Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Chiến thắng Việt Bắc: Sống chết với con đường Bình ca-Thái Nguyên

Chiến thắng Việt Bắc: Sống chết với con đường Bình ca-Thái Nguyên



60 năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về không khí khẩn trương sôi sục chuẩn bị chiến đấu của tiểu đoàn tôi trong chiến dịch Việt Bắc-Thu đông năm 1947 vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Kỷ niệm sâu sắc nhất của thời kỳ ấy là mệnh lệnh: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca-Thái Nguyên”.
Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu và công tác gần nửa thế kỷ của tôi, tôi nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ người chỉ huy cao nhất của quân đội ta: Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Mệnh lệnh viết tay, nét chữ rất đẹp, do sĩ quan liên lạc của Bộ Tổng Tham mưu đi ngựa mang gấp đến cho chúng tôi. Bốn mươi tám năm sau, năm 1995, trong hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” (NXB QĐND 1995 trang 170), Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhớ đến sự kiện này. Ông viết: “Bộ Tổng chỉ huy điện gấp cho Khu 10 tích cực đánh địch trên Sông Lô, đồng thời điều một tiểu đoàn chủ lực của Bộ, tiểu đoàn 42 tiến nhanh về phía Bình Ca, kiên quyết bảo vệ cửa ngõ phía Tây của Việt Bắc, cũng là của An toàn khu. Tôi gửi cho tiểu đoàn trưởng Vũ Phương và chính trị viên tiểu đoàn Hồng Cư một mệnh lệnh viết tay: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca-Thái Nguyên”.
Nhận được mệnh lệnh, chúng tôi vô cùng xúc động, cảm nhận niềm vinh dự lớn lao được làm nhiệm vụ cận vệ, bảo vệ cửa ngõ phía tây của ATK, bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy. Lúc này các cơ quan Trung ương sau cuộc “thiên đô” từ Hà Nội lên, đã đứng chân tại ATK bao gồm một khu vực rộng của 5 huyện thuộc 3 tỉnh (Sơn Dương, Chiêm Hóa thuộc Tuyên Quang, Đại Từ, Định Hóa thuộc Thái Nguyên, Chợ Đồn thuộc Bắc Kạn).
Điều làm cho mệnh lệnh của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp lay động lòng người là lời văn hào hùng như lời hịch. Sau này cũng có lời hịch như mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, Quyết chiến và toàn thắng”.
Những hịch như vậy là những mệnh lệnh nhớ đời đối với chúng tôi.
Chuẩn bị chiến đấu và chiến thắng
Thế hệ đầu tiên của tiểu đoàn tôi gồm các chiến sĩ quyết tử của trung đoàn Thủ Đô được lệnh rút ra khỏi Hà Nội đợt đầu (14-1-1947), tập kết tại làng Hạ Bằng (Thạch Thất, Sơn Tây), được lệnh hành quân lên Việt Bắc, là một trong các tiểu đoàn chủ lực của Bộ Tổng chỉ huy. Để làm nhiệm vụ bảo vệ cửa ngõ phía tây của An toàn khu, chúng tôi bố trí đội hình có chiều sâu từ Bình Ca trên Sông Lô đến huyện lỵ Sơn Dương thuộc tỉnh Tuyên Quang, qua đèo Khế sang đến Đại Từ thuộc tỉnh Thái Nguyên. Bố trí đội hình như sau: Đại đội 10 ở huyện lỵ Đại Từ, đại đội 5 ở Bắc Lũng-Sơn Dương; tiểu đoàn bộ ở Đa Năng, trung đội công binh ở Đồng Dài, đại đội 6 ở Đồng Ván-Chợ Xoan; đại đội 4 ở Bình Ca-cửa ngõ quan trọng phía tây của ATK. Đại đội 4 phái trung đội 11 đi bảo vệ cơ quan và kho bạc của Bộ Tài chính ở Lũng Cò, trung đội 10 bố trí ở chân đèo Tỉnh đề phòng địch từ bến Đồng Chương vu hồi vào đường 13A, trung đội 12 trấn giữ bến Bình Ca. Ban Chỉ huy đại đội 4 có các đồng chí: Vũ Xuân Vinh, đại đội trưởng mới được Bộ điều về thay đồng chí Nguyễn Liêm chuyển sang đại đội 5, đồng chí Lê Chí Hướng, chính trị viên cũng mới từ đại đội 5 chuyển sang thay đồng chí Tuyên được Bộ điều đi và đồng chí Minh Sơn, đại đội phó.
Trung đội trưởng trung đội 12 là Vũ Phương (trùng tên với tiểu đoàn trưởng). Anh tốt nghiệp Võ bị khóa 1, chỉ huy trung đội từ ngày đầu thành lập, là một cán bộ có năng lực, tháo vát và vui tính được anh em yêu mến gọi là Phương “Mèo” (vì trong các buổi liên hoan lửa trại, anh đội mũ ca lô xoay ngang, vừa múa vừa hát bài “Con mèo mà trèo cây cau” rất vui nhộn).
Ngay trong ngày 8 tháng 10, các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn và đại đội đã cùng nghiên cứu thực địa với trung đội trưởng, xác định việc bố trí trận địa và phương án tác chiến. Vấn đề quan trọng bậc nhất là bố trí trận địa ở bến Bình Ca như thế nào để vừa bắn được tàu chiến địch, vừa ngăn chặn được quân đổ bộ. Trang bị vũ khí của đơn vị rất yếu: mỗi tiểu đội chỉ có từ 2 đến 3 khẩu súng trường đủ loại (khai hậu, dóp ba, dóp năm của Pháp, súng Nhật, Tàu, Nga) mỗi khẩu chỉ có 10 viên đạn, bắn xong phải nhặt vỏ giữ lấy để nộp lên trên nhồi lại. Mỗi trung đội có một trung liên đều quá cũ; còn thì dùng đại đao, bom, mìn, lựu đạn. Cuốc xẻng rất ít, phải mượn của dân để đào công sự. Đặc biệt lần này tiểu đoàn được trang bị một khẩu ba-zô-ca do quân giới Việt Nam chế tạo. Đồng chí Nguyễn Hiền, cán bộ quân khí của tiểu đoàn đã đi liền mấy ngày đêm lên kho của Bộ ở bản Ty-Đầm Hồng để lĩnh về. Đây là phương tiện duy nhất của tiểu đoàn để làm nhiệm vụ bắn tàu chiến địch trên sông, một việc hết sức mới mẻ đối với tiểu đoàn và có lẽ đối với cả toàn quân.
Trung đội 12 bố trí tiểu đội ba-zô-ca ven đồi sát bờ sông chuẩn bị đánh tàu địch còn 2 tiểu đội khác bố trí trên vành đai sát đường 13A cách bến phà khoảng 200m chặn đánh quân địch đổ bộ. Khi bắn tàu chiến xong, tiểu đội ở trận địa bờ sông rút về trận địa chính, do trung đội làm sẵn công sự cho anh em. Tiểu đội 3 do đồng chí Trần Chất làm tiểu đội trưởng và Đỗ Văn Kim làm tiểu đội phó được vinh dự nhận khẩu ba-zô-ca. Đó là sự tin cậy của Liên chi ủy vì cả trung đội còn có 2 đảng viên đều ở tiểu đội 3 cả: đồng chí Trần Chất và đồng chí Nguyễn Phú Phán. Đồng chí Phạm Xuân Tính, chính trị viên trung đội là đảng viên nhưng vừa được trên điều đi công tác khác cùng với trung đội phó Trường. Do đó, chỉ huy trung đội chỉ còn trung đội trưởng Vũ Phương ở diện cảm tình Đảng. Đồng chí Vũ Phương đã được học sử dụng ba-zô-ca ở trường nên được trao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy trận địa bờ sông. Tiểu đoàn quyết định cử đồng chí Minh Sơn, đại đội phó, trực tiếp chỉ huy trận địa đánh quân đổ bộ. Tiểu đoàn trang bị thêm cho trung đội 5 khẩu súng trường 10 quả bom, 50 lựu đạn.
Ngày 10-10-1947, việc bố trí và xây dựng trận địa đã hoàn thành. Tiểu đoàn xuống kiểm tra thấy yên tâm vì ba-zô-ca được đặt ở ven đồi cao hơn mặt nước sông một mét, cây cối rậm rạp, địch khó phát hiện; các tổ súng trường ở trên đồi có công sự tốt và được che kín, lại có đài quan sát ở một miếu thờ phát hiện được tàu địch ở cự ly hơn một ki-lô-mét. Trận địa chính của trung đội cũng được làm tốt, nhất là việc chôn giấu ngụy trang bom mìn rất khéo.
Chiều 12-10-1947, trận đánh tàu chiến địch trên sông Lô đã diễn ra. Với 3 phát đạn ba-zô-ca, tiểu đội Trần Chất do trung đội trưởng Vũ Phương chỉ huy đã bắn chìm một LCVP. Đó là chiếc tàu địch đầu tiên bị bắn chìm trên sông Lô.
Sáng sớm hôm sau, ngày 13-10, quân địch đổ bộ lên bến Bình Ca. Chúng lọt vào trận địa phục kích của quân ta. Ta giật bom mìn, ném lựu đạn và xung phong tiêu diệt 20 tên, đoạt súng, đánh lui cuộc đổ bộ của địch. Đáng tiếc là nhiều quả bom, mìn, lựu đạn không nổ, nếu không kết quả còn lớn hơn nhiều.
Đánh quân Pháp rút lui
Sau hơn một tháng tung quân vào núi rừng Việt Bắc, ngoài việc đốt phá một ít kho tàng và chiếm đóng một vài nơi, quân Pháp đã không thực hiện được mục tiêu cơ bản là tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, sinh lực địch ngày càng bị tiêu hao, chúng buộc phải lui quân. Ngày 18 tháng 11, tiểu đoàn 42 nhận được lệnh sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị đánh địch rút lui. Nhiệm vụ là ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, không cho chúng thọc sâu vào căn cứ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân ven đường, phối hợp với dân quân du kích, đánh địch trên đường chúng hành quân và những nơi chúng trú quân, đoạt vũ khí lương thực của chúng, đưa phong trào chiến tranh du kích lên một bước mới.
Ngày 21-11-1947, địch rút khỏi thị xã Tuyên Quang. Trừ một bộ phận nhỏ xuôi sông Lô, còn đại bộ phận quân địch rút theo đường bộ qua Bình Ca về Thái Nguyên.
Một lần nữa, tiểu đoàn 42 lại thể hiện tinh thần “Sống chết với con đường Bình Ca-Thái Nguyên”. Tiểu đoàn đã tổ chức nhiều trận phục kích, tập kích, truy kích, gây cho địch những thiệt hại không nhỏ.
Tiểu đoàn phải vượt qua khó khăn lớn về thiếu thốn trang bị vũ khí, nhưng vấn đề nghiêm trọng nhất là thiếu quân số chiến đấu, gần một trăm đồng chí phải nằm điều trị ở bệnh xá vì bệnh sốt rét, một số đồng chí qua đời vì bệnh ác tính.
Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai, quần tôi có hai mảnh vá.
Miệng cười buốt giá, chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...
... Đêm nay rừng hoang sương muối.
Ngồi cạnh bên nhau chờ giặc tới.
Đầu súng trăng treo.
(Thơ Chính Hữu)
Bị vấp phải những trận phục kích liên tiếp, quân địch tiến rất chậm. Từ bến Bình Ca đến huyện lỵ Sơn Dương, quãng đường chỉ dài 17km, nhưng quân địch phải đi mất 6 ngày (từ 21-11 đến 26-11). Chúng đi trong trạng thái nơm nớp lo sợ, lúc nào, ở đoạn đường nào, chúng cũng phải sục sạo rất lâu để dò đường. Địch không bao giờ phát hiện được ta trước, chúng luôn luôn bị bất ngờ bởi những quả bom chôn giấu dưới mặt đường, gắn ở hai bên ta-luy đường, những loạt lựu đạn, những loạt đạn do quân ta nhất tề nổ súng. Đó là các trận: Bình Ca lần thứ hai (21-11) do tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Thuấn chỉ huy; trận chợ Xoan do tiểu đội trưởng Nguyễn Đức Thông, tiểu đội phó Lê Lan, trung đội trưởng Lê Thiện Triển chỉ huy; trận Đồng Ván (23-11) do trung đội trưởng Võ Pháp chỉ huy; trận Đồng Dài do tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Thuyên, tiểu đội phó Bùi Ngọc Bản chỉ huy; trận Đồng Múc (25-11) do trung đội trưởng Ngô Thế Nùng chỉ huy; trận địa lôi ở Đa Năng của trung đội công binh do trung đội trưởng Nguyễn Linh Dũng và trung đội phó Kiều Hữu Gác chỉ huy. Từ Bắc Lũng đến cầu sắt Sơn Dương, đại đội 5 do đại đội trưởng Nguyễn Liêm và chính trị viên Hùng Phong chỉ huy đã liên tục tập kích, quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt địch, ngăn chặn không cho chúng thọc vào ATK.
Ngày 2-12-1947, địch bỏ Sơn Dương, chia làm hai cánh quân rút lui: một cánh theo đường Thiện Kế về Vĩnh Yên, một cánh vượt đèo Khế sang Đại Từ để bắt liên lạc với Binh đoàn Bô-phrê đang bị trung đoàn Thủ Đô săn đuổi. Qua đèo Khế, chúng sa vào trận địa phục kích của tiểu đoàn 39 do tiểu đoàn trưởng Thái Dũng và chính trị viên Đặng Quốc Bảo chỉ huy, quân địch lại bị tổn thất thêm, mấy chục tên giặc nữa phải đền tội.
Đến huyện lỵ Đại Từ (Thái Nguyên), binh đoàn Com-muy-nan được quân nhảy dù xuống làng Ngò (Cù Vân) chi viện. Chúng có máy bay khu trục yểm hộ nên rất hung hăng. Ngày 2-12-1947, đại đội 10 gồm 4 trung đội bố trí ở khu vực cầu Huy Ngạc, đồi Hùng Sơn và thị trấn Đại Từ đã nổ súng đánh địch. Trung đội 2 bố trí sát đường cái đánh quân địch vừa nhảy dù xuống Cù Vân từ phía Phục Linh kéo đến. Trung đội trưởng Nhuệ hy sinh. Ở trung đội 1, tiểu đội trưởng Bùi Việt Quân sử dụng khẩu 12,7mm tiêu diệt một số địch thì súng bị hóc phải vượt qua làn đạn địch để đưa khẩu trọng liên duy nhất của tiểu đoàn về nơi an toàn. Ở Trung đội 3, trung đội trưởng Bùi Văn Cam và chính trị viên Nguyễn Thụy Ứng sử dụng cối 60mm chỉ còn 2 viên đạn, bắn hết rồi rút lui.
Đại đội 10 còn đánh thêm 2 trận phục kích nữa ở Bình Khang và Ký Phú, tiêu hao thêm một số địch.
Ban chỉ huy tiểu đoàn trao nhiệm vụ cho đại đội trưởng Nguyễn Liêm, trung đội trưởng Ngô Thế Nùng tập hợp tất cả số quân còn lại của tiểu đoàn, giao cho y tá Bùi Huy Hùng đến bệnh xá chọn tất cả những ai còn khỏe để tổ chức một lực lượng truy kích địch. Đơn vị đã tập trung được hơn 100 đồng chí, ngày 22-12-1947 bắt đầu xuất quân. Qua Đại Từ đến Ký Phú, Quân Chu ở chân núi Tam Đảo thì dừng. Lúc này quân địch đã rút về Vĩnh Yên, Phúc Yên. Đây là cuộc truy kích kết thúc các hoạt động của tiểu đoàn trong chiến dịch Việt Bắc-Thu đông 1947.
Sau chiến dịch, một vinh dự lớn đến với tiểu đoàn là Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi thư khen tiểu đoàn:
“Trận Bình Ca, tiểu đoàn 42 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng, bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”.
Lời khen này đã được thêu trên lá cờ chiến thắng của tiểu đoàn và được khắc trên bệ đá của bức tượng đài chiến thắng tại bến Bình Ca.
Từ đó, danh hiệu Tiểu đoàn Bình Ca (nay là tiểu đoàn 7 trung đoàn Thủ Đô) mãi mãi là niềm tự hào, là truyền thống vẻ vang, là tình cảm sâu nặng gắn bó các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn trong mọi nhiệm vụ suốt chặng đường trường chinh đánh Pháp, đánh Mỹ cho đến tận ngày nay.


(Theo QDND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét