Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Chiến khu Đ 60 năm tự hào


Chiến khu Đ 60 năm tự hào



* Chiến khu Đ ra đời:
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 , lực lượng vũ trang Biên Hòa chọn nơi đóng quân tại xã Lạc An (Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa), đây là nơi khởi nguồn của Chiến khu Đ. Cuối năm 1945, Khu bộ Khu 7 được thành lập, chọn xã Lạc An làm nơi đứng chân. Ngày 20-2-1946, Hội nghị quân sự Khu 7 được tổ chức, chỉ đạo thành lập vùng chiến khu bao gồm các xã Mỹ Lộc, Tân Tịch, Tân Hòa, Thường Lang, Lạc An, trong đó Lạc An là trung tâm, với tên gọi là Chiến khu Đ.
* Vị trí chiến lược của Chiến khu Đ:
Lưng dựa vào dãy Trường Sơn, phía trước giáp sát vùng đồng bằng và các đô thị lớn, các đường giao thông chiến lược, cách Sài Gòn 30km, là bàn đạp quân sự cực kỳ quan trọng "khi tiến có thể đánh, lùi có thể giữ". Chiến khu Đ còn là vùng án ngự chiến lược nối nhiều chiến trường với nhau, là cầu nối quan trọng từ hậu  phương lớn miền Bắc vào Nam bộ, với chiến trường cực Nam Trung bộ, chiến trường Tây Nguyên, cùng các căn cứ Bắc Tây Ninh, Củ Chi... tạo thế áp sát các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn. Kẻ thù coi Chiến khu Đ như một thành lũy cách mạng cực kỳ nguy hiểm "Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất".
* Phạm vi của Chiến khu Đ qua hai cuộc kháng chiến:
Trong kháng chiến chống Pháp, phạm vi chủ yếu: tây giáp đường 16, đoạn từ thị trấn Tân Uyên lên Cổng Xanh; bắc giáp sông Bé, đoạn từ cầu Phước Hòa lên Chánh Hưng đến ngã ba Hiếu Liêm và nam giáp sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba Hiếu Liêm về thị trấn Tân Uyên.
Trong kháng chiến chống Mỹ, trung tâm Chiến khu chuyển dần lên phía đông bắc. Đến đầu năm 1975, sau giải phóng Phước Long, phạm vi phát triển đến mức cao nhất. Toàn bộ Chiến khu Đ nằm ở phía bắc sông Đồng Nai, phía tây giáp tỉnh Bình Dương và cắt qua địa phận hai tỉnh Phước Long, Bình Long (nay là Bình Phước), phía bắc vươn xa giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (đoạn Bù Đốp đến Bù Đăng), phía đông giáp các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng.
* Các cơ quan đã từng đứng chân tại Chiến khu Đ:
Không chỉ là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Biên Hòa, trong suốt hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Đ còn là nơi đứng chân của nhiều cơ quan Trung ương như Khu ủy Miền Đông, Bộ Tư Lệnh Quân khu 7, Liên Tỉnh ủy Miền Đông, Phân khu 5, Trung ương Cục với các Ban tham mưu: Văn phòng Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Quân giải phóng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn, Ban Bảo vệ Trung ương Cục, Ban Thông tin liên lạc, Đài Phát thanh - thông tấn xã, Ban Giao  - Bưu - Binh vận...; các cơ quan quân y, bệnh xá, công binh xưởng, nông trường sản xuất của các cơ quan
Quân khu và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Đông Nam bộ.
* Chiến khu Đ, nơi thành lập những đơn vị quân chủ lực:
Chi đội 10 Biên Hòa, Trung đoàn 310 Biên Hòa, Lực lượng vũ trang miền Đông, Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng miền Đông, Tiểu đoàn 800 Quân khu, Sư đoàn 9 chủ lực Miền, Đoàn đặc công 113, Quân đoàn 4... là lực lượng nòng cốt của cách mạng miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
* Một số trận đánh địch của quân và dân ta xuất kích từ Chiến khu Đ:
Trận Bảo Chánh (5-1947), trận đánh Trảng Táo (tháng 6-1947), Bảo Chánh 2 (tháng 6-1947), trận Bàu Cá (7-1947), trận Đồng Xoài (12-1947), La Ngà (3-1948), trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên (3-1948), trận đánh chiến thắng Tua Hai (Tây Ninh) (1-1960), trận tiến công diệt tiểu khu Phước Thành (9-1961), trận tập kích bằng pháo vào sân bay Biên Hòa (10-1964) mở đầu cho hàng loạt trận đánh bằng pháo binh, là nơi xuất phát chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Phước Long (1-1975), nơi xuất phát chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21-4-1975) giải phóng thị xã Long Khánh, đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc, tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
* Chiến khu Đ, nơi thử nghiệm những cách đánh địch táo bạo, thông minh của quân và dân miền ĐôngNam bộ:
Đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ở Tân Uyên ngày 19-3-1948, để từ đó hình thành bộ đội đặc công, phát triển kỹ thuật đánh đặc công ra cả nước.
* Những khó khăn của quân dân ta trong Chiến khu Đ:
Trận bão lũ lụt lịch sử Nhâm Thìn năm 1952, dịch bệnh, thú dữ, hạn hán, đói kém, chiến tranh, bom đạn ác liệt của kẻ thù, những trận càn quét của kẻ thù, điển hình là trận Tân Tịch (1-1947), các cuộc hành quân "Hòn đá lăn" và "Thành phố bạc" (năm 1966)...
* Trong những hoàn cảnh khó khăn, ác liệt, Chiến khu Đ đã làm gì để giữ vững căn cứ?

Các cơ quan Trung ương và địa phương tại Chiến khu Đ chỉ đạo các lực lượng kiên quyết giữ vững căn cứ, bảo vệ mùa màng, bảo về dự trữ kháng chiến; đồng thời ra sức phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất mọi mặt... Khẩu hiệu của Chiến khu là "giữ người giữ của, xây dựng của, lấy của địch bồi dưỡng ta, không để một tấc đất hoang", khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng các cơ sở, xí nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, xưởng sản xuất vũ khí, bào chế thuốc nam... Cùng với sản xuất tại chỗ, ta còn xây dựng được tuyến hành lang tiếp tế thuốc men, nguyên liệu cho quân giới, vải vóc... từ các nơi về Chiến khu Đ. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng lực lượng và sản xuất , quân và dân Chiến khu Đ đánh bại tất cả các cuộc càn quét, đánh chiếm của kẻ thù vào Chiến khu.
* Chiến khu Đ tồn tại trong bao lâu?
Được giữ vững trong gần 30 năm từ 1946 đến 1975, chiến khu Đ là một trong những chiến khu lớn và lâu dài nhất của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây đã ghi thêm một dấu son trong trang sử oai hùng "Miền Đông gian lao mà anh dũng".
* Những di tích cách mạng được xếp hạng cấp quốc gia tại Chiến khu Đ:
Quang cảnh lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Chiến khu Đ (năm 2001).
Với những đóng góp cực kỳ to lớn và những thành tích rất đáng tự hào của chiến khu Đ trong hai cuộc kháng chiến, hiện nay chiến khu Đ có 3 di tích lịch sử - cách mạng được xếp hạng cấp quốc gia là: Căn cứ Khu ủy miền Đông: được công nhận ngày 20-11-1997; Địa đạo Suối Linh: được công nhận ngày 13-9-1999 và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962): được công nhận ngày 19-1-2004.
Chiến khu Đ sẽ trở thành Trung tâm Sinh thái - Văn hóa - Lịch sử Chiến khu Đ của các tỉnh miền Đông Nam bộ, là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Hiện nay, di tích Chiến khu Đ được tỉnh giao cho Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu quản lý.

Tại Chiến khu Đ:
- 12-1945 là nơi đứng chân của Khu bộ Khu 7.
- 20-2-1946 thành lập Chiến khu Đ.
- 6-1946 thành lập Chi đội 10 Biên Hòa.
- 3-1948 thành lập Trung đoàn 310 Biên Hòa.
- 7-1960 thành lập Khu ủy miền Đông, Quân khu miền Đông.
- 1-1961 thành lập Trung ương  Cục miền Nam.
- 2-6-1972 thành lập Đoàn đặc công 113.
- 20-7-1974 thành lập Quân đoàn 4 - quân đoàn chủ lực đầu tiên của miền Nam... và nhiều cơ quan khác.
(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét