Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Đánh giá lại các nhân vật lịch sử nửa sau thế kỷ XIX ở Việt Nam và Trung Quốc - Trường hợp Phan Thanh Giản (Việt Nam) và Tăng Quốc Phiên (Trung Quốc)


Đánh giá lại các nhân vật lịch sử nửa sau thế kỷ XIX ở Việt Nam và Trung Quốc - Trường hợp Phan Thanh Giản (Việt Nam) và Tăng Quốc Phiên (Trung Quốc)

 Nguyễn Tiến Lực
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM
Mở đầu
Cùng với công cuộc cải cách, khai phóng ở Trung Quốc và Đổi mới ở Việt Nam, ở hai nước đều có quá trình đánh giá lại các nhân vật lịch sử. Những nhân vật lịch sử này thường  “có vấn đề ”  theo cách nhìn nghiêm ngặt của thời kỳ trước cải cách nhưng họ vẫn tồn tại trong lòng người dân mỗi nước về sự nghiệp kinh bang tế thế, về nhân cách, về tâm cao kiến văn và về cả “cách yêu nước” của họ.
Trong bài viết này, tôi nghiên cứu so sánh việc đánh giá hai nhân vật lịch sử của hai nước, có tầm vóc lớn, có ảnh hưởng tầm tầm quốc gia của hai nước vào nửa sau thế kỷ XIX nhưng đã từng bị đánh giá là rất “có vấn đề ”: Phan Thanh Giản của Nam Bộ Việt Nam và Tăng Quốc Phiên của Hồ Nam Trung Quốc. Trước hết, tôi lược qua cuộc đời và sự nghiệp của hai ông, quá trình đánh giá và đánh giá lại hai nhân vật lịch sử này này và nêu lên những điểm giống và khác nhau cũng như những vấn đề  trong cách đánh giá nhân vật lịch sử ở hai nước. 
 1. Đánh giá nhân vật Phan Thanh Giản ở Việt Nam
1.1.Về cuộc đời và sự nghiệp của Phan Thanh Giản
Phan Thanh Giản (1796-1867)
Phan Thanh Giản sinh ngày 12 tháng 10 năm 1796 (Bính Thìn) trong một gia đình quan chức địa phương nghèo.Cha của ông làm Thủ hạp, một viên chức nhỏ địa phương, từng bị tội oan 3 năm ở Vĩnh Long. Mẹ ông mất lúc ông mới 7 tuổi. Thuở nhỏ, Phan Thanh Giản rất chăm học và thông minh. Năm 1825, ông thi Hương trường Gia Định, đỗ Cử nhân và năm sau, 1826, ông thi hội, đỗ Tiến sĩ (Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ xuất thân), lúc ông 31 tuổi. Ông trở thành vị Tiến sĩ đầu tiên, vị Tiến sĩ khai khoa của Nam Kỳ lục tỉnh. Sử sách nhà Nguyễn đương thời đánh giá cao tài học của ông. Quốc triều hương khoa lục chép: “Ông là người đỗ đại khoa đầu tiên của Nam Kỳ. ông là người có học vấn và đức hạnh đứng đầu đất Nam Trung”(1). Quốc triều đăng khoa lục cũng ghi chép việc đăng khoa của ông với lời bình: “Ông là người đỗ đại khoa trước nhất của Nam Kỳ. Lực học tinh thuần, tính hạnh chính trực ”(2). Những phẩm giá con người và vị trí thành đạt đó đã làm cho nhân dân Nam Kỳ quý mến và ngưỡng mộ, tự hào về người con của quê hương- Phan Thanh Giản.
Sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan, phục vụ cho 3 triều vua là  Minh MạngThiệu Trị và Tự Đức.
Dưới triều Minh Mạng, ông lần lượt giữ các chức vụ: Hàn lâm viện biên tu, Lang trung bộ Hình (1827), Tham hiệp Quảng Bình (1828), Hiệp trấn Quảng Nam (1828), Quyền nhiếp Tham hiệp Nghệ An (1829), Lễ bộ Tả thị lang (1830), Hàn lâm viện kiểm thảo sung Nội các hành tẩu và Hộ bộ Viên ngoại lang (1832), Đại lý tự khanh sung Cơ mật viện đại thần (1834), Kinh lược trấn Tây (1835), Tuần phủ Quảng Nam (1836), Thống chánh sứ và Phó sứ rồi Hộ bộ thị lang (1839). Dưới triều Thiệu Trị, ông làm Phó chủ khảo trường thi Thừa Thiên (1840), Phó đô ngự sử Đô sát viện (1847). Dưới triều Tự Đức, ông phụ trách giảng dạy và điều khiển trường Kinh Diên, rồi làm Tổng tài trông coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1848), Thượng thư bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần (1849). Năm 1850, ông được cử vào trấn nhậm miền Tây Nam Kỳ cùng với tướng Nguyễn Tri Phương. Sau đó, được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ.
Cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản có những bước thăng trầm, nhiều lần bị cách chức (3), nhưng trong bất cứ cương vị nào ông cũng luôn luôn trung thành, mẫn cán, lo làm tròn sứ mạng phò vua, giúp nước, an dân theo quan niệm của Nho giáo. Ngoài tài năng, phẩm giá đáng quý ở Phan Thanh Giản là tấm lòng yêu nước thương dân, tính ngay thẳng cương trực và cuộc sống cần kiệm thanh bạch. Làm quan có lúc đến Nhất phẩm triều đình, nhưng quyền lực và danh vọng không làm ông bị tha hoá, trước sau ông vẫn giữ nhân cách cao đẹp của mình. Ông được vua Tự Đức khen tặng “liêm, bình, cần, cán” (4).
Ngoài hoạt động chính trị, Phan Thanh Giản còn có những cống hiến về mặt văn hoá với tư cách là nhà sử học, nhà văn, nhà thơ lớn của Nam Bộ và Việt Nam đương thời. Ông được cử làm Tổng tài phụ trách công việc biên soạn bộKhâm định Việt sử thông giám cương mục (1856). Đây là bộ quốc sử đồ sộ, viết theo lối “cương mục” , chép lịch sử dân tộc từ đời Hùng Vương cho đến năm Chiêu Thống 3 (1789), gồm cả thảy 52 quyển. Bộ sử biên soạn trên quan điểm Nho giáo kết hợp với tinh thần dân tộc, với những chú giải tên đất, tên người và giám định một số sự kiện, niên đại trên cơ sở khảo chứng công phu, có “Lời phê” của vua Tự Đức. Khâm định Việt sử thông giám cương mục cùng với Đại Việt sử ký toàn thư  là hai bộ quốc sử lớn nhất được khắc in toàn bộ trong thời đại phong kiến Việt Nam. Chỉ riêng công trình đồ sộ này, ông xứng đáng là một nhà sử học lớn (5).
Phan Thanh Giản còn là nhà thơ, nhà văn với các tập thơ văn đồ sộ: Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn thảo, Sứ Thanh thi tập, Tây phù nhật kíƯớc Phu thi tậpTích Ung canh ca hội tậpSứ trình thi tập (6) . Các công trình của ông thể hiện một tài năng lớn, một tâm hồn sáng, biểu thị tình cảm thắm thiết của ông đối với quê hương Nam Bộ và đất nước.
Ngoài ra ông còn có công trong việc xây cất Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long, nơi quy tụ các sĩ phu Nam Kỳ sau khi miền Đông thất thủ.

1.2 Đánh giá và  đánh giá lại nhân vật Phan Thanh Giản
Sau khi không thành công trong sứ mệnh ngoại giao chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ và sau đó để cho toàn bộ Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, Phan Thanh Giản tự kết thúc cuộc đời bằng chén thuốc độc (1867). Vào thời điểm đó, ông bị triều đình Tự Đức quy tội một cách nặng nề: “xét phải tội chết, chưa đủ che được tội” và nghị án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trạm giam hậu” (7). Tuy nhiên, 20 năm sau, năm 1886, vua Đồng Khánh lại“khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên ông ở bia Tiến sĩ (8).
Ông cũng được nhà thơ, nhà trí thức lớn đương thời Nguyễn Đình Chiểu tỏ thái độ thương tiếc và trân trọng qua bài thơ điếu khi nghe tin ông mất:
Minh tinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ rày mặc gió thu.
Và trong bài “Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong” , nhà thơ lại đặt tên tuổi Phan Thanh Giản bên cạnh anh hùng dân tộc Trương Định:
Phải trời cho mượn cán quyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh
Ý người đặng xem tấm bản phong trần, Phan học sĩ hết lòng cứu nước.(9)
Tuy vậy, về sau có nguồn tin tương truyền rằng, Trương Định lên án Phan Thanh Giản bán nước khi đề cờ khởi nghĩa “Phan, Lâm mãi quốc; triều đình khí dân”. Tính xác thực của câu nói trên chưa được nghiên cứu rõ ràng, nhưng nó tồn tại và lưu truyền trong dân gian nên có ảnh hưởng đến cách đánh giá Phan Thanh Giản một thời gian dài (10).
Năm 1962-1963, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã diễn ra cuộc tranh luận về nhân vật Phan Thanh Giản. Tháng 10 năm1963, Tạp chí đã công bố bài kết luận của Trần Huy Liệu dưới tiêu đề “Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản”, trong đó cho rằng “Phan trước sau vẫn rơi vào thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân” , là phạm tội “dâng thành hiến đất cho giặc” và từ đó phủ nhận tất cả “tư đức” của ông vì “công đức đã bại hoại thì tư đức còn có gì đáng kể” (11). Nhận định đó được coi như nhận định chính thống của giới sử học miền Bắc, có  ảnh hưởng lớn đến cách đánh giá nhân vật Phan Thanh Giản một thời gian dài.
Sau khi đất nước thống nhất (1975), nhất là từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới (1986), nhiều nhà khoa học thấy cần phải đánh giá lại Phan Thanh Giản một cách khách quan và đầy đủ hơn. Nhân dân và cán bộ tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long quê hương của ông mong mỏi và đòi hỏi các nhà khoa học và công luận làm sáng tỏ hơn thân thế và sự nghiệp của ông với tất cả những gì ông đã để lại cho lịch sử và trong lòng dân, những thành công và thất bại, mặt tích cực và hạn chế, những trăn trở và uẩn khúc của đời ông. Nhiều cuộc hội thảo khoa học về Phan Thanh Giản được tổ chức ở Vĩnh Long, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Gần đây nhất là cuộc tọa đàm “Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” (2003) với nhận định: Phan Thanh Giản là một vị quan có trí thức, mẫn cán, thanh liêm, yêu nước và có nhân cách lớn. Ông còn là nhà sử học, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Nam Bộ và cả Việt Nam. Sự qui kết cho ông cái tội “bán nước” hay “phản bội Tổ quốc” như trước đây là nặng nề, không có căn cứ, vừa không đúng với hành động và động cơ của ông, vừa trái với tấm lòng ngưỡng mộ và kính mến mà xưa nay nhân dân quê hương vẫn dành cho ông. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhân cách đạo đức của Phan Thanh Giản rất đáng để chúng ta và nhiều thế hệ nối tiếp học tập”. Ông nói: “Tôi khẳng định Phan Thanh Giản là người yêu nước, thương dân, một phẩm cách đáng kính trọng” (12).
Từ đó, nhân vật lịch sử Phan Thanh đã được “nhìn” thiện cảm hơn và tất nhiên bớt phức tạp hơn. Danh dự ông được khôi phục, tượng đồng ông ở quê hương được phục dựng,  tên  ông được đặt cho trường phổ thông trung học.

2. Đánh giá về nhân vật Tăng Quốc Phiên ở Trung Quốc
2.1 Về cuộc đời và sự nghiệp của Tăng Quốc Phiên
Tăng Quốc Phiên (Tseng Kuo-fan, 1811-1872) tự Bá Hàm, hiệu Điều Sinh, người Tương Hương, tỉnh Hồ Nam, đỗ Tiến sĩ triều Đạo Quang, giữ chức vụ Thị lang các bộ Binh, Lễ, Lại, Hình, đồng thời là một nhà nho lỗi lạc, một quan lại người Hán tiêu biểu, nhận đến chức Nội các Học sĩ trong Triều đình Mãn Thanh (13).
Sau cuộc chiến tranh Thuốc phiện lần thứ 1 (1840-1842), đất nước Trung Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn. Cuộc chiến tranh nông dân của Thái Bình Thiên Quốc bùng nổ, thiết lập chính quyền ở  một vùng rộng lớn gồm mười mấy tỉnh, gây tiếng vang lớn trên toàn quốc. Vào thời kỳ này, Tăng Quốc Phiên thành lập và chỉ huy Tương quân (đoàn quân khởi phát ở Tương Hương-quê hương ông), một đội quân chủ lực của Triều đình đối đầu với quân Thái Bình Thiên Quốc. Tháng 5 năm 1864, Tương quân tấn công chiếm được Thiên Kinh (Nam Kinh), giành thắng lợi trước quân Thái Bình Thiên quốc. Sau khi bình định Thiên Kinh, Tăng Quốc Phiên được Thanh triều bổ nhậm Tổng đốc Lưỡng Giang (Giang Tô, Giang Tây, An Huy) hàm Thái tử Thái bảo, được phong Nhất đẳng Dũng Nghị Hầu, trở thành văn nhân người Hán có tước vị cao nhất trong lịch sử triều Thanh[1].  “Nghiệp tích” bình định quân Thái Bình Thiên quốc này đã đưa ông lên vị trí cao trong triều đình nhà Thanh nhưng cũng làm cho ông trở thành nhân vật “có vấn đề” trong lịch sử cận đại Trung Quốc.
Tăng Quốc Phiên (1811-1872)

Với vị trí và năng lực của mình, Tăng Quốc Phiên đã nỗ lực hết sức mình nhằm cải cách bộ máy quan lại và  luật lệ đã cũ, vận động đổi mới chính trị, giảm thuế. Ông cũng là người chủ trương chính sách nhượng bộ thỏa hiệp với các nước đế quốc phương Tây, dựa vào đó chủ trương cuộc vận động "Đồng Trị trung hưng", phê phán hệ thống giáo điều cũ của nhà Thanh.
Nhờ tiếp xúc với những người đã ra nước ngoài du học như Dung Hoằng, tiếp thu tư tưởng canh tân ông trở thành một trong những người đầu tiên xúc tiến cuộc vận động Dương vụ thời kỳ đầu (1865 - 1872) với mong muốn gửi sinh viên sang Mỹ du học, nhằm tìm hiểu và học tập kỹ thuật quân sự cũng như nhập vũ khí từ các nước phương Tây, tăng cường sức mạnh quân sự trong nước, thành lập công xưởng sản xuất vũ khí với kỹ thuật phương Tây đầu tiên ở An Huy, đặt nền móng cho việc xây dựng Giang Nam công xưởng.
Trong suốt thời kì làm quan, ông còn góp phần bồi dưỡng, đào tạo nhiều vị quan lại cho triều đình, trong thời gian lãnh đạo Tương quân đã từng tiến cử Tả Tông Đường giữ chức Tuần phủ Triết Giang, Thẩm Bảo Trinh giữ chức Tuần phủ Giang Tây, sau đó làm Thuyền chính đại thần; Lý Hồng Chương, tướng lĩnh chỉ huy Hoài quân (trong cuộc chiến Thái Bình Thiên Quốc), Tổng đốc Lưỡng Quảng (Giang Tô, Giang Tây, An Huy), Bắc Dương đại thần; Tăng Quốc Thuyên, em trai của ông, làm Tổng đốc Lưỡng Giang kiêm Nam Dương đại thần; Tăng Kỷ Trạch, con trai cả của ông, làm Công sứ Trung Hoa tại Anh, Pháp (1878-1880), Tổng lý quốc sự vụ đại thần (1880-1885).
Ông cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Trung Quốc thời cận đại. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị lớn về nhiều mặt như: Tăng Văn Chính Công toàn tập (174 cuốn), Tăng Văn Chính Công thủ thư nhật kí (40 cuốn). Để nghiên cứu sâu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của ông, ở Trung Quốc đã thành lập Hội nghiên cứu Tăng Quốc Phiên và xuất bản tạp chí “Nghiên cứu Tăng Quốc Phiên”. Tên tuổi của Tăng Quốc Phiên cũng được đề cập ở nhiều góc độ khác nhau trong các bộ sách sử Trung Quốc cận đại do các học giả Việt Nam biên soạn. Gần đây ở Việt Nam đã dịch và xuất bản cuốn sách bàn về nhân cách của ông như Đạo làm người của Tăng Quốc Phiên của Đông Dã Quân.

2.2. Đánh giá và đánh giá lại về nhân vật Tăng Quốc Phiên
Sau khi nhà Thanh sụp đổ, Tăng Quốc Phiên cũng chưa được chú ý nghiên cứu với tư cách là một nhân vật lịch sử “có vấn đề”. Trong thời kỳ Quốc-Cộng đối lập, trong khi phía  Quốc dân đảng của Tưởng  Giới Thạch có những bài viết ca ngợi công tích Tăng Quốc Phiên thì phía Đảng Cộng sản có đánh giá mang tính phủ định, rất nghiêm khắc. Tiêu biểu nhất là Phạm Văn Lan, trong bài “Tay đao phủ Hán gian Tăng Quốc Phiên” trong đó lên án ông là Hán gian bán nước và nhận định đó được coi là quan điểm chính thống của giới sử học Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo đó, Tăng Quốc Phiên thường được miêu tả là nhân vật phản cách mạng, kẻ trấn áp phong trào nông dân Thái Bình Thiên quốc, là một tên Hán gian bán nước (14). Nói chung việc đánh giá Tăng Quốc Phiên cũng như các nhân vật lịch sử khác đều chịu ảnh hưởng tư tưởng chính trị, nhất là quan điểm cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thế nhưng, khi Trung Quốc tiến hành cải cách khai phóng (1978) trở đi, dựa trên quan điểm “ổn định và phát triển” (ổn định chính trị, phát triển kinh tế) của Đặng Tiểu Bình, đánh giá về Tăng Quốc Phiên đã có nhiều thay đổi. Tăng Quốc Phiên được coi là người khôi phục sự ổn định, có tư tưởng mới, người có nhiều chủ trương cận đại hóa xuất sắc.
Sự đánh giá lại Tăng Quốc Phiên có thể cũng chịu ảnh hưởng tới tính địa phương. Tăng Quốc Phong là người Hồ Nam, cùng quê với Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trong các tác phẩm của Mao Trạch Đông có nhiều chỗ đánh giá cao sự nghiệp và nhân cách Tăng Quốc Phiên. Gần đây, trong khi nghiên cứu về Tăng Quốc Phong, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thường trích dẫn những nhận định của Mao Trạch Đông để đánh giá lại Tăng Quốc Phiên. Đông Giả Quân viết: “Mao Trạch Đông không chỉ đọc rất nhiều tác phẩm của Tăng Quốc Phiên mà tiến hành nghiên cứu rất tỉ mỹ về cuộc đời và tác phẩm của Tăng Quốc Phiên. Cũng chính vì thế mà ông có niềm hứng thú và kiến giải rất sâu sắc về Tăng Quốc Phiên”(15).
Trong tác phẩm Giảng đường lục, Mao Trạch Đông còn đưa ra bình phẩm về Tăng Quốc Phiên như sau: Có người chuyên về việc chính trị như Gia Cát Vũ Hầu, Phạm Hi Văn[2], có người chuyên tâm về giáo dục như Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Hi, Cửu Uyên, Vương Dương Minh. Đời Tống có Hàn[3], Phạm được xem là tham gia trong cả hai lĩnh vực, đời Thanh có Tăng, Tả[4] cũng được xem như vậy. Tuy nhiên Hàn, Tả vẫn chỉ là người chú trọng đến chính trị, chỉ có Phạm Tăng là chuyên tâm cả chính trị lẫn giáo dục vậy” (16).
Và một điểm nữa, khi đánh giá lại về nhân vật Tăng Quốc Phiên, các nhà nghiên cứu thường  tìm ra những điểm tương đồng giữa Tăng Quốc Phiên và Đặng Tiểu Bình. Giới nghiên cứu đánh giá cả hai đều hết sức coi trọng duy trì trật tự ổn định chính trị và phát triển kinh tế nên có thể coi Tăng Quốc Phiên và Đặng Tiểu Bình là “Trung Hưng tổ” (ông Tổ của sự nghiệp chấn hưng Trung Quốc) ở hai thời đại khác nhau.

3. So sánh việc đánh giá Phan Thanh Giản ở Việt Nam và Tăng Quốc Phiên ở Trung Quốc
3.1. Những điểm giống:
Cả Phan Thanh Giản và Tăng Quốc Phiên đều là sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử phức tạp, nhạy cảm của phương Đông nói chung và của Việt Nam, Trung Quốc nói riêng. Hai ông có nhiều điểm giống nhau: lớn lên khi chủ nghĩa tư bản phương Tây “Đông tiến”, xâu xé, thôn tính các nước phương Đông. Việt Nam từng bước bị thực dân Pháp xâm chiếm, còn Trung Quốc, sau chiến tranh Thuốc phiện bị các cường quốc phương Tây sâu xé. Đây là thời kỳ rất phức tạp và nhạy cảm ở hai nước mà những hành động của các nhà lãnh đạo đễ bị đánh giá thiếu tình toàn diện và tính đa dạng.
Cả hai ông đều theo Nho học, đỗ đạt cao: Phan Thanh Giản đỗ Tiến sĩ năm 31 tuổi còn Tăng Quốc Phiên đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi. Cả hai ông đều làm quan trong triều lên đến bậc cao nhất tức là Nhất phẩm. Cả hai ông đều là vị quan lại khá đặc biệt trong triều đình hai nước: Phan Thanh Giản là người Nam Bộ hiếm hoi giữ chức vụ cao trong triều đình nhà Nguyễn còn Tăng Quốc Phiên cũng là quan lại Hán hiếm hoi giữ chức vụ cao trong triều đình Mãn Thanh. Tuy cả hai ông đều tận tụy phục vụ cho triều đình phong kiến của mình nhưng các ông không phải là nhân vật bảo thủ, mà ngược lại là những người sớm có nhận thức mới về phương Tây, có sự hiểu biết nhất định về phương Tây.
Cả hai ông đều bị đánh giá có tính phủ định một thời gian dài, đều bị quy kết một tội danh rất nặng nề “bán nước”. Hai ông bị đánh gía nặng nề nhất trong thời kỳ hai nước tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ. Và cả hai ông đều được đánh giá lại, trả lại danh dự một cách công bằng hơn trong những năm gần đây, tức là thời kỳ khi Việt Nam tiến hành chính sách Đổi mới, còn Trung Quốc tiến hành chính sách cải cách, khai phóng.
Góp phần không nhỏviệc xúc tiến vào việc đánh giá lại nhân vật Phan Thanh Giản ở Việt Nam và Tăng Quốc phiên ở Trung Quốc là ở nhân cách của hai ông. Cuộc đời làm quan của Phan Thanh Giản có những bước thăng trầm, có lúc bị cách chức, nhưng trong bất cứ cương vị nào ông cũng luôn luôn trung thành, mẫn cán, lo làm tròn sứ mạng phò vua, giúp nước, an dân theo quan niệm của Nho giáo. Ngoài tài năng, phẩm giá đáng quý ở Phan Thanh Giản là tấm lòng yêu nước thương dân, tính ngay thẳng cương trực và cuộc sống cần kiệm thanh bạch. Làm quan có lúc đến Nhất phẩm triều đình, nhưng quyền lực và danh vọng không làm ông bị tha hoá, trước sau ông vẫn giữ nhân cách cao đẹp của mình. Ông được vua Tự Đức khen tặng “liêm, bình, cần, cán” . Còn Tăng Quốc Phiên là một nhân cách lớn. Tôi tiếp xúc với 2 trong rất nhiều công trình nghiên cứu về nhân cách của Tăng “Đạo lý làm người của Tăng Quốc Phiên” của Đông Giả Quân và “Bước đầu nghiên cứu nhân cách-Trường hợp Tăng Quốc Phiên” của Shimizu Minoru cũng hiểu rõ rằng Tăng Quốc Phiên có nhân cách lớn.
Tuy ở vào hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt, có khi cũng bị người đời hiểu nhầm nhưng với nhân cách lớn các ông vẫn sống mãi trong lòng người dân của mỗi nước. Và chính điều đó đã có tác động thúc đẩy việc đánh giá lại hai nhân vật lịch sử này.
Một điểm tương đồng nữa giữa hai ông là cả hai ông đều co sự nghiệp lớn về văn chương và học thuật. Phan Thanh Giản còn là một nhà văn lớn, có nhiều tác phẩm thơ, văn lịch sử giá trị: Lương Khê thi thảo, Lương Khê văn khảo, Tây phù nhật kí… Ông cũng chủ trì việc biên tập một số công trình lớn về quốc sử: “Việt sử thông giám cương mục”…. Tăng Quốc Phiên cũng là nhà văn lớn của Trung Quốc Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị lớn về nhiều mặt như: Tăng Văn Chính Công toàn tậpTăng Văn Chính Công thủ thư nhật kí…Cũng chính nhờ sự nghiệp văn học, văn hóa này mà khi đánh giá lại hai ông, các nhà nghiên cứu có cách nhìn toàn diện hơn.
Và điểm giống nhau trong việc đánh giá Phan Thanh Giản ở Việt Nam và Tăng Quốc Phiên ở Trung Quốc là tuy, về cơ bản, việc đánh gia hai ông chuyển từ phủ định sang khẳng định nhưng trách nhiệm của Phan Thanh Giản trong việc để mất Lục tỉnh Nam kỳ vào tay thực dân Pháp và “nghiệp tích” trấn áp cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc của Tăng Quốc Phiên vẫn tiếp tục là điểm nóng trong các cuộc tranh luận khi đánh giá các ông.
3.2. Những điểm khác:
 Tuy nhiên việc đánh giá và đánh giá lại về  Phan Thanh Giản và Tăng Quốc Phiên có nhiều điểm khác nhau. Để nhận thức lại kết luận Phan Thanh Giản bán nước, các nhà nghiên cứu lý giải vào hoàn cảnh lịch sử “không thể khác được” tức là không thể bảo vệ được Lục tỉnh Nam kỳ lúc bấy giờ và nếu có quy kết trách nhiệm để mất nước thì quy kết cả triều đình nhà Nguyễn mà người đứng đầu là vua Tự Đực chứ không chỉ cá nhân Phan Thanh Giản. Còn ở Trung Quốc việc không coi Tăng Quốc Phiên là Hán gian như đánh giá trước đây, xuất phát từ quan điểm coi trọng sự ổn định chính trị,ổn định chế độ, coi việc làm của Tăng là thực hiện nghĩa vụ của quan lại đối với triều đình, với đất nước.
Mặc dầu Phan Thanh Giản làm Chánh sứ đi Pháp, thương thuyết với Pháp về vấn đề Nam Kỳ và ông đã có dịp quan sát văn minh tiến bộ của Pháp và châu Âu, ông có những kiến thức nhất định về phương Tây nhưng chưa thể coi ông là người Tây học được. Còn Tăng Quốc Phiên, tuy chưa từng thị sát phương Tây nhưng qua những chủ trương và hành động của ông, nhất là trong thời kỳ làm Tổng đốc Lưỡng Giang và Tổng đốc Trực Lệ, có thể coi ông một trong những người xúc tiến Dương vụ phái trong thời kỳ đầu. Chính đây cũng là điểm sáng trong quá trình đánh giá lại công tích của ông như là mộtTrung Hưng tổ thời cận đại.
Một điểm khác nhau nữa thấy rõ:  việc nghiên cứu về Tăng Quốc Phiên được tiến hành một cách có quy củ và bài bản như việc có hẳn cả tạp chí chuyên nghiên cứu về Tăng Quốc Phiên thì ở Việt Nam, tuy nghiệp tích và sáng tác văn thơ của Phan Thanh Giản rất đồ sộ nhưng việc nghiên cứu về Phan Thanh Giản mới dừng lại ở một số tuyển tập, kỷ yêu hội thảo và bài viết. Phải chăng đã đến lúc cần tập hợp các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà nghiên cứu Nam Bộ, tiến hành sưu tập, chú giải, nghiên cứu nguồn thơ văn lớn của Phan Thanh Giản một cách cẩn thận và quy cũ.

Thay lời kết luận:
Đánh giá lại các nhân vật lịch sử, trả lại cho họ những giá trị đích thực mà họ cống hiến là điều rất cần thiết. Việc đánh giá lại các nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản ở Việt Nam và Tăng Quốc Phiên ở Trung Quốc gắn liền với sự nghiệp cải cách và đổi mới do hai nước tiến hành và nó cũng gắn liền với việc đánh giá lại hai triều đại phong kiến cuối cùng của hai nước: triều Nguyễn của Việt Nam và triều Thanh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ việc đánh giá lại hai nhân vật lịch sử mà tôi đề cập trong báo cáo lần này cũng như đánh giá lại các triều đại, các thời kỳ lịch sử từ xu hướng phủ định sang xu hướng khẳng định nó đặt ra nhiều vấn đề trong phương pháp đánh giá, văn hóa đánh giá mà giới phê bình, nghiên cứu cần suy nghĩ. Ở Việt Nam, việc khôi phục lại công tích, danh dự và nhân cách của Phan Thanh Giản thì phải luận giải lại vấn đề trách nhiệm mất Lục tỉnh Nam kỳ vào tay thực dân Pháp và đi xa hơn phải đánh giá lại toàn bộ phong trào kháng Pháp của nhân dân Nam Bộ vào những năm 1860 của thế kỷ XIX. Ở Trung Quốc, việc thay đổi cách đánh giá Tăng Quốc Phiên từ phủ định sang khẳng định thì nảy sinh ra vấn đề, xưa nay phong trào Thái Bình Thiên quốc luôn được đánh giá cao thì nay thế nào?
Chúng ta đều biết rằng, đánh giá một một nhân vật lịch sử phải đặt con người phải đặt trong hoàn cảnh của thời đại đó, dựa trên cơ sở sự thực lịch sử mới có cách nhìn khách quan được. Tuy nhiên trên thực tế việc đánh giá nhân vật lịch sử thường chịu ảnh hưởng của xu thế đương đại.  Vấn đề được đặt ra là việc đánh giá nhân vật lịch sử có cần thiết phải theo xu thế đương đại hay không? Tại sao gần đây chúng ta mới có cách nhìn nhận lại các nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản ở Việt Nam và Tăng Quốc Phiên ở Trung Quốc? Có nên xem thường, xem nhẹ các đánh giá không theo xu thế thời đại không? Thời đại thì luôn luôn biến đổi mà cách đánh giá cứ chạy theo sự biến đổi của thời đại như vậy liệu có cản trở việc đánh giá nhân vật lịch sử một cách khách quan và đa dạng hay không? Khi đánh giá nhân vật lịch sử liệu có thể có cách đánh giá  độc lập với xu thế đương thời hay không?. Tôi nghĩ rằng, đó là vấn đề lớn đặt ra cho giới nghiên cứu, không chỉ ở  Việt Nam và Trung Quốc mà trên toàn thế giới
   
CHÚ THÍCH:
(1)  Cao Xuân Dục, 1993: Quốc triều hương khoa lục,  NXB Thành ph H Chí Minh,  tr.150.
(2) Cao Xuân Dục,  Quốc triều khoa bảng lục,  Wikipedia, Tiến sĩ khóa thi 1826.
(3) Phan Thanh Giản từng nhiều lần bị cách chức, giáng chức trong các năm 1831; 1836; 1838; 1839; và năm 1862 ông bị cách lưu.  Đến năm 1867, sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, Phan Thanh Giản tuyệt thực và uống thuốc độc tự tử, ông bị vua Tự Đức “xét phải tội chết, chưa đủ che được tội” và nghị án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ”.
(4) Huỳnh Công Tín, 2008,  Phan Thanh Giản-Vị tiến sĩ đầu tiên đất Nam kỳ, www.vinanonline. Ngày 12/9/2008.
(5) Xem Phan Huy Lê, 2002, Phan Thanh Giản: Con người, sự nghiệp và bi kịch lịch sử, www.namkyluctinh.org.vn
 (6) Xem Phan Thị Minh Lễ, Chương Thâu, 2005, Thơ văn Phan Thanh Giản, NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội.
(7) Đại Nam thực lục Chính biên, T.32, Viện Sử học, Hà Nội,  1974, tr.269.
(8) Đại Nam thực lục Chính biên  T.37, Viện Sử học, Hà Nội, 1997, tr.223, 225.
(9) Theo Huỳnh Công Tín, 2008, Bđd.
(10) Theo Phan Huy Lê, 2002, Bđd.
(11) Trần Huy Liệu, 1963: Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử , Số 55,  tr.18-19.
(12) Tham khảo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2006, Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản, NXB. Đồng Nai.
(13) Xem mục: Tăng Quốc Phiên, Wikipedia (Tiếng Việt).
(14) Theo Shimizu Minoru, 2003, Pa-sonariti Kenkyu Josetu- So Koku-han no jirei wo toshite (Bước đầu nghiên cứu nhân cách-Trường hợp Tăng Quốc Phiên), Bungakubu Ronshu, Dai 87 go, Bukkyo Daigaku, Japan, tr.19.
(15) Đông Dã Quân, 2011: Đạo lý làm người của Tăng Quốc Phiên, Nguyễn Thị Mai Thanh dịch, NXB Thời Đại, tr.79.
(16) Theo Đông Dã Quân, Sđd, tr. 80.


[1] Sau ông còn có các quan chức  người Hán là Tả Tông Đường và Lý Hồng Chương cũng giữ chức vụ cao trong triều đình.
[2] Gia Cát Lượng, Phạm Trọng Yểm
[3] Hàn Kỳ
[4] Tả Tôn Đường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét