Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

TÌM HIỂU HỆ THỐNG “LÀNG HẦM” VĨNH LINH (1965 – 1973).


TÌM HIỂU HỆ THỐNG “LÀNG HẦM” VĨNH LINH (1965 – 1973).
 
Trần Thị Thanh Tâm
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), khu vực Vĩnh Linh (Quảng Trị) có vị trí chiến lược quan trọng: là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương của miền Nam, trực tiếp là chiến trường Bắc Quảng Trị. Do vậy, ngay từ khi đế quốc Mỹ phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành một trọng điểm đánh phá, huỷ diệt của chúng. Trước sự đánh phá ác liệt đó, để bám trụ chiến đấu, sẵn sàng chi viện cho miền Nam, quân và dân Vĩnh Linh đã xây dựng hàng ngàn km hầm hào, địa đạo trong thời gian 1965 – 1973, đặc biệt có hàng chục “làng hầm” – là những làng quê được kiến tạo trong lòng đất, xin đưa ra một số bài viết về những “làng hầm” tiêu biểu trên mảnh đất này:
Thứ nhất là “làng hầm” Tân Mỹ (Vĩnh Giang), được xem là một trong những trọng điểm vận chuyển người và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, nhất là qua bến đò B. Vì vậy, giữa tháng 7/1966, tại Tân Mỹ, khu ủy Vĩnh Linh đã tổ chức đào “làng hầm”. Đây là “làng hầm” đầu tiên ở Vĩnh Linh, có tác dụng rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn toàn khu vực.
“Làng hầm” được đào chủ yếu vào ban đêm, với các dụng cụ thô sơ như xẻng, cuốc, xe cút kít để chuyển đất,… có nhiều ca đào, cứ từng ca lại chia thành các tốp, trong đó một tốp thường gồm 5 người. Toàn bộ đất đào xong được đem rải ở nhiều nơi để đảm bảo bí mật (ở vườn nhà, ở các mương rồi trồng cỏ lên để ngụy trang). Khi đào, nhân dân đã biết lợi dụng địa hình gò đồi nhằm tránh việc nước tràn vào. Trục chính và các nhánh phụ khi được đào xong, quân dân Tân Mỹ đã làm những ngăn nhỏ cho các hộ gia đình ở. Ngoài ra, họ còn đào các căn hầm nhỏ khác dùng làm phòng hội họp, nhà trẻ. Bên cạnh đó còn có các giao thông hào có khoét những ô nhỏ để tránh bom [11]. Với chiều dài khoảng 120m, có 2 cửa, một giếng thông hơi. Cấu trúc đường hầm hình vòm có ưu điểm tăng độ vững chắc, rộng 1,4m, cao 1,8m nằm sâu trong lòng đất từ 6 đến 9m, đảm bảo trú ẩn cơ động trong lòng đất [2, tr.33].
Tuy quy mô không lớn, song “làng hầm”  Tân Mỹ là đứa con đầu lòng của địa đạo Vĩnh Linh ẩn chứa ý chí, niềm tin hy vọng của Vĩnh Linh, của cả nước, “được ghi lại như một cái mốc kỷ niệm bước đầu tiên con người đi sâu vào lòng đất để không phải co lại mà vươn mình lên chiến thắng một kẻ thù hung bạo và hùng mạnh nhất trên trái đất” [6, tr.141].
Thứ hai là “làng hầm” Tân Lý (Vĩnh Quang). Từ năm 1967, cường độ đánh phá của địch ngày càng ác liệt, để giảm bớt những thiệt hại đó chiến dịch đào “làng hầm” của quân dân Tân Lý bắt đầu.
            Cũng như Tân Mỹ, quân dân Tân Lý chọn thời điểm đào chủ yếu vào ban đêm. Họ dùng đèn mỡ lợn để lấy ánh sáng và những dụng cụ thô sơ để đào [9&10]. Đến cuối năm 1967, “làng hầm” cơ bản đào xong. Bên cạnh đó, còn có hệ thống giao thông hào “sâu lút đầu người, rộng một mét thuận tiện cho việc đi lại, làm nhiệm vụ trên địa bàn” [4, tr.94]. Thực ra đây là 1 dạng tiểu đạo của các hộ gia đình liên kết lại. “Làng hầm” được đào từ mép đồi vào theo hình chữ H (được tạo ra khi đào từ giếng thông hơi ra các nhánh). Làng hầm có 3 cửa, chiều dài 45m, rộng 1,4m, cao 1,7m và sâu 15m [2, tr.94].
Ngoài vai trò là nơi ăn ở, sinh hoạt cho dân làng, là chiến luỹ vững chắc cho lực lượng vũ trang bám trụ, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, là trạm trung chuyển hàng hóa tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, đặc biệt là cửa ngõ lợi hại trong việc đi lại, vận chuyển vũ khí, lương thực từ Bắc vào Nam qua bến đò Tùng Luật. Tân Lý còn là “làng hầm” duy nhất ở Vĩnh Linh chịu sự tổn thất nặng nề. Suốt một tuần lễ (19 - 26/6/1967), đế quốc Mỹ đã trút xuống xã Vĩnh Quang 3.700 quả bom loại lớn từ 250kg trở lên, cùng hàng ngàn quả đại bác từ 105ly đến 203ly và hàng vạn quả bom bi, đạn phốt pho, tên lửa. Trên 90% nhà cửa của đồng bào 12 thôn xóm Vĩnh Quang bị phá hủy, toàn bộ vườn tược, cây cối, hoa màu bị san bằng.
            Trong đợt hủy diệt này, ngày 20/6/1967, “làng hầm” Tân Lý bị sập bởi một quả bom rơi trúng cửa, làm thiệt mạng 61 người, trong đó có những gia đình gần như bị xóa sổ, như gia đình cụ Hoàng Kế; gia đình ông Phan Văn Cương...[7, tr.368]. Với 61 người bị chết cùng một lúc, Tân Lý là bằng chứng về tội ác dã man của giặc Mỹ. Đây được xem là “làng hầm” có số lượng người bị bom đánh sập chết đông nhất ở Vĩnh Linh trong suốt cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, trở thành biểu tượng cho lòng căm thù của nhân dân Vĩnh Linh nói chung, nhân dân Tân Lý nói riêng đối với tội ác của giặc Mỹ. Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã xây bia căm thù khắc dòng chữ“Khắc sâu tội ác của giặc Mỹ xâm lược”.
           Việc cả Vĩnh Linh tiến sâu xuống lòng đất là điều tất yếu khi những trận mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ không ngừng trút xuống. Bài viết dưới đây sẽ đi tiếp một số làng hầm tiêu biểu đã ra đời trên “mảnh đất lửa” này:
Thứ ba là “làng hầm” Đội 1 - Đơn Duệ (Vĩnh Hòa), nằm ngay trong tầm ngắm trực tiếp của pháo địch ở Dốc Miếu. Do đó, đây là một trong những nơi phải chịu sự đánh phá ác liệt nhất của địch, đặc biệt là thường xuyên phải hứng chịu các trận pháo kích từ bờ Nam qua. Vì vậy, học hỏi kinh nghiệm từ “làng hầm” Tân Mỹ, năm 1966, Đảng ủy và nhân dân xã Vĩnh Hòa đã tiến hành đào “làng hầm”, trong đó có “làng hầm” Đội 1 – Đơn Duệ. Quân và dân ở đây đã đào “làng hầm” trong thời gian cả ngày và đêm. Họ dùng đèn dầu hỏa, đèn mỡ lợn để thắp sáng và những dụng cụ thô sơ như cuốc tai, chĩa 3 răng, rổ… Nhiều nhóm đào “làng hầm” đã được triển khai, cứ một nhóm đào có 4 người. Khi đào vào sâu thì tăng thêm 1 – 2 người cho các nhóm [12].
Về tổng thể, “làng hầm” có trục chính dài 150m (cao 1,8m, rộng 2m), có ba cửa chính và 2 lỗ thông hơi, cộng với một hệ thống tiểu đạo nối theo hình chân rết (bao gồm 9 tiểu đạo). Bên trong đường hầm có bố trí 60 căn hộ xen kẽ nhau (kích thước 1,2 × 2m) và một hội trường 5 × 6m, có sức chứa 30 – 40 người, một giếng nước [2, tr.38].
             Trong suốt thời kỳ từ 1966 đến 1972, đây là nơi ăn ở, sinh hoạt cho quân dân thôn Đơn Duệ, là chiến luỹ vững chắc cho lực lượng vũ trang bám trụ, chiến đấu bảo vệ quê hương. Đồng thời, là trạm trung chuyển hàng hoá tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam. Nằm trong tầm ngắm trực tiếp của pháo địch ở Dốc Miếu, “làng hầm” Đội 1 – Đơn Duệđã tồn tại bất chấp những cuộc pháo kích dữ dội của địch. Tại đây, qua hai đợt của cuộc chiến tranh phá hoại, đã có 84 người bị thiệt mạng, đặc biệt trong quá trình sống dưới “làng hầm” từ năm 1967 đến năm 1972 đã có 10 đứa trẻ sinh ra. Đây là một trường hợp hy hữu, phản ánh rõ nét hai mặt đối lập giữa sức sống mãnh liệt của con người với sự tàn khốc của chiến tranh. Nó đánh dấu tội ác của giặc Mỹ, đồng thời tôn vinh ý chí, lòng quyết tâm và cả sự hy sinh lớn lao của người dân trên mảnh đất này.
Thứ tư là “làng hầm” Nam Cường (Vĩnh Nam), nằm trên tuyến đường huyết mạch Cáp Lài nối với Hồ Xá và các xã Đông Vĩnh Linh. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng trở nên ác liệt, thị trấn Hồ Xá bị san phẳng, Khu uỷ Vĩnh Linh chủ trương sơ tán các cơ quan về các xã lân cận, trong đó có Vĩnh Nam. Bắt đầu khởi công vào tháng 9/1966,“làng hầm” Nam Cường được hoàn thành vào đầu năm sau, chứng tỏ sự nổ lực rất lớn của dân quân Vĩnh Nam và các lực lượng hỗ trợ các khu vực.
            Với các dụng cụ thô sơ và tự tạo (xẻng cán ngắn, cuốc, sọt tre,…) quân và dân Nam Cường đã đào nên một hệ thống “làng hầm” rất rộng lớn, trải dài trên 10ha. Để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ, người ta đã tranh thủ bất kể mọi thời gian, tổ chức sắp xếp, bố trí các kíp đào ở nhiều địa điểm, nhiều hướng. “Làng hầm” này là công trình phòng tránh cho dân, cán bộ khu vực, bộ đội, thanh niên xung phong cho nên độ sâu các đường hầm khá tốt, từ 16 đến 18m. Trong “làng hầm” có khoét ngăn làm nhà trẻ, hội trường rộng 4m, dài 5 – 6m và nhà hộ sinh làm tại cửa hầm. Đường hầm có cấu tạo hình vòm, tương đối cao (từ 1,8 đến 2,2m), rộng 1,2m, sâu 17m với độ dài chừng 3200m [1, tr.4]. Trong “làng hầm” vẫn có những “hầm dự trữ”. Hầm này để cho bộ đội đi qua có chỗ nghĩ lại. Nếu Mỹ tràn sang, đó là nơi để giấu quân trước khi xuất kích đánh bộ binh địch [6, tr.135].
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khi thị trấn Hồ Xá bị bom đạn Mỹ san bằng, Nam Cường nói riêng, xã Vĩnh Nam nói chung là nơi được chọn để đóng trụ sở của Khu ủy, Ủy ban Vĩnh Linh và một số ban ngành khác. Từ lòng đất Nam Cường, những chủ trương, chỉ thị, mệnh lệnh chỉ đạo Vĩnh Linh kháng chiến được ban hành. Vượt qua bom đạn của kẻ thù, Nam Cường đã hoàn thành xuất sắc không chỉ nhiệm vụ phòng tránh, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và sản xuất, mà còn bảo vệ an toàn cho các cơ quan lãnh đạo đầu não của Khu ủy Vĩnh Linh, góp phần quan trọng vào việc đánh bại chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Thứ năm là “làng hầm” Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch). Năm 1966, với ý đồ cô lập đảo Cồn Cỏ, quyết tâm hủy diệt đảo, địch tập trung đánh phá các xã dọc sông Hiền Lương và các xã ven biển, Vịnh Mốc cũng là một điểm chủ yếu bị đánh phá. Trong tình hình đó, với quyết tâm của những người đảng viên và nhân dân thôn Vịnh Mốc, bằng những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, rổ,… Nhiều nhóm đào được triển khai, có nhóm mở cửa “làng hầm” từ biển vào, có nhóm mở cửa bằng cách đào các miệng giếng sâu trong làng. Toàn bộ đất đào ra được đổ xuống biển để bảo đảm bí mật, máy bay địch không thể phát hiện được. Sau 600 ngày đêm lao động và chiến đấu, với 3000 ngày công, quân và dân Vịnh Mốc đã đào được một hệ thống “làng hầm” dài 2.034m, sâu trên dưới 20m, bên trong có những ngăn hầm nhỏ, tùy theo chức năng của nó [5, tr.52]. Cùng với việc xây dựng “làng hầm”, quân dân Vịnh Mốc còn xây dựng trên 200 hầm chữ A và đào được 8200m giao thông hào chạy bao quanh thôn xóm, nối liền các cửa của “làng hầm”.
            Được hình thành từ nhiều địa đạo riêng biệt, “làng hầm” Vịnh Mốc là sự nối thông của các địa đạo Đồn Công an 140, làng Sơn Hạ, cụm 1, cụm 2, cụm 3 và cụm 4 của làng Vịnh Mốc. “Làng hầm” có trục chính dài 768m nối thông với các đường hầm khác dài gần 1000m; có 13 cửa ra vào (6 cửa thông lên đồi, 7 cửa hướng ra biển). Đường hầm có dạng hình vòm, cao 1,6 – 1,8m, rộng 0,9 – 1,2m, phân thành 3 tầng với độ sâu từ 10 – 23m. Trung tâm “làng hầm” có một hội trường lớn với sức chứa 50 đến 60 người dùng làm nơi hội họp, sinh hoạt văn nghệ,… Tại các nhánh của “làng hầm”có những ngăn hầm rộng trên dưới 3m2 dùng làm hầm ăn, hầm ở, sinh hoạt của nhân dân. Ngoài ra còn có nhà trẻ, trạm xá, nhà hội trường, nhà dân quân trực, nhà thông tin, nhà giếng nước, nhà chứa hàng của đảo, nhà chứa hàng của miền Nam, 2 giếng sâu từ 7 đến 9m.
            Trong suốt thời kỳ từ 1966 đến 1972, đây là nơi ăn ở, sinh hoạt cho dân làng, là trạm trung chuyển hàng hoá tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và miền Nam, là chiến luỹ vững chắc cho lực lượng vũ trang bám trụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Vịnh Mốc là “làng hầm” tiêu biểu cho hệ thống “làng hầm” ở Vĩnh Linh. Trong hơn 100 địa đạo,“làng hầm” phân bố trên địa bàn Vĩnh Linh thì Vịnh Mốc là một trong số ít “làng hầm” có quy mô lớn cả về chiều dài lẫn độ sâu. Vì vậy, năm 1976, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận “làng hầm” Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Từ đó, có nhiều du khách đã đến đây để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này. Hiện tại đây là điểm chủ yếu trong tuyến du lịch nổi tiếng DMZ.
Tóm lại, với khẩu hiệu “một tấc không đi, một li không rời”, “mỗi làng xã là một pháo đài chiến đấu”, đến cuối năm 1968, gần 70 làng của 15 xã, thị trấn ở Vĩnh Linh đã có “làng hầm”, địa đạo với tổng chiều dài lên đến trên 40km.“Làng hầm” lúc này không chỉ đơn thuần là những đường hầm trú ẩn và chiến đấu như Củ Chi mà trở thành một không gian sinh tồn. Sự hiện diện của hệ thống “làng hầm” đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt của Khu ủy Vĩnh Linh trong thời khắc quyết định của lịch sử; là minh chứng cho ý chí quyết tâm cao độ, sức sống mãnh liệt và sự lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của quân dân Vĩnh Linh trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.
Tài liệu tham khảo
1.     Ban Quản lý di tích - danh thắng Quảng Trị, Bảng thống kê về hệ thống “làng hầm” Vĩnh Linh, Đông Hà, 2002.
2.     Ban Quản lý di tích - danh thắng Quảng Trị, Hệ thống “làng hầm” Vĩnh Linh, Đông Hà, 2002.
3.     Ban Thường vụ Đảng ủy xã Vĩnh Hiền, Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Hiền, Quảng Trị, 2005.
4.     Ban Thường vụ Đảng ủy xã Vĩnh Quang, Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Quang, Quảng Trị, 1999.
5.     Hoàng Đức Hồng, Địa đạo Vịnh Mốc – một kì tích của nhân dân ta trong thời gian chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Khóa luận tốt nghiệp, trường ĐHSP Huế, 1981.
6.     Vũ Kì Lân, Nguyễn Sinh, Kí sự miền đất lửa, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978.
7.     Sở Văn hóa thông tin – Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị,Quảng Trị, 2004, in lần 2.
8.     Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị, 1994.
Nhân chứng
9.     Ông: Trương Quang Phượng (sinh năm 1945) ở thôn Hòa Lý, xã Vĩnh Quang. Nguyên là Đại đội trưởng dân quân xã Vĩnh Quang.
10. Ông: Lê Bạch Đàn (sinh năm 1945) ở thôn Hòa Lý, xã Vĩnh Quang. Dân quân xã Vĩnh Quang, là chủ nhiệm hợp tác xã từ năm 1974 - 1979.
11. Ông: Nguyễn Văn Vệ (sinh năm 1938) – thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, người trực tiếp tham gia đào “làng hầm” Tân Mỹ, là chủ nhiệm hợp tác xã Tân Mỹ (khi hòa bình lập lại).
12. Ông: Lê Thanh Hải (sinh năm 1946) – thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa. Người trực tiếp tham gia đào “làng hầm” Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa.
13. Ông: Cao Văn Kiếm (sinh năm 1919) – thôn Hồ Xá Trung, xã Vĩnh Nam. Người trực tiếp tham gia đào “làng hầm”Nam Cường.
14. Anh hùng lao động: Đinh Như Gia (sinh năm 1936) – thôn Hồ Xá Trung, xã Vĩnh Nam. Là Đảng viên Đảng Cộng Sản (45 năm tuổi đảng), nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị, nay là Trưởng ban đại diện người cao tuổi huyện Vĩnh Linh.
15.     Ban Quản lý di tích - danh thắng Quảng Trị, Bảng thống kê về hệ thống “làng hầm” Vĩnh Linh, Đông Hà, 2002.
16.     Ban Quản lý di tích - danh thắng Quảng Trị, Hệ thống “làng hầm” Vĩnh Linh, Đông Hà, 2002.
17.     Ban Thường vụ Đảng ủy xã Vĩnh Hiền, Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Hiền, Quảng Trị, 2005.
18.     Ban Thường vụ Đảng ủy xã Vĩnh Quang, Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Quang, Quảng Trị, 1999.
19.     Hoàng Đức Hồng, Địa đạo Vịnh Mốc – một kì tích của nhân dân ta trong thời gian chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Khóa luận tốt nghiệp, trường ĐHSP Huế, 1981.
20.     Vũ Kì Lân, Nguyễn Sinh, Kí sự miền đất lửa, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978.
21.     Sở Văn hóa thông tin – Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị,Quảng Trị, 2004, in lần 2.
22.     Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh, Lịch sử Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Linh, Quảng Trị, 1994.
Nhân chứng
23.     Ông: Trương Quang Phượng (sinh năm 1945) ở thôn Hòa Lý, xã Vĩnh Quang. Nguyên là Đại đội trưởng dân quân xã Vĩnh Quang.
24. Ông: Lê Bạch Đàn (sinh năm 1945) ở thôn Hòa Lý, xã Vĩnh Quang. Dân quân xã Vĩnh Quang, là chủ nhiệm hợp tác xã từ năm 1974 - 1979.
25. Ông: Nguyễn Văn Vệ (sinh năm 1938) – thôn Tân Mỹ, xã Vĩnh Giang, người trực tiếp tham gia đào “làng hầm” Tân Mỹ, là chủ nhiệm hợp tác xã Tân Mỹ (khi hòa bình lập lại).
26. Ông: Lê Thanh Hải (sinh năm 1946) – thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa. Người trực tiếp tham gia đào “làng hầm” Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa.
27. Ông: Cao Văn Kiếm (sinh năm 1919) – thôn Hồ Xá Trung, xã Vĩnh Nam. Người trực tiếp tham gia đào “làng hầm”Nam Cường.
28. Anh hùng lao động: Đinh Như Gia (sinh năm 1936) – thôn Hồ Xá Trung, xã Vĩnh Nam. Là Đảng viên Đảng Cộng Sản (45 năm tuổi đảng), nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị, nay là Trưởng ban đại diện người cao tuổi huyện Vĩnh Linh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét