Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Tác động của chiến thắng Biên giới Thu đông ( 1950 ) đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta


Tác động của chiến thắng Biên giới Thu đông ( 1950 ) đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta


Chiến dịch tiến công quy mô lớn của quân và dân ta tại địa bàn hai tỉnh biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn cách đây 60 năm đã xoá đi ranh giới bị bao vây từ bên trong đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hình thái “chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc” được phá bỏ. Trong bối cảnh chung của cuộc chiến tranh, cùng nhiều yếu tố khác, thắng lợi của chiến dịch Biên giới đã góp phần quyết định làm thay đổi một cách cơ bản nhiều vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong chính sách xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng.
Bối cảnh chung
Với cuộc chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến (12-1946) và Chiến dịch phản công Việt Bắc (cuối năm 1947) thắng lợi, quân và dân ta đã đánh bại mưu đồ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải chuyển sang đánh kéo dài. Cho đến cuối năm 1950, sau hơn 5 năm kháng chiến, quân và dân ta đã xây dựng được một thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, với nhiều căn cứ rộng lớn, vững chắc, có chiều sâu. Cùng với thành quả đó, ta cũng xây dựng hoàn chỉnh mô hình lực lượng vũ trang ba thứ quân mà địch vừa e sợ vừa khâm phục. Đại tướng Na-va, Tổng chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương, viết: “Quân đội Việt Minh là một “hình chóp nón sống” bám rễ sâu trong nhân dân. Tầng tháp bên dưới là du kích, những chiến đấu viên không quân phục mà làng nào cũng có một đội, nhiều ít tuỳ theo. Tầng trên họ là bộ đội địa phương… Đỉnh tháp là bộ đội chính quy, tổ chức thành khối chủ lực cơ động tác chiến… có khả năng mở những chiến dịch tiến công lớn trên toàn chiến trường Đông Dương”.(1)
Tuy nhiên, những cố gắng của thực dân Pháp, lại được đế quốc Mỹ giúp sức, khiến cuộc kháng chiến của quân và dân ta gặp những khó khăn mới. Trên chiến trường chính, ta vẫn chưa nắm được quyền chủ động chiến lược, chưa giành được ưu thế quân sự. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải chiến đấu khai thông biên giới, phá thế bao vây từ bên trong, mở thông cửa ngõ quốc tế để có thể tiếp nhận sự giúp đỡ của nhân loại tiến bộ, phát triển tiềm lực kháng chiến, tiến lên giành quyền chủ động chiến trường.
Trong khi đó, từ những ngày đầu tái xâm lược Việt Nam với sự kiện gây hấn ở Sài Gòn - Chợ Lớn 23-9-1945, dù còn ngổn ngang khó khăn, lực lượng còn rất mỏng, thực dân Pháp vẫn cho rằng “chỉ trong vài tuần” sẽ “quét sạch bong… mọi ý định kháng chiến”(2) của nhân dân Việt Nam. Cũng theo kiểu tư duy trên, một năm sau, vào cuối tháng 11 năm 1946, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương Đác-giăng-li-ơ chỉ thị cho cấp dưới: “Chuẩn bị sẵn sàng để… kể từ tháng giêng 1947… bằng một hành động vũ lực nhằm vô hiệu hoá Chính phủ Hà Nội”(3). Và, trước khi đánh vào Việt Bắc (Thu Đông 1947), Xa-lăng khẳng định: “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”(4) .
Chủ trương kể trên của thực dân Pháp thể hiện trong những năm đầu xâm lược Việt Nam, trước khi họ thất bại trên chiến trường Việt Bắc (Thu Đông 1947). Đây thật sự là chủ trương chiến lược, được hiểu là chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” đầy tính chủ quan và hiếu chiến. Quân Pháp buộc phải chuyển sang đánh kéo dài, ngoài ý muốn và trái với quy luật của chiến tranh xâm lược. Cùng với đó, thời gian lại làm xuất hiện nhiều yếu tố mới, ở Đông Dương và trên trường quốc tế, chi phối chiến tranh xâm lược, khiến quân Pháp càng lún sâu vào thế khó khăn, lúng túng.
Chiến đấu khai thông biên giới
Trên chiến trường, từ năm 1947 đến năm 1949, quân Pháp đã cố gắng bằng mọi cách giành lại đất đai và mở rộng vùng đã chiếm, nhưng “không thành công”(5). Pháp chỉ kiểm soát được một số thành phố, thị xã và trục đường giao thông chính(6). Hậu phương của Pháp không lúc nào yên ổn vì “không sao diệt trừ được chiến tranh du kích của đối phương”(7).
Trong khi đó, ở chiến trường nước bạn bên kia biên giới, giải phóng quân Trung Quốc đang ồ ạt “Nam hạ”, tạo khả năng tăng cường sức mạnh cho lực lượng kháng chiến và đe doạ thế đứng chân của quân xâm lược trên miền biên giới. Lo sợ trước tình hình đó, trong giới cầm quyền Pháp, cả ở “chính quốc” và Đông Dương, cả giới chính trị và quân sự đã nảy sinh mâu thuẫn về đối sách. Tháng 7-1949, Chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch do Tham mưu trưởng lục quân Pháp, Rơ-ve vạch ra. Đó là vẫn tăng cường phòng thủ biên giới nhưng có sự điều chỉnh, chỉ tập trung vào trọng điểm, cố giữ đoạn Lạng Sơn - Móng Cái, còn từ Na Sầm trở lên, có thể rút bỏ; phải làm chủ khu chữ nhật lệch Thái Nguyên - Lạng Sơn - Hải Phòng - Hoà Bình. Kế theo đó, sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát nam đồng bằng sông Hồng.
Chủ trương rút gọn phòng thủ biên giới bị nhiều nhà cầm quyền chủ chốt như Cao uỷ Pi-nhông, Tổng chỉ huy Đông Dương Các-păng-chi-ê và chỉ huy Bắc Bộ A-lếch-xăng-đri phản đối. Họ thi hành kế hoạch trên một cách chậm chạp và cắt xén. Cũng trong bản kế hoạch trên (được trình Chính phủ Pháp 15-6-1949), Tướng Rơ-ve đã nêu kiến nghị nên đặt chiến lược của Pháp ở Đông Dương trong chiến lược chung của Mỹ ở Đông Nam Á. Đây là “cái lý” Mỹ đang rất cần để có cớ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, vừa giúp Pháp cứu vãn tình thế, vừa dần dần thay chân Pháp, ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan ra toàn bộ Đông Nam Á. Tinh thần này được chính thức hoá bằng văn bản của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ trong phiên họp ngày 30-12-1949, mốc mở đầu của một thời kỳ dính líu lâu dài và ngày càng sâu của Mỹ vào bán đảo Đông Dương.
Giữa lúc giới chính trị và quân sự Pháp đang rối bời trong đối sách ở Đông Dương: kháng chiến thì lớn mạnh, nước Trung Hoa mới vừa ra đời, Mỹ càng giúp càng lấn tới, việc rút quân khỏi Cao Bằng được xác định sẽ vào đầu tháng 10, thì, đúng ngày 16-9-1950, những loạt pháo đầu tiên của quân ta nã xuống Đông Khê, mở đầu Chiến dịch Biên giới. Lịch sử thật trớ trêu, cũng đúng vào ngày hôm đó, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương ra bản Mệnh lệnh số 46 gửi Bộ chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ, ra lệnh thực hiện một chủ trương đã xác định từ trước là rút bỏ Cao Bằng và Đông Khê. Với quân Pháp, chiến dịch diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, bị động càng thêm bị động, khó khăn chồng lên khó khăn.
Trải qua 29 ngày chiến đấu mưu trí, dũng cảm với bao gian khổ, hy sinh, quân và dân ta tại vùng biên giới Lạng Sơn - Cao Bằng đã giành được thắng lợi hết sức to lớn, hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến dịch và nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho về tiêu diệt địch, giải phóng quê hương và khai thông biên giới.
Tác động của chiến dịch Biên giới tới chỉ đạo chiến tranh, chiến lược quân sự của Pháp
Thắng lợi của Chiến dịch làm chấn động giới cầm quyền Pháp, tác động mạnh mẽ tới việc chỉ đạo chiến tranh, chiến lược quân sự và quan hệ quốc tế của thực dân Pháp. Có thể nêu mấy điểm chính sau đây:
Một là, chiến thắng Biên giới làm đảo lộn thế bố trí chiến lược và chiến lược quân sự của thực dân Pháp.
Ngay trong thời gian chiến dịch (16-9 đến 14-10), Cao Bằng rồi Đông Khê thất thủ, kéo theo cuộc rút chạy dây chuyền, liên tục của quân Pháp từ Thất Khê đến Lạng Sơn. Kế đó, quân Pháp tại hàng loạt vị trí trọng yếu khác như Lào Cai, Hoà Bình, Đình Lập, Bình Liêu cũng hốt hoảng tháo chạy. Tuy được cấp thêm quân và có sự trấn an của phái đoàn Chính phủ Pháp vừa sang nhưng Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương vẫn rất hoang mang, lo sợ. Trong phiên họp Hội đồng phòng thủ Đông Dương ngày 30-10, Tướng A-lếch-xăng-đri, có sự nhất trí của Cac-păng-chi-ê và Va-luy cho rằng, Pháp không có khả năng giữ cùng một lúc vùng đồng bằng và vùng duyên hải nên đề nghị rút bỏ các phân khu Móng Cái, Tiên Yên và Hòn Gai.
Vậy là, vòng vây biên giới bị đập tan, “hành lang Đông Tây” bị vỡ mảng lớn, khu vực phòng thủ “chữ nhật lệch” bị bẻ gãy. Biên giới mà quân Pháp chủ trương “bịt kín”, “khoá chặt” trước đây, nay chính là cửa ngõ để kháng chiến tiếp xúc với cách mạng Trung Quốc và nhân loại tiến bộ. Na-va cho rằng “việc bỏ các cửa quan sang Trung Quốc… đã mang mầm mống của thất bại”(8) của Quân Pháp. Quân Pháp tập trung về giữ đồng bằng, khiến nơi đây “giữ chân thêm nhiều đơn vị” làm “giảm bớt lực lượng cơ động”(9). Hình thái bố trí như vậy làm cho mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán (lực lượng), tử huyệt của quân xâm lược, càng thêm sâu sắc, thế trận trở nên chông chênh, không vững chắc. Quân Pháp lâm vào thế bị động phòng ngự về chiến lược.
Hai là, chiến thắng Biên giới làm lung lay ý chí xâm lược và làm sa sút mạnh mẽ tinh thần quân Pháp.
Như đã nói ở trên, ngày mà quân Pháp ở Biên giới bị tiến công, cũng chính là ngày mà cấp chỉ huy cao nhất của họ ở Đông Dương ra lệnh rút khỏi Cao Bằng và Đông Khê. Cho quân rút khỏi dải dài biên giới, Các-phăng-chi-ê còn dự kiến có khả năng phải bỏ cả Hà Nội rút về Hải Phòng, nếu bị sức ép quá mạnh của đối phương. Có nhân vật còn lo xa, tính đến cả việc phải rút khỏi Bắc Bộ, lui vào miền Trung thành lập một tuyến phòng thủ ở gần vĩ tuyến 18. Trong khi đó tại Hà Nội, quân Pháp vừa tăng cường bố phòng bảo vệ thành phố, vừa cho xe chở hồ sơ và tài sản quý ra khỏi thành phố; nhiều gia đình Pháp kiều phải di tản xuống Hải Phòng.
Tin tức về thực trạng trên chiến trường Biên giới và Bắc Bộ tới tấp được chuyển về Pa-ri. Một không khí nặng nề bao trùm lên chính giới và Quốc hội Pháp. Mục tiêu chiến tranh Đông Dương là gì lại được đặt ra trước Quốc hội Pháp. Các chính khách với những quan điểm khác nhau, thậm trí từng mâu thuẫn nhau, lại có dịp để công kích, bôi nhọ nhau, công kích đường lối chiến tranh xâm lược Đông Dương. Tình hình rối ren và bi đát đến mức Măng-đét Phrăng đã đưa ra chủ trương rút quân đội Pháp về nước. Sau này H.Na-va viết: Nước Pháp phải chọn giữa “giành chiến thắng bằng cách cung cấp những phương tiện cần thiết, trước khi viện trợ Trung Quốc trở nên có ý nghĩa quan trọng, hoặc là kết thúc chiến tranh bằng giải pháp thương lượng”(10).
Việc quân Pháp rút khỏi Lạng Sơn và có cả ý kiến rút khỏi Hà Nội, tổ chức cố thủ ở nam Vĩ tuyến 18 tỏ rõ sự hoang mang cực độ của thực dân Pháp ở Đông Dương. P.Đác-cua trong cuốn “Đơ-lát ở Việt Nam” viết, với việc vội vã chạy khỏi Lạng Sơn, “Quân đội Pháp đã sa xuống vực thẳm”(11). Nhiều ký giả có mặt ở Hà Nội khi đó đã miêu tả cảnh hoang mang hốt hoảng “run sợ”(12) của binh lính Pháp. Còn Na-va thì khẳng định: “Trong khi tinh thần của Việt Minh lên cao thì tinh thần chúng ta sa sút nghiêm trọng”(13).
Ba là, chiến thắng Biên giới của ta đánh dấu sự bế tắc trong chiến tranh xâm lược và sự bất khả kháng trong việc phụ thuộc nhiều hơn của Pháp vào Mỹ.
Bị thất bại ở Biên giới, quân Pháp mất quyền chủ động chiến lược, ý chí xâm lược lung lay, chóp bu thực dân lúng túng, mâu thuẫn, giải pháp cho Đông Dương bế tắc và quân số giảm cả về số lượng và chất lượng. Tiền của đổ vào Đông Dương như nước đổ vào cát, Pháp không chịu nổi chiến phí. Trong khi đó, như đã biết, trong những năm từ 1947, 1948, 1949, Mỹ đã có nhiều hoạt động “cài cắm” tay sai. Qua đó, biến Việt Nam - Đông Dương thành con đê ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan xuống Đông Nam Á. Tháng 9 năm 1950, sau khi được cử giữ chức Cao uỷ kiêm tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương, Đơ-lát sang Mỹ “thuyết khách”, thực chất là đi cầu viện. Tại đây, dựa vào “thuyết đô-mi-nô”, Đơ-lát biện giải rằng, nếu (chúng ta) để mất Đông Dương sẽ kéo theo Trung Đông và làm rung chuyển cả Bắc Phi. Và như thế, châu Âu sẽ đứng trước nguy cơ bị bao vây từ phía Nam (!). Tóm lại, tinh thần cốt lõi mà Đơ-lát muốn chuyển tải tới Mỹ là, nếu không có sự tăng viện của Mỹ, thì Pháp sẽ không đủ sức tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.
“Được lời như cởi tấm lòng”, Mỹ đang cần có cớ và cơ hội để can thiệp sâu hơn vào Đông Dương thì nay lại có kẻ đến cầu viện, tự đưa cổ vào tròng! Na-va cho biết, từ năm 1952, viện trợ Mỹ chiếm khoảng 80% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Na-va cũng cay đắng xác nhận rằng, vũ khí mà Pháp nhận được là “những đồ thừa ế của Mỹ”(14) vừa cồng kềnh, nặng nề, vừa không phù hợp cho kiểu chiến tranh mà Pháp đang tiến hành. Mỉa mai và cay đắng hơn, Na-va viết: “Nhưng điều nguy hiểm nhất của viện trợ Mỹ là về chính trị. Nó dẫn đến việc người Mỹ thò tay vào công việc nội bộ của chúng ta và thay thế ảnh hưởng của chúng ta đối với các quốc gia liên kết. Trong khi nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ, chúng ta đã mất luôn Đông Dương, ngay cả khi viện trợ đó giúp chúng ta thắng trận”(15).
Tuy ở cấp độ chiến dịch, nhưng chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 đã gây chấn động mạnh mẽ đối với thực dân Pháp, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực ở tầm chiến lược. Đương thời, đúng ngày kết thúc thắng lợi chiến dịch tiến công Biên giới, 14-10-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Cao - Bắc - Lạng(16). Về nguyên nhân thắng lợi, Người viết: “Có cuộc thắng lợi đó là vì đồng bào ba tỉnh ta rất hăng hái tham gia kháng chiến. Vì bộ đội ta rất dũng cảm. Vì Chính phủ ta rất kiên quyết. Vì quân, dân, chính của ta đoàn kết chặt chẽ…
Tôi đặc biệt nêu cao công lao của phụ nữ Cao - Bắc - Lạng. Hàng vạn chị em Kinh, Thổ, Trại, Mán, v.v… đã không quản xa xôi, trèo đèo, lội suối, ăn đói nằm sương, đã thi đua làm việc sửa đường vận tải giúp đỡ bộ đội để góp một phần vào thắng lợi… Đồng bào Cao - Bắc - Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến”(17).
Quân và dân ta luôn phấn đấu giữ vững và phát huy truyền thống quý báu mà Bác Hồ đã khen tặng trong chiến dịch xưa./.
1. Hăng-ri Na-va: Thời điểm của những sự thật, Nxb Công an nhân dân và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hà Nội, 1994, tr.54.
2,3. Ph.Đơ-vi-le: Pari- Sài Gòn – Hà Nội, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.144 và 338.
4. Y-vơ Gơ-ra: Lịch sử cuộc chiến tranh Đông Dương, Nxb Plông, Pari, 1979, tr.185.
5,6,7, 8,9,10: Hăng-ri Na-va, Sđd, tr.38 - 39 - 40.
11, 12: Theo Trần Trọng Trung: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1979, tập 1, tr68-260 và 262
13: Na-va - Sđd - tr41
14,15: H. Na-va, Sđd, tr.58 và 48-49.
16,17: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr.104.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét