Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Nhà trẻ đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc


Nhà trẻ đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc

Năm 1951, trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang diễn ra rất ác liệt và gian khổ, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ đã quyết định kế hoạch đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai của đất nước.

Ngoài số các em đã đến tuổi đi học được gửi sang học tập ở Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc… Bác đã giao cho đồng chí Trần Đăng Ninh - lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, trực tiếp chỉ đạo xây dựng nhà trẻ mẫu giáo đầu tiên của quân đội. Sau một thời gian tìm địa điểm và công tác chuẩn bị, đồng chí Trần Đăng Ninh đã đề nghị Đảng và Bác cho thành lập trại trẻ mẫu giáo đầu tiên, đặt tại đồi cọ bản Pìeng, thôn Tỉn Hỏa, xã Thanh Định, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.
Nhà trẻ được dựng bên đồi cọ, với 2 dãy nhà tranh nấp dưới các tán lá cọ bên dòng suối trong mát. Cách đó hơn cây số là đồi có lán ở của Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Phụ trách trại là bà Nguyễn Thị Hồng, vợ đồng chí Trần Đăng Ninh; bà Hồ Thị Minh Nguyệt phụ trách chính trị; bà Vũ Thị Đơ, phụ trách nuôi dưỡng; cô giáo Phan Thanh Hòa, phụ trách giảng dạy. Ngày lễ Thiếu nhi Quốc tế 1/6/1952, khóa học đầu tiên đã khai giảng.
Lần đầu tiên Bác Hồ đến thăm trại đúng vào ngày 19/5/1953. Bác đã dành trọn vẹn sinh nhật của mình để thăm và kiểm tra việc học hành, ăn ở của các cháu. Người đã trực tiếp đến dự giờ lên lớp, góp ý cho cô giáo về nội dung và phương pháp dạy học... Người rất quan tâm đến sức khỏe của các cháu, kiểm tra hầm trú ẩn, nhà ăn. Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng không quên mang quà cho các cháu, chuẩn bị cả xôi và thịt kho cho bữa ăn trưa.
Cô Hòa kể, cũng chính trong lần đến thăm trại trẻ này, Bác đã cho phép các cháu được chụp ảnh với Người. Nghệ sỹ Đinh Đăng Định đã bấm máy ghi lại những bức ảnh Bác Hồ với thiếu nhi - mà sau này đã trở nên nổi tiếng. Ngay cả cách Bác bố trí sắp xếp chụp ảnh cũng là một bài học cho các giáo viên của trường. Đầu tiên Bác yêu cầu chụp chung cả trại, khi còn thiếu các đồng chí cấp dưỡng và bảo vệ, Người cho gọi đủ. Bức ảnh này đã đi vào lịch sử và trở thành tài sản vô giá với các giáo viên và học sinh của trường.
Sau khi chụp chung, khi các cháu, các cô tiễn Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng về, Bác nói: Bác rất muốn hôn tất cả các cháu, nhưng như thế sẽ rất lâu, có cháu nào bé nhất, ngoan nhất thay mặt các bạn, Bác cho chụp ảnh cùng Bác. Cả lớp đã chọn bé Nguyễn Minh Phương, bé nhất trại - con gái đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh - và tấm ảnh Bác Hồ bế cháu Minh Phương với nụ cười nhân từ của người ông do nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định bấm máy đã trở thành nổi tiếng, đi vào lịch sử. Tất cả lũ chúng tôi vây quanh Bác, với hy vọng được hôn Bác, Bác cười nhân hậu, xoa đầu từng đứa và nói: Các cháu ngoan, học giỏi, lần sau Bác sẽ cho chụp ảnh. Đó cũng là cách Bác khích lệ chúng tôi phải ngoan, chăm học.
Cô giáo Phan Thanh Hòa kể lại: Mỗi khi quân Pháp mở đợt càn quét hoặc ném bom ATK, Bác lại yêu cầu đưa những con ngựa khỏe nhất giúp nhà trẻ sơ tán. Nhiều lần, Người còn ra lệnh cử 100 chiến sỹ đến để cõng các cháu học sinh vượt qua Núi Hồng sơ tán lên Bắc Kạn. Những tình cảm thân thương ấy của Bác với các cháu học sinh của nhà trẻ mẫu giáo đầu tiên đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm không bao giờ quên.
Ngày 19/5/1953, Bác Hồ thăm Trường Mẫu Giáo nội trú đầu tiên của Quân đội tại thôn Tỉn Hỏa, xã Thanh Định, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.
Những học sinh mẫu giáo đầu tiên
Khoảng đầu tháng 4/1952, trại bắt đầu tiếp nhận học sinh... Đến năm 1953, trại có trên 100 cháu. Đây có lẽ là những học sinh mẫu giáo đầu tiên của nền giáo dục mầm non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đến thăm trại lần đầu tiên Bác đã căn dặn các thầy, cô nhà trẻ: "Nhà trẻ phải là cái nôi ươm mầm những tài năng…100 cháu ở đây là những của quý của 100 gia đình và là tài sản quý giá của đất nước sau này, các cô phải chú ý nuôi dạy toàn diện cho các cháu".
Tâm niệm với lời dạy của Bác, các cán bộ, giáo viên của trường đã dành hết tâm trí, tình cảm thân thương cho các cháu. Và quả không phụ công lao của Bác và các thầy cô, hơn 100 cháu của trại trẻ, sau này đều trưởng thành, nhiều cháu tham gia quân đội, lập được chiến công, trong đó có 4 người trở thành sỹ quan cấp tướng, hơn 30 người là sỹ quan cấp tá, 6 người là phi công chiến đấu, trong đó có phi công - liệt sỹ Hoàng Tam Hùng (con trai Phó Thủ tướng Hoàng Anh).
Trong trận không chiến cuối cùng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Hoàng Tam Hùng đã tung hoành giữa đội hình F-4 của địch, bắn rơi 2 máy bay Mỹ rồi mới chịu anh dũng hy sinh ngay trên vùng trời phía Nam Hà Nội. Anh Hoàng Tam Hùng cũng là người phi công Việt Nam cuối cùng ngã xuống trong cuộc không chiến phá tan chiến dịch tập kích đường không của không lực Mỹ, mà Mỹ thường gọi với mật danh - chiến dịch Linebacker II ném bom phá hoại Hà Nội và các thành phố miền Bắc.
Trong số các học sinh mẫu giáo ngày đó sau này trở thành phi công, còn có một tên tuổi nổi tiếng nữa, đó là cậu học sinh thông minh và hiếu động năm xưa, mỗi khi Bác Hồ đến thăm bao giờ cũng chen lên trước, nay đã trở thành Đại tá - phi công Từ Đễ, người dẫn đầu phi đội Quyết thắng, dùng chính máy bay Mỹ do chính các phi công MiG-17 của KQND Việt Nam tự chuyển loại chỉ trong 3 ngày - để ném bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28-4-1975, rung lên những tiếng chuông tận thế cho chính quyền Sài Gòn.
Một trong những học trò bé nhất của cô giáo Hòa chính là cô bé Hồng Giang nhút nhát, năm nào chuyên núp sau lưng cô nhưng nay đang là Thiếu tướng - Chính ủy Bệnh viện TW Quân đội 108. Có một vị sỹ quan đã nói với tôi rằng chị Giang là nữ Thiếu tướng thứ hai của QĐND Việt Nam, sau bà Nguyễn Thị Định. Chồng của Thiếu tướng Hồng Giang - Đại tá phi công Vũ Chính Nghị, cũng là một cựu học sinh của nhà trẻ mẫu giáo đầu tiên.
Trong số hơn 100 học sinh chỉ có hai người đi theo con đường nghệ thuật. Đó là nữ diễn viên ballet Quỳnh Dung - cô học sinh mang số 1 của nhà trẻ, cô bé xinh xắn đứng đầu tiên trong bức ảnh các cháu chụp chung với Bác Hồ, khi Người đến thăm trại trẻ. Thứ hai là Đại tá, NSƯT Dương Minh Đức - một giọng ca vàng của thế hệ vàng những năm kháng chiến chống Mỹ…
Người mẹ của 100 đứa con
Các cán bộ, giáo viên của nhà trẻ đầu tiên được lựa chọn từ các đơn vị về để nuôi dưỡng và dạy dỗ các cháu. Từ cô hiệu trưởng, cô hiệu phó phụ trách chính trị, phụ trách nuôi dưỡng, đến các cô giáo, các chú cấp dưỡng, quân y đều để lại những tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn trẻ thơ của chúng tôi.
Đến nay, gần 60 năm đã trôi qua, đa số các thầy cô đã mất, người duy nhất còn sống và thường xuyên đứng ra tổ chức các buổi gặp mặt cựu học sinh nhà trẻ đầu tiên ấy chính là cô giáo Phan Thanh Hòa. Cô Hòa được tất cả học sinh chúng tôi gọi một cách trìu mến, tin cậy: "Người Mẹ của 100 đứa con".
Cô Hòa vốn là cán bộ phụ nữ hoạt động nội thành, được điều động lên chiến khu để làm công tác giảng dạy cho nhà trẻ đầu tiên của QĐND Việt Nam, khi cô mới 20 tuổi. Trong hơn 50 năm làm công tác dạy dỗ trẻ, từ 100 cháu ở nhà trẻ trên chiến khu Việt Bắc, sau đó, bà đã tiếp tục công tác "trồng người" của mình trong hệ thống giáo dục của quân đội với hàng ngàn học sinh ra trường, trưởng thành. Trong hơn nửa thế kỷ ấy, cô Hòa đã 5 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Ngày nay, các học sinh mẫu giáo của cô gần 60 năm trước, đã trở thành các vị tướng lĩnh, các cán bộ cấp cao, nhiều người đã lên ông lên bà, nhưng hằng năm vẫn đến thăm chúc sức khỏe cô giáo.
Trong nhà cô những đồ vật có giá trị nhất chính là những bức hình về nhà trẻ ở chiến khu Việt Bắc, những bức hình cô được chụp chung với Bác và các học sinh đầu tiên của mình. Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nói chuyện về những học sinh đầu tiên của mình, cô Hòa vẫn nhớ đặc điểm của từng đứa, mỗi dịp sinh nhật từng cháu, cô đều nhớ và có một món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như khi họ còn là các cô cậu học trò bé nhỏ của cô trên đồi cọ chiến khu. Thậm chí, vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày khai giảng khóa học đầu tiên, cô đã có một bài trường ca kể về đặc tính của từng học trò cũ của mình...
Trở về đồi cọ và que kem đầu tiên trong đời
Tháng 12/2007, kỷ niệm 55 năm nhà trẻ ra đời, mặc dù đã 77 tuổi, cô giáo Hòa vẫn dẫn đầu các học trò cũ của mình trở lại thăm nhà trẻ cũ ở bản Pìeng. Đoàn cựu học sinh đến thăm nhà trẻ của thôn, tặng quà cho các cháu thế hệ sau của mình. Học sinh bây giờ ăn mặc đẹp, khuôn mặt hồng hào, ánh mắt trong veo. Trong mỗi khuôn mặt các bé trai, tôi như nhìn thấy bóng dáng của mình hơn 50 năm trước. Trên đồi cọ cũ, các ngôi nhà lá đã không còn, thay vào đó dân bản đã trồng rất nhiều cây bạch đàn. Dưới bóng mát rặng bạch đàn, chúng tôi nhắm mắt lại để cố nhớ nơi năm xưa đã vui chơi, đã chạy ùa ra đón Bác, mỗi khi Người đến thăm.
Đứng trên đồi cọ, nơi năm xưa là những căn nhà lá của trại trẻ, phóng tầm mắt nhìn về phía đồi, nơi có lán của Bác, và không dám tin rằng xưa kia mình đã có một thời gian được sống chỉ cách ngôi nhà của Bác có hơn 1 km, nơi Trung ương đã họp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Bây giờ ở khu vực này, tỉnh Thái Nguyên đã cho xây một khu nhà tưởng niệm Bác trên đồi cao. Tốp cựu học sinh mẫu giáo năm xưa được ở gần Bác, được chụp ảnh với Bác đã trở về thắp hương tại nhà tưởng niệm.
Đứng bên gốc bạch đàn ở triền đồi năm xưa là ngôi nhà lá của nhà trẻ, Thiếu tướng Phạm Ngọc Nguyên nhớ lại: Lần đó ông và Đồng Sỹ Hưng - nay là Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines - do rất ghét giờ nghỉ trưa đã quyết định bỏ trốn ra ngoài chơi, trong khi đang tha thẩn bên hàng rào tìm cách vượt ra ngoài, thì bất ngờ một… con hổ xuất hiện. Không hiểu sao 2 đứa trẻ mới chưa đầy 4 tuổi lại không thấy sợ, mà còn tò mò vì lần đầu tiên nhìn thấy ông "ba mươi". Con hổ không hiểu sao cũng đứng im nhìn 2 đứa bé mặc quần "cổng chào", nhỏ tý, gầy gò đang đứng bên hàng rào, mà một trong 2 đứa còn nói giọng Quảng Bình rất khó hiểu. Thiếu tuớng Phạm Ngọc Nguyên nói đùa là con hổ đang phân vân xem trong 2 đứa thì đứa nào béo hơn, nhưng vì cả 2 đều gầy, nên nó đang lưỡng lự. Rất may là đúng lúc đó, có kẻng báo thức, và các chú cấp dưỡng nhìn thấy đã lôi hết xoong nồi ra gõ để xua hổ...
Dọc đường từ Định Hóa trở về, vẫn con đường này đầu năm 1955 chúng tôi đã ngồi trên chiếc xe tải Molotova để từ chiến khu trở về Hà Nội, tôi vẫn nhớ khi qua Gia Lâm, xe đã dừng lại, để cô giáo Hòa mua cho mỗi đứa một que kem, đó là que kem đầu tiên mà tôi được ăn trong đời - đến tận bây giờ vị ngọt và mát lạnh của nó vẫn như còn dính trên môi, chúng tôi mút đến khô cả que kem, và không ai bảo ai, cả bọn đều cất chiếc que kem đó trong túi quần. Phía trước là cầu Long Biên, cô Hòa giải thích, đây là cây cầu dài nhất Viêt Nam.
Năm nay, vào ngày sinh nhật của tôi, cô đã tặng một món quà vô giá - đó là tấm hình cả lớp chụp với Bác năm 1953. Trong tấm hình, Bác nhân từ, trong bộ áo nâu giản dị, ngồi giữa, cô Hòa và tất cả chúng tôi vây quanh Bác. Tặng tôi bức ảnh, cô Hòa chỉ cho tôi xem từng bạn trong lớp. Và đứa bé nhút nhát quê Quảng Bình 3 tuổi năm nào ngồi nép góc ảnh, chính là tôi. Tôi mỉm cười nhìn sang tấm ảnh đứa cháu ngoại của mình như một phiên bản…
Tháng 5/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét