Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Thượng Lào tạo thế và lực cho Điện Biên Phủ


Thượng Lào tạo thế và lực cho Điện Biên Phủ







“Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào tạo ra thế và lực mới trên chiến trường Lào và Bắc Đông Dương, góp phần đưa cuộc kháng chiến của quân và dân hai nước giành thắng lợi to lớn trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ...”. Đó là ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tham luận gửi đến Hội thảo quốc tế “Căn cứ địa Sầm Nưa, biểu tượng đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào”.
Trung tướng Chăn-xạ-mỏn Chăn-nhạ-lạt, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Giám đốc Học viện Quốc phòng Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn nhớ lại diễn biến của chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Đây là chiến dịch đầu tiên có sử dụng một lực lượng lớn bộ đội chủ lực Việt Nam tham gia và do các đồng chí lãnh đạo cấp cao của hai bên trực tiếp chỉ huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến các đơn vị quân đội Việt Nam tham gia chiến dịch, Người căn dặn: “…Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận nhiệm vụ quan trọng và vinh quang, việc giúp đỡ nhân dân các nước bạn có nghĩa là giúp chính mình. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ từ cấp trên xuống dưới phải vượt qua khó khăn, thi đua đánh giặc, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở nước ta, nâng cao tinh thần Quốc tế, tôn trọng dân chủ, phong tục tập quán, thương yêu nhân dân nước bạn, giữ kỷ luật, giữ gìn danh dự cho Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Ngày 17-3-1953, tại huyện Anh Sơn (Nghệ An), Đại đoàn 304 đã tổ chức Đại hội chính trị, quân sự trước khi hành quân sang Thượng Lào. Ngày 31-3-1953, Đại đoàn 304 đã chia thành 2 mũi tiến vào đất Lào. Một mũi tiến vào hệ thống phòng thủ của địch ở tuyến đường số 7 do đồng chí Hoàng Minh Thảo và đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít chỉ huy. Mũi thứ hai hành quân theo tuyến đường Mường Ngạn vào Mường Khun (Xiêng Khoảng) do đồng chí Lê Chưởng và đồng chí Nhia-vư Lo-bia-dao chỉ huy. 
Đại tá Hà Minh Tân, nguyên cố vấn chuyên gia quân sự giúp Tổng cục Chính trị quân đội Lào cho biết thêm: Ngày 8-4-1953, Chiến dịch Thượng Lào chính thức được thực hiện. Phía Việt Nam tham gia chiến dịch Thượng Lào là các đơn vị thuộc các Đại đoàn 308, 312, 316, 304. Phía Lào có 5 đại đội tập trung cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích các tỉnh thuộc vùng Thượng Lào. Liên quân Việt-Lào đã triển khai chiến đấu, hình thành thế bao vây ngay từ đầu.
Phát hiện đại quân Việt-Lào tấn công, quân địch hốt hoảng bỏ Sầm Nưa vào đêm 12-4-1953. Mặc dù đã qua nhiều ngày hành quân liên tục, núi sông cách trở, thời tiết khắc nghiệt..., nhưng khi được tin địch rút chạy, quân ta lập tức truy kích. Cho đến 9 giờ sáng ngày 14-4, ta đuổi kịp địch ở bản Na-nọng cách Sầm Nưa 20km, tập kích tiêu diệt một tiểu đoàn địch. Đến 7 giờ sáng ngày 16-4, ta đuổi kịp bộ phận đi đầu của địch ở khu vực Húa Mường, cách Sầm Nưa 60km, hình thành thế bao vây tiêu diệt 5 đại đội địch và tiếp tục truy kích địch ở Bản Lao, Bản Póng, sát Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng). Qua 7 ngày đêm truy kích địch ở hướng chính, liên quân Việt-Lào đã tiêu diệt và bắt sống gần hết 3 tiểu đoàn địch đã chiếm đóng Sầm Nưa. Quân địch chỉ chạy thoát được khoảng 200 tên về Cánh Đồng Chum.
Trên các hướng phối hợp ở Xiêng Khoảng và Nậm U, bộ đội Việt-Lào cũng thắng lớn, tiêu diệt nhiều địch, giải phóng nhiều đất đai. Cho đến ngày 3-5-1953, chiến dịch Thượng Lào kết thúc, liên quân Việt-Lào đã tiêu diệt gọn 3 tiểu đoàn và 11 đại đội địch, tiêu diệt và bắt làm tù binh hơn 2.800 tên (bằng một phần năm tổng số quân địch ở Lào năm 1953). Toàn bộ tỉnh Hủa Phăn, một phần tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện dọc sông Nậm U đã được giải phóng.
Tiến sĩ Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Chiến dịch Thượng Lào đã tạo ra thế và lực mới trên chiến trường Việt Nam-Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước giành thắng lợi to lớn trong Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
56 năm sau ngày chiến thắng, Thượng Lào giờ đây đã trở thành vùng đất trù phú của bạn với những cánh rừng bạt ngàn, những bản làng rộn ràng lời ca, tiếng hát. Sầm Nưa, nơi mở màn chiến dịch nay mang dáng dấp của một thành phố hiện đại với những con đường rộng thoáng, những ngôi nhà cao tầng. Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến dịch Thượng Lào nay tuổi đều đã cao, nhưng khi trở lại chiến trường xưa bỗng như trẻ lại. Nhiều người đã xúc động trào nước mắt khi nhân dân Thượng Lào đón tiếp nồng nhiệt như người thân thiết nhất của mình lâu ngày mới gặp lại.
Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ, báo Quân đội nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét