Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

LỊCH SỬ KINH NGUYỄN VĂN TIẾP Ở ĐỒNG THÁP MƯỜI


LỊCH SỬ KINH NGUYỄN VĂN TIẾP Ở ĐỒNG THÁP MƯỜI
Lê Công Lý
Lời cập nhật: Tác giả vừa cập nhựt 2 bản đồ, 1 là của Nguyễn Hiến Lê, 2 là của tác giả.
 Từ thành phố Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 1A đi về miền Tây Nam Bộ khoảng 50 km là đến thị xã Tân An của tỉnh Long An. Tại đây, rẽ phải theo quốc lộ 62 (con đường nối thị xã Tân An với cửa khẩu Mộc Hóa của tỉnh) khoảng 7 km là tới kinh Nguyễn Văn Tiếp. Đó là con kinh nối liền sông Vàm Cỏ Tây (tại địa phận xã Lợi Bình Nhơn, thị xã Tân An) với sông Tiền, xuyên qua rìa phía nam Đồng Tháp Mười với các huyện Tân Phước, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Tháp Mười, Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp).
(Bản đồ Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê: Kinh Tháp Mười, Arroyo Commercial nay là kinh Nguyễn Văn Tiếp).
Sơ đồ tuyến giao thông thuỷ Sài Gòn - miền Tây của Lê Công Lý.
DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN VÀ NHÀ NGUYỄN
Kinh Nguyễn Văn Tiếp cho đến cuối thế kỉ XVIII chỉ là một con rạch nhỏ bắt nguồn từ sông Vàm Cỏ Tây, ăn sâu vô Đồng Tháp Mười khoảng vài km với tên gọi Rạch Chanh[1] (Đăng Giang). Theo Vương Hồng Sển, đây là con rạch xưa nhất Đồng Tháp Mười[2]. Con rạch này nằm ở cửa ngõ để tiến vào Đồng Tháp Mười (bấy giờ có tên là Chằm Mãng Trạch hay Pha Trạch) từ vùng đất trù phú Ba Giồng nên đã nhiều phen chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Có giai thoại kể rằng, năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Ánh thất trận, bị Tây Sơn rượt đuổi, Đến sông Đăng Giang, sông có nhiều cá sấu, không thể lội được. Nhân có con trâu nằm bên sông, vua cưỡi để sang sông ; giữa dòng nước thủy triều lên mạnh, trâu chìm mất, cá sấu đến giúp. Vào đến bờ, vua đi Mỹ Tho, lấy thuyền đem quốc mẫu và cung quyến trú ở đảo Phú Quốc”[3].
Thời điểm nói trên, ở vàm Rạch Chanh đã có người đến ở nhưng hãy còn rất thưa vắng và muỗi mòng vô số kể, cho nên có câu ca dao:

Đưa nhau về đến Rạch Chanh,
Muỗi mòng cắn lắm cậy anh đưa về.
Còn vùng đất phía nam Đồng Tháp Mười từ vàm Rạch Chanh đến ngọn cùng sông Ba Lai Bắc (thuộc huyện Cai Lậy hôm nay) thì vẫn còn hoang vu nên được Trịnh Hoài Đức miêu tả như sau: “Khoảng giữa thì bùn lầy đất nhão, cỏ lác rậm rạp… Phía nam có nhiều giồng gò vườn ruộng, về phía bắc có nhiều rừng  sâu, chằm lớn lan tràn đến 5, 6 trăm dặm, làm đất tụ nghĩa của quân Đông Sơn, tiến giữ đất Ba Giồng, đặt cửa giữ hiểm, có thể hoành hành về phía nam phía bắc, lui dựa vào rừng chằm, như hổ về núi sâu, rồng về biển lớn, người ta không ai biết được tông tích. Giặc Tây Sơn thường bị khốn ở đó, không làm gì được. Năm Ất Tỵ (1785), ngụy Đô úy Trấn nhân ngòi nhỏ ở hai đầu, đào mở rộng ngang để đứt mất chỗ hiểm, bèn thành đường kinh, rất là nhanh tắt...”[4]. Con kinh này dài khoảng 25 km, xuyên qua một cái bàu lớn chứa đầy bèo (bàu bèo) nên được gọi là kinh Bàu Bèo, sau đọc trại thành Bà Bèo[5].
          Như vậy, đến cuối thế kỉ XVIII, kinh Bà Bèo đã thông suốt từ sông Vàm Cỏ Tây chạy dài 25 km về hướng tây, đến phía bắc Cai Lậy rồi rẽ trái theo nhánh sông Ba Lai Bắc (dài khoảng 30 km nữa) đổ ra sông Tiền tại địa phận huyện Cai Lậy. Ngoài dự tính của người chủ trương đào kinh nhằm mục đích quân sự (cô lập quân Đông Sơn của Nguyễn Ánh trong Đồng Tháp Mười), quân Tây Sơn đã vô tình tạo con đường thông thương giữa miền Tây và Gia Định.
          Vùng Cái Bè, Cai Lậy (nơi có sông Ba Lai Bắc đi qua) lúc này đã trở thành khu dân cư khá trù mật. “Sông Ba Lai Bắc ở hạ lưu sông Tiền Giang… cửa sông rộng, bờ tây thì chợ điếm trù mật, dân phần nhiều làm nghề cấy lúa, dệt vải… 33 dặm về phía đông đến chợ Thanh Sơn (tục gọi Cai Lậy) phố chợ liền nhau, thuyền ghe tiếp tục làm nơi tụ tập đông đúc”[6]. Đoạn kinh Bà Bèo thông tới cửa Rạch Chanh dân cư cũng đông đúc dần và sinh sống dọc theo bờ kinh. “Một giải các Rạch Chanh, kinh Mới (kinh Bà Bèo – L.C.L.), rạch Bắc (Bắc Đông – L.C.L.), đất tuy trưng làm ruộng mà nghề thì đào ao thả cá bán để nộp thuế”[7]Chính vì vậy mà tại Xóm Đệm (tên một xóm nằm dọc theo bờ kinh Rạch Chanh) thuộc ấp Phú Xuân, xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang hôm nay còn miếu thờ cá ông – dấu ấn của nghề khai thác cá khi xưa. Và trong bài Vè lái rổi (lái mua cá) cũng có nhắc tới Rạch Chanh:
Kinh Rạch Chanh khác thể Lấp Vò,
Kinh Giồng Cá dường như Giồng Đá.
          Đặc biệt, khi kinh Bà Bèo đào xong thì vị trí Bà Bèo (Bàu Bèo) trở thành nơi giáp nước (nơi tiếp xúc giữa hai luồng nước chảy từ sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây). Ghe thuyền đi qua đến đó gặp nước ngược nên đều phải ngừng lại ăn uống nghỉ ngơi, chờ con nước đổi chiều để đi tiếp. Lâu ngày nơi đây thành một ngôi chợ khá lớn: chợ Bà Bèo. Chợ này đóng vai trò là trạm dừng chân trên tuyến đường thủy từ sông Tiền qua sông Vàm Cỏ Tây để lên Sài Gòn. (Xem Bản đồ Nam Kỳ lục tỉnh thời nhà Nguyễn đính kèm).
Tuy nhiên, do Đồng Tháp Mười trũng về phía nam nên nước con kinh này bị ứ đọng, chảy rất yếu, lâu ngày phù sa lắng tụ gây cạn lấp dần và ghe thuyền ít lưu thông bằng đường này. Chính điều đó giải thích vì sao trong Gia Định thành thông chí (biên soạn thời Gia Long) thì có miêu tả khá tỉ mỉ về con kinh này (như đã dẫn), trong khi Đại Nam nhất thống chí (biên soạn thời Tự Đức) lại không hề miêu tả nó ngoài việc nhắc thoáng qua một lần duy nhất nhằm định vị sông Bai Lai Bắc[8].
Chính vì cửa Rạch Chanh bị cạn lấp như thế cho nên đâu năm 1861, trong đợt tấn công Định Tường, cánh quân của trung tá Bourdais phải mất gần một tháng để dò theo sông Vàm Cỏ Tây và mất nhiều ngày để tiến quân vào con rạch này[9].

DƯỚI THỜI THỰC DÂN PHÁP
          Sau khi thực dân Pháp bình định xong Nam Kỳ (cuối thế kỉ XIX), với con mắt đầy tham vọng, Trần Bá Lộc nhận thấy vùng phía nam Đồng Tháp Mười đất đai màu mỡ, phong cảnh tốt tươi, rất thuận tiện cho việc lập các đồn điền lớn. Vấn đề còn lại chỉ là làm sao để tháo nước ra khỏi lòng chảo này cho bớt ngập úng. Thế là Lộc xin nhà cầm quyền Pháp cho đào thử nghiệm hơn 100 km kinh lớn nhỏ, mà quan trọng nhất là con kinh nối rạch Bà Bèo đến rạch Ruộng, ăn ra sông Tiền tại Sa Đéc, dài 47 km, rộng 10 m.
          Do lúc này người Pháp còn chưa tin tưởng vào khả năng chinh phục, khai thác Đồng Tháp Mười nên công việc đào kinh rất khó khăn:
Tháp Mười địa cuộc minh minh,
Muôn trùng nước cỏ thinh thinh dập dồn.
Ước chừng một huyện xã thôn,
Cọp voi heo rắn khỉ chồn ở bao.
Ông Trần Bá Lộc xin đào,
Kinh thông nước chảy dễ vào dễ ra.
Quan nghi sức mọn người ta,
Làm sao cho phỉ bằng sa Tháp Mười.
E khi uổng phí công người,
Cả trong thiên hạ chê cười tốn hao.
Nhiều lần xin mới cho đào…[10]
          Chính vì vậy mà Pháp không hề đầu tư gì, để mặc Trần Bá Lộc bắt dân làm xâu theo lối thủ công. Tuy nhiên, do tham vọng và sự quản lý dân xâu hà khắc của Lộc mà con kinh này đã nhanh chóng hoàn thành chỉ trong vòng hơn một năm và tỏ ra có hiệu quả rõ rệt. Do đó, tháng 4/1897, kinh được chủ tỉnh Mỹ Tho là Bocquillon tổ chức khành thành trọng thể và tháng 7 năm đó Toàn quyền Đông Dương Doumer chấp thuận đặt tên là kinh Tổng Đốc Lộc để ghi nhớ công lao của người khởi xướng và trực tiếp chỉ huy đào là Trần Bá Lộc.
          Cũng cần biết thêm rằng, trước Trần Bá Lộc nửa thế kỉ (đầu đời Tự Đức), Kinh lược sứ Nam Kỳ Nguyễn Tri Phương đã tập hợp dân binh để đào con kinh theo hướng này mà không thành công:
Nguyên khi thiết lập đồn điền,
Hãy còn nền chợ ở miền Xoài Tư[11].
Toan khai Thập Tháp câu cừ,
Đặng thông các ngả dân cư nẻo đường.
Đại thần ông Nguyễn Tri Phương,
Một tay chuyên chế phong cương chuẩn thằng.
Thức khuya dậy sớm nhọc nhằn,
Ưu dân ái quốc lòng hằng thảo ngay.
Sớm đào chưa kịp đến nay,
Ông Trần Bá Lộc sau bày thành công[12].
Kinh Tổng Đốc Lộc ra đời có tác dụng thoát nước trong vùng trũng Cao Lãnh, Tháp Mười, Cái Bè, Cai Lậy ra sông Tiền, làm thay đổi hẳn bộ mặt vùng này. Tuy nhiên, con kinh này cũng làm cho áp lực nước chảy từ Bà Bèo ra cửa Rạch Chanh giảm hẳn, dẫn đến ngọn Rạch Chanh nhanh chóng “bị cỏ choán, sình lấp, ghe thuyền bỏ không dùng nữa” vào năm 1902[13].
Chính vì thế mà trong năm năm đầu thế kỉ XX, cùng với hàng loạt kinh rạch khác trong Đồng Tháp Mười, Pháp cho nạo vét lại con kinh này, từ Rạch Chanh thẳng lên Bà Bèo. Đồng thời, xuất phát từ kinh Tổng Đốc Lộc tại đầu nguồn rạch Cái Nứa, Pháp cho đào thẳng tiếp tục về hướng tây Đồng Tháp Mười , xuyên qua huyện Tháp Mười và Cao Lãnh hôm nay để ra sông Tiền, dài khoảng 60 km. Đoạn kinh này đi ngang qua khu phế tích Gò Tháp (tương truyền là tháp mười tầng của cư dân Phù Nam xưa) nên gọi là kinh Tháp Mười. Chính đoạn kinh mới đào này đã đưa nước từ phía trên sông Tiền vào làm thông dòng chảy từ sông Tiền qua sông Vàm Cỏ Tây nhằm rửa phèn vốn tích tụ lâu đời trong lòng chảo Đồng Tháp Mười.
Như vậy là đến thời điểm này đã hình thành con kinh dài khoảng 105 km, tương đối thẳng, nối liền sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây, cắt ngang rìa phía nam Đồng Tháp Mười với bốn tên gọi:
-         Đoạn giáp với sông Vàm Cỏ Tây gọi là Rạch Chanh (khoảng 5 km);
-         Đoạn từ Rạch Chanh đến Bà Bèo gọi là kinh Bà Bèo (khoảng 20 km);
-   Đoạn từ Bà Bèo tới đầu rạch Cái Nứa gọi là kinh Tổng Đốc Lộc (khoảng 20 km);
-         Đoạn từ rạch Cái Nứa ra sông Tiền gọi là kinh Tháp Mười (khoảng 60 km).
Trong lần nạo vét trên, người Pháp mang hi vọng lớn lao về khả năng chinh phục và khai thác Đồng Tháp Mười để lập đồn điền nên họ dùng phương tiện thi công hiện đại nhất thời đó là xáng thổi để nạo vét và mở rộng kinh. (Do đó, khi vừa thi công xong, kinh này được gọi là Kinh Xáng). Để thuận lợi cho giao thông đường thủy, người Pháp chủ trương đào thẳng, nhiều đoạn đào trong đất liền chứ không theo kinh cũ cong quẹo. Cho nên người dân cũng gọi kinh này là Kinh Mới để phân biệt với Kinh Cũ ở những đoạn cong quẹo. Khi công trình hoàn thành, người Pháp đặt lại tên mới là Arroyo Commercial (tức kinh Thương Mại) vì con kinh này giữ vai trò thông thương giữa miền Tây và Sài Gòn. (Xem Bản đồ Đồng Tháp Mười thời Pháp thuộc đính kèm).
Ngoài ra, con kinh này cũng giữ vị trí chiến lược về mặt quân sự. Vị trí chiến lược này đặc biệt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Nam Bộ. Kinh Thương Mại trở thành hành lang bảo vệ chiến khu Đồng Tháp Mười. Quân Pháp thì coi đó là đường biên để cô lập chiến khu này. Thực dân Pháp đã tổ chức nhiều cuộc bố ráp hướng vào Đồng Tháp Mười chính từ con kinh này trong những năm 1947 – 1948. Tại xã Phú Mỹ (huyện Tân Phước hôm nay), Pháp đã chặt đầu nhiều cán bộ Việt Minh và treo thủ cấp bên bờ kinh Thương Mại hướng vào trong Đồng Tháp Mười để khủng bố tinh thần quân ta. Hiện nay tại xã Phú Mỹ có dựng bia Căm Thù để ghi nhớ tội ác của giặc.

TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY
Năm 1947, kinh Thương Mại được ta đổi tên thành kinh Nguyễn Văn Tiếp để ghi nhớ công lao của đồng chí chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho[14]. Đến năm 1957, Ngô Đình Diệm đổi lại là kinh Tháp Mười. Rồi kể từ 1975 đến nay, tên Nguyễn Văn Tiếp lại được đặt trở lại cho con kinh này. Đến những năm 1980, với chủ trương tiến công vào Đồng Tháp Mười, cùng với nhiều kinh rạch khác, kinh Nguyễn Văn Tiếp lại được nạo vét và mở rộng thêm một lần nữa (rộng khoảng 50 m), đồng thời xây dựng một con đập ở đoạn giáp với sông Vàm Cỏ Tây, khánh thành năm 1992, gọi là cống đập Rạch Chanh. Con đập này có nhiệm vụ tháo phèn trong Đồng Tháp Mười ra sông Vàm Cỏ Tây và ngăn nước mặn từ biển vào. Dọc theo bờ nam kinh Nguyễn Văn Tiếp là đê bao chống lũ mang tên đê 19/5 với nhiều đập nhỏ cũng có nhiệm vụ tháo chua ngăn lũ như đập Rạch Gốc, Cống Tượng, Cầu Quán… Dọc theo bờ bắc là tỉnh lộ 865 xuyên qua địa phận huyện Tân Phước, Cai Lậy và đến thị trấn Mỹ An của huyện Tháp Mười. (Xem ảnh Kinh Nguyễn Văn Tiếp hôm nay).
Cùng với các kinh Đồng Tiến, Phước Xuyên, Dương Văn Dương và Hồng Ngự (kinh Trung Ương), kinh Nguyễn Văn Tiếp là kinh cấp 1 trong Đồng Tháp Mười. Trong đó, kinh Nguyễn Văn Tiếp còn phải gánh thêm chức năng cố hữu là đường giao thông thủy chủ đạo từ miền Tây lên Sài Gòn mà cống đập Rạch Chanh là một trở ngại lớn cho nhiệm vụ quan trọng này. Do đó, hiện nay nhà nước đang rốt ráo tổ chức nạo vét và mở rộng thêm kinh Nguyễn Văn Tiếp đồng thời chuẩn bị phá bỏ cống đập Rạch Chanh để ghe tàu đi lại được thông thương.
Như vậy, trải qua hơn hai thế kỉ, con kinh mang tên Nguyễn Văn Tiếp hôm nay đã trải qua biết bao biến động, mang nhiều tên gọi khác nhau, xét cả trên trục không gian lẫn thời. Quá trình hình thành và phát triển của nó cũng chính là quá trình khai phá và đi lên của Đồng Tháp Mười nói riêng và của đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thông qua lịch sử kinh Nguyễn Văn Tiếp, ta cũng có thể phần nào nhận ra được lịch sử của vùng đất mới này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Huỳnh Minh – Định Tường xưa – Nxb Thanh Niên, 2001;
2.      Huỳnh Ngọc Trảng – Vè Nam Bộ – Nxb Đồng Nai, 1998.
3.     Lê Phú Khải – Đồng Tháp Mười hôm nay – Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2005;
4.     Nguyễn Hiến Lê – Bảy ngày ở Đồng Tháp Mười – Trí Đăng xb, Sài Gòn, 1970;
5.     Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí, Lục tỉnh Nam Việt, tập Thượng, Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia Giáo dục xb, Sài Gòn, 1959;
6.     Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo Dục, 2004.
7.     Sơn Nam – Đất Gia Định xưa – Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1984;
8.     Sơn Nam – Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa – Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1985;
9.     Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến chủ biên – Địa chí Long An – Nxb Long An, Nxb Khoa học Xã hội, 1989;
10. Trần Bạch Đằng chủ biên – Địa chí Đồng Tháp Mười – Nxb Chính trị Quốc gia,  1996;
11. Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí – Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, 1998;
12. Võ Trần Nhã chủ biên – Lịch sử Đồng Tháp Mười – Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993;
13. Vương Hồng Sển – Sài Gòn năm xưa – Nxb TP.HCM, 1997;
14. Vương Hồng Sển – Tự vị tiếng nói miền Nam – Nxb Trẻ, 1999.  
(Bài nầy đã đăng trên   T/c Nghiên cứu và Phát triển, số 2/2006).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét