Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

100 năm phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên (1908-2008)

100 năm phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên (1908-2008)


báo Phú Yên


Năm 1908, chính quyền thực dân Pháp cùng tay sai Nam triều ở Phú Yên và khu vực Trung kỳ run sợ, đối phó một cách chật vật phong trào đấu tranh của hàng ngàn nông dân nổi dậy chống sưu cao thuế nặng. Phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên đã góp phần cùng với nhân dân Trung kỳ chống ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp, mở đầu cho các phong trào đấu tranh đầu thế kỷ XX. Ngày nay, qua 100 năm nhìn lại phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên năm 1908, chúng ta mới thấy hết khả năng, sức mạnh to lớn của lực lượng nông dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sức mạnh và vai trò to lớn ấy càng phải được phát huy trong điều kiện lịch sử mới để đưa giai cấp nông dân – lực lượng cơ bản của cách mạng Việt Nam trong giải phóng dân tộc, đi lên đáp ứng những nhiệm vụ của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ Chủ nghĩa xã hội.

Thanh-An-Tho-2-080717.jpg
Thành An Thổ - nơi cách đây 100 năm đã diễn ra cuộc biểu tình chống xâu, thuế của dân Phú Yên -  Ảnh:D.T.XUÂN


NGUYÊN NHÂN PHÁT KHỞI PHONG TRÀO

Bắt đầu từ cuối năm 1887, sau khi đánh bại cuộc khởi nghĩa Lê Thành Phương, chính quyền thực dân Pháp ở Phú Yên được thiết lập và triển khai việc thực hiện chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Hàng loạt các nhà tư bản Pháp đã đầu tư vào Phú Yên dưới hình thức đồn điền để khai thác các nguồn lợi về đất đai, trồng trọt và chăn nuôi. Cho đến năm 1907, tư bản Pháp đã lập 8 đồn điền ở Phú Yên với tổng diện tích chiếm dụng khoảng 7.248,75ha, trong đó đồn điền lớn nhất là 4.216ha, nhỏ nhất là 100ha, phân bố chủ yếu dọc sông Ba (Tuy Hòa) và dọc bờ biển (1).

Bên cạnh chính sách đầu tư khai thác, chính quyền thực dân ở Phú Yên đẩy mạnh việc bóc lột nhân dân bằng thuế khóa và lao dịch. Theo quy định của Khâm sứ Trung kỳ, từ năm 1897, thuế ruộng đất bắt đầu tăng lên mỗi mẫu là 1 đồng 5. Để tăng nguồn thu, thực dân Pháp còn thi hành chính sách biến ruộng đất xấu thành “thượng đẳng chi điền”, mỗi mẫu ruộng loại này hàng năm phải nộp là 2 đồng 5 bạc thuế và thêm phần “phụ giá” là 3 hào. Chính sách thuế ruộng đất này đã đánh mạnh vào tất cả mọi hình thức sở hữu ruộng đất, kể cả địa chủ, hào lý… đều phải gánh chịu, nhưng nặng nề nhất vẫn là người nông dân đầu tắt mặt tối, quanh năm bươn chải trên ruộng đồng, ngoài các khoản phải trả cho chủ đất, phần còn lại không được là bao.

Ngoài thuế ruộng đất, thuế đinh (hay còn gọi thuế thân) đánh vào tất cả đàn ông từ 18 tuổi đến 60 tuổi, rất nặng nề. Mỗi tráng đinh ở Trung kỳ phải đóng mỗi năm là 40 xu, sau tăng lên 1 đồng rồi 2 đồng 2 hào (2). Thuế muối ở Phú Yên được chính quyền thực dân quan tâm đặc biệt, các trạm thu mua muối đặt tại Trung Trinh, Lệ Uyên và Vĩnh Cửu được lập ra nhằm nắm độc quyền về giá muối khi mua vào cũng như bán ra. Sau khi bao mua toàn bộ muối do diêm dân sản xuất, bọn thực dân Pháp phân phối về các địa phương trong tỉnh và bán với giá cắt cổ.

Chế độ phu dịch hàng năm cũng gây bao cảnh khốn cùng cho các tầng lớp nhân dân lao động Phú Yên. Theo thỏa hiệp ngày 12/10/1886, Pháp đã ký với đại diện triều đình Huế là Nguyễn Trọng Hợp, quy đinh: Mỗi tráng đinh ở Trung kỳ đều phải đi làm 48 ngày xâu mỗi năm, trong đó 24 ngày phải nộp tiền chuộc với giá mỗi ngày là 7 xu tức là 1,68 đồng. Chế độ này bị nhân dân kêu ca phản đối nên chính quyền thực dân giảm xuống 30 ngày cho mỗi người dân/năm, trong đó 10 ngày phải làm bắt buộc và số ngày còn lại thì chuộc tiền với mức 0 đồng 10/ngày. Trong những năm đầu thế kỷ XX, tại Phú Yên, chính quyền thực dân huy động nhân dân đi xâu chủ yếu là đắp quốc lộ và quan lộ trong tỉnh. Các đoạn quốc lộ từ đèo Cù Mông đến Phú Khê, Vũng Lắm dài 28km hoàn thành năm 1900 và đoạn Vũng Lắm – Tuy An vượt đèo Gành Đỏ tránh đèo Xuân Đài cũng hoàn thành trong năm này. Các đoạn quan lộ từ Tuy An đi Tuy Hòa, từ Tuy Hòa đi Củng Sơn, Trà Kê đi Cheo Reo… cũng được triển khai đầu thế kỷ XX. Thi công những đoạn đường trên, chính quyền thực dân sử dụng chủ yếu là lao động phu dịch của nhân dân, họ phải làm việc trong điều kiện rừng thiêng nước độc, tai nạn thường xảy ra, phải đem “cơm nhà áo vợ” tự túc và bị đánh đập hành hạ đủ đường.

Lúc này ngọn gió Duy Tân ở Trung kỳ dội đến Phú Yên với các cuộc vận động bài trừ hủ tục, thực hiện lối sống mới mà cụ thể là phong trào cắt tóc ngắn, mặc áo cộc, để răng trắng, cắt móng tay, phong trào học chữ quốc ngữ… diễn ra sôi nổi. Trong chuyến Nam du năm 1905 của các nhà Duy Tân Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh ghé thăm một số nhân sĩ Phú Yên như Nguyễn Quang, Huỳnh Tấn Phong (Tuy Hòa), Huỳnh Thượng Trung (Đồng Xuân) đã thúc đẩy các hoạt động hưởng ứng phong trào Duy Tân Phú Yên lên cao trong những năm 1906, 1907 đến 1908. Những câu vè trong nhân dân còn lưu truyền phản ánh cuộc vận động Duy Tân lúc này:

“Tai nghe Tam tổng đầu thầy
Đồng bào tuyên thệ cúp rày đầu đi
Ngọ, Mùi mới khởi một khi
Năm nay là chính vậy thì Mậu Thân” (3).

Trong số những nhân sĩ Phú Yên hưởng ứng cuộc vận động Duy Tân thì phần lớn là những thủ lĩnh của phong trào Cần Vương còn lại như Nguyễn Hữu Dực, Trần Đôn, Nguyễn Tấn Thảo, Đỗ Châu, Đỗ Tịnh; họ phối hợp với các nhân sĩ trẻ tiếp thu đường lối Duy Tân lúc này như Nguyễn Chi, Huỳnh Ngạn, Trương Trọng Cầu, Huỳnh Thượng Trung, Nguyễn Nho Trân… chuẩn bị lãnh đạo và phát động một phong trào chống Pháp trong quần chúng nhân dân dưới một hình thức mới khác với các cuộc đấu tranh vũ trang đã thất bại trước đó.

Trong lúc các tầng lớp nhân dân Phú Yên đang rên xiết dưới ách xâu, thuế nặng nề của chính quyền thực dân và các cuộc vận động Duy Tân đã nhen nhóm cho một cuộc nổi dậy thì phong trào chống thuế, xin xâu bùng nổ ở các tỉnh Nam – Ngãi từ tháng 3/1908 dội đến. Một số sĩ phu ở các tỉnh ngoài như Lê Đình Cơ (Quảng Ngãi), Hương chánh Đôn (Trần Đôn) ở Bình Định vào Phú Yên tuyên truyền tinh thần chống thuế. Với truyền thống đấu tranh lúc nào cũng thường trực, phong trào Phú Yên nhanh chóng nổ ra không chỉ mang tính chất hưởng ứng trong chuỗi dây chuyền tất yếu của phong trào đấu tranh trong khu vực mà là tinh thần sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ của các tầng lớp nhân dân Phú Yên do các sĩ phu nhen nhóm và tổ chức.

DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ

Khởi đầu phong trào chống xâu, thuế năm 1908 ở Phú Yên là cuộc vận động “cắt tóc” diễn ra sôi nổi trong dân chúng khắp nơi trong tỉnh:

“Kéo qua vừa được mấy nơi
Hòa Tường, mấy tổng cúp chơi nửa ngày
Từ già chí trẻ tới đây
Nhỏ thời cúp trước, lớn thời cúp sau” (4).

Cuộc vận động cắt tóc từ các làng dần dần trở thành một phong trào “đồng bào” cả tỉnh làm cho chính quyền thực dân lo sợ. Tác giả Nguyễn Văn Mại trong hồi ký của mình mô tả về phong trào cắt tóc ở Phú Yên: “Năm 1908, những ngày tháng Giêng ở Kinh nổi lên việc khuất thuế, tiếp đến loạn cắt tóc lan đến các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú… dân chúng dựa vào thân sĩ mượn thế mà chính biến. Ở Phú Yên, nhân dân có cả phụ nữ kéo nhau lên đường cái quan cắt tóc thành đống, lấy lửa đốt, mùi khét đầy trời” (5).

Từ những cuộc vận động cắt tóc, nhân dân các làng, tổng tiến hành các cuộc biểu tình đưa kiến nghị lên quan phủ, huyện đòi giảm xâu, giảm thuế đinh, thuế điền, thuế muối, bãi bỏ thuế chợ, thuế đò… Lực lượng tham gia vào các phong trào chủ yếu là nông dân – người chịu ảnh hưởng trực tiếp ách sưu cao thuế nặng của chính quyền thực dân cũng như cảnh mất mùa, túng thiếu diễn ra liên tiếp nhiều năm. Một số hào lý, hương chức, địa chủ tham gia vào phong trào vì chính sách thuế cũng làm cho quyền lợi của họ giảm sút.

Đầu tiên là nhân dân huyện Đồng Xuân giáp với Bình Định nổi dậy từ ngày 5/5/1908. Đoàn biểu tình được sự hỗ trợ của một nhóm người từ Bình Định vào La Hai do Hương Chánh Đôn dẫn đầu. Tại đây các nhân sĩ như Phạm Tư Cung, Huỳnh Thượng Trung, Nguyễn Nho Trân hướng dẫn nhân dân kéo đến huyện lỵ đóng ở làng Khoan Hậu yêu cầu quan lại Nam triều giảm xâu, thuế. Ngày 11/5/1908, có khoảng 200 người tập trung tại thành An Thổ bao vây phủ đường Tuy An. Không khí cuộc biểu tình rất căng thẳng, dân chúng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Hượt, Nguyễn Đàm hô vang các khẩu hiệu đòi giảm xâu, thuế, một số người bị kích động xông vào cướp súng của Giám binh Pháp Fourré nhưng bị đẩy lui (6).

Ở phía nam Phú Yên, các cuộc biểu tình đòi giảm xâu, thuế diễn ra mạnh mẽ, lôi cuốn nhân dân khắp các làng, tổng thuộc phủ Tuy Hòa tham gia. Tại tổng Hòa Đa, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hữu Dực, Đỗ Châu, Đỗ Tịnh, Nguyễn Tấn Thảo dân chúng từ các thôn Đa Ngư, Phú Hiệp, Thạch Chẩm, Bàn Thạch… kéo lên phối hợp với lực lượng nông dân khoảng 50 người ở tổng Hòa Lạc do Hương trưởng Lê Hanh cùng với Trịnh Triết, Trịnh Hào, Trịnh Ba và các nho sĩ Lưu Tích, Nguyễn Văn Mao, Nguyễn Hiến đại diện nhân dân làm đơn xin miễn thuế. Các tổng Hòa Mỹ, Hòa Lộc, lực lượng chống thuế do Nguyễn Chi, Nguyễn Quang dẫn đầu cũng kéo xuống làm thành một đoàn đông đảo kéo qua sông Ba từ bến đò Lò Giấy sang các tổng phía bắc phủ Tuy Hòa.

Tại tổng Hòa Bình, lực lượng nông dân và hào lý do Trần Đôn, Phạm Dãn, Huỳnh Ngạn dẫn đầu cùng với dân làng tổng Hòa Tường do Huỳnh Tấn Phòng, Phan Tích, Đào Tấn Thâm, Nguyễn Lộc đã chỉnh tề đội ngũ cùng kéo xuống phủ lỵ Tuy Hòa đóng tại làng Đông Phước với mục đích phối hợp Tri phủ cùng Chánh phó tổng yêu cầu Công sứ Pháp và chính quyền Nam triều giảm xâu, thuế. Trước áp lực đông đảo của hơn 2.000 người, viên tri phủ Nguyễn Hoàng cùng chánh Hớn vội đóng chặt nha phủ, điện báo công sứ Sông Cầu “Tuy Hòa đang nổi loạn” và trốn biệt .                 
Không dừng lại ở đó, ngày 13/5/1908, đoàn biểu tình kéo ra tỉnh lỵ Sông Cầu, khi đến Trạm Gành (tức Phú Tân, huyện Tuy An) bị quân Pháp do lãnh binh Legot đàn áp. Một số người bị trúng đạn chết và bị thương như Nguyễn Hữu Dực, Lê Hanh, Phạm Dãn, Huỳnh Tấn Phòng; nhưng chúng không ngăn cản được mục tiêu tiến ra tỉnh lỵ của đoàn biểu tình.

thue1-080717.jpg
Những người tham gia phong trào chống xâu, thuế ở Trung kỳ bị giặc bắt - Ảnh: TƯ LIỆU

Đối phó với phong trào chống thuế, xin xâu ở Phú Yên, chính quyền thực dân Pháp đã sử dụng lực lượng tại chỗ với 1 trung đội lính Khố đỏ đóng tại tỉnh lỵ Sông Cầu. Không yên tâm với lực lượng sẵn có, từ ngày 12/5/1908 khi nhận được điện báo của chi nhánh Xuân Đài thuộc Sở Thương chánh Đà Nẵng về tình hình rất khẩn cấp và có khoảng 1.000 người đang biểu tình ở Tuy Hòa (7), chúng đã huy động lực lượng từ Đại đội 4, Trung đoàn 4 khố đỏ Bắc kỳ ra gửi 1 trung đội đi Sông Cầu.

Ngày 14/5/1908, đoàn biểu tình kéo ra đến cầu Tam Giang – cửa ngõ vào tỉnh lỵ Sông Cầu, thì vấp phải lực lượng Pháp phối hợp với lính khố xanh do Giám binh Renard chỉ huy. Chúng được lệnh bắn giết thẳng tay vào đám người biểu tình tay không tấc sắt, hàng trăm người bị giết và hàng chục người bị bắt giam. Đến lúc này cuộc biểu tình chống xâu, thuế ở Phú Yên mới tan rã hoàn toàn.

Sau khi đàn áp lực lượng dân chúng đòi giảm xâu, thuế, chính quyền thực dân mấy ngày hôm sau ra sức truy lùng bắt giam một số nhân sĩ mà chúng cho là cầm đầu phong trào như Tú Trung (Huỳnh Thượng Trung), Tú Trọng (Nguyễn Nho Trân), Nguyễn Chi, Nguyễn Quang, Huỳnh Ngạn… Theo Phan Chu Trinh trong Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký cho biết ở Phú Yên “thân sĩ bị tù ở Lao Bảo và bị khổ sai ở tỉnh độ 20 người”, có người bị kết án tử hình như Nguyễn Văn Khoa ở thôn Hảo Sơn, tổng Hòa Đa, phủ Tuy Hòa. Đến ngày 30/6/1908, phong trào ở Phú Yên coi như tạm lắng hoàn toàn, thực dân Pháp thấy sự nguy hiểm không còn đe dọa cho an ninh nên đã rút trung đội Khố đỏ từ Sông Cầu xuống tàu về Hải Phòng.

Phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên kéo dài 10 ngày (5/5 đến 14/5/1908), đã cùng với phong trào các tỉnh Trung kỳ làm cho nền thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai bị rung chuyển dữ dội. Tuy phong trào bị khủng bố ác liệt phải tan rã, song đã buộc thực dân Pháp phải nới rộng tay trong chính sách bóc lột, chúng phải giảm thuế thân từ 2,40 đồng xuống 2,20 đồng, giảm 4 ngày sưu công ích xuống 3 ngày và tuyên bố không tăng 5% thuế điền, đồng thời mở một số nhà thương và trường học cải thiện đời sống dân chúng. Về nạn xâu, Toàn quyền Đông Dương trong nghị định ngày 31/12/1908 chuẩn y giảm số ngày đi xâu làm việc “hàng tỉnh” từ 8 ngày (theo nghị định Toàn quyền ngày 31/12/1907) xuống còn 5 ngày. Trong đó 2 ngày cho nộp bằng tiền chuộc với mức 0,20 đồng/ngày và những người đi làm xâu được bố trí địa điểm gần làng xã nơi ở để tránh tốn kém về đi lại.

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên 1908 cũng như các tỉnh Trung kỳ là sự nổi dậy mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân mà chủ yếu là nông dân phản kháng lại chế độ sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp và tay sai Nam triều. Phong trào là kết quả của cuộc vận động “khai dân trí, chấn dân khí” của các sĩ phu Duy Tân đứng đầu là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp khởi xướng. Khi phong trào Duy Tân nhanh chóng lan rộng đến Phú Yên đã được các thân sĩ ở đây tiếp thu và hưởng ứng mạnh mẽ. Hàng loạt các hội Duy Tân được thành lập khắp nơi trong tỉnh: Hội cúp tóc, Hội để răng trắng, Hội học chữ quốc ngữ, Hội áo cộc… Hoạt động của các hội Duy Tân đã làm cho đời sống ở các đô thị và nông thôn Phú Yên có sự thay đổi, dân trí từng bước được nâng cao, ý thức dân quyền từng bước được khẳng định. Chính vì vậy, khi nạn sưu cao thuế nặng đè ép lên các tầng lớp nhân dân từ hào lý, hương chức, địa chủ đến nông dân, cộng với tinh thần phản kháng vốn tiềm tàng trong lòng người dân Phú Yên đã thúc đẩy họ đứng lên đấu tranh khi được tổ chức, vận động đáp ứng quyền lợi thiết thực của họ. Phải nói rằng trong thực tế đời sống hàng ngày, nạn xâu thuế đã đẩy nông dân ta vào cảnh cùng khổ thì cuộc vận động duy tân lại làm cho họ càng nhận thức rõ hơn, càng đau xót hơn với cuộc sống thực tại, họ càng thấy không thể câm nín mãi trước cường quyền. Nạn xâu thuế và những hoạt động duy tân đã tác động đến tinh thần phấn khích của dân chúng như hai lực lượng cộng hưởng, đó là nguyên nhân của phong trào chống xâu thuế ở Phú Yên năm 1908.

Tuy không có quy mô to lớn và diễn ra trong thời gian dài như các tỉnh Nam – Ngãi nhưng phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên không kém phần quyết liệt và được tổ chức, lãnh đạo khá thống nhất và có kế hoạch của các thành viên Hội Duy Tân, trong đó nổi bật là Hội cắt tóc, Hội bài trừ đồi phong bại tục, Hội học, Hội buôn… với các nhà lãnh đạo đầy tâm huyết như Nguyễn Hữu Dực, Trần Đôn, Nguyễn Chi, Lê Hanh, Nguyễn Quang, Huỳnh Thượng Trung, Nguyễn Nho Trân… Phong trào ở Phú Yên diễn ra muộn hơn các tỉnh nam Trung kỳ, do đó các nhà lãnh đạo phong trào có đủ thời gian vận động, tập hợp lực lượng để phát động cuộc đấu tranh. Tuy rằng sự bùng nổ phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên mang tính dây chuyền trong chuỗi nổi dậy của phong trào các tỉnh Trung kỳ, nhưng không phải mang tính tự phát, hùa theo mà không có sự chuẩn bị trước. Sự bùng nổ nhanh chóng của phong trào cả tỉnh diễn ra không đầy 10 ngày, nếu không được vận động và tổ chức trước đó thì khó có thể lôi kéo hàng ngàn người tham gia và tinh thần đấu tranh quyết liệt bất chấp sự đàn áp khủng bố dã man của kẻ thù trong những ngày 13 và 14/5/1908. Đánh giá về cuộc nổi dậy của phong trào chống thuế ở Phú Yên cũng như ở Trung kỳ, Jean Ajalbert trong cuốn Những số phận ở Đông Dương viết: “Cuộc khởi loạn được tổ chức một cách hoàn hảo nhất tựa như là một cuộc thao luyện, một cuộc diễn tập”.

Khác với một số tỉnh, phong trào ở Phú Yên diễn ra dưới hình thức biểu tình đưa đơn và yêu cầu đòi giảm sưu cao thuế nặng. Những đoàn người không mang theo vũ khí xếp hàng có trật tự, chỉ mang theo các vật dụng của người dân quê nghèo khổ đi xin xâu, giảm thuế:

 “Cơm khô đường lỡ giữ gìn
Bỏ vô ruột nghé mới tin bằng lòng
Quạt mo, nón rách thẳng dong,
Chiếu manh, nồi gõ bằng lòng mang theo”

Để tập hợp lực lượng dân chúng tham gia, các thân sĩ lãnh đạo phong trào đưa ra các khẩu hiệu chống sưu cao thuế nặng trở thành các khẩu hiệu đấu tranh chung, và còn viết thêm những lời kêu gọi đoàn kết như “đồng bào” hoặc “đồng tâm”. Đây là điểm mới trong phong trào chống Pháp ở Phú Yên so với trước đó.

Cuối cùng, phong trào chống xâu, thuế ở Phú Yên diễn ra mạnh mẽ nhưng nhanh chóng bị kẻ thù đàn áp tan rã. Lý do cơ bản là các sĩ phu và thân sĩ lãnh đạo phong trào chưa có một tổ chức chặt chẽ, không dự kiến được sự khủng bố của kẻ thù và không có lực lượng dự bị tiếp ứng nên khi kẻ thù đàn áp thì không có lực lượng bổ sung như một số tỉnh khác.

Phong trào chống xâu, thuế năm 1908 ở Phú Yên là bộ phận của cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng của nhân dân 11 tỉnh Trung kỳ. Phong trào thể hiện tinh thần yêu nước, sức mạnh quật khởi của các tầng lớp nhân dân Phú Yên trong cuộc đấu tranh chống Pháp và tay sai những năm đầu thế kỷ XX. Phong trào chống xâu, thuế đã làm cho chính quyền thực dân Pháp phải run sợ, đồng thời thể hiện vai trò và khả năng cách mạng hết sức to lớn của giai cấp nông dân Việt Nam với những hình thức và nội dung đấu tranh mới: đấu tranh kinh tế và chính trị trong phong trào yêu nước dân chủ. Mặc dù thất bại, phong trào để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh giai đoạn tiếp theo, nhất là việc tập hợp, phát động giai cấp nông dân – một lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh sinh tử với thực dân Pháp để giành độc lập, tự do cũng như trong xây dựng đất nước thời kỳ hội nhập và phát triển.

————————
(1) Ngô Minh Sang (2007), Chuyển biến kinh tế – xã hội Phú Yên thời Pháp thuộc, Đại học Đà Lạt, tr.53.
(2) Dương Kinh Quốc (1999), Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), Nxb Giáo dục, tr.251.
(3) (4) Nguyễn Đình Tư (1964), Non nước Phú Yên, Tiền Giang xuất bản, tr.153, 156.
(5) Nguyễn Văn Mại (1927), Lô Giang tiểu sử, Bản dịch Nguyễn Huy Xước, Thư viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, tr.128.
(6) Phạm Văn Sơn (1971), Quân dân Việt Nam chống Tây xâm, Sài Gòn, tr.341.
(7) Hồ Song (1999), Vụ dân biến ở miền Trung Việt Nam đầu năm 1908, Nghiên cứu lịch sử, số 303, tr.12.

Thạc sĩ ĐÀO NHẬT KIM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét