Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Bác Hồ với Chiến dịch Biên giới năm 1950


Bác Hồ với Chiến dịch Biên giới năm 1950

Nhìn lại lịch sử quân sự thế giới hiện đại, hiếm thấy vị nguyên thủ quốc gia nào trực tiếp đi chiến trường. Riêng Bác Hồ của chúng ta đã ra tận mặt trận, đi suốt Chiến dịch Biên Giới năm 1950, cùng quân và dân ta tiến hành một chiến dịch lớn, giành thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ kính yêu của Đảng, giai cấp và của cả dân tộc. Người luôn quan tâm săn sóc, dạy dỗ và theo sát từng bước trưởng thành, chiến thắng của quân đội ta. Chính vì vậy, hình ảnh Hồ Chí Minh ra trận trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã thấm sâu vào tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ người Việt Nam nói chung, của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Bài viết này đề cập đến vai trò lãnh tụ tối cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên Giới năm 1950.
Bác Hồ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên Giới. Đến giữa năm 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã có bước phát triển mạnh và giành được nhiều thắng lợi quan trọng; có điều kiện chuyển sang giai đoạn phản công, tiến công giành quyền chủ động trên chiến trường. Tuy nhiên, việc quân Pháp ra sức củng cố phòng tuyến biên giới; mở rộng chiếm đóng ở Trung Du và đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường đánh phá ta trên khắp các chiến trường đã ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến. Việt Bắc, hậu phương chính của kháng chiến lại nghèo và bị bao vây cô lập, nên không đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu ngày một tăng của cuộc kháng chiến. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá âm mưu địch phong tỏa biên giới phía Bắc, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Trong bối cảnh đó, tháng 6 năm 1950, Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới Đông Bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, nhằm mục đích: tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới, mở đường giao thông với các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đây là một quyết định đúng đắn, chính xác, thể hiện tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phân tích, nhận định tình hình, chọn hướng và vận dụng thời cơ chiến lược, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Xuất phát từ yêu cầu chiến lược và tầm quan trọng của Chiến dịch, ngày 27-7, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch để lãnh đạo, điều hành làm công tác chuẩn bị và chỉ huy Chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy Chiến dịch. Các cán bộ chủ chốt của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp được cử trực tiếp làm Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm chính trị và Chủ nhiệm cung cấp của Chiến dịch. Đây là lần đầu tiên, Bộ chỉ huy Chiến dịch được tổ chức do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp phụ trách và cũng là lần đầu tiên, hầu hết các đơn vị chủ lực của Bộ được huy động vào một chiến dịch (gồm: Đại đoàn 308, Trung đoàn 209 và Trung đoàn 174).
Do quy mô của Chiến dịch tương đối lớn, có nhiều lực lượng tham gia, trên địa bàn rộng, rừng núi hiểm trở, lại xa căn cứ hậu cần của ta, nên việc chuẩn bị, bảo đảm cho Chiến dịch rất khó khăn. Thấy trước được điều đó, trong Hội nghị Quốc phòng (ngày 2-9), Bác Hồ đã đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tế cho Chiến dịch Biên Giới và chỉ thị cho các lực lượng tham gia Chiến dịch: “Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này1. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, công tác chuẩn bị của các cơ quan, địa phương và các bộ phận được tiến hành chặt chẽ, bí mật, khẩn trương và toàn diện trên tất cả các mặt; trong đó, việc xác định phương án tác chiến là vấn đề quan trọng và khó khăn nhất. Ban đầu, ý định tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch là đánh Cao Bằng trước, sau đó chuyển xuống đánh Đông Khê, Thất Khê. Nhưng sau khi tổ chức trinh sát thực địa Cao Bằng cho thấy, tuy là thị xã biệt lập, nhưng đó là quần thể kiến trúc phức tạp, có hệ thống đồn trại, pháo đài kiên cố do hai tiểu đoàn địch đóng giữ, nếu đánh Cao Bằng “ta chưa có thể nói chắc chắn bảo đảm thắng lợi”. Vì thế, Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch cân nhắc, quyết nghị một phương án tác chiến mới và báo cáo Hồ Chủ tịch. Nghe xong, Bác phân tích ngắn, đại ý: Phương án này có nhiều cái hay. Ta đánh vào Đông Khê trước là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu. Nhưng đây lại là điểm xung yếu trong hệ thống phòng thủ biên giới của giặc. Cứ điểm Đông Khê bị diệt, địch khác nào con thú bị đánh què cẳng, nhất định phải lồng lộn lên phản ứng, tìm mọi cách chiếm lại để giữ Cao Bằng, hoặc để đón quân ở Cao Bằng rút về. Ta sẽ dàn quân ở những nơi do ta lựa chọn, bủa lưới thép săn thú vào tròng. Quân viện của địch ta đã diệt được, lúc ấy muốn chiếm Cao Bằng không khó lắm. Nếu chúng lại tự rút bỏ Cao Bằng, càng tốt cho ta đánh địch trong vận động2. Đây là bài học sâu sắc về lối tư duy sát thực tiễn; sự phân tích, đánh giá tình hình một cách khách quan, khoa học, thể hiện nhãn quan quân sự xuất sắc và sự chỉ đạo thiên tài của Bác đối với chiến dịch. Thực tiễn Chiến dịch sau đó đã diễn ra đúng như nhận định của Người.
Bác Hồ ra mặt trận chỉ đạo, theo dõi, động viên quân và dân ta giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên Giới. Mặc dù bận trăm công nghìn việc của một Chủ tịch nước, nhưng do tính chất tối quan trọng của Chiến dịch Biên Giới, đầu tháng 9, Bác Hồ đã lên đường ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia Chiến dịch. Việc Người ra mặt trận làm cho mọi người càng thấm sâu ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch sắp mở; là lời động viên mạnh mẽ nhất, xúc động nhất lan truyền trong sâu thẳm toàn thể đội ngũ dân công, bộ đội tham gia Chiến dịch. Từ Lam Sơn, Người làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng, sang Quảng Uyên làm việc với Bộ chỉ huy Chiến dịch.
Tại đây, ngày 10-9 Bác phê chuẩn quyết tâm tác chiến của Bộ chỉ huy Chiến dịch. Sau đó, Bác dự Hội nghị cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và đại đoàn do Bộ chỉ huy Chiến dịch triệu tập để nghe phổ biến kế hoạch tác chiến, Người nói: “Bộ chỉ huy chiến dịch nói là các chú họp lần cuối cùng để chuẩn bị trận đánh. Đây chưa phải là lần cuối cùng! Chưa đánh thắng thì chưa được coi là đã chuẩn bị xong... 3. Đồng thời, Bác mong và yêu cầu cán bộ các cấp tuyệt đối không được chủ quan, khinh địch mà phải quán triệt và làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, nhất là liên tục củng cố quyết tâm chiến đấu cho bộ đội trong suốt quá trình Chiến dịch. Với tác phong theo sát bước chân chiến sĩ, ngày 13-9, Bác rời Sở chỉ huy Chiến dịch đến mặt trận Đông Khê, trực tiếp theo dõi diễn biến và chỉ đạo trận mở màn Chiến dịch tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê tại đài quan sát Chiến dịch (ở đỉnh Ngườm Cuông, núi Báo Đông). Khi trận đánh gặp khó khăn, Người đã đồng ý với đề nghị của Bộ chỉ huy Chiến dịch cho các đơn vị tạm lui ra ngoài rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại đội hình, củng cố thêm quyết tâm và chỉ thị: dù khó khăn đến đâu cũng kiên quyết khắc phục đánh cho kỳ thắng trận đầu.
Ngay sau chiến thắng Đông Khê, Bác Hồ và Bộ chỉ huy Chiến dịch nhận định: có thể địch sẽ chiếm lại Đông Khê để đón quân ở Cao Bằng rút lui. Do vậy, ý đồ tác chiến của ta là “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng. Đúng như dự kiến của ta, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương quyết định rút lực lượng đồn trú ở thị xã Cao Bằng do Sác-tông chỉ huy về Đông Khê theo Đường số 4; đồng thời, sử dụng binh đoàn cơ động do Lơ Pa-giơ chỉ huy từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê làm bàn đạp đón cánh quân từ Cao Bằng về. Cuộc chiến đấu vây đánh binh đoàn Lơ Pa-giơ diễn ra quyết liệt từ ngày 2-10 ở các khu vực Khâu Áng, Khâu Luông, Nà Mục, Xuân Hoà..., phía Tây Nam Đông Khê. Trong thư gửi các chiến sĩ ngày 6-10, Bác Hồ nhấn mạnh: “Hiện nay tình hình rất có lợi cho ta. Vậy các chiến sĩ phải quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng. Bác theo dõi cuộc chiến đấu anh dũng của các chú từng giờ4. Như được tiếp thêm sức mạnh, bộ đội ta nhất tề xông lên tiêu diệt địch. Đến chiều ngày 8-10, Lơ Pa-giơ cùng Ban tham mưu và tàn quân địch bị bắt gọn. Khi binh đoàn Lơ Pa-giơ bị tiêu diệt về căn bản, có cán bộ thương bộ đội quá mệt, đề nghị xin nghỉ một ngày để lấy lại sức rồi sẽ đánh tiếp binh đoàn Sác-tông. Để không lỡ thời cơ diệt địch, Bác Hồ liền viết thư cho cán bộ, chiến sĩ trong chiến dịch: “Từ ngày kháng chiến đến nay, trận này là trận đầu tiên bộ đội ta đánh vận động liên tiếp luôn mấy ngày. Đó là một cuộc thử thách lớn. Các chú không quản mệt nhọc, đói rét, chỉ ra sức thi đua giết địch... Các chú đã hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách một cách dũng cảm. Các chú cố gắng mà tiêu diệt nốt binh đoàn Sác-tông nhé. Bác và Tổng Tư lệnh đã ra lệnh khao các chú một bữa thịt5. Nhận được thư Bác, quân ta vô cùng phấn khởi, quên hết mệt nhọc, nô nức tiến công địch ở các khu vực Bản Bẹ, Bản Ca, điểm cao 477... Đến 17 giờ ngày 7-10, phần lớn binh đoàn Sác-tông bị tiêu diệt và bắt làm tù binh, trong đó có Sác-tông cùng Ban tham mưu và tên Tỉnh trưởng Cao Bằng. Tác động dây chuyền sau khi hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông bị tiêu diệt đã lan nhanh, sâu rộng hơn dự kiến. Địch ở Thất Khê hoang mang, dao động tột độ và tháo chạy; chớp thời cơ, bộ đội ta truy kích và giải phóng Na Sầm. Hoảng sợ trước thất bại nặng nề, mấy ngày sau địch tự động rút bỏ Đồng Đăng, Lạng Sơn, Lộc Bình, An Châu và Đình Lập (Lạng Sơn).
Như vậy, sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 16-9 đến ngày 14-10), chiến dịch Biên Giới kết thúc thắng lợi. Ta đã đánh và tiêu diệt gần 10 tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu 8.296 tên, bắt được toàn bộ ban chỉ huy hai binh đoàn Lơ Pa-giơ, Sác-tông và đồn Đông Khê; thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập.
Nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Biên Giới, nhớ lại hình ảnh Bác Hồ ra trận, chúng ta càng thấy, Người là nhà tư tưởng quân sự vĩ đại, lãnh tụ tối cao, nhưng tác phong rất sâu sát, tỉ mỷ, gần gũi với bộ đội, với nhân dân. Phẩm chất cao quý đó là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, nhân dân và quân đội ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Để tôn vinh chiến thắng của Chiến dịch Biên Giới, lưu lại trong lịch sử của dân tộc một sự kiện, một hình ảnh đặc biệt là Bác Hồ ra trận, Quân khu 2 và Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã khảo sát thiết kế, tôn tạo di tích Đài quan sát của Bộ chỉ huy Chiến dịch trên đỉnh Ngườm Cuông và xây dựng khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Biên Giới tại bản Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng). Công trình đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Hiện nay, di tích này đã đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân địa phương và du khách trong và ngoài nước. Để di tích lịch sử này phát huy hiệu quả cao hơn trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ sau, rất mong Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức, kinh phí để tu bổ, hoàn thiện hệ thống công trình, nhất là nâng cấp đường giao thông vào khu di tích, bổ sung hiện vật cho nhà tưởng niệm..., tương xứng với tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới và của một biểu tượng cao quý - Bác Hồ ra trận.
Trung tướng MA THANH TOÀN
___________
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, Tập 6, tr. 86.
2- Theo Trận đánh ba mươi năm, Nxb QĐND,  H. 1995, Tập 1, tr. 390 
3- Chủ tịch Hồ Chí Minh – Hành trình kháng chiến, Nxb CAND, H. 2007, tr. 122.
4- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, Tập 6, tr. 102.
5- Sđd, tr. 103.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét