Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến thắng Thượng Lào


Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến thắng Thượng Lào

Tạp chí Nghĩa tình đồng đội
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân hai nước Việt – Lào đã sát cánh bên nhau chiến đấu giành thắng lợi lớn trong Chiến dịch Thượng Lào 1953, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Có nhiều nhân tố làm nên chiến công huyền thoại ấy, trong đó phải kể đến vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau chiến thắng Tây Bắc 1952, cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, có nhiều điều kiện phối hợp tác chiến với nước bạn Lào giành những thắng lợi quyết định. Nắm bắt thời cơ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bàn vấn đề phối hợp tác chiến ở Thượng Lào với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, đồng thời chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu gấp rút nghiên cứu nắm tình hình địch và binh yếu địa chí Thượng Lào để trình Tổng Quân ủy. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, ngày 2-2-1953, Tổng Quân ủy họp và nhất trí mở Chiến dịch Xuân Hè 1953 ở Thượng Lào. Trong bức thư đề ngày 3-2-1953 gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh những thuận lợi, khó khăn khi ta mở Chiến dịch Thượng Lào, kết luận chung, Đại tướng khẳng định: Nói tóm lại ý kiến chúng tôi là đề nghị đánh. Đánh thì kế hoạch có khó khăn, nhưng làm được…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông bàn kế hoạch mở Chiến dịch Thượng Lào 1953. Ảnh tư liệu.
Mở Chiến dịch Thượng Lào thì Sầm Nưa là mục tiêu chính. Đây là một tập đoàn cứ điểm có vị trí đặc biệt quan trọng ở Thượng Lào. Để bộ đội ta nắm chắc hơn về cách đánh tập đoàn cứ điểm, đầu tháng 3-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập Hội nghị cán bộ Chiến dịch Thượng Lào, tập trung thảo luận về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Kết luận hội nghị, sau khi nói về chủ trương của Trung ương, mục đích của chiến dịch, khó khăn và thuận lợi của ta, Đại tướng đi sâu phân tích chỗ mạnh, chỗ yếu của tập đoàn cứ điểm, cách đánh tập đoàn cứ điểm… nhờ đó cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc hơn về cách đánh tập đoàn cứ điểm.

Ngày 8-4-1953, Chiến dịch Thượng Lào mở màn. Các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam tiến quân sang Lào theo ba cánh. Cánh chủ yếu gồm Đại đoàn 308, 312 và một bộ phận của Đại đoàn 316, theo đường số 6 tiến sang Sầm Nưa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tư lệnh chiến dịch và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông – Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào cùng hành quân với các đơn vị ở hướng chủ yếu. Cánh thứ hai gồm Đại đoàn 304 từ Nghệ An theo đường số 7 tiến lên Xiêng Khoảng, nhằm chặn đường rút của địch từ Sầm Nưa xuống. Cánh thứ ba gồm Trung đoàn 148 từ Điện Biên Phủ tiến xuống Nậm U uy hiếp Luông Phra – băng.

Nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, ngày 9-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi đối với các đơn vị có nhiệm vụ tiến sang Lào phối hợp cùng quân dân nước bạn tiêu diệt kẻ thù chung, Đại tướng nhấn mạnh: … Tất cả chúng ta phải phát huy đến cao độ tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế chủ nghĩa. Anh dũng chiến đấu, tiêu diệt thực nhiều sinh lực địch… Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế chân chính, chúng ta nhất định chiến thắng trong chiến dịch này.

Ngày 10-4-1953, Đại đoàn 312 và 304 từ hai hướng cùng tiến quân vào nước bạn Lào. Khi địch phát hiện các đơn vị chủ lực của ta từ nhiều ngả tiến về Sầm Nưa, trưa ngày 12-4-1953, tướng Xa Lăng ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa. Tin địch rút khỏi Sầm Nưa nhanh chóng được truyền đi, tình hình chiến dịch thay đổi, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Địch rời khỏi công sự thì tinh thần càng sa sút, đường rút lui lại hiểm trở và khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho ta tiêu diệt chúng, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm: Truy kích đến cùng, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút lui. Để truy kích đạt hiệu quả cao nhất, ngày 13-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện gửi các đơn vị có nhiệm vụ truy kích nêu rõ: Địch đã bỏ chạy Sầm Nưa. Sầm Nưa đã giải phóng. Nhưng muốn giúp đỡ nhân dân nước bạn củng cố căn cứ địa đó, thì chúng ta phải tiêu diệt cho kỳ được sinh lực của địch…

Nhận được lệnh truy kích, liên quân Lào – Việt nhanh chóng tổ chức truy kích địch. Sau một tuần vận động truy kích trên đoạn đường dài 270km từ Sầm Nưa về Cánh đồng Chum, ta đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã 2000 quân địch. Tính chung trong toàn chiến dịch, ta và bạn đã tiêu diệt, bắt sống, làm tan rã gần 2.800 binh lính và sĩ quan địch, giải phóng hơn 4.000km2, với hàng chục vạn dân. Hậu phương kháng chiến của cách mạng Lào từ đây nối liền với vùng tự do Tây Bắc và Khu 4 của ta.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào không chỉ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân hai nước Việt – Lào nói riêng và ba nước Đông Dương nói chung bước sang một giai đoạn mới, mà qua đó chúng ta thấy được đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch này. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến dịch, đặc biệt là nghệ thuật truy kích địch được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết trong Chiến dịch Thượng Lào vẫn nguyên giá trị, cần được chắt lọc, vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét