày sưu trong số 6 ngày phải làm công ích tại hạt (mỗi ngày nạp thay 0$20).
Quyết định ngày 3 tháng 11 năm Duy Tân thứ nhất (7-12-1907) vẫn giữ y nguyên số ngày công sưu, với đôi chút sửa đổi : “10 ngày công sưu…, trừ 2 ngày để làm việc làng, còn 8 ngày đều đem làm việc công ích trong hạt… Nay 8 ngày công ích nói trên, ngoại trừ 2 ngày đã cho nhất tề nạp thay, còn lại 6 ngày do tỉnh và tòa sở tại xét xã thôn nào nguyện nạp thay mấy ngày, nguyện làm xâu mấy ngày, cho người giầu xuất của, người nghèo ra sức, thì dân không kêu nhọc, mà quan cũng không bỏ việc…”6
Quyết định này dành cho mỗi địa phương quyền tự liệu và cách sử dụng số ngày công sưu mà các tráng dân phải làm. Vì thế, ngày 6-2-1908, viên trú sứ tỉnh Quảng-Nam cho rằng vì công dịch quá nhiều, nếu cho chuộc bạc sẽ có nhiều sự bất tiện gây nên bởi những khó khăn trong việc thuê mướn nhân công; do đó, viên trú sứ này định là, trong tỉnh Quảng-Nam, về 6 ngày công ích, sẽ bắt các tráng dân ứng dịch, chứ không cho nạp bạc thay. Ngày 11-3-1908, chừng 400 người dân thuộc huyện Đại-Lộc rủ nhau tới tỉnh kêu xin lượng giảm sưu thuế ; ở các phủ, huyện khác, cũng có một, hai xã hưởng ứng cuộc vận động7. Hơn nửa tháng sau, ngày 30-3-1908, các cuộc biểu tình bùng nổ tại Quảng-Ngãi8, rồi dần dần lan sang các tỉnh khác.
Sự thật, quyết định ngày 7-12-1907 của chính phủ không thay đổi gì nhiều chế độ công sưu đã được xác định từ 10 năm về trước: số ngày công sưu đối với mỗi tráng dân vẫn là 10 ngày ; chỉ có sự gia tăng số ngày làm việc công ích trong hạt lên 8 ngày là gây thêm bất tiện cho nông dân, khi phải ứng dịch tại những nơi xa làng xóm. Nhưng những mối bất tiện này không đủ để giải thích sự hưởng ứng rộng rãi các cuộc biểu tình được tổ chức tại nhiều tỉnh. Vả lại, trong nhiều trường hợp, đây không phải là những sự hưởng ứng tự động : khắp mọi nơi, giai cấp sĩ phu lãnh đạo đều đã đứng ra kêu gọi, thúc giục và nông dân đã họa theo phần nhiều là vì nể hay sợ, như chúng ta có thể thấy qua các bản án của Nam triều9. Phải công nhận với chính phủ Nam triều là “dân các hạt có tình trạng không an như thế, tưởng không phải là duyên cố một sớm một chiều”10 ; các cuộc biểu tình kháng sưu đã được phát động như là một phương thức hành động bởi các lãnh tụ của một phong trào phản đối chế độ hiện hữu, đã xuất hiện từ những năm 1905-1906. Ta cũng không thể nghĩ rằng các quan đại thần trong Phủ Phụ Chính đã sai lầm khi có nhận xét như sau: “Hiện nay bọn người hiếu sự ở Nam, Nghĩa ngầm mưu xui giục làm loạn, trước thì dụ dân cắt tóc cải trang, kế thì đặt trường diễn thuyết, sau hết thì mê hoặc nhân dân bằng việc kêu xin giảm thuế, cùng nhau tụ tập, xướng làm dân quyền, dần dần đến hống đường náo thị, mà tỉnh, phủ, huyện quan sở tại không ngăn chặn được. Chúng lại lén đến hạt khác lừa phỉnh, gây nên dân các hạt Thừa-Thiên và Bình-Định bắt chước làm càn, động phiền xử trí, Quí Bảo hộ bất đắc dĩ mà dụng binh tuần triệt”11.
Các bản tấu án của các quan địa phương cũng phù hợp với nhận xét trên đây ; ta có thể lấy bản tấu án của tuần vũ Quảng-Nghĩa Nguyễn Xuân Triêm, đề ngày 13-6-1908, làm ví dụ : “Lê Đình Cẩn trước kia can giá lập hội buôn, lừa phỉnh sĩ tử lấy bạc, lại can kháng cự quan chủ tỉnh, đã bị án xử phạt giam, tước khử ngạch cử nhân; nay lại dụng tâm máy móc, xui khiến ngấm ngầm, gây nên hạt dân sinh ra việc điêu ngạnh như thế. Nguyễn Hoàn là cử nhân, đã xin lập hội buôn, không được chuẩn y, nay lại mưu sử nhân dân quần tụ, giả lấy việc xin thuế, náo động tỉnh thành”12.
Như thế, phải đi tìm những nguyên nhân sâu xa hơn là vấn đề sưu thuế để giải thích phong trào cự sưu tại Trung-Kỳ trong năm 1908.
Trong những năm đầu của thế kỷ thứ XX, sau các sự thất bại của phong trào Cần Vương và Văn Thân, giai cấp sĩ phu hiểu rõ sức mạnh của người Pháp13 cùng ý thức được tình trạng vô vọng của những sự kháng cự bằng vũ khí và sự cần thiết tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện để mà cứu quốc. Cuộc cách mạng này được coi là cấp bách trước sự phá sản của tổ chức xã hội truyền thống : tất cả mọi quyền hành của nhà vua ở Huế bị tước đoạt14, giới quan lại trở thành dụng cụ của sự cai trị của người Pháp. Năm 1906, Trong bức thư ngỏ gửi Toàn quyền Đông-Dương, Phan Chu Trinh cho rằng vì chính phủ bảo hộ dung túng quan lại Việt-Nam và khinh rẻ sĩ dân Việt-Nam, mà giới quan lại đã có thể hà hiếp dân chúng và “trừ việc truyền lệnh thu thuế, không còn biết việc gì nữa”15. Cụ lại cũng gián tiếp chỉ trích thái độ của Nam triều, khiến bức thư ngỏ của cụ bị coi là “vô luận phỉ báng triều chính, sỉ mạ quan lại, nhiều lời nghịch quấy mà thôi, chỉ lấy một câu nô vị đã hiển nhiên cái lòng không vua chúa”16.
Dưới ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng Tây phương, được truyền vào Việt-Nam qua các sách báo Trung-Hoa, một số sĩ phu bắt đầu kêu gọi mọi người từ bỏ lối sống trừu tượng, nội tâm của nhà nho, đoạn tuyệt với các hủ tục (mà cử chỉ tượng trưng là cắt cái búi tó), theo đuổi tân học mà mở mang công, thương theo đường lối tư bản. Việc mở các hội buôn, hội học, hội cày, v.v… được nhiệt liệt hô hào, đặc biệt trong tỉnh Quảng-Nam. Các bản án xử các vị lãnh tụ của phong trào kháng thuế năm 1908, nhất là Phan Chu Trinh, cho thấy rõ điều này17.
Chính nhờ sự dấn thân vào hành động này mà các sĩ phu có thể hiểu rõ dân tình hơn, và nhận thấy cuộc cách mạng mà họ cổ động cần được sự hưởng ứng của khối quần chúng : các sự tuyên truyền, kêu gọi được đưa sâu vào trong các làng mạc. Phương thức hoạt động là những buổi diễn thuyết tại các xóm làng, trong đó gánh nặng sưu thuế và các sự nhũng lạm của giới quan lại được đưa ra chỉ trích, với mục đích tạo nên lòng phẫn nộ trong dân chúng. Thật vậy, sự phản kháng việc trưng thu thuế má có một nội dung cụ thể, có thể kích thích tâm lý quần chúng một cách hữu hiệu và lôi cuốn sự hưởng ứng của giới nông dân, vẫn là đại đa số.
Một số sự kiện đã thúc đẩy sự diễn biến của phong trào :
1- Song song với những biện pháp giảm bớt nhân số trong ngạch quan lại của Nam triều, chính phủ áp dụng năm 1906 một số cải cách vào chế độ học vấn và thi cử, ấn định, ngoài những sự sửa đổi qui thức trường thi, là kể từ khoa Hương thí năm 1909 trở đi, chỉ có những sĩ tử đã đỗ hạch tại các trường trung học các tỉnh thành mới được ứng thí18. Dù cấp tiến mấy đi nữa, các sĩ phu vẫn cảm thấy quyền lợi của giai cấp họ bị đe dọa, nhất là họ cho rằng những cải cách giáo dục này đã được ban hành dưới áp lực của chính phủ bảo hộ.
2- Vua Thành Thái, mới đạt đến tuổi trưởng thành không được bao lâu, đã lại bị phế truất bởi Khâm sứ Pháp Levecque và bị thay thế bởi một vị vua trẻ tuổi khác. Nhà vua đã bị giam tại điện Cần chánh từ cuối tháng 7 năm 1907 trước khi bị ép buộc công bố đạo dụ ngày 3-9-1907 nhường ngôi cho hoàng tử Vĩnh San.
Các sự kiện này gây nhiều hoang mang trong dư luận. Lợi dụng trạng thái hoang mang này, và có lẽ cũng vì nghĩ rằng sự tuyên truyền của họ đã đủ ăn sâu vào trong quần chúng, các vị lãnh tụ của phong trào duy tân phát động các cuộc biểu tình chống thuế. Vì đây là một cuộc vận động đã được chuẩn bị từ lâu, nó mới đã lan tràn một cách rộng lớn tới mọi tỉnh Trung-Kỳ. Quyết định của trú sứ tỉnh Quảng-Nam ngày 6-2-1908 không cho dân chúng chuộc số ngày công ích bằng tiền sự thật đã là cái cớ để cho phong trào bùng nổ.
Trên nguyên tắc, các cuộc biểu tình cự sưu được quan niệm như những sự phản đối tập thể, tụ họp những đám đông nhưng vẫn giữ tính chất ôn hòa vì, theo lời các vị lãnh tụ : “…. Ngày nào đến kỳ thuế, trưng thu quá nặng, nhất tề không chịu, quí quan há có lẽ giết hết được sao ?”19. Nhưng rất sớm, phong trào đã vượt ra ngoài sự điều khiển của các sĩ phu chủ trương duy tân. Nhiều nơi, các thường dân đã cướp lấy quyền hành động và các vụ bạo động đã xảy ra. Nhờ vậy, chính quyền đã có thể thẳng tay đàn áp phong trào. Cuối cùng, những sự vận động hiệp thương, những sự cổ súy tân học, những cuộc biểu tình cự sưu đều đã được qui vào tội “quan thông vi bội” hay “mưu bạn”, và những người liên hệ đã phải chịu án tử hình hay lưu đầy ra Côn-Đảo.
 NTA
 Chú thích của tác giả:
1 Ðăng trên Nghiên Cứu Việt-Nam (Sai-gon), 1973, tr. 5-10.
2 « L’émeute la plus savamment organisée, – comme une répétition, une manoeuvre d’essai où l’Annam récapitulait ses énergies, recensait ses forces de révolte », J. Ajalbert. Les destinées de l’Indochine – Voyage – Histoire – Colonisation. Paris, 1909, tr. 121.
3 Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 129.
4 Dẫn bởi Trần Huy Liệu, “Phong trào cách mạng Việt-Nam qua thơ văn”. Nghiên cứu Lịch sử, tháng 5-1959, tr. 50-51.
5 Bản dịch của Đặng Thai Mai, Văn thơ cách mạng Việt-Nam đầu thế kỷ XX (1900–1925). Hà-Nội, Văn hóa, 1961, tr. 203.
6 Châu bản triều Duy Tân, tập III, tờ 56-57.
7 Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 88-89.
8 Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 106.
9 Xem : Nguyễn Thế Anh, Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân. Saigon, Phủ Q.V.K. đặc trách Văn hóa, đương in.
10 Bản tấu của Phủ Phụ chính ngày 21-5-1908. Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 129.
11 Bản tấu của Phủ Phụ chính. Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 128.
12 Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 144-145.
13 Phan Bội Châu viết là : “Thế lực người Việt-Nam vẫn muôn vàn không kịp người Pháp, tranh đấu với người Pháp thực không khác gì đứa bé ba tuổi dám ra vật lộn với Mạnh Bôn, có sức mạnh nhổ nổi sừng trâu, sao mà chẳng thua được”. Việt-Nam vong quốc sử, bản dịch của Sa Minh Tạ Thúc Khải, trong Niên san Đại học Văn khoa Saigon, 1959-1960, tr. 17.
14 “Vua hiện tại nước Việt-Nam là vua Thành Thái, người Pháp chỉ lưu vua ở trong nội điện, cho xưng danh hiệu là hoàng đế. Người Pháp lại đem lính Pháp quanh giữ cửa điện, một ra một vào đều do người Pháp coi sóc, vua đi ra một bước cũng phải vâng hiệu lệnh của người Pháp. Nhất thiết chánh lệnh chiếu chỉ trong nước đều trước phải bẩm rõ cho người Pháp thuận cho, mới được thi hành ; hoặc người Pháp tự truyền ra ý chỉ, thì những bọn nô lệ người Việt phải làm lễ năm lạy ba khấu mà dạ dạ vâng làm, còn vị hoàng đế kia thì hai tay cung kính chỉ chấm một chấm, chứ không được hé miệng hỏi một tiếng là việc gì đó”. Phan Bội Châu, bài dẫn trên, tr. 16.
15 Xem bản dịch của Đặng Thai Mai, sđd, tr. 190-209.
16 Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 47.
17 “(Phan Chu Trinh) mượn danh thương mãi, truyền bá phù ngôn, bắt đầu từ trong làng trong hạt, kế đến dĩ Bắc dĩ Nam, nghe thấy thật là đáng ghét. Ngày tháng 10 năm đầu Duy Tân, cứ tỉnh Hà-Tĩnh tư hiện nã được tên ngụy Lãnh Hạ, cứ y cung rằng Phan Chu Trinh từng cùng Phan Bội Châu mưu ngụy… Gần đây dân tỉnh (Quảng-Nam) tụ họp, muốn ngạnh trở chính lệnh, chưa chắc là không do lời phù ngôn bình nhật của y gây nên. Kế đến tiếp điện văn của tỉnh Khánh-Hòa viết : Phan Chu Trinh đi khắp các tỉnh dĩ Nam Bình-Định, Phú-Yên và Khánh-Hòa, lại chuyển ra Hà-Nội, uỷ người mua sách, ấn tống các văn từ giấy nam, trong văn từ phần nhiều đổ lỗi cho Nam quan và chính phủ thu sưu thuế không hợp lý, tỉnh ấy tìm được nguyên bản, đã do Tòa sứ bản tỉnh phụng nạp…” Châu bản triều Duy Tân, tập XVII, tờ 46-48.
18 Xem Châu bản triều Thành Thái, tập 55, tờ 179-193.
19 Châu bản triều Duy Tân, tập VII, tờ 107.

 À propos de l’auteur
Ancien Recteur de l’Université de Huế (Việt-Nam), ancien professeur à l’Université de Saigon, Nguyễn Thế Anh est actuellement directeur d’études à l’École Pratique des Hautes Études (Sciences historiques et philologiques), et directeur du Laboratoire Péninsule Indochinoise (EPHE/CNRS). Outre des ouvrages en vietnamien et de nombreuses études en français, anglais et vietnamien, ses publications en France sont : Bibliographie critique sur les relations entre le Việt-Nam et l’Occident, Paris, G.-P. Maisonneuve et Larose, 1967 ; Le Đại-Việt et ses voisins, Paris, L’Harmattan, 1990 ; Monarchie et fait colonial au Việt-Nam (1875-1925). Le crépuscule d’un ordre traditionnel, Paris, L’Harmattan, 1992 ; Notes sur la culture et la religion en Péninsule indochinoise (dir. avec Alain Forest), Paris, L’Harmattan, 1995 ; Guerre et paix en Asie du Sud-Est (dir. avec Alain Forest), Paris, L’Harmattan, 1998 ; Commerce et navigation en Asie du Sud-Est, XIVe-XIXe siècles (dir. avec Yoshiaki Ishizawa), Paris, L’Harmattan, 1999 ; L’Asie Orientale et Méridionale aux XIXe et XXe siècles (en collaboration avec Harmut Rotermund, Alain Delissen, François Gipouloux, Claude Markovits), Paris, Presses Universitaires de France (Coll. Nouvelle Clio), 1999.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét