Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

ATK Thái Nguyên - hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng


ATK Thái Nguyên - hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng
20:23' 18/5/2012
Lán Khuôn Tát ở xã Phú Đình - một trong những di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Định Hóa - Thái Nguyên.l
(TCTG) - Trở thành một bộ phận của căn cứ địa Việt Bắc, là ATK đảm bảo cho các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước, vị trí chiến lược của Thái Nguyên đã được nâng lên một tầm cao mới. Sự ra đời của ATK trên đất Thái Nguyên và tính khả dụng của nó đối với cách mạng và kháng chiến đã thể hiện rõ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời cũng minh chứng cho vị thế quan trọng của Thái Nguyên trong những điều kiện lịch sử mới.


Trong thư gửi đồng bào các tỉnh Cao, Bắc, Lạng ngày 2/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của căn cứ địa Việt Bắc đối với sự phát triển của phong trào cách mạng cả nước: “Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”(1]. Việt Bắc, nơi mà “lòng yêu nước của đồng bào, nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch”(2) đã được lịch sử chứng minh là hậu phương vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, hậu phương lớn Việt Bắc với căn cứ địa trung tâm là Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang đã trở thành nơi nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng cho cả dân tộc: “Ở đâu u ám quân thù - Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi - Ở đâu đau đớn giống nòi - Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền” (Việt Bắc - Tố Hữu).
Trở thành một bộ phận của căn cứ địa Việt Bắc oai hùng, trở thành ATK đảm bảo cho các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước, vị trí chiến lược của Thái Nguyên đã được nâng lên một tầm cao mới. Sự ra đời của ATK trên đất Thái Nguyên và tính khả dụng của nó đối với cách mạng và kháng chiến đã thể hiện rõ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, đồng thời cũng minh chứng cho vị thế quan trọng của Thái Nguyên trong những điều kiện lịch sử mới.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng là một bộ phận cấu thành của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng căn cứ địa cách mạng được hình thành và phát huy tác dụng trong quá trình vận động cách mạng tháng Tám, góp phần làm nên thắng lợi của sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật giải phóng dân tộc. Tư tưởng này được kế thừa và phát triển một cách sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đem lại hoà bình, thống nhất và độc lập dân tộc.
Biểu hiện tập trung của tư tưởng Hồ Chí Minh về căn cứ địa thể hiện trong công trình “Chiến thuật du kích” của Người, do Việt Minh xuất bản năm 1944. Chương XIII - “Căn cứ địa” tuy ngắn gọn nhưng đã thể hiện rõ tư tưởng của Người về vấn đề này: Sau khi hình thành hạt nhân chiến đấu là các đội tự vệ chiến đấu, các đội quân du kích... cần xây dựng căn cứ địa theo các nguyên tắc cơ bản: a) Với đường lối chính trị cứu nước, với phương châm “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”, lại chưa có chủ quyền lãnh thổ, đất đai, thì trước hết: “Đội du kích trong lúc hoạt động đánh quân thù, cần có một vài nơi đứng chân làm cơ sở. Tại nơi ấy, đội du kích tích trữ lương thực, thuốc đạn, lâu lâu về đó nghỉ ngơi, luyện tập”, “Đội du kích hoạt động phát triển nhiều thì chỗ cơ sở nhỏ đầu tiên ấy có thể trở nên căn cứ địa vững vàng”. b) Nguyên tắc xây dựng căn cứ phải gắn liền với nguyên tắc lựa chọn địa hình, địa lợi, tức coi trọng yếu tố địa lý. Trong đó, cùng với “địa thế, địa hình” cần quan tâm tới yếu tố “địa-chính trị”, tức sự ủng hộ, che chở của quần chúng cách mạng. Tác phẩm “Chiến thuật du kích” nêu rõ: “Nơi ấy phải có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ”. c) Nguyên tắc thứ ba là “Phải tiến tới xây dựng được chính quyền cách mạng cho căn cứ địa”. Từ nhiều cơ sở được chọn làm căn cứ, phải lựa chọn được nơi vững vàng nhất. Ở đó, sau khi đánh đổ được chính quyền địch phải xây dựng cho được chính quyền cách mạng: “Chưa thành lập được chính quyền địa phương thì căn cứ địa khó thành lập và không thể củng cố được”. d) Nguyên tắc thứ tư là: Từ căn cứ địa, lực lượng du kích phát triển, phải tiến tới thành lập được các đội quân chính quy: “Có chính quyền cách mạng của địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực lượng và hóa ra quân chính quy”(3).
Cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu vào lúc nhân dân ta vừa giành được chính quyền. Mười sáu tháng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa tạm thời hoà hoãn, chưa đủ để nhân dân ta khắc phục những hậu quả nặng nề của đế quốc, phong kiến và chiến tranh để lại. Ngược lại, thực dân Pháp có một đội quân viễn chinh nhà nghề giàu kinh nghiệm đi xâm lược, được trang bị vũ khí hiện đại. Nước Pháp là một cường quốc tư bản, có nền công nghiệp tiên tiến nên tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Trong điều kiện so sánh lực lượng vật chất giữa ta và địch hết sức chênh lệch, muốn đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, chúng ta không thể “đem toàn lực dốc vào một vài trận hòng phân thắng bại", mà phải có thời gian để chuyển hóa lực lượng, tức là phải kháng chiến lâu dài. Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo tồn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn, không chỉ có địa hình thuận lợi, mà phải có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Vì thế chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng hậu phương do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra phản ánh quy luật tất yếu của cuộc kháng chiến.
2. Sau một thời gian dài hoạt động ở nhiều nước, cuối năm 1938, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô đi Trung Quốc để tìm cách về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Đầu năm 1940 Người đến Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam) và đến tháng 8 năm ấy, Người trở lại Quế Lâm cùng với một số cán bộ, chuẩn bị điều kiện và chờ cơ hội trở về Tổ quốc. Tháng 10/1941, với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta... Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ"(4). Như vậy, ngay từ khi còn ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có sự quan tâm đặc biệt đến phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, thấy rõ Thái Nguyên là nơi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết của một căn cứ địa cách mạng ở buổi ban đầu, đó là thiên thời, địa lợi, nhân hoà và đáp ứng được nhu cầu mà công cuộc giải phóng dân tộc đã đặt ra.
Sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp càng lúc càng lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức được ngày trở lại Việt Bắc có thể tới gần, cần phải củng cố ngay cái nôi của cách mạng là căn cứ địa Việt Bắc. Vì thế, Người đã trao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng 10/1946, sau khi từ Pháp trở về, Người lại phái Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị địa điểm xây đựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô. Đầu tháng 11/1946, theo chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Trần Đăng Ninh tổ chức Đội công tác đặc biệt lấy bí danh là Trung đội 13 (thành phần gồm đại biểu của các ngành: quân sự, công an, cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ…) đi nghiên cứu kế hoạch hành quân cho các cơ quan Trung ương từ Hà Nội lên Việt Bắc đảm bảo tuyệt đối bí mật an toàn. Giữa tháng 12/1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực tế, cân nhắc kỹ lưỡng mọi mặt, Đội quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) làm nơi xây dựng ATK của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố “địa lợi” và “nhân hoà” đảm bảo sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động.
Từ khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đêm 19/12/1946, chúng ta càng thấy rõ tầm nhìn chiến lược của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn vùng rừng núi Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng để xây dựng căn cứ địa kháng chiến của toàn dân. Nhận định sáng suốt mang giá trị thực tiễn cao đó căn cứ vào các yêu cầu khách quan, khoa học cần có đối với một căn cứ địa cách mạng:
Thứ nhất, căn cứ địa phải là nơi có vị thế chiến lược để “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, có đường giao thông liên lạc thuận tiện cả trong nước và quốc tế. Thái Nguyên vừa ở vị trí tiếp nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc vừa ở vào vị trí trung tâm căn cứ địa. Chính điều này đã tạo ra cái thế “tiến có thể đánh, lùi có thể giữ” của Thái Nguyên: Từ đây có thể cơ động khắp miền trung châu xuôi xuống Hà Nội, lên Tây Bắc hay xuống duyên hải Đông bắc bộ. ATK có hệ thống mạng lưới đường mòn tỏa đi các tỉnh khác trong căn cứ địa Việt Bắc thuận lợi cho việc tiếp tế, đảm bảo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ mau chóng đến các địa phương song lại gây trở ngại lớn cho việc hành quân cơ giới của địch. Từ ATK Thái Nguyên có thể sang Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn thông ra biên giới đảm bảo giao lưu quốc tế. Nhờ đó, hình thành nên thế chân kiềng với nhiều lợi thế, thuận tiện cho việc thay đổi nơi ở, nơi làm việc, chặng đường di chuyển lại không quá xa, luôn đảm bảo kịp thời cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quân dân ta trong cuộc kháng chiến.
Thứ hai, căn cứ địa phải là nơi có cơ sở cách mạng sớm, có gốc nền nhân dân và phong trào quần chúng mạnh mẽ. ATK Thái Nguyên là địa bàn của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Tuy khác nhau về ngôn ngữ nhưng lòng yêu nước đã gắn kết họ thành một khối đoàn kết thống nhất. Trong gần 10 thế kỷ (thế kỷ I đến thế kỷ X) dưới ách thống trị của phong kiến Trung Quốc, nhân dân Thái Nguyên góp phần cùng nhân dân cả nước kiên cường, bền bỉ chống lại ách nô dịch và âm mưu đồng hóa của chúng. Gần 10 thế kỷ tiếp theo (thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII) các dân tộc Thái Nguyên lại cùng nhân dân cả nước đánh bại nhiều cuộc xâm lược của ngoại bang. Vì vậy, nhân dân các dân tộc anh em nơi đây mang đầy đủ bản sắc tốt đẹp là: anh dũng, kiên cường, không chịu khuất phục một sức mạnh nào; thật thà, chất phác, thủy chung... Nhất là khi được Đảng tuyên truyền, giác ngộ thì truyền thống ấy được nhân lên gấp bội và càng trở nên sâu sắc. Trải qua cuộc vận động cách mạng tháng 8/1945, đồng bào nơi đây đã được giác ngộ chính trị sâu sắc, một lòng gắn bó với Đảng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng.
Thứ ba, căn cứ địa phải là nơi có điều kiện để tự cấp, tự túc, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ. Thái Nguyên là tỉnh có vị trí chiến lược hiểm yếu, sau lưng là miền rừng núi đại ngàn, điểm cuối của dãy Hoàng Liên hùng vĩ, được vòng cung Bắc Sơn và Sông Gâm bao bọc. Trước mặt là vùng trung du đồi gò bát úp và những dải đồng bằng hẹp trung lưu sông Cầu, sông Công. Địa thế các huyện Định Hóa, Phú Lương hiểm trở đồi núi xen lẫn thung lũng thuận tiện cho việc ẩn náu, có thể sản xuất tự cấp và giữ được bí mật. Chính nhờ điều kiện tự nhiên và truyền thống cần cù trong lao động của nhân dân các dân tộc, Thái Nguyên có thể tự cung, tự cấp kinh tế trong điều kiện hoạt động bí mật. Đây là địa bàn mà địch khó có thể tập trung lực lượng để đàn áp trên phạm vi toàn tỉnh.
Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ATK Định Hoá. Cùng với Bác, Tổng hành dinh rút khỏi Hà Nội, tiến về chiến khu. Cuộc di chuyển được ghi lại như một cuộc “thiên đô”. Cùng với Việt Bắc, Thái Nguyên mở rộng vòng tay đón hàng ngàn đồng bào Hà Nội và các tỉnh lân cận lên tản cư. Từ đây, “Thủ đô gió ngàn” bắt đầu trọng trách lớn lao của mình.
Thủ đô kháng chiến đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ một địa bàn lý tưởng để sống, làm việc và lãnh đạo toàn dân trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến. Trong đó, địa danh Điềm Mạc thuộc xã Thanh Định, Định Hoá là nơi Bác ở lâu nhất: 4 tháng 22 ngày. Lúc đầu Bác ở tạm tại nhà ông Ma Đình Tương, Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện, sau anh em dựng một ngôi nhà nhỏ dựa vào vách núi, bên cạnh một cái hang trên đồi Khau Tý làm chỗ ở cho Bác. Ngôi nhà sàn hai gian, có 6 cột gỗ, rộng khoảng 40 mét vuông, cao hơn mặt đất 1mét, cầu thang lên nhà gồm 5 bậc, xung quanh nhà che bằng phên nứa rất thoáng. Cách nhà sàn khoảng 10 mét là một căn nhà nhỏ làm hội trường và nhà ăn, khoảng giữa còn có sân tập thể dục và xà đơn. Bác thường làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng, Lê Đức Thọ và Võ Nguyên Giáp (5). Cũng trên đồi Khau Tý, Bác đã viết bài thơ Cảnh khuya bộc lộ cảm xúc thẩm mỹ cao đẹp trước cảnh đẹp nên hoạ, nên thơ của vùng núi rừng Việt Bắc mà vẫn chất chứa những ưu tư, suy nghĩ của những đêm thao thức không ngủ vì vận mệnh đất nước:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Ngoài ra, trong thời gian ở ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống và làm việc tại các địa điểm như: Làng Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 15/10 đến 17/11/1947. Ở đó, Người đã viết Thư gửi những người Nam Bộ trong quân đội Pháp và tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (với bút danh X.Y.Z). Xóm Khuân Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ba lần từ 20/11 đến 28/11/1947; từ 11/1 đến 7/3/1948 và từ 5/4 đến 1/5/1948. Thời gian này, Người đã viết nhiều tài liệu, ký nhiều sắc lệnh quan trọng nhằm củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, đẩy mạnh lực lượng vũ trang, chuẩn bị thay đổi cục diện chiến trường chống Pháp. Xóm Nà Lọm, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ ngày 8/3/1948. Đồi Tỉn Keo, xã Phú Định, Định Hóa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị và chỉ đạo công cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai…
Trong suốt thời gian chiến dịch Việt Bắc diễn ra ác liệt, anh em cận vệ đã bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển an toàn đến nhiều địa điểm khác nhau như Khuôn Tát-Khuôn Đào - Khuổi Tấu - Bản Ca thuộc cả hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nơi Bác ở lâu nhất là 1 tháng 2 ngày còn nơi ở ngắn nhất chỉ 3 ngày. Do yêu cầu bí mật, phải thường xuyên di chuyển và thay đổi chỗ ở, đại bản doanh của Bác trong thời gian này thường chỉ là một cái lán bằng tre, thấp, vừa tránh được thú rừng. Bác đã rất hài lòng với những văn phòng dã chiến giữa lòng dân của mình:
Trên có núi, dưới có sông
Có đất ta trồng, có bãi ta chơi
Tiện đường sang Bộ Tổng
Thuận lối tới Trung ương
Nhà thoáng, ráo, kín mái
Gần dân, không gần đường
Qủa đúng như vậy, có sống trên Thủ đô gió ngàn ngày ấy mới cảm nhận hết được tấm lòng nhân dân các dân tộc nơi đây. Toàn bộ bộ máy của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng đều đặt ở hậu phương lớn này. Các đơn vị vũ trang lớn ra đời và đồn trú ở đây. Các nhà máy, các công binh xưởng đều đặt ở vùng núi rừng hiểm trở. Tất cả các xã, các bản, các huyện đều phải nhận thêm số người, có khi đông hơn cả số dân của mình. Những xã Trung ương ở nhiều nhất là Thanh Định, Phú Đình (Định Hóa), Vai Cày (Đại Từ), ngoài ra còn nhiều địa điểm tạm thời. Đồng bào các dân tộc đã vươn lên gánh vác xứng đáng nghĩa vụ thiêng liêng tuy rất nặng nề, tưởng chừng quá sức chịu đựng của một vùng kinh tế vẫn còn lạc hậu. Nhà ở chật chội nhưng đồng bào sẵn sàng nhường chỗ tốt nhất cho cán bộ, bộ đội. Ăn không đủ no nhưng đồng bào sẵn sàng nhường gạo cho những người chiến đấu. Không ngại núi cao, suối sâu và cả bom đạn của địch, ngày đêm lăn lộn vận chuyển lương thực, đạn dược ra tiền tuyến. Dù ở đâu trên mảnh đất Thái Nguyên, nhân dân đều hết lòng bảo vệ kháng chiến, bảo vệ ông Ké. Khẩu hiệu “3 không”: “không nghe, không thấy, không biết” được mọi người thuộc nằm lòng và triệt để thực hiện. Suốt thời gian kháng chiến, không một điều bí mật nào tiết lộ.
3. Đóng vai trò “thánh địa” kháng chiến – thủ đô gió ngàn của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ATK còn là nơi đón tiếp, gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam với đại biểu nước ngoài, đặt cơ sở cho việc xây dựng nền ngoại giao giữa Việt Nam với thế giới. Tháng 1/1950, từ ATK Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi thăm Trung Quốc và Liên Xô. Từ đó, mở ra một thế phát triển mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tại một địa điểm thuộc xã Phú Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ trung ương Đảng tiếp phái viên của đồng chí Chu Ân Lai, bàn về việc phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau của quân đội 2 nước Trung Quốc và Việt Nam. Ngày 1/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Đây là Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. ATK cũng đã chứng kiến nhiều hoạt động ngoại giao khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Người đã từng tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Lêô Phighe dẫn đầu, các đoàn cố vấn Trung Quốc, đoàn điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Cácmen… để chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới. Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ thân thiện, hợp tác mở rộng giữa nước ta và các nước trên thế giới được bắt nguồn từ ATK Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong những ngày đầu tiên sau khi hòa bình lập lại.
Từ ATK Thái Nguyên, hàng loạt quyết định lịch sử quan trọng cũng đã ra đời: Các binh đoàn chủ lực như Đại đoàn 308 - quân tiên phong, Trung đoàn 174, Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn pháo phòng không 367… được thành lập trên cơ sở các quyết định từ Tổng hành dinh đóng ở Định Hóa và cũng đứng chân trên Thủ đô kháng chiến. Những quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội đều ra đời trong thời gian các cơ quan lãnh đạo cao nhất có mặt ở Định Hóa: Ngày 6/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 58/SL, đặt 3 loại huân chương: Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập để tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân; hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam; Ngày 20/1/1948, Người ký 6 sắc lệnh (sắc lệnh số 110, 111, 112); Tiếp đó, Bác ký 16 sắc lệnh ngày 25-1… Từ tháng 2 đến ngày 7/9/1948, Người viết bài, ký sắc lệnh, gửi thư, trả lời phỏng vấn của báo chí, ra Lời kêu gọi gửi nhân dân cả nước và toàn thể các tướng sĩ nhân dịp 1.000 ngày kháng chiến (ngày 10-6), Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (ngày 11-6)… Mảnh đất này cũng đã chứng kiến một sự kiện đáng nhớ của quân đội nhân dân Việt Nam, đó là Lễ sắc phong quân hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và phong quân hàm cho một số tướng lĩnh quân đội vào ngày 28/5/1948.
Các quyết định mở những chiến dịch lớn trong suốt cuộc kháng chiến cũng xuất phát từ đây. Ngày 9/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ATK Thái Nguyên thăm Hội nghị giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Bắc (do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức). Để đối phó với âm mưu và hoạt động của địch, Người đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954. Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Người chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954. Ngày 1/1/1954, cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Như vậy là Thái Nguyên chính là nơi khởi nguồn của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp, với sự giúp đỡ can thiệp Mỹ.
Như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đã luôn coi mảnh đất này là quê hương thứ 2 của mình, khẳng định: Rõ ràng, Thái Nguyên là thủ đô của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp. Nhiều chủ trương, đường lối kháng chiến kiến quốc được quyết định ở đây và từ đây Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Cùng với nhân dân các dân tộc căn cứ địa Việt Bắc, ATK Bắc Cạn, Tuyên Quang, đặc biệt là ATK Thái Nguyên đã không chỉ che chở, đùm bọc Người và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, mà còn có quyền tự hào đã trực tiếp đóng góp sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Cùng với thời gian, những bài học kinh nghiệm trong xây dựng Việt Bắc - căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó ATK Thái Nguyên, đã không chỉ được kế thừa, bổ sung mà còn ngày càng phát triển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.
ThS. Vũ Thị Kim YếnKhu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

________________________________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập (xuất bản lần thứ hai), Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2000, t.5, tr.207
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5,tr.366
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.504
(4) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2010, tr.33
(5) Đỗ Hoàng Linh: Chủ tịch Hồ Chí Minh hành trình kháng chiến, Nxb Công an nhân dân, H.2007, tr.35

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét