Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Bác Hồ ở Phan Thiết (1909 - 1910)


1. Về giai đoạn Bác Hồ dạy học ở Phan Thiết

Đoàn chủ tịch hội thảo “Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và tư liệu về sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành sống và dạy học ở Phan Thiết” (do Bộ VH-TT-DL và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp) vừa đưa ra một số kết luận về giai đoạn Người dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh.

Trước đó, một cuộc hội thảo được tổ chức tại Bình Thuận đặt ra nhiều vấn đề về giai đoạn thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học ở Phan Thiết như: thời điểm đến Phan Thiết; rồi từ Phan Thiết vào Sài Gòn; dạy các môn học gì ở trường Dục Thanh... Theo tham luận của TS Nguyễn Viết Lưu (Ban Tuyên giáo T.Ư) thì việc dạy học của Người ở trường Dục Thanh không đơn thuần là dạy chữ mà lồng vào đó tinh thần yêu nước cho các học trò của mình.
 
Cây khế, giếng nước trong trường Dục Thanh là những kỷ vật gắn liền với Bác Hồ khi Người dạy học nơi đây - Ảnh: Quế Hà
Tài liệu của bà Ngô Thị Mùi, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Bình Thuận), cho biết các học trò của Bác là cụ Nguyễn Quý Phầu và Nguyễn Đăng Lầu khi còn sống nói rằng thầy giáo Thành dạy Quốc ngữ, Hán văn, Pháp văn và Thể dục. Còn  tài liệu của PGS-TS Trần Thị Thu Hương (Viện Lịch sử Đảng) thì nghiêng về khả năng Người dạy Quốc ngữ và Hán Văn. Về vấn đề này, Đoàn Chủ tịch hội thảo đã đưa ra kết luận: “Thầy Thành dạy Thể dục là chính và dạy thay các thầy khác, trợ giảng ba môn Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn”.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, nhà thơ Đỗ Quang Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL Bình Thuận), cho biết nhân ngày sinh Bác năm nay, Sở đã hoàn thành quyển sách Thầy giáo Nguyễn Tất Thành với mái trường Dục Thanh. Sách gồm ba phần, quy tụ các bài viết nói về hoạt động của thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh; những bài hát, bài thơ tiêu biểu về Bác với Dục Thanh - Phan Thiết, đồng thời, chọn  lọc các ý kiến, cảm nghĩ của du khách về mái trường Dục Thanh.
Liên quan đến thời gian Bác Hồ đến Phan Thiết, theo bà Ngô Thị Mùi, khoảng tháng 8.1910, sau khi rời Bình Định vào Phan Rang, anh Nguyễn Tất Thành vào Duồng (nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để gặp cụ Trương Gia Mô (một người bạn thân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc). Cụ Trương Gia Mô bố trí cho anh Nguyễn Tất Thành ở chùa Phước An vào ban ngày, ban đêm đưa về nhà mình. Tuy nhiên, không có một tài liệu nào nói rõ ngày tháng thầy giáo Thành từ Duồng vào Phan Thiết.
Bà Ngô Thị Mùi cũng cho biết khi còn sống, nhiều học trò của thầy giáo Thành cũng không nhớ rõ thời gian Bác vào Phan Thiết. Đoàn Chủ tịch hội thảo đã thống nhất và đề nghị "các Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các di tích về Hồ Chủ tịch lấy thời điểm thầy Thành đến Phan Thiết là tháng 8.1910 và rời Phan Thiết vào Sài Gòn tháng 2.1911”.
Vấn đề thẻ căn cước của Bác với tên là Văn Ba khi lên tàu ở cảng Nhà Rồng đi Pháp, được làm tại Phan Thiết hay Sài Gòn? Nhiều nhà nghiên cứu nghiêng về giả thuyết Bác làm thẻ căn cước này tại Phan Thiết, chứ không thể vào Sài Gòn mới làm.
Vấn đề này, Đoàn Chủ tịch hội thảo vẫn để ngỏ. Kết luận chỉ định hướng “Chúng ta cùng suy nghĩ mối quan hệ của cụ Hồ Tá Bang (một trong sáu người sáng lập Trường Dục Thanh - PV) với Công sứ Pháp Garnier”. Có thể mối quan hệ này là cơ sở để đặt ra giả thiết rằng thẻ căn cước được làm tại Phan Thiết. Vì khi đó ông Hồ Tá Bang có mối quan hệ khá tốt với Công sứ Pháp tại Bình Thuận và nhờ giúp cho những người dạy học ở trường mình.
Quế Hà - Hải Yến

2. Chuyện Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh
Vào những năm 1909 - 1910, khi Bác Hồ hồi ấy có tên là Nguyễn Tất Thành đang nung nấu ý chí ra đi tìm đường cứu nước cũng là lúc các phong trào yêu nước bị đàn áp khốc liệt. Tuy vậy, tổ chức Liên Thành Thương Quán ở thị xã Phan Thiết (Bình Thuận) do các sĩ phu trong Hội Duy Tân thành lập vẫn còn duy trì hoạt động hợp pháp. Trên đường vào Nam, Nguyễn Tất Thành được những người sáng lập Liên Thành Thương Quán mời vào dạy học ở trường Dục Thanh (là một trường học do Liên Thành Thương Quán lập ra).

Trường Dục Thanh đặt trong vườn của cụ Nguyễn Thông. Lúc cụ Thông còn sống, văn thân, sĩ phu các miền mỗi khi qua đây thường dừng chân tại điểm này để bàn chuyện văn chương, thế sự. Nơi đây có nhà đọc sách, làm thơ và nơi nghỉ ngơi rộng rãi để đón khách. Sau khi cụ mất (1894), con trai cụ là Nguyễn Trọng Lội tiếp tục sử dụng nơi này phục vụ các hoạt động cứu nước và đã ủng hộ ngôi nhà phía trước để Liên Thành Thương Quán mở trường Dục Thanh.

Cùng với trường Dục Thanh, Liên Thanh Thương Quán còn lập điểm bán sách báo gọi là Liên Thành Thư Xã, do ông Nguyễn Hiệp Chi phụ trách. Các hoạt động của Liên Thành đều theo xu hướng của Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội.

Sân trường Dục Thanh khá rộng rãi và đẹp mắt. Phía trước là bể chứa nước có đắp tượng ngư ông ngồi câu cá dưới chân hòn non bộ. Trong sân có những cây cổ thụ sum suê tỏa bóng được nhà trường làm nơi tập thể dục thể thao. Nhà trường có bài hát truyền thống, thầy giáo và học trò đều thuộc lòng trong đó có đoạn:

"Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc

Mấy nghìn năm khai phá đến nay

Á Châu riêng một cõi này

Giống vàng ta cũng xưa nay một loài

Vuông dặm đất hai mươi bảy vạn

Nào bạc vàng nhan nhản thiếu chi

Đồng tươi ruộng tốt tứ bề

Rừng vàng biển bạc ai bì lại đâu".

Trường Dục Thanh rất chú trọng dạy lễ nghi phép tắc. Khi thầy vào lớp, học trò đứng lên chào và khi thầy rung chuông ra lệnh, các em mới được phép ngồi xuống. ở trường này không gọi là "điểm" mà gọi là "công". Điểm tối đa là 10 công, điểm kém nhất là "zero", tức là điểm 0. Thầy và trò đều ăn mặc giản dị, thầy thường mặc áo đen bằng vải đồng lầm và quần vải màu trắng, đi guốc, đôi khi đi giày hàm ếch, đội nón trắng, có khi cũng đội nón rơm. Thầy nào cũng có mang cái "tráp" đựng sách vở. Mỗi tuần một lần, thầy dẫn học trò đi chơi mát. Tất cả học trò đều mặc áo trắng bỏ vào trong quần, ở ngoài thắt một dây nịt, đầu đội mũ "kết" từa tựa như kiểu của cảnh sát bây giờ. Thời ấy, do ảnh hưởng lối giáo dục của thực dân, phong kiến, quan hệ thầy trò còn xa cách, nặng nề, thầy thiếu tôn trọng trò, trò sợ thầy và học theo lối nhồi sọ. Nhưng thầy Thành thì khác. Thầy có phương pháp giảng dạy hấp dẫn, dễ hiểu và có sức truyền cảm mãnh liệt. Thầy Thành thường trao đổi với các đồng nghiệp rằng, chúng ta nên yêu thương, giảng giải cho học trò, không nên đánh đập, doạ nạt làm các em sợ. Thầy Thành bàn với nhà trường cần tổ chức các chương trình ngoại khoá để mở mang kiến thức cho học trò và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của số em ở nội trú. Vào những ngày nghỉ, ngày lễ thầy Thành thường dẫn các em đi chơi, khi thì thăm động Lệ Truyền - nơi có rừng cây thị quanh năm rợp bóng mát, khi thì dẫn các em đi tắm biển ở bãi Trường Chánh. Những hôm trăng sáng, thầy trò cùng tản bộ, đến bãi đá cạnh cột hải đăng để hóng mát, ngắm trăng và trò chuyện. Trong khi vui chơi, thầy kể cho học sinh nghe nhiều chuyện bổ ích về thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá, truyền thống chống giặc giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, thầy rất ít nghỉ ngơi, rảnh phút nào là chăm chú đọc sách báo. Thầy mượn sách của Liên Thành Thư Xã đem về phòng để xem.

Sở mật thám Bình Thuận ngày càng chú ý tới những hoạt động của trường Dục Thanh và Liên Thành Thương Quán. Hàng ngày, chúng cho người đến rình mò, theo dõi, doạ dẫm. Ông Nguyễn Trọng Lội - Chủ tịch Liên Thành Thương Quán thường bị Toà Công sứ Pháp gọi đến tra hỏi... Cho đến một buổi chiều năm 1910, Liên Thành Thương Quán bị chúng khám xét và tịch thu một tráp tài liệu đem về toà sứ Phan Thiết để điều tra. Sau đó, Toà Khâm sứ Pháp ở Huế đã ra lệnh đóng cửa trường Dục Thanh.

Không lâu sau, một ngày vào giữa tháng 10/1910, trường Dục Thanh bỗng thấy vắng thầy Nguyễn Tất Thành. Các thầy giáo và học trò nơi đây không biết thầy Thành đi đâu và ai cũng bùi ngùi luyến tiếc một người thầy mẫu mực. Hết lòng yêu quý học sinh. Thầy Nguyễn Tất Thành đã bí mật rời trường Dục Thanh, đến bến cảng Sài Gòn, nơi có nhiều tàu quốc tế vào ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc.

Nguyễn Hiền



3. Người đánh xe ngựa đưa Nguyễn Tất Thành về trường Dục Thanh

Một sự kiện bất ngờ và xúc động không chỉ riêng cho gia đình ông Võ Huy Quang, mà cho những nhà nghiên cứu, cho tất cả chúng ta vốn yêu kính và rất quan tâm đến ai phát hiện thêm tư liệu mới về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ.
Chân dung ông Võ Văn Trang (1890 -21/9/1969).
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 -5/6/2011), được phép của gia đình ông Võ Huy Quang, chúng tôi xin công bố một đoạn ghi chép viết tay của cụ Võ Quang Miệng (Võ Văn Trang) là ông nội của Võ Huy Quang viết ngày 19 tháng 8 năm 1910 tại Bình Thuận, có liên quan đến việc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, trước khi đến dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), góp phần nối thêm cuộc hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Cụ Võ Văn Trang, sinh năm 1890 tại làng Thuận Điền, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận (nay là Hàm Thuận Bắc) tỉnh Bình Thuận, là hội viên công ty nước mắm Liên Thành tại thị xã Phan Thiết được thành lập từ năm 1906, theo gợi ý của chí sĩ Phan Châu Trinh, do các ông Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội (con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông) cùng các sáng lập viên khác như Hồ Tá Bang, Nguyễn Huệ Chi, Trần Lệ Chất,v.v… ít năm sau đó Liên Thành chuyển cơ sở sản xuất vào Sài Gòn.

Nhà nghiên cứu Võ Huy Quang – tử tù Côn Đảo - trong quá trình sưu tầm tư liệu để dựng lại bộ gia phả họ Võ của mình, cơ duyên xui khiến (hay ông nội mách bảo) ông tò mò tìm xem hai bìa (bìa hai lớp) của quyển “Võ gia khảo ký”, 1906 do ông nội ghi chép để lại. Vô cùng bất ngờ và sung sướng, ông Quang phát hiện một mảnh giấy vàng úa và chính là chữ của ông nội mình viết, có ghi ngày tháng năm và ký tên. Nước mắt ông trào ra. Ngưng một lát lấy lại bình tĩnh, lòng nghĩ thầm chắc là có điều gì tâm huyết hệ trọng lắm ông nội mới cất giấu kỹ như vậy? Mảnh giấy nhỏ chỉ chứa 74 chữ và số nhưng quý giá vô cùng (có bản kèm theo), nguyên văn như sau :
“Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1910, tôi được chú Nguyễn Trọng Lội, chú Nguyễn Huệ Chi và chú Hồ Tá Bang trong Hội đồng quản trị của Thương quán Liên Thành, những người sáng lập ra Hội giáo dục Thanh niên thể dục thể thao gọi là Dục Thanh, cơ sở kinh tế Hội quán Liên Thành… Đưa xe ngựa đến chùa Phước An ở xứ Duồng, Gành Son gặp cụ Nghè Mô và sư thầy Tạ thủ Bửu Hữu Hiền để đưa một thầy giáo về dạy học ở trường Dục Thanh Phan Thiết.
Bình Thuận, ngày 19 tháng 8 năm 1910
Võ Văn Trang (ký tên)”
Bản viết tay này đã được Viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát PCTP (Bộ Công an) giám định và kết luận “là do cùng một người viết ra” tại Công văn số: 04-CV/C54-P5 “v/v trả lời kết quả giám định”, ngày 22 tháng 3 năm 2011 do Thiếu tướng PGS.TS Ngô Tiến Quý, Viện trưởng ký tên và đóng dấu.

Ngày 19/5/2011, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận đã tổ chức trọng thể lễ trao nhận hiện vật “Bức thư” có nội dung liên quan đến sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh – Phan Thiết – do ông Võ Huy Quang trao tặng.

Ông Võ Văn Trang còn là người cất giữ 9 (chín) đồng bạc Đông Dương do chính tay thầy giáo Nguyễn Tất Thành gửi trả bớt lại cho Liên Thành lúc chia tay .

Số là một ngày vào tháng 3 năm 1911 thầy giáo Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn. Trước khi thầy Thành ra đi, ông Nguyễn Quý Anh, phụ trách phân cuộc Liên Thành thương quán ở Sài Gòn, chỉ đạo ông Phạm Phú Hữu (cháu nội quan đại thần triều đình Huế Phạm Phú Thứ) chi 27 (hai mươi bảy) đồng bạc Đông Dương để trao cho Nguyễn Tất Thành làm lộ phí. Nhận tiền, Nguyễn Tất Thành do dự một hồi rồi chỉ nhận 18 (mười tám) đồng còn 9 đồng gửi lại. Thấy vậy ông Võ Văn Trang với lòng xúc động và kính trọng đã nhận giữ và gửi trả lại bằng 9 đồng bạc giấy cho ông Phạm Phú Hữu nộp vào quỹ Liên Thành thương quán.

Được biết, sau khi nghe hung tin Bác Hồ qua đời (3/9/1969), cụ Võ Văn Trang cùng tuổi và rất thương yêu quý trọng Bác Hồ đã vô cùng đau buồn, bỏ cả ăn uống, rồi nhịn ăn đến chết lúc 2 giờ sáng ngày 21//9/1969 trong căn hầm tránh pháo trong ấp chiến lược Tân Phú Xuân, huyện Hàm Thuận (Bình Thuận).

Nguyễn Thanh Bền (Ghi theo tư liệu của gia đình ông Võ Huy Quang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét