MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM RA ĐỜI - SỰ KIỆN CÓ Ý NGHĨA ĐẶC BIỆT TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975 “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[1]. Trong suốt 21 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ ấy, sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960) có ý nghĩa đặc biệt trên con đường đi đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta.
Tháng 7-1954, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta kết thúc thắng lợi. Thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Theo quy định của Hiệp định, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, sau 2 năm sẽ tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tuy nhiên, ngay sau khi Pháp thất bại, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, dùng miền Nam làm bàn đạp tiến công miền Bắc nhằm ngăn chặn làn sóng cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa đang lan xuống khu vực Đông Nam Á. Toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh mới: sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Hòa bình được lập lại, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội với những nhiệm vụ đặt ra hết sức cấp bách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, nhân dân miền Bắc từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội làm nền tảng, cơ sở cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta về sau. Tại miền Nam, Mỹ dựng lên chính quyền, quân đội tay sai Ngô Đình Diệm. Chính quyền này, ngay từ đầu, đã ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, mở các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” đàn áp, tàn sát những người kháng chiến cũ, những người đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Chúng sử dụng những hình thức giết người man rợ có từ thời trung cổ như mổ bụng, moi gan, chặt đầu, thiêu hoặc chôn sống... Cách mạng miền Nam chịu những tổn thất hết sức nặng nề[2]. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân ta với đế quốc, tay sai ngày càng gay gắt, đặt ra yêu cầu cần phải có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cho cách mạng.
Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15, trên cơ sở nhận định bối cảnh quốc tế, phân tích tình hình trong nước đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng: khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới ánh sáng đường lối đúng đắn của Đảng đề ra, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng bùng lên mạnh mẽ và lan rộng ra toàn miền Nam thành cao trào “Đồng khởi” (1959-1960), “thực chất là những cuộc khởi nghĩa từng phần của nhân dân để giành quyền làm chủ ở từng địa phương thuộc vùng nông thôn miền núi và đồng bằng”[3]. Nhân dân ta đã giành quyền làm chủ với các mức độ khác nhau: ở Nam Bộ 1.100/1296 xã với 4,5 triệu dân; ở Khu 5 có 4.440/4.700 thôn với 2 triệu dân[4]. Cuộc “Đồng khởi” của nhân dân ta đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam[5], tác động mạnh mẽ và làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm[6], chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Từ trong khí thế đó, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức thành lập. Đó là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của nhân dân ta, là sự kiện ghi nhận, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam.
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời nêu cao tính chất chính nghĩa cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta. Đó “là đại diện chân chính, tiêu biểu cho quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam”[7]. Mặt trận chủ trương: đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các đoàn thể, các tôn giáo và thân sĩ yêu nước không phân biệt xu hướng chính trị đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà. Ngay sau khi thành lập, Mặt trận ra lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại. Hãy siết chặt hàng ngũ chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”[8]. Mặt trận không chỉ tập hợp lực lượng yêu nước vào các tổ chức chính trị - xã hội của mình mà còn tổ chức tập hợp quần chúng dưới các hình thức “ngoài mặt trận” như Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, liên hệ mật thiết với các hội, nhóm độc lập của những người có cảm tình với cách mạng, thậm chí với cả những phần tử thân Pháp, những tầng lớp trung gian có khuynh hướng chủ hòa... Sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam giương cao ngọn cờ đoàn kết cứu nước cho thấy “Việt Nam dân chủ cộng hòa đã nắm được các ngọn cờ dân tộc và chống thực dân, do đó Chính phủ Việt Nam cộng hòa chỉ còn lại có độc ngọn cờ chống cộng”[9]. Không chỉ là ngọn cờ tập hợp đoàn kết các lực lượng yêu nước đấu tranh theo hình thức của một mặt trận bình thường, trước khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập năm 1969, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là người đại diện chính thức của nhân dân miền Nam, đã làm chức năng, nhiệm vụ của một chính quyền cách mạng trong các vùng giải phóng và là đại diện của chính quyền cách mạng ngay trong các vùng địch kiểm soát. Đó là một trong những đặc điểm rất quan trọng trong quá trình ra đời và hoạt động của Mặt trận, phản ánh cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai, như chính Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận: “Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng đã thành công nhiều hơn so với chính phủ Nam Việt Nam và Mỹ trong việc khai thác những rạn nứt xã hội ở Việt Nam cộng hòa. Việc sử dụng tài tình các tổ chức mặt trận đã cho phép họ tuyên bố với sức thuyết phục nhất định ở cả trong và ngoài nước, rằng họ là những người đại diện chân chính duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam và Mỹ là một tên đế quốc thực dân mới kế tục người Pháp”[10].
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam ra đời còn góp phần khẳng định đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ, phản ánh khát vọng cháy bỏng của nhân dân ta trên cả hai miền vì mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đường lối chung cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được Đảng ta đề ra là “tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”[11]. Trong việc thực hiện nhiệm vụ chung, cách mạng mỗi miền có nhiệm vụ, vị trí, vai trò khác nhau: nhiệm vụ cách mạng miền Bắc thuộc chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn vững mạnh về mọi mặt làm cơ sở cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam và có vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà; nhiệm vụ cách mạng miền Nam thuộc chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cách mạng hai miền do đó có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại và thúc đẩy lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển; thắng lợi giành được ở mỗi miền cũng là thắng lợi chung của cách mạng cả nước. Thực tế lịch sử đã chứng minh đường lối đó “là ngọn cờ đúng đắn duy nhất tập hợp được lực lượng lớn nhất trên cả hai miền Nam, Bắc tiến hành kháng chiến cứu nước, cũng là ngọn cờ chính nghĩa phù hợp với mục tiêu cách mạng và xu thế thời đại, được cả loài người đồng tình ủng hộ”[12]. Trong toàn bộ đường lối chung đó, vấn đề mặt trận dân tộc thống nhất có một vị trí và vai trò to lớn nhằm tập hợp lực lượng phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Đảng ta đã căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ chung cũng như nhiệm vụ cụ thể của mỗi miền Nam, Bắc để đề ra chủ trương thành lập mặt trận khác nhau. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Mở rộng) khẳng định: “Củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng và toàn dân ta. Nhưng vì nhiệm vụ cơ bản của mỗi miền khác nhau, cho nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần mặt trận ở mỗi miền có chỗ khác nhau. Vì vậy, cần có mặt trận riêng cho miền Nam”[13]. Cách mạng Việt Nam ở miền Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cho nên mặt trận ở miền Nam có tính chất dân tộc dân chủ, nhằm tập hợp tất cả các lực lượng chống đế quốc và phong kiến: “Để đảm bảo cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam giành được toàn thắng, đồng bào ta ở miền Nam cần ra sức xây dựng khối công nông binh liên hợp và thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm, lấy liên minh công nông làm cơ sở. Mặt trận này phải đoàn kết các giai cấp và các tầng lớp yêu nước, dân tộc đa số, các dân tộc thiểu số, các đảng phái yêu nước và các tôn giáo, và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm. Mục tiêu phấn đấu của mặt trận này là hòa bình, độc lập dân tộc, tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa bình thống nhất Tổ quốc”[14]. Đó là một trong những chủ trương đúng đắn, sáng tạo xuất phát từ yêu cầu khách quan của lịch sử và trên cơ sở đúc rút những kinh nghiệm phong phú, quý báu trong công tác xây dựng mặt trận suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngay từ khi Đảng được thành lập năm 1930[15]. Thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khẳng định: “Xây dựng, phát triển mặt trận thống nhất dân tộc trên cả hai miền do Đảng ta lãnh đạo là một thành công điển hình về tổ chức tập hợp lực lượng cả dân tộc giải quyết mâu thuẫn chung cả nước giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ xâm lược cùng bọn tay sai để thực hiện mục tiêu chung là chống chính sách xâm lược của Mỹ, hòa bình thống nhất Tổ quốc”[16].
Nửa thế kỉ đã trôi qua, mỗi sự kiện lịch sử diễn ra trong năm 1960 có ý nghĩa, vị trí, vai trò riêng đối với cách mạng Việt Nam nhưng đều là thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của toàn dân tộc. Sau một chặng đường đấu tranh gian khổ, đến năm 1960, cách mạng miền Nam giành được thắng lợi to lớn, làm “xoay chuyển cục diện” chiến tranh theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời như một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt để ghi nhận về cột mốc lịch sử trọng đại này; đồng thời cũng mở ra một thời kỳ đấu tranh mới của cách mạng miền Nam. Trên cùng phương diện này, Hoành Linh Đỗ Mậu - Nguyên là Giám đốc Nha an ninh quân đội dưới chế độ Diệm trong cuốn hồi ký của mình (in lần đầu năm 1986) cũng thừa nhận: “Nhìn lại toàn bộ mọi khía cạnh của cuộc chiến Việt Nam, không ai có thể tưởng tưởng được rằng sau Hiệp định Giơnevơ 1954, trong khi Cộng sản Bắc Việt bị kiệt quệ về mọi mặt và trong lúc miền Nam Việt Nam được đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ yểm trợ tận tình và dồi dào mà chỉ 5 năm sau (1960) tình trạng an ninh ở miền Nam đã bị thui chột ở hạ tầng vì sức mạnh công phá của kẻ thù ở nông thôn cũng như ở các vùng biên đô thị”[17]. Từ đó, ông đã phải khẳng định rằng “sự ra đời đầy thách đố của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam” năm 1960 là một trong những biến cố “mở đầu cho sự băng hoại tận gốc rễ của chế độ Diệm”[18].
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc cách đây đã hơn 1/3 thế kỉ, nhưng vấn đề Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử ấy đã, đang và chắc chắn sẽ vẫn là một chủ đề thu hút sự quan tâm, nghiên cứu, tìm hiểu của nhiều học giả giới sử học, chính trị, quân sự... cả trong và ngoài nước. Và chúng ta cũng sẽ nhớ mãi về ngày 20-12-1960 - ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.
[1] Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 37, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.471.
[2] Chỉ trong vòng 4 năm (1954-1958), cả miền Nam tổn thất 9/10 số cán bộ, đảng viên. Ở Nam Bộ: khoảng 7 vạn cán bộ đảng viên ta bị địch giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, bị tù đày; gần 20 vạn bị tra tấn thành tàn tật, chỉ còn khoảng 5.000 so với 60.000 đảng viên trước đó. Bến Tre còn 162 đảng viên, Tiền Giang còn 92, Gia Định, Biên Hòa mỗi nơi chỉ còn 1 chi bộ đảng. Riêng ở Khu 5 (lúc đó gồm cả Trị-Thiên và cực Nam Trung Bộ)khoảng 40% tỉnh ủy viên, 60% huyện ủy viên, 70% chi ủy viên xã bị bắt, bị giết, có tỉnh chỉ còn 2-3 chi bộ, 12 huyện đồng bằng không còn cơ sở đảng. Trị - Thiên chỉ còn 160/23.400 đảng viên trước đó. Dẫn theo Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.310.
[3] Đại tướng Văn Tiến Dũng: Về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (In lần thứ hai, có bổ sung), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.19.
[4] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.311.
[5] Trong báo cáo của Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Elbridge Durbrow ngày 16-9-1960 gửi Ngoại trưởng Mỹ A. Herter nêu rõ: “Việt cộng dần dần mở rộng quyền kiểm soát ở nông thôn, nếu những tiến bộ hiện nay của cộng sản cứ tiếp diễn thì có nghĩa là sẽ mất miền Nam tự do vào tay cộng sản”. Tài liệu mật Lầu Năm góc, Tập 4, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam sao lục, 1982, tr.19. Đầu năm 1961, trong báo cáo của Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gửi Tổng thống Kennedy đã xác nhận: “Một thời kỳ hết sức nghiêm trọng đối với Tổng thống Ngô Đình Diệm và Việt Nam cộng hòa đã ở ngay trước mặt. Trong sáu tháng cuối năm 1960, tình hình an ninh trong nước vẫn tiếp tục ngày càng xấu đi và nay đã lên tới mức nghiêm trọng... Trên một nửa toàn bộ vùng nông thôn ở phía Nam và Tây Nam Sài Gòn cũng như một số vùng ở phía Bắc đã nằm dưới quyền kiểm soát rất lớn của Việt cộng”. Dẫn theo Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Tập II - Chuyển chiến lược, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.329. Trước tình hình đó, Mỹ không thể tiếp tục thực hiện chính sách như trước đây nữa mà buộc phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt” nhằm cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn chính quyền tay sai ở miền Nam, tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Nhận xét về sự khó khăn của Mỹ, tác giả George C. Herring đã viết: “Bắt nguồn từ những đòi hỏi của chiến tranh lạnh, công cuộc thử nghiệm xây dựng quốc gia này (tức Nam Việt Nam - TG) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của Mỹ và nó mang nhiều dáng vẻ của cuộc thập tự chinh. Bắt đầu như một canh bạc đầy rủi ro, nhưng có lúc, nó có vẻ như một trong những câu chuyện thành đạt nhất trong chính sách đối ngoại hậu chiến của Mỹ. Chỉ vảo cuối thập kỷ đó (cuối thập kỷ 50 thế kỷ 20 - TG), khi một cuộc cách mạng bùng lên mạnh mẽ ở miền Nam thì người Mỹ mới hiểu đầy đủ về tầm vóc và sự phức tạp của vấn đề mà trước đó họ đã gánh vác”. George C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.56.
[6] Thắng lợi cách mạng miền Nam đã khoét sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền, quân đội Sài Gòn. Ngày 26-4-1960, nhiều nhân vật tiêu biểu đại diện cho các khuynh hướng chính trị miền Nam đã nhóm họp tại khách sạn Caravelle đồng thuận ra bản tuyên cáo lên án chính quyền Ngô Đình Diệm. Sự kiện này cho thấy “những sự rạn nứt đầu tiên báo hiệu điều chẳng lành đã xuất hiện trong cơ cấu chính trị vốn đã mong manh của Nam Việt Nam”. Hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ: Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào?, Nxb. Thông tin, 1990, tr.35. Ngày 11-11-1960, lực lượng quân dù do nhóm Nguyễn Chánh Thi - Vương Văn Đông cầm đầu tiến hành đảo chính lật đổ Diệm. Cuộc đảo chính tuy thất bại nhưng nó cho thấy mâu thuẫn không thể hòa giải giữa tập đoàn thống trị độc tài gia đình họ Ngô với chính công cụ bạo lực của mình, tức quân đội Sài Gòn. Trên một khía cạnh khác, cuộc đảo chính đó cho thấy xu hướng ngày càng tách rời giữ Mỹ và chính quyền Diệm. Xu hướng quân đội đảo chính Diệm là không thể tránh khỏi, vấn đề là chỉ khi nào Mỹ không ủng hộ Diệm nữa mà thôi.
[7] Ngoại giao Việt Nam (1945-2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.182.
[8] Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1961, tr.9.
[9] Tóm tắt Tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Thư viện Quân đội Trung ương sao lục, 1982, Tập 1 và 2 (Nam Việt Nam), tr.15. Nhận xét về sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, William Colby - một nhân viên tình báo cấp cao của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam viết: “Một hệ thống đủ màu sắc: thanh niên, phụ nữ, nông dân, trí thức, không cộng sản... đã được xây dựng theo mô hình và kiểu cách tốt nhất của cộng sản. Nhờ có hệ thống này, cộng sản đã có thể tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ - Diệm và thời cơ đã đến để đưa tất cả các tổ chức đó vào một cấu trúc có kỉ luật hơn, có khả năng trương lên làm biểu tượng cho một cuộc tổng khởi nghĩa chống Mỹ - Diệm”. William Colby: Một chiến thắng bị bỏ lỡ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.109. Còn tướng Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống Việt Nam cộng hòa đã viết trong hồi ký của mình rằng: “Cuộc chiến tranh thực sự đã bắt đầu với việc thành lập Mặt trận Giải phóng dân tộc (MTGPDT) ở Nam Việt Nam... Đó cũng là một lực lượng chính trị đấu tranh với chúng tôi để tranh thủ tình cảm của nhân dân”. Hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ: Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào?, Nxb. Thông tin, 1990, tr.26.
[10] Tóm tắt tổng kết chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Tập 1 và 2 (Nam Việt Nam), tr.19.
[11] Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ và đường lối của Đảng trong giai đoạn mới, Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 21 (1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.918.
[12] Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.101.
[13] Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (Mở rộng). Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20 (1959), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.87.
[14] Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam, ngày 10-9-1960. Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21 (1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 920.
[15] Ngay từ khi mới thành lập năm 1930, Đảng ta đã coi trọng công tác xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất là yếu tố rất quan trọng dẫn đến thắng lợi của cách mạng. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã có những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau (Hội phản đế đồng minh 1930, Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương 1939, Mặt trận Việt Minh 1941...). Song dù dưới hình thức nào, với tên gọi nào, Mặt trận vẫn luôn làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình: đoàn kết, tập hợp mọi người Việt Nam yêu nước vì mục tiêu chung của cách mạng, của Ðảng, của dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn, lực lượng hùng hậu để thực hiện thắng lợi trọn vẹn các mục tiêu của cách mạng.
[16] Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Sđd, tr.193.
[17], 18 Hồi ký Hoành Linh Đỗ Mậu: Tâm sự tướng lưu vong - Việt Nam máu lửa quê hương tôi, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.334, 371.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét