Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Khe Lau với chiến công đánh tàu chiến địch

Khe Lau với chiến công đánh tàu chiến địch



Khe Lau là địa danh của một ngã ba sông, nơi sông Gâm hợp lưu với sông Lô. Nơi này, dòng sông Lô hẹp, nước chảy xiết được bộ đội ta chọn làm trận địa phục kích của pháo binh để đón đánh tàu địch từ Chiêm Hóa, Đầm Hồng, Bản Ty rút về Tuyên Quang (phải đi qua Khe Lau). Trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, Đoan Hùng và Khe Lau là hai địa danh nổi tiếng đánh chìm tàu giặc của bộ đội pháo binh anh hùng.
Sau khi đánh trận Đoan Hùng, Trung đội 200 pháo binh được lệnh giấu pháo cũ, băng rừng đến Minh Cầm, một bản người Cao Lan cách Đoan Hùng 5km. Tại đây, đơn vị được nhận khẩu pháo mới: sơn pháo 75 ly của Nhật, mới được quân và dân ta chuyển từ Hà Đông lên. Loại pháo này này nhẹ, nặng chỉ trên 500kg, nhưng khi di chuyển cũng phải tháo rời ra làm 7 bộ phận để ngựa thồ hay bộ đội ta khênh vác. Chỉ sau 10 ngày huấn luyện cấp tốc, Trung đội được lệnh hành quân gấp lên Khe Lau xây dựng trận địa đánh địch.
Ngày 10-11-1947, khoảng 16 giờ, một đoàn gồm 5 tàu chiến và ca nô của binh đoàn Com-muy-nan (Pháp) từ Đầm Hồng, Bản Ty rút về Tuyên Quang qua Khe Lau. Để địch vào đúng tầm ngắm, pháo ta được lệnh bắn. Do chuẩn bị chu đáo, cự ly gần, lại rút được kinh nghiệm đánh địch ở trận Đoan Hùng, Trung đội 200 đã đánh thắng giòn giã, đánh trúng tàu địch ngay từ loạt đạn đầu. Sau đó, bắn tiếp, không một phát đạn nào chệch khỏi mục tiêu. Gần 150 tên địch bị diệt, hai tàu bọc thép, một ca-nô địch bị đánh đắm bởi những quả đạn sơn pháo 75 ly đã nã đúng thân tàu. Khi nhận được tin điện cấp báo của đoàn tàu đang bị đánh ở Khe Lau xin cứu viện, tên quan năm Com-muy-nan chỉ còn biết hét vào máy bộ đàm: “Tất cả rút về Tuyên Quang càng nhanh càng tốt!”. Hai chiếc tàu còn lại của địch tuy bị thương, nhưng lợi dụng trời gần tối đã cố ì ạch vượt qua trận địa chạy thoát. Đúng 17 ngày sau thảm họa Đoan Hùng, bọn chỉ huy Pháp đã phải thừa nhận, lại một đoàn tàu của chúng bị pháo binh ta tiêu diệt ở Khe Lau. Chiến công của bộ đội pháo binh ở Khoan Bộ, Đoan Hùng, Bình Ca, Khe Lau đã gợi cảm hứng cho Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bản “Trường ca sông Lô” nổi tiếng, ca ngợi chiến công đánh giặc của quân và dân ta nói chung, bộ đội pháo binh nói riêng bên dòng sông Lô oai hùng.
Thu Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét