Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Chiến thắng Việt Bắc: Đánh bại chiến lược “Tốc chiến, tốc quyết” của thực dân Pháp

Chiến thắng Việt Bắc: Đánh bại chiến lược “Tốc chiến, tốc quyết” của thực dân Pháp



Cách đây 60 năm, Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp quyết định kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng chiến lược “Tốc chiến, tốc quyết”.
Kế hoạch tiến công Việt Bắc bao gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh Lê A (Léa) và Clô Clô (Cloclo).
Cuộc hành binh Lê A là giai đoạn đầu, sử dụng hai gọng kìm bao vây Khu căn cứ Việt Bắc (gồm 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên). Binh đoàn Bô phrê (Baufré) là cánh quân phía đông xuất phát từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng rồi vòng xuống hợp vây với cánh quân hướng tây, bắt liên lạc với cánh quân hướng tây, bắt liên lạc với cánh quân nhảy dù Xô-va-nhắc (Sauvagnac) ở Bắc Kạn. Binh đoàn đường thủy Com-muy-nan (Communal) là cánh quân phía tây, xuất phát từ Hà Nội ngược sông Hồng đến Việt Trì theo sông Lô lên Tuyên Quang rồi theo sông Gâm tiến lên gặp Binh đoàn Bô-phrê, bao vây Việt Bắc về phía tây. Hợp điểm của hai binh đoàn là Đại Thị.
Tiếp đó sẽ là cuộc hành binh bước hai mang tên Clô Clô tập trung càn quét khu tam giác Bắc Kạn-Chợ Chu-Chợ Mới và phía tây đường số 3.
Lực lượng dự bị chiến dịch gồm các tiểu đoàn dù do Phô-xây Phô-răng-xoa (Foxey Francois) chỉ huy nằm ở sân bay Gia Lâm, sẵn sàng đổ bộ tiếp xuống nơi phát hiện có cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Thực dân Pháp đã huy động hơn hai vạn quân tinh nhuệ gồm quân nhảy dù, bộ binh, pháo binh, công binh, thủy quân, không quân vào trận đánh quyết định này.
Đây là một cuộc tiến công chiến lược với tham vọng lớn nhằm chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, tiêu diệt quân chủ lực ta, đánh bại chính phủ Hồ Chí Minh, lập chính phủ bù nhìn để thống trị nước ta.
Chủ trương của ta trong Thu Đông 1947
Từ đầu mùa thu 1947, việc chuẩn bị đối phó với một cuộc tiến công lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đã được xúc tiến.
Ngày 15-9-1947, Hội nghị quân sự lần thứ tư và sau đó mười ngày, Hội nghị quân sự lần thứ 5 được triệu tập liên tiếp để nhận định âm mưu địch, phán đoán hướng tiến công của chúng và đề ra chủ trương, kế hoạch đối phó của ta.
Sau khi cuộc tiến công của địch bắt đầu với cuộc nhảy dù xuống Bắc Kạn (7-10-1947) và các cánh quân lớn của địch xuất hiện trên đường số 4 và trên sông Lô, ngày 14-10-1947, Thường vụ Trung ương Đảng họp, có Bác Hồ dự. Sau khi nghe báo cáo về âm mưu của địch và kiến nghị của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Trường Chinh trình bày dự thảo chỉ thị của Thường vụ: “Phải phá cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”.
Ngày 15-10-1947, chỉ thị được công bố. Bản chỉ thị chỉ rõ: “Địch yếu phải mạo hiểm”… “Cuộc tấn công này chỉ ào ạt lúc đầu”… (1).
Nhiệm vụ của quân và dân Việt Bắc và cả nước là “làm cho địch thiệt hại nặng để không gượng lại được sau chiến dịch mùa đông này”… “bắt địch chuyển sang thế thủ” (2).
Cùng ngày 15, Bộ Tổng chỉ huy ra Huấn lệnh ĐB/101 nêu những nguyên tắc mới về tổ chức bộ đội và bố trí lực lượng, về nhiệm vụ của các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung.
Cũng trong ngày 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quân và dân Việt Bắc ra sức đánh bại cuộc hành binh của địch, quân dân cả nước tích cực đánh địch để phối hợp với Việt Nam. Bác Hồ viết: “Địch hội quân ở Bắc Kạn tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến… Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy, thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại”(3).
60 năm sau nhìn lại, ta thấy chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thu Đông 1947 thật là dũng cảm và sáng suốt:
- Thứ nhất: Đánh giá đúng kẻ địch: Theo kinh nghiệm của ông cha ta, khi giặc tới ào ào như nước, như lửa thì không đáng sợ.
Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cuộc tiến công lần này của Pháp chứng tỏ địch không mạnh mà vì yếu nên phải mạo hiểm” (4).
- Thứ hai: Quyết tâm đánh thắng địch: Bác Hồ kêu gọi quân và dân Việt Bắc, quân và dân cả nước ra sức đánh thắng cuộc hành binh của địch. Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Phải phá cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp”.
- Thứ ba: Có phương pháp đánh địch đúng: “Địch chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện đánh địch khắp nơi, buộc chúng phải dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Giữ gìn được chủ lực qua mùa Đông này là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này chúng không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ đổi mới có lợi cho ta” (5).
Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” tổ chức ba mặt trận, cơ quan lãnh đạo ở lại khu căn cứ (6).
- Thứ tư: Trong lời kêu gọi của Bác, có một nhận định rất quan trọng và một lời tiên đoán tài tình: “Chúng mạnh ở hai gọng kìm. Gọng kìm mà gẫy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại”. Lời tiên đoán này sẽ thành sự thực với chiến thắng Sông Lô.
Diễn biến trên các Mặt trận
* Đánh quân nhảy dù ở Bắc Kạn
Ngày 7-10-1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn mở đầu cuộc tiến công lớn của địch. Cuộc nhảy dù nhằm chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Giặc Pháp lầm tưởng Bắc Kạn là thủ đô chính trị mới của ta. Bắt được cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố, chúng lầm tưởng là bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi biết là nhầm chúng đã sát hại cụ Tố một cách dã man. Đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh lúc đó cũng có mặt tại Bắc Kạn, đang làm việc với Tỉnh ủy thì địch ném bom bắn phá phải tạm lánh xuống hầm. Sau đó địch nhảy dù xuống khu vực trú ẩn, chúng đi lại trên nóc hầm mà không phát hiện ra. Đến tối, đồng chí Trường Chinh cùng với cán bộ và đồng bào tìm đường thoát ra ngoài. Kinh nghiệm hoạt động bí mật đã giúp đồng chí Trường Chinh thoát hiểm. Đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cũng có mặt tại Bắc Kạn. Địch nhảy dù trong lúc đồng chí đang nói chuyện với bộ đội và học sinh quân trường Võ bị trên sân vận động thị xã. Học sinh quân và tiểu đoàn tân binh lần đầu gặp quân dù, mặc dù còn bỡ ngỡ lúng túng nhưng đã giết được hàng chục quân nhảy dù xuống cạnh nhà trường. Đơn vị cảnh vệ Bắc Kạn, đại đội độc lập huyện Bạch Thông, dân quân du kích Thanh Mai, Yên Định, Cao Hòa, tự vệ chiến đấu các binh công xưởng C4, C6 từ rừng núi tỏa ra đánh những tên địch nhảy dù bị lạc, bắn trả các toán quân địch lùng sục. Đồng chí Hoàng Văn Thái từ Bắc Kạn trở về đã ghé vào các cơ sở sản xuất quân giới, quân y và đài dự bị Tiếng nói Việt Nam đôn đốc việc di chuyển gấp.
Sáng 9-10-1937, khi quân Pháp nhảy dù xuống Cao Bằng, đại đội trợ chiến của trung đoàn 74 bố trí trên đồi Thiên Văn đã bắn hạ chiếc máy bay Junker-52 chở một số sĩ quan tham mưu của Bộ chỉ huy Pháp đi thị sát chiến trường, trong đó có thiếu tá Lăm Be (Lambert) phó tham mưu trưởng quân đội Pháp miền Bắc Đông Dương. Trong số tài liệu thu được từ trên máy bay, có bản kế hoạch tiến công Việt Bắc kèm theo bản đồ. Ban chỉ huy trung đoàn 74 đã phái chiến sĩ liên lạc Nguyễn Danh Lộc chạy bộ liên tục bốn ngày, ba đêm xuyên rừng từ Cao Bằng về tới Yên Thông (Định Hóa-Thái Nguyên) đưa bản tài liệu vô giá này nộp lên Bộ Tổng tham mưu. Nắm được kế hoạch của địch, Bộ Tổng chỉ huy có thêm cơ sở vững chắc để chỉ huy, điều hành cuộc phản công của ta. Đồng chí Nguyễn Danh Lộc và đại đội trợ chiến trung đoàn 74 được Bộ Tổng chỉ huy khen thưởng, đồng chí xạ thủ 12,7mm Nông Văn Diêu được Bác Hồ tặng thưởng bộ quần áo lụa của Người.
* Mặt trận Sông Lô bẻ gãy gọng kìm phía Tây của cuộc hành binh
Ngày 10 tháng 10 binh đoàn Com-muy-nan gồm 35 tàu chiến địch từ Hà Nội theo Sông Hồng tiến đến Việt Trì, chúng quặt vào Sông Lô. Ta đã có kế hoạch chuẩn bị đánh địch từ trước. Địa hình hiểm trở của Sông Lô rất thuận lợi cho việc đắp kè ngăn sông và phục kích bằng pháo binh. Tuy nhiên, khi binh đoàn Com-muy-nan hùng hổ ngược dòng Lô, pháo binh ta đã nhiều lần pháo kích chặn bước tiến của đoàn tàu địch Phan Dư (11-10), Đoan Hùng (12-10), nhưng chưa đạt được kết quả bắn chìm tàu. Quân Pháp càng chủ quan nghênh ngang ngược dòng Lô. Đến địa đầu Tuyên Quang thì chúng bị trừng trị. Tại Bình Ca, ngày 12-10 tiểu đoàn 42 chủ lực của Bộ dùng ba-dô-ca do quân giới Việt Nam sản xuất bắn chìm một tàu LCVP. Đây là chiến công đầu tiên trên Sông Lô. Tiếp đó tiểu đoàn đánh bại cuộc tiến công đổ bộ của địch lên bến Bình Ca.
Pháo binh khu 10 rút kinh nghiệm các lần bắn trượt đã tìm ra một cách đánh sáng tạo, hiệu quả: “đặt gần, bắn thẳng, ngắm qua nòng”, lập nên những chiến công mới xuất sắc: Khoan Bộ (23-10), Đoan Hùng (24-10). Báo chí và đài phát thanh Pháp gọi đây là “Thảm họa Đoan Hùng”. Pháo binh ta đã bắn chìm hai tàu chiến địch, bắn trọng thương hai tàu khác. Gọng kìm đường thủy của địch bị chặt đứt 10 ngày, địch phải thả dù tiếp tế cho quân của chúng ở Tuyên Quang và Chiêm Hóa.
Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra lệnh đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức địch rút khỏi Chiêm Hóa. Nơi đây dòng sông hẹp, nước sâu chảy xiết. Trung đội sơn pháo vừa chiến thắng ở Đoan Hùng lên bố trí phục kích ở ngã ba sông Gâm-sông Lô, nơi có lau sậy rậm rạp, trận đánh được đặt tên là trận Khe Lau.
Ngày 10-11, với 10 viên đạn, pháo binh ta bắn đắm 4 trong số 5 tàu địch trên đường từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang, diệt hơn 100 tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 2 lựu pháo 105mm.
Ngày 19-11, công an và tự vệ thị xã Tuyên Quang đánh địa lôi diệt trên 100 địch tại ki-lô-mét số 7 đường Hà Tuyên. Địch gọi “Tuyên Quang là một nghĩa địa khổng lồ”. Một tiểu đoàn quân Pháp đang tiến lên về phía Chiêm Hóa buộc phải quay trở lại.
Ngày 21-11, binh đoàn Com-muy-nan phải rút khỏi Tuyên Quang. Cuộc hợp vây của hai gọng kìm tại Đài Thị đã không diễn ra như địch dự kiến. Mặt trận sông Lô đã thực hiện xuất sắc lời kêu gọi của Bác Hồ, bẻ gãy gọng kìm phía tây của cuộc hành binh của địch.
* Mặt trận đường số 4
Đoạn đường số 4 từ Lạng Sơn lên Cao Bằng uốn khúc giữa núi cao rừng rậm, rất thuận lợi cho ta phát huy cách đánh phục kích. Với việc đánh chiếm Cao Bằng và Bắc Kạn, đường số 4 đã trở thành con đường huyết mạch của địch, không phải chỉ trong thời gian chiến dịch mà còn lâu dài suốt quá trình địch còn chiếm đóng vùng biên giới Đông bắc nước ta.
Ngày 30-10, tiểu đoàn 374 đánh một trận thắng rất to, tiêu diệt một đoàn xe 30 chiếc của địch, phá hủy 27 xe, diệt 104 địch, bắt 101 tên, thu toàn bộ vũ khí, 600 chiếc dù và nhiều quân trang quân dụng. Đó là trận Bông Lau.
Các đại đội độc lập, dân quân du kích Cao Bằng, Lạng Sơn, các tiểu đoàn tập trung của hai tỉnh và của Bộ Tổng chỉ huy còn tiếp tục bám đánh địch làm cho con đường số 4 trở thành con đường máu của giặc Pháp kể từ ngày chúng lên Cao Bằng cho tới ngày ta giải phóng Biên Giới (1950).
* Mặt trận đường số 3
Ngày 15-10, hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ có một khẩu pháo phối hợp tiến công vào 200 quân địch đóng tại Chợ Mới. Ngày 21-10, một tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ Đô tiến công một đại đội địch đóng tại Chợ Đồn. Trên đường Phủ Thông-Bắc Kạn, Chợ Mới-Bắc Kạn, địch liên tiếp bị phục kích tới 17 trận. Các trận đánh địa lôi trên đèo Gió, đèo Giàng đã cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn, địch phải dùng máy bay thả dù tiếp tế cho Bắc Kạn. Quân địch ở Bắc Kạn không dám lùng sục ra ngoài thị xã cho đến ngày chúng buộc phải rút lui khỏi Bắc Kạn.
Các chiến trường toàn quốc chiến đấu phối hợp với Việt Bắc.
Tiếng súng đánh địch ở Việt Bắc vang dội cả nước. Ở Hà Nội, Sài Gòn, những tên Việt gian Trương Đình Tri, Nguyễn Văn Sâm lăm le ra lập chính phủ bù nhìn bị giết ngay giữa thành phố. Cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội đã bắt giữ gần 300 tên tề gian ác.
Khu 5, Khu 6 đánh địch khá mạnh. Những trận tập kích ở Ninh Hòa, Trại Dâu, Cam Ranh gây cho địch nhiều tổn thất. Chiến sĩ Ngô Mây dùng bom diệt gọn một trung đội địch trên đường 19 và anh dũng hy sinh.
Ở Nam Bộ, quân và dân các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Lộc Ninh tập kích một số đồn bốt, kho tàng của địch, đánh chìm tàu chiến địch ở Gành Hào. Các nhân sĩ yêu nước ở Sài Gòn tuyên bố ủng hộ kháng chiến.
Thực dân Pháp đứng trước một tình hình bế tắc. Việt Bắc đánh không xong; đồng bằng Bắc bộ chưa chiếm được; Trung Trung Bộ, Nam Bộ, chiến tranh du kích nổi mạnh.
Từ cuối tháng 11-1947, địch phải rút quân khỏi Việt Bắc. Kế hoạch Clô Clô đã không diễn ra. Từ Bắc Kạn, Thái Nguyên sang Tuyên Quang, xuống đến Bắc Giang, Bắc Ninh, diễn ra một quang cảnh thật hùng tráng: toàn dân đuổi giặc. Có những chị phụ nữ, những ông già tay không vũ khí hăm hở dẫn đường cho bộ đội vượt rừng tắt núi truy kích địch, thiếu niên làm giao thông liên lạc, nhân dân Khu Giải phóng Việt Bắc sống lại những ngày sôi nổi của Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 19-12-1947, giữa chiến trường Việt Bắc còn vang dội tiếng súng truy kích địch, Bác Hồ tổng kết một năm kháng chiến toàn quốc. Người nói: “Lực lượng của chúng như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ”. “Lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh như suối mới chảy, như lửa mới nhen, chỉ có tiến không có thoái”(7).
Ngày 22-12-1947, tại thị xã Tuyên Quang, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đọc Nhật lệnh trong Lễ mừng chiến thắng.
Cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp lên Việt Bắc-Thu Đông 1947 thất bại. Chiến lược“Tốc chiến, tốc quyết” của thực dân Pháp bị phá sản.
Chiến thắng Việt Bắc 1947 đã đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta sang một giai đoạn mới.
Trung tướng HỒNG CƯ
——————
1); 2): Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp” (15-10-1947).
3): Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chiến đấu trong vòng vây NXBQĐND, 1945, tr 179
4): Đại tướng Võ Nguyên Giáp. sđd tr 177
5): Đại tướng Võ Nguyên Giáp. sđd tr 178
6): Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sđd tr 177
7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét