Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Chiến dịch Thượng Lào - Một biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt – Lào

1. Chiến dịch Thượng Lào - Một biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt – Lào
Kỳ 1:
Cách đây 59 năm, quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân đội và nhân dân Lào anh em đã phối hợp làm nên chiến thắng Thượng Lào, tạo điều kiện cho cách mạng Lào cũng như Cách mạng Việt Nam phát triển. Nhân dịp Năm hữu nghị Việt - Lào, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu với bạn đọc sự kiện có ý nghĩa quan trọng này trong mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào.
QĐND - Với sự giúp đỡ to lớn của Quân tình nguyện Việt Nam, đến cuối năm 1952, đầu 1953, quân và dân Lào đã xây dựng, củng cố vùng giải phóng và các khu căn cứ tương đối vững chắc, liên hoàn suốt từ Thượng Lào, Trung Lào đến Hạ Lào; đồng thời ta cũng nối thông vùng giải phóng Tây Bắc với khu căn cứ kháng chiến Thượng Lào, giúp Bạn phát triển chiến tranh du kích ở các vùng sau lưng địch. Đó là điều kiện thuận lợi để ta và Bạn phát huy thế chủ động tiến công địch, tiến lên giành những thắng lợi to lớn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ ba, từ trái sang), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (người thứ tư, từ trái sang) và các cán bộ quân đội Việt - Lào bàn kế hoạch mở chiến dịch Thượng Lào, năm 1953. Ảnh tư liệu
Nhằm tăng cường quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta (1-1953) xác định: Cách mạng Việt Nam có điều kiện phối hợp với cách mạng Lào đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển lên bước mới. Về địa bàn tác chiến phối hợp lần này giữa hai nước, Hội nghị nhấn mạnh: Mặc dù địch đã tăng cường đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ và sử dụng lực lượng cơ động của Pháp ở Bắc Bộ Việt Nam để ứng cứu bằng đường không khi bị tiến công, nhưng chúng vẫn bộc lộ nhiều sơ hở do cách xa các nơi tăng viện, lại là khu vực tiếp tế khó khăn và dễ bị chia cắt, tinh thần quân ngụy Lào sút kém, khả năng chiến đấu không cao. Vì thế, Thượng Lào là địa bàn thuận lợi để ta và Bạn phối hợp tiến công và làm tan rã quân địch, củng cố vùng giải phóng và khu căn cứ địa cách mạng Lào.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 2-2-1953, Tổng Quân ủy Việt Nam thông qua phương hướng mở đợt hoạt động quân sự trên chiến trường Lào, đề nghị Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho quân chủ lực và quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân Lào mở chiến dịch tiến công địch ở Sầm Nưa (Thượng Lào) và được chấp thuận.
Thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu của Trung ương Đảng và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3-2-1953, Chính phủ nước ta và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào. Mục đích là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Chính phủ kháng chiến Lào xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa của cách mạng Lào, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân Lào; đồng thời phá thế bố trí chiến lược của địch ở miền Bắc Đông Dương, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó.
Thượng Lào gồm 6 tỉnh: Luông Phra-băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Phông-xa-lỳ và Huội Sài. Đây là vùng rừng núi, đường giao thông ít. Từ Việt Nam sang, có đường số 7 từ Vinh đi Xiêng Khoảng; đường số 6 từ Hòa Bình, Mộc Châu đến Pa Hang, Sầm Nưa (Hủa Phăn); một con đường từ Sơn La qua Mường Hét đi Sầm Nưa… Những con đường này nhiều đoạn hư hỏng, ô tô chỉ có thể qua lại một số đoạn ở phía Việt Nam.
Về phía địch: Địch chia chiến trường Thượng Lào thành hai khu vực phòng thủ: Khu Mê Công (gồm hai phân khu Viêng Chăn và Luông Phra-băng) và khu Trấn Ninh (gồm phai phân khu Sầm Nưa và Xiêng Khoảng). Địch chọn thị xã Sầm Nưa thuộc tỉnh Hủa Phăn làm khu vực phòng giữ chủ yếu và tập trung xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” ở Tây Bắc Việt Nam. Tại đây, địch xây dựng 11 cứ điểm (xung quanh mỗi cứ điểm đều có hàng rào kẽm gai và bãi chướng ngại) trong một thung lũng, chiều ngang chỗ rộng nhất 1.800m, chiều dài từ bắc xuống nam chừng 2000m, có sân bay dã chiến Nà Thông, bãi nhảy dù Nà Viêng. Lực lượng địch từ 3 đại đội lính khố đỏ và lính dõng, tăng lên 3 tiểu đoàn, 1 đại đội pháo, với quân số hơn 2.500 tên (gồm cả Pháp và quân ngụy Lào) do Trung tá Man-phát-tơ chỉ huy. Tại tỉnh Xiêng Khoảng, địch cũng tăng thêm một tiểu đoàn ngụy Lào trấn giữ.
Sau khi trao đổi thống nhất phương hướng, quyết tâm chiến dịch giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, ta và Bạn thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch gồm: Phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm chính trị, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng. Phía Lào có Hoàng thân Xu-pha-nu-vông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Xỉng-ca-pô Xỉ-khốt - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Ma Khảy Khăm-phi-thun - Bí thư Tỉnh ủy Hủa Phăn.
Thực hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước, cuối tháng 2-1953, các đơn vị của ta và Bạn tham gia chiến dịch gấp rút chuẩn bị về mọi mặt. Để bảo đảm cho chiến dịch thắng lợi, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào cùng với Bạn khẩn trương tiến hành chuẩn bị chiến trường, bảo đảm cho các đơn vị của ta và Bạn hành quân đến các vị trí tập kết chiến dịch. Từ đầu tháng 3-1953, Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào cử hơn 60 cán bộ, chiến sĩ thông thạo địa hình, giỏi tiếng Lào tiến hành điều tra nắm tình hình địch, điều kiện địa hình và nhân dân, lập binh yếu địa chí khu vực Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (địa bàn diễn ra chiến dịch) báo cáo Bộ Tổng tham mưu ta để làm cơ sở xây dựng phương án tác chiến; đồng thời phối hợp với Bạn, chỉ thị cho các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác vận động nhân dân xây dựng cơ sở, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang của Bạn, thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển nhằm phát huy mọi khả năng của địa phương phục vụ tốt các yêu cầu của chiến dịch. Khu vực huyện Xiềng Khọ giáp Tây Bắc Việt Nam và khu vực dọc đường từ Xốp Hào đến Sầm Nưa là địa bàn trọng tâm chuẩn bị của chiến dịch. Những nơi có quân tình nguyện hoạt động đều chuẩn bị phối hợp với các đại đoàn chủ lực của ta sang. Các đơn vị ta và Bạn khẩn trương chuẩn bị chiến trường.
 Kỳ 2: 
Trên hướng đường số 7, ngày 17-4, một bộ phận lực lượng Đoàn 81 quân tình nguyện và Đội vũ trang Pat Chay Lào phối hợp với hai Trung đoàn 66 và 9 (Đại đoàn 304) tiến công tiêu diệt đồn Noọng Hét, tiếp đó đánh địch ở Bản Ban, buộc chúng phải rút chạy về phía Khang Khay. Được tin, một bộ phận lực lượng Đại đoàn 304 đánh chặn địch ở gần Bản Sao, gây cho chúng một số thiệt hại, bọn địch còn lại buộc phải rút về Cánh Đồng Chum. Tỉnh Hủa Phăn và vùng lân cận được hoàn toàn giải phóng.


 
Nhân dân Lào thăm hỏi và tặng quà bộ đội tình nguyện Việt Nam sau chiến thắng Thượng Lào năm 1953. Ảnh tư liệu
 Ở hướng nam đường số 7, hai tiểu đoàn thuộc Đại đoàn 312 phối hợp với một đơn vị Bạn truy kích địch về Sầm Tớ. Hoảng sợ trước sức tiến công của Liên quân Việt-Lào, quân địch đóng giữ ở Mường Sồi, Bản Phiềng và Sầm Tớ lần lượt rút chạy. Ngày 18-4, các đơn vị thuộc Đoàn 81 và bộ đội địa phương Mường Mộc, du kích Xảm Chè phối hợp với Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) vượt qua Then Phun tiến áp sát thị xã Xiêng Khoảng. Trước khí thế tiến công của Liên quân Việt-Lào, lực lượng địch ở đây hoảng sợ rút chạy về co cụm ở Cánh Đồng Chum. Quân địch đóng ở các vị trí Mường Ngạ, Mường Ngạn hoảng sợ cũng lần lượt rút chạy về Tha Thơm, Tha Viêng. Phát huy thắng lợi, một đơn vị Bạn do đồng chí Thao Tu chỉ huy tiến về phía đường số 7, kiểm soát đoạn đường dài từ biên giới Việt-Lào đến Xiêng Khoảng.
Trước nguy cơ Cánh Đồng Chum bị Liên quân Việt-Lào tiến công, Bộ chỉ huy Pháp vội điều động một số tiểu đoàn từ Nà Sản, kể cả lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam) sang hỗ trợ, xây dựng Cánh Đồng Chum thành tập đoàn cứ điểm mạnh, cố giữ bằng được vị trí chiến lược quan trọng này.
Như vậy, sau hơn một tuần thực hiện cuộc truy kích quân địch rút chạy trên chặng đường 270km, từ Sầm Nưa về Cánh Đồng Chum, Liên quân Việt-Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.500 tên địch, diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm dọc đường từ Mường Pơn, Hủa Mường…, chỉ có hàng trăm tên địch chạy thoát về Cánh Đồng Chum.
Phát huy thắng lợi trên hướng Sầm Nưa - đường số 7 - Xiêng Khoảng, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị trên hướng sông Nậm U (hướng phối hợp) tích cực đánh địch. Ngày 21-4, Trung đoàn 148, Đoàn 82 quân tình nguyện phối hợp với đơn vị Quân đội Pa-thét Lào và du kích đẩy mạnh hoạt động, trong đó diệt một đại đội địch ở Mường Ngòi, thu nhiều vũ khí. Quân địch đóng ở Nậm Bạc hoảng sợ bỏ chạy về Pạc U. Ngày 26-4, Trung đoàn 98 và 148 tổ chức lực lượng tiến công cứ điểm Pắc Seng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên địch, thu một số vũ khí, quân trang, quân dụng. Tiếp đó, một bộ phận chủ lực và quân tình nguyện tiến công diệt địch ở Bản Vẽ.
 Cuối tháng 4 năm 1953, các đại đoàn chủ lực cùng quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Bạn tiếp tục truy kích đánh địch rút chạy từ khu vực sông Nậm U về Luông Phra-băng, uy hiếp kinh đô nước Lào. Phát hiện Liên quân Việt-Lào tiến xuống Luông Phra-băng, tướng Xa-lăng gấp rút điều động hai tiểu đoàn cơ động thuộc binh đoàn cơ động số 1 (GM1) từ Nà Sản sang, tổ chức thành tập đoàn cứ điểm bảo vệ Luông Phra-băng. Cuộc truy kích quân địch rút chạy và tiến công các vị trí địch của Liên quân Việt-Lào kéo dài đến ngày 18-5-1953 thì kết thúc với trận tiến công cụm cứ điểm Mường Khoa, diệt và bắt gần 300 tên địch. Kết quả toàn chiến dịch, Liên quân Việt-Lào đã diệt và bắt gần 2.800 tên địch, giải phóng tỉnh Hủa Phăn, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện của tỉnh Phông-xa-lỳ với 30 vạn dân, mở rộng căn cứ kháng chiến Lào, nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam.
Đây là chiến dịch Liên quân Việt-Lào thực hành vận động truy kích quân địch rút chạy dài ngày lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công của chiến dịch là ta và Bạn chủ động và kịp thời tạo yếu tố thắng lợi từ quá trình chuẩn bị đến khi thực hành chiến dịch. Trên hướng Sầm Nưa (hướng chủ yếu), bộ đội ta và Bạn đã hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch trong điều kiện chưa được chuẩn bị đầy đủ trước, lúc đầu mục tiêu chủ yếu là đánh tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, song khi ta tiếp cận mục tiêu thì địch vội rút quân để tránh đòn tiến công lớn của ta và Bạn. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp chuyển từ cách đánh công kiên sang đánh vận động truy kích địch đường dài (270km) trên chiến trường rừng núi hiểm trở, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đồng thời, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt các đồn, bốt và vị trí địch trên hướng Xiêng Khoảng (hướng thứ yếu) và hướng sông Nậm Hu (hướng phối hợp) giành thắng lợi.
Đánh giá về thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước trong chiến dịch Thượng Lào, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Thượng Lào (2 đến 3-5-1953), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Thắng lợi này là thắng lợi đầu tiên của quân đội nhân dân ta, của bộ đội chủ lực ta trong quá trình phối hợp chiến đấu với quân đội và nhân dân nước bạn, thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta, của nhân dân ta đối với cách mạng Pa-thét Lào. Đó cũng là thắng lợi lớn nhất của nhân dân và quân đội Pa-thét Lào kể từ ngày bắt đầu kháng chiến đến nay”(1). Trong diễn văn đọc tại lễ mừng chiến thắng Thượng Lào tổ chức tại thị xã Sầm Nưa (19-5-1953), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông khen ngợi: “Bộ đội chủ lực và Quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với Quân đội Lào Ít-xa-la, đã chiến đấu dũng cảm, có kỷ luật rất nghiêm và tinh thần quốc tế cao… Thay mặt Chính phủ và nhân dân Lào, xin tỏ lòng hoan nghênh và biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân và quân đội Việt Nam đối với công cuộc giải phóng Lào”(2).
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đánh dấu bước phát triển mới của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội hai nước Việt-Lào. Lần đầu tiên sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước trong một chiến dịch lớn đã giành thắng lợi vẻ vang, tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ và giành thắng lợi to lớn hơn. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Lào có điều kiện thuận lợi xây dựng, phát triển Sầm Nưa trở thành trung tâm căn cứ địa Trung ương, hậu phương kháng chiến của cả nước Lào, nối thông với nhiều vùng tự do của Việt Nam. Thế phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước trên chiến trường Thượng Lào và Bắc Đông Dương có điều kiện phát triển thuận lợi, góp phần đưa cuộc kháng chiến của quân và dân hai nước giành thắng lợi to lớn trong Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương.
Đại tá, TS Dương Đình Lập

 1. Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam (1930-2007), Nxb CTQG, H, 2011, tr.260.
2. Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945-1954), Nxb QĐND, H, 2002, tr.283-284



2. Chiến dịch Thượng Lào - Một biểu tượng của liên minh chiến đấu Việt-Lào
Báo Thái Bình
Trong lúc các Đại đoàn chủ lực 308, 312, 316, 304 và Trung đoàn bộ binh 148 chuẩn bị hành quân sang chiến trường Thượng Lào, ngày 3-4-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Bác căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước Bạn. Mà giúp nhân dân nước Bạn tức là mình tự giúp mình”(
Lễ kết nghĩa bộ đội Việt Nam và bộ đội Pa-thét Lào trong Chiến dịch Thượng Lào năm 1953. Ảnh tư liệu.
Thấm nhuần lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 8-4-1953, các đại đoàn chủ lực Việt Nam nhận lệnh hành quân sang chiến trường Thượng Lào theo ba cánh: Cánh chủ yếu gồm các Đại đoàn bộ binh 308, 312 (2 trung đoàn), 316 (1 trung đoàn), từ Mộc Châu theo đường 6 hành quân lên biên giới Việt-Lào sang Sầm Nưa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng đi với các đại đoàn ở cánh chủ yếu sang Lào. Cánh thứ hai gồm Đại đoàn Bộ binh 304, từ Nghệ An theo đường số 7 tiến sang Xiêng Khoảng. Cùng đi theo cánh này về phía Lào có đồng chí Phu-mi Vông-vi-chít. Cánh thứ ba gồm Trung đoàn bộ binh 148, từ Điện Biên tiến vào lưu vực sông Nậm U. Trên cơ sở phương án tác chiến chiến dịch, các đơn vị của Việt Nam và Lào tham gia chiến dịch được giao nhiệm vụ tiến công theo ba hướng:

Trên hướng Sầm Nưa (hướng chủ yếu), phía Việt Nam có các Đại đoàn bộ binh 308, 312 (2 trung đoàn), 316 (1 trung đoàn), có nhiệm vụ đánh tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa và Đoàn 80 quân tình nguyện Việt Nam (2 đại đội tập trung, 4 đại đội độc lập, 4 trung đội vũ trang tuyên truyền). Phía Lào có khoảng 500 bộ đội địa phương, trong đó có một đại đội tập trung của tỉnh Hủa Phăn và lực lượng dân quân du kích các huyện Xiềng Khọ, Mường Xon.

Trên hướng Xiêng Khoảng (hướng thứ yếu), phía Việt Nam có Đại đoàn bộ binh 304, có nhiệm vụ đánh vào thị xã Xiêng Khoảng và Đoàn 81 quân tình nguyện Việt Nam (gồm 1 đại đội tập trung, 4 đại đội độc lập, 1 trung đội vũ trang tuyên truyền). Phía Lào có khoảng 400 bộ đội địa phương và 1.400 dân quân du kích Mường Mộc và Bản Thín.

Trên hướng khu vực sông Nậm U thuộc tỉnh Luổng Phạ-bang (hướng phối hợp), có Trung đoàn bộ binh 148 (Quân khu Tây Bắc) và Đoàn 82 quân tình nguyện Việt Nam (4 đại đội độc lập). Phía Lào có 1 đại đội tập trung, 5 trung đội bộ đội địa phương và 300 du kích huyện Mường Ngòi.

Trong quá trình các đại đoàn chủ lực Việt Nam chia làm ba cánh hành quân từ Việt Nam sang chiến trường Thượng Lào, địch phát hiện lực lượng ta từ các ngả đang tiến về phía Sầm Nưa. Ngay sau khi nhận được báo cáo của Trung tá Man-phát-tơ, chỉ huy Phân khu Sầm Nưa, trưa 12-4-1953, Tướng Xa-lăng liền ra lệnh rút toàn bộ lực lượng khỏi Sầm Nưa hòng tránh bị tiêu diệt khi ta tiến công. Đêm 12-4, toàn bộ lực lượng địch gồm khoảng 1.900 quân lần lượt rút khỏi thị xã Sầm Nưa và đến trưa 13-4 thì rút hết về phía Mường Hàm.

Như vậy, tình huống chiến dịch đã thay đổi. Ta dự định tổ chức đánh quân địch trong công sự vững chắc ở Sầm Nưa, nhưng địch đã rút chạy trước khi ta đến. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Tinh thần địch mệt mỏi, sút kém, đường rút lui dài, chúng lại thoát ly khỏi công sự nên ta có điều kiện tiêu diệt. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm là phải truy kích thật nhanh, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy.

Không bỏ lỡ thời cơ, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đại đoàn chuyển sang truy kích quân địch rút chạy. Cuộc truy kích địch bắt đầu từ ngày 13-4 và diễn ra trên chặng đường dài, từ Sầm Nưa đến đường số 7, Bản Ban và Lát Bua. Mặc dù vừa trải qua chặng đường hành quân hơn 300km còn mệt, nhưng khi nhận được mệnh lệnh, các Đại đoàn 308, 312, 316 nhanh chóng tổ chức 4 tiểu đoàn (888, 23, 79, 166) và hai đại đội trang bị gọn nhẹ bám đuổi, truy kích địch. Những đơn vị còn lại của các đại đoàn cùng Bạn tiến vào chiếm thị xã Sầm Nưa và các vị trí xung quanh, đồng thời chuẩn bị lực lượng truy kích địch trên các hướng. Do công tác tổ chức chậm, một số đơn vị ta xuất phát truy kích chậm hơn bộ phận rút lui cuối cùng của địch 8 giờ. Đêm 13-4, Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316) và quân tình nguyện truy kích kịp địch ở Mường Hàm, cách Sầm Nưa 30km. Tiểu đoàn triển khai chiến đấu, bắt toàn bộ ngụy quyền tỉnh Hủa Phăn và 40 lính dõng. Đây là trận đánh giành thắng lợi đầu tiên của bộ đội ta trong chiến dịch này.

Ngày 15-4, Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) tổ chức truy kích gặp cơ quan chỉ huy Phân khu Sầm Nưa, một đơn vị lính lê dương và tàn quân của tiểu đoàn biệt kích ngụy Lào thứ 8 ở Nà Noọng. Bằng cách tiến công dồn dập từ ba hướng, bộ đội ta đã diệt và bắt hơn 200 tên địch. Bọn địch còn lại khoảng 200 tên rút chạy về khu vực Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Trong khi đó, Đại đội 216 (Đoàn 81) quân tình nguyện hoạt động ở phía bắc thị trấn Bản Ban (thuộc huyện Mường Khăm, tỉnh Xiêng Khoảng), tuy chưa biết tin địch bỏ chạy khỏi Sầm Nưa, nhưng thấy chúng hoảng hốt chạy qua, đã tập hợp đơn vị nổ súng tiến công địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên; sau đó bao vây một toán địch khác, gọi hàng hơn 100 tên, thu 70 súng các loại.

Cuộc truy kích quân địch rút chạy của Liên quân Việt-Lào tiếp tục diễn ra khẩn trương, quyết liệt. Ngày 17-4, Tiểu đoàn 79 và một bộ phận của Tiểu đoàn 66 thuộc Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) truy đuổi kịp địch khi chúng vừa rời khỏi Húa Mường khoảng 5km về phía Mường Lạp. Lập tức, quân ta tổ chức lực lượng bao vây, chia cắt, nổ súng mãnh liệt vào đội hình chốt chặn của địch, bắt một số sĩ quan Pháp, diệt nhiều địch, trong đó có cả lính Âu-Phi. Bọn địch còn lại khoảng 200 tên rút chạy về Mường Lạp, Tam La (cách Sầm Nưa 135km), sau đó chúng rút về khu vực Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng cố thủ.

Quân địch ở Sầm Nưa rút chạy đến đâu kéo theo binh lính địch trấn giữ ở các  đồn, bốt và hệ thống chính quyền do chúng dựng lên ở các địa phương hoang mang, dao động. Tại các khu vực Sầm Tớ, Mường Xôi, Hứa Mường thuộc tỉnh Hủa Phăn, quân địch hoảng sợ rút chạy. Chớp thời cơ, Đoàn 80 quân tình nguyện phối hợp với bộ đội địa phương và du kích Bạn truy kích, gây cho địch thiệt hại nặng.
Theo qdnd.vn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét