Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Chiến thắng Tu Vũ - mở đầu thắng lợi chiến dịch giải phóng Hòa Bình


Chiến thắng Tu Vũ - mở đầu thắng lợi chiến dịch giải phóng Hòa Bình
Báo Hòa Bình
  
Tượng đài chiến thắng Tu Vũ - nơi mở đầu thắng lợi của chiến dịch giải phóng Hòa Bình.
(HBĐT) - Sau chiến thắng Biên giới (23/10/1950), ta chủ động chuyển sang tiến công địch trên khắp các chiến trường, quyền chủ động về chiến lược của địch trên chiến trường Bắc Bộ đã mất. Tuy lực lượng của địch trên chiến trường Đông Dương còn đông (gần 25 vạn tên) nhưng không đủ để làm nhiệm vụ chiếm đóng và cơ động. Để gỡ thế bí, địch phải điều chỉnh lại thế trận, rút 29 vị trí ở hữu ngạn sông Hồng, trong đó có hàng loạt vị trí ở Hòa Bình về phòng thủ đồng bằng Bắc bộ. Ngày 8/11/1950, địch rút chạy khỏi Hòa Bình, “Bức tường thép bên sông Đà” bị sụp đổ, Hòa Bình được giải phóng lần thứ nhất.

Để cứu vãn tình thế, Pháp thay thế tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam và vạch ra một kế hoạch phản công, quyết định tung toàn bộ lực lượng cơ động ra, mở cuộc hành quân chiếm Hòa Bình, nối lại hành lang đông  - tây; lập lại tam giác sắt: Hà Nội - Sơn Tây - Hòa Bình, chặn đường vận chuyển tiếp tế của ta lên Việt Bắc. Chiến dịch do đích thân Sa - lăng, Phó tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ huy và được chia làm 2 đợt. Đợt 1 địch đã huy động 3 binh đoàn cơ động, 2 đại đội biệt kích, 1 tiểu đoàn dù có thiết giáp, pháo binh và máy bay yểm trợ. Từ Hà Đông, địch chia 2 mũi theo trục đường 21, lấy Chợ Bến làm hợp điểm. Ngày 10/1/1954, có 14 máy bay Đa - cô - ta đổ 500 quân dù xuống đồi Sim (Chợ Bến). Sau 2 ngày, dịch đánh chiếm được khu vực này, đóng chốt 20 vị trí theo dọc đường 21 từ Xuân Mai đến Chợ Bến và từ Ba Thá vào Miếu Môn, hình thành tuyến phòng thủ đường 21 ở phía nam nối với tuyến đường 6. Đợt 2 bắt đầu từ ngày 13/11/1951, địch mở cuộc hành quân “Lô - tuýt” với 5 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn dù cùng hàng trăm xe cơ giới, hàng chục ca nô, máy bay phối hợp tiến công bằng đường sông, đường bộ, đường không để đánh chiếm thị xã Hòa Bình (TXHB) và khu vực đường số 6, triền sông Đà thuộc 2 huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn. Đến ngày 14/11/1951, với sự yểm trợ của hỏa lực mạnh cùng hàng chục máy bay địch đã đánh chiếm các điểm cao trên trục đường 6. Tính từ 11-17h ngày 14/11/ 1951, địch đã thả 3 tiểu đoàn dù đánh chiếm Thịnh Lang, chiếm núi Ba Vành, khống chế khu vực TXHB. Đánh chiếm điểm cao Tu Vũ thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Để bảo vệ khu vực đã đánh chiếm, địch rải quân chốt giữ trên 50 vị trí và điếm canh ở dọc đường 6, triền sông Đà, nhiều vị trí địch bố trí 1 đại đội trở lên, trang bị hoả lực rất mạnh, có cả đại bác.
Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, ngày 18/11/1951, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh kiến nghị mở chiến dịch Hòa Bình. Hồ Chủ tịch và Thường vụ T.ư Đảng hoàn toàn nhất trí với nhận định, đánh giá và kiến nghị của Tổng Quân ủy. Ngày 24/11/1951, BCHT.ư Đảng ra chỉ thị: “Nhiệm vụ phá cuộc tấn công Hòa Bình của địch”. Chiến dịch Hòa Bình sẽ đánh địch trên cả 2 mặt trận: chính diện và sau lưng địch. Tổng Quân ủy và Bộ tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm chỉ huy trưởng chiến dịch. Với quyết tâm: “Chúng ta phải thắng, chỉ được phép thắng, có nhiều khó khăn đấy, có thể phải trả giá rất đắt nhưng vẫn cứ phải làm...”. Về phía tỉnh ta, Tỉnh ủy đã phân công 2 đồng chí tỉnh ủy viên chịu trách nhiệm chỉ đạo các mặt hoạt động cụ thể phục vụ chiến dịch và chỉ đạo Mặt trận Liên Việt tỉnh triệu tập Hội nghị nhân dân về chống giặc với gần 200 đại biểu thuộc mọi thành phần, tầng lớp tham gia. Một số địa phương tổ chức “Hội nghị nhân dân”, “Hội nghị nhà lang”... tạo sự đoàn kết, nhất trí đánh giặc. Lực lượng của ta tham gia chiến dịch gồm 3 Đại đoàn bộ binh 308, 312 và 304; lực lượng phối hợp với chiến dịch gồm Đại đoàn 316, 320 được lệnh tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm ở đồng bằng Bắc bộ, cùng với LLVT các địa phương đánh địch, hỗ trợ nhân dân nổi dậy, phá tề, trừ gian, kìm giữ chân địch, không cho chúng tăng viện lên Hoà Bình. Về phía địa phương, LLVT Hoà Bình có Trung đoàn 12 bộ đội địa phương gồm 1 tiểu đoàn tập trung là Tiểu đoàn 616 (có 5 đại đội) và 5 đại đội địa phương của các huyện: C121 (Lương Sơn), C112 (Lạc Sơn), C116 (Mai Đà), C16 (Kỳ Sơn), C159 (Lạc Thủy). Ngoài ra, ở các xã đều tổ chức lực lượng du kích, với lực lượng từ trung đội đến đại đội. Ngoài lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, lực lượng dân công phục vụ chiến đấu, tiếp lương, tải đạn, cứu thương, giúp bộ đội xây dựng công sự trận địa, xây dựng doanh trại, đưa bộ đội qua sông... cũng được tổ chức với quân số hàng nghìn người. Chiến dịch Hòa Bình được phân thành 2  đợt. Đợt 1 (10/12/1951 -7/1/1952); đợt 2 (8/1- 25/2/1952).
Ngày 10/12/1951, chiến dịch Hòa Bình chính thức mở màn, tại mặt trận chính, đòn tiến công của 3 đại đoàn 308, 304 và 312 nhằm vào 2 cụm quân chủ yếu của địch đóng ở phân khu TXHB và phân khu sông Đà. Tại phân khu sông Đà, Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) tấn công đồn Tu Vũ (Thanh Sơn - Phú Thọ). Sau hơn một ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, đồn Tu Vũ đã bị tiêu diệt, chiến thắng Tu Vũ được coi là trận tấn công lớn nhất của quân đội ta từ trước cho tới thời điểm đó.


                                                                   Mạnh Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét