Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, phần 1


1. Nguyễn Tất Thành: Hành trình tìm đường cứu nước

Hành trang ban đầu của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài là tri thức về văn hoá phương Đông và phương Tây, lòng yêu nước nhiệt thành, tiếp thu có chọn lọc con đường cứu nước của các nhà yêu nước lớp trước và một dự định rõ rệt, lớn lao, đó là “xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”, đó là dự định đi tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng của thành phố Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp. Người làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…). Gần mười năm, vừa lao động kiếm sống vừa tiến hành khảo sát thực tiễn nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa, khảo sát cuộc cách mạng ở các nước Pháp, Anh, Mỹ…
Nguyễn Tất Thành đã có nhận thức quan trọng là: Cách mạng tư sản là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng là những cuộc cách mạng chưa đến nơi. Nó đã phá tan gông xiềng phong kiến cùng những luật lệ hà khắc và những ràng buộc vô lý để giải phóng sức lao động của con người.
Cách mạng tư sản xây dựng lên một chế độ mới tiến bộ hơn xã hội phong kiến. Nhưng cách mạng xong rồi dân chúng vẫn khổ, vẫn bị áp bức, bóc lột và vẫn mưu toan làm cách mạng.
Nguyễn Tất Thành tại Bến cảng Nhà Rồng năm 1911 - Tranh tư liệu
Từ đó, Người đi đến kết luận, chúng ta đổ xương máu để làm cách mạng thì không đi theo con đường cách mạng này. Nguyễn Tất Thành đã tìm ra những mặt trái của xã hội phương Tây, nhận ra “Ở đâu cũng có người nghèo khổ như xứ sở mình” do ách áp bức, bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị.
Điều đó đã giúp Người có một nhận thức quan trọng: nhân dân lao động trên toàn thế giới cần đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung là giai cấp thống trị; cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là độc lập, tự do.
Sống hoà mình cùng nhân dân lao động và phong trào đấu tranh của công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc say sưa hoạt động cách mạng, viết báo, hội họp, tuyên truyền, cổ động. Năm 1917, Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động trong phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.
Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của người. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam.
Tám yêu cầu không được chấp nhận, nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.
Ra đi tìm đường cứu nước với tuổi đời còn rất trẻ và từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, lúc đó Nguyễn Ái Quốc chưa có một ý niệm rõ ràng về giai cấp, đấu tranh giai cấp, đảng chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin… Từ những hoạt động thực tiễn trên và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité tháng 7/1920, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong bối cảnh bấy giờ, có nhiều trí thức Việt Nam sống tại Pháp, nhưng Người đã thể hiện tính vượt trội của tư tưởng khi nhận thức ra được chân lý lớn nhất của thời đại. Luận cương đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những băn khoăn về con đường dành độc lập, tự do cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc… Luận cương đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.
Quá trình tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc ngày càng có hệ thống và hoàn thiện khi Người tham gia Đảng Cộng sản Pháp, học tập ở đại học Phương Đông, sống trong không khí sục sôi ở trung tâm phong trào cộng sản ở Nga, hoạt động trong Quốc tế Cộng sản.
Nhận thức của người về cách mạng của nhân dân lao động thế giới, về mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức, giữa cách mạng ở các nước thuộc địa và các nước chính quốc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, của giai cấp công nhân, về chính quyền cách mạng và sử dụng bạo lực cách mạng… ngày càng sâu sắc và có những luận điểm bổ sung, phát triển, sáng tạo.
Sự kiện Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tháng 12/1920 là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sỹ Cộng sản.
Đồng thời sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội bắt đầu hình thành.
Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người bắt đầu xây dựng những nhân tố bảo đảm cho cách mạng Việt Nam: truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, khơi dậy tinh thần đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, xây dựng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển lực lượng cách mạng…
Việc Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người dự thảo được thông qua tại Hội nghị hợp nhất, chứng tỏ đến 1930, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam đã được hình thành cơ bản.
Sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Một trang mới mở ra trong cuộc đời cách mạng của Người và cũng là bước ngoặt mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.
(Theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo trung ương)
Báo CANA

2. Bối cảnh lịch sử tác động đến hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh

báo Ninh Thuận
Vừa tròn một thế kỷ, kể từ khi Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc và sau này là Hồ Chí Minh rời bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2011). Đối với Nguyễn Tất Thành, đây không phải là quyết định giản đơn, tình cờ, mà là kết quả tổng hợp của một quá trình phân tích, lý giải khoa học những nhân tố thuận- nghịch của bối cảnh trong nước và thế giới tác động đến cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, để lựa chọn đúng hướng đi và xác định con đường cứu nước thành công.
1. Đối với tiến trình giải phóng dân tộc, đây là sự kiện mang nội dung cách mạng và ý nghĩa lịch sử lớn lao. Bởi lẽ, sự kiện lịch sử này vừa là mốc kết thúc một quá trình tổng hợp những yếu tố chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử, vừa là bước khởi đầu hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh hồi đầu thế kỷ XX. Vì vậy, ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của nó mãi mãi được ghi nhận và phát huy trong suốt hành trình cứu nước của Người trước đây và trên con đường đổi mới đất nước hiện nay.

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của
Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920 (ảnh tư liệu)
Trước hết, cần hiểu rõ khái niệm "tác động của bối cảnh lịch sử" là gì? Theo chúng tôi: Một là, Không phải toàn bộ bối cảnh lịch sử (trong nước và thế giới) đều tác động đến hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh. Do đó, bài viết này sẽ không nghiên cứu toàn bộ bối cảnh cuộc hành trình, mà chỉ đi sâu nghiên cứu những sự kiện lịch sử được Người biết đến và gây tác động đến quá trình hình thành con đường cứu nước của Người. Hai là, bối cảnh không phải là bức tranh bất động mà nó thường xuyên thay đổi và gây ảnh hưởng đến xu thế phát triển, hoạt động của mỗi tổ chức, con người. Vì vậy, bối cảnh lịch sử tác động đến hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh bao gồm những sự kiện lịch sử mà Người nhận thức, mà trước hết phải kể đến những sự kiện mang ý nghĩa thời đại, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam...
Điểm khởi đầu hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh là sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1911. Tiếp đó là quá trình vừa lao động, vừa học tập lý luận và hoạt động thực tiễn để tìm ra con đường giải phóng dân tộc thành công. Đó là những năm tháng bôn ba đầy khó khăn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nhiều quốc gia, châu lục. Vì vậy, nghiên cứu tác động của bối cảnh lịch sử đến hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh không chỉ là nghiên cứu những nhân tố hình thành quyết tâm và hướng đi mà còn nghiên cứu làm rõ hàng loạt yếu tố mới Người "bắt gặp"- nhận thức trong quá trình hình thành đường lối cứu nước của mình.
Vì vậy, ở đây không cần thiết phải thống kê đầy đủ tình hình trong nước và thế giới, cũng không phải mô tả kỹ lưỡng những sự kiện lịch sử đã diễn ra vì đó là bối cảnh chung mà bất kỳ con người đương thời nào đều sống trong đó, dù họ có nhận thức được "bối cảnh" ấy hay không.
Vậy bối cảnh lịch sử tác động đến sự hình thành quyết tâm và hướng xuất dương tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là gì ?
2. Cuối thế kỷ XIX, sự kiện lịch sử tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam; làm thay đổi kết cấu giai cấp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống mọi người dân (trong đó có họ hàng, gia đình và bản thân Hồ Chí Minh) là thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sau thời kỳ "bình định", thực dân Pháp thi hành chính sách "khai thác thuộc địa" - thực chất là tăng cường bóc lột, vơ vét thuộc địa. Vì vậy, đời sống nhân dân lao động đã khó khăn, càng thêm khốn đốn. Hậu quả là Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến.
Sang đầu thế kỷ XX, đời sống các tầng lớp nhân dân càng bị bần cùng hoá. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và chế độ thuộc địa ngày một gay gắt, trở thành mâu thuẫn vừa cơ bản, vừa chủ yếu. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ càng gay gắt. Đây là trở lực lớn, kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Vì vậy, chỉ có giải quyết thành công những mâu thuẫn trên đây - đồng nghĩa với việc tìm ra con đường cứu nước, giành lại độc lập dân tộc thì xã hội Việt Nam mới tiếp tục phát triển. Đó là đòi hỏi khách quan, cấp bách của cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỷ XX.
Để giải quyết mâu thuẫn trên, nhiều phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi với mục tiêu "Phen này quyết chống cả Triều lẫn Tây". Đó là phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục... do các sỹ phu yêu nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo hay khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân đảng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài...rồi khởi nghĩa nông dân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám kéo dài hơn 30 năm... Đó là trang sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc trên con đường đấu tranh giành độc lập. Mặc dù diễn ra sôi nổi, rộng khắp các vùng miền, nhưng tất cả các cuộc đấu tranh cuối cùng đều thất bại. Bối cảnh lịch sử này, sau này, Hồ Chí Minh viết trong bài Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay: "Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam"[1]
Thực tế thất bại của lớp cha ông đã chỉ ra rằng: sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản trước nhiệm vụ lịch sử đặt ra là lãnh đạo toàn dân chống Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối, tức là thiếu hệ thống lý luận cách mạng tiên tiến của giai cấp công nhân có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thành công. Câu hỏi của "bài toán thế kỷ" đặt ra cho dân tộc ta: Ai là người lãnh đạo thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam ? đến lúc này vẫn chưa có lời giải.
Bối cảnh trên đây, sau này được Hồ Chí Minh nói rõ khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông: "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác lại nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ"[2]!?
Xuất thân từ gia đình trí thức phong kiến có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, Hồ Chí Minh sớm mang trong mình lòng yêu nước, thương dân. Tuổi học đường của Người gắn bó với những năm tháng quan trường ngắn ngủi đầy trắc trở của người cha Nguyễn Sinh Huy. Người đã theo cha đến cả ba miền đất nước, biết được cuộc sống khó khăn của người dân mất nước dù họ ở xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ "bảo hộ" hay Nam Kỳ "thuộc địa". Người có thời gian sống ở Huế. Đó là điều kiện để Người tìm hiểu, làm quen với cuộc sống quan chức, Hoàng triều. Tuy nhiên, thực tế ấy đã làm cho Người thấy rõ hơn cuộc sống phụ thuộc, thấp hèn của giới quan chức, tay sai. Từ những trải nghiệm đầu đời của mình và cuộc sống lận đận, trắc trở của người cha, Hồ Chí Minh càng thấu hiểu ý nghĩa thực tế của câu chuyện cha mình thường bình giải "Quan trường thị nô lệ, trung chi nô lệ, hựu nô lệ". Cho nên, đầu năm 1910, sau khi ông Nguyễn Sinh Huy bị bãi chức thì ông vào Nam Kỳ hành nghề bốc thuốc trị bệnh cứu người, còn Hồ Chí Minh thì thấy rõ hơn sự thối nát của chế độ quan trường. Điều này càng thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Trần Dân Tiên đã viết: "Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc"[3].
Tuy nhiên, đi đâu và làm gì để tìm ra con đường cứu nước thành công luôn là công việc hết sức khó khăn. Bởi lẽ, bọn thực dân rất bưng bít tư tưởng mới, ngăn trở sách báo tiến bộ với âm mưu giam hãm dân ta trong vòng nô lệ. Người đã nói với nhà báo Liên Xô Ôxip Manđenxtam: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế...Trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người ta như con vẹt.Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài[4]...
Trong quá trình xác định con đường cứu một dân tộc, lòng căm thù giặc và quyết tâm chưa đủ, mà còn phải lý giải được nguyên nhân thất bại của các bậc tiền bối, hiểu được điều kiện chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử, trên cơ sở đó mà vạch ra hướng đi của con đường cũng như những yếu tố đảm bảo thắng lợi.
Trước thất bại liên tiếp về con đường cứu nước của các bậc tiền bối, Người nhận xét:
"Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương...Điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau".
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì còn trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo người ta kể thì Cụ còn mang nặng cốt cách phong kiến"[5].
Từ những trải nghiệm cuộc sống và với quyết tâm lớn, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa chế độ đàn áp bóc lột dã man của bọn thực dân ở Việt Nam với cái lý tưởng cao đẹp của nước Pháp - quốc gia đã đề xướng ra lý tưởng cao đẹp và hấp dẫn mọi con người " Tự do - Bình đẳng - Bác ái", muốn biết cái gì bí mật ẩn náu ở "nước Mẹ" xa xôi ! Người cho rằng "Muốn đánh hổ thì phải vào hang hổ!". Và chính những nhận thức về bối cảnh đất nước và những tìm hiểu của Hồ Chí Minh về nước Pháp đã thôi thúc Người sang Pháp và các nước khác... Đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa chọn, trăn trở; một quyết tâm lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách mạng Việt Nam.
Quyết định sang phương Tây của Hồ Chí Minh là sự phủ nhận sự tồn tại nhà nước thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam. Đó là đòn tiến công đầu tiên của Hồ Chí Minh đối với nhà nước đương thời, mở cửa ra thế giới để đón nhận những nhân tố mới của thời đại, tiếp thu lý luận tiên tiến, tích hợp tinh hoa văn hoá nhân loại để hình thành con đường cứu nước Việt Nam thông qua Hành trình cứu nước của một con người - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Ngày 3 tháng 6 năm 1911, Người xuống tàu buôn Pháp Amiran Latusơ Tơrêvin( Amiral Latouche Treville) thuộc Hãng Năm sao đang cập cảng Nhà Rồng gặp thuyền trưởng Maixen (Maisen) và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi với khát vọng cháy bỏng là tìm ra con đường cứu nước Việt Nam khỏi ách thống trị thực dân phong kiến.
3. Khi rời Tổ Quốc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có quyết tâm cao, nhưng sự hiểu biết về thế giới còn hạn chế. Sự ra đi ấy khẳng định một quyết tâm lớn, nhưng biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ. Vốn hiểu biết của Người chưa có thể nhận thức được đặc điểm, xu thế của thời đại. Từng bước một, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập lý luận và hoạt động xã hội, Hồ Chí Minh dần dần nhìn ra bối cảnh của hành trình tìm đường cứu nước. Từ hoạt động trong nhiều tổ chức chính trị, xã hội, những trải nghiệm cuộc sống trong nhiều quốc gia thập niên 10, 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh sớm nhìn ra những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam như con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tư tưởng Lênin và đường lối giải phóng thuộc địa của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Nhiều bài viết, bài nói, báo cáo của Hồ Chí Minh gửi QTCS đã thể hiện quá trình nhận thức của Người về thời cuộc và sự tổng hợp, vận dụng sáng tạo những nhân tố tích cực của bối cảnh lịch sử để hình thành con đường cứu nước của mình.
Điều cần lưu ý ở đây là Hồ Chí Minh rời Tổ quốc hoà nhập vào thế giới trong thời điểm chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Hệ thống thuộc địa đã hình thành trên phạm vi thế giới. Trong Tham luận trình bày tại Đại hội lần thứ V của QTCS (1924), Hồ Chí Minh chỉ rõ: Năm 1876: 1/4 tỷ người dân thuộc địa thì năm 1914: 1/2 tỷ dân thuộc địa. Đến đầu những năm 20, diện tích các nước thuộc địa gấp 5 diện tích các nước chính quốc, còn dân số chính quốc chưa bằng 3/5 số dân các nước thuộc địa. Số dân thuộc địa Anh đông gấp hơn 8,5 số dân nước Anh còn đất đai rộng gấp 252 lần của nước Anh[6]... Cuộc đấu tranh giải phóng của các thuộc địa và phụ thuộc tuy đã được đẩy mạnh ở các nước châu Âu như: Airơlen, Ba Lan nhưng chưa có nước nào giành được độc lập. Còn ở châu Á, tuy đã trỗi dậy một "Châu Á thức tỉnh" nhưng các quốc gia lớn như: Ấn Độ, Trung Quốc, Inđônêxia vẫn đang là thuộc địa của bọn đế quốc. Trên phạm vi toàn thế giới, chưa có một thuộc địa nào được giải phóng. Con đường giải phóng dân tộc chưa có một hình mẫu, tấm gương soi chung!
Vì vậy, hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh lúc này cũng mới chỉ là quyết tâm và định hướng. Người bắt đầu bằng nghề phụ bếp rồi sau đó là công nhân trên tàu buôn Pháp. Nhờ đó, Người có dịp qua nhiều quốc gia như: Xinhgapo, Côlômbô, Aicập, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Mỹ. Đầu năm 1913, Người từ Mỹ về Lơ Havơrơ sau đó sang Anh. Tại đây, Người làm nghề đốt lò, quét tuyết, phục vụ khách sạn. Bất kỳ hoàn cảnh nào, Người thường xuyên chú ý tìm hiểu đời sống và gần gũi với người lao động. Người rất xúc động trước điều kiện sống cực khổ và bị đàn áp của người da đen[7]. Sau những tháng năm trải nghiệm cuộc sống người dân thuộc địa làm thuê, Người dần dần nhận ra một điều: Ở đâu cũng có người nghèo và sự giàu nghèo không phụ thuộc vào màu da, chủng tộc. Người lao động ở đâu cũng khổ cực và biết thương yêu nhau.
Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp, vừa tiếp tục lao động kiếm sống, vừa tích cực tham gia hoạt động chính trị xã hội. Người liên hệ chặt chẽ với công nhân Pháp, những đại biểu thuộc địa và những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Đây là thời kỳ hoạt động sôi nổi và có hiệu quả trong hành trình tìm thấy con đường cứu nước Việt Nam. Đầu năm 1919, Người vào Đảng Xã hội Pháp: "Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái" [8]. Giữa năm 1919, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi "Bản yêu sách tám điểm "của nhân dân An Nam tới Hội nghị các nước đế quốc họp tại Vécxây (Versailles). Mặc dù Yêu sách chỉ nêu những yêu cầu tối thiểu trong khuôn khổ cải cách, nhưng các tác giả của bản Yêu sách ấy đã không nhận được một lời phúc đáp. Từ thực tế ấy, Người kết luận: "Muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình"[9]. Thực tế trên đây đã giúp Hồ Chí Minh hiểu thêm bối cảnh khách quan mà hành trình cứu nước không thể bỏ qua. Hành trình đi tìm con đường cứu nước của Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục.
Sự kiện cực kỳ quan trọng làm chuyển biến cơ bản nhận thức con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Người là được đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) tháng 7-1920. Luận cương đã mang lại cho Người ánh sáng về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Khẳng định ý nghĩa to lớn của Luận cương trong hành trình tìm ra con đường cứu nước, sau này Người viết: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta"[10]. Cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh càng trung thành với con đường độc lập dân tộc bao nhiêu, thì càng trung thành bấy nhiêu với những lý luận Lênin viết trong Sơ thảo Luận cương và đường lối của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Điều này thể hiện rất rõ khi Người trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô: "Từ ngày Luận cương của Lênin đã hoàn toàn soi sáng cho tôi, tôi không còn chỉ dự các cuộc họp của Đảng một cách thụ động nữa. Tôi lao vào cuộc chiến đấu, hăng hái bàn cãi, tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lênin và Quốc tế thứ ba"[11].
Sự kiện được đọc bản Sơ thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin cùng với những hoạt động sát cánh với công nhân, trí thức Pháp và các đại biểu thuộc địa cùng đồng bào mình trên đất Pháp trước đó đã tạo tiền đề quan trọng để tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua tháng 12 năm 1920, Hồ Chí Minh tích cực thảo luận và sớm quyết định bỏ phiếu ủng hộ Đảng mình gia nhập Quốc tế thứ ba. Người đã tham gia dự thảo Nghị quyết về chủ nghĩa Cộng sản và các thuộc địa và Lời kêu gọi những người bản xứ ở các thuộc địa tại Đại hội lần thứ nhất (1921) và lần thứ hai (1922) Đảng Cộng sản Pháp. Người đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên có nhiều đóng góp tích cực cho vấn đề giải phóng thuộc địa.
Với những sự kiện trên đây, Hồ Chí Minh đã từ người yêu nước trở thành người cộng sản chân chính. Và đây còn là mốc quan trọng đánh dấu việc Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước. Người đã hoàn thành sứ mạng Người tìm thấy con đường cứu nước Việt Nam .
Tiếp theo là những hoạt động của Hồ Chí Minh với sứ mạng Người dẫn đường cứu nước đến thắng lợi.
Tìm thấy đường lối, con đường cứu nước đã khó, tiến hành tuyên truyền vận động quần chúng và tổ chức thắng lợi đường lối ấy trên thực tế còn khó hơn nhiều. Vì trong suốt tiến trình thực tế hoá đường lối ấy, người lãnh đạo có quyết tâm chưa đủ mà còn phải đánh giá đúng tình hình, lựa chọn đúng thời điểm, địa bàn"đối nội" và phải tìm được những cộng sự có thực tế và kinh nghiệm vận động tổ chức quần chúng. Tháng 6-1923, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp Người phác họa công việc của mình - Người dẫn đường cứu nước khi trở về Tổ quốc là: "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng là trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập"[12]. Tuy nhiên con đường ấy còn nhiều gian truân. Người đã trải qua nhiều công việc, hoạt động ở nhiều quốc gia như: Nghiên cứu lý luận tại Đại học Phương Đông, dự nhiều Hội nghị quốc tế tại Liên Xô, làm cán bộ Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và nhiều năm làm phiên dịch trong Phái bộ Bôrôđin tại Trung Quốc (1924-1927). Cũng trong thời gian này, tại Quảng Châu, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giữa năm 1927 Người trở lại Liên Xô, thực hiện nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao ở Pháp, Bỉ, Đức, Thuỵ Sĩ, Italia rồi về Xiêm, Thái Lan, Trung Quốc.
Đầu năm 1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc), Người đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng tại đây, từ giữa năm 1931 đến năm 1933, Người bị thực dân Anh bắt giam. Đầu năm 1934 sau khi thoát tù, Người trở lại Liên Xô học Trường Quốc tế Lênin và làm nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (thuộc Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản). Thành công nổi bật trong hoạt động cách mạng của Người là nhận thức và giải quyết thoả đáng mối quan hệ dân tộc và giai cấp - vấn đề quan trọng và nhạy cảm mà ngay Quốc tế Cộng sản cũng có lúc mắc sai lầm. Người rất chú ý đặc điểm và truyền thống dân tộc, nhưng không vì thế mà xa rời lập trường giai cấp. Điều này được thể hiện qua luận điểm: "Vậy là màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản"[13]. Những luận điểm sáng tạo về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng thuộc địa còn được thể hiện rõ trong nhiều bài báo , đặc biệt trong tham luận của Người được trình bày tại Đại hội V của QTCS năm 1924. Trong bối cảnh QTCS chịu ảnh hưởng sâu sắc của trào lưu "tả" khuynh, biệt phái từ sau khi Lênin qua đời (1924), đặc biệt sau Đại hội VI của QTCS (1928), Người vẫn kiên trì học tập lý luận và thường xuyên lập kế hoạch về nước thực thi con đường cứu nước để bắt liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở trong nước.
Nét đặc sắc nhất cuộc hành trình cứu nước 30 năm là không bao giờ Người xa rời mục đích về nước cứu đồng bào. Khi ở Liên Xô dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên, Người nói với nhà văn I. Êrenbua: "Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở và Tổ quốc"[14]. Khi đang hoạt động trong Bát lộ quân Trung Quốc, Người vẫn bí mật liên lạc với Ban lãnh đạo Đảng trong nước chuẩn bị xây dựng căn cứ địa vùng biên giới Việt Trung. Cuối tháng 6 năm 1940, ngay sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, Người chỉ thị gấp cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Diên An nữa mà cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đi Quế Lâm, Nam Ninh (Quảng Tây) hướng về Cao Bằng đón thời cơ mới. Đầu năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh kết thúc Hành trình cứu nước, về vùng rừng núi Cao Bằng - địa đầu Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo dân tộc thực hành đường lối cứu nước mới, mở ra giai đoạn mới trong công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.
4. Ra đi tìm đường cứu một quốc gia là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng tìm thấy con đường ấy và điều quan trọng tiếp theo là bổ sung, hoàn thiện nó cho phù hợp với điều kiện cụ thể rồi đưa về áp dụng trong nước là việc khó gấp bội phần. Sau nhiều lần thất bại của các bậc tiền bối, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên kết hợp thành công sức mạnh trong nước và quốc tế - dân tộc và thời đại, yếu tố khách quan và chủ quan để tìm ra lời giải cho "Bài toán thế kỷ" đã đặt ra trước dân tộc từ đầu thế kỷ XX. Người đã khảo sát thực tế, nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm của nhiều thế hệ đã tìm thấy con đường cứu Việt Nam khỏi ách thống trị thực dân phong kiến. Tuy nhiên cần thấy rõ, đây không phải đơn giản là việc lựa chọn một mô hình con đường có sẵn để vận dụng vào Việt Nam. Mặc dù Luận cương của Lênin cũng như những quan điểm của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Pháp có vị trí quan trọng trong "con đường cứu nước" mà Hồ Chí Minh tìm đến; song chỉ ngần ấy thôi, chưa phải là con đường cứu nước Hồ Chí Minh, bởi lẽ đó chỉ là những nguyên tắc lý luận, định hướng mang tính phổ biến. Con đường cứu nước Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo những nguyên tắc, quan điểm ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam không chỉ được tạo ra bởi tác động mạnh mẽ của bối cảnh lịch sử mà còn bởi những đóng góp đầy sáng tạo của Hồ Chí Minh. Thắng lợi công cuộc giải phóng ở Việt Nam đã mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới. Đó tác động trở lại của cách mạng Việt Nam với thế giới, dấu ấn của Hồ Chí Minh với thời đại. Do đó, thế giới đã tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất Việt Nam.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam
[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG, H.1996,T1,tr.314
[2].Dẫn theo báo Nhân Dân, ngày 18 tháng 5 năm 1965
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.CTQG-Nxb.TN,H.1994,tr.12
[4] . Hồ Chí Minh Toàn tập,Nxb. CTQG, H.1995,t.1,tr.477
[5] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện..., Sđd,tr.12
[6] Xem: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG,H.1995,t1,tr.273-289
[7]. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 40-50
[8] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện...Sđd, tr.41-42
[9] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện...Sđd,tr.31
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,t. 10 tr.127
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,t12,tr.471
[12] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,t.1 tr.192
[13] Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd,t.1,tr.266
[14] Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, xuất bản lần thứ 2,Nxb.CTQG, H.2006,t.2,tr.63

3. "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước"

Ngày 31/5, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình tìm đường cứu nước".

Hội thảo đã được nghe các tham luận quan trọng của các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với chủ đề về "Hồ Chí Minh với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân"; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ đề "Vững bước trên con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Chúng tôi xin trích đăng và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số tham luận của các đại biểu đã trình bày tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh, sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cách đây 100 năm được thực tiễn lịch sử đã khẳng định, đó là sự mở đầu cho một cuộc hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo suốt 30 năm đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho cả dân tộc Việt Nam của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Và thật là kỳ diệu, sự khởi đầu đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện lớn lao, một mốc son đánh dấu giai đoạn lịch sử vẻ vang, mở ra Cuộc hành trình của toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông, vững bước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Ðồng chí Ðinh Thế Huynh khẳng định: Thành quả vĩ đại của cuộc hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ thể hiện ở chỗ: Những câu hỏi lớn nhất đối với dân tộc Việt Nam, với cách mạng Việt Nam, mà trước đó chưa ai tìm được câu trả lời, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải đáp sáng tỏ, đầy sức thuyết phục.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, về Ðảng Cộng sản Việt Nam, về đại đoàn kết toàn dân tộc - động lực vô địch của cách mạng nước ta, về Nhà nước của dân, do dân, vì dân, về sức mạnh vĩ đại của nhân dân..., trở thành tài sản tinh thần vô giá của Ðảng ta, dân tộc ta. Giá trị lịch sử sâu xa của cuộc hành trình tìm đường cứu nước và của toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là ở lời giải cho những vấn đề vô cùng lớn lao và hệ trọng đó... Ðồng chí nhấn mạnh: Cuộc Hội thảo hôm nay nhằm thực hiện công việc nhiều ý nghĩa nêu trên, không chỉ góp phần khẳng định sâu sắc hơn ý nghĩa và giá trị lịch sử lớn lao của cuộc hành trình vĩ đại đó, mà còn góp phần tìm ra những bài học lớn cho hiện tại và tương lai của dân tộc...

 Ảnh minh họa
Ðọc báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học, đồng chí Nguyễn Văn Ðua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Sau gần ba tháng triển khai, với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, các đồng chílão thành cách mạng, sự ủng hộ nhiệt tâm của các nhà khoa học, các nhà quản lý từ mọi miền đất nước, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 135 bài tham luận. Các báo cáo khoa học đã thể hiện tình cảm thiêng liêng, lòng kính trọng yêu thương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, của Ðảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Với lòng tôn kính và trách nhiệm cao, các tác giả của các tham luận đã dày công nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi những tư liệu và nội dung khoa học phong phú liên quan đến chủ đề Hội thảo.

Cuộc Hội thảo tập trung vào các mảng nội dung cơ bản là:

1. Trong bối cảnh lịch sử của nước ta cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm đường cứu nước, Hội thảo cần làm rõ mối quan hệ tương tác giữa yếu tố khách quanvà chủ quan, giữa truyền thống yêu nước, bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, truyền thống gia đình quê hương với trí tuệ, nghị lực, tư chất, tố chất của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dẫn đến sự kiện mang ý nghĩa lịch sử và thời đại cách đây 100 năm ngày 5-6-1911.

2. Từ thành phố Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là một mảng nội dung quan trọng của Hội thảo.

Các tham luận của các nhà khoa học đều có sự đánh giá thống nhất: Sài Gòn, nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất, lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Người, là nơi giải đáp cho Bác nhiều hoài nghi mà chỗ khác không đủ điều kiện... Ðó là nơi định đoạt dứt khoát thái độ của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Bác Hồ của chúng ta vào năm 1911 để từ thành phố này Người xuất dương tìm đường cứu nước.

3. Cuộc hành trình vĩ đại trong mấy thập kỷ, qua hàng chục nước của các châu lục Á - Âu - Phi - Mỹ, lao động, học tập, nghiên cứu, hoạt động cách mạng để tìm ra conđường cho cách mạng Việt Nam là nội dung chính của Hội thảo. Hầu hết các bài viết thể hiện tinh thần khoa học và nêu lên những đánh giá, nhận thức sâu sắc trên cơ sở tổng kết sự kiện lịchsử, bổ sung những tư liệu mới, làm rõ chặng đường 30 năm bôn ba khắp đó đây của Nguyễn Ái Quốc, vừa tìm đường cứu nước, vừa kiên trì chiến đấu đầy bản lĩnh và trí tuệ để bảo vệ con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.

4. Hội thảo không chỉ khẳng định sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và công lao to lớn của Bác Hồ, mà còn nhằm mục đích quan trọng là từ đó chúng ta càng phấn khởi, củng cố niềm tin, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững bước trên con đường Người đã chọn, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng bộ, hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 Ảnh minh họa
PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, việc Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng tiếp nhận ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười thể hiện sự thống nhất giữa tác động của điều kiện khách quan với yếu tố chủ quan trong nhận thức và hành động của Người.

Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháplàm phong phú hơn nhận thức của Người về sức mạnh của nhân dân lao động thế giới, về mối quan hệ giữa các dân tộc bị áp bức, giữa thuộc địa và chính quốc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Ðây là một cơ sở quan trọng để Người tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, trong tình hình thế giới và Pháp lúc bấy giờ đang có nhiều chuyển biến to lớn, sâu sắc.

Ðánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về mối quan hệ giữa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với phong trào cộng sản quốc tế là quan điểm của Người được trình bày trong Ðại hội lần thứ XVIII của Ðảng Xã hội Pháp, khai mạc ngày 25-12-1920 tại thành phố Tua. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Ðảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản.

Người xác định, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc của nhân Nam là con đường cách mạng vô sản.

Con đường cứu nước do Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cho nhân Nam phù hợp với xu thế phát triển chung của lịch sử thế giới: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Con đường cứu nước mới không chỉ có ý nghĩa đối với nhân Nam mà còn có ý nghĩa quốc tế và thời đại. Nó có tác dụng đối với nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 Ảnh minh họa
TS Chu Ðức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, phân tích sâu sắc sự vận dụng và phát triển học thuyết Mác - Lê-nin về đấu tranh giai cấp trongcách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tiếp thu quan điểm của Lê-nin, Hồ Chí Minh cũng là người phát hiện ra mối liên hệ hữu cơ giữa cách mạng vô sản ở các nước chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Người đã diễn tả rất sinh động và dễ hiểu mối quan hệ này bằng việc ví chủ nghĩa đế quốc như con đỉa có hai vòi, một vòi hút máu giai cấp vô sản ở chính quốc, một vòi hút máu các dân tộc thuộc địa. Giai cấp vô sản, muốn thắng lợi, phải cùng một lúc cắt bỏ cả hai vòi đi. Người cũng dùng hình ảnh con chim có hai cánh khi nói về sự liên quan giữa cách mạng ởchính quốc và cách mạng ở thuộc địa.

Ðiều phát triển hơn của Hồ Chí Minh là Người không chỉ thấy mối quan hệ, mà với sự phân tích đúng đắn mâu thuẫn của các nước đế quốc với các nước thuộc địa, giữa đế quốc với đế quốc và khả năng to lớn của các dân tộc bị áp bức mở ra sau Cách mạng Tháng Mười... Việc Hồ Chí Minh quan niệm cách mạng giải phóng dân tộc có thể thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và góp sức đẩy mạnh cách mạng vô sản ở chính quốc đến thắng lợi là có cơ sở khoa học, xuất phát từ cái nhìn biện chứng về cách mạng thuộc địa của Người. Và rồi trong thực tiễn, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã cùng Ðảng Cộng sản Việt Nam chứng minh cho luận điểm đầy tính chiến đấu và cách mạng của mình.

 Ảnh minh họa
Với tham luận nhan đề “100 năm - Người con ra đi để trở về” Linh mục Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo TP Hồ Chí Minh, đã tập trung phân tích, luận giải quá trình hình thành phẩm chất đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh dưới tác động của các yếu tố giáo dục, truyền thống gia đình, quê hương đất nước và quá trình ra đi tìm đường cứu nước. Linh mục Nguyễn Công Danh nhấn mạnh: Nếu như tư tưởng yêu nước và đạo đức cách mạng đã tạo động lực cho Người ra đi và trở về, thì vốn kiến thức uyên bác và trên hết là truyền thống hiếu học nổi tiếng của quê hương chính là nền tảng cơ sở cho thành công của Người. Và từ xuất phát điểm rõ ràng đó, cuộc đời của Bác quả thực là tấm gương sinh động mẫu mực về sự học, chí lớn và hoài bão cho chúng ta noi theo. Thời thơ ấu, Người được cha dạy dỗ và gửi đến học chữ Hán ở những thầy giáo uyên bác, rồi học dự bị tiểu học và tiểu học tại Trường tiểu học Pháp - nơi Người lần đầu tiếp xúc với khẩu hiệu “Tự Do - Bình Ðẳng -Bác Ái”. Do thời cuộc, cụ ông Nguyễn Sinh Sắc thường xuyên phải bôn ba nhiều nơi theo bổ nhiệm rồi lại bị triệt hồi chức quan, nên Nguyễn Tất Thành đã phải học rất nhiều nơi, chuyển nhiều trường, đứt quãng và rất khó khăn từ Nghệ An, Huế đến Bình Ðịnh. Nhưng mọi thứ không làm nản lòng và chí khí của người thanh niên. Bác từng nói: “Ðường đời là một chiếc thang không có nấc chót. Học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”. Nhờ tinh thần ham học và khả năng tự học mà Người có một vốn học vấn uyên thâm khiến cả thế giới kinh ngạc. Qua cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ta càng thấm thía chân lý: Không có tri thức cách mạng thì không có phong trào cách mạng, không có hành động cách mạng.

 Ảnh minh họa
Trung tướng GS, TS Trần Ðại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thứ trưởng Công an tham luận tại Hội thảo nhấn mạnh: Sáu điều Bác Hồ dạy người công an cách mạng là đạo lý, nguyên tắc, phương châm, thái độ đối nhân xử thế, là chuẩn mực về nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an dù ở bất kỳ cương vị nào, hoàn cảnh công tác nào đều phải thường xuyên rèn luyện, phấn đấu. Sáu điều Bác Hồ dạy là di sản quý báu thể hiện đậm nét nhất tư tưởng, quan điểm của Bác về xây dựng người công an cách mạng suốt đời vì nước, vì dân.

Là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chăm lo, xây dựng và dìu dắt, hơn 65 năm qua, lực lượng Công an Nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, vì nhân dân phục vụ. Suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an luôn tích cực hưởng ứng và tự giác thực hiện Sáu lời dạy của Bác với những nội dung sáng tạo, thiết thực, hình thức phong phú, bám sát yêu cầu công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng.

Việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác dạy không chỉ dừng lại ở chỗ nghiên cứu, thấm sâu nhận thức, mà còn biến thành hành động, thể hiện ở những việc làm cụ thể, thiết thực hằng ngày của từng người. Trong suy nghĩ và việc làm, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an dù là lãnh đạo, chỉ huy hay cán bộ, chiến sĩ đều lấy Sáu điều dạy của Bác, tấm gương đạo đức của Bác để tự soi mình, tự sửa mình, phấn đấu để không ngừng hoàn thiện bản thân. Qua đó, nêu cao vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, được Ðảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cũng từ việc học tập, thực hiện Sáu lời dạy của Bác, lực lượng Công an Nhân dân đã không ngừng xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; dựa vào dân để công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng, được nhân dân tin yêu, giúp đỡ, tích cực tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 Ảnh minh họa
Thiếu tướng, TS Ðặng Nam Ðiền, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập việc phát huy ý nghĩa lịch sử chính trị, văn hóa công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục truyền thống cách mạng. Ðồng chí nêu rõ: Từ ngày 19-5-2001, nghi lễ chào cờ hằng ngày đã được tiến hành trang trọng trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh của Tổ quốc với lãnh tụ được hòa quyện vào nhau, càng tôn thêm giá trị văn hóa, tinh thần và ý nghĩa chính trị của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðặc biệt từ năm 2006 đến nay, Bộ Chính trị phát động toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp, các ngành và các địa phương trong cả nước đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trước Lăng Bác và Quảng trường Ba Ðình lịch sử. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người Nam như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Gần 36 năm qua, kể từ ngày mở cửa Lăng đến nay, dòng cảm tưởng của nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài và khách quốc tế đã được lưu giữ mỗi ngày một dài thêm... Mỗi người một vẻ, nhưng tựu chung lại là sự kính yêu, biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nguyện mãi mãi học tập và làm theo lời Bác dạy.

 Ảnh minh họa
Nguyên Viện trưởng Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh, GS NguyễnCôngBình, nhấn mạnh: Khi Nguyễn Ái Quốc chủ trương “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, tức là một đường lối cứu nước mới có định hướng xã hội chủ nghĩa cho cách mạng giải phóng dân tộc. Theo định hướng đó, dân tộc ta làm Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, thống nhất, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng Người cũng chỉ ra: “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta”. Kế thừa con đường Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh định hướng xã hội chủ nghĩa cho cách mạng giải phóng dân tộc, Ðảng Cộng sản Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa cho công cuộc Ðổi mới từ năm 1986. Ðó là thiết lập một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 Ảnh minh họa
Ðồng chí Lê Thanh Hải,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Vững bước trên con đường Người đã chọn - gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng Ðảng bộ thành phố Hồ Chí Minh trong sạch, vững mạnh”.

Tham luận đã nêu rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem việc xây dựng Ðảng là điều kiện tiên quyết của cách mạng Việt Nam. Người đã suốt đời chăm lo công tác xây dựng Ðảng. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Ðảng bộ thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh.

Ðồng chí Bí thư Thành ủy nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ðảng bộ phải tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng niềm tin vững chắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò lãnh đạo của Ðảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, tạo ra sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Ðảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân. Ðồng thời, phải đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục làm cho toàn Ðảng bộ, toàn dân, toàn quân thành phố nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Phải coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể, thiết thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân; phải thực hiện trở thành nền nếp, đi vào chiều sâu, căn bản, toàn diện trong Ðảng bộ và nhân dân theo phương châm “tích cực học tập, nỗ lực làm theo”; phấn đấu ngày càng cóthêm nhiều điển hình noi gương và nêu gương, nhất là trong cán bộ chủ chốt, người đứng đầu đơn vị, địa phương; góp phần xây dựng nền tảng văn hóa, đời sống tinh thần xã hội lành mạnh.

 Ảnh minh họa
Ðồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tâm niệm rằng, truyền thống quê hương xứ Nghệ là nguồn cội thúc đẩy Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.

Sinh ra trong một gia đình yêu nước, chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước, các cuộc khởi nghĩa diễn ra trên chính quê hương mình và sự thất bại của các bậc tiền nhân... đã nung nấu, thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi và tìm kiếm một con đường cứu nước mới. Chính mạch nguồn truyền thống yêu nước của vùng đất “địa linh nhân kiệt” này như một lẽ tự nhiên không chỉ sản sinh ra Hồ Chí Minh mà còn góp phần tạo nền móng để hình thành hoài bão ra đi tìm đường cứu nước của Người. Nhờ sớm được bồi đắp truyền thống lao động từ quê nhà, Người đã ra đi tìm đường cứu nước trong tư thế của một người lao động với hai bàn tay trắng. Và trên hành trình tìm đường cứu nước, chính lao động không chỉ giúp mưu cầu sự sống mà còn là một phương cách hữu hiệu để Người hoạt động yêu nước, hoạt động cách mạng, thấu hiểu được tâm tư, tình cảm và ước vọng của giai cấp cần lao, tiếp thu và vận dụng thành công Chủ nghĩa Mác - Lê-nin - hệ tư tưởng của giai cấp vô sản vào hoàn cảnh của Việt Nam.

 Ảnh minh họa
Ðồng chí Hà Ngọc Chiến, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Cao Bằng phân tích sâu sắc những quyết định quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Bằng đối với cách mạng Việt Nam những năm 1941-1945.

Trải qua nhiều năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, sau khi nắm chắc con đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn khát khao trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên Bác chọn Cao Bằng để về nước.

Ngày 28-1-1941 (tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc qua mốc 108 (cũ) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ðồng bào Pác Bó - Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Ngườitrở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị T.Ư lần thứ tám (họp tại lán Khuổi Nặm - Pác Bó vào tháng 5-1941), hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, tập trung sức mạnh toàn dân cho cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương lần thứ tám xác định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

 Ảnh minh họa
Theo PGS, TS Phạm Hồng Chương, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Ðảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), cuộc hành trình ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.

Bắt đầu từ khát vọng từ tuổi 13, Nguyễn Tất Thành đã “muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp”, nhưng không chỉ để thỏa mãn ước mơ hiểu biết của tuổi trẻ, mà là “muốn tìm xem ẩn giấu đằng sau” những gì đã làm nên văn minh và sức mạnh của phương Tây; muốn “xem cho rõ” sự “làm ăn ra sao” của những cường quốc mà các nhà yêu nước Việt Nam đương thời kỳ vọng có thể giúp đất nước mình thoát khỏi ách thống trị thực dân; và “sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.

Cuộc hành trình vĩ đại đến với các dân tộc, chủng tộc ở các châu lục, đặc biệt là trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nhiều nước đã nâng cao trí tuệ, làm giàu văn hóa và mở rộng thế giới quan cho Người - từ tầm mức dân tộc đến nhân loại. Và Người đi tới khẳng định: Vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người không chỉ là nhu cầu của dân tộc và con người Việt Nam mà là của các dân tộc bị áp bức và nhân dân cần lao trên thế giới.

Ði từ Dân tộc đến Nhân loại, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là quá trình từ nhận thức cảm tính đến khoa học. Với thế giới quan khoa học và cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện và nhận thức được quy luật tiến hóa, xu thế phát triển trong tiến trình đi lên của loài người và đi tới khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

 Ảnh minh họa
Trong tham luận, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch và nêu rõ, Người là một nhân vật rất thân thương gần gũi với dân tộc chúng ta, một vị lãnh tụ tối cao của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh việc xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường của Việt Nam, mà đại đoàn kết là một trong những tư tưởng ngời sáng của Người. Thực tế cho thấy, trong những thập kỷ qua, nếu không có sự đoàn kết, thì rõ ràng đất nước ta sẽ không có được độc lập - tự do - hạnh phúc như ngày hôm nay. Ðối với một đất nước đa tôn giáo, đa sắc tộc và chịu nhiều hy sinh, mất mát để giành lại quyền tự chủ từ tay các đế quốc hùng mạnh như Việt Nam ta, vấn đề đoàn kết, đặc biệt là đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh - chính là kim chỉ nam để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên nguồn sức mạnh vĩ đại, chiến thắng và đem đến nền hòa bình, hạnh phúc, thịnh trị cho dân tộc.

Ðặc biệt, đối với tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm mối đoàn kết tôn giáo, bởi đây cũng là một bộ phận cấu thành khối đại đoàn kết dân tộc. Người luôn coi trọng tất cả những đồng bào theo tôn giáo cũng như không theo tôn giáo. Người nói: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc. Phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”.

 Ảnh minh họa
Với tham luận “Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh mãi mãi đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn”, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành Ðoàn TP Hồ Chí Minh khẳng định:

Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có thể khẳng định sự kiện Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 là một sự kiện vĩ đại, có ý nghĩa bước ngoặt, đặt nền tảng cho việc hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong suốt chặng đường lịch sử của mình, Ðoàn TNCS thành phố đã có những đóng góp to lớn trong công tác Ðoàn và phong trào thanh, thiếu nhi chung cả nước và trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố.

Tự hào là đoàn viên, thanh, thiếu nhi thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ thành phố nguyện sẽ mãi mãi đi theo con đường mà Ðảng ta và Bác Hồ đã chọn, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xung kích, tình nguyện thực hiện sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

4. Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước
Báo Bình Định

Cuối năm 1910, Bác Hồ (khi đó là Nguyễn Tất Thành) rời Trường Dục Thanh ở Phan Thiết vào Sài Gòn tiếp tục cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Ngày đó phương tiện đi lại còn rất thô sơ. Xe lửa mới chỉ chạy loanh quanh Sài Gòn từ Chợ Cũ đi Tân Định và Chợ Cũ đi Chợ Lớn... Cả Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ có chừng 5- 7 chiếc ô tô, vì vậy, 200 cây số từ Phan Thiết vào Sài Gòn, Bác vẫn phải đi bằng thuyền buồm.

PHẦN 1
Anh chị em ở Hội Liên Thành cho biết, ngày trước có nghe các cụ tiền bối nói từ Phan Thiết, Bác theo ghe bầu (loại thuyền lớn) chở nước mắm của Công ty Liên Thành - chuyến đó đến Vũng Tàu bị sóng to gió lớn, ghe không vào cửa được phải đậu ở Gành Rái. Bác đã lên bờ đi qua Bà Rịa lên Long Thành để đến Sài Gòn.

1.
Bác Hồ tới Sài Gòn. Lúc đó, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định còn tách riêng bởi nhiều ruộng, kinh rạch, ao hồ và đầm lầy. Tuy dân cư thưa thớt, chợ Bến Thành chưa xây xong, chợ Sài Gòn còn rất nhỏ, nhóm họp trên nền Tổng Ngân khố ở đường Nguyễn Huệ bây giờ, nhưng Sài Gòn đã có nước máy, có đèn điện. Nhà ga xe lửa nằm giữa đường Hàm Nghi. Trên các phố chủ yếu là xe ngựa gọi là “xe kiếng”, xe thổ mộ, xe song mã và xe kéo tay... Hải cảng Sài Gòn cho hạm thuyền 3 buồm hạng lớn và tàu thủy chạy bằng hơi nước mới xây dựng.
Những năm đó, Sài Gòn là thành phố Viễn Đông tráng lệ của thực dân Pháp. Với Bác, đây vẫn là thành phố của bất công và nghèo đói. Về sau, trong những bài báo, diễn văn viết, nói ở nước ngoài, Người đã đơn cử rất nhiều trường hợp về cái gọi là khai hóa, là văn minh, là công lý của bọn thực dân ở thành phố này...
Đến Sài Gòn, đầu tiên Bác tìm đến nhà người anh em bạn dì của cụ Nghè Mô là ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, khi ấy là vựa chiếu. Một thời gian sau, cụ Nghè Mô và ông Hồ Tá Bang đưa Bác đến ở nhà 1-2-3 đường Tecxa, Chợ Lớn, hồi ấy là trụ sở của Thương quán Liên Thành phân cuộc.
Những người kế tục của Công ty Liên Thành cho biết, ngày trước 3 gian nhà này chỉ là nhà một tầng, lợp ngói âm dương. Bác ở đây cho đến ngày xuống tàu. Sau ngày miền Nam giải phóng (tháng 4-1975), nơi đây được đổi thành nhà số 3 và 5 đường Châu Văn Liêm (Chợ Lớn), trong đó nhà số 5 được giữ làm di tích nơi Bác Hồ rời Sài Gòn xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước (được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử ngày 16-11-1988).
Trong thời gian ở đây, Người thường đi thăm cụ thân sinh đang làm nghề bốc thuốc ở cầu Ông Lãnh. Các cụ ở Liên Thành kể lại rằng, tết năm đó thầy Thành nói: “Tôi về ăn tết với cha”. Thành phố Sài Gòn đã có một mùa xuân in đậm trong Bác. Mùa xuân đó Sài Gòn chưa có bình minh. Trong đêm đen nô lệ, chắc chắn Bác và cụ Phó bảng - thân sinh của Bác - cũng chỉ đón tết với lòng xót xa thương dân, thương nước.

2.
Đầu tháng 3, Bác xin vào học ở trường dạy nghề mở gần Chợ Cũ - trường này đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son. Có phải Bác muốn có một cái nghề để ra đi không?
Đồng chí Hà Huy Giáp kể lại, có lần Bác nói: “Bác đâu có ý định học thợ, nhưng trong lúc lang thang để tìm cách sang phương Tây, mà có nơi cho mình học, có cái ăn là mình vô thôi”.
Bác học tại trường được 3 tháng. Trong ngót 100 ngày đó, Bác đã dành nhiều thời gian quan sát Sài Gòn. Cái gì đối với Bác cũng mới lạ, từ nhà cửa đến đèn điện, máy nước, xe cộ, chiếu bóng... nhưng điều lạ hơn cả là trong bối cảnh như vậy sao dân mình vẫn khổ sở và bị khinh rẻ. Phải làm gì để cứu dân, cứu nước? Trong một lần đến thăm cha, Bác được cụ Phó bảng dạy: “Tìm thăm cha là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc”...
Suy nghĩ đúc kết những bước đi của các vị tiền bối, Bác khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp… Các cụ đã giúp thêm cho Bác quyết tâm, ý chí và nghị lực. Nhưng Bác “không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào”.
Bác phân tích: Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, Bác nhận thấy điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến… (1)
Người thấy rõ và quyết định con đường nên đi. Đồng chí Hà Huy Giáp kể rằng, có lần Bác nói: “Cách mạng là con chim đại bàng có 2 cánh, một cánh vỗ ở các nước thuộc địa, một cánh vỗ ở các nước chính quốc. Có 2 cánh vỗ thì đại bàng mới bay được”. Trong đêm đen nô lệ của đất nước, Bác đã là cánh chim đại bàng - “cánh chim không mỏi”.
Khi quyết tâm ra đi, Bác rủ một người bạn:
- Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thực ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?
Người bạn ngạc nhiên sửng sốt hỏi:
- Nhưng... lấy đâu ra tiền mà đi?
Bác giơ 2 bàn tay lên cả quyết:
- Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc, ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?
Trước lòng quyết tâm của Bác, anh bạn đã đồng ý, nhưng sau đó anh không đủ can đảm thực hiện lời hứa. (2)

3.
Tháng 4-1862, Công ty Vận tải đường biển Hoàng gia Pháp Messageries Impériales (MI) bắt đầu hoạt động tuyến đường từ Pháp đi Sài Gòn - Hồng Công... Trụ sở của công ty ở Sài Gòn là ngôi nhà 3 tầng nằm ở hữu ngạn vàm rạch Bến Nghé (3), trên nóc có 2 con rồng quay đầu vào chầu mặt trăng theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Sau này (khoảng năm 1920), khi hãng MI đổi thành hãng Messageries Maritimes, mặt trăng được thay bằng phù hiệu của hãng có hình đầu ngựa, mỏ neo, vương miện, hai bên có 2 con rồng chầu, nhưng lại đặt đầu quay ra hai bên, bốn góc có 4 con cá hóa rồng chầu ra bốn hướng theo cung cách đình chùa Việt Nam. Một nhà báo Pháp viết rằng, đó là cách điệu của người Pháp để nói các con tàu ra đi từ xứ Á châu này. Coi mặt đặt tên, nhân dân ta gọi đó là Nhà Rồng. Tên gọi bến Nhà Rồng cũng xuất phát từ đó.
Bên này vàm rạch Bến Nghé có cột cờ Thủ Ngữ để làm mốc cho tàu buôn ra vào. Cột cờ dựng ở trước Sở thuế của cảng Sài Gòn (khi đó còn gọi là Sở Thủ ngự như tên gọi dưới thời Vua Tự Đức). Cũng như vậy, ngày 15-8-1862, tại Vũng Tàu, khánh thành ngọn hải đăng dẫn đường cho tàu vào cửa Cần Giờ.
Sau MI, có thêm hãng tàu Chargeurs Resunis (mới thành lập, chạy đường Pháp và Đông Dương từ năm 1901), chạy trên đường này. Hãng có đội tàu 7 chiếc. 6 tàu lớn chia nhau chạy các tuyến giữa hải cảng Pháp và Đông Dương. Chiếc Chợ Lớn nhỏ hơn, chạy bổ túc quanh năm. Từ Đông Dương đi Pháp có 2 nơi khởi hành: từ Hải Phòng vào ngày 27 mỗi tháng, từ Sài Gòn vào ngày 5 mỗi tháng. Hãng này có huy hiệu 5 ngôi sao nên người Việt Namthường gọi là hãng Năm Sao. Tàu Amiral Latouche Tréville là một trong 7 chiếc tàu của hãng Năm Sao, do xưởng đóng tàu La Loire sản xuất ở vùng Saint Nazaire, hạ thủy ngày 21-3-1903, đăng ký tại cảng Le Havre năm 1904. Đây là một trong những tàu cỡ lớn đầu thế kỷ 20, vừa chở người vừa chở hàng. Hãng tàu Năm Sao có bến trong thương cảng Sài Gòn - ngày đó dài chừng 600m, nối tiếp với quân cảng kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội bên này rạch Bến Nghé, khi ấy gọi là Quai Francis Garnier, nay cũng là một phần đường Tôn Đức Thắng.
Thương cảng Sài Gòn năm 1911 khá tấp nập, trang bị đầy đủ và ở vào đầu mối giao thông rất thuận lợi, chỉ dài 600m mà có nhiều đại lộ châu đầu vô bến. Đó là các đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), Catinat (nay là đường Đồng Khởi), Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), Krantz và Duperré (nay là đường Hàm Nghi). Nhà ga đường sắt đi Mỹ Tho và Phan Thiết đặt ở đầu đường Hàm Nghi tiếp cận với thương cảng. Nhà ga tàu hơi (tramway) cũng ở ngay đầu đường Nguyễn Huệ. Tàu hơi chạy dọc suốt thương cảng và quân cảng, một phía đi Gia Định rồi Hóc Môn, phía kia đi Chợ Lớn. Chợ Bến Thành (cũ) nằm gần đầu đường Nguyễn Huệ, nay là kho bạc. Qua thương cảng, khối lượng chuyên chở hành khách và hàng hóa của cảng ngày càng gia tăng (riêng lúa gạo, năm 1861 xuất khẩu 80.000 tấn, năm 1891 xuất khẩu 440.000 tấn, năm 1911 xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn).
Thương cảng Sài Gòn khi ấy có 5 cầu tàu: 3 cầu tàu nhỏ ở đầu đường Đồng Khởi dành cho các hãng chuyên chở đường sông, 1 cầu tàu lớn ở đầu đường Nguyễn Huệ dành cho các tàu viễn dương và 1 cầu tàu nhỏ ở đầu đường Hàm Nghi dành cho hãng tàu người Hoa. Brébion đã mô tả Thương cảng Sài Gòn hồi 1911: “Trên bến Francis Garnier (nay là bến Bạch Đằng), phía bờ sông có nhiều loại cầu tàu chiếm chỗ. Một trong số cầu tàu lớn nhất là nơi cập bến các tàu lớn thuộc hãng Chargeurs Resunis (hãng Năm Sao).
Chúng ta có thể khẳng định bến đậu tàu Amiral Latouche Tréville là cầu tàu lớn của Thương cảng Sài Gòn nơi đầu đường Nguyễn Huệ. Đây là một vị trí khang trang và thoáng đãng hạng nhất thành phố: Nhìn vào đất liền qua đường Nguyễn Huệ rộng rãi thấy trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố (nhà Xã Tây cũ với kiến trúc đặc sắc ghi dấu một thời), nhìn sang phía sông thấy ngôi Nhà Rồng đồ sộ với dáng vẻ Âu Á pha trộn dễ gây ấn tượng.(4)
Sau này khi Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra, ở Việt Nam là cuộc kháng chiến chống Pháp, hãng tàu Năm Sao không hoạt động ở Việt Nam và bến cảng bỏ phế. Các tàu bè ra vào chỉ cập cảng Nhà Rồng là chủ yếu. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Thương cảng Sài Gòn trở thành bến sông cho các thuyền dịch vụ và thành phố chỉ còn 1 thương cảng là bến Nhà Rồng. Do đó ngày nay chúng ta gọi Bác Hồ ra đi từ bến Nhà Rồng vẫn được, bởi vì bến cảng Nhà Rồng ngày nay là hiện thân tiêu biểu cho các thương cảng của Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20.

(1) và (2) Theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên.
(3) Vàm rạch: cửa sông Bến Nghé.
(4) Theo tài liệu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét