Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Đồng Tháp Mười - “Việt Bắc của miền nam”


Đồng Tháp Mười - “Việt Bắc của miền nam” 
Đọ sức với trời, với giặc bao đời, con người sống nơi đây như được trui rèn thành thép đặc. Họ làm hết mình, đánh giặc hết mình và vui chơi cũng hết mình. Đó là đặc điểm của người Nam Bộ, và cũng là đặc điểm của người dân Đồng Tháp Mười kiên cường, anh dũng. 

Khi người Pháp đến xâm lược nước ta, trong sách địa lý, họ gọi Đồng Tháp Mười là “Đồng Cỏ Lác” (Plaine des Jones). Trong cuốn Bảy ngày ở Đồng Tháp Mười của tác giả Nguyễn Hiến Lê, xuất bản trước ngày miền Nam giải phóng có đoạn viết về Đồng Tháp Mười như sau: 

“Năm 1937, tôi lại được đo đạc trong Đồng Tháp. Nằm trong một chiếc ghe bầu, tôi lênh đênh trên các kênh rạch từ Hồng Ngự đến Thủ Thừa, từ Cái Thia lên Mộc Hóa; có khi đi bộ trọn một vùng bát ngát toàn lau, sậy, bàng, năn. Hai ba chục cây số không một nóc nhà, một bóng người…”. 

Quả vậy. Nói tới Đồng Tháp Mười là nói những bưng, trấp đầy bông sen, bông súng với những cánh hoa trắng, hồng, tím và thơm ngát hương. Động vật ở đây cũng vô cùng phong phú. Nhưng cuộc sống ở Đồng Tháp Mười cực khổ, nhọc nhằn cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Cho nên, ngày xưa, dân Nam Bộ mới chỉ nghe ba tiếng “Đồng Tháp Mười” đã thấy ớn lạnh, chán ngán rồi. Mộc Hóa là một quận lỵ nằm ở Đồng Tháp Mười, mà mỗi khi hay tin một thầy giáo nào đó đi Mộc Hóa để dạy học, ai cũng coi như thầy bị đày đi biệt xứ vậy. Thiên hạ coi Đồng Tháp Mười là vùng đất xa xôi, sào huyệt của trộm cướp, chốn tung hoành ngang dọc của những người sống ngoài vòng pháp luật. Cho nên, Đồng Tháp Mười, cái mênh mông của đồng ruộng đi liền với cái mênh mông dữ dằn của trời đất: sáu tháng khô cháy, rồi sáu tháng ngập lụt. Đất ngập, làng ngập, con người “chân đạp nước, đầu đội trời” mà sống. 

Ấy vậy mà hồi cuối thế kỷ thứ 19, Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc Binh Kiều (Lê Công Kiều) chọn nơi Gò Tháp lập căn cứ. Pháp dùng những con đường mòn có sẵn để tấn công. Cuộc chiến đấu của Thiên Hộ Dương đã được nhiều sách báo nói tới. Chỉ xin nhắc lại, trong trận tấn công của giặc Pháp vào căn cứ Gò Tháp (4-1866), nghĩa quân đã chặn đánh địch quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại, trong đó tiêu biểu nhất là cuộc chiến đấu ở đồn Tả. Sau khi gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, nghĩa quân chủ động rút lui, không để lại dấu vết gì. Địch truy vào trung tâm Gò Tháp, nhưng không dám ở lại đóng đồn mà rút về hết. Sau trận tấn công của giặc vào Gò Tháp, nghĩa quân Thiên Hộ Dương vẫn hoạt động ở vùng đồng lầy rậm rạp trong một thời gian nữa rồi mới chuyển về An Giang tiếp tục chiến đấu. Ngày nay, các ông già, bà cả vùng Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh... trong những câu chuyện kể về Ngũ Linh Thiên Hộ với con cháu, đều nhắc đến những ông cố, ông sơ của mình đã tham gia vào lực lượng nghĩa quân thời ấy với tất cả lòng tự hào. 

Kinh nghiệm lịch sử về căn cứ địa chống Pháp của Thiên Hộ Dương, của Đốc Binh Kiều trong những năm 1864-1865, của khu du kích Bo Bo sau thất bại Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 1940 là những bài học lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945-1954. Kế thừa những kinh nghiệm của các bậc tiền bối, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ và Khu ủy khu Tám, từ rất sớm đã có những chỉ thị cụ thể về việc xây dựng căn cứ địa cách mạng để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, mà nhà thơ Tố Hữu gọi đây là Việt Bắc của miền Nam (“Việt Bắc miền Nam mồ chôn giặc Pháp”). 

Chiến khu Đồng Tháp Mười là một trong ba chiến khu lớn của Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Đây là vùng đất rộng lớn mênh mông, tới hơn 670.000 ha, nằm gọn giữa ba tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang, trong đó Long An chiếm gần một nửa, mà trung tâm là huyện Mộc Hóa. 

Bảy trăm ngàn mẫu đất 

Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt 

Chân trời bốn mặt rộng thênh thang 


Trong cuộc chiến đấu mặt đối mặt với kẻ thù xâm lược có ưu thế về kỹ thuật và vũ khí, nhân dân Đồng Tháp đã không nề hy sinh, quyết tâm kháng chiến đến cùng. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, họ đã có nhiều sáng tạo trong việc lợi dụng địa hình, địa vật để xây dựng căn cứ kháng chiến và tổ chức cuộc sống để chiến đấu, giữ đất, bảo vệ dân. 

Nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Nơi thành lập Bộ Tư lệnh khu Tám; Ủy Ban Nhân dân Kháng chiến Hành chính Nam Bộ; nơi khai sinh nền điện ảnh Việt Nam với cuốn phim nhựa đầu tiên Chiến thắng Mộc Hóa (1948). Ngày 1-12-1947, Đài Tiếng nói Nam Bộ lần đầu tiên phát sóng. Tại một lán nhỏ ẩn dưới cụm cây tràm ở xã Nhơn Hòa Lập (Mộc Hóa), Đài đã mang lại cho đồng bào các tỉnh Nam Bộ tiếng nói của Ủy ban kháng chiến Hành chính Nam Bộ, phát nhiều thứ tiếng Việt, Pháp, Khơ-me, Quảng Đông, Bắc Kinh… “Có đài là có Chính phủ trong bưng”; “Dựng nổi một đài phát thanh như thế, bên kháng chiến phải giỏi lắm, phải mạnh lắm mới làm được”. Người dân đô thị Sài Gòn đã cảm phục và khen ngợi như vậy. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (lúc bấy giờ với chức vụ công khai bên ngoài là “trưởng phòng nghiên dân quân”) cùng với bộ máy lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến - Xứ ủy Nam Bộ - đã từng sống và làm việc trong nhiều năm tại nhà má Tám, xã Nhơn Hòa Lập (nay thuộc huyện Tân Thạnh, Long An). Tháng 3-1948, tại Đồng Tháp Mười, tiểu đoàn chủ lực 307 được thành lập trên cơ sở tập hợp những cán bộ, chiến sĩ giỏi từ các trung đoàn trong khu và đại đội xung phong của trường quân chính khu. 

Cuối tháng 7-1948, bên bờ kênh Năm Ngàn, đại hội đại biểu Xứ ủy Nam Bộ lần thứ nhất tiến hành, dưới sự chủ tọa của đồng chí Lê Duẩn. Các đại biểu quân - dân - chính Đảng của Nam Bộ, của Khu Tám và các tỉnh Đồng Tháp Mười đều về dự. Đồng Tháp Mười trở thành nơi diễn ra Đại hội Đảng Bộ Nam Bộ đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Ngày 24-12-1948, tại Câu lạc bộ quân nhân khu Tám bên bờ kênh Dương Văn Dương, đồng bào Đồng Tháp Mười lần đầu tiên được xem cuốn phim Trận Mộc Hóa. Hàng vạn người từ khắp các xóm ấp của chiến khu đã tìm về để thưởng thức bộ phim đầu tiên, ghe xuồng ken kín cả một quãng dài trên dòng kênh lịch sử này. 

Có một hình ảnh mà khi nói đến căn cứ Đồng Tháp Mười không thể không nhắc tới, đó là cọng bàng. Bàng là một loài cỏ cao, lá hình ống màu xanh đậm, thường mọc nhiều ở những vùng đất phèn Tháp Mười. Cây bàng cao độ hơn một mét là có thể cắt được. Đi trên kênh Tháp Mười thấy những bó bàng xòe ra phơi trong nắng, dễ làm cho lòng người xao động, nao nao. Đêm nghe tiếng giã bàng, càng nhói vào tim gan những kẻ xa nhà, xa quê một nỗi gì tha thiết. Trên một khúc gỗ dài khoảng hơn hai mét (được vát bằng hai mặt cho khúc gỗ đừng lăn để bó bàng đã phơi khô lên), hai người (thường là con gái), đứng hai đầu cầm chiếc chày giã cho bàng bẹp xuống. Sau ngày giải phóng không lâu, vào một đêm trăng, mấy anh em nhà báo chúng tôi ngủ nhờ nhà một đồng bào ở Cái Bèo (Đồng Tháp), nghe tiếng giã bàng theo nhịp “cụp cùm cum…” len lỏi trong xóm, kỷ niệm về những người vợ, người chị, người em gái thức thâu đêm giã bàng đươn đệm, chằm nóp tặng anh Vệ quốc đoàn thời “chín năm” như bật dậy trong chúng tôi: 

Nóp này, em gửi tặng anh 

Xuồng em bơi tận trong kênh Tháp Mười 

…Gửi ba nó ngủ ấm lòng 

Để đi giết giặc lập công thật nhiều… 


Hoặc mỗi dịp thu về, nghe giai điệu với lời ca truyền cảm của bài Nam Bộ kháng chiến như muốn dựng người ta dậy : 

Mùa thu rồi, ngày hai ba 

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến 

…Thuốc súng kém, chân đi không 

mà lòng người vì lòng yêu nước 

Nóp với giáo mang ngang vai 

Nhưng thân trai nào kém oai hùng… 


Nói tới Tháp Mười là nói tới cây lúa nổi (lúa trời) hay còn gọi là lúa ma, mọc hoang dại, hạt nhỏ, dài, vỏ lúa có nhiều lông, hạt và bông dựng ngược như những lưỡi gươm. Lúa trời chín không đều, hạt dễ rụng, thích nghi với đời sống hoang dại nên có sức sống phi thường. Mặc cho nắng hạn, sương buông, hạt lúa nằm yên trong đất, khi có mưa đầu mùa là nhất loạt nẩy mầm. Lúa trời là nguồn lương thực cung cấp cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến, nhất là những khu căn cứ. 

Với địa hình trống trải, bằng phẳng, mùa mưa nước ngập mênh mông, không có rừng núi hiểm trở che chắn như nhiều chiến khu khác, lại nằm sát nách Sài Gòn, chiến khu Đồng Tháp Mười đã đứng vững hiên ngang suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Vùng đất bưng biền kháng chiến giàu huyền thoại anh hùng này không chỉ thu hút sự chú ý và lòng ngưỡng mộ của nhân dân cả nước. Cánh đồng mênh mông năn, lác, lau, sậy và những cánh rừng tràm rải rác đã được cách mạng biến thành một căn cứ địa kháng chiến nổi tiếng, có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều người, đặc biệt là đối với tầng lớp thị dân. Trong những năm 1948 - 1949, vào mùa hè, hàng ngàn trí thức, công thương gia, sinh viên, học sinh, viên chức Sài Gòn kéo ra thăm bưng biền kháng chiến như những cuộc hành hương tìm về “đất thánh”. 

Giặc tới, lũ nọ, quân kia, cái dữ, cái ác chồng lên như núi. Nước ngập hầm một thì đắp hầm đôi, không còn nhà thì khoét vào một bờ kênh mà ở. Công sự lập ngay trên xuồng, vừa chống xuồng vừa chiến đấu, có lúc vừa như chiến đấu vừa như trêu giặc. 

Việc xây dựng lán trại, nơi làm việc, ăn ở của các cơ quan được tiến hành khẩn trương: Tỉnh ủy, Mặt trận Liên Việt ở Gò Mớp Xanh, Gò Ông Xuân, trấp Rùng Rình. Ủy ban Kháng chiến Hành chính ở Giồng Dinh, Tỉnh đội ở Giồng Nhỏ; Ty công an, trại giam ở Giồng Ông Bạn; trường hành chính ở Ba Thu; các trại thương binh, an dưỡng đường, trạm quân y, dân y, trường Huấn luyện, Công binh xưởng, phòng thông tin, đài thu phát vô tuyến điện, phòng luật sư biện hộ, trại giáo hóa cải tạo… đều có cơ ngơi khang trang trên hầu khắp căn cứ. Nối liền các khu vực với nhau là hệ thống đường giao thông thủy - bộ khá thuận tiện. Cán bộ, nhân dân đã đào những con kênh gọi là “kênh kháng chiến” ngang dọc khắp căn cứ. Đặc biệt là “kênh kháng chiến A” khá sâu, rộng 4 mét, dài 30 km nối thông hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây - là hai con sông huyết mạch nối hành lang miền Tây, miền Trung Nam Bộ lên miền Đông Nam Bộ trong những năm bị địch phong tỏa ngặt ngoèo nhất trong cuộc kháng chiến. 

Đồng Tháp Mười là như vậy. Đọ sức với trời, với giặc bao đời, con người sống nơi đây như được trui rèn thành thép đặc. Ở đây nắng mênh mông, gió mênh mông, nước cũng mênh mông. Con người ở đây dũng cảm, lạc quan, cởi mở, phóng khoáng như trời đất nơi đây vậy! Họ làm hết mình, đánh giặc hết mình và vui chơi cũng hết mình. Đó là đặc điểm của người Nam Bộ, và cũng là đặc điểm của người dân Đồng Tháp Mười kiên cường, anh dũng./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét