Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

chiến khu Đ huyền thoại


Một ngày với Chiến khu D huyền thoại
Ngày cập nhật: 05-11-2010
Nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng ở.
Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tổ chức về thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tây Ninh. Tôi may mắn cũng tham gia với đoàn. Chuyến đi đã để lại trong lòng chúng tôi rất nhiều ý nghĩa và tràn đầy cảm xúc.

Con đường dẫn vào căn cứ được phủ một màu xanh bạt ngàn. Càng vào gần chiến khu, cảm nhận tôi lúc bấy giờ là một cảm xúc lâng lâng khó tả. Căn cứ được che bởi rừng cây tạp hỗn giao nhiều tầng với mật độ dày đặc, làm chúng tôi thấm thía được câu thơ: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù...”.

Khu căn cứ Trung ương Cục tọa lạc tại sóc Rùm Đuôn, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, cách thị xã Tây Ninh 80km, cách biên giới Việt Nam - Campuchia 3km. Khu căn cứ Trung ương Cục có diện tích 70ha. Căn cứ Trung ương Cục được công nhận Di tích lịch sử văn hóa năm 1990 và được trùng tu, tôn tạo 2 giai đoạn 1994 và 2005. Công trình do hai đồng chí Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt chủ trì, cho khảo sát, trùng tu theo thể nguyên trạng, gồm phục chế, tái tạo nhà làm việc của các vị lãnh đạo qua các thời kỳ (Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung); các hầm, hào, nhà làm việc và tránh đạn pháo...

Phía trước nhà trưng bày là xác 3 chiếc xe tăng M41 của địch bị quân và dân ta tiêu diệt trước năm 1975. Bước tiếp vào nhà trưng bày, chúng tôi nhìn sa bàn và được nghe thuyết minh về lịch sử của chiến khu Trung ương Cục miền Nam được thành lập năm 1951 thời chống Pháp, sau được đồng chí Lê Duẩn đặt lại là Xứ ủy Nam bộ, đóng căn cứ từ kênh xáng Chắc Băng, Thới Bình (Cà Mau) chuyển lên Sài Gòn, vòng qua Tây Ninh - căn cứ Dương Minh Châu, rồi Chiến khu D. Sau năm 1954, Xứ ủy Nam bộ giải thể.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre và chiến thắng Tua Hai ở Tây Ninh đã tạo ra bước phát triển mới cho cách mạng miền Nam.

Trung ương Cục được thành lập vào tháng 10-1961 tại Mã Đà, căn cứ đóng ở Suối Nhung (Chiến khu D) tỉnh Đồng Nai. Đây là căn cứ nổi tiếng của bộ đội miền Đông Nam bộ qua hai cuộc kháng chiến. Chiến khu rộng khoảng 2000km2, đây là nơi ra đời kỹ thuật đặc công và lực lượng đặc công đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng do bệnh sốt rét hoành hành, các chiến sĩ ta, đầu năm 1962, căn cứ chuyển về Chiến khu Bắc Tây Ninh cho đến ngày 30-4-1975. Trong chống Pháp và Mỹ, đất Tây Ninh 2 lần vinh dự là nơi đứng chân của Trung ương Cục - cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam.

Đặc biệt, nhà trưng bày di tích đã sưu tập được trên 1.000 hiện vật, trong đó có nhiều tư liệu lần đầu được công bố, như bàn làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khi ông viết Đề cương Cách mạng miền Nam, nhật ký chiến trường của các nhà báo và cán bộ miền Bắc đi B, bút tích của Bác Hồ gửi Tổng Bí thư Lê Duẩn đề nghị được vào thăm “căn cứ kháng chiến bắc Tây Ninh” (1967),...
Tiếp tục, anh Lê Thanh Chiến (nhân viên Tổ di tích Trung ương Cục) hướng dẫn chúng tôi đi vào khu rừng, thuyết minh nhiều chi tiết, sự kiện thật hấp dẫn.

Từ cửa khẩu Xa Mát trở vào là vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng nối tiếp rừng đến căn cứ Trung ương Cục. Khu rừng nguyên sinh đại ngàn với nhiều loại gỗ quý như: cây lộc vừng và 2-3 cây cầy cổ thụ, còn gọi là cây kơ-nia nổi tiếng. Khu rừng 3 tầng dày đặc che kín, làm cho ánh sáng mặt trời khó chiếu xuống mặt đất.

Chúng tôi cùng bước trên con đường bê-tông nhỏ vòng quanh, ánh nắng chiếu rọi ấm áp trong không khí lá cây rừng mát lạnh. Chú tôi dừng lại bên ngôi nhà gác xinh xinh. Mái nhà được lợp bằng lá “Trung Quân”. Một loại lá khó bắt lửa, mà các chiến sĩ ta thường dùng để lợp nhà.

Đi tiếp 20m, đoàn dừng lại bên chiếc cầu bắc qua dòng suối nhỏ, nước trong vắt. Mọi người nghe kể như truyền thuyết: Sau Hiệp định Paris 1973, Đoàn Văn công giải phóng về biểu diễn phục vụ các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan Trung ương Cục, vào một buổi trưa vắng vẻ, bỗng có người chợt bắt gặp hình ảnh 3 cô diễn viên xuống dòng suối này tắm rửa, đẹp như tiên nữ giáng trần thời kháng chiến và từ đó, người ta gọi là “Suối Tiên Cô”.

Tiếp tục, đoàn men theo con đường xi măng nằm song song với các địa đạo ngoằn nghoèo tiến đến nhà ở và nơi làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Căn nhà xinh xắn được lợp bằng lá “Trung Quân”. Căn nhà còn lưu giữ các hiện vật như: hầm chữ A, di ảnh, mắt kiếng, radio, viết máy và một chiếc tivi nhỏ. Bên cạnh ngôi nhà, là cây hoa sứ cao to của đồng chí Nguyễn Văn Linh trồng năm 1973. Được biết, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục (1961-1964) và Phó Bí thư - phụ trách tuyên huấn và đô thị Sài Gòn (1964-1975).

Men theo con đường xi măng rợp bóng cây xanh, chúng tôi đến nhà ở và nơi làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Mái nhà cũng được lợp bằng lá “Trung Quân”. Căn nhà còn lưu giữ các hiện vật như: hầm chữ A, di ảnh, mắt kiếng, radio, viết máy và một chiếc tivi nhỏ. Ông được cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền từ tháng 10-1964. Còn nhớ trận càn Gian-xơn Xi-ty của 45.000 quân Mỹ và ngụy Sài Gòn vào căn cứ Trung ương Cục từ tháng 2-4 năm 1967 diễn ra hết sức ác liệt.

Xuyên qua con đường ngoằn nghoèo dẫn đến là nhà đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục từ năm 1967-1975, được nhân dân trong vùng biết và trìu mến gọi đây là “Căn cứ Phạm Hùng”. Mái nhà cũng được lợp bằng lá “Trung Quân”. Đồng thời, vẫn còn lưu giữ các hiện vật như: hầm chữ A, di ảnh, mắt kiếng, radio, viết máy và một chiếc tivi nhỏ. Phía trước nhà, là cây vú sữa và cây bưởi xum xuê hoa trái do chính đồng chí Phạm Hùng trồng trước năm 1975.

Theo chân anh hướng dẫn viên, chúng tôi đến nhà ở và nơi làm việc của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Căn nhà của đồng chí cũng lợp mái lá “Trung Quân”. Tuy nhiên, kiến trúc lại khác hơn kiến trúc nhà ở của các đồng chí khác. Phía trước là một mái hiên do đồng chí thiết kế. Theo lời anh Lê Minh Chiến: “Sau giờ làm việc, đồng chí Võ Văn Kiệt thường chăm sóc mấy chậu hoa lan treo ở trước hiên... Năm 2000 vừa rồi, đồng chí có về thăm lại chiến khu và nơi làm việc của mình”.

Tiếp theo, chúng tôi đến thăm các ngôi nhà: thường trực, bảo vệ, trạm gác, hội trường lớn, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung. Chúng tôi nhận thấy, phần lớn nhà được phục chế ngay vị trí ban đầu, lợp lá “Trung Quân”, mỗi nhà có một căn hầm chữ A thông ra hệ thống giao thông hào, dẫn tới hội trường”.

Rải rác trong khu rừng còn dấu tích những hố bom B52 to tướng của Mỹ rải thảm thời chiến tranh. Và vẫn còn 2 nhà chưa phục chế là nhà đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, được tăng cường về Trung ương Cục sau Mậu Thân 1968 và nhà đồng chí Võ Chí Công, Phó Bí thư Trung ương Cục.

Bước tiếp khoảng 100m, chúng tôi có mặt tại bếp Hoàng Cầm. Căn bếp được phục chế lại với các hiện vật: bát, đĩa, muỗng, đũa, gia vị được trưng bày ngăn nắp trong hai chiếc tủ kính nhỏ. Bên cạnh là một chiếc tủ cây đã phủ màu năm tháng. Và kia là kiến trúc ngôi bếp vững chải. Anh Lê Minh Chiến cung cấp thêm cho đoàn những thông tin: “Ông người quê Hà Nam, nghỉ hưu với cấp hàm đại úy, qua đời năm 1992, thọ 92 tuổi... Hồi nhỏ nghèo, đồng chí Hoàng Cầm đốt rơm thổi lòn vào hang để bắt chuột. Khi đi kháng chiến, ông đã nghỉ ra bếp chụm nấu không khói trong chiến khu nên gọi là bếp “Hoàng Cầm”.
Trong khu rừng lịch sử văn hóa này, có 24 cơ quan Trung ương Cục với 7.357 cán bộ từng sống và chiến đấu, chưa kể lực lượng bảo vệ. Nhiều cán bộ từng sống và hoạt động ở đây như: Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Trung tướng Đồng Văn Cống, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nhà thơ Lê Anh Xuân, nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc,...

Thật là xúc động biết bao khi đứng trên “vùng đất cách mạng huyền thoại này!”. Mặc dù nhiều lần bị địch đánh phá ác liệt, căn cứ Trung ương Cục miền Nam vẫn được bảo vệ vững chắc và trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, trí thông minh của quân và dân Việt Nam. Hôm nay và mai sau, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ mãi mãi trân trọng và biết ơn các chiến sĩ, đồng chí yêu nước đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam anh hùng.

Chiến Khu Đ

Đầu tháng 11, đồng chí Nguyễn Bình được TW cử vào phụ trách công tác quân sự ở Nam Bộ. Trong khi đi nắm tình hình ở chiến trường, đồng chí về Tân Uyên khảo sát thực địa. Nhận rõ vị trí, địa thế lợi hại của vùng rừng Tân Uyên, đồng chí đã thảo luận với ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà về việc chọn khu vực Lạc An lập căn cứ địa cho toàn khu.
Ngày 10 - 12 - 1945, tại Đức Hoà ( Chợ Lớn ) hội nghị quân sự toàn Nam Bộ được triệu tập. Đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều cán bộ được TW cử vào và ở các địa phương đã về dự như Cao Hùng Lĩnh, Vũ Đức, Đào Văn Trường, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Tây ( Thanh Sơn ), Huỳnh Văn Tiểng, Bùi Công Trừng, Nguyễn Bình. Chấp hành lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội nghị quyết định chia Nam bộ thành các chiến khu 7,8,9 chỉ định khu trưởng và uỷ viên chính trị khu; “đồng thời bằng biện pháp củng cố lực lượng vũ trang tỉnh, thành phố, các chi đội Vệ quốc đoàn và xây dựng các khu Lạc An, Đồng Tháp, U Minh làm căn cứ cho các chiến khu”.
Chiến khu 7 - một tổ chức hành chánh quân sự - được chính thức thành lập gồm các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Bình được chỉ định làm khu trưởng và đồng chí Trần Xuân Độ làm chính trị uỷ viên khu.
Chấp hành nghị quyết hội nghị Đức Hoà, ngày 17-12-1945, cơ quan Khu bộ Khu 7 về đứng chân và xây dựng hệ thống phòng thủ ở Tân Uyên. Lạc An, tên một xã trong vùng căn cứ thuộc quận Tân Uyên - nơi đứng chân của Vệ quốc đoàn Biên Hoà được chính thức xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của Chiến khu 7. Cơ quan khu bộ đóng ở thị trấn Tân Uyên. Ban chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hoà đóng ở Tân Tịch, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ được chỉ định làm chỉ huy trưởng. Lực lượng bảo vệ căn cứ gồm hơn 4 đại đội bố trí ở Tân Long, Tân Nhuận, Cây Đào, Tân Tịch và thị trấn.
... Ngày 20-2-1946, Khu bộ Khu 7 họp hội nghị bất thường tại Lạc An. Hội nghị tiến hành cải tổ lại cơ quan Khu bộ, bỏ các tổ chức văn phòng, võ phòng, lập bộ tham mưu, văn phòng khu bộ và phòng chính trị khu, đặt dưới sự chỉ huy của Khu bộ trưởng và chính trị bộ. Hội nghị đã quyết nghị những vấn đề quan trọng nhằm củng cố bộ đội, phát động du kích chiến tranh đặc biệt ở vùng đô thị và cao su, tăng cường cán bộ và lực lượng cho Khu 8. Ngoài ra, hội nghị còn thảo luận những biện pháp nhằm xây dựng địa bàn đứng chân, quy định các khu vực doanh trại, bố trí hệ thống phòng thủ bảo đảm chiến đấu, ngăn chặn tiêu diệt địch và bảo vệ an toàn căn cứ.
Sau hội nghị, công tác xây dựng căn cứ bắt đầu được triển khai tương đối có hệ thống có hệ thống. Các cơ quan, đơn vị, công xưởng ... phân chia đóng từng khu vực. Mỗi khu vực đều có nhiều phương án di chuyển địa điểm và mang một mật danh A,B,C, Đ ( A: Căn cứ giao thông liên lạc đóng ở Giáp Lạc; B: Căn cứ hậu cần đóng ở Thường Lang; C: Khu vực bộ đội thường trực đóng ở sở Ông Đội; ) ... Đ là mật danh chỉ Khu vực Hố Ngãi Hoang ( xã Lạc An ), nơi đặt “ Tổng hành dinh” của Bộ tư lệnh Khu 7. Từ đây, danh từ Chiến Khu Đ ra đời.
Trải suốt hai cuộc kháng chiến, diễn biến căn cứ có nhiều thay đổi, nhưng danh từ Chiến khu Đ vẫn tồn tại, đi vào lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở tại chiến khu và với những người chưa từng một lần đặt chân tới, như là một từ ngữ dân gian, một biệt ngữ không còn đơn thuần mang ý nghĩa địa danh mà biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến.

( Theo : Lịch sử Chiến Khu Đ )

[right][size=1][url=http://hslk.info/forum/showthread.php?p=8270]Copyright © Cộng Đồng Học Sinh T.Xã Long Khánh - We Are One (^_^)! - Posted by ngungo[/url][/size][/right]
 
Đăng ngày: 08:47 13-12-2009
Thư mục: TRUYỆN NGẮN
Ngay từ khi còn đi học và cho đến sau này, tôi đã nghe nói nhiều đến cụm từ “Chiến khu Đ”. Nghe để mà nghe, thật tình tôi chưa một chút ấn tượng sâu sắc lắm, ngoài một cách nghĩ đơn thuần về “chiến khu Đ” là vùng đất cách mạng, nơi dừng chân một thời của những người làm cách mạng. Dường như nơi đó....ghê gớm lắm!
Nhưng bây giờ qua báo đài và nhất là qua các cuộc thi tìm hiểu về Chiến khu Đ, tôi đã tìm đọc quyển “Lịch sử Chiến khu Đ”. Có thể tầm hiểu biết của tôi hạn hẹp, chưa thấu đáo vấn đề một cách thông suốt. Nhưng phải nói rằng, tôi thật sự ngạc nhiên và hình như cuốn hút vào vùng đất Chiến khu Đ. Trước nhất tôi rất khâm phục những tác gia biên soạn “ Lịch sử Chiến khu Đ ”. Họ có một trí nhớ tài tình đã cùng nhau đúc kết thành một thiên hùng ca “ Chiến khu Đ ”. Qua từng trang sách, tôi như thấy lại một vùng cao nguyên rộng bao la, vừa hùng vĩ với núi đồi, rừng cây, vừa thơ mộng với chim ca, suối chảy. Thú vị nhất, chính là những chú ngựa đưa các anh vượt rừng. Thảo nào, nơi vùng đất gian lao mà anh dũng này lại nảy sinh ra con người chiến sĩ tay này cầm bút, tay kia cầm súng như Huỳnh Văn Nghệ, Bùi Cát Vũ...
Không phải ngẫu nhiên mà Chiến khu Đ lại là một trong những căn cứ địa cách mạng lớn của miền Đông Nam Bộ trên chiến trường miền Đông trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến sĩ và nhân dân ta đã phải chịu đựng và vượt qua bao nhiêu gian lao, thử thách ác nghiệt của thiên tai như nạn lụt năm Thìn, đói rét, bệnh tật, bom đạn... kể cả việc chống thú dữ như cọp ba móng hoặc thiếu thốn lương thực ăn từng củ khoai, củ chụp để sống và chiến đấu, thậm chí có nhiều người phải thay phiên nhau mặc chung từng cái quần. Ấy vậy mà Chiến khu Đ vẫn giữ một vị trí không thể bỏ qua hay thay thế trong công cuộc chống Mĩ ở miền Nam.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trong kháng chiến chống Mĩ, Chiến khu Đ tồn tại như một trung tâm kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ, nơi xây dựng một hình mẫu xã hội mới trong tiềm thức của toàn thể nhân dân miền Đông, kể cả những người vào khu đi kháng chiến và những người bị địch kiềm kẹp trong các vùng tạm chiếm.
Đó chẳng qua là trong quá trình hình thành và phát triển của chiến khu Đ... Chiến khu Đ có ưu điểm về điều kiện thiên nhiên, có vị trí quân sự địa hình quan trọng. Nhưng ưu vịêt nhất chính là cái truyền thống yêu nước chịu thương, chịu khó của người dân vùng Chiến khu Đ. Tuy lương thực thiếu thốn, phải ăn rau, củ, quả rừng...thuốc men chữa bệnh cũng không, nhưng người dân Chiến khu Đ vốn mang trong mình khí phách “bất khuất” của ông cha ta đã can đảm sống một cuộc sống ở vùng đất hoang vắng, núi độc, rừng thiêng. Và cái “địa ngục trần gian” cao su này đã trui luyện thành những con người kiên gan, giàu sức chịu đựng lạ thường. Thiết tha yêu lao động, chuộng lẽ công bằng và canh cánh một tình yêu quê hương đất nước....
Năm 2001, tôi có đến chiến khu Đ để dự kỉ niệm 55 năm ngày thành lập chiến khu Đ và nhận giải thưởng cuộc thi “ Tìm hiểu về chiến khu Đ ”. Chuyến xe của tỉnh Đoàn Đồng Nai đưa chúng tôi xâm nhập vào vùng đất Chiến khu Đ. Con đường dẫn vào căn cứ đất đỏ, bụi mù mịt ngộp ngạt, làm khuất lấp cảnh vật xung quanh. Càng vào gần chiến khu, cảm nhận tôi lúc bấy giờ là một cảm xúc lâng lâng khó tả. Căn cứ được che bởi rừng cây tạp hỗn giao nhiều tầng với mật độ dày đặt, cho tôi thấm thía được câu “ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Đêm ở đây thật lạnh. Vậy mà trong cái giá rét này đã bao mùa đông đi qua, nhân dân và chiến sĩ ta vẫn kiên cường đánh giặc và thắng giặc.
Hôm nay, nhân kỉ niệm 63 năm ngày thành lập Chiến khu Đ, tôi tìm đọc lại quyển “ Lịch sử Chiến khu Đ”. Xin được cám ơn các nhà biên soạn “ Lịch sử Chiến khu Đ ”, đã giúp tôi hiểu thêm về đất nước và con người Chiến khu Đ, để tôi có thêm nguồn tư liệu mà tự hào về một vùng đất miền Đông Nam Bộ. Đến bây giờ tôi mới thấy câu “ Chiến khu Đ còn - Sài Gòn mất ” không là một lời nói ngoa, mà là một lời đánh giá rất “biết người, biết ta” của bọn xâm lược. Và những dòng chữ này như lời tri ân của người hậu bối đối với những người làm nên lịch sử chiến khu Đ. Xin cùng được quý vị, thắp một nén hương lên nấm mộ những người anh hùng liệt sĩ, đã ngã xuống để làm nên một Hào khí Chiến khu Đ.



Từ trái qua, các ông: Huỳnh Văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình
và Dương Quốc Chính ở Chiến khu Đ

Chiến khu Đ - một thời lừng lẫy
tướng quân Huỳnh Văn Nghệ


HOÀNG KIM CHUNG
(Nguyên chiến sĩ Chi đội 10)

Tôi đặt đầu đề bài viết nhỏ này theo cách gọi dân gian - tướng Nghệ - chớ thật ra ông chưa hề được Nhà nước ta phong tướng. Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, khi chuyển ngành ra làm tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp, cấp hàm cao nhất của ông lúc ấy vẫn chỉ là thượng tá.

Bây giờ, nhắc đến ông, người đời thích gọi ông là nhà thơ - chiến sĩ. Tôi chợt nhớ, khi tập thơ Huỳnh Văn Nghệ lần đầu tiên được in ra trên đất Bắc, tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam có bài giới thiệu ông là nhà thơ trẻ. Ông cười và bảo tôi: "Làm thơ từ những năm 30, chưa già thì chớ, trẻ nổi gì!". Đúng là vậy! Những bài thơ như Đám ma nghèoBà bán cau... được ông viết ra từ những năm 1935- 37. Còn thực sự đặt chân vào lĩnh vực quân sự, là chỉ huy quân sự địa phương thì mãi gần cuối 1945 sau khi cuộc kháng chiến Nam Bộ nổ ra, ông mới mang danh chiến sĩ.
Khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, trước khi về lại Tân Uyên theo gợi ý của ông Sáu Giàu (Trần Văn Giàu)- chủ tịch lâm uỷ Nam Bộ, ông là uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến miền Đông. Mấy hôm trước khi quân Pháp núp sau quân Anh - Ấn lên Biên Hoà, Huỳnh Văn Nghệ không chạy theo Lương Văn Tương- chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Đông lên Xuân Lộc rồi ra Phan Thiết, mà đi ngược về phía quê ông, lập chiến khu ở đó.
Chiến khu Tân Uyên, đến giữa năm 1946 gọi là chiến khu Đ, gắn liền với tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ từ tháng 10.1945. Tháng 11 năm ấy, tướng Nguyễn Bình gặp ông, trao ông chức chỉ huy trưởng quân giải phóng Biên Hoà. Và tháng 12, tướng Bình cũng về chiến khu này  đặt Tổng hành dinh khu 7 tại Lạc An.
Tôi giáp mặt tướng Nghệ lần đầu tiên vào khoảng giữa tháng 11.1945. Lúc ấy, tôi vừa tốt nghiệp khoá huấn luyện cuối cùng của Trường quân chính Tân Uyên (từ Sở Tiêu- Đất Cuốc trường đã chuyển ra Mỹ Lộc) và được nhà trường giới thiệu đến gặp ông để được phân công công tác.
Tôi chỉ thực sự gần gũi ông từ tháng 4.1946 khi được rút về văn phòng Vệ quốc đoàn Biên Hoà, làm thư ký riêng cho ông.
Lúc này mới ngoài 30 tuổi, Tám Nghệ (sanh năm 1914) không chỉ đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng quân sự, ông còn là phó chủ tịch kiêm uỷ viên quân sự uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hoà. Thời cơ ấy cũng là thuận lợi để ông tổ chức các quận quân sự, thực chất là các cụm quân sự liên xã. Vào thời điểm ấy, sau khi thành lập các chi khu Tân Uyên, Cây Đào... giặc Pháp bắt đầu đánh nống ra, mở rộng lấn chiếm, thực hiện bao vây và chia cắt ta. Nhờ tổ chức quận quân sự, việc chỉ đạo xuống xã vẫn thông suốt. Các hoạt động quân sự ở cơ sở vẫn được duy trì. Tổ chức du kích vẫn giữ vững và lực lượng ngày càng phát triển.
Tháng 6.1946 Vệ quốc đoàn Biên Hoà  mang phiên hiệu Chi đội 10. Chỉ trong vòng nửa năm, tất cả các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã được quy về một mối. Huỳnh Văn Nghệ có thêm Nguyễn Văn Lung, chi đội phó mới, từ Long Thành về. Rồi Phan Đình Công, từ Phòng chính trị khu 7 xuống, với chức danh Chính trị viên Chi đội. Đến tháng 8.1946, các cơ quan tham mưu - chính trị của chi đội hình thành.
Là thủ lĩnh quân sự địa phương, do "thế thời phải thế", Huỳnh Văn Nghệ không hề  được đào tạo qua một trường quân sự nào. Ông học kinh nghiệm từ tướng Nguyễn Bình, nguyên tư lệnh Đệ tứ chiến khu Đông Triều thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông tự học qua các tài liệu chẳng hiểu ông moi từ đâu ra và đưa tôi đánh máy. Những Binh Pháp Tôn tử, Kinh ngoạn du kích Tàu, Cách huấn luyện cán bộ quân sự. Ông học ngay từ thực tiễn chiến trường. Khi Chi khu Cây Đào cho đóng bót Võ Sa (nay là xã Lợi Hoà huyện Vĩnh Cửu), ông đã cử Ba Trợn, Tư Bạch (trong chống Mỹ đổi tên là Năm Hồng) và một số chiến sĩ  trá hàng, đến khi có thời cơ thì bót Võ Sa nổi dậy phản chiến, thu hết súng ống đạn dược và kéo hết quân ra, trở về với kháng chiến. Đòn "lấy gậy ông đập lưng ông" này làm rúng động hàng ngũ thân binh Pháp. Giặc Pháp cũng nghi ngờ, dè dặt trong việc tuyển mộ thân binh. Ta thu hút thêm nhiều thanh niên trở thành  tân binh vệ quốc đoàn.
Tháng 5.1946, giặc Pháp mở cuộc tiến công lớn lần thứ 2 vào Tổng hành dinh tướng Nguyễn Bình. Sau trận càn này, khu bộ khu 7 chuyển về Giòng Dinh (Đồng Tháp Mười). Khu vực đóng Tổng hành dinh cũ của tướng Nguyễn Bình với các mật danh khu A, B, C không còn. Từ đây, Chiến khu Đ (mật danh khu đóng quân chi đội 10) được gọi thay cho Chiến khu Tân Uyên.
Chi đội 10 không chỉ nổi tiếng chống càn đánh phục kích, tập kích giỏi còn lừng danh với các trận đánh giao thông đường bộ và đường sắt khá xuất sắc. Quy mô tác chiến ngày một lớn. Binh lược phân tán, tập trung linh hoạt. Bộ đội tập trung và du kích địa phương đều lớn mạnh. Sau trận La Ngà nổi tiếng, Chi đội có bước trưởng thành mới- Trung đoàn 310 ra đời.
So với các trung đoàn của miền Đông, Trung đoàn 310 là một trung đoàn mạnh. Khu bộ trưởng khu 7 Nguyễn Bình rút Huỳnh Văn Nghệ lên làm khu bộ phó. Và giao cho ông xuống liên khu Bình Xuyên kéo Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) cùng về khu nhận nhiệm vụ mới. Tám Nghệ đơn phương độc mã vào chiến khu Rừng Sác và đã làm tròn nhiệm vụ tướng Bình giao phó.
Năm 1951, giải thể 3 khu 7, 8, 9, Tám Nghệ và Tô Ký về làm phó cho tướng Trà- tư lệnh Phân liên khu miền Đông. Ít lâu sau, Tám Nghệ về làm tỉnh đội trưởng Thủ Biên, Tô Ký về Gia Ninh.
Sau trận lụt 1952, ông đi dự chỉnh Đảng ở Liên khu 5 rồi ra Bắc.
Hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông về Bộ Tổng tham mưu với chức vụ cục phó Cục Quân huấn - trưởng Phòng Thể dục thể thao quân đội. Dưới thời ông, các đội bắn súng, bóng đá, bóng chuyền thể công tiếng tăm lừng lẫy. Sự kiện thể thao lớn nhất là cuộc thi đấu bóng đá giữa 14 quân đội các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa.
Tôi đã không còn gặp ông khi ông chuyển ngành ra Tổng cục Lâm nghiệp. Rồi loáng thoáng nghe trước Tết Mậu Thân ông đã đi B. Và cho tới khi ông mất (năm 1977) khi ấy tôi đang còn ở Hà Nội.
***

Cuộc đời quân ngũ gần 40 năm của tôi cho đến lúc chuyển ngành về lại Đồng Nai, tôi đã qua nhiều đơn vị, đã là cán bộ thuộc hạ của nhiều thủ trưởng. Các cấp trên của tôi mỗi người một vẻ, một tính cách. Tuy nhiên, sâu đậm trong tôi vẫn là hình ảnh của ông Tám Nghệ, người thủ trưởng quân sự đầu tiên đã ảnh hưởng rất tốt đối với tôi.
Từ ngày về lại Đồng Nai, hàng năm sau Tết - ngày 16 tháng giêng - là ngày giỗ ông Tám, năm nào tôi cũng về Tân Tịch. Ông mất đến nay đã gần 30 năm. Nhưng giỗ hội hàng năm, bạn bè anh em đồng chí cũ vẫn nườm nượp kéo về. Khu mộ gia đình ông gom lại, tập trung trên một khoảnh đất rộng. Và nhà tưởng niệm Huỳnh Văn Nghệ  từ năm 2005 đã được nâng lên thành đền thờ. Tên ông còn được đặt cho một trường tiểu học ở Tân Uyên, một đường phố của thị xã Thủ Dầu Một.
Ông xứng đáng được tôn vinh như một danh nhân tiêu biểu của địa phương, của tỉnh Biên Hoà cũ, trong kháng chiến chống Pháp nhiều người gọi ông là tướng Nghệ. Và như nhân dân Tân Uyên quê ông đã làm thơ nhớ ông: 
"Anh đã mất nhưng nào đã mất
Hình bóng anh còn đọng mãi trong dân...".
Biên Hoà 2006
Chiến khu Đ – vùng đất huyền thoại lịch sử Mảnh đất “lam sơn trướng khí hội tụ anh hùng”
   
Qua hết con đường nhựa, xe chạy dọc con đường đất đỏ quanh co đưa chúng tôi đến với căn cứ Khu uỷ miền Đông (là một trong những căn cứ nằm trong căn cứ địa chiến khu Đ). Đọc cuốn tài liệu “Di tích lịch sử Căn cứ khu uỷ miền Đông Nam Bộ (chiến khu Đ)” mà chị Lan Hương, tổ trưởng tổ thuyết minh khu di tích đưa cho và nghe chị hướng dẫn, được xem những thước phim tư liệu của một thời hùng tráng nơi đây, chúng tôi cùng bồi hồi trong niềm tự hào xúc động hình dung về lịch sử cách đây 60 năm.
Từng là căn cứ đầu tiên của tỉnh Biên Hòa được xây dựng vào tháng 2-1946, sau Hội nghị cán bộ quân sự ở Lạc An, huyện Tân Uyên (nay là xã Lạc An, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với địa thế hiểm trở của phần đất cuối cùng chuyển tiếp của dãy Trường Sơn xuống vùng đồng bằng, chiến khu Đ chính thức trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam và được mở rộng bao trùm toàn bộ vùng rừng ngang đường 16, trải dọc lưu vực hữu ngạn sông Đồng Nai, đổ về thượng nguồn giáp giới Sông Bé. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp các cơ quan, đơn vị ta tại Chiến khu Đ đã vượt qua nhiều khó khăn: nào thiên tai (đặc biệt là cơn bão lụt khốc liệt năm Nhâm Thìn 1952), nào địch họa do càn quét, đánh phá bằng bom đạn, phá hoại kinh tế, gài do thám chỉ điểm, biệt kích... đã giữ vững căn cứ địa cách mạng, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của miền Đông, là bàn đạp để lực lượng ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, đường giao thông chiến lược của địch, góp phần vào thắng lợi chung của quân dân cả nước, đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, vùng chiến khu Đ tiếp tục được mở rộng bao gồm toàn bộ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia, được coi là vùng “tam giác sắt” nối liền từ chiến khu rừng Sác, Dầu Tiếng, Xuyên Mộc, Phước Cơ đến căn cứ Củ Tri, Bến Cát và được coi là thủ đô kháng chiến của dân tộc với nhiệm vụ chính của mình là trung tâm tâm lãnh đạo cách mạng miền Nam, là nơi xây dựng các binh đoàn chủ lực, đào tạo, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ. Trong lòng chiến khu cách mạng ngày càng mở rộng, nhiều căn cứ được hình thành và phục vụ đắc lực cho phong trào cách mạng miền Đông Nam Bộ. Căn cứ khu uỷ miền Đông Nam Bộ, nơi chúng tôi đang đứng chân nơi đây được xây dựng vào năm 1962, thuộc địa phận phân trường 6, Lâm trường Hiếu Liêm, xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu để đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trên địa bàn khu. Căn cứ địa toạ lạc giữa đỉnh đồi đất sỏi khá bằng phẳng với diện tích hơn 28ha. Toàn bộ khu đồi được bao phủ bởi rừng cây dày đặc trong hệ thống rừng miền Đông với hệ thống giao thông hào, hệ thống địa đạo liên hoàn và hệ thống nơi làm việc, trú ẩn của lãnh đạo Khu uỷ và các cơ quan trực thuộc. Tại khu căn cứ này, Khu uỷ miền Đông đã đứng chân trong suốt thời gian dài lãnh đạo cách mạng (1962-1967), góp phần làm nên những chiến thắng Phước Thành, Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Sắn…chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968.

 Là nơi đào tạo, nuôi quân, là cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, Chiến khu Đ cũng chính là một trong 3 mũi giáp công, là bàn đạp tấn công vào cửa ngõ Sài Gòn theo hướng Đông Bắc. Vì thế mà Mỹ - nguỵ đã ra sức tìm cách tàn phá nơi đây. Song mảnh đất chiến khu Đ vẫn anh dũng vượt qua bao khắc nghiệt của bom Napan, của chất độc hoá học, những trận càn quét khốc liệt của địch trở thành “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, xứng đáng là nơi hội ngộ của những anh hùng trên khắp mọi miền đất nước, những người vì cuộc kháng chiến của dân tộc mà đến và cũng từ đây mà ra đi, nơi tụ hội trí khí, niềm tin thiêng liêng của cả dân tộc, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, hoàn thành cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại.

* Chiến khu Đ trong tương lai: Hành trình về nguồn

Đoạn đường từ xã Phú Lý đến di tích Khu uỷ miền Đông - Chiến khu Đ hôm nay đã có nhiều đổi thay. Đi trên con  đường trải nhựa láng mướt, hoà mình trong không khí mát lành giữa cây rừng xanh bạt ngàn, chúng tôi mới càng thấm thía và cảm nhận hết được sức sống phi thường của thiên nhiên cũng như con người nơi đây khi phải oằn mình suốt mấy mươi năm trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ, gian khổ để cất vang khúc khải hoàn chiến thắng mùa xuân năm 1975 và để hôm nay mảnh đất, tình người chiến khu xưa lại giang rộng vòng tay đón chào các thể hệ cháu con trong những chuyến du lịch về nguồn…

Nơi đây có một di tích và truyền thống lịch sử hào hùng, chính vì điều đó trong những năm qua đã có rất nhiều những cuộc du lịch tìm về nguồn giúp các thế hệ thanh niên tìm hiểu về mảnh đất và con người nơi chiến khu Đ, tìm hiểu về lịch sử nơi đã trở thành thành trì kiên cố bảo vệ an toàn cho cán bộ và nhân dân các tỉnh miền Đông Nam bộ suốt 2 cuộc kháng chiến và đồng thời cũng giáng cho quân thù những trận đòn chí tử. Trong vòng 3 năm trở lại đây đã có trên 70 ngàn lượt du khách đến thăm quan Căn cứ Khu uỷ miền Đông Nam bộ - chiến khu Đ. Hiện nay, di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông đã được tôn tạo, trùng tu và được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia. Trong hướng quy hoạch chung, di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông cùng với hệ thống di tích địa đạo Suối Linh, di tích Căn cứ Trung ương cục miền Nam, khu công viên lịch sử văn hoá miền Đông Nam bộ trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu sẽ trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa truyền thống lý thú, du lịch sinh thái hấp dẫn. Theo như dự án Trung tâm sinh thái – văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ, sẽ có đến 73% diện tích dành cho cây xanh và mặt hồ, với 7 hạng mục công trình: tượng đài trung tâm, di tích 9 tỉnh miền Đông, bảo tàng Chiến khu Đ, sân lễ hội, khu hành chính, cây xanh và hồ nước, bãi đậu xe. Mọi sự tôn tạo, trùng tu, xây mới sẽ được thực hiện trên nguyên tắc bảo vệ nguyên hiện trạng lịch sử, tôn trọng yếu tố tự nhiên và bảo vệ rừng sinh thái đầu nguồn thủy điện Trị An. Ngoài mục tiêu tôn vinh các dự tích lịch sử và giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho lớp thế hệ con cháu, dự án còn nỗ lực tạo sức bật mới cho ngành du lịch Đồng Nai trong thời kỳ mới.

Ông Phạm Thanh Sơn – Phó Giam đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích huyện Vĩnh Cửu cho biết thêm: Trung tâm sinh thái – văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ sẽ có điểm nhấn kết hợp với các quần thể di tích. Khi du khách đến tìm hiểu lịch sử, sẽ được thăm quan nhiều nơi khác như: tìm hiểu lễ hội và sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Châu Ro, thăm quan Bãi đá dựng - Suối Linh, thác Bàng, Di chỉ khảo cổ Lò gốm cổ ở trạm 3 xã Hiếu Liêm có niên đại cách đây 2500 – 3000 năm, nhà máy thủy điện Trị An… Kết hợp với các địa điểm này, là các dịch vụ phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí cho du khách gắn với văn hóa ẩm thực của chiến khu Đ: canh lá rừng, khoai mì, cá tào đồi, măng rừng… Bên cạnh đó, khi mà khu du lịch này được đầu tư quy mô, các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc sẽ có điều kiện phát triển để phục vụ khách du lịch như: mây – tre đan, gùi , dệt thổ cẩm…

Trở lại chiến khu Đ trong những chuyến du lịch về nguồn như vậy giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử hào hùng và oanh liệt của vùng đất “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, từng là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vùng đất chiến khu Đ ngày ấy và bây giờ sẽ mãi tỏa sáng ngọn lửa truyền thống, cháy rực “hào khí miền Đông” trên bước đường xây dựng tương lai…


Lịch sử chiến khu Đ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ
Theo www.sggp.org.vn – 1 năm trước
Nằm án ngữ trên hành lang cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, nối thông lên vùng rừng núi cao nguyên Trung bộ, Chiến khu Đ giữ một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của tỉnh Biên Hoà, tỉnh Thủ Dầu Một, của Quân khu 7 và toàn Nam bộ.
Ai đã từng ở miền Đông Nam bộ thời kháng Pháp, hẳn không thể không lưu giữ một kỷ niệm nào đó về Chiến khu Đ. Và nói đến Chiến khu Đ, hẳn không ai có thể quên một cái tên: Huỳnh Văn Nghệ. Tên tuổi của ông đi vào tâm thức mọi người như một cán bộ quân sự tài năng, một ngọn cờ của các đơn vị vũ trang nhỏ lẻ thời đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, người gắn bó ruột rà với quá trình gầy dựng và phát triển Chiến khu Đ; và cả điều này nữa, một nhà thơ - nhà thơ chiến sĩ...
Huỳnh Văn Nghệ đánh giặc bằng cả gươm và bút. Đó là trường hợp không nhiều ở một cán bộ quân sự, một vị Tư lệnh Quân khu. Hãy nghe ông tuyên ngôn: ông làm thơ cốt để phục vụ cho việc đánh giặc, ngợi ca, cổ suý những người ra trận. Nội dung các bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ vì thế ngổn ngang hiện thực cuộc chiến đấu sôi bỏng ở chiến khu. Một chiều tiêu thổ, một trận công đồn, một trận bão lụt, một chiến sĩ hy sinh... tất cả ùa vào thơ ông, mang nguyên những bụi bặm chiến trường, nhiều khi như một phóng sự, ghi chép sự kiện.
Công tác nghiên cứu lịch sử kháng chiến ở Nam bộ lâu nay vẫn gặp một khó khăn lớn về nguồn tư liệu thành văn. Đa số các tài liệu văn bản gốc hoặc không có, hoặc có mà bị thất thoát vì chiến tranh bom đạn, vì sự mai một của thời gian. Nguồn sử liệu dựa một phần chủ yếu vào trí nhớ của người trong cuộc.
Trong khi đi sưu tầm tư liệu cho việc nghiên cứu biên soạn cuốn “Lịch sử Chiến khu Đ”, chúng tôi gặp một điều lý thú: tất cả những người được hỏi ý kiến đều kể về Huỳnh Văn Nghệ và thơ của ông. Nhớ về một sự kiện lịch sử nào đó, người ta đọc thơ ông ra để minh chứng, để cam kết sự có thực của nó. Và chúng tôi còn nhận ra một điều này nữa: thơ Huỳnh Văn Nghệ dường như chỉ nói về Chiến khu Đ. Nếu đem sắp các bài sưu tầm được theo trật tự biên niên, ta sẽ có gần đủ một cuốn lịch sử Chiến khu Đ bằng... thơ.
Về sự ra đời của Chiến khu Đ, nhiều ý kiến không thống nhất nhau về mốc thời gian, chung quy có hai loại: trước hoặc sau ngày Nam bộ kháng chiến. Thì đây, thơ Huỳnh Văn Nghệ:
Chiến khu Đ có từ thủa ấy
Có một anh đồng chí 
Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm bốn mươi
Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai
Lập chiến khu nuôi chí lớn
                         (Du kích Đồng Nai).
Bài thơ Huỳnh Văn Nghệ nói về sự kiện người đảng viên Trần Văn Quì sau biến cố ngày 23-11-1940 đã chỉ huy một đơn vị vũ trang về Tân Uyên bảo tồn lực lượng, xây dựng căn cứ, nuôi kế đánh giặc lâu dài. Vậy là nơi đây đã là căn cứ địa cách mạng từ nhiều năm trước ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Trong trí nhớ của Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Nghệ còn có một bài thơ khác (không thấy được sưu đăng trong cuốn “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ”, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1998, cả cuốn “Bên bờ sông xanh”, Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé 1988), có đoạn:
Sau Nam Kỳ khởi nghĩa
Trước cách mạng mùa thu 
Có một nhóm đồng chí
Ra thành lập chiến khu
Ngồi quanh một ấm chè 
Thảo luận suốt trưa hè 
Tên chiến khu bất khuất
Đồng Nai hay Đất Cuốc
Rốt cuộc Chiến khu Đ
Đã bao mùa lá vàng rơi từ ấy 
Chiến khu Đ vẫn đỏ máu quân thù.
Đoạn thơ trên thêm một lần nữa khẳng định thời điểm ra đời của Chiến khu Đ; đồng thời cắt nghĩa xuất xứ tên gọi “Đ” của chiến khu, điều mà cho đến nay những người làm sử còn lúng túng trước nhiều giả thiết: “Đ” là chữ cái đầu biểu thị tính chất của căn cứ địa (Đỏ), chỉ vùng, địa phương (Đất Cuốc, Đồng Nai, miền Đông...); hay đánh dấu thứ tự các căn cứ tại vùng rừng núi Bắc Biên Hoà, Thủ Dầu Một (A, B, C, Đ,...).
Như thế, trên nền móng một chiến khu được xây dựng từ trước, phái viên quân sự Nguyễn Bình (sau đó là Tư lệnh Khu 7, Tư lệnh Nam bộ, được phong quân hàm Trung tướng tháng 1 năm 1948) đã chọn nơi đây làm căn cứ địa của Khu 7 và toàn Nam bộ.
Vào hạ tuần tháng 10-1945, sau một tháng gây hấn và chờ viện binh ở Sài Gòn, thực dân Pháp bắt đầu phá vòng vây, đánh nống ra các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trước sức tấn công ồ ạt của địch, trong điều kiện tương quan lực lượng quá chênh lệch, các lực lượng kháng chiến để lại một bộ phận nhỏ hoạt động ở vùng ngoại ô, còn lại rút ra vùng ngoài củng cố xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Hàng ngàn công nhân, trí thức, học sinh rời thành đi kháng chiến. Chiến khu Đ trở thành nơi tập hợp lực lượng trong vùng.
Sự kiện lịch sử này được khẳng định trong bài thơ “Ngày hội” của Huỳnh Văn Nghệ:
Biên Hoà đã mất
Chiến khu Đ cờ vẫn đỏ ngọn cao
Du kích Tân Uyên ngày đào đắp chiến hào
Đêm tập một hai vang trường Đất Cuốc...
Anh Nguyễn Bình cũng đã về đây
Xem địa thế sông dài rừng thẳm 
Tình quân dân đầm ấm
Anh xuống ngựa buộc cương...
Lạc An bỗng tưng bừng ngày hội
Kéo về đây đến bốn, năm chi đội 
Kim Trương, Tô Ký , Vũ Đức , Tấn Chùa 
Chiến khu Đ của tiểu đội ngày xưa
Bỗng lớn lên như Phù Đổng.
Với ưu thế về binh hoả lực, thực dân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân với quy mô lớn nhằm triệt hạ bằng được căn cứ đầu não kháng chiến. Tân Uyên và nhiều vùng lân cận rơi vào tay địch:
Rồi từ đó Tân Uyên thành chiến địa
Máu quân thù tiếp tục chảy không thôi
Dòng sông xanh đã nhuộm màu máu tía 
Thuyền bến xưa phiêu bạt bốn phương trời
(bài Mất Tân Uyên).
Để bảo đảm chỉ đạo cuộc kháng chiến, Bộ Tư lệnh Khu 7 rút về Quân khu Đông Thành. Huỳnh Văn Nghệ dẫn chứng cuộc “Tây chinh” này bằng bài thơ “Rừng nhớ người đi” tiễn Khu bộ trưởng Nguyễn Bình và những chiến sĩ Lạc An rời Chiến khu Đ về Đồng Tháp năm 1946:
Từ độ chàng đi vung kiếm thép
Mịt mù khói lửa khuất binh nhung
Rừng xanh thương nhớ như chinh phụ
Hồi hộp nghe từng tin chiến công...
Ngày đi có bướm chim đưa tiễn
Cành xanh bận rộn vuốt yên cương 
Từ biệt Lạc An về Đồng Tháp 
Đâu biết rừng xanh cũng đoạn trường.
Thơ Huỳnh Văn Nghệ nói nhiều đến tình cảm giữa chiến khu với đồng bào nơi bị chiếm; đến các trận đánh Trảng Bom, Bưng Còng, Bảo Chánh, La Ngà; đến tinh thần chiến đấu hy sinh của bộ đội, dân quân du kích, của em bé liên lạc xóm Cây Dâu, đến cái chết của đại biểu Quốc hội khoá I Nguyễn Văn Xiểng... Nhưng có lẽ các nhân chứng lịch sử nhớ nhiều nhất bài thơ của ông nói về trận bão lụt lịch sử năm Nhâm Thìn 1952 và trận thắng lớn của Tiểu đoàn 303 Thủ Biên ngay trong những ngày “Trút cả hũ không còn đầy nắm muối”.
Chính Thượng tướng Trần Văn Trà, vị Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam đã nhớ, chép lại và cho công bố bài thơ “Chiến khu Đ chống bão” trước cả khi Ty Văn hoá Thông tin Sông Bé ấn hành tập “Bên dòng sông xanh” năm 1982:
Những nóc nhà trôi
Những thân cây đổ
Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển 
Mênh mông sóng vỗ chân trời 
Thôi hết rồi hết lúa hết khoai 
Chiến khu Đồng Nai lại đói 
Con ngậm củ mài cha nhơi củ chuối 
Ướt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai
Đứt ruột mẹ tiếng con thơ đòi bú 
Voi cũng trôi tận Cù Lao Phố
Mấy con trâu vướng trụ cầu Gành...
Cả chiến khu đêm nay không ngủ 
Tụ năm tụ ba 
Bàn tán về Tiểu đoàn ba trăm lẻ ba...
Bỗng được tin loa 
Ta tiêu diệt hoàn toàn đồn Bến Sắn.
Sau Hiệp định Genève, Huỳnh Văn Nghệ tập kết ra Bắc. Cả khi ở Hà Nội và sau này, lúc đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Huỳnh Văn Nghệ ít làm thơ; và thơ ông nếu có lại chỉ quay về... Chiến khu Đ. Đó là những vần thơ da diết nhớ một thời kháng chiến bất khuất, hoặc xót xa với cảnh rừng bị địch tàn phá đến hoang trụi.
Đất rừng còn nhức nhối 
Hố bom khoét thân mình
Cây dầu còn rỉ máu
Vết đạn vẫn chưa lành...
Dân mình còn gian khổ
Hoà bình chưa ăn mừng
Lo thiếu gạo thiếu gỗ
Nhưng phải bảo vệ rừng
Ngày mai rừng tươi lại
Cho người đỡ nắng mưa
Thêm lúa thơm gỗ quý 
Suối trong veo bốn mùa
(Cây thông già và anh thợ rừng). 
Những câu trích ở trên chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều bài thơ được lưu giữ trong ký ức của các nhân chứng lịch sử thời kháng chiến ở miền Đông Nam bộ, những bài thơ mà tôi tin rằng tập “Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ” do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1998 chưa sưu tập đầy đủ.
Tôi không dám nói đến cái hay, cái chưa hay của thơ ông – với tôi đó là chốn thâm nghiêm. Công việc ấy rồi đây, nhất định phải nằm trong danh mục kế hoạch nghiên cứu của các nhà phê bình lý luận thơ nhằm dựng định lại một vườn thơ kháng chiến ở Nam bộ mà chắc chắn thơ Huỳnh Văn Nghệ là một đóng góp. Và trong cuốn “Lịch sử Chiến khu Đ” do tôi làm chủ biên (được xuất bản và tái bản từ nhiều năm trước), có một nguồn sử liệu từ thơ của ông - chiến sĩ nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét