Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Cuộc chiến tranh tâm lý 20 năm của Mỹ tại Việt Nam: Tiền tỉ dã tràng


Cuộc chiến tranh tâm lý 20 năm của Mỹ tại Việt Nam: Tiền tỉ dã tràng

alt
Ngô Đình Diệm năm 1955 - viên sĩ quan Mỹ ngồi sau Ngô Đình Diệm là E. Lansdale.
Ngày 23/6/1955, cuộc lựa chọn vị nguyên thủ của quốc gia Việt Nam và thể chế chính quyền diễn ra ở phía nam vĩ tuyến 17 với sự vắng mặt của Bảo Đại. Kết quả: Ngô Đình Diệm đắc cử với 98,2% số phiếu.
Ngày 6/10, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý. Các cơ quan truyền thông phổ biến những câu nhắc nhở cử tri như:

Phiếu đỏ ta bỏ vô bì
Phiếu xanh Bảo Đại
                           ta thì vứt đi.


Ngày 23/6/1955, cuộc lựa chọn vị nguyên thủ của quốc gia Việt Nam và thể chế chính quyền diễn ra ở phía nam vĩ tuyến 17 với sự vắng mặt của Bảo Đại. Kết quả: Ngô Đình Diệm đắc cử với 98,2% số phiếu. Đại tá CIA là Lansdale, cố vấn cho Ngô Đình Diệm nói rằng: "Trong lúc tôi đi vắng, tôi không muốn bỗng nhiên nhận được tin rằng ông thắng 99,99%. Vì nếu như thế thì biết đó là âm mưu sắp đặt trước". Vì thế cho nên Diệm đắc cử với 98,2%.

Tất nhiên là kết quả diễn ra đúng với nguyện vọng của Lansdale. Ngô Đình Diệm chính thức trở thành Tổng thống của Việt Nam cộng hòa. Một mối lo ngại lớn của người cầm đầu trò chơi tâm lý chiến đã được thanh toán.

Để giữ cho chế độ thực dân kiểu mới đứng vững, Lansdale còn phải tiếp tục tiến hành nhiều công việc nữa trong sứ mệnh mờ ám của ông ta.

Cỗ xe khổng lồ

Tại tòa nhà số 8 đường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn có một tấm biển đề United States Information Service viết tắt là USIS. Đó là tên tổ chức Liên vụ Thông tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn, chi nhánh của Hãng Thông tin Hoa Kỳ USIS, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn.

Với chiếc áo dân sự hiền lành, USIS không chỉ làm chức năng thông tin báo chí, nó là đầu mối chỉ đạo các hoạt động chiến tranh tâm lý và phá hoại tư tưởng của CIA ở nước ngoài. Không có một hoạt động văn hóa truyền thông nào của bộ máy đó lại không xuất phát từ chính sách đối ngoại của Nhà nước Mỹ và mưu đồ của CIA bành trướng cái gọi là sức mạnh Mỹ, lối sống Mỹ, tư tưởng Mỹ trên toàn thế giới.

USIS được giao chỉ đạo chương trình hoạt động của hàng mấy chục cơ quan văn hóa thông tin Hoa Kỳ ở Sài Gòn và các tỉnh, thành phố miền Nam Việt Nam. Các giám đốc của USIS đều là nhân viên của CIA. Thời kỳ chiến tranh ở vào giai đoạn ác liệt từ năm 1966 đến 1970 USIS được đổi tên thành JUSPAO - Joint United States Public Affairs Office.

JUSPAO có thêm bộ phận liên quan đến thông tin liên lạc của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ USAID và của Bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam MACV  dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hoạt động của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Ủy ban này có thành phần gồm đại diện của đại sứ, Chủ tịch JUSPAO, đại diện MACV, đại diện USAID, Văn phòng trợ lý đặc biệt của Đại sứ, OSA, phụ trách các hoạt động chiến tranh tâm lý thực chất là tên gọi công khai của CIA ở Việt Nam.

Nhiệm vụ của USIS - JUSPAO trước hết là công khai tuyên truyền cho đường lối chiến tranh và văn hóa Mỹ, trợ giúp và chỉ đạo hoạt động bộ máy chiến tranh tâm lý của chính quyền Sài Gòn, trực tiếp thực hiện các chiến dịch tâm lý chiến theo yêu cầu của USAID và phục vụ cho Đoàn thanh niên tình nguyện quốc tế Mỹ IVS, tham gia chương trình bình định nông thôn, thu thập tin tức và xây dựng mạng lưới cộng tác viên cho hoạt động tình báo của CIA.

Nó có 37 cơ sở tại các tỉnh, thành phố miền Nam gồm các trụ sở đại diện, các hội Việt Mỹ, các phòng triển lãm, phòng bán sách, trường dạy Anh ngữ, các báo tạp chí như Thế giới tự do, Hương quê, Triển vọng, Đối thoại, Tạp chí Trẻ và Ban Vô tuyến VOA phục vụ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, CIA còn sử dụng các căn cứ, các cơ sở ở Singapore, Thái Lan, Philippines vào các hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý và phá hoại miền Bắc Việt Nam. Chẳng hạn các căn cứ Mỹ ở Philippines còn là điểm huấn luyện và xuất phát cho các nhân viên tình báo và biệt kích người Việt Nam xâm nhập vào bờ biển miền Bắc và Trung Việt Nam. Một tài liệu của Larry Kiepatrick, một nhân viên CIA đã bỏ nghề tiết lộ:

Ngoài cơ sở viễn thông khổng lồ của CIA gọi là Trạm tiếp âm khu vực ở căn cứ không quân Clark, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, hiện ít nhất có một căn cứ quan trọng khác ở Philippines. Cách Sứ quán Mỹ ở Manila khoảng 1 dặm có một cơ sở được gọi là Trung tâm Dịch vụ khu vực RSC. Mặc dù danh nghĩa bề ngoài hoạt động của nó được sự bảo trợ của tổ chức thông tin quốc tế ICA, cơ sở in cực kỳ hiện đại này hoạt động như một nhà máy tuyên truyền công khai và bí mật cho CIA.

Với khả năng sản xuất một số lượng lớn tạp chí, áp phích, truyền đơn và các loại tài liệu khác có màu sắc rất đẹp và in ra bằng ít nhất 14 thứ tiếng châu Á. Sản phẩm của cơ sở này đã nhận được bằng khen của Bộ Quốc phòng Mỹ vì những đóng góp vào toàn bộ nỗ lực chiến tranh tâm lý nói chung. Một nguồn tin ở Manila còn cho biết RSC là nguồn sản xuất giấy bạc giả để đem thả bằng máy bay xuống miền Bắc Việt Nam.

Ngoài các chuyên viên chiến tranh tâm lý của Anh, Australia được mời làm cố vấn cho chính quyền Sài Gòn, các cơ quan chiến tranh tâm lý của  Nam Hàn, Đài Loan cũng tham gia hỗ trợ cho chiến tranh tâm lý ở Việt Nam.

Hệ thống tổ chức bộ máy chiến tranh tâm lý của chính quyền Sài Gòn rất lớn gồm ba bộ phận:

Bộ phận hành chính dân sự

Do phụ tá đặc biệt cho tổng thống về các vấn đề chính trị và văn hóa điều hành, bộ phận này chỉ đạo công tác chiến tranh tâm lý trong phạm vi toàn quốc, cả dân sự và quân sự. Từ năm 1968 về trước, cơ quan này chỉ đạo chung về chiến tranh tâm lý lấy tên là Ủy ban Điều hợp tâm lý chiến. Năm 1969, nó đổi thành Ủy ban Động viên chính trị. Sang năm 1970 lại đổi ra Ủy ban Thông tin đại chúng.

Tính chất đặc biệt của ủy ban này là sự tập trung chỉ đạo rất cao. Ủy ban trung ương do thủ tướng làm chủ tịch, Phó thủ tướng làm Phó chủ tịch, Tổng trưởng Thông tin làm tổng thư ký, Tổng cục trưởng Chiến tranh chính trị và Bộ trưởng các Bộ làm ủy viên. Còn các ban thông tin đại chúng ở các cấp thì do chính thủ trưởng các cơ quan đó làm trưởng ban.

alt
            Lansdale cùng Allen Dulles - phó giám đốc CIA từ năm 1951 đến 1953 và tướng Cabel.

Ngoài cơ quan chỉ đạo chung như đã nói ở trên còn có các cơ quan đặc trách về chiến tranh tâm lý như:

Bộ Thông tin sau đổi thành Tổng ủy Dân vận, rồi Bộ Dân vận và Chiêu hồi. Cuối cùng là Bộ Thông tin chiêu hồi.

Bộ Thông tin chiêu hồi phụ trách thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước. Hệ thống của nó xuống tới các quận, huyện gọi là Chi thông tin chiêu hồi.

Ở một số cơ quan có liên quan đến chương trình chiến tranh tâm lý như Cảnh sát quốc gia,  Xây dựng nông thôn, Phát triển sắc tộc… có Nha Chiến tranh tâm lý để phối hợp với Bộ Thông tin chiêu hồi thực hiện chương trình chiến tranh tâm lý trong nội bộ cơ quan và bên ngoài.

Bộ phận do Mỹ trực tiếp phụ trách

Trước hết là hệ thống đài phát thanh bí mật do Mỹ tổ chức và trực tiếp điều hành hoạt động. Hệ thống này gồm có Đài Phát thanh Tự Do, Đài Phát thanh Mẹ Việt Nam, Đài Phát thanh Gươm thiêng Ái quốc, Đài Phát thanh Giải phóng Nam Bộ.

Đài phát thanh Tự Do.

Đài Phát thanh Mẹ Việt Nam. Trụ sở của đài này đặt ở số 7 đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn. Các trạm phát sóng của nó đặt ở Thủ Đức, Cát Lở, Vũng Tàu và Thanh Lam, Huế.

Đài Phát thanh Gươm thiêng Ái quốc. Đài Phát thanh Giải phóng Nam Bộ. Đến năm 1973, Mỹ mới giao Đài Phát thanh Tự Do cho Tổng cục Chiến tranh chính trị quân đội Sài Gòn, chỉ giữ lại Đài Phát thanh Mẹ Việt Nam cho tới trước ngày 30/4/1975  thì tháo gỡ máy móc và đưa một số lớn nhân viên sang Mỹ.

Theo lời khai của một số nhân viên làm việc ở Đài Phát thanh Mẹ Việt Nam và căn cứ vào cơ sở vật chất còn để lại thì các đài Mẹ Việt Nam, Gươm thiêng Ái quốc, Giải phóng Nam Bộ chỉ có một cơ sở kỹ thuật chung là Đài Mẹ Việt Nam. Còn Gươm thiêng Ái quốc và Giải phóng Nam Bộ chỉ là một chương trình phát thanh của Đài Mẹ Việt Nam mà thôi.

Bộ phận Chiến tranh tâm lý của Quân đội Việt Nam cộng hòa

Bộ phận chiến tranh tâm lý của quân đội Sài Gòn được tổ chức theo hệ thống dọc từ trung ương xuống tới cấp trung đội dân vệ do Mỹ chỉ huy có sự cộng tác của chuyên gia chiến tranh tâm lý Đài Loan, Australia, Philippines, Nam Hàn.

Ngay từ năm 1955 chính quyền Sài Gòn đã thành lập Nha Chiến tranh tâm lý thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa. Hoạt động của Nha Chiến tranh tâm lý chủ yếu là những buổi truyền thanh, truyền hình, ấn loát, chiếu bóng và trình diễn văn nghệ. Hai phương tiện chính là Đài Phát thanh Quân đội và tờ báo Chánh Đạo. Các buổi phát thanh trên đài có những chương trình tân nhạc như "Nhạc thời chinh chiến" và "Tiếng ca gửi người tiền tuyến". Ngoài ra là "Chương trình Thép Súng" trên Đài truyền hình hay "Chương trình Dạ Lan" trên radio VTVN.

Nha Chiến tranh tâm lý cũng tổ chức những khóa học cho quân nhân ở trụ sở số 15 đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn. Ban nhạc AVT thành lập năm 1958 với 3 ca sĩ Anh Linh, Vân Sơn và Tuấn Đăng là một trong những nhóm văn nghệ của Nha Chiến tranh tâm lý.

Đến năm 1965, Nha Chiến tranh tâm lý được tổ chức thành Tổng cục Chiến tranh chính trị trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy ngành chiến tranh tâm lý trong quân đội Sài Gòn. Bộ máy của nó rất lớn, có đài phát sóng riêng, có cơ sở in truyền đơn, báo chí và tài liệu chiến tranh tâm lý, có các cục nghiệp vụ, có hai trường đào tạo cán bộ chiến tranh tâm lý, Trường đại học Chiến tranh chính trị Đà Lạt, Trung tâm Huấn luyện cán bộ tâm lý chiến, các Nha tuyên úy Công giáo, các tiểu đoàn chiến tranh chính trị, các đại đội Dân sự vệ, Biệt đoàn văn nghệ trung ương.

Tại các Bộ tư lệnh Không quân, Hải quân, Lục quân, các quân khu, các binh chủng, sư đoàn, quân trường, trung đoàn, liên đoàn, tiểu khu và cấp tương đương đều có khối chiến tranh tâm lý. Cấp tiểu đoàn có sĩ quan phụ tá chiến tranh tâm lý và một số ủy viên chiến tranh tâm lý giúp việc. Cấp đại đội, trung đội thì đại đội phó và trung đội phó phụ trách chiến tranh tâm lý. Cho đến năm 1970, quân số làm chiến tranh tâm lý đã chiếm 1/5 quân lực của quân đội Sài Gòn.

Bộ máy chiến tranh tâm lý của quân đội Sài Gòn được giao nhiệm vụ “phản tuyên truyền hạ uy thế cộng sản, tranh thủ nhân dân, nhất là nông dân, tách rời tâm hồn và tư tưởng của nhân dân ra khỏi cách mạng. Về chiến lược phải xây dựng cho nhân dân lập trường quốc gia, ý thức hệ dân chủ tự do để giữ lòng tin đối với chế độ Sài Gòn và tạo cho dân có cơ sở lý luận chống lại cách mạng một cách tích cực, vững chắc”.

Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã chi cho ngành chiến tranh tâm lý ngân sách rất lớn. Chỉ riêng ngành vô tuyến truyền thanh truyền hình năm 1972 được JUSPAO chi tới 20 triệu USD. Theo kế hoạch phát triển hệ thống thông tin 4 năm 1974-1977 của chế độ Sài Gòn thì cấp xã sẽ được trang bị máy truyền hình, xây trạm thông tin, phòng trưng bày tranh ảnh và đọc sách, có dụng cụ âm thanh và nhạc cụ. Cấp ấp có bảng thông tin, chòi phát thanh, máy ghi âm, loa thiếc, khẩu hiệu cho mỗi gia đình, lập các hội văn thơ nhạc họa cho giới trẻ để tuyên truyền tác động tư tưởng. Ngân sách cho kế hoạch này dự chi là 6.802.585 USD.

Trong một tài liệu của Trần Văn An, cố vấn đặc biệt về chính trị và văn hóa của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho biết nếu như chưa thất bại thì chính quyền Sài Gòn sẽ nâng cao tầm vóc hơn nữa của bộ máy chiến tranh tâm lý để giành lại thế thắng. Họ sẽ nâng Bộ Thông tin chiêu hồi thành Bộ Chính trị và chi phí hoạt động có ngân sách ngang với ngân sách của Bộ Quốc phòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét