Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 – thắng lợi của đường đối ngoại giao “hòa để tiến”

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 – thắng lợi của đường đối ngoại giao “hòa để tiến”
Báo điện tử Đại học An Giang


Vừa mới giành được độc lập vào năm 1945, nước VNDCCH lại đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, thù trong giặc ngoài là nguy cơ đe dọa nền độc lập vừa mới giành được của chính quyền non trẻ này. Ngày 23/9/1945, Pháp tái chiếm Nam Bộ và âm mưu tiến ra miền Bắc lật đổ chính quyền nhân dân của ta. Trước tình thế nguy nan này, Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 được ký kết là một bước đi phù hợp với sách lược của chính quyền VNDCCH lúc bấy giờ.

Lễ ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tại Hà Nội. (Nguồn: baobacgiang.com.vn)

Theo Hiệp ước Postdam năm 1945 sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc, các nước Đồng Minh sẽ tiến hành vào giải giáp quân đội của các nước phát xít tại các thuộc địa bị chúng chiếm đóng. Tại Việt Nam, sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công trên cả nước, Việt Nam đã giành lại được độc lập từ tay đế quốc Nhật. Như vậy, theo tinh thần Hiệp ước Postdam trước đó, tại miền Bắc nước ta quân Tưởng sẽ vào giải giáp quân đội Nhật, tương tự tại miền Nam là quân Anh.
Sau độc lập, chính quyền non trẻ của nước VNDCCH được thành lập và lập tức bắt tay vào việc giải quyết những khó khăn trước mắt, vấn đề xây dựng và cũng cố chính quyền nhân dân, giệt giặc đói giặc dốt được khẩn trương thực hiện; bên cạnh đó, việc từng bước theo dõi và đối phó với âm mưu của Tưởng và Pháp cũng là một vấn đề quan trọng.
Sau khi tái chiếm được miền Nam, thực dân Pháp đã có ý định chiếm luôn miền Bắc, nhưng trở ngại lớn nhất của chúng là vấp phải một lực lượng kháng chiến mạnh của chính quyền VNDCCH (ở miền Nam thực dân Pháp vẫn chưa thể dập tắt được phong trào kháng chiến của nhân dân ta), đồng thời chúng phải đối mặt với 20 vạn quân Tưởng đang giải giáp quân đội Nhật tại đây.
Tại Trung Quốc, lực lượng quân cách mạng đang tấn công quân Tưởng trên khắp nhiều nơi trong cả nước, tình thế buộc quân Tưởng phải rút quân tại Bắc Đông Dương về để cũng cố lực lượng. Tại miền Bắc Việt Nam, mặc dù chình quyền mới thành lập đang gặp phải nhiều thử thách lớn, nhưng tinh thần chiến đấu lúc nào cũng rất cao. Nhận thấy được tình hình lúc này, chính phủ Pháp quyết định dùng giải pháp chính trị, thương lượng với quân Tưởng và tìm cách điều đình với chính phủ VNDCCH để quân Pháp đưa quân ra miền Bắc trong “hòa bình”.
Tại Việt Nam, vào tháng 2/1946, chính phủ Pháp do Jeans Sainteny làm đại diện đã xúc tiến việc đàm phán với chính phủ ta. Cuộc gặp gỡ diễn ra giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sainteny vào ngày 25/2/1946 vẫn chưa đạt được kết quả khi lập trường giữa ta và Pháp chưa đồng nhất. Phía ta, Hồ Chủ tịch luôn nêu cao tinh thần độc lập và hợp tác với Pháp, nhưng ngược lại chúng chỉ muốn biến nước ta thành lãnh thổ tự trị lệ thuộc Pháp.
Trong khi đó, sau cuộc gặp gỡ tại Trùng Khánh giữa Pháp và Tưởng đã đi đến kết quả cuối cùng. Sự kiện này hoàn toàn đúng với nhận định ban đầu của Ban thường vụ Trung ương Đảng khi Pháp muốn đưa quân ra miền Bắc thông qua giải Pháp chính trị:“Trước sau Trùng Khánh sẽ bằng lòng cho Đông Dương trở về tay Pháp miễn là Pháp nhượng cho tưởng nhiều quyền lợi quan trọng” (1).
Ngày 28/2/1946, Hiệp ước Trùng Khánh giữa Pháp và Trung Hoa đã được ký kết với những điểm chính sau:
-          Quân đội Tưởng rút về nước, vấn đề giải giáp quân Nhật tại Đông Dương sẽ do Pháp đảm nhận.
-          Pháp trả lại các tô giới và nhượng địa của Pháp trên đất Trung Hoa.
-          Pháp sẽ nhượng cho Tưởng một số quyền lợi tại miền Bắc Việt Nam như cho Tưởng khai thác một đặc khu tại cảng Hải Phòng, miễn thuế cho hàng hóa của Tưởng vận chuyển sang miền Bắc Việt Nam.
Như vậy, Hiệp ước Trùng Khánh là một sự chà đạp, xúc phạm đối với quyền độc lập dân tộc của nước ta lúc bây giờ, đi ngược lại tinh thần của công ước Liên Hiệp Quốc đã được hơn 50 quốc gia ký kết trước đó.
Đứng trước tình thế do Pháp đặt ra vào lúc này, Việt Nam phải chọn một trong hai phương án: đánh hoặc hòa hoãn với chúng.
Nếu chọn phương án chiến đấu với Pháp, ta sẽ gặp nhiều bất lợi lớn như bọn phản động trong nước vẫn còn nguyên âm mưu chia rẽ chính quyền cách mạng của ta, chênh lệch về lực lượng giữa ta và địch, vấn đề thiếu thốn lương thực, các lực lượng dân chủ trên thế giới chưa thể giúp chúng ta…
Nếu hòa hoãn, nhân nhượng cho Pháp, ta sẽ đứng trước nguy cơ bị chúng bội ước khi chúng có đủ thời gian để cũng cố lại lực lượng…. Nhưng đây là phương án khả thi nhất đối với hoàn cảnh đất nước ta lúc bấy giờ.
Cuối cùng, sau cuộc họp của Ban thường vụ Trung ương Đảng do Hồ Chủ tịch chủ trì đã thống nhất chọn giải pháp “hòa để tiến”. Đây là một sách lược ngoại giao khôn khéo, đúng đắn của Đảng ta, phù hợp với xu thế thời đại lúc bấy giờ. Hòa với Pháp, ta sẽ thoát khỏi tình cảnh cùng một lúc đối phó với hai kẻ thù; hòa với Pháp, ta sẽ tranh thủ được thời gian để chuẩn bị lượng, xây dựng vững chắc chính quyền, chờ đợi thời cơ để tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.
Tuy chọn hòa hoàn với Pháp, nhưng phía ta phải kiên quyết giữ vững lập trường của mình là độc lập, nhưng đồng thời phải khéo léo để “Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của dân ta: chính phủ, quân đội, nghị viện, tài chính, ngoại giao… và sự thống nhất quốc gia của ta” (2).
Cuộc đàm phán giữa ta và Pháp diễn ra gay go và căng thẳng, để đạt thống nhất giữa hai bên về các điều khoản trong Hiệp định là sự cố gắng và quyết tâm rất lớn của ta. Pháp buộc nước ta phải nằm trong Liên hiệp Pháp với “thân phận” là một quốc gia tự trị, nhưng phía ta kiên quyết đưa hai chữ “tự trị” ra khỏi Hiệp định vì điều này vi phạm đến “quyền được hưởng tự do độc lập” của dân tộc ta.
Trong thời gian và tình thế rất khẩn trương, cuối cùng thì giữa hai bên đã thống nhất được những điều khoản quan trọng và đi đến ký kết. Vào lúc 16 giờ ngày 6/3/1946, tại ngôi nhà số 38 Lý Thái Tổ, đại diện của chính phủ ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh đã ký với chính phủ Pháp do Jeans Sainteny bản Hiệp định sơ bộ dưới sự chứng kiến của nhiều quốc gia khác như Mĩ, Anh, Trung Hoa..
Nội dung Hiệp định sơ bộ có những nội dung cơ bản sau:     
1- Nước Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính của mình và nằm trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp.
2- Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân về việc thống nhất ba kỳ.
3- Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay quân đội Tưởng Giới Thạch. Mỗi năm sẽ rút 1/5 quân số và sau 5 năm sẽ rút hết.
4- Hai bên sẽ ngừng  ngay xung đột và giữ nguyên lực lượng quân đội ở vị trí cũ để mở rộng đàm phán chính thức.
Mặc dù cuộc đấu tranh để xóa sạch hình bóng quân thù ra khỏi đất nước Việt Nam, thực hiện quyền độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân và thống nhất đất nước sẽ còn kéo dài rất lâu nữa, nhưng với việc ký với Pháp Hiệp định sơ bộ vào ngày 6/3/1945 đã giúp cho ta có đủ thời gian để giải quyết khó khăn trong nước, cũng cố vững chắc chính quyền nhân dân, xây dựng lực lượng chiến đấu và tránh đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc. Đây chính là đường lối ngoại giao đúng đắn, thể hiện quan điểm biết mình biết ta, chờ đời thời cơ chiến đấu với kẻ thù để giành thắng lợi cuối cùng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
(1) (2) Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 3
 
Tham khảo:
Lê Mậu Hãn (chủ biên). Đại cương Lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục
TS. Nguyễn Xuân Minh. Lịch sử Việt Nam 1945 - 2000. Nxb Giáo dục
Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945 - 1946)
Nguyễn Thái - DH6SU.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét