Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Âm hưởng của một sự kiện


Âm hưởng của một sự kiện
(Theo 60 năm Quốc hội Việt Nam)
Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào, lịch sử cách mạng Việt Nam tiếp tục những bước vinh quang với các sự kiện: Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Sự kiện chúng ta đang nói tới không phải là cuộc Tổng tuyển cử long trời, cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam đầu tiên với chế độ phổ thông đầu phiếu diễn ra hào hùng vào ngày 6/1/1946; cũng không phải là Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được Quốc hội Việt Nam khoá I biểu quyết thông qua vào ngày 9/11/1946 - "một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông... tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam đã độc lập" (Hồ Chí Minh); mà là sự kiện làm nên cả 2 điều kỳ diệu đó.
Sự kiện đó không chỉ biểu thị nghệ thuật chớp đúng thời cơ cách mạng, mà còn là sự sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành độc lập dẫn tới quyết sách xoay chuyển vận nước. Sự kiện đó không chỉ đi vào thi ca, đi vào lịch sử, mà mãi mãi nằm trong tâm tưởng của người Việt Nam. Sự kiện đó có tên: Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Còn đó, tháng 10/1944, trước sự chuyển biến của tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho quốc dân đồng bào thông báo chủ trương triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân. Người viết: “... chúng ta phải có một cái cơ cấu đại biểu do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”. Rồi giữa năm 1945, cơ hội ngàn năm có một cho dân ta đập tan ách nô lệ đang đến gần khi cao trào kháng Nhật cứu nước dâng trào khắp cõi đất Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị, phải gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng. Đó là thời gian Người cân nhắc rất kỹ giá trị của mỗi ngày, mỗi giờ trong thời cuộc đại chuyển biến.
Còn đó, giữa tháng 8/1945, chủ nghĩa phát xít tuyên bố đầu hàng các nước đồng minh không điều kiện, trước thời cơ có một không hai để giải phóng dân tộc, Hội nghị toàn quốc của Đảng ta đã họp tại Tân Trào, từ ngày 13 đến 15/8/1945, để quyết định phát động lệnh Tổng khởi nghĩa, đồng thời, trong bối cảnh đó, Quốc dân đại hội cũng được tiến hành.
Và đây, chiều ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân - mở đầu cho sự kiện lịch sử Quốc dân Đại hội Tân Trào. 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài (Thái Lan và Lào) đã tham dự Đại hội trong tình thế nước sôi lửa bỏng. Trong khí thế lệnh Tổng khởi nghĩa vừa được phát đi, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã có 3 quyết định lớn. Một là, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh. Hai là, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào phấn đấu thực hiện, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Ba là, thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Thường trực Uỷ ban gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.
Ngày 17/8/1945, tại buổi lễ bế mạc Đại hội, ra mắt quốc dân tại đình Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đên giọt máu cuối cùng, không lùi bước”.
Cùng với lời tuyên thệ thiêng liêng đó, Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) - người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam - đã lãnh đạo nhân dân thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu quốc và kiến quốc. Sau này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá, Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta; một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của  một Quốc hội. Đây là thắng lợi lớn của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi nghĩa, xoá bỏ chế độ nô dịch thực dân, thi hành chính sách 10 điểm của Việt Minh, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới - chế độ dân chủ nhân dân.
Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào, lịch sử cách mạng Việt Nam tiếp tục những bước vinh quang với các sự kiện: Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945; cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên 6/1/1946, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ công hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó đến nay đã 60 năm, Quốc hội nước ta đã trải qua những giai đoạn phát triển hào hùng với 11 khoá hoạt động. Lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, trong đó, Quốc hội ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng là cơ quan địa diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thông qua 3 chức năng cơ bản: chức năng lập hiến và lập pháp; chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; và chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Dù 60 năm đã trôi qua, nhưng đã là người Việt Nam thì không ai không rung động, tự hào khi nhắc tới 6 chữ: Quốc dân Đại hội Tân Trào. Quốc dân Đại hội Tân Trào đã trở thành mốc son chói lọi, mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc và có giá trị vĩnh hằng trong lòng người Việt Nam./.
ĐOÀN QUANG
Nguồn: www.vov.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét