Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

LƯƠNG VĂN CAN, NGƯỜI KẾ TỤC TINH THẦN ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC TRONG KINH DOANH

LƯƠNG VĂN CAN, NGƯỜI KẾ TỤC TINH THẦN ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC TRONG KINH DOANH

TS. LÝ TÙNG HIẾU
(Khoa Văn hoá học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)

            Đã tròn một trăm năm kể từ khi phong trào Duy Tân - Đông Du và Đông Kinh Nghĩa thục làm dấy lên những lớp sóng cồn, cuốn đi những tàn tích trì trệ của thời đại cũ và đưa dân tộc Việt Nam đến những bờ bến mới. Nhân dịp này, các sinh hoạt khoa học nhằm mục tiêu ôn cố tri tân đã được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có ít nhất hai cuộc hội thảo khoa học quy mô lớn:Hội thảo khoa học "Đông Kinh Nghĩa thục một thế kỷ nhìn lại" do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM, Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh tổ chức (21/9/2007); Hội thảo khoa học "Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ" do Trường Đại học Hoa Sen tổ chức (8/12/2008).
            Bài viết dưới đây là tham luận đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Đông Kinh Nghĩa thục một thế kỷ nhìn lại" nói trên (trang 54-60), và trong cuốn Một trăm năm Đông Kinh Nghĩa thục của NXB Tri thức, 2008 (trang 333-343). Chúng tôi cho đăng lại ở đây để cung cấp thêm tư liệu về lịch sử hình thành văn hoá kinh doanh ở Việt Nam.
ooOoo

            1. Năm 1908, Đông Kinh Nghĩa thục và phong trào Duy Tân - Đông Du bị thực dân đàn áp. Năm 1913, đến lượt Việt Nam Quang phục Hội trải qua một cơn càn quét, khiến cho đầu não và mạng lưới trong ngoài nước hầu như tan rã hết. Đến năm 1921, khi các yếu nhân của phong trào như Lương Văn Can, Đặng Nguyên Cẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế... được trả tự do, thì nghĩa đảng đã tan, phong trào chìm lắng. Các lãnh tụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu tuy cũng đã ra tù, nhưng vẫn còn lận đận ở nước ngoài. Vậy, có tiếp tục dấn thân tranh đấu trong hoàn cảnh đó hay không, và nếu dấn thân thì theo đường lối ra sao, quả là những câu hỏi khó đối với những chí sĩ yêu nước mà nhiệt huyết vẫn còn nhưng vận hội đã qua và sức lực cũng đã tiêu hao do tù đày và tuổi tác.
            Thực tế là khi được trả tự do, Ngô Đức Kế chỉ mới 43 tuổi, Huỳnh Thúc Kháng 45 tuổi, nhưng Đặng Nguyên Cẩn đã 54 tuổi, Lương Văn Can đã 67 tuổi. Vì vậy, trong lúc Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng chọn con đường báo chí, nghị trường để tiếp tục dấn thân, thì Đặng Nguyên Cẩn đã từ trần sau khi về nhà chỉ được 2 năm, còn Lương Văn Can chọn hướng quay về với nghề dạy học và viết sách. Chỉ trong vòng sáu năm cuối đời, Lương Văn Can đã biên soạn và biên dịch được hơn một chục cuốn sách thuộc về nhiều lĩnh vực, từ truyền thụ Hán tự - Hán học, giáo dục nhân cách, giáo dục gia đình, cho đến các kiến thức về địa lý, lịch sử và kinh doanh, thương mại. Trong số đó, có nhiều cuốn đã được cụ biên soạn hoặc phác thảo trong tám năm lưu đày ở Nam Vang, mà đặc sắc nhất là hai cuốn Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn, nội dung chủ yếu bàn về kinh doanh, thương mại, đúc kết những chiêm nghiệm của cụ về kỹ thuật kinh doanh và đạo đức kinh doanh. Bằng cách tiếp tục mở trường dạy học và biên soạn những cuốn sách với nội dung như vậy, người Thục trưởng của Đông Kinh Nghĩa thục năm xưa trên thực tế đã kế tục sự nghiệp "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của ngôi trường danh tiếng ấy trong hoàn cảnh mới, theo lối đi riêng mà cụ chọn là kiên trì giúp thế hệ sau đổi mới nhận thức về giáo dục và doanh thương, trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hoá của dân tộc và hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xây dựng nội lực cho cuộc đấu tranh giải phóng non sông.
            Nói tóm lại, từ sau năm 1913, Lương Văn Can hầu như là người duy nhất vẫn tiếp tục tinh thần Đông Kinh Nghĩa thục trong hoạt động thực tiễn và trong trước tác, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh tế, kinh doanh.
            2. Vì sao Lương Văn Can vẫn kiên trì theo đuổi tinh thần Đông Kinh Nghĩa thục trong kinh tế, kinh doanh khi lửa phong trào đã tắt? Nếu trả lời rằng vì cụ đã già rồi nên không thể tự đổi mới tư tưởng và đường lối của mình, thì thật sai lầm. Trong cuộc đời mình, Lương Văn Can đã không dưới một lần làm được một việc phi thường đối với một nhà nho tuổi ngoại ngũ tuần, là tự vượt mình, tự đổi mới quan điểm và kiến thức của mình để có thể vươn lên đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong hoàn cảnh mới. Để có câu trả lời đúng, chúng ta cần phải nhìn qua tình hình thế giới và khu vực đương thời. Từ sau chiến tranh Trung - Nhật 1894-1895 và chiến tranh Nga - Nhật 1904-1905, Nhật Bản đã vươn lên thành một đế quốc mới ở Viễn Đông, với con mồi là các quốc gia Đông Á và đối thủ là các đế quốc phương Tây đang thống trị vùng này. Chính vì tình thế đó và tham vọng đó mà sau khi bắt tay thoả hiệp với Pháp bằng Điều ước và Tuyên bố chung về vấn đề kiều dân Nhật sống ở Đông Dương và những người Đông Dương "thần dân Pháp và được Pháp bảo hộ" sống trên đất Nhật (10/6/1907), vào năm 1908-1909 Chính phủ Nhật đã ra lệnh giải tán và trục xuất tất cả các chí sĩ và học sinh Đông Du Việt Nam tại Nhật, tự xoá bỏ tư cách một ông thầy giỏi và một người bạn tốt trong con mắt người Việt đương thời. Trung Quốc, một đất nước gần gũi hơn về địa lý và cảnh ngộ, thì từ sau Cách mạng Tân Hợi 10/10/1911 đã rơi vào tình trạng sứ quân cát cứ và nội chiến triền miên. Trung Hoa Quốc dân Đảng bị chia năm xẻ bảy, thế lực bảo hoàng trỗi dậy, các đế quốc đua nhau tiếp sức, giật dây quân phiệt nhằm khuếch trương ảnh hưởng, giành giật thị trường. Chính vì thế nên trong giai đoạn này, các nhà cách mạng Trung Hoa không thể giúp đỡ có hiệu quả cho cách mạng Việt Nam. Năm 1913-1914, lực lượng cách mạng Việt Nam đã hầu như bị đánh dạt khỏi đất Trung Hoa do quân phiệt tỉnh Quảng Đông Long Tế Quang thoả hiệp với Pháp bắt giam lãnh tụ Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng để dùng làm món hàng trao đổi, còn cảnh sát Anh ở Hương Cảng thì phục bắt các cán bộ khác của Việt Nam Quang phục Hội như Huỳnh Văn Nghị (Huỳnh Hưng), Đinh Hữu Thuật, Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn Thần Hiến, Lương Ngọc Quyến, để giao cho Pháp.Các nước Đông Nam Á thì vẫn đang là thuộc địa hoặc bán thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Mỹ. Do quyền lợi của mình, có chính phủ như Chính phủ Xiêm chẳng những không trợ giúp mà còn truy bắt các cán bộ Việt Nam Quang phục Hội hoạt động ở Xiêm để giao cho Pháp. Tóm lại, từ năm 1913 cho đến năm 1925 khi Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ra đời ở Quảng Châu, Trung Quốc, là giai đoạn cách mạng Việt Nam bị tiêu hao nghiêm trọng về lực lượng và bị cô lập nặng nề về đối ngoại, bế tắc cả về đường lối hoạt động bên trong lẫn hành lang tiếp viện bên ngoài. Cho nên, trước khi con đường cứu nước theo đường lối Cách mạng Tháng Mười Nga ra đời những năm sau đó, trong giai đoạn thoái trào sau năm 1913, một trong những con đường mà Việt Nam có thể và phải tiếp tục đi theo, là duy tân để tự cường, tự cứu lấy mình, súc tích lực lượng để chờ vận hội. Một chí sĩ ưu thời mẫn thế và từng trải như Lương Văn Can lẽ nào không thể nắm bắt được tình thế ấy để tự vạch ra cho mình một hướng đi phù hợp.
            Còn nếu trả lời rằng sở dĩ Lương Văn Can kiên trì tư tưởng Đông Kinh Nghĩa thục trong kinh tế, kinh doanh là vì cụ hành động theo quán tính, thì thiết tưởng nên hiểu đó là quán tính của một người đã từng trải qua công việc hướng đạo, chỉ đạo về chiến lược, chiến thuật kinh doanh, tức là một ưu thế mà không mấy người cùng thời với cụ có được, từ các nhà nho ưu dân ái quốc cho đến các nhà Tây học học rộng biết nhiều và những thương gia đi ngược về xuôi... Bởi, ngay từ khi lập gia đình với Lê Thị Lễ, một phụ nữ giỏi giang, cần kiệm và thạo nghề buôn bán, Lương Văn Can đã bắt đầu gắn kết với kinh doanh - thương mại. Đó là một lĩnh vực, một cái nghề mà xã hội Việt Nam xưa vốn coi khinh. Thế nhưng, đối với một người như Lương Văn Can - vừa là một người chủ gia đình, vừa là một trí thức khoa bảng biết ưu dân ái quốc - thì có thể có những suy nghĩ khác với thường tình. Trong khi việc dạy học của Lương Văn Can còn có mục đích là lập chí, lập ngôn chứ không chỉ mưu sinh đơn thuần, thì việc kinh doanh của vợ con cụ có ý nghĩa thiết thực hơn, trực tiếp hơn: nó ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống gia đình. Còn xung quanh đó thì cảnh làm ăn buôn bán náo nhiệt của Hà Nội ba mươi sáu phố phường bày ra trước mắt hàng ngày. Vậy làm sao cụ có thể thờ ơ mà không buồn lưu tâm, quan sát. Rất có thể, từ những điều quan sát được qua thực tế kinh doanh của gia đình và của hàng phố xung quanh, cụ đã đi tới chiêm nghiệm để tìm ra trong cái thực tiễn sinh động đó một sợi dây kết nối giữa doanh thương như một phương tiện để mưu sinh và làm giàu cho bản thân, với doanh thương như một con đường để hồi sinh, để làm mạnh nội lực quốc gia.
Không dừng lại ở đó, khi tham gia sáng lập và điều hành Đông Kinh Nghĩa thục (1907-1908), Lương Văn Can đã có được cơ hội thứ hai cho phép cụ mở rộng tầm nhìn đối với doanh thương. Đông Kinh Nghĩa thục là một cơ quan công khai do các sĩ phu yêu nước ở hai miền Trung Bắc phối hợp lập ra để truyền bá tư tưởng yêu nước và Duy Tân trong các lĩnh vực văn hoá - giáo dục, xã hội, và kinh tế. Riêng về kinh tế, chủ trương của Đông Kinh Nghĩa thục là kêu gọi quốc dân chấn hưng thực nghiệp, bỏ vốn mở mang công nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và khai mỏ... Thực hiện chủ trương đó, Ban Tu thư của Đông Kinh Nghĩa thục đã biên soạn sách Quốc dân độc bản(1907) bao gồm trong đó hàng chục đề mục nói về kinh tế, kinh doanh, và phổ biến bài Hợp quần doanh sinh thuyết(1907) của Nguyễn Thượng Hiền dưới hình thức song thất lục bát quốc ngữ để trình bày chủ trương kinh tế theo hướng Duy Tân. Không chỉ thế, để thực hành tư tưởng chấn hưng thực nghiệp đồng thời cung cấp tài chính cho nhà trường và cho phong trào Đông Du, một số thành viên của nhà trường còn thành lập tại Hà Nội các hiệu buôn Đồng Lợi Tế, Tuỵ Phương, Hồng Tân Hưng, Công ty Đông Thành Xương. Đó là chưa kể một loạt cơ sở kinh doanh khác do các hội viên hoặc những người chịu ảnh hưởng của tư tưởng Duy Tân lập ra ở Hà Nội, Phúc Yên, Hưng Yên, Việt Trì... Tuy chỉ tồn tại cho đến năm 1908, nhưng các cơ sở kinh doanh này đã đem lại không ít lợi nhuận và nhất là kinh nghiệm. Là Thục trưởng phụ trách việc chi xuất, kiêm thành viên Ban Tu thư của Đông Kinh Nghĩa thục, Lương Văn Can đương nhiên có điều kiện để chiêm nghiệm về doanh thương một cách thật sâu xa. Bởi vì mục đích của các cơ sở kinh doanh của Đông Kinh Nghĩa thục không dừng lại ở lợi nhuận, mưu sinh hay làm việc nghĩa ở phạm vi hẹp như cửa hàng của gia đình cụ, mà nó nhằm tạo nguồn tài chính, tạo tiềm lực kinh tế cho các hoạt động Duy Tân - Đông Du, cứu nước; và cùng với việc phổ biến các tài liệu học tập tuyên truyền liên quan đến kinh tế kinh doanh, nó còn nhằm canh tân não trạng của cả một dân tộc, một thế hệ đối với vấn đề kinh doanh, thương mại. Cho nên, tầm nhìn của Lương Văn Can đã nhờ những hoạt động ấy và mục đích ấy mà nâng lên một tầm cao mới: từ tầm nhìn của một người chủ tinh thần của một "doanh nghiệp gia đình" vươn lên tầm nhìn cấp dân tộc, quốc gia. Chỉ với tầm nhìn mới này, Lương Văn Can cũng như các nhà Duy Tân khác mới có thể hoàn toàn vượt qua quan niệm cũ coi doanh thương như một phương tiện lợi mình hại người của "bọn lái buôn", nâng doanh thương lên tầm một phương thức tự tồn, tự cường mới của dân tộc Việt Nam, kết hợp trong nó truyền thống văn hoá của dân tộc với kỹ thuật kinh doanh tân tiến của thế giới.
            Cái cơ hội thứ ba đưa Lương Văn Can đến với doanh thương là khi cụ bị lưu đày sang Nam Vang (1913-1921), phải tự mưu sinh nhưng lại không thể dạy học để mưu sinh như trước nữa. Vậy cụ và người con trai út mà cụ đem theo lấy gì để sống? Xoàng ra thì cứ để mẹ con bà cụ Lễ buôn bán gởi tiền sang nuôi dưỡng. Nhưng cụ lại không xoàng. Những năm tháng chiêm nghiệm hoạt động kinh doanh của gia đình và Đông Kinh Nghĩa thục, và có lẽ cũng có tham gia ý kiến khi cần thiết, đã đem lại cho cụ nhãn quan nhạy bén của một nhà kinh doanh và tầm nhìn chiến lược của một nhà khai phá. Thấy rằng mảnh đất Nam Vang và Cao Miên vẫn còn là một thị trường trống trải (những Việt kiều ở Cao Miên thời ấy chủ yếu sống nhờ vào ngư nghiệp Biển Hồ và dịch vụ nhỏ, riêng buôn bán thì nằm trong tay Hoa kiều), cụ cùng con gái, con dâu tổ chức luôn hai rồi ba cửa hiệu, phối hợp với cụ bà Lê Thị Lễ ở Hà Nội và một số thương gia ở Sài Gòn, thiết lập đường dây buôn bán xuyên biên giới Việt - Miên. Việc kinh doanh từ đó phát đạt rất nhanh. Đó có thể nói là một thứ "công ty xuất nhập khẩu" đầu tiên mà thương nhân người Việt thành lập trong lịch sử. Trước đó, chợ búa ở Việt Nam hầu hết đều là chợ nhỏ. Việc "chạy chợ" là việc của các bà các cô, chứ đàn ông ít khi rớ động trừ một số ngành buôn đòi hỏi sức vóc đàn ông (buôn trâu, buôn gỗ từ mạn ngược, v.v.). Tại các cảng thị xuất nhập khẩu hình thành trong hai thế kỷ 17-18 như Phố Hiến, Hội An, Nông Nại Đại Phố, Sài Gòn (Chợ Lớn ngày nay), thương lái người Việt cũng chỉ đạt đến tầm tập kết hàng đến phố, còn đầu mối giao dịch, mua bán với nước ngoài vẫn nằm trong tay các ông chủ người Hoa và các ngoại kiều. Cho nên, cái doanh nghiệp mà Lương Văn Can và gia đình lập ra ở Nam Vang tuy chẳng phải lớn lao gì so với ngày nay, nhưng tác dụng mở đường của nó phải khiến cho thương giới đương thời ngưỡng mộ và noi gương tiếp bước.
3. Nói tóm lại, trong cả ba lần duyên phận đưa Lương Văn Can đến với kinh doanh thì cả ba lần, cụ đều đóng vai trò của người hướng đạo, chỉ đạo về chiến lược, chiến thuật kinh doanh. Trong cả ba lần ấy, việc kinh doanh đều thành công và đem lại cho bản thân cụ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý. Đặc biệt là lần thứ ba, khi mà tuổi tác và sự trải nghiệm đã đem lại cho cụ sự thâm trầm, sâu sắc trong kiến thức và trong các triết lý của mình đối với hoạt động kinh doanh ở tầm quốc gia và quốc tế mà cụ quan sát được, tìm hiểu được. Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn, hai tác phẩm được xuất bản sau khi Lương Văn Can trở về Hà Nội năm 1921, đã hình thành trong điều kiện đó. Nó không phải xuất phát từ một ý tưởng thiên tài đột xuất, cũng không phải là biên dịch xào nấu lại một tác phẩm dạy làm doanh thương của nước ngoài, mà đúc kết những kiến thức và suy nghiệm của cả một đời người. Hai cuốn sách đó của Lương Văn Can tuy không đồ sộ như các sách nói về kinh tế, kinh doanh xếp chật trong các nhà sách ngày nay, nhưng giống như cánh én báo hiệu mùa xuân, nó đánh dấu sự ra đời của một tầm nhìn mới, một kiến thức mới, một phương pháp mới đối với lĩnh vực kinh doanh - thương mại của doanh nhân và trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20. Chính hai tác phẩm này đã cho phép chúng ta xem Lương Văn Can là cột mốc khởi nguồn trong lịch sử kinh doanh hiện đại của Việt Nam, vì mặc dù trước đó đã có một vài tài liệu học tập tuyên truyền có nội dung kêu gọi chấn hưng thực nghiệp do các chí sĩ Duy Tân biên soạn, nhưng chưa có ai đi xa hơn Lương Văn Can trong việc mổ xẻ đến tận cùng các căn bệnh cố hữu của nền kinh tế và của giới doanh nhân trong nước, đưa ra các đơn thuốc nhằm hiện đại hoá việc kinh doanh và lành mạnh hoá thương giới nước nhà. Trong lịch sử kinh tế học Việt Nam, hai tập sách này có một vị trí rất đặc biệt, không chỉ vào lúc nó ra đời mà cả về sau, vì cho đến vài ba thập niên sau đó, sách biên khảo về kinh tế, kinh doanh của người Việt Nam vẫn còn là của hiếm.
Trong Thương học phương châm, sau khi nhấn mạnh tình trạng thương mại yếu kém của nước nhà, cụ vạch ra một loạt nguyên nhân: trong khi nước ta vẫn chưa có thương phẩm, thương hội, thương học, thì người nước ta lại ít có chí làm thực nghiệp, và thiếu những đức tính và kỹ năng cần thiết để có thể tiến xa trên "trường thương chiến". Để khắc phục tình trạng đó, mọi người cần chú trọng đến "thực nghiệp", tức là những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người như công - nông - thương nghiệp, đồng thời phải lưu tâm nghiên cứu "thương học", tức là khoa học về thương mại. Làm được như vậy thì mới có thể phát triển nghề buôn. Và nghề buôn có phát triển thì mới dân mới giàu, nước mới mạnh, vì trong thời đại bấy giờ, chính "các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc". Trong Kim cổ cách ngôn, cụ vừa vận dụng kinh nghiệm bản thân, vừa huy động truyền thống văn hoá dân tộc để đưa ra lời khuyên cho giới kinh doanh, đặc biệt là những người quen dùng thủ đoạn kinh doanh gian xảo, lợi mình hại người, gây tiếng xấu cho cả giới thương nhân trong lịch sử. Theo cụ, kinh doanh vốn không mâu thuẫn với đạo đức, người kinh doanh thành đạt vẫn có thể giữ được lòng trung thực và tâm đức. Bằng tất cả sự trải nghiệm của mình, cụ cho rằng: "Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo là ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đây cũng là phép thuật kinh doanh vậy!" [1].
            Nói như ngôn ngữ ngày nay thì nhà kinh doanh cần có một lý tưởng quốc gia, lý tưởng xã hội dẫn đường, thay vì để cho sự thiển cận, sự tham lam làm chủ bản thân. Chẳng có gì khó hiểu khi mà đối với Lương Văn Can, sự vươn lên của giới công thương gia Việt Nam và công thương nghiệp Việt Nam chỉ mới là mục tiêu thứ nhất. Mục tiêu kế tiếp của sự vươn lên đó, phải là giúp dân, giúp nước. Nghĩa là sự thành đạt trong kinh doanh phải đi đôi với sự cống hiến cho xã hội và cho dân tộc. Bởi vì về mặt này thì bản thân cụ và gia đình cụ chính là một tấm gương rất sáng, khi phần lớn lợi nhuận và sự sản mà gia đình cụ có được nhờ kinh doanh đều được dùng để làm việc nghĩa: bán cửa hiệu để trang trải công nợ cho Đông Kinh Nghĩa thục, gởi tiền chi viện cho các nhà cách mạng Đông Du ở Quảng Đông và Quảng Tây, xây trường và lót gạch đường làng ở Nhị Khê, chu cấp cho những người yêu nước bị tù đày ngoài Côn Đảo, v.v. Ngay trong gia đình, cụ cũng thường xuyên răn dạy con cháu chẳng những về sự kết đoàn, công tâm, nhẫn nại trong việc kinh doanh, mà còn về nghĩa vụ đối với xã hội, đối với đồng bào còn khốn khó hơn mình: "Nhà ta nhờ tổ tôn tích đức, ta hai người thành khẩn cần kiệm mới gọi là lập nên môn hộ, có được tiểu khang sản-nghiệp. Đương buổi đời này thương chiến cạnh tranh rất mạnh, khôn sống vụng chết, hơn được kém thua, cứ như bấy nhiêu tư bản, hợp lại thời còn đủ xoay xở, chia ra thời không thể tranh đua. Phàm trong nhà con cùng cháu, dâu cùng rể, đều nên đồng tâm hiệp lực, cùng làm cùng lo, đừng nghĩ tiền chung mà tiêu hoang, đừng nghĩ của chung mà làm biếng, ăn cũng cùng vị, mặc cũng cùng sắc. Trẻ con phải bắt học cho sớm, chớ để nhớn lên, mà vô nghiệp. Cứ giữ lấy chữ công, chữ nhẫn mà ở mấy nhau. Mỗi năm một lần tính vốn, chia lợi tức làm 4 phần, hai phần để làm chi tiêu, một phần để thêm vào vốn, một phần để làm sự công ích, hoặc đỡ người cấp nạn..." (Trích Di chúcLương gia thứ chi phả). Nói cách khác, Lương Văn Can dùng kinh doanh không chỉ để nuôi dưỡng việc kinh doanh, mà chủ yếu là để nuôi chí giúp dân, cứu nước. Cho nên, tuy bản thân cụ không trở thành "đại gia" trong giới kinh doanh, như Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền chẳng hạn, nhưng lịch sử vẫn coi cụ là một nhà ái quốc, một nhà cách mạng Duy Tân có tầm nhìn sâu rộng không chỉ về giáo dục, văn hoá mà cả về kinh tế.
            4. Cách nay gần một năm, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2006, bốn doanh nhân tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam gồm Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) truy tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu và cúp Thánh Gióng. Với những gì chúng ta đã biết về Lương Văn Can tính đến nay thì hoàn toàn hợp lý khi, trong thời điểm kỷ niệm 100 năm phong trào Duy Tân - Đông Du (1905-1908) và Đông Kinh Nghĩa thục (1907-1908), Lương Văn Can, người đứng đầu Đông Kinh Nghĩa thục và một trong những lãnh tụ của phong trào, đã được tôn vinh như là doanh nhân tiêu biểu đầu tiên trong lịch sử kinh doanh thương mại của Việt Nam. Không ai khác, chính Lương Văn Can là người đã tham gia khởi xướng và cho đến tận cuối đời vẫn kiên trì theo đuổi chủ thuyết Duy Tân của Đông Kinh Nghĩa thục trong kinh tế, kinh doanh - cái chủ thuyết kinh tế đầu tiên của Việt Nam mà trong đó kinh doanh công thương nghiệp đã được đề cao và được định hướng rõ ràng nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, vừa vực dậy nền kinh tế kiệt quệ và què quặt vì chiến tranh xâm lược và chính sách vơ vét của thực dân, vừa xây dựng nội lực kinh tế cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do.
TP. Hồ Chí Minh, 9/9/2007.
Nguồn: Tác giả.



[1] Về nội dung chính của hai tác phẩm trên, xin đọc thêm:
   - Dương Trung Quốc, Đạo làm giàu của doanh nhân, báo Diễn đàn Doanh nghiệp số 32, 19/4/2001.
   - Dương Trung Quốc, Soi lại tấm gương xưa, báo Tiền phong số 205, 13/10/2004.
   - Lý Tùng Hiếu, Lương Văn Can và phong trào Duy Tân - Đông Du, NXB Văn hoá Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2005.
   - Thư Hoài, Lương Văn Can - người thầy của giới doanh thương, Thời báo Kinh tế Sài Gòn số xuân Quý Mùi 2003.
   - Trần Thái Bình, Lương Văn Can, người thầy đầu tiên viết sách dạy buôn bán ở Việt Nam, tạp chí Xưa và Nay số 37, 3/1997, đăng lại trong cuốn Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét