Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Chu Lai và việc hình thành “Vành đai diệt Mỹ”

Chu Lai và việc hình thành “Vành đai diệt Mỹ”



Chu Lai là một căn cứ quân sự do Mỹ xây dựng năm 1965 bên bờ vũng Dung Quất, cách thành phố Đà Nẵng 84 km về hướng Đông-Nam, nay thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Căn cứ Mỹ ở đây gồm: sân bay Chu Lai có đường băng xi măng (dài 3.050m, rộng 45m) và đường băng phên nhôm (dài 2.400 m, rộng 30m); cảng quân sự Kỳ Hòa.

Ngay khi quân chiến đấu Mỹ đổ bộ vào Chu Lai (10-5-1965), Bộ Tư lệnh Quân khu V giao cho tỉnh đội Quảng Nam: Nhanh chóng phát động chuyển tư tưởng bộ đội, du kích từ đánh ngụy sang đánh cả ngụy lẫn Mỹ. Tổ chức lực lượng hình thành vành đai bao vây tiêu hao, tiêu diệt quân Mỹ ở Chu Lai, hạn chế không cho chúng lan nhanh ra vùng giải phóng… Căn cứ vào lực lượng vũ trang tỉnh, huyện đang hoạt động ở khu vực Tam Kỳ, ở phía trong (giáp căn cứ Chu Lai) có một đại đội bộ binh, một trung đội trinh sát; ở phía ngoài (cách căn cứ Chu Lai 5-20km) có Tiểu đoàn 70, Tiểu đoàn 42, Đại đội 706, Tiểu đoàn Đặc công 409 (Quân khu tăng cường); ở phía nam Chu Lai có Đại đội 21 (bộ đội địa phương huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) phối hợp. Ban Chỉ huy tỉnh đội Quảng Nam giao nhiệm vụ cho các đơn vị và huyện Nam Tam Kỳ: Tổ chứcVành đai diệt Mỹ là nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phá hủy phương tiện chiến tranh của Mỹ- ngụy trong căn cứ, làm chúng bối rối ngay từ đầu, buộc chúng lo giữ vị trí, không càn quét rộng ra được. Đồng thời, thiết kế trận địa, bố trí hầm chông, cạm bẫy, bắn tỉa ngăn chặn và đánh những quân nống lấn ra ngoài, tạo điều kiện cho bộ đội đánh những đòn phủ đầu tiêu diệt lớn, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng ngay từ đầu, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.
Sự chủ động tiến công của quân và dân Quảng Nam, Quảng Ngãi vào căn cứ Chu Lai được chính phía Mỹ thừa nhận. Trong thời gian (từ 1965-1967), các trận đánh với quân Mỹ ở vùng ven căn cứ Chu Lai đã đưa chiến tranh nhân dân địa phương ở đây lên đỉnh cao. Đây là mô hình tổ chức tiêu biểu cho hoạt động tổng hợp của các lực lượng chính trị, vũ trang địa phương cùng bộ đội chủ lực nhằm ngăn chặn, hạn chế sự tiến công của kẻ thù; tiêu hao, tiêu diệt địch, giữ vững vùng giải phóng. Nây Shi-han -Sử gia quân sự Mỹ- viết: “Với sự giúp đỡ của nông dân, Cộng sản biến mỗi làng thành một pháo đài. Các con đường đi qua đồng lúa và những chỗ trống khác được khống chế tỷ mỷ bằng những điểm hỏa lực phối hợp với nhau do những khẩu súng tự động đặt trong các chốt có những lớp cát bảo vệ phía trên. Các chốt được xây dựng bằng những thanh sắt phá ra từ đường xe lửa dọc bờ biển và buộc lại bằng dây thừng lớn để chống đỡ những bao cát. Các hầm cá nhân được ngụy trang trong giao thông hào thật tài tình. Một cái hốc được khoét vào bên hông, trong đó lính có thể ẩn nấp vào để tránh bom đạn và pháo giống như lính ở các chốt vậy. Cũng có những giao thông hào hình chữ chi để những người chỉ huy có thể tiếp viện, tiếp tế đạn dược và chuyển người bị thương ngay trong trận đánh. Họ có nhiều thời gian để sắp đặt những gì cần thiết trước khi lính Kỵ binh bay (Mỹ) tới”. (Nây Shihan: Sự lừa dối hào nhoáng. Bản dịch tiếng Việt. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, T2, tr248).
Tiếng súng đánh Mỹ trên “Vành đai diệt Mỹ” Chu Lai khởi đầu bằng trận thắng oanh liệt của Đại đội 2, tiểu đoàn 70 tiêu diệt một đại đội Mỹ ở Núi Thành đêm 25 rạng sáng 26-5-1965. Tiếp đến, ngày 10-6-1965, du kích xã Kỳ Sanh do Xã đội trưởng Lê Văn Tâm chỉ huy, bố trí trận phục kích tại chợ Cả Dó, chặn đánh một đại đội Mỹ từ đồi 69 (xã Kỳ Khương) càn quét ra vùng giải phóng, diệt 11 tên; sau đó dựa vào làng chiến đấu đánh quần lộn với địch diệt thêm 6 tên nữa… Những chiến công đánh Mỹ vang dội trên “Vành đai diệt Mỹ” Chu Lai nối tiếp nhau cho đến khi quân chiến đấu Mỹ phải rút hết về nước.
Ngày nay, cùng với Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, Chu Lai (Núi Thành, Quảng Nam) cũng đang được xây dựng để trở thành khu kinh tế mở. Trong tương lai gần, khu vực Núi Thành sẽ có bước phát triển mới về kinh tế, đồng thời nhiệm vụ củng cố quốc phòng-an ninh sẽ hết sức nặng nề. Bài học đánh Mỹ năm xưa có giá trị thời sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Đấy là, phải tạo được sự nhất trí cao trong việc quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và trong mọi tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người toàn tâm, toàn ý, kiên định con đường xây dựng CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
THU TRANG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét