Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam giành thắng lợi vẻ vang.


Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam giành thắng lợi vẻ vang.

Sau hiệp định Genève, Trung ương Đảng không chủ trương thành lập một mặt trận riêng ờ miền Nam mà chỉ yêu cầu mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để có thể tranh thủ được mọi lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình từ Bắc vào Nam. Nhưng tới năm 1959 hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 15 (1- 1959) đề ra chủ trương có Mặt trận riêng ở miền Nam.
Chính chủ trương này của Đảng đã dựa vào Đề cương cách mạng miền Nam do ông Lê Duẩn Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ dự thảo tại Sài Gòn vào năm 1958 (ở căn nhà số 9 Huỳnh Khương Ninh p. Đa Kao Q.1). Sau đó, ông mang nó ra Bắc khi được Bác Hồ mời dự hội nghị này để cử ông vào chức vụ Bí thư thứ nhất của Đảng.
Xuất phát từ tình thế cách mạng ở miền Nam có nhiều chuyển biến mới sau gần 5 năm thi hành hiệp định Genève không kết quả do phía Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm phản bội, Đảng đã có quyết định đứng đắn và kịp thời nói trên nhằm phát động quần chúng nhân dân ở nông thôn nổi dậy khởi nghĩa từng phần, dùng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, đập tan thế kìm kẹp của địch, thành lập chính quyền cách mạng để đưa cách mạng miền Nam tiến lên.
Cuối năm 1959 đầu năm 1960, khi tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện ở nông thôn, nghị quyết của Trung ương Đảng đã trở thành hành động quật khởi của quần chúng. Đồng khởi năm 1960 của nhân dân miền Nam, trong đó nổi bật và thắng lợi to lớn của hai đợt đồng khởi Bến Tre, khí thế cách mạng của quần chúng lên cao, lực lượng cách mạng phát triển nhanh chóng. Các đoàn thể cách mạng của nông dân, thanh niên, phụ nữ v.v…phát triển mạnh mẽ. Ở các huyện, tỉnh, các đơn vị lực lương vũ trang tập trung lần lượt ra đời. Các thôn xã đều có dân quân du kích.
Từ trong cao trào nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân miền Nam, ngày 20- 12- 1960 tại xã Tân Lập huyện Châu thành tỉnh Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, tôn giáo, các giới toàn miền Nam trong đó có nhân sĩ, trí thức đã họp đại hội để thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cử ra Ủy ban Trung ương lâm thời gồm các vị: Nguyễn Văn Linh, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Bửu Kiếm, Trần Bạch Đằng, Ung Ngọc Ky (đại diện ba Đảng:Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam, Đảng Xã hội cấp tiến miền Nam Việt Nam, Đảng Dân chủ Việt Nam), Hòa thượng Thích Thiện Hào, Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi… do Bác sĩ Phùng văn Cung làm Chủ tịch.
Hội nghị đã thông qua và công bố chương trình 10 điểm hiệu triệu nhân dân miền Nam đứng lên chống Mỹ -  Diệm, đấu tranh cho một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc (Những chặng đường lịch sử Nam Bộ kháng chiến, NXB Lao Động quý III/2011, trang 264).
1- Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ.
2- Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ, ban bố quyền tự do ngôn luận, tư do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn, tự do đi lại và các quyền tự do dân chủ khác. Toàn xá chính trị phạm, giải tán các trại tập trung, các khu trù mật và dinh điền, bãi bỏ luật phát- xít 10/59 và các luật phản dân chủ.
3- Bãi bỏ độc quyền kinh tế của đế quốc Mỹ và của bọn tay sai, bảo vệ nội hóa, khuyến khích công thương nghiệp trong nước, mở mang nông nghiệp, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Giải quyết công ăn việc làm cho những người thất nghiệp, tăng lương cho công nhân, binh lính và viên chức. Bãi bỏ phạt vạ vô lý, thi hành chính sách thuế khóa công bình av2 hợp lý. Giúp đỡ cho đồng bào di cư muốn về xứ sở, giải quyết công việc làm cho những người muốn ở lại.
4- Thực hiện giảm tô, đảm bảo nguyên canh, chia lại công điền, tiến tới cải cách điền địa.
5- Bài trừ văn hóa nô dịch đồi bại kiểu Mỹ, xây dựng một nền văn hóa và giáo dục dân tộc và tiến bộ. Xóa bỏ nạn mù chữ, mở mang trường học, cải cách chế độ học tập và thi cử.
6- Bãi bỏ chế độ cố vấn quân sự Mỹ, xóa bỏ các căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam, xây dựng một quân đội dân tộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.
7- Thực hiện nam nữ bình quyền, bảo đảm nền bình đẳng giữa các dân tộc và thực hiện quyền tự trị của các dân tộc thiểu số.
8- Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình trung lập, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.
9- Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
10- Chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình thế giới.        
Thời gian sau, tại Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất tổ chức từ ngày 16/2/1961 đến ngày 03/03/1962 ở Lò Gò – Cà Tum thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và 5 Phó Chủ tịch là:Võ Chí Công, BS Phùng Văn Cung, KTS Huỳnh Tấn Phát, Đại đức Sơn Vọng (thay mặt đồng bào Khmer Nam Bộ), Ybih Alêo (thay mặt đồng bào Tây Nguyên) và GS Nguyễn Văn Hiếu được bầu làm Tổng Thư ký. Đại hội đã quyết định lấy lấy lá cờ nửa đỏ (trên), nửa xanh (dưới) với ngôi sao vàng năm cánh ở giữa làm cờ Mặt trận và bài ca Giải phóng miền Nam của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm bài ca chính thức của Mặt trận.
Sau khi Mặt trận ra đời, trong năm 1961, các tổ chức quân sự, tổ chức giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc và các giới đồng bào ở miền Nam lần lượt thành lập các hội đoàn và trở thành thành viên của Mặt trận gồm có ít nhất 17 tổ chức. Riêng Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam VN các khu lần lượt ra đời:Khu Sài Gòn -  Gia Định ngày 19/3/1961 (tổ chức ở Củ Chi), khu Tây Nam Bộ (5/1961), Trung Nam Bộ (5- 1961), khu Trung Nam Bộ (tháng 7/1961), khu Đông nam Bộ (8/962)…Sau đó, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng của các tỉnh, huyện, xã cũng được thành lập. đảm nhiệm chức năng của chính quyền cách mạng (thay cho các Ủy ban nhân dân tự quản trước đó), bước đầu tổ chức các hoạt động sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trả lại cho những người nghèo ruộng đất vừa giành lại.
Tiếp theo Mặt trận, Trung ương cục miền Nam được thành lập ngày 26/3/1961 tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III, là một bộ phận của Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm một số ủy viên Trung ương được Trung ương Đảng cử ra và ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam và thường xuyên do Bộ Chính trị chỉ đạo. Cuối cùng Ban quân sự miền cũng được thành lập năm 1961 để chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân. Đến tháng 10/1963, Ban quân sự miền được thay thế bằng Bộ Chỉ huy miền và Quân ủy miền Nam do Bí thư Trung ương cục miền Nam Nguyễn Văn Linh làm Bí thư.
Cũng từ năm 1961, chiến trường miền Nam có tên quy ước là B1 (các tỉnh miền Trung và Tây nguyên) và B2 (các tỉnh Nam Bộ).
Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ngày 10/9/1960 chỉ rõ: ”Cách mạng Việt Nam trong giai đạon này có hai nhiệm vụ chiến lược:”Tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc” và “Giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của Mỹ ngụy”. Và dưới sự lãnh đạo Đảng, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình là trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 đã chiến thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng toàn miền Nam tiến tới thống nhất Tổ quốc.
Vương Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét