Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Bác Hồ với Tổng tuyển cử bầu Quốc hội

Bác Hồ với Tổng tuyển cử bầu Quốc hội
ban Tôn giáo chính phủ



Cách mạng Tháng Tám thành công, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của lịch sử dân tộc đưa nước ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hoà, đưa dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân độc lập, tự do làm chủ nước nhà.
 Tuy vậy, sau ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng non trẻ gặp rất nhiều khó khăn ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Và để giải quyết tình hình này, 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà là ra Sắc lệnh 14-SL quy định về Tổng tuyển cử bầu Quốc hội.

 
Hàng vạn người dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5/1/1946
 
Bản sắc lệnh chỉ rõ “tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và những người trí óc không bình thường”. Chính phủ lâm thời ấn định ngày 6/1/1946, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.
 
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân được đi thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, cử tri cả nước nô nức chuẩn bị đi bầu cử đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Tuy nhiên, một mặt đây là lần đầu tiên nhân dân lao động Việt Nam được đi bỏ phiếu bầu cử, mặt khác lại bị các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước chống phá, đe dọa nên công việc bầu cử gặp rất nhiều trở ngại.
 
Chúng kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nên công tác vận động cử tri yên tâm, tin tưởng đi đến các thùng phiếu bầu cử có ý nghĩa sống còn đối với chính quyền cách mạng.
 
Trong bối cảnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích rõ cho đồng bào: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ đoàn kết” (Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4, NXBCTQG, Hà Nội1995, tr133).
 
Trước bầu cử một ngày (tức ngày 5/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình… ngày mai dân ta sẽ lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước…
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do” (Theo Báo Nhân Dân, số ra ngày 6/1/2001).
 
Sáng ngày 6/1/1946, Báo Cứu Quốc ra số đặc biệt long trọng đưa tin lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta hãy nghỉ việc, để đến trước thùng phiếu. Chúng ta hãy thúc những người lừng khừng đến trước thùng phiếu, chúng ta hãy tỉnh táo để kiểm điểm công tác của uỷ ban khu mình đấy là một cách bảo vệ quyền hạn của mình. Đến khi đóng hoặc mở thùng phiếu, chúng ta hãy đòi cho được sự phân minh. Ngay cả ở lần viết hộ, chúng ta cũng nên có mặt để xem xét.
Có quyền mà không tìm cách dùng quyền cho sáng suốt, ấy là tự mình huỷ quyền của mình.
Hỡi các bạn cử tri, ta chớ quên điều ấy”.
 
Thấm nhuần những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cử tri cả nước đã hưởng ứng mạnh mẽ đến các thùng phiếu để thực hiện quyền công dân. Ngày 6/1/1946, thực sự là ngày hội của toàn dân, bất chấp sự đe doạ và những hành động phá hoại, có nơi hòm phiếu phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tránh sự khủng bố của kẻ thù.
 
Nhiều hình ảnh cảm động đã diễn ra trong ngày bầu cử, Ban tổ chức đưa hòm phiếu đến bệnh viện để phục vụ cử tri, có cụ già mù loà đã bảo con cháu đưa đi bầu cử. Cuộc bầu cử tại Nam Bộ và Nam Trung Bộ diễn ra dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù nhưng vẫn không ngăn cản được ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta.
 
Kết quả là có 89% cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu từ 3 miền Bắc Trung Nam đại diện cho sức mạnh của toàn dân tộc. 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng, 10 đại biểu là nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số.
 
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, đánh dấu mốc phát triển trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ trên đất nước Việt Nam.
 
Qua thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và qua một số lời kêu gọi, vận động bầu cử của Bác Hồ cho phép ta có điều kiện suy ngẫm về tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
 
Bùi Ngọc Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét