Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Tuyên Quang với chiến thắng Thu - Đông 1947

Tuyên Quang với chiến thắng Thu - Đông 1947

Tuyên Quang, trung tâm của Chiến khu Việt Bắc, là Thủ đô Kháng chiến từ năm 1947 đến khi kháng chiến thành công. Nếu ATK (an toàn khu) của Việt Bắc nằm trên 5 huyện của ba tỉnh (Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang), thì riêng Tuyên Quang đã có 3 huyện là Sơn Dương, Yên Sơn và Chiêm Hoá.

Sau Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, ngày 2-4-1947, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về Làng Sảo, xã Hợp Thành (Sơn Dương) để lãnh đạo cách mạng. Ngay hôm sau, ngày 3-4-1947, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương quyết đáp những vấn đề chiến lược của đường lối kháng chiến tại Thác Dẫng, xã Tân Trào. Từ đó, Tuyên Quang trở thành an toàn khu cho Người và Trung ương Đảng, Chính phủ kháng chiến.

 
Bia Chiến thắng Bình Ca.     Ảnh: NC
An toàn khu của Chính phủ kháng chiến mới thiết lập chưa trọn 6 tháng đã phải đối đầu với cuộc chiến tranh quy mô lớn của thực dân Pháp tiến công lên Việt Bắc. Âm mưu xảo quyệt của thực dân Pháp được thể hiện trong công văn của Va-luy, Tổng chỉ huy của quân đội Pháp ở Đông Dương gửi Sa-lăng ngày 19-7-1947: “Về chính trị phải có một hình Pháp (bọn bù nhìn) để chống lại hình tháp Việt Minh. Về mặt quân sự phải đánh vào ngọn tháp thù địch đó. Đây là nhiệm vụ số một”!

Để thực hiện nhiệm vụ số một đó, chúng đã mở một cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực và bắt gọn Chính phủ kháng chiến của ta vào Thu - Đông 1947.

Ngày 7-10-1947, quân dù của Pháp nhảy xuống Bắc Cạn, binh đoàn bộ binh do Bô-phrê chỉ huy từ Lạng Sơn kéo lên Cao Bằng, Bắc Cạn bao vây Việt Bắc từ phía đông và phía bắc. Binh đoàn bộ binh thuộc địa và lính thủy đánh bộ do Com-muy-nan chỉ huy ngược sông Hồng, sông Lô lên thị xã Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa bao vây Việt Bắc từ phía tây.

Với lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí giết giặc lập công và dựa vào thế núi sông hiểm yếu, quân và dân Tuyên Quang đã lập nên những chiến công vang dội.

Trận thắng mở đầu cho những chiến thắng trên sông Lô là chiến thắng Bình Ca diễn ra ngày 12-10-1947, bắn chìm tàu chiến địch, diệt hàng trăm tên địch.

Tiếp theo chiến thắng Bình Ca là chiến thắng Hòn Lau trên sông Lô đoạn chảy qua xã Thắng Quân (Yên Sơn). Quân Pháp nghênh ngang kéo đến ngã ba sông Lô Gâm thì bất thình lình bị đại bác, badoca, súng máy, súng trường, lựu đạn của quân ta bắn vào. Tiếng súng lẫn tiếng reo hò vang trời chuyển đất. Kết quả, trận phục kích này Pháp bị đắm hai thuyền, ba tàu bị hỏng, hơn 300 quan và lính bị chết đạn, chết cháy và chết trôi. Đây là chiến thắng của sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ binh, pháo binh và dân quân du kích tỉnh Tuyên Quang. “Bể lửa Hòn Lau” càng tô thắm thêm chiến thắng sông Lô - một dòng sông huyền thoại, một dòng sông của thơ ca, nhạc hoạ.

Ngoài hai chiến thắng Bình Ca và Hòn Lau trên sông Lô, trong Chiến dịch Thu - Đông 1947, bộ đội địa phương, dân quân du kích Tuyên Quang đã trực tiếp đánh 48 trận chiến đấu lớn nhỏ (trong đó có 30 trận chiến đấu độc lập, 18 trận phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực), đánh địch cả khi chúng tấn công cũng như khi chúng rút lui tháo chạy; trong đó, các trận đánh Km 7, Cầu Cả, Bản Heng, Vật Nhèo, Chợ Bợ, Đầm Hồng... đã đi vào lịch sử.

Trong những chiến công đó, vang dội nhất là chiến thắng Km 7 Tuyên Quang - Hà Giang (nay thuộc xã Trung Môn, huyện Yên Sơn). Tại đây, ngày 22-10-1947, 9 chiến sĩ cảm tử Thành Tuyên và 4 quả địa lôi phục kích chờ địch. Đúng 10 giờ sáng, khi 500 quân Pháp của tiểu đoàn Lơ-giốt vào trận địa, tiếng nổ rung trời chuyển đất đã vang lên, 72 tên Pháp xâm lược chết tại chỗ, số sống sót hốt hoảng bỏ chạy về thị xã Tuyên Quang. Cuộc hành quân của địch bị thất bại. Chính quân Pháp sống sót trong trận này thừa nhận, trận đánh Km 7 là “Tiếng nổ hoả ngục”
Cuối tháng 12-1947, chiến dịch tấn công Việt Bắc của quân Pháp hoàn toàn thất bại. Trước những chiến công vang dội ấy, ngày 23-12, một cuộc míttinh lớn mừng chiến thắng Việt Bắc đã được tổ chức tại sân vận động thị xã Tuyên Quang…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét