Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Đông kinh nghĩa thục với quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX ở Việt Nam

Đông kinh nghĩa thục với quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX ở Việt Nam

Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời cách ngày nay vừa tròn 100 năm (1907- 2007), là một phong trào yêu nước do các nhân sĩ trí thức tiến bộ ở Hà Nội thành lập tại nhà số 4 Hàng Đào, Hà Nội, mô phỏng theo Khánh Ứng Nghĩa Thục ở Nhật Bản...
Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời cách ngày nay vừa tròn 100 năm (1907- 2007), là một phong trào yêu nước do các nhân sĩ trí thức tiến bộ ở Hà Nội thành lập tại nhà số 4 Hàng Đào, Hà Nội, mô phỏng theo Khánh Ứng Nghĩa Thục ở Nhật Bản.
Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời với mục đích: Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho quần chúng; truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân đang lên trong cả nước. Để thực hiện mục đích, các nhà duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục nhìn thấy “Quốc ngữ là lợi khí thứ nhất để khai dân trí”(1), và họ dấy lên phong trào học chữ Quốc ngữ, phổ biến chữ Quốc ngữ trong mọi tầng lớp nhân dân.
Quy mô hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục rất rộng lớn và phong phú, đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm làm rõ ở nhiều lĩnh vực. Trong bài viết này, tác giả chỉ xin trình bày một vài ý kiến nhỏ góp phần tìm hiểu thêm về hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục trong quá trình truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
 Chữ Quốc ngữ là công trình tập thể khởi đầu từ thế kỷ XVI, trong đó nổi bật vai trò quan trọng của nhiều linh mục người Âu châu như: “Franesco de Pina (1585 - 1625), Gaspar de Amaral (1594- 1646), Antonio Barbosa (1594 - 1647), Alexandre de Rhodes (1591 - 1660)”(2), với sự hợp tác của các trí thức, chủ yếu là các thầy giảng người Việt.
Chữ Quốc ngữ ra đời từ thế kỷ XVII, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thứ chữ tiện lợi này đến cuối thế kỷ XIX vẫn không thể vượt ra khỏi phạm vi giáo dân và phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp người Việt Nam.
Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã nhanh chóng thu hút không chỉ các sĩ phu Nho học yêu nước như: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí… mà còn lôi kéo các trí thức tân học như: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn… Đây là cái bắt tay đầu tiên trong lịch sử dân tộc giữ hai thế lực Tân học và Cựu học. Bởi họ đều có chung một lý tưởng là làm thế nào để nâng cao dân khí, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho quốc gia và góp phần xoá bỏ nền giáo dục khoa cử lạc hậu, xây dựng một nền giáo dục mới, tiến bộ, đưa lại sự tiến hoá cho dân tộc. Nền giáo dục mới mà họ chủ trương trước hết là tạo ra một lớp người hữu dụng. Vì thế, chương trình giảng dạy của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục, ngoài việc cung cấp kiến thức phổ thông cho người học còn hướng người học vào thực nghiệm. Theo Nguyễn Phan Lãng thì nền giáo dục phải tạo ra những người biết chế thuỷ tinh, biết đúc sắt, luyện đồng. Có kiến thức sâu rộng về điện, về cơ khí, chế tạo được tàu thuỷ, biết nghề buôn bán… Ông cho như vậy mới thực sự không phụ công người đi học. Ngoài ra, nền giáo dục mà họ chủ trương và thực hiện khác với nền giáo dục truyền thống là khuyến khích, cổ động toàn dân dùng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán, chữ Nôm. Trong tác phẩm Văn minh tân học sách được xem là cương lĩnh hoạt động của Trường đã khẳng định: “Người trong nước đi học lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện để trong một thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ em đều biết chữ, và người ta có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay… đó thực là bước đầu mở mang trí khôn vậy…”(3).
Nhưng khó khăn ở những buổi đầu của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục là làm sao truyền bá chữ Quốc ngữ trong mọi tầng lớp nhân nhân để thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Chữ Hán và chữ Nôm đã có lịch sử hàng nghìn năm tồn tại, đào tạo ra nhiều nhà trí thức lớn cho dân tộc và trở thành chữ kiểu mẫu trong nhà trường khoa bảng. Hơn nữa, chữ Quốc ngữ du nhập vào Việt Nam cùng với bước chân của ngoại bang xâm lược, nên sự lưu luyến thứ chữ cổ xưa trong tâm trí người Việt không dễ đoạn tuyệt. Nhưng các yếu nhân Đông Kinh Nghĩa Thục nhận thấy chữ Quốc ngữ là phương tiện truyền thông đầy ưu việt, rất phù hợp với nhân dân lao động thất học ở xứ ta. Và các nhân sĩ tích cực cổ suý, tuyên truyền và kêu gọi thống thiết mọi lớp người Việt Nam học chữ Quốc ngữ.
“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta (…)
Sách các nước, sách China,
Chữ nào, chữ nấy dịch ra tỏ tường.
Nông công cổ trăm đường cũng thế,
Họp bàn nhau thì dễ toan lo.
Á, Âu chung lại một lò,
Đúc lên tư cách mới cho là người
Một người học, trăm người đều biết,
Trí ta khôn muôn việc đều hay.
Lợi quyền nắm được vào tay,
Có cơ tiến hoá có ngày văn minh.
Chuông độc lập vang đình diễn thuyết,
Pháo hoan nghênh dậy biển Nam dương”(4)
Qua Bài hát khuyên người học chữ Quốc ngữ chúng ta thấy, các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục muốn xây dựng một nền giáo dục mới phải là nền giáo dục yêu nước, yêu đồng loại, dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá; hướng tới mục tiêu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, làm cơ sở cho việc thực hiện hai mục tiêu là chấn hưng, hiện đại hoá đất nước và khôi phục chủ quyền quốc gia dân tộc. Mục tiêu của Trường theo Trưởng phòng giáo vụ Nguyễn Quyền vạch rõ: “Duy có lớp trung học và đại học là học chữ Hán, còn từ tiểu học trở xuống, bất cứ nam nữ đều phải học chữ Quốc ngữ”.
Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ tháng 3/1907 đến tháng 12/1907), “nhưng đã mở hàng trăm lớp dạy chữ Quốc ngữ cho hàng nghìn người”(5), biên soạn hàng chục cuốn sách với nội dung yêu nước tiến bộ bằng chữ Quốc ngữ như: Quốc dân tộc bản (1907), Nam quốc địa dư, Quốc văn tập độc (1907), Phen này cắt tóc đi tu(Nguyễn Quyền), Kêu hồn nước (Phan Châu Trinh), Thiết tiền ca (Nguyễn Phan Lãng)… cùng hàng loạt các cuộc diễn thuyết cổ động cho việc học và phổ biến chữ Quốc ngữ. Việc xuất bản hàng loạt cuốn sách mang nội dung yêu nước và tổ chức các cuộc diễn thuyết, Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng trở thành trung tâm truyền bá tư tưởng mới, đánh dấu sự đổi mới tư duy và hành động của các trí thức Nho học Việt Nam đầu thế kỷ XX.
BiÓu t­îng s¸ch §«ng Kinh NghÜa Thôc Ên hµnh n¨m 1907
Ngoài ra, Đông Kinh Nghĩa Thục với phương pháp dạy học mới “…cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không nề hà. Không cần thể cách gì hết. Rồi thêm vào đó mấy bài toán pháp, về chữ Quốc ngữ, để cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm, như thế cũng đã là tàm tạm đúng vậy. …(6). Phương pháp dạy học của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục thật mới lạ đối với nhân dân ta thời bấy giờ, tạo điều kiện để học sinh tự do tư duy, phát triển tư duy và tư tưởng thực học.
Đông Kinh Nghĩa Thục với phương pháp dạy và học mới, với nội dung giảng dạy mới, đã thu hút đông đảo học sinh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đặc biệt là giới phụ nữ cũng tích cực tham gia phong trào “chị em chúng tôi thấy các ngài có mở ra Ban Nữ học, xưa nay chúng tôi cũng lo lắng việc ấy lắm, nhưng phận đàn bà con gái khó lập Hội mở trường, mà cũng chưa dám tin vào hội nào mà dám vào dạy... vậy các ngài cho chị em chúng tôi đến giúp Thục(7). Khi trường mới mở các lớp, thiếu giáo viên dạy chữ Quốc ngữ cho ban nữ, Lương Trúc Đàm giới thiệu cô em gái dạy giúp cho trường “Nếu không tìm được ai dạy thì tôi xin cử em Năm tôi. Cô ấy biết chữ Quốc ngữ, tôi tưởng dạy tạm lúc đầu cũng được(8). Thời bấy giờ, việc mở lớp cho nữ sinh và vận động giới nữ tham gia các hoạt động xã hội quả là một cuộc cải cách lớn. Các cụ không những muốn bài trừ tư tưởng nam tôn nữ ti của cổ nhân, mà còn muốn phụ nữ phải đóng vai trò quan trọng trong xã hội, tạo cho họ một nhân sinh mới, một lối sống mới.
Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã tuyên chiến với nền cựu học lấy chữ Hán và khoa cử làm nền tảng, chỉ đào tạo một nghề duy nhất- nghề làm quan và không quan tâm đến ngành nghề khác. Nhưng công lao của các nhà duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ vậy, mà họ đã biết lợi dụng hoạt động hợp pháp công khai để xây dựng một phong trào truyền bá Quốc ngữ rộng lớn, bài trừ lối học cũ lạc hậu, khuấy động và làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của quốc gia dân tộc.
Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là một hồi chuông báo hiệu thời kỳ mới của chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ dần dần giữ vai trò chủ đạo trong xã hội.
            Trong quá trình nghiên cứu hoạt động phổ biến chữ Quốc ngữ của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục, một điều đáng chú ý và cần làm sáng rõ là: Đầu thế kỷ XX, khi hoàn thành công cuộc xâm lược và bình định Việt Nam, thực dân Pháp không ngừng tìm mọi cách tăng cường ảnh hưởng của mẫu quốc, và hạn chế ảnh hưởng của Trung Hoa đối với Việt Nam (ra lệnh nấu chảy ấn của vua Trung Quốc phong cho vua An Nam, ngay khi vừa ký chưa ráo mực hiệp ước Patenôtre). Bằng kinh nghiệm thống trị khôn khéo của mình, người Pháp ra sức phổ biến tiếng Pháp và văn hoá Pháp. Đồng thời, Pháp thấy chữ Quốc ngữ trở nên cần thiết cho việc thay nền hành chính nhà Nguyễn dựa trên chữ Hán và dần dần quy định bằng văn bản đặt chữ Quốc ngữ vào vị trí thứ hai, sau tiếng Pháp như:
            Ngày 14/11/1874, Đô đốc hải quân - Thống soái Nam Kỳ Francois Krantz ký nghị định mở trường Chansseloup-Laubat (tên Bộ trưởng Hải quân Pháp) để dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ cho con em quan chức người Pháp và người Việt cai trị Nam Kỳ.
            Ngày 6/4/1878, Đô đốc hải quân - Thống soái Nam Kỳ Louis Lafont ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm.
            Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc luật đưa chữ Quốc ngữ vào các kỳ thi, nhưng đến năm 1909 mới được áp dụng.
            Ngày 27/4/1904, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ra nghị định thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp - Việt ở Bắc Kỳ.
            Năm 1906, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho bản xứ được một nghị định của Paul Beau phê chuẩn như: ở cấp một học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ, lên cấp hai học thêm một phần tiếng Pháp không bắt buộc, lên cấp ba cả ba thứ chữ đều học như nhau.
Trong bối cảnh ấy, nếu các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ cổ động, tuyên truyền học chữ Quốc ngữ, “không tham gia vận động và liên hệ với các phong trào yêu nước chống Pháp thì có lẽ phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Bắc Kỳ sẽ không bị thực dân Pháp đàn áp”(9). Dẫn chứng cụ thể là cùng với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, một nhóm trí thức Tân học và Cựu học đứng đầu là Nguyễn Văn Vĩnh, đã phát động một phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ với việc dịch, in sách, báo bằng chữ Quốc ngữ được thực dân Pháp khuyến khích.
Sau một thời gian ngắn tồn tại, với mục đích mở mang dân trí, chấn dân khí nhằm giành lại độc lập dân tộc, Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự trở thành mốc son trong công cuộc đổi mới tư duy và hành động của người Việt trong những năm đầu thế kỷ XX. Và trong công cuộc khai dân trí, chấn dân khí mà các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục nhận thấy chữ Quốc ngữ là phương tiện thuận lợi để đạt mục đích. Các nhân sĩ đã cổ suý, tuyên truyền, kêu gọi quốc dân sử dụng chữ Quốc ngữ. Vì vậy, một phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ được dấy lên mạnh mẽ, góp phần to lớn trong quá trình xác định vị trí của chữ Quốc ngữ trong xã hội Việt Nam. Và chính các nhà duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục đã tiếp tục sự nghiệp phổ biến chữ Quốc ngữ của một số trí thức như: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Tịnh Của… đồng thời để lại ý tưởng cho các nhân sĩ trí thức Việt Nam sau này./.
Chú thích:
(1)               Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hoá thông tin, năm 2002, tr54.
(2)                Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Sài Gòn 1972, tr 124.
(3)               Văn minh tân học sách. In trong Văn thơ yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930). Nxb. Văn học, Hà Nội, 1976, tr 637.
(4)               Bài hát khuyên người học chữ Quốc ngữ. In trong văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, tr110-111.
(5)                Vũ Đình Hoè, Nguồn gốc của Hội truyền bá Quốc ngữ. Tạp chí Xưa &Nay Số 51/1998, tr A.
(6)               Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hoá thông tin, năm 2002, tr59.
(7)               Đăng cổ tùng báo. Số 822, ngày 17/10/1907.
(8)               Nguyễn Hiến Lê, Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn hoá thông tin, năm 2002, tr55.
(9)               Phạm Thị Thơm, Vài nét về việc phổ biến chữ Quốc ngữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. Số 11/2005, tr28.                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét