Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, phần 2


1. Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại

Bài viết kỷ niệm Đại hội XI của Đảng
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), báo Tin Tức giới thiệu bài viết "Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại" của Giáo sư Song Thành, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Việt Nam, vào đầu thế kỷ XX, đã có một lớp thanh niên ưu tú rời nước ra đi, không phải vì mưu sinh mà vì khát vọng giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và phẩm giá cho đồng bào. Họ nô nức Đông du theo lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Phan Bội Châu. Duy có một người thanh niên mảnh khảnh dám một mình tìm đường sang phương Tây. Đó là Nguyễn Tất Thành. Thành tựu chung cuộc đã làm cho việc ra đi đó trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước phát triển mới cho Cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Chỉ có thể đánh giá hết ý nghĩa, giá trị và bài học của sự kiện này khi đặt nó vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc của phong trào cứu nước hồi đầu thế kỷ trước. 

I. BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX 

1. Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa vũ trang cuối thế kỷ XIX, tư tưởng của các sĩ phu yêu nước đã có sự chuyển biến. Họ cố thoát ra khỏi ý thức hệ phong kiến, đi tìm một con đường mới trong ý thức hệ tư sản Âu-Mỹ qua các tân thư được truyền vào từ Trung Hoa. Song những cố gắng ấy cũng đều lần lượt bị thất bại. Cuộc vận động chống sưu thuế bị đàn áp, Trần Quý Cáp bị xử tử, Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo. Vụ Hà Thành đầu độc thất bại, các nghĩa sĩ bị chặt đầu; Trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa; căn cứ nghĩa quân Yên Thế bị bao vây, đánh phá; phong trào Đông du bị tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật,… Những nỗ lực cuối cùng của các sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ hầu như đều đã thất bại. 

Phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ. 

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước; được kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương và gia đình, khi còn là một thiếu niên 15 tuổi, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc. 

Nhưng bằng con đường nào? Liên minh với ai, dựa vào ai để chiến đấu? Cuộc tranh luận không phải về mục tiêu mà về con đường: Dựa vào Pháp để cải cách như Phan Châu Trinh hay dựa vào Nhật để cứu nước như Phan Bội Châu? Mặc dù uy tín của hai chí sĩ họ Phan đều rất lớn, nhưng anh không đứng về phe nào. Trước khi đi đến quyết định, theo tinh thần “cách vật, trí tri”, anh cần tìm hiểu đến tận cùng thực chất của thời cuộc. Sau này, trong một lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau: Ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[1]. Điều đó cho thấy, Nguyễn Tất Thành đã sớm có ý thức khám phá thời đại để tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. 

2. Bước sang thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc đã trở thành một hệ thống thế giới, mỗi thuộc địa là một mắt khâu của hệ thống đế quốc, do đó cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không thể chỉ là hành động riêng rẽ của một quốc gia này chống lại sự xâm lược và thống trị của một quốc gia khác như trước kia, mà đã trở thành một bộ phận của cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Trong điều kiện lịch sử mới, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi, phải trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, như Lênin đã nói. Đây chính là đặc điểm mới của thời đại mà các sĩ phu trong nước thời đó chưa có điều kiện để nhận ra. 

Với nhạy cảm chính trị của một trí tuệ hiếm có, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được dự cảm nhất định về sự chuyển biến của thời đại. Kẻ xâm lược mới đến từ phương Tây, mang theo sức mạnh của văn minh phương Tây. Muốn thắng được họ, phải đi tìm một con đường khác. Đó là con đường nào? Ở tuổi 20, người thanh niên ấy chưa thể trả lời ngay được, nhưng sự lựa chọn đầu tiên đã tỏ ra vô cùng sáng suốt: Ngược với làn sóng Đông du, anh một mình đi sang phương Tây, nơi sớm nổ ra các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi các trào lưu tư tưởng tự do dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ. Phải ra đi xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào. Khát vọng đó của anh đã nảy nở từ rất sớm và lớn dần lên theo năm tháng. 

Ngày 2/6/1911, Nguyễn Tất Thành ra bến Nhà Rồng liên hệ xin việc. Ngày 3/6/1911, anh được giới thiệu và nhận vào làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin. Ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, anh theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. 

II. QUÁ TRÌNH TÌM TÒI VÀ HÌNH THÀNH CƠ BẢN CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM 

1. Tiến hành cuộc khảo sát rộng lớn thế giới tư bản 

Nguyễn Tất Thành nhận làm bồi tàu, thủy thủ để có điều kiện được đi. Từ cảng Nhà Rồng, anh đã đi qua Xinhgapo, Côlômbô, vượt Hồng hải, qua Suez đến cảng Saïd, Marseille, Le Havre. Từ Pháp, anh trở lại Sài Gòn, rồi đi vòng quanh châu Phi, qua các nước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Angiêri, Tuynidi, trở lại các cửa biển Đông Phi, vòng qua Cônggô, Dahomey, Ghinê, Xênêgan, vượt Đại Tây Dương tới Hoa Kỳ, vòng xuống Nam Mỹ, tới Áchentina,… Sau đó, trở lại Anh, về Pháp, qua Đức, tới Liên Xô, về Trung Quốc, sang Thái Lan…, tất cả hơn 30 nước. 

Có thể nói, vào đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh là một trong số rất ít các nhà cách mạng đương thời có điều kiện đi nhiều, có một vốn hiểu biết khá tường tận về chủ nghĩa đế quốc và hệ thống thuộc địa của chúng. Bản thân là người dân thuộc điạ, ra nước ngoài hòa mình vào cuộc sống lao động và đấu tranh của vô sản ở chính quốc, có gần 10 năm bôn ba, khảo sát các thuộc địa của đế quốc Anh, Pháp, Đức - từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ la tinh, nên có hiểu biết về bản chất chung và màu sắc riêng của mỗi nước đế quốc cũng như trình độ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội khác nhau giữa các nước thuộc địa. Nhờ vốn hiểu biết thực tế đó, cùng với một năng lực tư duy độc lập, tự chủ, đã giúp Người không rơi vào các khuynh hướng cơ hội nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận một cách giáo điều những công thức lý luận không phù hợp với thực tế các nước thuộc địa, nhất là ở phương Đông. 
2.Bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin 

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp vào lúc cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vừa bùng nổ thắng lợi, mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử loài người. Nhân Hội nghị Hòa bình Versailles, cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, dưới tên ký Nguyễn Ái Quốc, anh thử nghiệm sử dụng pháp lý tư sản và hình thức đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đưa ra bản Yêu sách tám điểm, đòi quyền bình đẳng về pháp lý và các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Bản Yêu sách không được các đế quốc thắng trận để mắt tới, anh rút ra kết luận: Chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ W. Wilson chỉ là một trò bịp lớn, “muốn giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình” [2]. 

Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng duy nhất ở Pháp tỏ ý quan tâm đến số phận các dân tộc thuộc địa. Tuy nhiên, anh đã thất vọng, vì họ nói rất hay, “thông qua những nghị quyết rất kêu, để sau đại hội đưa vào viện bảo tàng” [3]. 

Giữa lúc đó, ai đã chìa bàn tay thân ái đối với anh, với các dân tộc thuộc địa? - Chính phái tả của cách mạng Pháp, Quốc tế 3, Lênin và Cách mạng Nga! “Họ đã không vừa lòng với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những nghị quyết “nhân đạo”… “Mặc dù đang vấp phải những khó khăn trong nước và ngoài nước, nước Nga cách mạng không hề một chút do dự trong việc giúp đỡ các dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng cuộc cách mạng anh dũng và thắng lợi” [4]. 

Chính nhờ thắng lợi của cách mạng Nga, rồi đọc Luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức. Đêm kết thúc Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (30/12/1920), Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế 3, đánh dấu bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời mở ra bước chuyển cho bao thế hệ người Việt Nam: Từ người yêu nước thành người cộng sản. 

3.Vừa hoạt động thực tiễn, vừa nghiên cứu lý luận, góp phần bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác 

- Nguyễn Ái Quốc khởi đầu hoạt động đấu tranh cách mạng của mình bằng việc tố cáo những tội ác man rợ của bọn thực dân ở thuộc địa, nhằm làm cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới biết được sự thật về cái gọi là “chính sách khai hóa” của bọn thực dân, gây men căm giận, phẫn nộ, từ đó kêu gọi “nô lệ thức tỉnh”: “Mọi chế độ thực dân đế quốc đều tiêu diệt hết các nòi giống bản xứ, muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc” [5]. Sử dụng hình ảnh “chủ nghĩa tư bản là con đỉa 2 vòi”, nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả 2 cái vòi của nó đi, Nguyễn Ái Quốc nêu lên sự cần thiết phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, hai cuộc cách mạng đó phải phối hợp nhịp nhàng với nhau như hai cánh của một con chim. 

Trong cuộc đấu tranh giải phóng đó, sự ủng hộ của quốc tế là rất quan trọng, song nhân tố quyết định vẫn là sự nỗ lực của bản thân nhân dân các dân tộc thuộc địa. Người viết: “Vận dụng công thức của C. Mác, tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em, chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” [6]. 

Những bài báo đó của Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở ban đầu cho việc hình thành lý luận về con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản. 

- Sau khi đến Liên Xô, tham gia một khóa học lý luận ngắn hạn, rồi được mời tham dự nhiều đại hội và hội nghị quốc tế lớn, Nguyễn Ái Quốc có cơ hội vừa lắng nghe, học tập, vừa vận dụng vốn lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của mình, tham gia vào cuộc tranh luận, đưa ra những ý kiến sắc sảo, những luận điểm riêng, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của Lênin về cách mạng ở thuộc địa. 

Thời kỳ sau khi Lênin qua đời, về mặt lý luận, phong trào cộng sản quốc tế có xu hướng bị “xơ cứng hóa”, còn tỏ ra chịu ảnh hưởng nhiều của thuyết “dĩ Âu vi trung”(Européo-centrisme=lấy châu Âu làm trung tâm), thường chỉ nhấn mạnh vai trò quyết định của cách mạng vô sản ở chính quốc mà coi nhẹ hoặc đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở địa vị phụ thuộc. 

Sớm nhận ra tình hình này, tại các diễn đàn quốc tế đó, bằng những lời lẽ tâm huyết và lập luận thuyết phục, Nguyễn Ái Quốc đã “thức tỉnh” các đồng chí cộng sản châu Âu về tầm quan trọng của cách mạng thuộc địa, rằng “vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…” , rằng “nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc,… Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, lại khinh thường thuộc địa… trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí?” [7]. 

Từ luận điểm đó, Nguyễn Ái Quốc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Người yêu cầu giai cấp vô sản ở chính quốc và đảng tiên phong của nó “không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức” [8]; “cần nêu một tấm gương về những điều họ có thể và phải làm cho những anh em của họ đang bị áp bức” [9], chỉ có sự hợp tác đó mới có thể đảm bảo cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng. 

Trước khi rời Mátxcơva đi về phương Đông, Nguyễn Ái Quốc thấy cần thiết phải chính thức phát biểu quan điểm của mình (báo cáo bằng văn bản) với BCH quốc tế cộng sản. Người nhấn mạnh sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước. Người đặt vấn đề: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? - Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” [10]. Đây không phải Nguyễn Ái Quốc phản biện Mác mà chỉ thể hiện sự phản ứng với khuynh hướng “lấy châu Âu làm trung tâm” vào lúc đó, vẫn coi châu Âu là mẫu mực, là điển hình cho sự phát triển của nhân loại, cho rằng khi nào cách mạng vô sản ở châu Âu thắng lợi thì các dân tộc thuộc địa đương nhiên sẽ được giải phóng,… (trong khi Nguyễn Ái Quốc, do đánh giá cao chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của nhân dân thuộc địa, lại cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và bằng thắng lợi của mình mà góp phần “giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”) [11]. 

Xuất phát từ tư duy biện chứng và yêu cầu phải vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội các nước phương Đông và Việt Nam, trong báo cáo gửi quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đề xuất 3 luận điểm lớn: 

+ “Cuộc đấu tranh giai cấp ở đó (tức Việt Nam) không diễn ra giống như ở phương Tây”, do ở đó sự phân hóa giai cấp chưa triệt để và sâu sắc; sự đối lập về tài sản và mức sống giữa các giai cấp chưa thật lớn, do đó, “sự xung đột về quyền lợi giữa họ được giảm thiểu”; hơn nữa các dân tộc Viễn Đông không trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ, nên cuộc đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây (tức phương Tây). 

+ “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” - hơn nữa còn là động lực vĩ đại và duy nhất của họ, vì ở các thuộc địa đang đấu tranh giành độc lập thì mâu thuẫn dân tộc và đế quốc là mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu nhất, mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ dân tộc vẫn tồn tại, nhưng được giảm thiểu, vì dù là tư sản hay địa chủ (hạng vừa và nhỏ) cũng đều là người nô lệ mất nước. 

+ Từ đó, Người mạnh dạn kiến nghị: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ các Xô viết phải đảm nhiệm” [12]. 

Những quan điểm trên đã thể hiện một năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc về lý luận, dựa trên quan điểm thực tiễn, quan điểm biện chứng vốn là linh hồn của chủ nghĩa Mác. Tiếc rằng 3 luận điểm đó được đưa ra vào thời điểm sau khi Lênin đã mất, quan điểm “giai cấp chống giai cấp” đang thắng thế, “chủ nghĩa dân tộc” bị coi là rơi vào phạm trù tư tưởng tư sản, nên không được quốc tế cộng sản chấp nhận. Tuy vậy, các quan điểm đó vẫn được Nguyễn Ái Quốc kiên trì vận dụng để chỉ đạo cách mạng Việt Nam, vì nó đúng với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam.


------------------------------
[2] Hồ Chí Minh TT, 1995, t.1, tr.281 
[3] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr.281 
[4] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr.298 
[5] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr. 340 
[6] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr.128 
[7] Hồ Chí Minh TT, t. 1.tr. 273-275 
[8] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr. 114 
[9] Hồ Chí Minh, sđd, t. 1,tr.302 
[10] Hồ Chí Minh, sđd, t.1,tr. 466 
[11] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr. 36 
[12] Xem Hồ Chí Minh TT, t.1, tr. 466 - 467
4. Từ Đường Kách mệnh đến Chính cương, Sách lược vắn tắt đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam 

- Tác phẩm Đường Kách mệnh là sự phát triển các quan điểm lý luận đã được Nguyễn Ái Quốc sơ bộ nêu lên trước đó, nay được trình bày tương đối có hệ thống về con đường cách mạng Việt Nam. 

+ Đường Kách mệnh khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng Nga, tức là phải đặt nó trong quỹ đạo cách mạng vô sản. 

+ Đường Kách mệnh xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn: Dân tộc cách mệnh và thế giới cách mệnh, hai giai đoạn này có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi giai đoạn có mục tiêu và phương pháp vận động cách mạng khác nhau. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đề cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trên nền tảng “công nông là người chủ cách mệnh”, “là gốc cách mệnh”, “còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ,… ba hạng ấy chỉ là bầu bạn của công nông thôi”. 

+ Đường Kách mệnh sớm chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết quốc tế, vấn đề phương pháp cách mạng như phương pháp tuyên truyền, giảng giải về lý luận, về chủ nghĩa, về giác ngộ và cách tổ chức - vận động quần chúng ra đấu tranh,… 

+ Đường kách mệnh nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công. Đảng muốn vững, phải có chủ nghĩa làm cốt… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. 

+ Đường Kách mệnh chỉ rõ sức mạnh của đảng cách mạng là ở lý luận, ở tổ chức, đồng thời còn ở phẩm chất chính trị và đạo đức của mỗi đảng viên. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu vấn đề đạo đức cách mạng, nhắc nhở phải “ít lòng tham muốn về vật chất, phải xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc,…” vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ, hận thù, chỉ điểm, phản bội, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng. 

Những nội dung trên cho thấy Đường Kách mệnh đã đặt cơ sở cho sự hình thành đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản; nó đánh dấu sự chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 20 của thế kỷ XX. 

- Chính cương, Sách lược vắn tắt và các văn kiện của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc thảo ra, đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam. 

+ Về tiến trình của cách mạng Việt Nam, Chính cương nêu rõ “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, nghĩa là tiến trình đó gồm 2 giai đoạn cách mạng như Lênin đã nói; vì thổ địa cách mạng cũng chỉ là một trong 2 nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn tư sản dân quyền cách mạng. Còn để “đi tới xã hội cộng sản”, đó là nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng sau (giai đoạn thế giới cách mạng, tức cách mạng vô sản). 
Xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: đế quốc và phong kiến là 2 đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng không coi 2 nhiệm vụ đó phải thực hiện ngang nhau, song song, đồng thời, mà đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, cần tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhưng phải phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc. Đó là chỗ khác với quan điểm của Staline và quốc tế cộng sản. 

+ Về đường lối tập hợp quần chúng: Sách lược vắn tắt đề ra chủ trương mềm dẻo, nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp dân chúng, lôi kéo họ đi về phe vô sản giai cấp, còn đối với bọn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến,…) thì phải đánh đổ. 

Sách lược vắn tắt của Đảng cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, cùng với Chính cương vắn tắt trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, nguồn gốc tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Lênin được Người đề ra trong Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa. 

Tuy nhiên, ở thời kỳ sau Lênin, nhất là sau Đại hội VI quốc tế cộng sản (1928), khi mà cuộc tổng khủng hoảng của CNTB đang đến gần, quốc tế cộng sản cho rằng thời kỳ bùng nổ và thắng lợi của cách mạng vô sản châu Âu đã tới, càng nhấn mạnh hơn khẩu hiệu “giai cấp chống giai cấp”, coi cách mạng giải phóng của các dân tộc phương Đông chỉ nằm ở vòng ngoài, hỗ trợ cho thắng lợi của cách mạng vô sản; lúc này mặt trận Quốc-Cộng hợp tác ở Trung Quốc cũng đã thất bại và tan vỡ,… nên Chính cương, Sách lược của Nguyễn Ái Quốc bị phê là “sặc mùi hợp tác giai cấp”. Chỉ sau những thất bại liên tiếp của cách mạng vô sản ở châu Âu cuối những năm 20 đầu 30, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và sự bùng nổ chiến tranh thế giới mới, Đại hội VII cách mạng vô sản (7/1935) mới thay đổi đường lối, mới trở lại với tư tưởng của Lênin về chính sách mặt trận, khi đó tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mới được thừa nhận và triển khai trong thực tế. 

III. Trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng tháng Tám thắng lợi mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Đến với cánh tả của cách mạng Pháp rồi với Lênin và Cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Người nóng lòng trở về Tổ quốc, “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”. Sau nhiều năm dày công chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, đào tạo và huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, để chủ động đón thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, ngày 28/1/1941, Người đã vượt qua biên giới Việt - Trung, đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc thân yêu sau mấy chục năm xa cách. 

Ba mươi năm trước, khi Người bước chân ra đi, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn còn mù mịt, chưa thấy đường ra. Ba mươi năm sau, Người trở về với Chính cương, Sách lược sáng trong lòng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), cùng với Trung ương Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Hội nghị nhận định: Cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền… (mà) là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian, đề thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công,… Làm như vậy, như Hội nghị phân tích, không phải là bỏ mất nhiệm vụ điền địa, mà nhằm ngay nhiệm vụ bức thiết trước mắt là giải phóng dân tộc, vì “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” [13]. 

Thi hành chính sách “dân tộc tự quyết”, Hội nghị cũng rút khẩu hiệu thành lập liên bang Đông Dương. Về vấn đề chính quyền, Hội nghị chỉ rõ: “Sau khi đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới… Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp của chung cả toàn thể dân tộc… ai là người dân sống trên giải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền” [14] . 

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã lôi cuốn hàng chục triệu nông dân, dù chưa được chia lại ruộng đất của địa chủ, vẫn hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vươn lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới. 

Công lao đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã xông pha trên con đường vạn dặm để tìm ra cái “cẩm nang thần kỳ”, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thắng lợi vẻ vang, lập nên nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở châu Á. Bài học khảo sát tận cùng thời đại với một tư duy dộc lập, tự chủ, sáng tạo nhằm tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh từ 100 năm trước đây vẫn đang là tấm gương sáng mà chúng ta phải thấm nhuần, quán triệt, để tìm ra con đường phát triển phù hợp cho Việt Nam ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay. 
-------------------------------
[13] Văn kiện Đảng TT, t. 7 1940 -1945, tr.113. 
[14] Văn kiện Đảng TT, t.7 tr.114

2. Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam

Với quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”, ngày 5/6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, người con xứ Nghệ, mới 21 tuổi đã quyết định rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Latútsơ Tơrevin, từ Cảng Nhà Rồng, TP.Sài Gòn (nay là TP.Hồ Chí Minh).
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp tháng 12/1920.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Trước tình cảnh ấy, nhân dân ta đã phát huy truyền thống yêu nước từ bao đời để lại đứng dậy tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai giành độc lập, tự do cho nhân dân nhưng đều thất bại. Nhiều chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã xuất dương tìm đường cứu nước nhưng vẫn không tìm ra được một con đường mang lại hiệu quả đích thực.
Trước thực tế ấy, ngày 5/6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành, người con xứ Nghệ, mới 21 tuổi đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành đã bước vào con đường lao động đầy vất vả với bao công việc khó khăn, nặng nhọc để kiếm sống và học tập, để thâm nhập vào phong trào công nhân và lao động các nước, từ tàu buôn Pháp, qua tàu buôn Mỹ, cạo tuyết thuê cho một trường học rồi phục vụ trong một khách sạn ở Anh.
Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Pháp, Anh đã phát hiện ra rằng: Ở đây có nhiều người Pháp nghèo khổ. Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi “khai hóa chúng ta”?.
Còn trên đất Mỹ, khi tranh thủ đến thăm tượng thần Tự do Anh đã ghi cảm tưởng: “Ánh sáng trên đầu thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thần Tự do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người đấu tranh da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”.
Năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp. Bắt đầu từ đây, Anh có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà văn hóa, trí thức, tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi.
Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, Anh trả lời: “Vì đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.
Ngày 18/6/1919, thay mặt “Hội Những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, Nguyễn Tất Thành gửi đến Hội nghị Vécxây bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp thừa nhận quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Dưới bản yêu sách, Nguyễn Tất Thành ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên “Nguyễn Ái Quốc” xuất hiện.
Năm 1920, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc được đọc bản sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào.
Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Từ ngày 25 -  30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội tại TP.Tua (Pháp) với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương.
Tại Đại hội này, cùng những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia quốc tế III – Quốc tế cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời sống cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta.
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước yêu cầu mới của tình hình và được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Khi bước tới cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Người đứng lặng hồi lâu, xúc động.
Ngày 8/2/1941, Nguyễn Ái Quốc ở hang Cốc Bó (thuộc địa phận làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), với bí danh Già Thu. Từ đây, Người trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Từ kinh nghiệm đúc rút được qua 30 năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài, nên khi về nước trực tiếp chỉ đạo Cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cũng đã mang theo những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho Cách mạng Việt Nam.
Là chiến sĩ cách mạng có kinh nghiệm hoạt động quốc tế lâu năm, luôn luôn theo dõi sát những diễn biến của tình hình, Nguyễn Ái Quốc có những nhận định quan trọng về tình hình thế giới cũng như đề ra những quyết sách cho Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ II đang lan rộng: “Cuộc chiến tranh này gây ra nhiều tai họa cho nhân loại nhưng nó sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN, do đó mà cách mạng nhiều nước sẽ thành công”. Đây là nhận định của Nguyễn Ái Quốc khi các kẻ thù của dân tộc lao vào cuộc chiến tranh sẽ tạo những cơ hội quý báu cho công cuộc giải phóng của nhân dân Việt Nam.
Người cũng truyền đạt và bồi dưỡng những nhận thức về tình hình quốc tế cho nhiều cán bộ trong các lớp bồi dưỡng chính trị cấp tốc, truyền cho họ sự tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, thắng lợi của cách mạng các nước thuộc địa và cách mạng thế giới nói chung.
Nguyễn Ái Quốc đã đặt Cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh toàn nhân loại chống chủ nghĩa phát xít. Nguyễn Ái Quốc tìm cách đặt mối liên hệ với đồng minh cho Cách mạng Việt Nam, để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại.
Người cũng là đầu mối trực tiếp trong nhiều mối quan hệ với các nước đồng minh, để Cách mạng Việt Nam có cơ hội nhận được những sự giúp đỡ trực tiếp bằng vật chất cho cuộc kháng Nhật cứu nước, nhưng điều quan trọng hơn là tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.
Hồ Chí Minh đã thiết lập được những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh… Các đội du kích cách mạng ở Cao Bằng cũng đã nhận được những sự hỗ trợ về vũ khí, về phương tiện thông tin liên lạc và sự huấn luyện của một số chuyên gia quân sự đồng minh.
Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn chú ý đến việc mở rộng cánh cửa để Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới, để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ vì hòa bình và những giá trị nhân đạo.
*  *  *
Nhiều nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh đã thống nhất trong nhận định rằng: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ luôn xuất hiện đúng lúc tại những thời điểm lịch sử mang tính bước ngoặt. Sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 và trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào mùa xuân năm 1941, sau những năm dài tìm đường cứu nước, cũng là một sự kiện như vậy.
3. Nguyễn Tất Thành và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Tạp chí Xây dựng Đảng
Nguyễn Tất Thành, trước hết, chịu ảnh hưởng từ người cha - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nguyễn Sinh Cung (tên Nguyễn Tất Thành hồi nhỏ) là người được cha yêu thương và đặt nhiều hy vọng nhất. Trong 5 năm từ chối không ra làm quan, Nguyễn Sinh Sắc thường đến những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp, kết giao với những người yêu nước, có chí cứu nước, đặc biệt là lớp sĩ phu có tư tưởng “bài” phong kiến, chống Pháp như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân… Đi đâu, ông cũng thường cho Nguyễn Sinh Cung đi theo. Chính nhờ vậy mà mọi việc làm, lời nói, cử chỉ hằng ngày của ông đều tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Sinh Cung. Khi có khách đến chơi, Nguyễn Sinh Cung thường được cha cho đứng bên cạnh giúp cha tiếp khách. Nguyễn Sinh Cung nghe được những câu chuyện về thời cuộc và những chủ trương cứu nước của các cụ. Lòng yêu nước của Nguyễn Sinh Cung được nhen nhóm từ đây, đồng thời góp phần giúp cho Nguyễn Sinh Cung thêm nhiều suy nghĩ về con đường mình sẽ lựa chọn.   

Nguyễn Sinh Sắc còn là người có tư tưởng tiến bộ, chán ghét chốn quan trường. Năm 1905, cụ cho hai người con trai của mình là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung xuống TP.Vinh học ở Trường Tiểu học do Pháp mở. Quyết định này được cho là khác người của cụ, bởi vào trường này phải học chữ Pháp, trong khi cụ theo đuổi nền giáo dục truyền thống Nho học. Trải qua tuổi ấu thơ ở quê, Nguyễn Sinh Cung có khoảng 10 năm sống ở Huế - Kinh đô của chế độ phong kiến Việt Nam. Đây có thể coi là quê hương thứ hai của Người, mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc ý chí cứu nước của Nguyễn Sinh Cung. Đặc biệt, tháng 4-1908, Người đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung. Có thể nói, tất cả những điều mắt thấy, tai nghe ở trên đã tác động rất sâu sắc đến sự hình thành chí hướng cứu nước, đặc biệt là việc Người phủ định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến.  


Nguyễn Tất Thành một mặt bị hấp dẫn bởi những giá trị của tư tưởng dân chủ tư sản, đồng thời cũng rút ra được những kinh nghiệm thất bại của các phong trào yêu nước theo ý thức hệ tư sản. Trong một lần  trò chuyện với nhà báo, nhà thơ Nga Ô-xíp Man-đen-xtam năm 1923, Người nói rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe 3 chữ Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái… Thế là tôi rất muốn làm quen với với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy... Tôi tìm cách ra đi nước ngoài”(1). Như vậy, việc Nguyễn Tất Thành sang phương Tây năm 1911 một phần cũng bởi sức hấp dẫn của những giá trị dân chủ tư sản được kết tinh trong khẩu hiệu Tự do - Bình đẳng - Bác ái của đại cách mạng Pháp.   


Có thể nói, đến cuối thế kỷ XIX, trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản qua các tân thư, tân văn Trung Quốc dội vào Việt Nam; cùng với các học thuyết về nhân đạo, dân quyền thông qua sách báo Pháp cũng được truyền bá vào Việt Nam. Bên cạnh đó, gương tự cường của Nhật Bản, đặc biệt là chiến thắng của Nhật đối với Nga trong chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905) đã ảnh hưởng đến phong trào cách mạng và tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đối với Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành, càng tiếp thu những tư tưởng tiến bộ Tây Âu, Người càng khao khát muốn tìm hiểu sự thật của 3 từ Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Ngoài ra, Nguyễn Tất Thành còn biết đến tư tưởng, giá trị dân chủ tư sản qua thực tế cuộc sống, điều đó giúp Người có điều kiện hiểu rõ bản chất của bọn thực dân với cái gọi là “khai hóa thuộc địa”. Người “chú ý theo dõi những lời nói và việc làm của người Pháp ở trường và cả những người Pháp đang làm việc trong cái mà bọn chúng gọi là chính phủ “bảo hộ”. Càng học, cậu Cung càng hoài nghi về những từ đẹp đẽ do người Pháp nêu ra”(2).   


Trong sự hình thành tư tưởng về con đường cứu nước mới, dưới ảnh hưởng, tác động của tư tưởng dân chủ tư sản, còn phải nói đến những bài học kinh nghiệm mà Nguyễn Tất Thành đã thu được từ các phong trào yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, tiêu biểu là phong trào yêu nước của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Dù thất bại nhưng các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi Người có một quyết định đúng đắn là xuất dương tìm đường cứu nước.   


Trải qua hành trình đến nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc, tư bản đế quốc, hoà mình vào phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân các nước, Người nảy sinh ý thức về sự cần thiết phải đoàn kết những người bị áp bức để đấu tranh cho nguyện vọng, quyền lợi chung vì “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột” và “cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi, tình hữu ái vô sản”(3). Nguyễn Tất Thành tìm hiểu cách mạng tư sản Pháp 1789, cách mạng tư sản Mỹ 1776. Người rất khâm phục tinh thần cách mạng kiên cường của nhân dân 2 nước, coi trọng bài học của hai cuộc cách mạng ấy song không thể đi theo. Bởi vì, “cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư sản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(4). Nhận thức đó chứng tỏ Nguyễn Tất Thành đã không coi học thuyết dân chủ tư sản và cách mạng tư sản là vũ khí lý luận, con đường cứu nước, giải phóng cho dân tộc mình.   


Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã ảnh hưởng quyết định đến quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc ấy chưa hiểu về nước Nga và cách mạng Tháng Mười, nhưng Người đã tỏ lòng ngưỡng mộ cuộc cách mạng này. Tháng 7-1920, khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, thì sự kết hợp giữa thực tế của cuộc Cách mạng Tháng Mười với lý luận cách mạng V.I.Lênin đã nâng cao nhận thức của Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc, đáp ứng những tình cảm, suy nghĩ, những hoài bão ấp ủ từ lâu. Người xác định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(5).   


Như vậy, trải qua gần 10 năm vừa nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn, không ngừng phê phán, lựa chọn, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Đó là “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(6). Con đường kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười, con đường kết hợp giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.   


Lịch sử cách mạng nước ta sau một thế kỷ đã chứng minh rằng chỉ có con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mới có thể đưa dân tộc ta tiến lên tự do, ấm no, hạnh phúc. Trung thành với con đường Hồ Chí Minh đã chọn trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta một mặt phải thực hiện triệt để, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, phải vận dụng sáng tạo tư tưởng và lý luận của Người vào điều kiện cụ thể hiện nay. Không có sáng tạo thì cách mạng không thể giành được thắng lợi. Nhưng vận dụng sáng tạo không có nghĩa là tước bỏ linh hồn của nó, mà phải làm cho nó càng được phát huy, phù hợp, hiệu quả hơn. Những kết quả to lớn sau hơn 25 năm đổi mới ngày càng khẳng định con đường mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn là hoàn toàn phù hợp với tiến trình đi lên của cách mạng Việt Nam và là đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp đổi mới. 

----------------------
 
(1): Đỗ Quang Hưng, Thêm những hiểu biết về Hồ Chí Minh, Nxb Lao động, H.1999, tr.125.
(2):  Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, tập 1, tr.266.
(3): Sách đã dẫn, tập 2, tr.274.
(4): Sđd, tập 10, tr.127.
(5): Sđd, tập 9, tr.314
(6): Sđd, tập 10, tr.128   
Nguyễn Văn ĐạoKhoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II
4. Ý CHÍ VÀ NGHỊ LỰC CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH KHI RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY
ThS. Nguyễn Anh Minh - PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Đây là sự kiện lịch sử mở ra một bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Cho đến hôm nay, sau 100 năm của sự kiện lịch sử đó, nhiều người dân trong nước và bè bạn trên thế giới vẫn đang tìm câu trả lời một cách đầy đủ nhất cho những câu hỏi: Vì sao Nguyễn Tất Thành một mình với hai bàn tay trắng, dám vượt đại dương đi thẳng về phía kẻ thù của chính dân tộc mình để tìm con đường cứu nước? Vì sao những khó khăn gian khổ trên hành trình bôn ba tìm đường cứu nước vẫn không làm Người chùn bước, hay trước sự xa hoa tráng lệ của những đô thị và cuộc sống ở phương Tây hay nước Mỹ mà Người có dịp đặt chân đến vẫn không thể cám dỗ và làm lay chuyển được sự quyết tâm và lập trường kiên định của Người?... Có thể khẳng định ý chí và nghị lực là hai yếu tố rất quan trọng giúp Nguyễn Tất Thành quyết tâm đi ra tìm đường cứu nuớc và cũng chính ý chí, nghị lực đã giúp Anh vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ trong hành trình suốt 30 năm bôn ba khắp châu lục trên thế giới để tìm con đường đi cho dân tộc Việt Nam.
Ý chí và nghị lực là những tố chất, năng lực tâm lý hình thành và tồn tại,  phát triển ở con người. Ý chí là khả năng tự xác định mục đích cho hành động và quyết định hướng hoạt động của mình, khắc phục mọi khó khăn nhằm đạt mục đích đó. Nghị lực là sức mạnh tinh thần tạo cho con người sự kiên quyết trong hành động, không lùi bước trước những khó khăn. Người có ý chí và nghị lực là người hội tụ đủ ba yếu tố: có sáng kiến, biết quyết định và hành động. Có sáng kiến là người biết tự vạch ra con đường đi, quyết định phải nhanh để hoạt động cho kịp thời, không do dự mà bỏ lỡ cơ hội. Song quan trọng nhất là việc thực hành và muốn thực hành phải bền chí hành động, gặp trở ngại gì cũng vượt qua cho được, phải tự chủ được mình, thắng các cám dỗ ở bên ngoài.
Ý chí và nghị lực ở mỗi con người được hình thành và phát triển khác nhau và chịu sự tác động, ảnh hưởng trong những điều kiện môi trường sống và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, cũng như phụ thuộc rất lớn ở quá trình nhận thức ở mỗi một con người khác nhau. Ở Nguyễn Tất Thành, ý chí và nghị lực được hình thành phát triển trong môi trường sống và điều kiện hoàn cảnh lịch sử của đất nước và được bồi đắp bởi quê hương, làng xóm, gia đình, từ chính những tố chất thông minh, ham học hỏi, được thừa hưởng từ cha mẹ và từ tấm lòng yêu nước, thương dân cũng như từ quá trình nhận thức của Người.
Người sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân bị lầm than đói khổ; quê hương Người là mảnh đất Nghệ Tĩnh, nơi giàu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, nơi nuôi dưỡng nhiều anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như : Mai Thúc Loan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, các lãnh tụ yêu nước cận đại như : Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu… Nguyễn Tất Thành được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước gần gũi với nhân dân, thân phụ là một nhà nho giàu lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, có ý chí kiên cường vượt gian khổ, khó khăn để đạt được mục tiêu, chí hướng. Thân mẫu của Người là người phụ nữ lao động cần cù, hết mực cần mẫn, đảm đang, đôn hậu, hết mực thương yêu và chăm lo cho chồng con. Nguyễn Tất Thành được gắn bó bên cha mẹ, bên ông bà ngoại, anh chị trong tình thương yêu đùm bọc của gia đình, bà con làng xóm quê hương trong những  năm tháng tuổi thơ. Những tình cảm đó đã nảy nở tình yêu đất nước và ý chí sẵn sàng hy sinh tình nhà vì đất nước vì dân tộc.
Từ nhỏ Nguyễn Tất Thành đã đau xót chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột cùng cực của đồng bào mình ngay trên chính mảnh đất quê hương. Những tội ác dã man của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn, bạc nhược của bọn quan Nam triều. Anh càng cảm thông sâu sắc nỗi cực khổ của người lao động, nỗi nhục mất nước của các sĩ phu, anh nhận thấy ở đâu dân cũng lam lũ đói khổ, nên dường như họ đang âm ỉ những đóm lửa muốn thiêu cháy bọn áp bức bóc lột thực dân phong kiến. Trước cảnh thống khổ của người dân mất nước đã tiếp thêm nghị lực và ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, đánh đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào.
Ở Nguyễn Tất Thành, ý chí và nghị lực thể hiện trước hết ở khả năng tự xác định mục đính cho hành động và quyết định hướng hoạt động của mình, là tự vạch ra con đường đi cho riêng mình. Khi còn rất nhỏ Nguyễn Tất Thành là cậu bé có tố chất thông minh, ham học hỏi, thích đọc sách, nghe kể chuyện, ham hiểu biết về những điều mới lạ. Những ngày tháng theo cha trở lại quê nội, sau khi mẹ và em mất ở Huế, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến học chữ Hán với các thầy giáo có tư tưởng yêu nước tiến bộ như thầy Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và sau là thầy Trần Thân. Những tâm tư phản kháng chế độ thực dân phong kiến của các Thầy lớn dần, thấm sâu và ảnh hưởng đến tư tưởng yêu nước thương dân của anh. Qua những buổi bàn luận thời cuộc giữa các thầy với các sĩ phu yêu nước, Nguyễn Tất Thành dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan. Trong những người mà cha anh thường gặp gỡ đàm đạo có Phan Bội Châu là nhà nho yêu nước, Nguyễn Tất Thành thường nghe cụ Phan ngâm hai câu thơ của Viên Mai:
“ Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách,
Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương”
Câu thơ đó có tác động rất nhiều đến Nguyễn Tất Thành, góp phần định hướng cho một hoài bão lớn dần lên trong Anh, càng đi vào cuộc sống của người dân địa phương, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía và đau xót trước thân phận của người dân mất nước, Anh đến nhiều nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh, những chuyến đi ấy là điều kiện tốt để Nguyễn Tất Thành hiểu sâu rộng hơn và tầm nhìn xa hơn. Anh không khỏi băn khoăn khi thấy nhiều cuộc nổi dậy của dân ta không thành công và câu hỏi “ làm thế nào để cứu nước ” sớm hình thành lớn dần trong tâm trí Anh. Những ngày được Cha xin cho học lớp dự bị ở Trường tiểu học Pháp bản xứ ở thành phố Vinh, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Từ đó Anh muốn tìm hiểu nền văn minh Pháp và những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy. Điều đó, hơn mười năm sau khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Nga rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ tự do, bình đẳng và bác ái… và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn giấu những từ ấy”(1). Thời gian học tại trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành được giao lưu với những luồng tư tưởng yêu nước, tiếp xúc với nhiều sách báo Pháp, các thầy giáo của trường có những người yêu nước. Chính nhờ ảnh hưởng của các thầy giáo yêu nước và sách báo tiến bộ mà Anh được tiếp xúc, Nguyễn Tất Thành mang một bản lĩnh mới, một tầm nhìn sâu sắc về xã hội, con người, ý muốn sang phương tây tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi những thành tựu của văn minh nhân loại từng bước lớn dần cổ vũ cho ý chí ra đi tìm đường cứu nước. Những tháng ngày làm thầy giáo ở trường Dục Thanh,  Phan Thiết, ngoài giờ lên lớp, Anh thường tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Lần đầu tiên anh được tiếp cận với những tư tưởng khai sáng Pháp như: Rútxô, Vônte, Môngtétxkiơ… Sự tiếp cận với những tư tưởng mới đó càng thôi thúc ý chí và nghị lực anh phải đi ra nước ngoài. Một lần trả lời nhà văn Mỹ, Người nói: “ Nhân dân Việt Nam trong đó ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp, Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(2).
Có thể nói rằng, Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi đất nước bị thực dân Pháp xâm lăng. Nhân dân bị nô lệ, lầm than đói khổ. Với tố chất là con người thông minh, ham học hỏi và thích khám phá những điều mới lạ. Thời gian sống ở Kinh đô Huế được học hành và tiếp xúc với nền văn hoá mới, với phong trào Duy Tân, cũng như được tiếp cận với những tư tưởng khai sáng Pháp đã cho Nguyễn Tất Thành nhiều hiểu biết mới và tư duy, tư tưởng mới tiến bộ. Nhìn lại các phong trào yêu nước như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, khởi nghĩa Yên Thế, cuộc vận động cải cách của cụ Phan Châu Trinh… Anh rất khâm phục và coi trọng các các bậc tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường đó. Thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi anh tự xác định mục đính cho hành động và định hướng hoạt động của mình, để có một quyết định chính xác và táo bạo, tự vạch ra con đường đi là xuất dương tìm đường cứu nước cho dân tộc.
          Ý chí và nghị lực của Nguyễn Tất Thành còn thể hiện sâu sắc ở sự khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không lùi bước trước những khó khăn, trở ngại, luôn tự chủ được mình, vượt qua các cám dỗ ở bên ngoài, kiên định lập trường, nhằm mục đính tìm con đường cứu dân tộc Việt Nam thoát khỏi nô lệ lầm than. Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, những năm còn nhỏ Nguyễn Tất Thành đã trải qua cuộc sống khó khăn, thiếu thốn và cả nỗi đau và sự mất mát, nhất là những ngày tháng chuyển vào Huế lần đầu tiên, đó là thời gian gia đình Anh sống trong cảnh gieo neo, thiếu thốn, mẹ ngày đêm cần mẫn dệt vải, cha phải tranh thủ thời gian rỗi đi chép chữ thuê, dạy học để có thêm thu nhập cho cuộc sống khó khăn của gia đình. Có thể nói nỗi đau mất mát lớn nhất đầu tiên tác động đến tình cảm, ý chí và nghị lực trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành đó là vào năm 1900. Cha đi coi thi ở Thanh Hoá, Nguyễn Tất Thành về ở với mẹ trong nội thành Huế, mẹ sinh bé Xin trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nên lâm bệnh và qua đời, không bao lâu sau bé Xin quá yếu cũng theo mẹ. Mới 11 tuổi Nguyễn Tất Thành đã phải chịu nỗi đau mất mát quá lớn, mất mẹ và em. Hoàn cảnh khó khăn cùng với nỗi đau và sự mất mát đã tiếp thêm cho Nguyễn Tất Thành một ý chí và nghị lực để vượt qua những thử thách, gian khổ trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Anh sau này.
Những năm tháng của cuộc hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước là những tháng năm Nguyễn Tất Thành phải đối mặt và vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách. Những ngày khó khăn, cực nhọc đầu tiên đó là những ngày Anh làm phụ bếp trên tàu Latuso Torevin. Anh làm việc trong môi trường lao động khổ cực, trong bếp thì nóng, dưới hầm thì lạnh, Anh phải lao động từ lúc bốn giờ sáng quét dọn, đốt lò, lấy than, xuống hầm khiêng thực phẩm vào bếp, lao động quần quật từ sáng đến tối, ít có thời gian rảnh rỗi. Khó nhất là thời gian đầu chưa quen lao động chân tay nặng nhọc và môi trường lênh đênh trên sóng biển. Nhiều lúc tưởng chừng như Anh không vượt qua nổi thử thách đầu tiên. Nhưng ý chí và nghị lực kiên cường, càng gian khổ, khó khăn sức chịu đựng của Anh ngày càng rắn rỏi. Công việc quen dần, nỗi vất vả như lùi lại phía sau mỗi hải lý con tàu vượt qua. Những năm tháng đặt chân đến Anh, Pháp, Mỹ, Nguyễn Tất Thành đã phải trải qua những tháng ngày lao động gian khổ với nhiều nghề vất vả khó khăn để kiếm sống và nuôi chí lớn tìm con đường cứu nước. Những ngày ở trên nước Mỹ (1912), Nguyễn Tất Thành làm thuê tại Brúclin (ngoại thành Niu Oóc), còn ở nước Anh (1913), Nguyễn Tất Thành nhận quét tuyết cho một trường học, rồi nghề đốt lò và nhận việc rửa bát thuê, sau đó thợ làm bánh cho khách sạn Cáclơtơn. Những ngày trở lại Pháp (1917) cuộc sống hết sức khó khăn, Nguyễn Tất Thành làm thợ làm ảnh và nhiều nghề khác như : làm đồ giả cổ, vẽ quạt, lọ hoa, chao đèn… tiền kiếm được chẳng được bao nhiêu, cuộc sống vô cùng khó khăn, ăn uống thiếu thốn, tiết kiệm. Những ngày đông giá lạnh, buổi sáng trước khi đi làm, Anh để một viên gạch cạnh bếp lò, chiều về, Anh lấy viên gạch ra, bọc vào tờ báo cũ lót xuống giường nằm cho đỡ lạnh. Ăn uống thiếu thốn cùng với lao động và hoạt động vất vả, sức khoẻ của Nguyễn Tất Thành giảm sút, nhưng nhờ vào ý chí nghị lực rèn luyện Anh đã vượt qua những khó khăn về sức khoẻ để tiếp tục lao vào những hoạt động chính trị. Không chỉ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống, mà trong cuộc hành trình suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành luôn bị kẻ thù rình rập, theo dõi, giám sát, hăm doạ và tìm mọi thủ đoạn hãm hại Anh. Bản án tử hình vắng mặt (1929) và những ngày bị thực dân Anh bắt giam tại Hồng Kông (Trung Quốc) (1931) mà Anh đã trải qua và tất cả những khó khăn gian khổ đó không làm Nguyễn Tất Thành chùn bước. Ngược lại, những thử thách đó càng tiếp thêm cho Anh nghị lực, ý chí và sức mạnh để cổ vũ Anh vượt qua, kiên định lập trường của mình là tìm con đường cứu nước cho nhân dân Việt Nam.
Có thể nói, ý chí và nghị lực là tố chất rất quan trọng đối với mỗi một con người, giúp con người xác định mục đích và đưa ra những quyết định cho hướng hoạt động của mình và giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách nhằm đạt được mục đích. Ở Nguyễn Tất Thành ý chí và nghị lực mang tính nhân văn sâu sắc và được thể hiện ở một tầm cao mới, định hướng cho một mục đính cao cả là tìm đường cứu cả dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân và cũng chính ý chí, nghị lực đã giúp Anh vượt qua tất cả những khó khăn gian khổ trong hành trình suốt 30 năm bôn ba để tìm được con đường đi đúng đắn, giải phóng đất nước, mang lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Sự kiện lịch sử người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, đưa dân tộc thoát khỏi ách áp bức bót lột của Thực dân Phong kiến, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam cách đây tròn một thế kỷ. Nhưng những bài học về lòng yêu nước, thương dân, về ý chí, nghị lực kiên cường vượt khó khăn thử thách, về trách nhiệm của Thanh niên trước vận mệnh của đất nước vẫn còn nguyên giá trị đối với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng và qua hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, thế hệ trẻ Việt Nam đã phát huy tinh thần ý chí và nghị lực của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, như tinh thần: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”; tinh thần của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”... và đã lập nên những chiến công kỳ tích, đóng góp vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đưa cả nuớc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng các thế hệ Thanh niên Việt Nam, vượt qua những khó thử thách trong quá trình đổi mới đất nước, phấn đấu lao động, tích cực học tập nâng cao trình độ, mở mang kiến thức, phát huy sức sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ của nhân loại, nhằm xoá đói giảm nghèo, xây dựng đất nước ngày càng phát triển và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhiều tấm gương sáng, những tài năng trẻ trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và văn hoá nghệ thuật đã xuất hiện trong thế hệ trẻ. Nhiều phong trào của Thanh niên được phát động như: phong trào “Tuổi trẻ giữ nước”; “Thanh niên lập nghiệp”; “Thanh niên tình nguyện”… Song bên cạnh đó, thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thử thách không nhỏ, kẻ thù trong nước và quốc tế đã và đang tìm mọi cách kích động lôi kéo chống phá chế độ, gây mất ổn định chính trị. Diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi và khó l­ường. Mặt trái của nền kinh tế thị tr­ường đã và đang tác động mạnh mẽ đến thanh niên, thiếu niên hiện nay. Trong thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, có một bộ phận không nhỏ thanh niên mất phương hướng chính trị, thiếu ý chí, nghị lực và niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, một số bàng quan, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, lười lao động, trốn tránh trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, đua đòi lối sống hưởng lạc thực dụng, xa rời những đạo đức truyền thống của dân tộc…
Thực tiễn đó đặt ra đối với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng rèn luyện ý chí và nghị lực, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, để vượt qua những thách thức, khó khăn, biến những thách thức thành cơ hội phát triển đất nước. Nhằm đóng góp sức lực và trí tuệ của mình đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều đó chính là thể hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay đối với đất nước.
 
Chú thích:
(1) Bài thăm một chiến sĩ cộng sản- Nguyễn Ái Quốc, Báo Ogoniok, số 39, ngày 23-12-1923.
(2) Báo Nhân dân, ngày 18-5-1965                                                                       



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét