Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC - SỰ THÀNH CÔNG CỦA CÁI TÂM, CÁI TẦM, CÁI DŨNG


ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC -
SỰ THÀNH CÔNG CỦA CÁI TÂM, CÁI TẦM, CÁI DŨNG

TS. LÝ TÙNG HIẾU
(Khoa Văn hoá học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Trong vài năm trở lại đây, nhân kỷ niệm 100 năm phong trào Duy tân - Đông du và Đông Kinh Nghĩa thục, nhiều hoạt động khoa học nhằm ôn cố tri tân đã được tổ chức ở khắp Bắc, Trung, Nam. Một trong những hoạt động đó là cuộc Hội thảo khoa học Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ, do Trường Đại học Hoa Sen tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/12/2008. Được mời tham gia Hội thảo, chúng tôi đã sử dụng tư liệu về Đông Kinh Nghĩa thục của công trình Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du (NXB Văn hoá Sài Gòn, 2005), nhưng soi nó dưới một góc nhìn khác, để xem với tư cách một tổ chức giáo dục theo lối mới, ngôi trường cách mạng này đã gặt hái thành công dựa trên những tác nhân nào, và những thành quả duy tân của nó có ý nghĩa như thế nào đối với văn hoá Việt Nam. Tham luận này đã được đăng vào Kỷ yếu của Hội thảo. Nay chúng tôi đăng lại ở đây để cung cấp thông tin cho những sinh viên, học viên và bạn đọc quan tâm.
ooOoo

Tồn tại chính thức chỉ trong 9 tháng, nhưng Đông Kinh Nghĩa thục đã trở thành trường học Duy tân lớn nhất Việt Nam, phát huy ảnh hưởng đến khắp hai miền Trung - Bắc, góp phần mở ra một thời đại văn hoá mới cho dân tộc. Sự thành công ấy là do Đông Kinh Nghĩa thục đã hội tụ được nhiều nhân tố thuận lợi chủ quan lẫn khách quan. Những nhân tố khách quan thì thuộc về lịch sử, nên chỉ có thể huy động nó để giải thích sự thành công trong lịch sử, chứ không thể đòi hỏi nó tiếp tục phát huy để hậu thuẫn cho hiện tại. Nhưng những nhân tố chủ quan làm nên sự thành công thì khác. Nó luôn luôn là bài học bổ ích, hấp dẫn với tất cả những ai muốn vươn tới tương lai một cách vững vàng trên cơ sở những kinh nghiệm thành bại của tiền nhân.

1. Thành công tại Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây...
Nếu không kể thời gian khởi động, Đông Kinh Nghĩa thục chỉ hoạt động trong 9 tháng, từ tháng 5/1907 đến tháng 1/1908. Thế mà nó vẫn tạo được một tiếng vang thôi động khắp hai miền Trung - Bắc và còn để lại dư âm kéo dài đến đời sau. Làm sao giữa hai gọng kềm thực dân - phong kiến mà các nhà giáo dục yêu nước có thể thành công như vậy? Nay tổng kết lại, chúng tôi cho rằng có bốn nhân tố chủ quan đem lại sự thành công đó: lòng yêu nước và ý chí duy tân nhiệt thành của các sĩ phu, tổ chức quản lý tân tiến, nội dung giáo dục tân tiến, và hình thức đào tạo tân tiến. Dưới đây chúng ta hãy thử điểm lại các mặt hoạt động của Đông Kinh Nghĩa thục để xem điều nhận định này có đúng hay không.
Về quản lý điều hành, chúng ta thấy Đông Kinh Nghĩa thục là trường học đầu tiên ở Việt Nam tách bạch các chức năng đào tạo, tuyên truyền, xuất bản, hậu cần. Tương ứng với các chức năng đó, nhà trường đã lập ra bốn ban chuyên trách: Ban Giáo dục lo việc chiêu sinh và giảng dạy; Ban Cổ động có nhiệm vụ tổ chức bình văn, diễn thuyết; Ban Trước tác chuyên lo biên soạn tài liệu giảng dạy và tài liệu tuyên truyền; Ban Tài chính lo kinh phí cho trường, phụ trách việc thu chi. Tất cả các thành viên tham gia quản lý điều hành Đông Kinh Nghĩa thục đều được phân phối vào bốn ban này, mà tổng số lên tới 27 vị. Và nếu gộp vào đó cả những người phụ trách các phân hiệu thì tổng số thành viên trực tiếp tham gia quản lý điều hành Đông Kinh Nghĩa thục lên đến ít nhất là 42 người. Tất cả đều là những gương mặt trí thức ưu tú nhất của hai miền Trung Bắc. Đó là chưa kể một số người khác tham gia những công việc liên quan đến nhà trường, và các cộng tác viên. Quả là một đội ngũ hùng hậu cả về lượng và về chất mà ngay cả các trường trung học, đại học Việt Nam ngày nay cũng lấy làm tự hào nếu thu hút được.
Về cơ sở vật chất và tài chính, ngoài ngôi nhà kiêm cửa hàng vải của Lương Văn Can ở số 4 Hàng Đào được huy động làm trụ sở chính và ký túc xá cho một số học sinh quá nghèo, các cụ đã mở thêm các lớp học ở các đình, chùa hoặc nhà rộng thuê, mượn của tư nhân. Nguồn tài chính là tiền đóng góp tuỳ tâm của các sáng lập viên, các "thường trợ hội viên" (người có con em theo học) và các "lạc trợ hội viên" (người hảo tâm ở bên ngoài); trường sẽ trích một khoản tiền nhỏ để thù lao cho giáo viên. Và bên cạnh các lớp học tại Hà Nội, trong quá trình hoạt động, trường đã nhanh chóng tổ chức được 4 phân hiệu tại hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Trong đó, phân hiệu ở Thôn Canh thuộc phủ Hoài Đức là cơ sở đầu tiên của Đông Kinh Nghĩa thục tại tỉnh Hà Đông. Kế tiếp là phân hiệu ở Tây Mỗ thuộc phủ Hoài Đức; phân hiệu ở làng Chèm (Từ Liêm); và phân hiệu ở Tân Hội thuộc huyện Đan Phượng tỉnh Sơn Tây.
Đội ngũ điều hành và cơ sở vật chất ấy chính là những điều kiện tiên quyết cho phép Đông Kinh Nghĩa thục triển khai áp dụng các nội dung giáo dục và hình thức đào tạo tân tiến nhất ở Việt Nam đương thời.
Về chương trình đào tạo, học sinh theo học gồm nhiều độ tuổi được chia làm 8 lớp, và phân ra hai cấp tiểu học - trung học tuỳ theo nhu cầu và trình độ. Tất cả đều không phải đóng học phí (trừ môn tiếng Pháp); giấy bút, sách vở cũng được phát không. Trường còn mở cả lớp đêm cho những người bận việc. Nội dung truyền thụ bao gồm các môn về ngôn ngữ gồm chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Hán; các môn về xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Luân lý; và các môn tự nhiên gồm Cách trí, Vệ sinh, Toán pháp.
Cùng với các môn học chính khoá, chương trình đào tạo còn bao gồm các hoạt động ngoại khoá như bình văn, đọc báo, diễn thuyết, do trường tổ chức vào các ngày rằm, mồng một âm lịch. Nội dung các hoạt động này là cổ động lòng yêu nước, chống lối học thi cử cổ hủ, cổ động lối sống mới như mặc áo ngắn, cắt búi tóc, để răng trắng, bỏ hương ẩm, dùng hàng nội, trọng thực nghiệp... Địa bàn hoạt động không chỉ ở Hà Nội mà còn mở rộng đến Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Sơn Tây, Hà Đông. Do đó, nó thu hút không chỉ học sinh theo học tại trường mà cả các nhà nho lớn tuổi, những ông cử, ông tú, quan lại, binh lính, viên chức và một số nông dân ngoại thành.
Đặc biệt, công tác giáo dục tuyên truyền của trường còn được hỗ trợ đắc lực bởi hai hoạt động mà ngày nay thường gọi là hoạt động phục vụ nghiên cứu và đào tạo, đó là hoạt động truyền thông - thư viện và hoạt động kinh doanh.
Đông Kinh Nghĩa thục là trường học đầu tiên ở nước ta tổ chức được cơ quan ngôn luận là hai tờ báo sử dụng cả chữ Hán và chữ quốc ngữ: Đăng Cổ Tùng Báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút phần quốc văn, và Đại Việt Tân Báo do Đào Nguyên Phổ làm chủ bút. Không chỉ thế, nhà trường còn tự biến mình thành một cơ quan xuất bản, với những ấn phẩm có sức tác động mạnh mẽ đối với xã hội đương thời, bao gồm những tài liệu giảng dạy do Ban Tu thư của trường biên soạn và các tài liệu tuyên truyền của các tác giả ngoài trường. Việc phổ biến các tài liệu này đã được tiến hành một cách rất khẩn trương, vì chỉ trong thời gian tồn tại ngắn ngủi của trường đã có một loạt sách được nhà trường biên soạn và xuất bản, với nội dung chú trọng đề cao truyền thống dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc, bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho học sinh: Quốc dân độc bản, Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư, Nam Quốc giai sự truyện, Nam Quốc vĩ nhân, Tân đính luân lý giáo khoa thư, Nam Quốc lịch sử, Nam Quốc địa dư... Các sách này đều viết bằng chữ Hán, in bản gỗ trên giấy Bưởi đóng bìa cậy. Một số tài liệu khác, như cuốn Quốc văn tập đọc tập hợp các bài thơ kêu gọi duy tân, thì viết bằng chữ quốc ngữ và đem in thạch. Cuốn Đại Việt địa dư, một cuốn sách giáo khoa địa lý diễn ca viết bằng chữ quốc ngữ do Lương Văn Can biên soạn, cũng thuộc loại này. Các tài liệu này dùng cho các môn học về xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Luân lý là những môn học mà nhà nước lúc ấy chưa biên soạn được sách giáo khoa. Còn với các môn tự nhiên như Cách trí, Vệ sinh, Toán pháp, thì trường sử dụng sách giáo khoa của các trường tiểu học Pháp - Việt. Bên cạnh đó, nguồn tài liệu do sĩ phu các nơi biên soạn mà trường in lại để phổ biến trong học sinh và quần chúng nhằm thức tỉnh lòng yêu nước và kêu gọi duy tân, cũng phong phú không kém: Văn minh tân học (chữ Hán, bao gồm bài Văn minh tân học sách được viết trước năm 1904, về sau được xem là bản tuyên ngôn của Đông Kinh Nghĩa thục, bàiCáo hủ lậu văn, và bài Thỉnh khán Cao Ly vong quốc chi thảm trạng); các tác phẩm của Phan Châu Trinh như Đầu Pháp chính phủ thư (tức Thư gởi Toàn quyền Đông Dương Paul Beau, chữ Hán, 1906), Tỉnh quốc hồn ca (I) (song thất lục bát quốc ngữ, 1906), Nhắn chị em bạn gái (hát nói, quốc ngữ); các tác phẩm của Phan Bội Châu như Hải ngoại huyết thư (chữ Hán, 1906, Lê Đại dịch ra song thất lục bát quốc ngữ), Nam Hải bô thần ca (tức Á Tế Á ca hayĐề tỉnh quốc dân ca, song thất lục bát chữ Nôm, 5/1906), Gọi hồn quốc dân (chữ Hán và song thất lục bát chữ Nôm, 1907), Kính quốc nhân I, II, III (hát nói, quốc ngữ); các tác phẩm của Nguyễn Thượng Hiền như Hợp quần doanh sinh thuyết (song thất lục bát quốc ngữ, 1907), Bài phú cải lương (quốc ngữ), v.v. Các nguồn tài liệu này, cộng với nguồn tài liệu nước ngoài là các sách "tân thư" nhập từ Trung Quốc, đã làm cho thư viện riêng của nhà trường trở thành trung tâm lưu trữ và phát tán tài liệu Duy tân lớn nhất nước ta.
Bên cạnh các hoạt động chính, Đông Kinh Nghĩa thục còn khuyến khích các hội viên xúc tiến hàng loạt hoạt động kinh doanh, không chỉ để cung cấp tài chính cho nhà trường và cho phong trào Đông du, mà còn nhằm thực hành tư tưởng chấn hưng thực nghiệp vốn được nhà trường cổ xúy. Tại Hà Nội, Đỗ Cơ Quang cùng các đồng chí mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế ở phố Mã Mây chuyên bán hàng nội hoá, rồi cùng Vũ Hoành tổ chức hiệu thuốc Bắc Tuỵ Phương ở gần ga Hàng Cỏ. Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền lập Công ty Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai, vừa bán tạp hoá vừa làm công nghệ như dệt xuyến hoa đại đoá, ướp trà, rồi lại lập Quảng Nam Hiệp thương Công ty. Nguyễn Quyền lập hiệu Hồng Tân Hưng ở Hàng Bồ buôn bán và làm đồ sơn [1].
Như vậy, lợi dụng khẩu hiệu khai hoá và âm mưu của Pháp nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc và giới sĩ phu, lợi dụng các văn bản pháp quy về giáo dục do chính quyền thực dân - phong kiến ban hành, các sĩ phu yêu nước ở hai miền Trung - Bắc đã cùng phối hợp lập ra được một cơ quan công khai để truyền bá tư tưởng yêu nước và Duy tân ngay tại trung tâm xứ Bắc. Về mặt văn hoá - giáo dục, các hoạt động giảng dạy và hoạt động ngoại khoá của Đông Kinh Nghĩa thục đều hướng vào các mục tiêu chống nền cựu học, bọn hủ nho, chữ nho và khoa cử, cổ động học chữ quốc ngữ, học theo phương thức mới, đề cao nhân bản, phát huy óc sáng tạo, đề cao tinh thần dân tộc và lòng yêu nước; về mặt xã hội, đả phá tư tưởng thiên mệnh của Nho giáo, lên án những phong tục tập quán lạc hậu; và về kinh tế, kêu gọi chấn hưng thực nghiệp, bỏ vốn mở mang công nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và khai mỏ... Chung quy là nhằm "đánh đổ tư tưởng hủ lậu của phái nhà nho bảo thủ và trang bị cho học sinh một ít tư tưởng mới về khoa học tự nhiên, về văn học, về chính trị, về đạo đức công dân, đặc biệt là về tinh thần yêu nước" (Đặng Thai Mai, Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, 1974 : 73).
2. Ảnh hưởng ở Trung Bắc lưỡng kỳ
Nhiệt tâm của các sĩ phu và lòng yêu nước tiềm tàng của quần chúng đã gặp nhau như lửa gặp cỏ khô, nên vừa chào đời Đông Kinh Nghĩa thục đã ngay lập tức được đông đảo sĩ tử, trí thức, những người yêu nước ở Hà Thành nhiệt liệt hoan nghênh. Theo Lương Văn Can viết trong Hành trạng (Lương gia thứ chi phả), từ khi khai trường dạy học và diễn thuyết, chỉ "mới năm, sáu tháng mà học trò gần 600 người, khi diễn thuyết thì người đến nghe đông như hội". Số lượng học sinh của trường vì vậy đã tăng lên đến khoảng 1.000 người, tạo ra một không khí học hành sôi nổi khác thường, như mô tả của một bài văn lưu hành lúc ấy:
Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ,
Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành.
Gái trai nô nức học hành,
Giáo sư tám lớp, học sinh non ngàn.
Buổi diễn thuyết, người đông như hội,
Kỳ bình văn, khách đến như mưa.
Không chỉ thế, hoạt động và ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa thục còn nhanh chóng mở rộng ra khắp các vùng lân cận rồi lan sang các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Ngoài 4 phân hiệu của trường được thành lập tại Hà Đông,Sơn Tây, sĩ phu ở một số tỉnh khác của Bắc Kỳ cũng đua nhau tổ chức các trường lớp mô phỏng Đông Kinh Nghĩa thục. Tại Thái Bình, các phủ huyện như Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ đều có phong trào, nhiều nhóm thân sĩ đã đứng ra mở các trường dạy chữ quốc ngữ cho thanh thiếu niên, nội dung giảng dạy giống như Đông Kinh Nghĩa thục. Tiêu biểu nhất trong các chí sĩ Duy tân tỉnh Thái Bình là Nguyễn Hữu Cương, cựu chí sĩ Cần vương. Khi Đông Kinh Nghĩa thục ra đời, ông đã tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng các trường Duy tân ở phủ Kiến Xương và mở một số hội buôn ở các phủ huyện như Đông Quan, Vũ Tiên, Kiến Xương, Tiền Hải. Tại Hưng Yên, các "nghĩa thục" nhỏ được mở ở các huyện Văn Giang, Yên Mỹ... Tại Bắc Ninh, một số nơi thuộc huyện Gia Lâm cũng mở lớp học kiểu Đông Kinh Nghĩa thục. Tại Hải Dương, nhiều nhà nho yêu nước đứng lên tuyên truyền cổ động cho chủ trương, đường lối Duy tân cải cách của Đông Kinh Nghĩa thục...
Đồng thời, tại Hà Nội, các hội viên hoặc những người chịu ảnh hưởng của tư tưởng Duy tân còn lập Công ty Nghiêm Xuân Quảng buôn bán the lụa Thái Bình, Công ty Đông Ích dệt và xuất khẩu lụa, hiệu buôn Nam Đồng Hương, hiệu Cát Thành (ở Hàng Gai). Rồi phong trào lập hội kinh doanh lan nhanh ra các tỉnh: Nguyễn Tùng Hương mở hiệu buôn Phúc Lợi Tế ở Phúc Yên và hiệu Hưng Lợi Tế ở Hưng Yên, bán đủ các thứ tạp hoá nội ngoại. Nguyễn Trác mở hiệu buôn Sơn Thọ ở Việt Trì. Trong các hiệu buôn này, lớn nhất là hai hiệu Đông Thành Xương ở Hà Nội vàSơn Thọ ở Việt Trì. Ở Thanh Hoá, Công ty Phương Lâu thành lập từ năm 1885, chuyên buôn tơ lụa, nay do ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa thục mà mở rộng kinh doanh, lập thêm chi nhánh ở Vinh, Hà Tĩnh và Huế, v.v. Ngoài ra, một số người còn mạnh dạn thử nghiệm trong các lĩnh vực công - nông nghiệp: Bùi Xuân Phát, giáo học ở Ninh Bình, bỏ vốn thuê người khai thác mỏ than ở Nho Quan. Độc Tướng quân lập đồn điền trồng lúa ở châu Yên Lập (Hưng Hoá). Bùi Đình Tá và Phán Tứ khai phá đồn điền và lập cô nhi viện ở huyện Mỹ Đức (Hà Đông), v.v.
Với phạm vi hoạt động và ảnh hưởng như vậy, Đông Kinh Nghĩa thục đã trở thành cơ sở truyền bá tư tưởng yêu nước và Duy tân lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Đương thời, nhờ cuộc vận động của các nhóm Đặng Nguyên Cẩn - Ngô Đức Kế và Phan Châu Trinh - Trần Quý Cáp - Huỳnh Thúc Kháng, từ đầu năm 1906 cho đến năm 1907 đã có hàng chục trường học cùng học hội Duy tân nối nhau ra đời ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng không một cơ sở nào có tầm ảnh hưởng sâu rộng bằng Đông Kinh Nghĩa thục. Thậm chí, với một thành phần Ban Tu thư hùng hậu, các tài liệu do Đông Kinh Nghĩa thục biên soạn còn trở thành nguồn tài liệu giảng dạy, học tập chính yếu của một vài trường học Duy tân ở Nghệ Tĩnh, như trường Võ Liệt ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, do Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế, thành viên Ban Tu thư của Đông Kinh Nghĩa thục, phụ trách. Đồng thời, với đội ngũ giảng huấn bao gồm nhiều nhà tân học xuất sắc, bỏ xa các trường học Duy tân ở Quảng Nam, Đông Kinh Nghĩa thục còn trực tiếp thu hút cả chục học viên đến từ vùng đất "Ngũ phụng tề phi"...
Ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa thục và phong trào Duy tân - Đông du mạnh mẽ đến nỗi, ngày 24/9/1907, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau (1902-1908) đã phải ra nghị định thành lập Trường Đại học Đông Dương tại Hà Nội và chọn ngày 1/11/1907 để khai giảng trường này. Đến cuối năm 1907, thực dân Pháp lại cho thành lập tại Hà Nội một trường học nữa để cạnh tranh với Đông Kinh Nghĩa thục, gọi là "Học Quy Tân trường", và giao cho một nhà đại khoa là Nguyễn Tái Tích, Phó bảng khoa Ất Mùi 1895, phụ trách. Ngôi trường lộn sòng này mô phỏng theo Đông Kinh Nghĩa thục, mở ra các lớp sơ học, trung học và đại học, thu nhận từ trẻ em dưới 13 tuổi cho đến những cụ sinh viên xấp xỉ ngũ tuần. Để rồi ngay sau khi đóng cửa Đông Kinh Nghĩa thục, viện cớ không có người học, Toàn quyền Klobukowski (1908-1911) đã bãi bỏ cả hai trường đó! Dĩ nhiên là cái trò lừa trơ tráo ấy của những tên thực dân ngạo mạn và thiển cận đã không thể đánh lừa được người dân Việt. Trái lại, vì công cuộc Duy tân do phong trào Duy tân - Đông du và Đông Kinh Nghĩa thục đề xướng đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược, nên ngay sau khi dùng quyền lực để đóng cửa Đông Kinh Nghĩa thục, thực dân Pháp vẫn phải tiếp tục đối phó với dư âm của phong trào: Năm 1908, Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định cho thành lập Trường Trung học Bảo hộ tại Hà Nội, dạy chương trình Pháp - Việt, và ký chuẩn y đạo dụ của vua Thành Thái cho thành lập Hội đồng Cải lương Học vụ để đẩy mạnh việc cải cách nền giáo dục ở miền Bắc, miền Trung. Bản thân Nam triều vào tháng 11/1907 cũng đã thành lập thêm Bộ Học do Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục phụ trách để quản lý việc thi cử (trước đó do Bộ Lễ kiêm quản), và tiếp tục sửa đổi quy chế thi Hương, thi Hội. Những động thái này của hai chính quyền Pháp - Nam có thể xem là những bước tiếp nối công cuộc "hoàn thiện", "cải lương" nền giáo dục bản xứ đã được triển khai ở Bắc và Trung Kỳ từ năm 1903 đến 1906, nhưng nếu không có phong trào Duy tân - Đông du và Đông Kinh Nghĩa thục thì có lẽ tình trạng nửa vời và chậm chạp của nó sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Chính vì thế mà một số nhà sử học đã dùng, một cách hữu lý, thuật ngữ phong trào Đông Kinh Nghĩa thụcđể gọi làn sóng Duy tân cứu nước khởi phát từ trung tâm Hà Nội, lan toả khắp các tỉnh đồng bằng của hai xứ Bắc - Trung, tác động mạnh mẽ trên cả những địa bàn mà phong trào Duy tân - Đông du đã được phát động từ trước đó, và tác động đến cả đường lối văn hoá - giáo dục của chính quyền thực dân - phong kiến.
Đến đây, có lẽ đã có đủ thông tin tư liệu để trả lời câu hỏi vì sao Đông Kinh Nghĩa thục ra đời sau các cơ sở Duy tân ở miền Trung mà lại mau chóng gây được tiếng vang và tầm ảnh hưởng lớn lao như vậy. Trước hết, sự thành công đó là do bốn nhân tố chủ quan: lòng yêu nước và ý chí duy tân nhiệt thành của các sĩ phu, tổ chức quản lý tân tiến, nội dung giáo dục tân tiến, và hình thức đào tạo tân tiến. Trong đó, nhân tố đội ngũ là quan trọng nhất, bởi vì đội ngũ các nhà giáo dục, cổ động và trước tác mà Đông Kinh Nghĩa thục tập hợp được quá ư hùng hậu, bao gồm cả cựu học và tân học, vừa có kiến thức vừa giàu lòng yêu nước, nhiệt thành với sự nghiệp Duy tân, cứu nước. Một đội ngũ như vậy vốn đã có sẵn uy tín trong dân, thì khi cùng đứng chung dưới mái nhà Đông Kinh Nghĩa thục, sẽ càng được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân.
Tất nhiên, để thành công, Đông Kinh Nghĩa thục cũng cần thêm sự hỗ trợ của những nhân tố khách quan.Thứ nhất đó là xu thế chung của lịch sử Việt Nam và Đông Á đương thời: canh tân toàn diện về văn hoá, giáo dục, kinh tế, khoa học kỹ thuật để tự cường, thoát khỏi tình trạng nhược tiểu, tiến tới giành lại quyền độc lập tự chủ trước các cường quốc phương Tây. Kế đó là vị trí trung tâm của Hà Nội, nơi Đông Kinh Nghĩa thục toạ lạc và phát huy ảnh hưởng. Đối với chính quyền thực dân và nhà Nguyễn, Hà Nội khi ấy đã trở thành một thành phố cấp 1, thủ phủ của Liên bang Đông Dương. Còn đối với sĩ phu, trí thức Bắc - Trung - Nam, Hà Nội là trung tâm văn hoá lớn nhất nước, và trong buổi đầu thực dân xâm lược, Hà Nội là một trong những tấm gương tiêu biểu cho ý chí bất khuất của toàn dân tộc với hai lần anh dũng hy sinh của hai vị chủ tướng thủ thành là Nguyễn Tri Phương (1873) và Hoàng Diệu (1882).
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, không có nhân tố khách quan nào trong số đó lại thuần tuý khách quan, bởi vì tất cả đều phải được nhận thức, nắm bắt và khai thác kịp thời mới có thể biến thành điều kiện thuận lợi để đi tới thành công. Xu thế chung của lịch sử Việt Nam và Đông Á đương thời là điều mà nhiều người đương thời cũng biết, nhưng chỉ những sĩ phu ưu thời mẫn thế của Đông Kinh Nghĩa thục và như Đông Kinh Nghĩa thục mới có thể đáp ứng được xu thế ấy. Vị trí trung tâm của Hà Nội cũng là do những người khởi xướng Đông Kinh Nghĩa thục nhận thức và chọn lựa để phát động phong trào. Cho nên, trong ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà mà Đông Kinh Nghĩa thục đều hội đủ, yếu tố nào cũng chứng tỏ cái tâm, cái tầm và cái dũng của của những sĩ phu, trí thức mà lòng yêu nước đã giúp họ vượt qua giới hạn của chính bản thân mình và thời đại của mình.
3. Di sản cho hôm nay
Bằng cách tự đổi mới mình và tìm cho dân tộc một con đường cứu nước mới, thoát khỏi lối mòn bảo thủ bế tắc vì nhãn quan Nho giáo của lớp người đi trước, có thể nói các sĩ phu, trí thức của Đông Kinh Nghĩa thục nói riêng và phong trào Duy tân - Đông du nói chung đã thành công trong việc "lột xác" xã hội Việt Nam, đưa đất nước bước vào thời kỳ hiện đại với những tầm nhìn mới về kinh tế - dân sinh, nội dung mới về tư tưởng - văn hoá, và đường lối mới cho công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do.
Cho đến ngày nay, sau đúng 100 năm Đông Kinh Nghĩa thục đi vào lịch sử, chúng ta vẫn còn chưa tổng kết hết những gì mà thời đại hôm nay đang kế thừa, phát triển nhưng đã khởi đi từ thời kỳ Đông Kinh Nghĩa thục. Chẳng hạn, với Đông Kinh Nghĩa thục, lần đầu tiên chữ quốc ngữ đã được hoá thân từ một công cụ của các giáo sĩ và của chế độ thực dân trở thành công cụ khai dân trí, chấn dân khí hiệu quả của các nhà yêu nước, và trở thành văn tự của nhân dân. Cũng với Đông Kinh Nghĩa thục, lần đầu tiên báo chí từ là công cụ của chế độ thực dân trở thành công cụ tuyên truyền giáo dục của lực lượng Duy tân, yêu nước. Cũng với Đông Kinh Nghĩa thục, lần đầu tiêncác phương pháp giáo dục, tuyên truyền kiểu mới đã được các nhà giáo dục Duy tân vận dụng rất sáng tạo, thành công: ngoài bình văn là phương pháp cũ, còn có đọc báo, diễn thuyết, lập thư viện, làm báo, in sách, v.v.
Như vậy, tuy lửa phong trào đã tắt, nhưng hơi ấm của ngọn lửa đột khởi ấy vẫn còn, thậm chí vẫn còn cho đến tận ngày nay. Và làm nên ngọn lửa đó không ai khác hơn là những nhà cựu học và tân học yêu nước của Việt Nam, chứ không phải là những kẻ đi "khai hoá" Đông Dương bằng súng đạn, tù đày, và cưỡng bức nền văn hoá bản xứ để buộc nó phải đẻ ra những quái thai cho chúng sử dụng làm con rối. Nếu gọi là "có công" thì chế độ thực dân Pháp và các lực lượng tay sai hoạ chăng chỉ có công cung cấp những cái gậy, để đến đầu thế kỷ XX, những người yêu nước Việt Nam đã dùng chính những cái gậy đó để "gậy ông đập lưng ông", khi họ biết cách học và tận dụng những công cụ của phương Tây để tự trang bị, tự đổi mới, để đến một ngày nào đó, có thể vươn lên quật ngã kẻ thù dân tộc.
TP. Hồ Chí Minh, 30/11/2008.
Nguồn: Tác giả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.   Lý Tùng Hiếu (1997), "Nhân 90 năm Đông Kinh Nghĩa thục: Những người thầy phát rừng, mở lối", báo Phụ nữ, số 91, 22/11/1997.
2.   Lý Tùng Hiếu (2004), "Hậu thế nhìn về Lương Văn Can", Tạp chí Xưa & Nay, số 214, 6/2004, trang 24.
3.   Lý Tùng Hiếu (2005), Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du, NXB Văn hoá Sài Gòn, 344 trang. Giải khuyến khích Sách hay, Giải thưởng Sách Việt Nam lần II của Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, năm 2006.
4.   Lý Tùng Hiếu (2006), "Lương Văn Can - doanh nhân Việt Nam tiêu biểu"Tạp chí Kiến thức Ngày nay, số 587, 1/12/2006, trang 33-37.
5.   Lý Tùng Hiếu (2007), "Đông Kinh Nghĩa thục, tiếng vang và dư âm"Đông Kinh Nghĩa thục một thế kỷ nhìn lại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh đồng tổ chức, TP. Hồ Chí Minh, 21/9/2007, trang 61-67.
6.   Lý Tùng Hiếu (2007, 2008), "Lương Văn Can, người kế tục tinh thần Đông Kinh Nghĩa thục trong kinh doanh",Đông Kinh Nghĩa thục một thế kỷ nhìn lại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh đồng tổ chức, TP. Hồ Chí Minh, 21/9/2007, trang 54-60; Một trăm năm Đông Kinh Nghĩa thục, NXB Tri thức, 2008, trang 333-343.
7.   Nhiều tác giả (2007), Đông Kinh Nghĩa thục một thế kỷ nhìn lại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP. Hồ Chí Minh, Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh đồng tổ chức, TP. Hồ Chí Minh, 21/9/2007.
8.   Nhiều tác giả (2008), Một trăm năm Đông Kinh Nghĩa thục, NXB Tri thức.



[1] Song song với việc phát động phong trào mở trường, lập hội kinh doanh, một số thành viên Đông Kinh Nghĩa thục còn có những hoạt động ám trợ cho phái Đông du - bạo động. Các cụ Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí tích cực vận động và tuyển chọn người để gởi đi du học. Các cụ Vũ Hoành, Lê Đại, Nguyễn Quyền, Nguyễn Hữu Cương thì hăng hái vận động những người ghét Pháp và cùng với các binh lính người Việt đóng trong thành Hà Nội cũ bàn kế hoạch nổi dậy hưởng ứng lời kêu gọi bạo động cứu nước của Phan Bội Châu, v.v. Tuy nhiên, đó chỉ là những hoạt động có liên quan đến Đông Kinh Nghĩa thục chứ không phải là những hoạt động của bản thân Đông Kinh Nghĩa thục. Nếu không thế thì khi xảy ra cuộc khủng bố trắng năm 1908, thực dân Pháp đã không thể tha cho một số yếu nhân của nhà trường như Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Đoàn Tư Thuật...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét