Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp 6/3/1946- Một quyết định tài tình của Hồ Chí Minh và Đảng ta

Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp 6/3/1946- Một quyết định tài tình của Hồ Chí Minh và Đảng ta
Tạp chí Ban tuyên giáo




 Nước nhà sau ngày giành được độc lập gặp muôn vàn khó khăn thử thách. Song, bằng những cố gắng vượt bậc, lãnh tụ Hồ Chí Minh và TƯ Đảng đã từng bước chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua mọi trở ngại, cương quyết bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào.
Ngày 6/1/1946, sau nhiều trở ngại, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá I đã tiến hành thắng lợi. Tại kỳ họp thứ nhất (ngày 2/3/1946), Quốc hội đã chuẩn y danh sách thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh đệ trình.Với Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Người làm Chủ tịch, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã có một Chính phủ có đủ tư cách pháp lý để tiếp xúc, thương lượng với Pháp.
Trên thực tế, ngày 1/12/1945, Hồ Chí Minh đã cùng Võ Nguyên Giáp và Hoàng Minh Giám chính thức gặp Giăng Xanhtơny (Trưởng đoàn tình báo Pháp M.5 ở Côn Minh, Trung Quốc, một đơn vị thuộc quyền của SLFEO Calcutta và là một phần tử của cơ quan tình báo chiến lược DGER - Paris từ tháng 4-10/1945), Pinhon (một viên chức cựu trào của cơ quan thuộc địa Pháp. Tháng 7/1945, được Bộ Pháp quốc Hải ngoại chọn làm phụ tá cho Trưởng phái đoàn thuộc địa Pháp ở Calcutta về các hoạt động chính trị ở Đông Dương. Ngày 19/9/1945, Pinhon cùng Alessandri đã sang Hà Nội để gặp gỡ, hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh) trao đổi các vấn đề rất rộng rãi liên quan đến mối quan hệ Việt – Pháp. Cuộc gặp này có Capuýt là Bí thư Đảng Xã hội Pháp ở miền Bắc tham dự có thể được coi là cuộc họp đầu tiên giữa đại diện của nhà nước Việt Nam DCCH với đại diện của Chính phủ Pháp. Tuy nhiên, sau nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Cuối tháng 2/1946, trong cuộc tiếp xúc Việt - Pháp, lập trường của hai bên vẫn chưa đi đến được thoả thuận. Hai bên tiếp tục khẩn trương giải quyết các vấn đề tồn tại như: chủ quyền, quyền ngoại giao của Việt Nam, vấn đề Nam Bộ, số lượng và thời gian quân Pháp ở miền Bắc…Theo Philippe Devillers – Sử gia người Pháp có nhiều công trình nghiên cứu về Đông Dương, về lịch sử cuộc chiến tranh Việt-Pháp, thì đó thực sự là “những cuộc mặc cả gay go”, bởi rằng, phía Pháp vẫn muốn coi Việt Nam là một nước tự trị trong liên hiệp Pháp, song lập trường của Việt Nam trong quan hệ với Pháp là độc lập và hợp tác.
Ngày 28/2/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết tại Trùng Khánh. Việc thực dân Pháp, chính quyền Tưởng mặc cả, mua bán với nhau về quyền lợi của Việt Nam, chà đạp thô bạo chủ quyền độc lập của Việt Nam đã làm cho lòng căm phẫn và ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam lên đến cực điểm.Tình thế mới sau Hiệp ước Hoa – Pháp đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta khi thực hiện đàm phán với thực dân Pháp, phải lựa chọn và quyết đoán nhanh chóng.
Trên cơ sở phân tích một cách khách quan những điều kiện trong nước và quốc tế, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chủ trương đàm phán với Pháp song "không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta"(1). Quyết định đàm phán với Pháp trên nguyên tắc Việt Nam độc lập, phiên họp bất thường của Chính phủ ngày 4/3/1946 đã cử Hồ Chí Minh và Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Tường Tam phụ trách việc đàm phán với đại diện của Chính phủ Pháp. Đến các phiên họp áp chót, Việt Nam và Pháp đã đạt được thoả thuận về mấy vấn đề lớn: Vấn đề thống nhất ba kỳ, vấn đề Nam Kỳ và công thức thoả hiệp do Việt Nam nêu ra đã được Pháp chấp nhận. Đó là, Chính phủ Pháp cam kết công nhận quyết định của nhân dân qua cuộc trưng cầu dân ý. Trong phiên chót, quá nửa đêm ngày 5/3/1946, vấn đề thể chế chính trị của Việt Nam vẫn chưa đi đến được thoả thuận. Ngoài khơi, quân Pháp đang vào cảng Hải Phòng, tướng Trung Hoa Hoàng Khắc Thành đã thay Lư Hán đang thúc giục…Cái nút chưa gỡ được làm Xanhtơny ra về trong lo lắng. Cuối cùng, Hồ Chí Minh – con người của những quyết sách lịch sử đã tìm ra được cách giải quyết. Công thức “quốc gia tự do” trong Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp do Hồ Chí Minh chọn để nói về chủ quyền của Việt Nam đã được thông báo cho Xanhtơny vào tảng sáng 6/3/1946. Phía Pháp chấp nhận công thức này.
Sau đó, Hội đồng Chính phủ họp phiên đặc biệt sáng 6/3/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. Tham gia phiên họp có Trưởng ban thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố và nhiều vị bộ trưởng. Nội dung của bản Hiệp định có sự nhân nhượng cần thiết liên quan đến quyền lợi của quốc gia, nên vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Hội đồng Chính phủ báo cáo với Ban Thường trực Quốc hội, với Chính phủ, với Uỷ ban kháng chiến, Cố vấn tối cao. Hội nghị nhất trí ra nghị quyết, đồng thời uỷ quyền cho Phó Chủ tịch Kháng chiến uỷ viên hội Vũ Hồng Khanh thay mặt Chính phủ cùng Hồ Chí Minh ký hiệp định trên với Chính phủ Pháp.
Chiều ngày 6/3/1946, Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh đã ký với Giăng Xanhtơni, đại diện của Chính phủ PhápHiệp định sơ bộ 6/3/1946 tại 36 Lý Thái Tổ, Hà Nội, trước sự chứng kiến của đại diện của Trung Quốc, Mỹ, Anh và Lui Capuýt (đại diện Đảng xã hội Pháp SFIO) theo yêu cầu của Hồ Chí Minh. Bản phụ khoản của hiệp định cũng đã được Võ Nguyên Giáp ký với Giăng Xanhtơni và Raun Xa lăng (chỉ huy lực lượng quân sự Pháp tại Bắc Đông Dương) với nội dung cơ bản như: Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là một quốc gia tự do, có chính phủ, có nghị viện, quân đội, tài chính của mình và là một phần tử trong Liên bang Đông dương và Liên hiệp Pháp... cùng các thoả thuận khác như: Việt Nam thuận cho 15 000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Số quân đó sẽ phải rút hết trong 5 năm và mỗi năm sẽ rút 1/5…
Hiệp định được ký ngày 6/3/1946 nhưng bản phụ khoản của Hiệp định đến ngày 12/3/1946 mới được chuyển về Pháp. Vụ Á- Úc của Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng: nội dung của bản phụ khoản có nhiều điểm không có lợi cho Pháp. Và với người Pháp, thật không thể mảy may hy vọng khôi phục sự thống trị của họ ở Đông Dương, nếu như Pháp chưa thật sự làm chủ được Hà Nội - trung tâm thần kinh trung ương của Đông Dương. Vì vậy, cần phải có những biện pháp để quân đội Pháp không bị gạt ra khỏi miền Bắc Việt Nam trong vòng 5 năm, mà trước hết là không hạn chế ở con số 15 000 quân.Trong tình thế đó, ngày 18/3/1946, từ Pari, Mutê (Bộ trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại năm 1946) đã điện cho Đác Giăng li ơ (Cao Uỷ Pháp tại Đông Dương theo quyết định của Tổng thống ngày 17/8/1945, đại diện ở Đông Dương cho Chính phủ Cộng hoà lâm thời, có quyền hành như Toàn quyền Đông Dương và Tổng Tư lệnh các lực lượng trên đất, biển và trên không có căn cứ ở Đông Dương từ năm 1945-1947) và nhấn mạnh: Về phần tôi, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn các hiệp định của ông và sẽ bảo vệ trước Quốc hội tất cả cái gì ông đã làm mà tôi cũng hoàn toàn liên đới… Sự chỉ đạo của Pari đã bật đèn xanh để thực dân Pháp cố tình phá hoại Hiệp định sau đó.
Lịch sử đã chứng minh rằng, Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa Chính phủ Hồ Chí Minh và Chính phủ Pháp là một sự kiện quốc tế vượt xa khuôn khổ quan hệ Việt - Pháp. Hiệp định sơ bộ đã tạo hành lang pháp lý cho cuộc thương lượng Việt - Pháp tiếp theo, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao của nhà nước Việt Nam DCCH. Vừa đánh vừa đàm và việc quyết định ký Hiệp định sơ bộ đã góp phần khẳng định sự tồn tại và vai trò của Chính phủ Hồ Chí Minh trong thực tế, mở ra chuyến đi thăm nước Pháp của đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đưa đến Hội nghị trù bị Đà Lạt và lời mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp với vị thế “thượng khách” của Chính phủ Pháp.
Đánh giá sự kiện này, Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta trên thực tế đã độc lập từ 8/1945 nhưng cho đến nay chưa có cường quốc nào nào công nhận độc lập của chúng ta. Bản Hiệp định sẽ dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng, và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao” (2). Nói về ý nghĩa to lớn của việc ký Hiệp định Sơ bộ, tại Trùng khánh, Chu Ân Lai nhận xét: Đó là một việc đáng làm khuôn mẫu cho các đế quốc ở Thái Bình Dương và châu Á.
Tuy nhiên, khi biết tin Hiệp định sơ bộ được ký kết, dư luận các đảng phái quốc gia và thân nước ngoài như Việt Cách, Việt Quốc đã lên tiếng phản đối, nhân dân cũng còn chỗ băn khoăn, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh giải quyết. Trong “Lời kêu gọi sau khi ký Hiệp định Sơ bộ”, Người chân thành bày tỏ: “Đồng bào Việt Nam nghe tôi, tin tôi, vì suốt đời tôi đã tranh đấu chống chế độ thực dân, tranh quyền độc lập cho nước nhà... Vì tin vào sự hoàn toàn độc lập tương lai của nước nhà, tôi cùng Chính phủ đã ký bản Hiệp định Sơ bộ với Chính phủ Pháp...” và kêu gọi “đồng bào hãy bình tĩnh, sẵn sàng chờ lệnh của Chính phủ”. Đồng thời, Chính phủ đã cử đồng chí Hoàng Minh Giám đáp máy bay đi Đà Nẵng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi Hải Phòng,… gặp gỡ, giải thích cho đồng bào. Trước đồng bào Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày vắn tắt lập trường, đường lối chính trị của Đảng, Chính phủ và động viên đồng bào rằng: cần phải biết chịu đựng hy sinh để mưu sự nghiệp lớn. Đành phải hy sinh không gian để tranh thủ thời gian. Bởi rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, để tránh những xung đột quân sự và bất lợi, để tranh thủ thời gian hoà hoãn nhằm xây dựng và phát triển thực lực của chế độ dân chủ cộng hoà thì việc quyết định và ký Hiệp định sơ bộ là sự lựa chọn đúng đắn.
Quyết sách kịp thời và tài tình này, đã đuổi nhanh quân Tưởng về nước, góp phần hực hiện thành công sách lược Hoà để tiến. Sự chấp nhận và nhân nhượng có nguyên tắc của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một tình thế cụ thể, đã làm cho cục diện quan hệ Tưởng - Việt - Pháp thay đổi. Nhân dân ta có thêm thời gian hoà bình để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến mà theo nhận định thì tất yếu sẽ xảy ra.
Linh hoạt trong ứng biến, mềm dẻo trong từng cách xử thế, càng nguy hiểm khó khăn, Hồ Chí Minh càng bình tĩnh và sáng suốt và có những quyết sách tài tình. Con đường để đi đến “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi” dù có thể khúc khuỷnh, quanh co nhưng với Hồ Chí Minh - đó là mục tiêu nhất quán. Vì vậy, dù không thể trong một lúc mà có được tất cả, thì việc quyết định giải pháp ký Hiệp định sơ bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cách đây 65 năm (6/3/1946 – 6/3/2011) đã thực sự là một “quyết sách đúng đắn đến thường tình, được bật ra trong một phản ứng tự nhiên như từ trực giác cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cũng với Hồ Chí Minh, con người của những quyết định lịch sử ấy, nửa năm sau tại thủ đô Pari của nước Pháp lại ký với Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại- Mutê Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946, cùng một lời khẳng định chắc chắn: Cuối cùng nhất định chúng tôi sẽ thắng!
65 năm sau khi Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp (6/3/1946- 6/3/2011) được ký kết, một nước Việt Nam XHCN đã hoàn toàn độc lập, thống nhất và vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập. Lịch sử quan hệ Pháp - Việt sau những thăng trầm của lịch sử, những khúc quanh “của đầu rơi và máu chảy trong chiến tranh” đã khép lại, và một chương mới trong lịch sử quan hệ Viêt- Pháp đã mở ra, với biết bao hy vọng của tình hữu nghị, hợp tác và phát triển. Với một niềm tin tưởng chắc chắn rằng: Nhân dân Việt Nam yêu chuộng tự do, hòa bình và công lý luôn kiên trì, vượt mọi hiểm nguy để bảo vệ nền độc lập và thống nhất của nước nhà, đã bằng ý chí, niềm tin, sức mạnh đoàn kết đi đến thắng lợi trong chiến tranh, cũng sẽ được kế thừa, phát huy để đưa đất nước ta đến thắng lợi trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam XHCN: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng khẳng định được vị thế quốc gia trên trường quốc tế./.
Bài và ảnh: BAN MAI
__________________
Chú thích:
1.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2001, tập 8, tr 46
2.Philippe Devillers, Tài liệu lưu trữ của chiến tranh 1944-1947, Nxb T.p. Hồ Chí Minh, tr.218

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét