Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

An toàn khu Trung ương Việt Bắc (1945 – 1975)


An toàn khu Trung ương Việt Bắc (1945 – 1975)

+ Giai đoạn 1945 - 1954

+ Vị trí chiến lược của An toàn khu

     An toàn khu: là một vùng an toàn nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc ở địa phận ba tỉnh Bắc Cạn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Đây là nơi có “thiên thời, địa lợi, có cơ sở quần chúng vững chắc, là nơi đặt cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tham mưu quân đội ta từ 1947 – 1954. Nó là nơi bảo vệ an toàn cho các cơ quan đầu não, và có thể chiến đấu, có thể thủ khi cần thiết được bảo vệ bởi vành đai căn cứ địa.

- Việt Bắc là một vùng lãnh thổ nằm ở thượng du Bắc Bộ, phía bắc giáp Trung Quốc, phía đông giáp Quảng Ninh, phía Nam giáp đồng bằng Bắc Bộ, phía Tây giáp vùng Tây Bắc, thuộc phạm vi 10 tỉnh Bắc Bộ: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Cạn, phần lớn tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, một phần phía bắc Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bắc Giang.
- Việt Bắc là nơi có nhiều hang động lớn thuận lợi cho việc cất giấu lương thực, thực phẩm của đồng bao dân tộc trong vùng mỗi khi có giặc đến.
- Việt Bắc có nhiều sông, suối, địa hình dốc, núi rừng hiểm trở, giao thông khó khăn trở ngại, khó khăn nhưng nó là nơi thuận lợi cho hoạt động cách mạng thời kỳ trứng nước, đặc biệt là chiến tranh du kích. Dựa vào địa thuận lợi đó, ta có thể tiến công địch, hoặc phòng thủ nếu cần thiết.
- Việt Bắc với nhiều sông, suối, đường mòn thuận lợi cho việc ta liên lạc được với quốc tế, dễ dàng mở rộng phong trào cách mạng xuống đồng bằng, duyên hải.

+ Việt Bắc là nơi có truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm
Việt Bắc có trên 30 dân tộc anh em, các dân tộc đều có quan hệ mật thiết với nhau, có tình cảm với nhau rất chân thực và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. trong lịch sử, vùng này là chiến trường khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, tranh giành bè phái. Thời Pháp, giặc dùng chính sách “chia để trị” để chia rẽ dân tộc, đàn áp dã man cuộc đấu tranh của nhân dân. Sau khi Đảng ra đời vào năm 1930, nhiều nơi như Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) đã xây dựng các cơ sở Đảng, về sau thì mở rộng dần ra xung quanh. Năm 1940, ta thành lập căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai (Lạng Sơn – Thái Nguyên). Năm 1941 sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng làm nơi thí điểm cho việc tổ chức các hội Cứu quốc ở Việt Nam, và dần thông qua cách mạng quần chúng, ta đã nối liền 2 căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn – Võ Nhai thành khu liên hoàn thống nhất.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, Việt Bắc là nơi có phong trào mạnh nhất cả nước, nhiều nơi đã xóa bỏ chính quyền địch thành lập chính quyền nhân dân. Tháng 6/1945, ta thành lập Khu giải phóng Việt Bắc bao gồm toàn bộ vùng trung du miền núi phía Bắc, lấy Tân Trào làm thủ đô kháng chiến. Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, toàn khu giải phóng đã được giải phóng hoàn toàn. Chính quyền bắt đầu tịch thu ruộng đất của địa chủ chia dân nghèo, hướng dẫn nhân dân cày cấy, lập các Hội đồng cứu quốc, Ban Giáo viên chính trị để tuyên truyền cách mạng cho nhân dân.

+ Sự ra đời của An toàn khu Việt Bắc

      Sau khi nước ta giành độc lập, các thế lực thực dân đã âm mưu quay trở lại xâm lược nước ta, đặc biệt là Pháp. Hiệp định Sơ bộ, Tạm ước Việt – Pháp vừa ký chưa ráo mực, Pháp ngang nhiên bội ước, đánh phá Hải Phòng, Lạng Sơn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
     Trước tình hình đó, Trung ương Đảng nhận định: “không sớm thì muộn Pháp cũng sẽ đánh mình, mình cũng nhất định phải đánh Pháp” kêu goi nhân dân sẵn sàng chiến đấu tự vệ bất cứ lúc nào, chuyển đường lối kháng chiến từ đánh nhanh – thắng nhanh sang đánh lâu dài, trường kỳ với Pháp; đồng thời nữa là xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập căn cứ địa cách mạng, đặc biệt vấn đề xây dựng căn cứ địa được đặt lên hàng đầu.
     Nhận thức được điều này, sau khi cách mạng tháng Tám thành công, chính phủ đã cử một số cán bộ cấp cao đi lên Việt Bắc củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Tháng 11/1946, Đảng thành lập Đội công tác đặc biệt (Trần Đăng Ninh phụ trách) để lo việc nghiên cứu di chuyển, chọn địa điểm an toàn để đặt các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan khác. Sau một thời gian khảo sát, cân nhắc kỹ lưỡng, đội quyết định chọn vùng đất thuộc địa phận các huyện Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Cạn), Sơn Dương, Yêm Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để làm An toàn khu, trong đó Định Hóa, Chợ Đồn, Sơn Dương, Yêm Sơn là trung tâm chính.
    Sau khi xây dựng xong An toàn khu, hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu lương thực được di chuyển lên đó. Khi cuộc chiến tranh diễn biến ác liệt, ta chủ trương vận chuyển gạo, muối (2 vạn tấn) là hai thứ rất quan trọng trong cuộc kháng chiến, đảm bảo đồng bào chiến sĩ đủ lương thực để sinh sống và chiến đấu. Các máy móc, vật tư, các cơ quan y tế cũng được di chuyển lên đó. Trong đợt di chuyển đầu tiên, ta đưa được 4 vạn tấn máy móc lên Việt Bắc, nhờ đó xây dựng được 57 cơ sở sản xuất kịp thời trước khi toàn quốc bước vào kháng chiến. Đến 1947, tổng di chuyển đã hoàn thành. Trong khi đó, các cơ quan đầu não của ta được phân tán khắp nơi:
-         Cơ quan Trung ương Đảng đóng ở Định Hóa, Tân Trào, Chợ Đồn.
-         Cơ quan Chính phủ đóng ở Chợ Đồn, Tân Trào, Sơn Dương.
-         Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy đóng ở Chợ Đồn, Định Hóa.
-         Bộ Tổng Tham mưu đóng ở Định Hóa, Võ Nhai.
-         Xưởng quân giới thì đóng ở Định Hóa…..

      Ngoài ra để đảm bảo bí mật, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo thường xuyên thay đổi địa điểm cư trú: lúc thì ở Sơn Tây, làng Xảo (Sơn Dương), Điềm Mặc (Định Hóa) tháng 5/1947; tháng 11 di chuyển 4 lần: Khuôn Tát (Phú Đình); Khuôn Đào, Trung Yên (Sơn Dương); Khuổi Tấu (Yên Sơn) và Bản Ca (Chợ Đồn). Từ năm 1948 – 1952 lại di chuyển qua 6 địa điểm nữa thuộc vùng Định Hóa, Sơn Dương, Tân Trào, Yên Sơn.
     Cùng với sự phát triển của An toàn khu Trung ương, các An toàn khu ở địa phương cũng được thành lập. Ở Hà Nội đã thành lập khu XI (Thanh Trì, Thanh Oai, Hoài Đức, Đan Phượng) khu này chia thành 3 quận: quận 4, quận 5 và quận 6. Các cơ quan lãnh đạo đều thuộc khu này. Ở Nghệ An, tỉnh ủy đã chuyển lương thực, máy móc lên miền tây, lập các an toàn khu ở các huyện lớn. Chiến khu D có Hố Ngãi Hoang (Tân Uyên) là nơi đặt an toàn khu bảo vệ cơ quan lãnh đạo khu VII.

+ Xây dựng, bảo vệ An toàn khu:
·        Chính trị:
- Phát triển tổ chức Đảng trong An toàn khu:
    Sau khi thành lập, vấn đề xây dựng và bảo vệ An toàn khu trở thành vấn đề bức thiết. Một trong những nội dung quan trọng để xây dựng vững chắc An toàn khu là phải xây dựng tổ chức Đảng ở các địa phương.
Ngày 28/7/1947, Ban thường vụ Trung ương Đảng thành lập “Lớp Tháng Tám” kêu gọi cán bộ, thanh niên gia nhập Đảng. hàng nghìn công nhân, thanh niên, nông dân, trí thức… gia nhập Đảng. Không đầy 2 tháng sau khi thành lập, đội ngũ Đảng viên tăng lên nhanh chóng. Ở Định Hóa, vào tháng 9/1947, số đảng viên tăng hơn 2 lần so với năm 1946; Chợ Đồn đã có 257 đảng viên, chiếm số đông toàn tỉnh Bắc Cạn. Các chi bộ Đảng cũng được thành lập nhanh chóng: Tại Yên Sơn vào năm 1947 mới có 1 chi bộ trong 7 xã, đến 1948 đã có 3 chi bộ độc lập; ở Sơn Dương năm 1947 mới 6 chi bộ với 50 đảng viên, đến năm 1948 tăng lên đến 16 chi bộ với 320 đảng viên. Tuy nhiên trong khi xây dựng Đảng còn bộc lộ nhiều khuyết khuyết như phát triển theo chỉ tiêu hình thức, chưa chú trọng công tác giáo dục, kiểm tra, nặng về số lượng không chú trọng chất lượng…. Nhận thức được điều đó, các đảng bộ đã họp bàn, rút kinh nghiệm rất nghiêm túc.
- Cùng với công tác xây dựng các Đảng bộ, việc mở trường lớp đào tạo cán bộ Đảng viên cũng được đẩy mạnh. Nhiều cán bộ được cử đi học tập chính trị, nghiệp vụ và văn hóa. Đảng bộ Yên Sơn đã mở 36 lớp bồi dưỡng tư tưởng chính trị cho 797 cán bộ, Đảng viên; huyện Sơn Dương, trong số 1021 đảng viên chỉ có 1004 người học các lớp huấn luyện, lớp bổ túc văn hóa, tăng cường giờ học chính trị, văn hóa… Từ sau chiến dịch Thu – Đông, khi kháng chiến của ta bước vào thời kỳ phát triển mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai họp ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tháng 2/1951 với sự tham gia của 158 đại biểu. Đại hội đã thông qua những quyết nghị quan trọng có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên. Tháng 3/1951 tại đây đã diễn ra hội nghị thành lập mặt trận Liên Việt trên cơ sở sát nhập hai tổ chức: Mặt trận Việt Minh và liên minh 3 nước Đông Dương.
- Một việc nữa cũng quan trong trong An toàn khu đó là xây dựng các đoàn thể quần chúng ở địa phương. Cuối năm 1947, Đảng bộ An toàn khu chỉ đạo các địa phương trong An toàn khu thành lập những Ủy ban kháng chiến - hành chính, bầu cử các Ủy ban nhân dân các cấp để phát huy quyền làm chủ của dân. Ngoài ra, Trung ương Đảng cử cán bộ có năng lực xuống địa phương phối hợp với cán bộ địa phương giải quyết các vấn đề của địa phương trong căn cứ; đồng thời chỉ thị cho cán bộ địa phương phải giúp đỡ địa phương xây dựng lại phong trào, củng cố công sở, thực hiện công tác “dân vận” với dân tộc thiểu số… nhờ thế mà các tổ chức Đảng được củng cố, trở thành chỗ dựa tin cậy của đoàn thể địa phương, mối quan hệ giữa các cơ quan Trung ương với đồng bào ngày càng gắn bó.


+ Kinh tế:
     Trong hoàn cảnh bị địch bao vây, phong tỏa, việc tự cung tự cấp nguồn lương thực trở thành vấn đề bức thiết. Do đặc điểm thiên nhiên phức tạp, ruộng đất bị phân tán nên sản lượng bị sút kém. Các trận lũ 1947, 1950, 1953 ở một số vùng gây thiệt hại nặng trong sản xuất. Chỉ riêng trận lũ 1953 đã phá hủy hệ thống mương đê ở Định Hóa, đập nước Tân Dương bị phá hủy hoàn toàn, sau trận lũ là hàng ngàn hoa màu bị thiệt hại nặng. Ngoài ra lợi dụng khó khăn của ta, Pháp đem quân càn quét, bắt giết trâu bò, phá hoại thủy nông, làm sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng. Chỉ trong 5 tháng (1947 – 1948), quân Pháp bắn giết 3997 trâu, bò; ở Định Hóa quân Pháp ném hơn 300 quả bom vào làm bị thương 88 người; làm chết 173 trâu, 336 con lợn, cháy 426 nóc nhà…. Trong tình thế khó khăn như vậy, các cấp bộ Đảng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp thiên về nông nghiệp, thủ công nghiệp, tăng cường trao đổi hàng hóa giữa căn cứ với các vùng xung quanh và với Trung Quốc. Các cán bộ đã vận đông, khuyến khích người dân tăng gia sản xuất như mỗi nhà dân trồng một vườn rau gia đình, vườn sắn kháng chiến, nuôi đàn gà tiếp tế bộ đội, thực hiện tổ đổi công, sửa đổi lề lối làm việc khá tốt… Nhờ những chính sách trên mà kinh tế An toàn khu được phục hồi nhanh chóng. Ở Định Hóa đã thu được 11900 mẫu lúa, 200 mẫu hoa màu các loại; tại Chợ Đồn, sản lượng lương thực trong 6 tháng đầu năm 1949 tăng 50% so với cùng kỳ năm trước; các nghề dệt vải, dệt chiếu phát triển. Đối với đồng bào dân tộc, ta chủ trương vận động họ từ bỏ lối sống du canh, du cư về định cư ở đồng bằng và từng bước ổn định đời sống cho họ.
      Đồng thời với việc ổn định kinh tế, ta tiến hành xây dựng các công sở sản xuất, phát động phong trào tăng gia sản xuất trong nhân dân. Ta đã xây dựng các lò đúc gang, lưu huỳnh; xây dựng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ để kịp thời cung cấp nguyên liệu, vật tư cho các hoạt động trong căn cứ. Ta cũng phát động các phong trào như “Toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm”, lập “Hũ gạo nuôi quân” để vận động bà con góp gạo nuôi quân. Tính riêng trong năm 1950, Định Hóa huy động được 57.000 tấn thóc; Sơn Dương góp 10 vạn tấn thóc; Yên Sơn huy động 300 con trâu, 500 xe đạp, xe bò….
     Ngoài ra, nhân dân các dân tộc còn tham gia sửa chữa cầu đường phục vụ tiền tuyến. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, 50% cán bộ được cử xuống vận động nhân dân làm đường. Nghe theo sự vận động của cán bộ, 2 vạn dân ở Định Hóa góp sức vào sửa chữa đường sá, đồng bào ở Tuyên Quang góp 7000 ngày công, đào đắp 300 m3 đá, 10000 cây mai để xây dựng Hội trường phục vụ Đại hội II của Đảng. Kết quả là, chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường Bình Ca – Thái Nguyên – Đăng Châu – Vĩnh Yên được làm xong, đèo Khế được tu bổ lại. Vào năm 1948, dân công An toàn khu đã sửa chữa hơn 40 km đường, làm thêm 11 cầu cống. Các hội trường, nhà cửa được xây dựng lại khang trang.

      Về quân sự, An toàn khu cũng có sự phát triển tích cực. Ngay từ đầu kháng chiến, việc xây dựng quân đội, huấn luyện các cán bộ địa phương đã thực sự trở thành vấn đề bức thiết. Ở Bắc Cạn, nhiều cán bộ được cử đi học quân sự để về huấn luyện du kích xã. Tháng 10/1947, Tổng Tham mưu trưởng thay mặt Tổng chỉ huy quân đội ra chỉ thị kêu gọi củng cố lực lượng du kích; về sau Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Bắc Cạn quy định kiện toàn quân chính quy, đồng thời mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ địa phương, đặc biệt là Định Hóa, huyện trọng điểm quan trọng. Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, lực lượng vũ trang tăng lên nhanh chóng. Mỗi huyện trong An toàn khu đều xây dựng được một trung đội, riêng Định Hóa đã xây dựng được một đại đội du kích với 639 người. Đến năm 1951, Thái Nguyên thành lập tiểu đoàn đầu tiên mang phiên hiệu 427; Bắc Cạn cũng thành lập tiểu đoàn chủ lực (Ba Bể) gồm 10 trung đội. Về sau từ 1951 đến 1954 ta tiến hành đợt bổ sung quân lớn, đến chiến dịch Điện Biên Phủ thì hoàn tất.

    Về văn hóa xã hội cũng có bước phát triển mới. Sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ở các tỉnh trong An toàn khu sôi nổi phong trào xóa nạn mù chữ, học tập văn hóa trong người dân. Sau năm 1947, hoạt động giáo dục phát triển mạnh. Nhiều trường, lớp được mở ở khắp các huyện, các tỉnh trong An toàn khu. Năm 1948, Bắc Cạn có 76 trường tiểu học (có 6 trường toàn cấp) với 2289 học sinh,  Thái Nguyên có 91 trường tiểu học (có 17 trường toàn cấp) và số học sinh tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Đồng thời, phong trào bình dân học vụ cũng phát triển, thanh toán hoàn toàn mù chữ. Ở Sơn Dương đã có 7129/18000 dân thoát khỏi mù chữ; Định Hóa có 50% số dân thoát khỏi mù chữ.
    Cùng với phong trào giáo dục, chính quyền địa phương còn có kế hoạch đào tạo cán bộ địa phương, cho đổi mới sách giáo khoa cho phù hợp với thực tiễn kháng chiến. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ sư phạm; nhiều trường học, lớp học được xây dựng khang trang. Chỉ riêng Định Hóa đến cuối 1950, tất cả các xã đều có trường cấp 1, ở huyện đã có trường cấp 2. Ở Chợ Đồn đã có 33 lớp phổ thông với 1757 học sinh, ngoài ra còn tổ chức lớp bình dân học vụ với 6 lớp của đồng bào Dao. Ngoài ra, chính quyền mở cuộc vận động nhân dân xây dựng xã thôn trong vùng nhằm mục đích giúp xã thôn vững mạnh, củng cố vững chắc các chi bộ Đảng trong khu vực. Hoạt động văn nghệ, thể dục – thể thao diễn ra thường xuyên. Trong  các cơ quan chính phủ ngoài những giờ làm việc còn diễn ra những buổi liên hoan văn nghệ rất vui vẻ. Các buổi sinh hoạt chính trị kết hợp đêm kịch được tổ chức ở những ngày lễ lớn của dân tộc. Hoạt động thể dục – thể thao cũng phát triển. Mỗi sáng sớm, Chủ tịch nước cùng các thành viên trong chính phủ ra sân tập thể dục trong không khí hào hứng, sôi nổi.
     Hệ thống thông tin, cơ quan y tế cũng phát triển mạnh. Chính quyền địa phương thành lập nhiều tờ báo địa phương, báo tường, các chòi phát thanh thông tin… phục vụ cho việc tuyên truyền các bản tin trong nước – quốc tế; những chủ trương, đường lối của Đảng với kháng chiến. Các cơ quan y tế cũng từng bước xây dựng để phục vụ việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Nhiều huyện trong 3 tỉnh đã có các cơ quan y tế, phòng thuốc chữa bệnh và đội ngũ cán bộ y tế khá hùng hậu. Riêng ở Thái Nguyên năm 1951 đã có 200 cán bộ y tế cơ sở, các xã đều có cán bộ y tế. Các cán bộ đi sâu vào các làng dân, vận động họ ăn chín, uống sôi, diệt ruồi, muỗi, mỗi nhà có một tủ thuốc… . Nhờ những chính sách tích cực trên đây mà người dân có sự chuyển biến ý thức rõ rệt, tạo cho họ thói quen giữ gìn vệ sinh, biết dùng thuốc chữa bệnh, nhờ đó sức khỏe đồng bào tăng lên rõ rệt qua đó góp phần xây dựng An toàn khu vững mạnh, tạo tiềm lực vững chắc vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến sau này.

    2. Tổ chức bảo vệ An toàn khu
Bảo mật, phòng gian: là nguyên tắc tối mật trong việc bảo vệ An toàn khu. Trong Nghị quyết của Hội nghị cán bộ cứu quốc khóa X (9/1947), có nêu rõ cần đề phòng Việt gian, địch nhảy dù; luân chuyển liên tục các cơ quan, gầy dựng cơ sở quần chúng trong An toàn khu….. Ngày 12/5/1949, khi địch tấn công vào An toàn khu ở Tuyên Quang, Ban bảo vệ An toàn khu được thành lập với các nhiệm vụ: cất giấu tài liệu, hạn chế sự đi lại của nhân viên, kiểm soát chặc chẽ những người lạ mặt đi vào khu, xóa dấu vết khi rút lui; thực hiện “dân vận”…. Các lực lượng bảo vệ An toàn khu như Đại đội 15 (145 người) về sau nâng thành Trung đoàn cảnh vệ 15 với 2 tiểu đoàn (tiểu đoàn 9, tiểu đoàn 183).
  + Tiểu đoàn 9 là tiểu đoàn quan trọng, có nhiệm vụ bảo vệ vòng trong An toàn khu, phạm vị hoạt động rộng. Tiểu đoàn hoạt động theo quy định nghiêm ngặt: không tiếp xúc người lạ khi ở vòng trong, không bắn máy bay khi nó bay thấp, bảo vệ việc dẫn đường cho cán bộ cấp cao, lập phương án phòng gian, chống biệt kích và lính nhảy dù.
  + Tiểu đoàn 183 là lực lượng cơ động bảo vệ vòng ngoài, có nhiệm vụ tuần tra, canh gác trên các tuyến đường quan trọng như đường số 3 từ Phố Ngữ đến tận Đại Từ (Thái Nguyên)
Về sau để đáp ứng yêu cầu bảo vệ An toàn khu, cuối năm 1949, trung đoàn 15 được đổi tên thành trung đoàn 246, với nhiệm vụ là: chỉnh đốn quân ngũ trong quân đội, bố trí lực lượng bảo vệ cơ quan trung ương, địa phương, phối hợp với đoàn thể địa phương chống gián điệp, lính dù Pháp khi chúng xâm nhập vào.
    Cùng với sự phát triển của trung đoàn 246, lực lượng công an cũng ra đời, là lực lượng bảo vệ có hiệu quả “vòng ngoài” của An toàn khu. Nhận thức điều này, nhiều tỉnh đã thành lập các đồn công an bảo vệ An toàn khu. Ở Tuyên Quang đã lập một số đồn án ngữ vị trí quan trọng ở Sơn Dương, Bình Ca để kiểm soát giấy tờ, vận động nhân dân. Để tăng cường hoạt động của công an, chính quyền thành lập các đội công an lưu động và bí mật. Các đội này sẽ sụt sạo ở làng, nông thôn, lân la hàng quán dọc đường truy tìm các ổ Việt gian phản động, bọn phản động đội lốt tôn giáo. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân địa phương, công an đã phá tan các âm mưu phản cách mạng của bọn Việt gian, do thám. Điển hình, công an Tuyên Quang phục kích phá “Hội tề công giáo đón Pháp” gồm 34 tên do Lý Hồng Phẩm cầm đầu (8/1948). Ba tháng sau, công an lại bắt gọn tổ chức phản động Binh Hợi, hoạt động mạnh ở Sơn Dương.
     Năm 1949 – 1953, công tác bảo vệ An toàn khu được tăng cường. Riêng ở Tuyên Quang, ta lập 10 đồn công an chốt ở các vị trí quan trọng ở các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên…; các đồn công an hoạt động bí mật vẫn được thành lập và hoạt động mạnh. Cùng với hoạt động của công an tỉnh, công an ở các xã cũng được thành lập và hoạt động mạnh. Họ canh gác chủ yếu ở các công sở, xí nghiệp, thậm chí còn hoạt động rất kín đáo để bảo vệ an toàn cho khu vực này. Nhờ sự phối hợp của nhân dân, lực lượng công an xã, công an tỉnh đã phá tan nhiều vụ xâm nhập, chống phá An toàn khu của bọn Việt gian, phản động. Điển hình là vào tháng 8/1950, có sự phối hợp của công an địa phương, công an Tuyên Quang bắt được 3 tên gián điệp được Pháp cài vào khu căn cứ; tháng 9/1950 lực lượng ở Sơn Dương bắt 2 gián điệp; tháng 7/1953 công an tỉnh này bắt một tên gián điệp đội lốt tôn giáo vào phá hoại khu căn cứ.
     Để việc bảo vệ An toàn khu vững chắc, chính quyền đã vận động, nhắc nhở nhân dân về việc phòng trừ gian, bảo mật thật tốt. Được sự giáo dục của chính quyền, nhân dân đã ý thức được trách nhiệm phòng gian, bảo mật là nhiệm vụ của mình. Họ thực hiện nghiêm chỉnh khẩu hiệu “ba không” (không nói chuyện làm lộ bí mật, không nghe những điều không liên quan đến mình; không chỉ đường và cảnh giác với người lạ mặt). Phối hợp với các lực lượng bảo vệ An toàn khu, nhân dân đã tự động lập thành mạng lưới quân báo, hỗ trợ đắt lực cho quân bảo vệ. Từ người bán hàng rong, người sửa xe đạp, thợ cắt tóc…được bố trí tại các điểm tụ cư để quan sát động tĩnh xung quanh. Không một việc gì xảy ra ở đây, không người lạ mặt nào ra vào khu vực này lại có thể lọt qua tai mắt của đồng bào địa phương. Chính nhờ những thông tin chính xác của nhân dân, lực lượng công an, bảo vệ kịp thời phá tan mọi âm mưu phá hoại của địch, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong các cơ quan Trung ương thời kháng Pháp.

    + Tổ chức chiến đấu đẩy lùi các cuộc tấn công quân sự của quân Pháp
Ngay sau khi thành lập, An toàn khu đã phải đứng trước nguy cơ to lớn. Với âm mưu nhanh chóng kết thúc chiến tranh, Pháp đem 12000 quân chia thành 3 mũi, mở cuộc tấn công quy mô lớn vào An toàn khu Việt Bắc để bắt sống chính phủ Hồ Chí Minh để có thể điều đình ở thế mạnh với Bảo Đại.
     Để đập tan cuộc tấn công của Pháp lên An toàn khu, ngày 8/10/1047 Hồ Chí Minh kêu gọi bộ đội, đồng bào tích cực diệt địch và “phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, quân ta tổ chức lại lực lượng, phục kích địch nhiều nơi. Tại các trận Kéo Phay, Pai Kẹm, quân Pháp bị thất bại nặng nề, bỏ lại nhiều xác chết. Ngày 14/10 tại Chợ Mới, du kích xã phục kích hai đại đội địch, diệt 15 tên rồi lui quân… Bị quân ta chặn đánh khắp nơi, Pháp cho lui quân, nhưng trên đường rút, chúng lại bị quân ta diệt thêm một số lớn nữa. Quân ta đại thắng chiến dịch Việt Bắc, đưa cuộc chiến đấu từ thế phòng ngự sang thế cầm cự.
     Tuy nhiên, sau khi rút lui Pháp còn để lại một số đạo quân đóng ở khu vực này hòng đánh lại một lần nữa. Biết tin này, Trung ương Đảng mở hội nghị mở rộng xác định phương hướng, nhiệm vụ mới trong cuộc chiến đấu sắp tới. Thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính quyền địa phương của 3 tỉnh kêu gọi quân dân ta chuẩn bị phát triển lực lượng cho cuộc tấn công sắp tới. Tại trận Nà Tòng (Ngân Sơn), đại đội 77 phục kích bắn cháy 2 ô tô, diệt 10 tên địch; đêm 12/3/1948, tiểu đoàn 45 tập kích lớn ở Phủ Thông diệt 30 tên, bị thương 40 tên và phá hủy các công sự của địch. Ngày 25/7/1948, tiểu đoàn 11 (trung đoàn 308) phối hợp tiểu đoàn 55 (trung đoàn 72) tập kích vào Phủ Thông, một cứ điểm mạnh của địch, giáng cho địch những đòn thất bại nặng nề.
    Cuối năm 1948 Hội đồng Quốc phòng tối cao họp ở An toàn khu nghiên cứu kế hoạch kháng chiến toàn diện. Năm 1949, ta thành lập đại đoàn quân Tiên phong (sư đoàn 308) ở Bãi Đuổm, huyện Phú Lương (ven An toàn khu); đồng thời thành lập Tổng Cục chính trị, Tổng cục cung cấp để hợp với Bộ Tổng tham mưu thành Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, vạch ra kế hoạch chuẩn bị tích cực cho cuộc chiến đấu sắp tới: chiến dịch Biên giới 1950, Hòa Bình (1951), Tây Bắc (1952). Thực hiện nhiệm vụ trên, quân ta mở chiến dịch Biên giới và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: diệt và bắt 8.300 tên địch, thu trên 3.000 tấn vũ khí cùng các phương tiện chiến tranh khác. Với chiến thắng này, căn cứ Việt Bắc, An toàn khu được mở rộng, quân đội ta giành được quyền chủ động về chiến lược. Sau chiến thắng Biên giới, trên chiến trường, ta liên tiếp mở các chiến dịch Trung du, Đường 18, Hòa Bình, Tây Bắc… giành nhiều thắng lợi to lớn. Ngày 6/12/1953, ở An toàn khu, Bộ Chính trị đã họp thông qua kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954. Đại thắng Đông – Xuân 1953 – 1954, Bộ Chính trị quyết định họp cũng ở An toàn khu, đề ra phương hướng tác chiến cho trận Điện Biên Phủ. Với sự nỗ lực không ngừng viện trợ của các dân tộc anh em, tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân dân ta mà ta đã đại thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc Pháp ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.




   + Thời kháng Mỹ cứu nước (1954 – 1975)
        * Chính trị:
   Sau khi nhân dân ta kháng chiến chống Pháp thành công, đế quốc Mỹ nhảy vào, âm mưu xâm lược nước ta. Trước tình hình đó, việc xây dựng, củng cố lại các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị ở An toàn khu đã trở thành điều bức thiết.

        * Kinh tế:
     Kháng chiến chống Pháp kết thúc, đế quốc Mỹ nhảy vào Việt Nam, thực hiện âm mưu chia cắt nước ta. Đảng ta một lần nữa kêu gọi nhân dân đưng lên bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ này, tuy An toàn khu không còn là căn cứ địa chính của đất nước trong thời kháng Pháp mà nó đã rút về sau, làm hậu phương vững chắc ủng hộ cách mạng miền Nam Việt Nam tiến lên giành thắng lợi. Do đặc điểm vùng cao, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ văn hoá, dân trí thấp, đến năm 1958, khu tự trị Việt Bắc vẫn chưa theo kịp các quân khu đồng bằng về xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá và cung cố quốc phòng an ninh,… Các tỉnh trong An toàn khu như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn ra sức thi đua sản xuất, chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam.
        Ở Thái Nguyên, trong khi cuộc chiến tranh chống Pháp chưa kết thúc, để chuẩn bị cho việc thực hiện triệt để cuộc cách mạng ruộng đất, trung ương Đảng đã chọn nơi đây làm nơi thí điểm giảm tô (1952) và cải cách ruộng đất (1953). Trong điều kiện còn kháng chiến, mặc dù phạm vi cải cách còn nhỏ hẹp, nhưng những thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất đã là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân và bộ đội cả nước trong sản xuất và chiến đấu.
     Khi hoàn thành cải cách ruộng đất, những tổ đổi công, những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đầu tiên đã ra đời, chuẩn bị cho công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp. Sau kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế (1958 – 1960), ở Thái Nguyên đã có 47.000 hộ nông dân tham gia xây dựng, 1.425 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, chiếm 82,9% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Đời sống của nhân dân ngày một ấm no hơn, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên, năm 1958 đạt 87.986 tấn, vượt mức 1957 là 23,6%. Về công nghiệp, Thái Nguyên đã rất cố gắng trong hoạt động sản xuất và đạt nhiều thành tựu. Trong giai đoạn phát triển (1958 – 1960), nhiều cơ sở công nghiệp đã được xây dựng như: nhà máy điện Thái Nguyênnhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên. Năm 1962, khu Gang Thép này bước vào hoạt động, sản xuất ra hàng vạn tấn gang thép, trong đó có loại thép chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, nước nhà và cho xuất khẩu. Năm 1960, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965), Thái Nguyên xây dựng được 42 xí nghiệp, đáp ứng được yêu cầu phát triển của công nghiệp ở đây. Trong năm 1961, tổng giá trị sản lượng công nghiệp đạt 16,1 triệu đồng. Năm 1965, tăng lên đến 25,1 triệu đồng và bằng 1/3 tổng giá trị sản lượng của nông nghiệp. Các loại sản phẩm chủ yếu của công nghiệp không ngừng tăng lên cả về thể loại, số lượng và chất lượng trong đó tăng nhanh nhất là sản phẩm phục vụ xây dựng và nông nghiệp như: vôi, đá các loại, gạch ngói, gỗ xẻ, phốt phát, cày bừa…
Từ năm 1961 – 1964, phong trào thi đua giành “ba điểm cao”, phong trào “Ấp Bắc”, phong trào “làm việc bằng hai” phong trào “trả thù cho anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi”…diễn ra sôi nổi, liên tục, rộng khắp các nhà máy và thu được nhiều thành tựu to lớn. Phong trào thi đua giành “ba điểm cao” đã có 3.374 sáng kiến hợp lý hóa sản xuất. Năm 1964 có 1.590 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho nhà nước 10.951 đồng, đưa năng suất lao động bình quân tăng từ 0,5 đến 24%, cũng trong năm 1964, ngành công nghiệp đã có 23 cơ sở lớn hoàn thành kế hoạch nhà nước (trong đó có 15 xí nghiệp công nghiệp địa phương, 3 đoàn thăm dò, 5 xí nghiệp của trung ương).
         

  * Giao thông vận tải:
Giao thông vận tải cũng được đảm bảo vững chắc, hoạt động tốt.



Giai đoạn 1964 – 1965, Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt hệ thống giao thong vận tải vốn là xương sống trong cuộc kháng chiến của tỉnh. Để bảo đảm cho hệ thống giao thông được thông suốt, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 71 – TTG chính thức thành lập lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, nhằm huy động sức mạnh to lớncủa thanh niên trong việc xây dựng giao thông vận tải phục vụ cho các tuyến giao thông trọng yếu. Tiếp theo, ngày 30/6/1965, Hội đồng chính phủ ra quyết định về vấn đề giao thông vận tải, coi vấn đề huy động cán bộ về giúp nhân dân khôi phục giao thông vận tải ở các địa phương và bảo đảm sản xuất và công tác của ngành mình, là nhiệm vụ trọng yếu.
Thực hiện các chủ trương trên đây của Trung ương Đảng và Chính phủ, từ giữa năm 1965, các địa phương trên miền Bắc đã chủ động, khẩn trương tổ chức các đội thanh niên xung phong tập trung để đáp ứng kịp thời đòi hỏi của nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Khắp nơi trên toàn Bắc Thái, nhiều đội thanh niên xung phong được thành lập.

     Cuối năm 1965, được sự thỏa thuận của chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đồng ý cử một số đơn vị công binh sang giúp ta bảo vệ một số mục tiêu ở các tỉnh biên giới phía Bắc, đồng thời sửa chữa lại hệ thống giao thông vận tải từ Trung Quốc qua Bắc Thái, Hà Giang, Lạng Sơn về Hà Nội. Riêng ở Bắc Thái, các đơn vị công binh Trung Quốc như C18, C19 (chi đội 4) giúp sửa chữa nâng cấp 161 km đường số 3 (đoạn từ Bờ Đậu – Phú Lương đến Cao Bắc – Ngân Sơn); C3 (chi đội 1) làm tuyến đường sắt các đoạn Kép – Lưu Xá, Lưu Xá – Đa Phúc và làm đường hầm dài 250 m ở Lương Sơn. Bên cạnh đó từ cuối năm 1966, các chi đội (tương đương sư đoàn) 62, 170, 168 bộ đội phòng không Trung Quốc đến Bắc Thái, bảo vệ một số địa điểm quan trọng. Các đơn vị phòng không của ban đã phối hợp với đơn vị phòng không, dân quân của ta đánh nhiều trận, bắn hạ nhiều máy bay Mỹ bảo vệ; nhiều người đã chiến đấu dũng cảm và ngã xuống vì sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam

  * Văn hóa – giáo dục:
    Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, 90% dân số Việt Nam mù chữ. Ở ba tỉnh này trước khi An toàn khu được thành lập thì còn cao hơn: 95%. Trong kháng chiến chống Pháp, thực hiện lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Hồ Chí Minh, học văn hóa mới trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, và đạt nhiều thành tích lớn. Riêng ở Thái Nguyên, vào niên khóa 1953 – 1954, toàn tỉnh mở các lớp bình dân học vụ và bổ túc văn hóa, có 1255 lớp, thu hút 29.808 học viên, trong đó có 6.519 học viên là các cán bộ xã.
    Thi đua trong lĩnh vực văn hóa ở Thái Nguyên thời kỳ này sôi nổi nhất vẫn là phong trào “bình dân học vụ”. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hưởng ứng mạnh mẽ các chiến dịch “tổng tiến công diệt dốt”, “Điện Biên Phủ diệt dốt” do đồng chí Tôn Đức Thắng, chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động.
  Từ ngày hòa bình đến năm 1964, phong trào học tập văn hóa – giáo dục có bước phát triển mới. Năm 1955, Thái Nguyên có 141 trường phổ thông các cấp với 465 thầy cô giáo và 20. 109 học sinh. Năm 1964 tăng lên đến 331 trường với 2.490 giáo viên, và 68.134 học sinh. Tỷ lệ học sinh đỗ trong các kỳ thi tốt nghiệp các cấp và thi lên lớp tăng dần, số học sinh đi học Đại học và trung cấp ngày một nhiều hơn. Với dân tộc tộc ít người, chính quyền tỉnh tạo điều kiện cho các em được học hành để nâng cao kiến thức văn hóa Thái Nguyên đã mở trường sơ cấp văn hóa miền núi  cho 126 học sinh (95 nam và 31 nữ) trong đó có 63 học sinh dân tộc Mán, 14 học sinh dân tộc Trại, 1 học sinh dân tộc H’Mông, 14 học sinh Sán Chỉ, 4 học sinh Cao Lan, 10 học sinh Tày, 20 học sinh Nùng.
    Năm 1965, khi giặc Mỹ đánh phá Thái Nguyên, ngành giáo dục tỉnh tổ chức cho các cơ sở đào tạo, các trường học đi sơ tán, tổ chức phòng không đánh địch, thực hiện tốt khẩu hiệu “giặc đến thì phòng tranh địch tốt, giặc đi lại dạy và học bình thường”. Chiến tranh càng ác liệt thì phong trào thi đua “Nghìn việc tốt chống Mỹ cứu nước” càng trở nên sôi nổi. Các em học sinh thi nhau chuyển hàng nghìn tấn lá xanh và giẻ để ngụy trang trận địa và lau sáng nòng pháo đưa ra tiền tuyến giúp bộ đội đánh giặc, ngoài ra các em còn đào hào, hạ nền, đắp lũy xung quanh lớp…Bằng sức lực của thầy và trò và sự giúp đỡ của nhân dân, các cơ quan, hàng chục ngàn mét đường hào, hàng ngàn hầm có ngách, có nắp và hầm kèo chữ A, hàng trăm phòng học được hạ nền đắp lũy xong. Thế nhưng mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, hoạt động của các trường học diễn ra bình thường chất lượng dạy và học vẫn vượt chỉ tiêu kế hoạch.

      * Quân sự:
   Công tác bảo mật phòng gian vẫn được duy trì. Ngoài ra, để tiện việc mở rộng củng cố căn cứ địa, ta thành lập các đạo quân để đối phó với các cuộc càn của thổ phỉ địa phương và Mỹ - ngụy.
   Trước ngày Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, thực dân Pháp đã cho máy bay liên tục thả vũ khí, lương thực, điện đài cho bọn phản động cài lại để chúng đánh phá ta. Bọn chỉ huy còn dùng máy bay trực thăng đổ bộ xuống một số vị trí trú ẩn của phỉ để bày mưu, vạch kế hoạch cho bọn này hoạt động, đồng thời đón một số tên quan trọng đưa vào Nam để sử dụng phá hoại ta lâu dài. Trước mắt, chúng chủ trương tiếp tục gây phỉ, tổ chức hoạt động gián điệp, biệt kích, tránh gặp lực lượng bộ đội, nếu bị đánh mạnh thì cất giấu vũ khí lần trốn tìm đường rút sang Lào hoặc trá hàng. Trong thời điểm này, quân phỉ ở Lào Cai có 5.025 tên, Hà Giang 798 tên, Yên Bái 147 tên… Tranh thủ lúc quân Pháp chuẩn bị rút, trung đoàn 246 của tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương và trong đợt truy quét này, ta diệt 128 tên, bắt 88 tên, gọi hàng 1.203 tên, thu 1299 súng các loại, 14 máy thông tin, 178 cái dù. 
Ngày 16/4/1955, Ban bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị kêu gọi phải đoàn kết rộng rãi trong toàn dân để đập tan âm mưu của bọn phỉ, quân Mỹ - ngụy, củng cố cơ sở, biên phòng. Thực hiện chỉ thị trên, trung đoàn 246, 238 đã đi vào các tỉnh trọng điểm ở Bắc Thái như Bắc Cạn, Thái Nguyên vào các bản làng của dân tộc tuyên truyền chính sách của Đảng, vạch trần tội ác của địch, cô lập bọn phản động; đồng thời các chiến sĩ còn giúp đồng bào sản xuất, kiên trì phát động quần chúng đấu tranh chống lại âm mưu của giặc. Hành động của các chiến sĩ đã làm cảm hóa một bộ phận đồng bào, hàng ngũ phỉ tan rã, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, một số tên còn ngoan cố chống lại ta, việc tiễu phỉ còn tiếp tục đến 1960 mới chấm dứt

Năm 1961, Bộ Tổng chỉ huy quân sự ra kế hoạch quân sự năm năm lần thứ hai (1961 - 1965) chủ trương “xây dựng kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng; chú trọng củng cố lực lượng tại chỗ, phát triển lực lượng vũ trang vững mạnh, sẵn sang chiến đấu mọi nơi, bảo vệ vững chắc hậu phương, thực hiện chi viện sức người, sức của cho miền Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào. 
Lực lượng chủ lực được phục hồi và biên chế lại. Trung đoàn 246 được giới hạn lại khoảng 3000 quân; hai lữ đoàn 305, 368 được biên chế lại khoảng 1000 người.

Lực lượng dân quân, tự vệ tăng cường theo mức quy định hằng năm, lúc đông nhất (1964) khoảng 30 vạn, chiếm 9% dân số trong khu. Đội ngũ này được biên chế thành trung đội, đại đội, trong số đó có 6.000 người thuộc diện dự bị loại một, luôn sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu. 
Do được chuẩn bị kỹ càng, có sự kết hợp tốt nhiệm vụ sản xuất với sẵn sàng chiến đấu, những năm 1961-1964, quân và dân trong quân khu đã giành được thắng lợi to lớn trong việc tiễu phỉ, trừ gian trong nội địa và tiêu diệt các toán biệt kích do Mỹ, ngụy thả xuống địa bàn Việt Bắc. Năm 1961, quân và dân tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai... gọi hàng và bắt 5 toán thổ phỉ gồm 115 tên. Sau khi đập tan cuộc bạo loạn cướp chính quyền của bọn phỉ ở huyện Đồng Văn cuối năm 1959, quý một năm 1962, quân và dân Hà Giang lại cùng với quân và dân các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai mở đợt truy quét toàn bộ hang ổ bọn phỉ ở Tây Côn Lĩnh, diệt và bắt 41 tên, thu nhiều tang vật. Các đợt truy quét thổ phỉ thắng lợi tạo đà cho quân và dân trong quân khu tiêu diệt các toán gián điệp do Mỹ - ngụy tung ra. Trong 3 tháng (4,5,7-1963), Mỹ - ngụy thả ba toán gián điệp xuống Khe Cót, Văn Bàn (Yên Bái), Bảo Thắng (Lào Cai), bị quân và dân hai tỉnh diệt năm tên, bắt mười hai tên. Năm 1964, quân và dân Phủ Thông (Bắc Cạn), Trấn Yên (Yên Bái), Lạng Sơn, Lào Cai diệt và bắt gọn 12 toán gián điệp gồm 48 tên, thu nhiều vũ khí, trang bị... Kết quả này tạo điều kiện cho cuộc vận động “cải cách dân chủ”, phát triển sản xuất thắng lợi ở các tỉnh trong quân khu. 
      Đến năm 1965 – 1966, Mỹ thi hành chiến lược chiến tranh cục bộ, tăng cường đem quân đánh phá miền Bắc. An toàn khu (lúc này thuộc tỉnh Bắc Thái) cũng bị ảnh hưởng bởi trận mưa bom của Mỹ. An toàn khu (lúc này thuộc tỉnh Bắc Thái) chiến đấu không những chỉ nhằm mục đích bảo vệ Bắc Thái, bảo vệ thành quả của 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần cùng nhân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra đối với miền Bắc, mà còn nhằm phối hợp với quân và dân miền Nam, với hai tỉnh kết nghĩa Khánh Hòa, Công Tum đánh Mỹ, cùng với nhân dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
Ngay từ khi Mỹ có những hành động leo thang ra miền Bắc, chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, tỉnh đã ra các chỉ thị chủ động sơ tán những khu đông dân, phân tán các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, kho tàng, các  thiết bị kỹ thuật…về vùng an toàn. Trong gần 4 năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần 1 (1965 – 1968), Bắc Thái đã sơ tán 266.000 người ra khỏi thành phố Thái Nguyên, khu Gang Thép và các khu vực trọng điểm khác. Hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, địa đạo cho người, cho gia súc, cho máy móc, xuất hiện ở khắp nơi.  Bên cạnh đó, để chủ động phòng tránh khi có máy bay, Bắc Thái còn tổ chức hệ thống thông tin báo động gồm 16 đài quan sát, 80 loa, 3 còi báo động. Do vậy, mặc dù bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm, nhưng Bắc Thái Bắc Thái vẫn đảm bảo an toàn cho công nhân trong tỉnh và còn tiếp nhận các cơ quan, trường học của trung ương về xơ tán như trường Đại học tổng hợp, Đại học Mỏ - địa chất, Y khoa Hà Nội… về vùng an toàn để hoạt động tiếp.
      Ngoài ra để bảo vệ tỉnh, Bắc Thái xây dựng các đạo quân tinh nhuệ để bảo vệ. 1 đại đội bộ đội địa phương (C73), một đại đội cao xạ 14,5 ly, một tiểu đoàn công binh, một đại đội và một trung đội công binh độc lập, 3 tiểu đoàn bộ binh (D681, D682, D683), hai tiểu đoàn cao xạ 37 ly và 57 ly. Đối với lực lượng dân quân tự vệ được chú ý phát triển cả về số lượng và chất lượng và trang bị vũ khí.
      Trong chiến tranh phá hoại lần 1, Mỹ ném xuống Bắc Thái 179.909 quả bom (tương đương 11.000 tấn) các loại, 1.664 quả rocket. Nhiều xí nghiệp công nghiệp, nhà máy, như khu Gang Thép Thái Nguyên, nhà máy điện Thái Nguyênnhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, nhà máy cơ khí 3/2…bị bom Mỹ tàn phá. Nhiều trường học, bệnh viện Thái Nguyên và các khu dân cư phía nam tỉnh bị ném bom, hỏng nặng.
      Với ý chí “Trút căm hờn lên nòng súng”, “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, quân dân Bắc Thái kiên cường đấu tranh, thi đua giết giặc Mỹ và giành được những chiến thắng giòn giã. Với phương châm “đánh ăn chắc, tiến chắc thắng” quân dân Bắc Thái chiến đấu, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Ngay từ ngày đầu tiên Mỹ đánh phá Bắc Thái, bộ đội địa phương đã bắn rơi 1 máy bay F105 của Mỹ bằng súng bộ binh. Sau chiến thắng này, một phong trào thi đua “dùng súng máy bộ binh bắn máy bay” phát triển khắp nơi ở Bắc Thái và thực sự trở thành phong trào sôi nổi. Qua hơn 9 tháng thi đua chiến đấu, ngày 29/4/1966, quân dân Bắc Thái đã lập chiến công xuất sắc bắn tan xác 2 chiếc máy bay, trong đó có chiếc máy bay thứ 1000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Với thành tích vẻ vang đó, Bắc Thái vinh dự được nhận cờ thưởng luân lưu “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ chủ tịch trao tặng.
     Trong phong trào thi đua bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, lực lượng dân quân tự vệ cũng tham gia tích cực. Hơn 200 tổ trực chiến của dân quân tự vệ chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí. Lưới lửa phòng không tầm thấp dày đặc của dân quân tự vệ đã làm cho bọn giặc Mỹ kinh hồn, khiếp vía. Ngày 1/8/1966, dân quân xã Hà Thượng – Đại Từ bằng 24 viên đạn súng bộ binh bắn cháy một máy bay F105 của giặc Mỹ. Trong tháng 9 và tháng 12 năm 1966, và tháng 2, tháng 3 năm 1967, có nhiều ngày, Bắc Thái đã bắn rơi liền 2 máy bay và bắt sống giặc lái. Ngày 2/12/1966, bắn rơi 2 máy bay, bắt sống 4 tên giặc lái. Ngày 11/3/1967 bắn rơi 3 chiếc máy bay… Đến năm 1967, chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ chấm dứt. Bắc Thái trong 4 năm đã bắn rơi 59 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ. Trong đó năm 1966 bắn rơi 38 chiếc, đặc biệt riêng tháng 7/1966 quân và dân Bắc Thái đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi 18 máy bay Mỹ. Bắc Thái đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của nhân dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần 1 của Đế quốc Mỹ.
     Sau khi chấm dứt chiến tranh phá hoại lần 1, nhân dân Bắc Thái được hưởng hoà bình trong 4 năm (từ tháng 4/1968 – tháng 4/1972), nhưng nhận thấy rõ âm mưu của Mỹ, với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, và chiến đấu quyết tâm đánh thắng địch trong mọi tình huống, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, bảo vệ căn cứ địa, quân và dân Bắc Thái đã nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
     Tháng 5/1972, quân Mỹ ném bom bắn phá Bắc Thái lần thứ hai. Năm 1972, Mỹ đã ném 5.374 quả bom các loại, trong đó có 4 quả bom laser xuống Bắc Thái. Chỉ có 8 tháng mà Mỹ đã phá hủy nhiều cơ sở kinh tế, quốc phòng trọng điểm của Bắc Thái như nông trường Sông Cầu, Kho 382 khu Gang Thép, nhà máy điện, ga Lưu Xá…và hàng nghìn người dân vô tội đã bị chết vì bom đạn Mỹ.
      Biến đau thương thành căm thù, thành sức mạnh, các lực lượng phòng không, không quân và dân quân tự vệ Bắc Thái đoàn kết, hợp đồng chiến đấu, kiên quyết đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Phong trào thi đua bắn máy bay Mỹ lại nổ ra rầm rộ. Từ tháng 5/1972 đến tháng 10/1972 quân và dân Bắc Thái đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ.
     Đặc biệt, trong phong trào thi đua này, trong trận chiến đấu quyết liệt cuối năm 1972, đơn vị pháo cao xạ 100 ly thuộc trung đoàn 256 bộ đội địa phương bắn cháy 2 pháo đài bay B52. Với chiến công đó, quân và dân Bắc Thái đã góp phần cũng quân dân thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng đập tan cuộc tập kích chiến lược B52 của Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy.
     Trải qua hơn 4 năm trực tiếp chiến đấu với không quân Mỹ (1965, 1966, 1967, 1968, và 1972), phối hợp chiến đấu với các lực lượng không quân, cao xạ, tên lửa…quân và dân Bắc Thái đã tích cực thi đua bắn máy bay Mỹ và đã bắn rơi 69 máy bay, trong đó có 2 máy bay B52, tiêu diệt và bắt sống 42 tên giặc lái Mỹ. Riêng thành phố Thái Nguyên bắn rơi 22 chiếc (trong đó có 2 máy bay B52), bắt sống 9 giặc lái.
          Trong 8 năm (1965 – 1973), Bắc Thái cùng với nhân dân các tỉnh miền Bắc đã đoàn kết chiến đấu đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quan của Mỹ, bảo vệ được hậu phương lớn của cả nước, cùng nhân dân cả nước quyết tâm “đánh cho Mỹ cút”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.
          Trong phong trào thi đua giết giặc, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Thái Nguyên có anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thanh Ngân (người huyện Phú Bình) đã tung hoành cùng đồng đội công kích, bắn rơi hàng loạt máy bay Mỹ. Ngoài ra còn có anh hùng Ma Văn Viên (Định Hóa), Hà Văn Vấn (Phú Lương), Ngô Văn Sơn (Đồng Bẩm), Trần Xuân Thiện (Phú Lương)…Họ là một số trong số rất nhiều các anh hùng, chiến sỹ thi đua của Thái Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tất cả các lĩnh vực, xứng đáng được ghi công và noi theo.


Tài liệu tham khảo:
1.     Nguyễn Xuân Minh (1996), An toàn khu Trung ương Việt Bắc (trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954), ĐHQG Hà Nội.
2.     Bắc Thái 40 năm đấu tranh và xây dựng (1945 – 1985), Sở Văn hóa thông tin Bắc Thái, 1985.
3.     Nguyễn Văn Bắc (2009), Giao thông vận tải tỉnh Bắc Thái trong kháng chiến chống Mỹ những năm 1965 – 1975, Đại học sư phạm Thái Nguyên.
4.     Bùi Thị Huyền, Thi đua yêu nước ở Thái Nguyên trong kháng chiến chống Pháp – Mỹ cứu nước (1948 – 1975), Khóa luận tốt nghiệp, Đại học sư phạm Hà Nội.
5.     Hoàng Phương (1996), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước – tập 2; 3; 4, NXB Chính trị quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét