Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN NĂM 1946 – MỘT MỐC SON LỊCH SỬ CỦA THỂ CHẾ DÂN CHỦ VIỆT NAM


CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN NĂM 1946 – MỘT
MỐC SON LỊCH SỬ CỦA THỂ CHẾ DÂN CHỦ VIỆT NAM
TRƯƠNG ĐẮC LINH *
· TS. Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Quốc hội đó là cơ quan có quyền lực tối cao của nhân dân sẽ cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ [1]. Vượt lên muôn vàn khó khăn của thù trong, giặc ngoài với những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam, cũng như giặc đói, giặc dốt...là di chứng của chế độ thực dân đế quốc để lại, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công, một cuộc bầu cử thật sự tự dothật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, việc nghiên cứu để kế thừa và phát triển những quy định của các sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử và thực tiễn tổ chức cuộc Tổng tuyển cử này trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị nói chung, đổi mới chế độ bầu cử ở nước ta hiện nay nói riêng là rất cần thiết và có ý nghĩa.
1. Những sắc lệnh đầu tiên về Tổng tuyển cử là cơ sở pháp lý nền tảng của một chế độ bầu cử thực sự tự do, thực sự dân chủ
Sau khi quyết định tổ chức tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã khẩn trương xây dựng và ban hành gần một chục sắc lệnh về bầu cử nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử được tự do, dân chủ. Cùng với việc ban hành các sắc lệnh về Tổng tuyển cử, Chính phủ lâm thời cũng công bố bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên để nhân dân tham gia ý kiến [2]Nghiên cứu các quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, Trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn đang chồng chất lại dám quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ và sớm ban bố những sắc lệnh về Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp như nước Việt Nam ta hồi bấy giờ [3].
Điều này thể hiện ở chỗ: chỉ một ngày sau khi tuyên bố Độc lập, Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử. năm ngày sau đó, ngày 8/9/1945 ban hành Sắc lệnh đầu tiên (SL số 14) để chính thức ấn định sau 2 tháng sẽ mở cuộc tổng tuyển cử. Ngày 26/9/1945, ban hành Sắc lệnh số 39 về lập một Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyền cử [4]. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi Uỷ ban này đã soạn thảo xong bản dự thảo để Chính phủ chính thức ban hành Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về Thể lệ Tổng tuyển cử với những quy định thật sự tự do, thật sự dân chủ và kèm theo Sắc lệnh này là Bảng ấn định số đại biểu các tỉnh và thành phố được bầu. Ngày 2/12/1945, Chính phủ ban hành tiếp Sắc lệnh số 71 và Sắc lệnh số 72 để sửa đổi, bổ sung Sắc lệnh 51 về thủ tục ứng cử; bổ sung số đại biểu được bầu cho một số tỉnh để nâng tổng số đại biểu Quốc hội lên 330 đại biểu. Để tạo điều kiện cho những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử có đủ thời gian ứng cử và vận động tuyển cử, ngày 18/12/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 76 quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày6/1/1946[5] v.v.
Cũng cần phải nói thêm rằng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử, thấy một số người tỏ vẻ lo lắng cuộc Tổng tuyển cử sẽ không có kết quả, do trình độ nhân dân lúc bấy giờ quá thấp, Bác Hồ với lòng tin tuyệt đối vào nhân dân, đã khẳng định: nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định thành công [6].
Hai là, Các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã có những quy định thể hiện một cách triệt để nội dung, yêu cầu nguyên tắc tự do bầu cử, ứng cử của công dân.
Điều 2 Sắc lệnh 14 và Sắc lệnh 51 quy định rõ: "Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ đều có quyền bầu cử và ứng cử...". Nguyên tắc tự do bầu cử trong cuộc Tổng tuyển cử được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích trên báo Cứu Quốc ngày 30/12/1945: "... hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó"[7].
Trong các quyền bầu cử và ứng cử, quyền tự do ứng cử của công dân là đặc biệt quan trọng. Điều 11 Sắc lệnh 51 ngày 17/10/1945 quy định: chậm nhất là 15 ngày trước ngày bỏ phiếu, công dân có quyền bầu cử muốn ứng cử chỉ cần gửi thẳng đơn ứng cử lên UBND tỉnh (hay thành phố) nơi mình ra ứng cử kèm theo giấy chứng nhận của UBND nguyên quán hoặc nơi trú ngụ là đủ điều kiện ứng cử. Còn Điều 12 Sắc lệnh 51 quy định: Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi. Hơn thế nữa, do giao thông khi đó đi lại khó khăn, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công dân có quyền bầu cử thực hiện được quyền tự do ứng cử, Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 còn sửa đổi quy định Điều 11 Sắc lệnh 51 nói trên để người ứng cử chỉ cần "gửi đơn ứng cử cho UBND nơi mình trú ngụ" và "yêu cầu UBND ấy điện cho UBND tỉnh (thành phố) nơi mình xin ứng cử " thì đã được đưa tên vào danh sách ứng cử của tỉnh hoặc thành phố đó. Còn đơn và giấy chứng nhận đủ điều kiện ứng cử sẽ do UBND nơi trú ngụ chuyển sau cho UBND tỉnh, thành phố. Có lẽ từ trước đến nay, chưa ở đâu và chưa bao giờ pháp luật bầu cử lại có quy định về thủ tục ứng cử đơn giản, thuận lợi và độc đáo như quy định này của Sắc lệnh số 71 ngày 2/12/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành.
Đặc biệt, khi thấy có những nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không đủ thì giờ để nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76 của Chính phủ lâm thời quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/ 1/1946 và quy định hạn nộp đơn ứng cử kéo dài đến ngày 27/12/1945 để những người có quyền ứng cử và có nguyện vọng ứng cử đủ thời gian nộp đơn ứng cử và vận động tranh cử.
Nguyên tắc bầu cử tự do còn thể hiện trong các quy định về tự do vận động tranh cử. Sắc lệnh số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử quy định về vận động tuyển cử, trong đó xác định: mọi cá nhân và tổ chức được tự do vận động tuyển cử, nhưng cuộc vận động không được trái với nền Dân chủ cộng hòa. Những cuộc tuyên truyền vận động có tính cách phương hại đến nền độc lập và cuộc trị an đều bị cấm(Điều 3 - Điều 6) v.v.
Những quy định nói trên của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử thể hiện triệt để nguyên tắc tự do bầu cử, là cơ sở pháp lý rất quan trọng bảo đảm cho mọi công dân có quyền bầu cử muốn ứng cử đều có thể thực hiện được trực tiếp và dễ dàng quyền tự do ứng cử, tự do vận động tranh cử của mình. Chính vì vậy nguyên tắc này đã đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động của một cuộc Tổng tuyển cử thực sự tự do, thực sự dân chủ. Điều này cũng lý giải tại sao trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, để bầu được 333 đại biểu đã có hàng nghìn người ứng cử và ở mỗi đơn vị bầu cử (tỉnh hay thành phố), số ứng cử viên nhiều hơn gấp nhiều lần số đại biểu cần bầu. Ví dụ, ở thành phố Hà Nội (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử), được bầu 6 đại biểu nhưng có tới 74 người ứng cử.
Ba làCác sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta thể hiện triệt để ngay nội dung, yêu cầu các nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Nguyên tắc bầu cử phổ thông đầu phiếu trong cuộc tổng tuyển cử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945: "Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền bầu cử và ứng cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...". Nguyên tắc này được chính thức quy định tại Điều 2 Sắc lệnh số 14 và Sắc lệnh số 51.
Mục đích của nguyên tắc bầu cử phổ thông là nhằm thu hút tuyệt đại đa số dân cư ở trong nước đạt đến độ tuổi trưởng thành nhất định theo quy định của pháp luật tham gia vào bầu cử. Nhưng điểm độc đáo của việc áp dụng triệt để nội dung, yêu cầu của nguyên tắc này trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta là pháp luật không chỉ bảo đảm quyền bầu cử cho những người đang là công dân Việt Nam, mà còn bảo đảm cho cả những người nước ngoài đã sống lâu năm ở Việt Nam, tỏ lòng trung thành với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và có mong muốn được tham gia Tổng tuyển cử cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ thực hiện quyền bầu cử. Vì vậy, ngày 7/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 73 quy định điều kiện, thủ tục cho người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam để họ trở thành công dân Việt Nam, được hưởng quyền bầu cử. Điều đặc biệt đáng lưu ý là thủ tục nhập quốc tịch nếu theo Điều 4 Sắc lệnh số 73 thì đơn xin nhập quốc tịch phải qua UBND tỉnh, rồi chuyển tiếp cho Ủy ban kỳ, sau đó được chuyển cho Bộ Tư pháp xem xét và quyết định. Nhưng Điều 5 của Sắc lệnh 73 quy định: "những người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà được Ủy ban nhân dân tỉnh thấy có đủ điều kiện và ưng nhận, thì được hưởng ngay quyền bầu cử và ứng cử, không phải chờ sắc lệnh cho nhập quốc tịch Việt Nam".
Về nguyên tắc bầu cử bình đẳng: Trong các nguyên tắc cơ bản về quyền con người nói chung, về quyền bầu cử nói riêng, nguyên tắc bình đẳng là quan trọng nhất. Sắc lệnh về Tổng tuyển cử quy định nguyên tắc bầu cử bình đẳng, nhất là bình đẳng nam nữ về quyền bầu cử, ứng cử ngay trong những ngày đầu tiên của nền Cộng hòa dân chủ nhân dân ở nước ta có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì như chúng ta đã biết, Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ đưa ra tuyên bố bất hủ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được...”. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng khẳng định một điều không ai có thể chối cãi được: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Nhưng chế độ bầu cử ở một số nước trước đây suốt một thời gian dài cả hàng trăm năm sau những tuyên bố "bất hủ" này về quyền bình đẳng đã phân biệt về giới tính để tước đoạt quyền bầu cử, ứng cử của phụ nữ. Nước Mỹ, mãi năm 1920 Hiến pháp mới quy định cho phụ nữ có quyền bầu cử; còn quyền bầu cử của phụ nữ nước Anh là năm 1928, Italia năm 1945. Nước Pháp từng tự xưng là đi "khai hóa văn minh" cho các nước khác, trong đó có Việt Nam, nhưng trước năm 1946 phụ nữ Pháp cũng không được hưởng quyền bầu cử. Thậm chí, phụ nữ Thuỵ Sĩ phải mãi đến năm 1971 mới được hưởng quyền bầu cử... Cho nên nguyên tắc bầu cử bình đẳng không phân biệt nam nữ mà các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã quy định càng có ý nghĩa và giá trị tiến bộ, nhân văn sâu sắc hơn. Khi mà ở nước ta hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến với lễ giáo "tam tòng" [8], người phụ nữ không có địa vị gì, cả trong xã hội cũng như trong gia đình, nay được hưởng ngay quyền bầu cử, ứng cử như nam giới. Chính nguyên tắc bầu cử bình đẳng không phân biệt nam nữ này đã nâng địa vị người phụ nữ Việt Nam lên ngang hàng với nam giới và sánh vai cùng phụ nữ các nước có nền pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời.
Để bảo đảm nguyên tắc bầu cử bình đẳng, pháp luật về Tổng tuyển cử quy định rõ: Mỗi cử tri chỉ được đi bầu một nơi hoặc ở nguyên quán, hoặc ở một nơi mà cử tri đã trú ngụ ít nhất là 3 tháng tính đến ngày bầu cử (Điều 17 SL 51). Đơn vị bầu cử được xác định là tỉnh hoặc thành phố [9], số đại biểu một tỉnh (hay thành phố) căn cứ vào dân số của tỉnh (hay thành phố) đó để ấn định và cử tri sẽ bầu thẳng các đại biểu trong một danh sách chung các ứng cử viên của tỉnh hay thành phố. Người ứng cử được tự do ứng cử nơi mình chọn lấy nhưng chỉ một nơi ấy thôi. Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, nếu người ứng cử nào ứng cử nhiều nơi hoặc khai gian những giấy chứng thực về điều kiện ứng cử sẽ bị phạt ...(Điều 7 - Điều 12 SL 51).
Những quy định này thể hiện triệt để nguyên tắc bầu cử bình đẳng, đặc biệt là quyền bình đẳng của những người ứng cử (dù là Chủ tịch Chính phủ lâm thời hay một công dân bình thường) trong việc tự mình lựa chọn một và chỉ một đơn vị bầu cử để ứng cử mà thôi [10]. Không ai có quyền sắp xếp, bố trí các ứng cử viên vào đơn vị bầu cử này hay đơn vị bầu cử khác và do vậy cũng không có ứng cử viên nào cảm thấy mình chỉ là người "lót đường" cho các ứng cử viên khác "sáng giá" hơn.
Nguyên tắc bầu cử trực tiếp được quy định trong sắc lệnh về Thể lệ Tổng tuyển cử rất cụ thể, rõ ràng chứ không phải chỉ quy định chung chung bằng cách nêu tên của nguyên tắc này. Vì Điều 31 Sắc lệnh số 51 về Thể lệ tổng tuyển cử quy định: "Mỗi cử tri phải thân hành đi bầu, không đượcủyquyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư". Chính những quy định cụ thể, rõ ràng này là một trong những lý do giải thích vì sao cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 nguyên tắc này đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Ở những nơi tổ chức bầu cử khó khăn do thực dân Pháp và bọn Việt gian chống phá bầu cử, ngăn cản không cho cử tri đi bầu thì tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử không cao, thậm chí có địa phương tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu chỉ đạt 65 - 75 % số người có quyền bầu cử.
Nguyên tắc bỏ phiếu kín cũng được quy định khá độc đáo và cụ thể để bảo đảm bí mật, an toàn và tự do ý chí của cử tri. Để giúp những cử tri không biết chữ thực hiện được quyền bầu cử, Sắc lệnh số 51 quy định: trước khi bắt đầu bỏ phiếu, sẽ lập một tiểu ban 3 người (một người của ban phụ trách cuộc bầu cử, hai người do dân làng, tỉnh lỵ (hay khu phố) cử ra viết giúp cho người đi bầu, một người viết, hai người kiểm tra. Khi viết xong, tiểu ban đó phải tuyên thệ trước mặt các người đi bầu rằng: viết đúng theo lời người đi bầu và giữ bí mật (Điều 36 – Điều 38 Sắc lệnh 51) v.v. Có thể khẳng định rằng những quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta đã thể hiện rõ ràng, cụ thể và triệt để những nội dung, yêu cầu của các nguyên tắc bầu cử dân chủ và tiến bộ: nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Bốn là, các quy định của các sắc lệnh về Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta năm 1946 rất cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu, dễ nhớ. Hầu hết những quy định này của các sắc lệnh là có hiệu lực trực tiếp, có thể thực hiện được ngay, không cần phải chờ đợi những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đây chính là điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm cho pháp luật bầu cử sớm đi vào cuộc sống, để chúng ta có thể tổ chức được cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 sau hơn 4 tháng nước nhà giành được Độc lập.
2. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946 thực sự tự do, thực sự dân chủ, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập và xây dựng chế độ mới - chế độ dân chủ cộng hòa
Xây dựng và ban hành các sắc lệnh về Tổng tuyển cử với những quy định tự do, dân chủ và tiến bộ như trên đã là khó và có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng tổ chức cuộc tổng tuyển cử sao cho thực sự tự do, thực sự dân chủ, biến các quy định của pháp luật bầu cử tự do, dân chủ đó thành hiện thực trong cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều. Nhất là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức khi mà thù trong, giặc ngoài đe dọa, chống phá, tình hình đất nước ở thế như "ngàn cân treo sợi tóc", hơn 90 % nhân dân bị mù chữ... mà cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 vẫn diễn ra thật sự tự do, thật sự dân chủ và thành công phải được coi như một kỳ tích và là một mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Vì: Ở miền Bắc, từ vĩ tuyến 16 trở ra, từ giữa tháng 9 năm 1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân đồng minh tràn sang giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là cướp bóc và nuôi dưỡng, câu kết với các thế lực phản động, - đảng Việt Quốc, Việt Cách, để chống phá điên cuồng Tổng tuyển cử. Ngày ngày chúng ôm súng canh gác các đường, các chợ, dọa nạt cử tri, âm mưu bắt cóc, ám sát các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu. Ngay ở Hà Nội, chúng mang cả tiểu liên đến Ngũ Xá ngăn không cho đặt hòm phiếu, chúng cấm cả nhân dân treo cờ. Ở tỉnh Phú Thọ, đêm 4/1/1946, chúng cho người xuống nhà dân thu thẻ cử tri, sai người tháo dỡ khẩu hiệu, áp phích... Ngoài ra, nạn đói khủng khiếp do thực dân pháp và phát xít Nhật gây ra làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta từ Quảng Trị trở ra Bắc bộ vẫn chưa dứt hẳn. Ở Miền Nam, từ vĩ tuyến 16 trở vào, quân đội Pháp được nửa vạn quân đội Anh yểm hộ đã quay trở lại đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ, cực nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ở những nơi này, chúng dùng quân đội, cảnh sát, mật thám khủng bố nhân dân, cướp của, đốt nhà hòng ngăn cản tổ chức Tổng tuyển cử...[11]
Ngoài thù trong, giặc ngoài là "giặc dốt" với hơn 90 % đồng bào ta bị mù chữ, "là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị nhân dân ta[12], cũng là kẻ thù gây không ít khó khăn trở ngại cho cuộc Tổng tuyển cử. Do trình độ dân trí chưa cao, hơn nữa đây lại là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên chúng ta tiến hành phổ thông đầu phiếu, bầu cử ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, nên nhân dân còn có nhiều bỡ ngỡ... Thật hiếm có cuộc bầu cử nào được tổ chức trong tình thế hiểm nghèo và những khó khăn chồng chất như cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên này.
Để cuộc Tổng tuyển cử thực sự dân chủ, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử là rất quan trọng nhằm giúp cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về các quy định của pháp luật bầu cử... để động viên nhân dân đi bầu cử nhiều nhất, sớm nhất. Cuộc vận động và tuyên truyền về Tổng tuyển cử diễn ra sôi nổi và phong phú khắp cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các báo Cứu Quốc, Sự Thật giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập. Ðặc biệt, tờ Nhật báo Quốc hội, xuất bản ở Hà Nội, là tờ báo chỉ ra trong thời kỳ Tổng tuyển cử nhằm mục đích nêu rõ giá trị của cuộc Tổng tuyển cử, giới thiệu khả năng, thành tích và chương trình của những người ứng cử... Danh sách những người ứng cử ở các tỉnh, thành phố cũng được công bố công khai để nhân dân tự do tìm hiểu, lựa chọn khi bầu. Từ nhiều tháng trước ngày bầu cử, các cán bộ Việt Minh ở cấp cơ sở còn trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến nhân dân những kiến thức cơ bản nhất về Quốc hội, về quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Cách tuyên truyền, vận động bầu cử cũng độc đáo, sáng tạo. Có nơi cán bộ phải ở cùng với dân cả khi làm đồng, cả khi xay lúa, lấy bèo, dạy chữ..., cả ngày cũng như đêm, giải thích đi, giải thích lại một cách cụ thể và dễ hiểu cho đồng bào về Quốc hội, về tầm quan trọng của Tổng tuyển cử, về quyền bầu cử, ứng cử ...của công dân. Cụ Nguyễn Văn Tố (nguyên là Chủ sự Trường Viễn đông bác cổ, đang là Bộ trưởng Chính phủ lâm thời), trả lời phỏng vấn của báo Cứu quốc về cảm tưởng của cụ trước cuộc Tổng tuyển cử khi đó cho biết: "Tôi vừa có dịp đi thăm nhiều vùng quê... Tôi ngạc nhiên nhận thấy dân trí của dân ta đã lên cao đến một bậc trước chưa dám mong được thế", "... ai cũng luôn nhắc đến chữ Độc lập và hiểu cái quyền của mình lắm và chắc hẳn là biết dùng cái quyền của mình một cách sáng suốt[13]. Còn về sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực chính trị phản động đối với cuộc Tổng tuyển cử, thì câu trả lời của ông Ngô Xuân Diệu (nhà thơ) cho báo này là rõ ràng: "Chính quyền của nhân dân, nhân dân sẽ giữ chặt lấy... Những bọn cố giật lại sẽ chỉ tự sát. Bánh xe lịch sử sẽ nghiến nát chúng. Rõ ràng là chó cứ sủa, đoàn người vẫn cứ đi” [14]. Giải thích lý do tại sao lại ra ứng cử, bác sỹ Tôn Thất Tùng cho biết: "Tôi lấy làm lạ cho thái độ lãnh đạm của một số anh em trí thức đối với cuộc Tổng tuyển cử này. Họ làm như việc của nước mình là việc của nước nào ấy. Tôi từ trước vẫn ở yên trong địa hạt chuyên môn của tôi, không tham dự gì vào đời sống chính trị, nhưng bây giờ tôi thấy phải có bổn phận phải ra ứng cử” để "có thể giúp ích đôi chút bằng công việc chuyên môn của tôi” và cũng chính là "muốn phản đối thái độ hờ hững, lạnh lùng của bọn trí thức nói trên” [15]... Điều này giải thích tại sao trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, để bầu được 333 đại biểu đã có hàng nghìn người hăng hái tham gia ứng cử và ở mỗi đơn vị bầu cử số ứng cử viên nhiều hơn gấp nhiều lần số đại biểu được bầu. Ví dụ, ở tỉnh Quảng Nam được bầu 15 đại biểu nhưng có đến 78 người ứng cử [16]. Hay ở thành phố Hà Nội (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử) được bầu 6 đại biểu nhưng có 74 người ứng cử ở thành phố này [17]. Các ứng cử viên cũng có các hình thức tiếp xúc với cử tri và vận động bầu cử khác nhau. Ở một số địa phương, nhân dân còn nghĩ ra những bài ca, bài vè, câu đối ... để giới thiệu người ứng cử cho cử tri dễ nhớ tên các ứng cử viên cần bầu [18].
Ngày 5/1/1946, trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá [19], hướng về các cử tri, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy".[20] Ngày 5-1-1946, trước Tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: "Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ", "là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn". Vì thế mà "Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do"[21].
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Trong những vùng bị địch tạm chiếm đóng, nhân dân tập trung bỏ phiếu, quân Pháp kéo đến khủng bố, nhân dân phải mang thùng phiếu chạy đến một nơi khác và tiếp tục bỏ phiếu. Như ở xã Mỹ Hòa tỉnh Cần Thơ, trong ngày bầu cử, nhân dân phải di chuyển 4 lần đến 4 địa điểm khác nhau để hoàn thành việc bỏ phiếu. Hay như ở Buôn Krong tỉnh Đắk Lắk, nhân dân tập trung ở nhà già làng để bỏ phiếu, địch tới bao vây, nhân dân chạy sâu vào rừng, địch lại tấn công vào rừng, nhân dân đi sâu vào khe suối, mang theo cả gạo ăn để bỏ phiếu [22]. Ở tỉnh Phú Thọ, có cụ già hơn 80 tuổi đi bộ từ sáng đến tối, vượt qua cả cánh rừng để đến điểm bầu. Khi đến nơi cụ xòe tay ra, tờ thẻ cử tri nhàu nát vì cụ giữ nó quá chặt. Ở nhiều nơi, sau khi công khai kiểm tra thùng phiếu, hàng loạt thùng phiếu được khoan lỗ để bắt vít dính chặt xuống mặt bàn nhằm bảo vệ thùng phiếu, đề phòng kẻ gian cướp thùng phiếu [23]... Trong cuộc Tổng tuyển cử này đã có không ít những lá phiếu nhuốm máu cả người đi bầu, cả người tổ chức bầu cử. Ở Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên... quân đội Pháp đã ném bom, bắn phá, làm một số người chết và bị thương. Chỉ riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 42 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử [24].
Từ trước đến nay, thật hiếm có cuộc bầu cử nào lại diễn ra như cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 ở nước ta. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam. Cụ thể là: tính chung cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 SL số 51 về Thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số [25].
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của kiếp tôi đòi đã trở thành "chủ nhân ông" một nước tự do độc lập, đã khẳng định với thế giới rằng: nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập, có quyền và đã thực sự có đủ khả năng để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ mới, chế độ Cộng hòa dân chủ nhân dân và hiện nay là CHXHCN Việt Nam.


[1] Xem: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.4, tr. 8, tr. 133; Sắc lệnh số 14 ngày8/9/1945 vềTổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.
[2] Dự thảo Hiến pháp này được soạn thảo bởi Ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người (Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì) thành lập theo Sắc lệnh ngày 20/9/1945, tháng 11/1945 Dự thảo Hiến pháp được công bố để lấy ý kiến nhân dân.
[3] Xem: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ với Quốc hội và bản Hiến pháp đầu tiên của VNDCCH trong Hiến pháp năm 1946 và sự kế thừa, phát triển trong các Hiến pháp Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1997, tr. 18; Lâm Quang Thự, - Người con đất Quảng. Nxb Đà Nẵng và Hội khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng, 2005, tr. 179.
[4] Theo Điều 1 SL số 39 ngày 26/9/1945, Uỷ ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử gồm có 9 vị đại biểu của Văn hóa, Thanh niên, công nhân, Nông dân và Phụ nữ cứu quốc là các Ông: Trần Huy Liệu, Vũ Đình Hòe, Cù Huy Cận, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Hữu Đặng, Lê Văn Giang, Nguyễn Văn Chức, Nguyễn Hữu Tiêu và Cô Tám Kinh.
[5] Điều 1 Sắc lệnh 51 ngày 17/10/1945 trước đây định tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày 23/12/945.
[6] Xem: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr. 8.
[7] Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.4, tr. 133.
[8] "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" được hiểu là người phụ nữ khi còn ở nhà phải phục tùng cha, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng chết thì phải theo con.
[9] Theo Điều 8 SL 51,6 thành phố Hà Nội , Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Sài Gòn, Chợ Lớn cũng được xác định là những đơn vị bầu cử như các tỉnh.
[10] Theo cụ Lâm Quang Thự (đại biểu Quốc hội khoá I): Trong cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946, nhiều địa phương đồng bào viết thư đề nghị Hồ Chủ tịch không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước sẽ bỏ phiếu cử Người vào Quốc hội, ai cũng muốn ghi tên Bác đầu tiên trên lá phiếu của mình. Hồ Chủ tịch đã viết một bức thư ngắn trả lời đề nghị này: "Tôi là một công dân của nước Việt Nam DCCH nên tôi không thể vượt qua khỏi thể lệ tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác". Xem: Lâm Quang Thự,Sđd, tr. 181.
[11] Xem: Lâm Quang Thự, Sđd, tr. 180; Dân chủ quá mới mẻ. Hồi ức của ông Nguyễn Thiện Ngữ, đại biểu Quốc hội khoá I , Báo Tuổi Trẻ điện tử, ngày7/01/2006.
[12] Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, T.4, tr. 8.
[13] Xem: Tờ Cứu quốc phỏng vấn ứng cử viên ĐBQH khoá đầu tiên. VietNamNet, 01/01/2006
[14] Xem: Tờ Cứu quốc phỏng vấn ứng cử viên ĐBQH khoá đầu tiên. VietNamNet, 01/01/2006.
[15]Xem: Tờ Cứu quốc phỏng vấn ứng cử viên ĐBQH khoá đầu tiên. VietNamNet, 01/01/2006.
[16]Xem: Lâm Quang Thự, Sđd, tr. 182.
[17]Xem: Lê Mậu Hãn, Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 - một mốc son lịch sử nhảy vọt về thể chế dân chủ. Báo Nhân dân, ngày 8/12/2005.
[18]Ví dụ, ở tỉnh Thừa Thiên được bầu 5 đại biểu, có bài giới thiệu về 5 người như sau: "Cách mạng Hoàng Anh, Học hành Trọng Tuyến, Công chánh Đăng Khoa, Cà sa Mật Thể, Y tế Kim Chi"; Hoặc ở tỉnh Quảng Nam được bầu 15 đại biểu trên tổng số 78 người ra ứng cử, có bài ca giới thiệu 14 người ứng cử (của Việt Minh) như: " Tổng tuyển cử đã tới rồi; Vì quyền, vì lợi mấy lời xin ghi; Trung bộ có anh Trần Đình Tri; Anh Lê Văn Hiến vậy thì đồng song; Phan Bôi một dạ một lòng; Anh Huỳnh Ngọc Huệ cũng dòng đấu tranh...; Đồng bào thận trọng lá thăm". Xem: Lâm Quang Thự , Sđd, tr. 181-182.
[19] Nay là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
[20] Hồ Chí Minh, Sđd, T.4, tr. 147.
[21] Hồ Chí Minh, Sđd, T.4, tr. 145
[22] Xem: Lâm Quang Thự , Sđd, tr. 180.
[23] Xem Hồi ức của ông Nguyễn Thiện Ngữ..., Báo Tuổi Trẻ, ngày7/01/2006.
[24] Trích Bài phát biểu của ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM tại buổi họp mặt các thế hệ đại biểu Quốc hội kỷ niệm 60 năm Quốc hội VN tổ chức ngày 3/1/2006 tại TP.Hồ Chí Minh
[25] Xem: PGS. Lê Mậu Hãn. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 - một mốc son lịch sử nhảy vọt về thể chế dân chủ, Báo Nhân dân, ngày 8-12-2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét