Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Bác Hồ ở Bình Định (1908 - 1909)

1. Nguyễn Tất Thành đến đất Bình Định

Nguyễn Đình Hành - Trường THCS Chu Văn An, Dak Pe, Gia Lai


Những năm đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất đối với đất nước ta. Bằng các chính sách trưng thu, cướp đoạt đất đai của nông dân để xây dựng đồn điền, thực thi chính sách bóc lột thuế khóa nặng nề... làm cho hầu hết các tầng lớp nhân dân ta bị bần cùng hóa, nhân dân mất ruộng vườn, nhà cửa, lại thêm sưu cao thuế nặng phải bán mình làm thuê trong các đồn điền, hầm mỏ... cuộc sống vô cùng khổ cực.
Trước hoàn cảnh đó, hàng loạt cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã nổ ra ở khắp nơi, tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống thuế của nhân dân Trung Kỳ (1907-1908). Trong đó, Bình Định là một trong nhiều địa phương có đông đảo nông dân tham gia phong trào chống thuế, trong đấu tranh nhiều người đã bị bắt bớ, giam cầm trong nhà lao tỉnh, một số bị đưa đi đày ở Côn Đảo hoặc bị tử hình.
 
Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) - nơi ngày 5.6.1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.  Ảnh: tamtay.vn.
Trước hoàn cảnh lầm than của dân tộc, mặc dù được nhận vào học tại Trường Quốc học Huế (tháng 8.1908), nhưng với lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống áp bức, cường quyền nên Nguyễn Tất Thành luôn bất bình trước thái độ miệt thị, khinh rẻ của bọn thực dân đối với đồng bào ta. Năm 1909, khi đang học dở chương trình tiểu học, Nguyễn Tất Thành quyết định bỏ Trường Quốc học Huế, theo cha vào Bình Định. Việc bỏ Trường Quốc học Huế là quyết định có tính bước ngoặt đầu tiên của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, tạm dừng con đường học hành để lập thân, để rẽ sang con đường mới - con đường cách mạng, cứu nước, cứu dân, mà mảnh đất Bình Định là điểm dừng chân đầu tiên của Người.Bằng các tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đã khẳng định: Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thời gian 1 năm 4 tháng ở Bình Định (từ trung tuần tháng 5.1909 đến trung tuần tháng 8.1910). Trong thời gian này, Người đã đến nhiều nơi, gặp nhiều người trên vùng đất lắng đọng vô vàn tinh hoa văn hóa, vang dội những chiến công của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, của phong trào Cần Vương Mai Xuân Thưởng... Người còn được chứng kiến tinh thần quật cường, quả cảm của những người dân giàu lòng yêu nước, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, tham gia đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống lại sự đàn áp hà khắc của chế độ thực dân, phong kiến đương thời, nhất là phong trào đấu tranh chống thuế của nhân dân Trung Kỳ... Những năm tháng ấy đã để lại trong tâm khảm người thanh niên yêu nước những ấn tượng sâu đậm về con người và truyền thống yêu nước của nhân dân Bình Định, góp phần hun đúc ý chí, quyết tâm sắt đá đi tìm con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành.Sự kiện Nguyễn Tất Thành đến Bình Định là một tất yếu lịch sử dân tộc trước sự bế tắc (cả về nội dung và hình thức) của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhưng sự xuất hiện của Nguyễn Tất Thành ở Bình Định không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là kết quả chủ quan của một quá trình chuẩn bị về tư tưởng và hoạt động của chính Nguyễn Tất Thành. Sự kiện Nguyễn Tất Thành ở Bình Định còn là kết quả của mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu khách quan của dân tộc và tư duy chủ quan của Nguyễn Tất Thành. Xét về phương diện lịch sử tư tưởng thì quê hương và con người Bình Định đã tác động đến quá trình phát triển lôgíc trong nhận thức của Nguyễn Tất Thành.Trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nơi, nhưng chủ yếu sống tại Quy Nhơn, học thêm tiếng Pháp và văn hóa ở nhà giáo học Phạm Ngọc Thọ (thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch). Ngoài thời gian học tập, Nguyễn Tất Thành còn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu các tác phẩm văn học Pháp, các báo chí tiến bộ và yêu nước để nâng cao sự hiểu biết văn hóa nước Pháp, từ đó có sự so sánh nền văn hóa nô dịch của nước thuộc địa Pháp; nghiên cứu và nhận thức sự bóc lột của chủ nghĩa thực dân đối với đất nước ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Người còn đến thăm Huyện đường Bình Khê, nơi ở và làm việc của cụ Nguyễn Sinh Huy - thân sinh của Người; thăm quê hương anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ; đến thăm Tỉnh thành Bình Định (huyện An Nhơn), nơi cụ Nguyễn Sinh Huy tham gia chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định và cũng là nơi ở của cụ Huy khi cụ bị cách chức Tri huyện Bình Khê chờ ngày đưa ra Huế hậu cứu; đến thăm nhà cụ Đào Tấn -  người có mối thâm giao với gia đình cụ Nguyễn Sinh Huy… Thời gian Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bình Định không nhiều so với những chặng đường hoạt động cách mạng của Người, song truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Bình Định đã tác động đến sự phát triển nhận thức của Nguyễn Tất Thành - xét trên bình diện nơi đây là một trong những nguồn cội cung cấp các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp và đặc trưng của Bình Định cũng như của cả dân tộc, góp phần hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, như sau này Đảng ta đã xác định. Mối quan hệ tương tác trên đây thể hiện sâu sắc mối quan hệ biện chứng trong quá trình phát triển nhận thức của Nguyễn Tất Thành; đồng thời, cũng khẳng định những đóng góp của quê hương Bình Định đến sự hình thành ý chí, quyết tâm và tư tưởng cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành trên lộ trình tìm đường cứu nước.Sự kiện Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ở Bình Định trong bước ngoặt đầu tiên của chặng đường Người chuẩn bị xuất dương tìm đường cứu nước là niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định mà còn là niềm tự hào chung của cả nước, của các thế hệ con cháu Hồ Chí Minh. Tự hào là một trong năm địa phương của cả nước có gắn bó với thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử giữa Nguyễn Tất Thành với cha và anh trai trước khi Người xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Định nguyện ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
  • Lê Kim Toàn
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

2. NGUYỄN TẤT THÀNH Ở BÌNH ĐỊNH – MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ RẤT ĐÁNG QUAN TÂM

HOÀNG THU - Tạp chí Văn Hiến việt nam

Theo các nguồn tư liệu lịch sử chính thống thì tính đến nay, năm 2009 vừa tròn 100 năm Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đến Bình Định, cũng là tròn 40 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ Chủ Tịch. Như vậy việc Tỉnh tuỷ Bình Định chủ trương tổ chức Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” vào tháng 8/ 2007 là hợp lý, là đúng lúc. Thật ra, nếu làm sớm hơn từ vài chục năm trước thì, ảnh hưởng chính trị còn lớn hơn. Đặc biệt cuộc hội thảo này được gắn vào trong cuộc vận động “học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nên càng có ý nghĩa. Để giúp cho các nhà nghiên cứu có tư liệu tham khảo và viết bài tham luận,. Ban tuyên giáo tỉnh uỷ Bình Định đã tái bản có bổ sung quyển Nguyễn Tất Thành ở Bình Định do nhà nghiên cứu Đỗ Quyên biên soạn, quyển sách không dày, in chữa thật đẹp, nhưng rất có giá trị. Cụ thể bằng nhiều nguồn tư liệu phong phú đủ độ tin cậy, quyển sách đã giúp người đọc hiểu được cuộc hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành từ quê hương Nghệ An – Xô Viết đến TP Huế hừng hực không khí đấu tranh chống Pháp rồi vào Bình Định quê hương của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn long trời lở đất và dừng chân ở đây trên dưới một năm.


Chúng tôi đặc biệt chú ý và thú vị về nội dung cuốn sách đã giới thiệu được những tư liệu về Nguyễn Tất Thành trong những ngày dừng chân học tập ở Bình Định góp phần làm rõ bức tranh thời niên thiếu của Người thanh niên yêu nước, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam sau này. Đây là một công trình nghiên cứu , chuyên khảo có giá trị khoa học, trong đó tác giả đã chỉ ra được các nguồn xuất xứ tư liệu có liên quan đến tiểu sử Bác Hồ thời gian ở Bình Định, mặc dù trước đây đã có những quyển sách của các nhà văn Sơn Tùng, Hồ Phương nói về Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, nhưng vẫn là tư liệu đơn tuyến. Ở đây, tác giả Đỗ Quyên đã khai thác và sử dụng có cân nhắc những chi tiết khách quan được ghi lại trong đó như thời gian, địa điểm diễn ra hành động, những con người và sự việc có liên quan đến sự kiện nói trong tài liệu. Công trình được các chuyên gia viện bảo tang Hồ Chí Minh đánh giá: “Đã thu được một khối lượng tư liệu lớn, trong đó có tư liệu mới, lần đầu chúng tôi được biết..Tác giả đã phân tích, so sánh rất công phu và có những kết luận thoả đáng, và có được kết luận mới, phương pháo và thái độ khoa học nghiêm túc, một số vấn đề tồn nghi tác giả đề cập đúng mức… Cách viết và các trình bày khá rõ”. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội có tên tuổi cũng công nhận những tư liệu về Nguyễn Tất Thành ở Bình Định là chính xác bởi những ngày tháng Nguyễn Tất Thành ở Bình Định không nhiều như ở Huế, nhưng là một cái mốc quan trọng về tư tưởng ở tuổi thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bình Định. Miền đất của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, của những anh hùng dân tộc và cũng là quê hương của Đào Tấn mà gia đình Nguyễn Tất Thành đã chịu ơn. Ở đây, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nơi,gặp nhiều người trên vùng “đất võ trời văn” lắng đọng nhiều tinh hoa văn hoá, vang dội những chiến công lẫy lừng của những anh hung hào kiệt. Từ dấu ấn cao đẹp ấy mà Hồ Chủ tịch sau này đã làm những bài vè dài ngợi ca. Xin trích một đoạn:
Dân gian có kẻ anh hùng
Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn
Đóng đô ở đất Quy Nhơn
Đánh tan Trịnh, Nguyễn cứu dân “đảo huyền”

Nhà Lê cũng bị truất quyền
Ba trăm sáu chục năm truyền vị vương
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giắc Xiêm, giặc Tàu

Ông đà trí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu hành hung
Dân ta vẫn giữ non sông một nhà.
Chứng tỏ Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến những ngày đen tối của nhân dân sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ cùng cả nước trong cảnh mất nước, đồng bào sống trong nô lệ lầm than, chứng kiến tinh thần quật cường, quả cảm của những con người Bình Định giàu lòng yêu nước . Cũng trên mảnh đất Bình Định đau thương và kiên dũng này, không những ba cha con cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy sống chung với nhau những ngày sum họp cuối cùng sau khi ở Nghệ An và ở Huế mà còn là nơi diễn ra cảnh chia tay đầu tiên, đồng thời là giờ phút ly biệt lịch sử, cuối cùng không còn lặp lại. Từ đó Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình vạn dặm đầy gian khổ tìm đường cứu nước, cứu dân mà không bao giờ gặp lại người cha kính yêu, người anh than thiết của mình. Như vậy thì làm sao ấn tượng về đất và người không sâu đậm trong tâm trí Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về phía nhân dân Bình Định chắc chắn mọi người đón đọc cuốn sách Nguyễn Tất Thành ở Bình Định với lòng tự hào về mảnh đất quê hương, với tình cảm sâu nặng đối với Bác Hồ kính yêu, coi đó là những kỷ niệm thiêng liêng không bao giờ phai mờ. Tuy trong cuốn sách còn có những vấn đề tồn nghi như thời gian, địa điểm chính xác Nguyễn Tất Thành đến và đi, quan hệ và đến với những ai…. mà tác giả mong muốn các nhà nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ về thời niên thiếu Bác Hồ ở Bình Định. Đây cũng là mối quan tâm của nhân dân Bình Định trong việc tìm hiểu một cách tích cực và nghiêm túc về Nguyễn Tất Thành ở Bình Định. Để làm sáng tỏ và củng cố tư liệu về sự kiện lịch sử này, góp phần cung cấp các tư liệu về cuộc đời, than thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác và kỷ niệm 40 năm ngày thực hiện Di chúc của Người. Đó cũng là mục tiêu của Hội thảo “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định”. Tức là tiếp tục cung cấp tư liệu, cứ liệu về : Bối cảnh và thời điểm Nguyễn Tất Thành đến và rời Bình Định, hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong thời gian đã từng ở, học tập đến thăm…. Một phần rất quan trọng nữa là ý nghĩa và những tác động của truyền thống văn hoá con người Bình Định cùng những hoạt động của Nguyễn Tất Thành trong thời gian ở Bình Định đối với tư tưởng và quá trình hoạt động cách mạng của Người. Cuộc Hội thảo đầu tiên này không những đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân mà còn giúp các văn nghệ sĩ có cơ sở dữ liệu để sáng tạo xây dựng hình tượng Bác Hồ trong các lĩnh vực văn học - nghệ thuật, trong đó có hình tượng Nguyễn Tất Thành ở Bình Định./..
3. Nguyễn Tất Thành ở Bình Định
Lê Văn Thái - Trường THCS Ngô Văn Sở, Quy Nhơn, Bình Định
 
Địa điểm này năm 1909 là huyện đường Bình Khê- nơi Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, làm Tri huyện. Ảnh: N.T (Chụp lại từ ảnh tư liệu)
 
Theo các tư liệu lịch sử hiện có thì trước khi xuống tàu xuất dương tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng năm 1911, vào khoảng thời gian từ năm 1909 đến năm 1910, Nguyễn Tất Thành- sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh- đã cùng cha và anh trai từ Huế vào sinh sống tại Bình Định. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã ở và học tiếng Pháp tại nhà của nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ - cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch), đến thăm cha tại Trường đốc học tỉnh ở An Nhơn (lúc này Cụ Nguyễn Sinh Sắc đang làm quan phúc khảo Trường thi Hương Bình Định) và huyện đường Bình Khê (khi Cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện Bình Khê), cùng cha đến thăm gia đình cụ Đào Tấn tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước…
Tác giả Đỗ Quyên (chủ biên) trong cuốn “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” (xuất bản năm 1991, tái bản năm 2008) thì cho rằng: Trên đường từ Huế vào Sài Gòn để lên tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân lại ở tỉnh Bình Định một thời gian. Khoảng thời gian này, nếu tính đến đầu tháng 7.1910 là hơn 12 tháng (18.5.1909 - 30.6.1910); nếu tính đến đầu tháng 3.1910 thì vào khoảng hơn 9 tháng (18.5.1909 - 28.2.1910). Trong thời gian dừng lại ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành có đến nhiều nơi, nhưng chủ yếu sống tại Quy Nhơn, học tiếng Pháp và văn hóa.Cuốn sách này có 6 chương: chương I “Theo cha vào Bình Định”; chương II “Ở Quy Nhơn”; chương III “Đến Bình Khê (Tây Sơn), An Nhơn và Tuy Phước”; chương IV “Mấy sự kiện còn thảo luận”; chương V “Rời Bình Định lúc nào?” và chương VI “Thay cho kết luận”. Sách được các chuyên gia Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đánh giá: Tác giả đã phân tích, so sánh rất công phu, có những kết luận mới và thỏa đáng; phương pháp và thái độ khoa học nghiêm túc, một số vấn đề tồn nghi đề cập đúng mức, …Còn tác giả Nguyễn Thế Khoa trong bài “Nguyễn Tất Thành và Bình Định” (đăng ở tạp chí Văn Hiến) đã viết: Thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành cũng đã nhiều lần lên thăm cha ở huyện đường Bình Khê. Bình Khê là quê hương và nơi dấy nghĩa của Tây Sơn tam kiệt, vốn gốc họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, rất gắn bó với dòng tộc Nguyễn Sinh Sắc. Tại đây, Tất Thành đã được cha đưa đến thăm đền Kiên Mỹ, dựng trên nền nhà cũ của ba anh em Nguyễn Huệ với giếng nước, gốc me cổ, thăm núi “Ông Nhạc”, núi “Ông Bình” (tên của Nguyễn Huệ thời trẻ là Nguyễn Quang Bình), dòng sông Côn linh thiêng với bến Trường Trầu, bãi tập voi, các nơi còn đậm dấu những anh hùng áo vải đã lập nên các huân công vào loại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc. Tất Thành cũng đã theo cha thăm hỏi, đàm đạo với các nhân sĩ yêu nước ở Bình Khê và Bình Định, trong đó có một số người Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã thân quen từ lúc học và làm quan tại Huế. Tất nhiên, anh và cha đã đến làng Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước, quê hương cụ Thượng Đào, thăm gia đình cụ và viếng cụ, bậc tri kỷ cao niên và là ân nhân lớn của gia đình mình...Tuy vậy, cho đến nay sự kiện lịch sử Nguyễn Tất Thành đến và ở Bình Định còn một số ý kiến khác nhau về bối cảnh và thời điểm Nguyễn Tất Thành đến và rời khỏi Bình Định; về hoạt động của Nguyễn Tất Thành ở Bình Định và đặc biệt là ý nghĩa và những tác động văn hóa - xã hội trong thời gian ở Bình Định đến tư tưởng và quá trình hoạt động cách mạng của Người.Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” là điều cần thiết, có nhiều ý nghĩa, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề trên, góp phần cung cấp thêm những tư liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2010).

4. Vùng đất Bình Định đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sở Văn hóa thể thao - Du lịch Bình Định
Bởi quan hệ máu thịt từ xa xưa giữa Nghệ An và Bình Định và bởi đây là nơi thân phụ của mình đã từng vào làm quan nên ta biết chắc là vào thời gian khi trên đường từ Huế vào Sài Gòn rồi ra đi tìm đường cứu nước, anh Nguyễn Tất Thành sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng lại ở đây.
Nhưng đó là vào những ngày tháng năm nào và nội dung hoạt động của anh ở đây gồm những gì thì còn rất khó xác định. Vì ta không còn các thư tịch hồi đó nói vấn đề này mà các sách viết gần đây thì ghi chép khác nhau và cũng không được dựa trên những căn cứ cho thật xác thực. Tuy nhiên, càng tìm hiểu ta càng thấy nghiên cứu về Nguyễn Tất Thành với đất Bình Định quả là một công việc rất cần thiết và bổ ích đối với lịch sử và văn hóa.
Sách Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác hồ do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh biên soạn, Nhà xuất bản (NXB) Sự Thật - Hà Nội (HN) ấn hành, 1980 (A) viết: Mùa hè năm 1908, anh chia tay với cậu Đạt, tạm biệt thành phố Huế, anh Thành lần đường đi về các tỉnh phía Nam. Và cũng sách này viết: Hơn một năm sau ngày bị đuổi khỏi Trường Quốc Học Huế, anh Thành đến tỉnh Bình Định (tr. 55).
Cũng là tài liệu của Tỉnh ủy Nghệ An nhưng viết khi Ban Lịch sử Đảng đã đổi thành Tiểu ban, trong sách Hồ Chí Minh thời niên thiếu, NXB Nghệ An in năm 1995 (B) (từ đây trở xuống tên gọi của các sách đã kê cứu trong bài mà có ghi A, B, C thì gọi theo các ký hiệu đó) viết: Tháng 5-1909, anh qua tỉnh Bình Định và ở lại Quy Nhơn một thời gian, cha con gặp nhau tại nhà ông Phạm Ngọc Thọ (Quy Nhơn), nơi anh đang ở tạm. Anh cùng Tất Đạt lên Bình Khê thăm cha. Anh càng thương cha hơn nhưng không thể nào ở lại (tr.138).
Sách này ở tr.139 viết tiếp là năm 1909 thầy Thọ đang dạy ở Quy Nhơn thì được điều vào dạy ở Sài Gòn nên: Mùa thu 1910 anh (Thành) tạm biệt Quy Nhơn đi vào Sài Gòn và cùng đi với thầy Phạm Ngọc Thọ.
Anh Nguyễn Tất Thành học với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ ở đâu vào lúc nào cũng là vấn đề chưa được làm rõ. Theo cụ Phạm Gia Cần (1887-1974), con trai cử nhân Phạm Khắc Doãn, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, người cùng học bậc tiểu học với anh Thành ở Huế thì niên khóa 1906 - 1907 thầy Thọ đang dạy tại trường Pháp – Việt Đông Ba(1).
Theo như sách B thì anh Thành ở trên đất Bình Định hơn một năm: từ tháng 5 năm … đến tháng 8 năm sau (?), dừng lại lâu hơn ở Phan Thiết và lâu hơn cả ở Sài Gòn. Có lẽ quỹ thời gian của anh lúc này không có rộng như vậy. và trong 15 tháng đó, anh Thành làm những công việc gì? Có một số tài liệu cho biết là tại Quy Nhơn, anh Thành có nạp đơn xin thi để làm giáo viên trường tổng nhưng anh đã bị đánh trượt vì các quan chức Bình Định phát hiện ra anh là con trai Tri huyện Bình Khê vừa bị cách chức (chú thích của sách A, tr.60). Ngoài chi tiết đó ra thì các sách của bộ phận Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An cũng như một số tài liệu khác không nói đến công việc của anh trong khoảng thời gian này.
Anh Thành đi vào Bình Định một mình hay đi với anh trai là Nguyễn Tất Đạt như sách B viết? trong khi ở sách A nói là mùa hè năm 1908, anh (Thành) chia tay với cậu Đạt, tạm biệt thành phố Huế, anh Thành lần đường đi về các tỉnh phía Nam?
Có phải những con số chỉ năm tháng kia là đúng? Có phải lúc đến đất Bình Định thì anh Thành rẽ ngay xuống Quy Nhơn khi mà cũng như sách B nói là bấy giờ thân phụ của anh đang làm quan ở Bình Khê?
William J. Duiker trong sách Hồ Chí Minh, bản dịch của Phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao HN (C) trình bày rằng, ngày 9-5-1908 thì tại kinh đô nổ ra cuộc biểu tình Chống thuế, sáng hôm sau cảnh sát đến lớp nhận diện anh Thành và nói: “Tôi có lệnh yêu cầu người có hành vi quấy rối này phải thôi học”; Đó là ngày cuối cùng của anh Thành đến trường… Sau khi bị đuổi học, Thành biệt vô âm tín trong một vài tháng… Cuối cùng Thành quyết định rời bỏ Trung Kỳ đi về phía Nam, tới Nam Kỳ. Tháng 7-1909, trên đường đi Thành đã dừng lại ở Bình Khê, nơi cha Thành mới nhậm chức Tri huyện…(tr.24).
Về ngày anh Thành bắt đầu đến Bình Định, sách A nói sớm hơn sách B khoảng 1 năm; sách B sớm hơn sách C độ 2 tháng. Mà đối với anh Thành bấy giờ ở tuổi 19, 20, anh đã phải chắt chiu thời gian! Những sự khác biệt đó làm cho ta suy nghĩ đến việc, không biết anh Thành có gặp thân phụ ở huyện đường Bình Khê hay không?
Sách B, tr.131 cùng với một vài tài liệu khác thống nhất với nhau là ngày 27-9-1910 thì Tri huyện Nguyễn Sinh Sắc lãnh án triệt hồi và rời Bình Khê đi vào Nam Kỳ.
Sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc đi nhận chức Tri huyện Bình Khê (1-7-1909), anh Nguyễn Tất Thành vẫn ở lại Huế học tập. Tuy anh có tham gia biểu tình chống thuế (Người đất Quảng gọi là Cự sưu, 5-1908) và bị mật thám Pháp theo dõi. Nhưng đến cuối năm 1910, tức vừa lên niên khóa thứ ba (năm cuối) của bậc Trung học(2) được ít lâu thì anh bí mật rời trường ra đi. Các tài liệu sau đây chứng minh cho điều đó:
- Tại Thư viện của Viện Sử học vào năm 1970 còn lưu giữ tập Hồi ký Những ký ức về Hồ Chủ tịch tuổi trẻ (gồm ba bài) của Giáo sư, Giải nguyên Lê Thước viết năm 1969. Trong bài thứ hai của tập hồi ký ấy, với đầu đề là: Một diễn giả trẻ tuổi hăng hái có đoạn: Cuối 1910, tôi học ở Quốc học Huế. Trong giờ nghỉ, chúng tôi thấy một cậu học sinh trạc độ 19, 20 tuổi, còn học ở lớp dưới có lần đứng lên diễn thuyết. Cậu nói về nghĩa tự cường và nghĩa hợp quần rất sôi nổi. Sau đó, Giáo sư Lê Thước viết thêm: Đến năm 1923, Báo Courirer Hải Phòng của Pháp, khi có lời chỉ trích về các ông Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường thì đã nhắc đến cả Nguyễn Ái Quốc và nói rõ: Nguyễn Ái Quốc chính là người thanh niên đã diễn thuyết ở Quốc học Huế hồi 1910.
- Sách A, tr.59 cũng viết: Hơn một năm sau khi bị đuổi khỏi Trường Quốc học Huế, anh Thành đến tỉnh Bình Định, nơi cha anh làm Tri huyện Bình Khê. Khi anh Thành đến đây thì cha của anh đã bị bọn thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều cách chức, buộc phải vào cư trú ở Nam Bộ.
Như vậy là vẫn tồn tại hai ý kiến:
- Anh Nguyễn Tất Thành đã đến Bình Khê và đã gặp cụ thân sinh khi cụ đang làm quan tại đấy;
- Khi anh Thành đến Bình Định, hoặc trước khi đến đó thì anh Thành đã biết thân phụ mình vừa bị cách chức quan và đã rời khỏi huyện đường Bình Khê.
Theo tôi, tôi nghiêng về ý kiến thứ hai.
Không phải sau khi tham gia biểu tình chống Thuế là anh Thành bị đuổi khỏi Quốc học rồi anh đi vào Nam ngay. Người Pháp có những mưu mẹo của họ. Anh Thành thì dù trong hoàn cảnh khó khăn nào anh cũng dành được cho mình quyền chủ động.
Ta thấy biểu tình chống thuế nổ ra và bị đổ máu như vậy. Rồi từ Nam – Ngãi, Thừa Thiên – Huế, phong trào lan ra Nghệ - Tĩnh, lãnh tụ Nguyễn Hoàng Chi ở ngoài ấy bị chém đầu mà trong lúc đó ông Nguyễn Sinh Sắc cha của hai con trai đang học Quốc học tham gia biểu tình mà ông lại từ chân Thừa biện (làm công việc căn thư) được bổ đi làm Tri huyện thuộc ngạch quan cai trị. Mà Bình Khê không phải là một huyện nghèo, xương xẩu như một số tài liệu đã viết. Bình Khê là đất sớm trù phú và văn hiến, cái cầu nối giữa Kon Tum - Gia Lai với miền duyên hải bao la, đất dấy nghiệp của anh em nhà Tây Sơn. Ông Sắc tới đó với chức tri huyện nhưng hàm là tri phủ. Lương và bổng lộc của một tri huyện hồi đó rất đủ vinh thân, phì gia. Thế thì đối với con trai của ông? Không có lẽ cùng một lúc với sự kiện biểu tình chống thuế đổ máu xảy ra, với một gia đình có con trai tham gia mà sau đó, cha thì được bổ quan còn con thì bị đuổi học ngay. Chúng không dại gì mà đuổi học với anh Thành vội, vì dẫu sao thì biểu tình cũng nổ ra rồi. Cứ để anh Thành học ở Quốc học thì chúng còn có cơ theo dõi và may chi “tranh thủ”! Cho nên anh Thành bí mật rời trường Quốc học Huế và thời gian anh ra đi là vào dịp như Giáo sư Lê Thước (bạn cùng quê, học trên anh Thành một lớp) nói trong hồi ký của mình cũng như trong sách A đã chép là hợp lý.
Anh Nguyễn Tất Thành hết sức kính trọng cha. Anh chưa bao giờ làm sai lời chỉ bảo của cha. Nhưng anh không núp bóng cha cũng như không bao giờ núp bóng một ai khác. Anh có sự độc lập suy nghĩ và sức tự lực cánh sinh rất độc đáo của riêng mình.
Nếu đúng là anh Thành tới Bình Định khi ông Sắc đã bị cách quan thì như vậy cũng chẳng phải là điều không may đối với Bình Định và đối với chúng ta. Hãy để cho anh Nguyễn Tất Thành có những phút luyến tiếc trên đất Bình Định này như Quang Trung - Nguyễn Huệ đã từng luyến tiếc, như nghệ sĩ tài danh Đào Tấn đã rất luyến tiếc. Xin đừng hư cấu thêm những điều gì nữa! Cứ để cho anh Thành đi lên Bình Khê dù cho nơi đó đối với anh lúc bấy giờ đã là Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương. Khung cảnh ấy sẽ làm cho chí của anh lớn lao thêm, tâm hồn anh cao đẹp thêm. Anh Thành đến với Bình Khê khi thân phụ của anh đã rời Bình Khê mà đi và chính ông cụ là tác nhân của việc phải ra đi ấy. Điều đó mới đáng nói làm sao. Đừng có thêm thắt vào những cách kể lể theo lối nhi nữ thường tình ở đây. Chỉ có ông Nguyễn Sinh Sắc và cũng chỉ trên đất Bình Khê, ông mới tạo nên được một cảnh ngộ như vậy. Và ở đời, có được mấy cảnh ngộ không gặp mà gặp như thế. Một Nguyễn Sinh Sắc và cũng phải là Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan thì mới sinh ra được một Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Và cũng chỉ là Bình Định chứ không nơi nào khác, chính trên đất này ông Nguyễn Sinh Sắc đã bị cách quan trước khi anh Thành tới. Bấy giờ, trong suy ngẫm của anh chứa chất biết mấy ân tình và bao nhiêu suy ngẫm về trách nhiệm đối với kẻ làm trai. Chẳng phải là Nguyễn Trãi đã từng nói: Có hoạn nạn mới gầy nổi nước, có ưu phiền mới đúc nên tài đó sao? Đến Bình Khê, anh Nguyễn Tất Thành đã sống những phút giây như vậy.
Còn đối với Quy Nhơn, anh Thành không tới đó sao được. Cung đường từ Huế vào Sài Gòn, trong dự định là chuyến thâm nhập thực tế về đất nước đối với anh lúc bấy giờ. Nó phải được đón anh cũng như anh phải tới đó. Không đặt chân lên Quy Nhơn, coi như chưa đến Bình Định. Quy Nhơn bấy giờ đã là nơi đô hội nhất ở Nam phần Trung Bộ, có cảng biển rộng và sâu, là cửa ngõ của cả miền Tây Nguyên bao la. Đối với người dân Nghệ - Tĩnh, Quy Nhơn - Tuy Hòa là nơi hơn cơm rẻ gạo, một phần của xứ sở chùa tháp: Bình Định lúa xanh ôm bóng Tháp Chàm (Xuân Diệu). Thời Nguyễn, đây là một trong những nơi có trường thi Hương. Thời thuộc Pháp nơi đây có trường Cao đẳng tiểu học, đón nhận cả con em người Tây Nguyên. Còn khi tới đây, anh Thành nếu có xin thi chọn làm giáo viên trường tổng, việc đó cũng như anh dạy ở Dục Thanh (Phan Thiết) đều là những hoạt động coi như nhằm giữ bí mật, để thâm nhập thực tế, để có điều kiện đi trên lộ trình của anh. Và chắc anh cũng không có nhiều thời gian để dừng lâu ở những nơi này.
Bình Định không phải là đất anh Thành chỉ đi qua. Mà đây là nơi anh đã dừng lại để tìm hiểu, để suy ngẫm. So với Phan Thiết, Bình Định đối với anh còn sâu nặng hơn. Dòng họ Nguyễn Huệ vốn là từ đất Nghệ An chuyển cư vào. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản đều đã hành quân qua và dừng chân trên đất Nghệ An. Đối với Hoàng đế Quang Trung thì còn hơn thế, ngài đã cho xây kinh đô Phượng Hoàng trên đất Nghệ An. Nghệ sĩ tài danh Đào Tấn là nhà khoa bảng đã hai lần làm Tổng đốc Nghệ An. Chưa có vị Tổng đốc nào để lại dấu ấn đẹp đẽ trong lòng dân nơi mình đã từng làm quan cai trị như Đào Tấn đối với Nghệ-Tĩnh. Rồi Bình Định là nơi thân phụ anh Thành đã từng làm quan. Coi như Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm quan trên quê hương thứ hai của mình. Sinh thời cụ đã có câu đối viếng khi nhà chí sĩ Phan Tây Hồ tạ thế, trong đó có ý dành chung cho những người mưu việc lớn: Bất thành vu thành nhi thành vu bại(3). Đời sau càng rõ, trên đất này, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị giáng quan đến mức triệt hồi nhưng với lịch sử giải phóng dân tộc, đời cụ đã thăng hoa chính trên đất Bình Khê ân nghĩa này. Anh Nguyễn Tất Thành đã có những phút giây chứng kiến và suy ngẫm trên miền đất thánh, quê hương của Hoàng đế Quang Trung trước khi anh tiếp bước vào Nam để rồi ra đi tìm đường cứu nước.
Cùng với Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định là một trong năm địa phương nói trên của cả nước, gắn bó sâu nặng với thời thơ ấu và tuổi thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên tư tưởng độc đáo, sáng tạo trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Người.

5. Nguyễn Tất Thành với Bình Định
TP - 60 tham luận tại hội thảo “Nguyễn Tất Thành với Bình Định” (19/8) sẽ cho thấy một giai đoạn quan trọng trên chặng đường trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước.
Minh họa cảnh chia tay giữa Nguyễn Tất Thành và cha
Bình Định là nơi Người học tập và sinh sống cùng với cha và anh trai trong khoảng một năm. Nay đã tròn 100 năm, Bác đặt chân tới Bình Định.
Hội thảo do Tỉnh ủy, UBND Tỉnh Bình Định, Viện Hồ Chí Minh & các Lãnh tụ (thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn & Phát huy Văn hóa Dân tộc tổ chức. 
Năm 1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc vào Bình Định làm giám khảo cuộc thi hương, đưa hai con là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành đi cùng. Sau đó, cụ được bổ nhiệm chức tri huyện Bình Khê. Cùng thời gian này, Bác học tiếng Pháp ở trường của nhà yêu nước Phạm Ngọc Thọ (thân phụ của Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch).
Giới chuyên môn nhận định, đây là giai đoạn quan trọng, đánh dấu sự quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Bác, bởi Bác đã chính thức học tiếng Pháp ở đây, trong khi trước kia ở xứ Nghệ và Huế, mới chỉ học chữ Hán.
Người dân Bình Định tin rằng, những truyền thống của quê hương mình đã tác động không nhỏ tới tình yêu quê hương, đất nước của chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành.
Nơi đây chính là quê hương người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, quê của Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ lừng danh… Quê của danh nhân Đào Tấn - ông tổ nghệ thuật Tuồng.
Sinh thời, cụ Đào Tấn là bạn thân thiết với thân sinh Bác, hai lần về xứ Nghệ làm quan tổng đốc, rồi về Huế làm tới thượng thư, động viên khuyến khích con đường công danh của cha Bác.
Mảnh đất Bình Định đã chứng kiến sự kiện chia tay giữa hai cha con.  Nguyễn Tất Thành tới Ninh Thuận làm trợ giảng ở trường Dục Thanh thời gian ngắn, rồi tới Sài Gòn và, tiếp đó là hành trình lịch sử ra đi tìm đường cứu nước. Đây cũng là lần cuối cùng Bác gặp cha thân yêu của mình.
Sau hội thảo, ngày 2/9, tỉnh sẽ khánh thành tượng đài Bác Hồ. Tiếp nữa, dựng bia và tượng ở nhà trường khi xưa Bác học. Có thể dựng tượng tái hiện cảnh Bác chia tay cha. Tái hiện huyện đường Bình Khê, cái tên đi vào tâm hồn người Việt Nam yêu quê hương, yêu Bác trong ca khúc “Miền Trung nhớ Bác” của Thuận Yến, người con của Bình Định:Trời Bình Khê trong xanh bát ngát, lưu luyến một chiều Bác đến thăm cha, chia sẻ ngọt lành trước lúc đi xa…
Nguyễn Quang Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét