Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

CHIẾN KHU TÂN UYÊN BÌNH DƯƠNG


CHIẾN KHU TÂN UYÊN BÌNH DƯƠNG

Tân Uyên là một đia danh của vùng đất Đồng Nai xưa và là một huyện phía Nam của tỉnh Bình Dương (bây giờ). Xưa, Tân Uyên được hình thành bởi những lớp cư dân miền Bắc đi tìm vùng đất mới. Từ thuở khai khẩn xa xưa, tính cách mạo hiểm, hào sảng đầy nghĩa khí đã là hình tượng khuôn mẫu cho cộng đồng cư dân Tân Uyên.

  Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, vùng đất này đã biến thành căn cứ địa của những anh hùng dân tộc. Những người kháng chiến thiếu vũ khí đã dựa vào thế đất bán sơn địa, rừng sâu, đồi cao hiểm trở làm bình phong đánh địch, mưu đồ chí lớn.
“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
Hai câu thơ ấy của nhà thơ, chí sỹ  Huỳnh Văn Nghệ - Người con của đất Tân Uyên cũng là lời tuyên ngôn cho tính cách Tân Uyên.
Và suốt quá trình kháng chiến chống Pháp rồi đên chống Mỹ, Tân Uyên là cái nôi bao bọc chiến khu D lừng danh.

* NGÀY XƯA BẤT KHUẤT

Từ khi phong trào khởi nghĩa Nam kỳ hình thành, Tân Uyên đã có Uỷ ban Hành động do Xứ uỷ Nam kỳ thuộc và Đảng Cộng sản điều phối hoạt động chống Pháp. Thực dân Pháp đã chấm dấu đỏ vùng Tân Uyên trên bản đồ quân sự, xem nơi đây là mục tiêu số một trong việc càn quét, trấn áp. Tuy vậy, trong cuộc khởi nghĩa 08-1945, Tân Uyên là một trong những địa phương đầu tiên của miền Nam dành trọn vẹn Chính quyền về tay nhân dân (ngày 23-08-1945, Quận trưởng Chính quyền Pháp đã trao con dấu cho chính quyền Cách mạng).
Bước vào giai đoạn chín năm kháng chiến, trong bối cảnh cục diện chính trị miền Nam có nhiều thay đổi, Tân Uyên nhanh chóng tập hơp các nhóm vũ trang nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ như lực lượng Cộng hoà Vệ binh do Đảng viên Cộng sản Nguyễn Văn Ngàn chỉ huy; lực lượng Thanh niên Tự vệ của Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ do chí sỹ Trần Văn Giàu – Chủ tịch UB Hành chính Kháng chiến Nam bộ lãnh đạo… Đặc biệt là lực lượng Bộ độiHuỳnh Văn Nghệ. Huỳnh Văn Nghệ là một nhà thơ, trí thức làm công chức ở Sở Hoả xa Sài Gòn đã tự tập hợp lực lượng kháng chiến (theo mật lệnh của Trần Văn Giàu) rút về vùng Tân Uyên – quê hương của ông thành lập lực lượng vũ trang. Với tài thu phục nhân tâm và khả năng quân sự bẩm sinh, ông Huỳnh Văn Nghệ và bộ đội của mình đã làm quân Pháp mất ăn, mất ngủ. Khi chưa gia nhập lực lượng kháng chiến của người Cộng sản, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ cũng đã góp phần thu hút sự chú ý của quân Pháp, tạo điều kiện cho lực lượng kháng chiến Chính trị của Cộng sản hoạt động hiệu quả.
Chính vì vậy, tháng 11-1945, khi cầm lá thư tay của Bác Hồ vào Nam lập khu chiến, Tướng giang hồ Nguyễn Bình đã chọn vùng trú đóng của bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tức Tân Uyên làm đại bản doanh và chọn bộ đội Huỳnh Văn Nghệ là lực lượng nòng cốt. Và Khu 7 – đặc khu quân sự đầu tiên tại miền Nam của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập tại xã Mỹ Lộc, Tân Uyên (Khi ấy thuộc địa bàn Biên Hoà và Đồng Nai)
4 phân đội của Huỳnh Văn Nghệ được xem là lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất và đầu tiên của vùng kháng chiến này được đóng dọc theo hữu ngạn sông Đồng Nai ở các xã Tân Hoà, Tân Tịch, Mỹ Lộc, Thường Lang, Lạc An và cũng chính Huỳnh Văn Nghệ lập trường huấn luyện quân sự đầu tiên ở miền Đông Nam bộ tại Tân Uyên.
Ngày 20-11-1945, tại xã An Phú, Khu trưởng Khu 7 – tướng Nguyễn Bình – triệu tập hội nghị quân sự toàn Khu 7 để hợp nhật các lực lượng vũ trang tự phát tại miền Nam như Bình Xuyên, bộ đội Hồ Thị Bi… Và vùng đặc khu quân sự Khu 7 là nơi khai sinh lực lượng đặc công, Sư đoàn 5, Sư đoàn 9 và tướng Nguyễn Bình là người quyết định khai sinh đội Công tác Thành – tiền thân lực lượng điệp báo của quân đội Nhân dân Việt Nam. Lực lượng quân sự Khu 7 đã trở thành nỗi ám ảnh chết chóc của lực lượng quân sự Pháp thời điểm 9 năm tái xâm lược Việt Nam. Những trận đánh vang dội như trận Lò Rèn, Lạc An, Bưng Tre, La Ngà… Thời điểm này, để khắc ghi sự kiên trung của mình, người dân làm nghề gốm ở Tân Uyên đều in ảnh Bác Hồ, Trường Chinh và dòng chữ “kháng chiến nhất định thắng lợi” trên tất cả sản phẩm của mình như chén, dĩa, nồi, bình hoa…Sự anh dũng, kiên trung của quân dân Tân Uyên đã được Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu “thành đồng tổ quốc” vào tháng 2-1946.
Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, người dân Tân Uyên, một lần nữa chứng minh sự yêu nước bất khuất của mình. Sau hiệp định Giơ Ne Vơ, Chính quyền Ngô Đình Diệm đã từng than khổ với báo giới: “Tân Uyên còn, Sài Gòn mất”. Đó cũng là lời tuyên bố quyết tâm “khai tử” lực lượng Cách mạng tại Tân Uyên của Chính quyền Ngô Đình Diệm. Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn – Con nuôi của Ngô Đình Diệm được đặc cách về vùng Tân Uyên để làm “Một ngọn giáo cắm phập vào chiến khu Việt Cộng” (lời tuyên bố của Ngô Đình Nhu). Tuy nhiên, hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ của Chính quyền Ngô Đình Diệm vào khu căn cứ vẫn không thể dập tắt ý chí chiến đầu của dân quân Tân Uyên. Đáp lại lời tuyên bố của chính quyền Diệm, lực lượng vũ trang chiến khu D đã tổ chức một trận đánh thành công vào trụ sở MAAG – Cơ quan chỉ huy cố vấn Mỹ - ở Biên Hoà. Trận đánh này được báo chí miền Nam lúc ấy gọi là: “Cái tát tai cảnh cáo của Việt Cộng vào sỹ diện quân lực Việt Nam Cộng hoà”.
tan-uyen-xua
Trận càng của Mỹ Ngụy vào Tân Uyên

Ngày 10-10-1961, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Ủy viên TW Đảng, Bí thư TW cục miền Nam đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất, quyết định chọn khu vực rừng Mã Đà (thuộc Đồng Nai) làm căn cứ đặt cơ quan lãnh đạo của TW cục. Tân Uyên trở thành vùng vành đai bảo vệ chiến khu. TW cục miền Nam được TW Đảng giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Cách mạng từ Khu 5 tới Mũi Cà Mau. Như vậy, từ năm 1961, chiến khu D không những là nơi đóng quân của các cơ quan lãnh đạo của Khu ủy miền Đông mà còn là trung tâm kháng chiến của các tỉnh Nam bộ. Ngày 15-12-1961, Hội nghị quân sự toàn miền Nam tổ chức tại chiến khu D đã thống nhất thành lập Bộ chỉ huy quân Giải phóng miền Nam trên cơ sở chuyển tiếp từ Ban Quân sự Miền. Sau này, TW Cục miền Nam lại dời về Tây Ninh.
Chiến dịch “Hồ Chí Minh” năm 1975, Tân Uyên trở thành địa bàn tập kết số một của các lực lượng quân sự quân đoàn Một gồm các Sư 312, 3124, 320 b từ Tây Nguyên tiến về giải phóng Sài Gòn. Sáng ngày 29-04-1975, Tân Uyên đã hoàn toàn giải phóng.
 
TÂN UYÊN TRƯỞNG THÀNH TỪ NƯỚC MẮT

Đất nước thống nhất, người dân Tân Uyên vui mừng đón chào màu cờ đỏ thắm của tổ quốc bay tự do trước hiên mỗi gia đình. Lúc ấy, nhìn lại cuộc kháng chiến 30 năm, trên mảnh đất 650 cây số vuông của Tân Uyên đã xảy ra 42.075 trận đánh, tức 1 ha đất chứng kiến ít nhất 16 trận đánh. Toàn huyện có 2.654 người con đã hy sinh mạng sống cho độc lập , tự do và có 166 Mẹ VNAH, 9 Anh hùng Liệt sỹ Lực lượng Vũ trang. Trong khi đó, dân số toàn huyện năm 1975 chỉ khoảng 20.000 người. Toàn huyện có 12 đơn vị được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Chiến tranh đã khuất dạng nhưng “dấu chân” khắc nghiệt của nó đã để lại trên vùng đất Tân Uyên một bãi hoang tàn, đổ nát, cây rừng xơ xác. Có thể nói, vào thời điểm năm 1975, Tân Uyên chẳng có gì ngoài những túp nhà xiêu vẹo và những gia đình thiếu ăn, thiếu mặc.
Bà Huỳnh Thị Sông Bé – Người con gái thứ 9 của cụ Huỳnh Văn Nghệ là kỹ sư xây dựng hưu trí nhớ lại: “Lúc mới hoà bình, vùng đất này chỗ nào cũng có bom mìn. Huyện phải tổ chức rà phá bom mìn suốt 5 – 6 tháng trời vẫn chưa hết”. Rà phá suốt nửa năm mới giải phóng được 69 ha đất sản xuất.
Toàn huyện chỉ có 1 bệnh viện cũ chật ních người bị thương do chiến tranh và 1 bệnh viện phong ở Bến Sắn. Còn trường lớp thì hoàn toàn xây dựng mới bằng tre lá. Trong bối cảnh kinh tế như vậy, Tân Uyên lại phải đón nhận hơn 20.000 người di dân kinh tế mới từ TP. Hồ Chí Minh chuyển về khai vỡ đất hoang lập nghiệp. Chính quyền mới phải thắt lưng buộc bụng cất tạm 9000 ngôi nhà tranh, đào xây 2.250 giếng nước.
Sau 1 năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh, Tân Uyên đã khai hoang gần 1000 ha đất, nâng tổng diện tích sản xuất 19.300 ha.
Ông Phan Chí Thành – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy bồi hồi nhớ lại: “Tân Uyên đã được xây dựng từ con số không trên đất dầy dặc mảnh bom đạn. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, Tân Uyên đã không còn nhận trợ cấp của TW nữa”.
Nhiều người dân đang sinh sống tại Tân Uyên cho biết, thời kỳ đầu sau chiến tranh, chuyện người dân đi sản xuất bị bom, mìn thời chiến tranh sót làm mất mạng trở thành chuyện bình thường. Thỉnh thoảng, nghe đâu đó phát một tiếng “uỳnh” là kể như có ít nhất một người gặp nạn bom mìn.
Ấy vậy mà, ngày nay, Tân Uyên trở thành một địa phương vững vàng về kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2007, tỷ trọng kinh tế công nghiệp đạt 52,18 %; Nông nghiệp đạt 22,3% và dịch vụ đạt 25,4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17,7 triệu đồng/năm. Năm 1975, tỷ lệ hộ thiếu đói lên đến hơn 45% thì nay, toàn huyện chỉ còn 0,27%.
Ngay từ năm 2006 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá IX đã ra nghị Quyết xây dựng, chuyển hoá dần Tân Uyên thành địa phương công nghiệp đến năm 2010. Đến nay, Tân Uyên đã có 8 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút vài chục ngàn LĐ tại Tân Uyên và các nơi khác. Toàn huyện có 17 trường học kiên cố; 7 trường tiểu học và 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Trong cống tác chính sách xã hội, uống nước nhớ nguồn, Tân Uyên tạo được nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 32 triệu đồng, xây tặng 44 căn nhà tình nghĩa (chỉ tính riêng năm 2007). Mỗi xã đều có bia tưởng niệm liệt sỹ.
Bà Huỳnh Thị Sông Bé cho biết: “Nếu ai về Tân Uyên cách nay 3 năm, bây giờ trở lại, chắc chắn sẽ đi lạc vì không còn nhận diện được cảnh cũ. Tân Uyên đổi thay từng tháng, xây dựng mới từng ngày”.
Tuy nhiên, một số cụ đã từng tham gia kháng chiến vùng chiến khu D xưa tỏ ra phiền lòng. Một cụ cho biết: “Tân Uyên là cái nôi của chiến khu D, còn Đồng Nai là nơi địa bàn hậu thân của chiến khu D. Ấy vậy mà bây giờ Đồng Nai có hẳn một khu tưởng niệm chiến khu D khang trang, hoành tráng. Còn cái nôi Tân Uyên vẫn chưa được xây dựng điểm tưởng niệm ghi dấu”. Vì vậy, cho đến tận giờ, nhiều người vẫn lầm tưởng Trị An, Đồng Nai là nơi xuất thân chiến khu D chứ ít người nhắc đến Tân Uyên.
Nghe đâu, đã từng có một dự án xây khu kỷ niệm chiến khu D tại Tân Uyên từ 5 – 6 năm trước nhưng vì lý do gì đến nay vẫn chưa được xây dựng, không ai biết. Dù vậy, trong tâm tưởng người dân nơi đây vẫn kiêu hảnh kể cho con cháu nghe về hào khí Tân Uyên – Chiến khu D. Và họ vẫn truyền cho nhau câu thơ bất hủ của cụ Huỳnh Văn Nghệ:

Ai về đất Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét