Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Văn kiện Đại hội lần thứ chín (2001), phần 1


1. Diễn văn khai mạc Đại hội
(Do đồng chí Trần Đức Lương, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, đọc sáng ngày 19 - 4 - 2001)


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị khách quý,

Thưa Đại hội,



Hôm nay, ngày 19-4-2001, chúng ta trọng thể tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, tôi xin gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất đến 1.168 đại biểu, những đảng viên ưu tú được bầu ra từ Đại hội Đảng các cấp, tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh chính trị và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng. Các đại biểu đã mang đến Đại hội ý chí, niềm tin và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong một thời điểm lịch sử trọng đại, cả dân tộc vững bước tiến vào thế kỷ XXI dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đại hội chúng ta nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn các đoàn đại biểu quốc tế đã mang đến cho chúng ta tình hữu nghị thắm thiết, tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác tin cậy lẫn nhau cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Đại hội nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Cố vấn, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đại biểu của công nhân, nông dân, trí thức, các nhân sĩ đã cống hiến rất quý báu cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Đại hội nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đại diện cho thế hệ trẻ đầy ý chí và giàu tài năng của đất nước.
Với niềm tự hào và kính yêu vô hạn, Đại hội chúng ta thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc, Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà Văn hoá kiệt xuất của thế giới, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản vô cùng quý giá là Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin hợp thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Trong thời điểm trọng đại này, mỗi đảng viên của Đảng khắc ghi lời căn dặn của Người: "Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".


Đại hội chúng ta dành phút mặc niệm tưởng nhớ những đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu quý đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tưởng nhớ các đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư, đồng chí Phạm Văn Đồng, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị Đoàn Khuê, Nguyễn Đình Tứ, các đồng chí Uỷ viên Trung ương Nguyễn Văn Rốp, Đinh Hữu Khoá, Bùi Hữu Hải, Hoàng Thừa, Đào Trọng Lịch, Lê Văn Tu, Lương Công Đoan, Võ Nhân Huân đã từ trần từ sau Đại hội VIII (phút mặc niệm bắt đầu).
Kính thưa Đại hội,
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng họp vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Loài người đã kết thúc thế kỷ XX và bước sang thế kỷ XXI. Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam đã đi qua một thế kỷ đấu tranh gian nan, oanh liệt giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thế kỷ XX là thế kỷ của những chiến công hiển hách và thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam á; đó là thắng lợi vĩ đại của các cuộc kháng chiến thần thánh đánh thắng những tên thực dân đế quốc hung hãn, giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Những thắng lợi to lớn của sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh, của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong những năm qua đã tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, tạo ra điều kiện tiền đề rất quan trọng để dân tộc ta bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ mới, cách mạng nước ta vừa đứng trước thời cơ vận hội lớn, vừa phải đối mặt với những ngưy cơ, thách thức lớn không thể xem thường. Nắm bắt cơ hội, tận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thách thức với tinh thần cách mạng tiến công đưa cách mạng Việt Nam tiến lên mạnh mẽ, đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chúng ta trong thời kỳ mới.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng có nhiệm vụ lịch sử: nhìn lại chặng đường 71 năm cách mạng Việt Nam, đi sâu tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Đại hội cũng có nhiệm vụ kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, vạch ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng ta ngang tầm với đòi hỏi của dân tộc trong thời kỳ mới; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, có đủ trí tuệ và năng lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX.
Kính thưa Đại hội,
Từ nhiều tháng nay, các địa phương, đơn vị trong cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã sôi nổi thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội. Đặc biệt là sự đóng góp đầy tâm huyết của các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội. Các văn kiện trình Đại hội Đảng hôm nay là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Đại hội chúng ta biểu dương những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh và chân thành cảm ơn Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân, giới trí thức, các nhân sĩ, tôn giáo, dân tộc đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về sự đóng góp đầy tâm huyết, trí tuệ cho sự thành công của Đại hội.
Đại hội IX của Đảng là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thể hiện ý chí kiên cường và niềm hy vọng lớn lao của cả dân tộc!
Đại hội IX là mốc son lịch sử đánh dấu thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong tinh thần và niềm tin tưởng sâu sắc đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp. 

2. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam họp từ ngày 19-4-2001 đến ngày 22-4-2001 tại thủ đô Hà Nội

QUYẾT NGHỊ



1- Thông qua Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 và Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 của Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII trình Đại hội; giao cho Ban Chấp hành Trung ương khoá IX căn cứ vào kết quả biểu quyết và những kết luận của Đại hội để hoàn chỉnh và chính thức ban hành.


2- Thông qua toàn văn Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.


3- Giao cho Ban Chấp hành Trung ương khoá IX và các cấp uỷ đảng xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cụ thể, để tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối và những chủ trương đã nêu trong các văn kiện Đại hội.


Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, của toàn Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên trong thế kỷ XXI.


HÀ NỘI, NGÀY 22 THÁNG 4 NĂM 2001

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX

ĐẢNG SẢN VIỆT NAM

3. Kết quả bầu cử
TỔNG BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX

ĐỒNG CHÍ NÔNG ĐỨC MẠNH

TIỂU SỬ TÓM TẮT

Sinh ngày 11-9-1940 tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, xuất thân trong gia đình nông dân, dân tộc Tày; bản thân là công nhân lâm nghiệp.


Tham gia cách mạng năm 1958.


Ngày vào Đảng Cộng sản Việt Nam: 5-7-1963


Ngày chính thức: 10-7-1964.

TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC



1958- 1961: Học trung cấp nông lâm Trung ương Hà Nội

1962- 1963: Công nhân lâm nghiệp, Kỹ thuật viên điều tra trong Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn

1963- 1965: Đội phó đội khai thác gỗ Bạch Thông

1965- 1966: Học tiếng Nga tại Trường Ngoại ngữ Hà Nội

1966- 1971: Sinh viên Học viện Lâm nghiệp Lêningờrát Liên Xô

1972- 1973: Phó Ban Thanh tra Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái

1973- 1974: Giám đốc Lâm trường Phú Lương Bắc Thái

1974- 1976: Học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc

1976- 1980: Tỉnh uỷ viên, PhóTy Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái kiêm Chủ nhiệm Công ty xây dựng lâm nghiệp rồi Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái

1980- 1983: Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái

1984- 10/1986: Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái

11/1986-2/1989: Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái


Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được bầu làm Uỷ viên dự khuyết BCHTW Đảng

3/1989: Tại Hội nghị lần thứ 6 BCHTW (khoá VI) được bầu làm Uỷ viên chính thức BCHTW Đảng

8/1989: Trưởng ban Dân tộc Trung ương

11/1989: Được bầu bổ sung Đại biểu Quốc hội khoá 8 và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

6/1991: Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị

9/1992: Chủ tịch Quốc hội khoá IX

6/1996: Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị

9/1997: Chủ tịch Quốc hội khoá X


Được phân công làm Thường vụ Bộ chính trị(1/1998)

4/2001: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng được bầu vào BCHTW Đảng, được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư BCHTW Đảng









UỶ BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX




1. Đồng chí Lê Hồng Anh


2. Đồng chí Nguyễn Thị Doan


3. Đồng chí Mai Văn Năm


4. Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền


5. Đồng chí Hoàng Kim Sơn


6. Đồng chí Đặng Ngọc Thanh


7. Đồng chí Vũ Quốc Hùng


8. Đồng chí Phạm Chí Hoà


9. Đồng chí Nguyễn Văn Thám



DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX





1. Nguyễn Văn An Trưởng ban Tổ chức TW

2. Lê Hồng Anh Phó chủ nhiệm UBKTTW

3. Lê Thị Bân PBT thường trực TU, CT HĐND tỉnh Tây Ninh

4. Trịnh Long Biên Bí thư Tỉnh uỷ Lai Châu

5. Đào Đình Bình Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng GĐ LHĐSVN

6. Nguyễn Thái Bình Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh

7. Nguyễn Văn Chi Quyền Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ TW

8. Trần Thị Trung Chiến Bộ trưởng-Chủ nhiệm UBDS và KHHGĐ

9. Vũ Tiến Chiến Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái

10. Nguyễn Văn Chiền Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương

11. Hoàng Xuân Cừ BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ

12. Nguyễn Quốc Cường BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang

13. Phan Diễn Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng

14. Nguyễn Thị Doan Uỷ viên UBKTTW

15. Ngô Văn Dụ Phó Văn phòng Trung ương Đảng

16. Lê Văn Dũng Trung tướng, Thứ trưởng Bộ QP-Tổng TMT

17. Hồ Nghĩa Dũng Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Thép VN

18. Nguyễn Tấn Dũng Phó thủ tướng thường trực Chính phủ

19. Đỗ Bình Dương Tổng kiểm toán Nhà nước

20. Mai Thế Dương TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Cạn

21. Huỳnh Đảm PBTTU, Chủ tịch HĐND Tp.HCM

22. Phan Tấn Đạt Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu

23. Nguyễn Văn Đẳng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT

24. Nguyễn Khoa Điềm Bộ trưởng Bộ Văn hoá-thông tin

25. Chamaléa Điêu Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận

26. Nguyễn Văn Được Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5

27. Trương Quang Được Trưởng ban Dân vận TW

28. Lê Nam Giới Bí thư Tỉnh uỷ Cần Thơ

29. Hoàng Trung Hải Thứ trưởng Bộ Công nghiệp

30. Lê Thanh Hải TVTU, Phó chủ tịch thường trực UBND Tp.HCM

31. Trần Mai Hạnh Tổng giám đốc Đài TNVN

32. Nguyễn Đức Hạt BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam

33. Nguyễn Thị Hằng Bộ trưởng Bộ Lao động-thương binh và XH

34. Cù Thị Hậu Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động VN

35. Hà Văn Hiền Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh

36. Vũ Văn Hiền Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng Sản

37. Vũ Văn Hiến Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình VN

38. Nguyễn Minh Hiển Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo

39. Nguyễn Văn Hiện TUV, Chánh án Toà án nhân dân Tp Hà Nội

40. Nguyễn Huy Hiệu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

41. Trương Mỹ Hoa Phó Chủ tịch Quốc hội

42. Trần Hòa BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình

43. Trần Đình Hoan Chánh Văn phòng TW Đảng

44. Hoàng Công Hoàn Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lạng Sơn

45. Hoàng Văn Hon Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình

46. Nguyễn Thị Kim Hồng Phó trưởng Ban Tổ chức TW

47. Lê Doãn Hợp PBTTU, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

48.. Bùi Văn Huấn Thiếu tướng, Phó tư lệnh chính trị QK9

49. Nguyễn Sinh Hùng Bộ trưởng Bộ Tài chính

50. Vũ Quốc Hùng Phó chủ nhiệm thường trực UBKTTW

51. Bùi Quang Huy Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau

52. Bùi Quốc Huy TVTU, Thiếu tướng, Giám đốc Công an Tp.HCM

53. Võ Đức Huy Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi

54. Đinh Thế Huynh Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân

55. Lê Minh Hương Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an

56. Nguyễn Văn Hưởng Thiếu tướng, Tổng Cục trưởng TC An ninh Bộ CA

57. Huỳnh Hữu Kha BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang

58. Phan Văn Khải Thủ tướng Chính phủ

59. Nguyễn Tuấn Khanh PBT thường trực TU, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang

60. Phạm Gia Khiêm Phó thủ tướng Chính phủ

61. Hà Thị Khiết Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN

62. Vũ Khoan Bộ trưởng Bộ Thương mại

63. Nguyễn Đức Kiên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

64. Phan Trung Kiên Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7

65. Vũ Trọng Kim Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị

66. Hoàng Kỳ Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 3

67. Vũ Ngọc Kỳ Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang

68. Phạm Văn Long Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

69. Nguyễn Hữu Luật BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước

70. Trần Đức Lương Chủ tịch Nước

71. Uông Chu Lưu Thứ trưởng Bộ Tư pháp

72. Hồ Xuân Mãn BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế

73. Nông Đức Mạnh Chủ tịch Quốc hội

74. Vũ Mão TVQH, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

75. Đặng Vũ Minh Giám đốc Trung tâm KHTN và CNQG

76. Nguyễn ánh Minh Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận

77. Nguyễn Tuấn Minh PBTTU, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-VT

78. Đỗ Hoài Nam Phó giám đốc TT Trung tâm KHXH và NVQG

79. Mai Văn Năm Phó chủ nhiệm UBKTTW

80. Nguyễn Thị Kim Ngân Thứ trưởng Bộ Tài chính

81. Hồ Tiến Nghị Tổng giám đốc TTXVN

82. Phạm Quang Nghị Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam

83. Lê Hữu Nghĩa Phó Giám đốc Học viện CTQGHCM

84. Hoàng Văn Nghiên PBTTU, Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội

85. Nguyễn Khắc Nghiên Thiếu tướng, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng QK2

86. Lê Huy Ngọ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT

87. Tạ Quang Ngọc Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản

88. Nguyễn Dy Niên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

89. Tráng A Pao Phó trưởng Ban Dân vận TW

90. Nguyễn Tấn Phát Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo

91. Hoàng Văn Phong TUV, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa HN

92. Tòng Thị Phóng Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La

93. Phạm Đình Phú BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên

94. Phùng Hữu Phú Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội

95. Võ Hồng Phúc Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư

96. Giàng Seo Phử BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai

97. Ksor Phước Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai

98. Đỗ Nguyên Phương Bộ trưởng Bộ Y tế

99. Lê Hoàng Quân Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai

100. Hoàng Bình Quân Quyền Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCSHCM

101. Nguyễn Hồng Quân Thứ trưởng Bộ Xây dựng

102. Nguyễn Văn Quân BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long

103. Nguyễn Tấn Quyên Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng

104. Trịnh Trọng Quyền Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá

105. Nguyễn Văn Rinh Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

106. Tô Huy Rứa Bí thư Thành uỷ Hải Phòng

107. Trương Tấn Sang Trưởng ban Kinh tế TW

108. Nguyễn Văn Son Trưởng ban Đối ngoại TW

109. Khuất Hữu Sơn BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tây

110. Sơn Song Sơn TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh

111. Đỗ Trung Tá Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Bưu chính VTVN

112. Lê Thanh Tâm BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An

113. Lê Bình Thanh PBTTU, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

114. Nguyễn Phúc Thanh Phó Chủ tịch Quốc hội

115. Phùng Quang Thanh Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1

116. Quách Lê Thanh BTĐUK Nội chính TW, Phó trưởng ban Nội chính TW

117. Tạ Hữu Thanh Tổng thanh tra Nhà nước

118. Nguyễn Thế Thảo PBTTU, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

119. Dương Mạc Thăng BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng

120. Võ Thị Thắng Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch

121. Đào Trọng Thi Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội

122. Phạm Văn Thọ Phó trưởng Ban Tổ chức TW

123. Nguyễn Thị Hoài Thu Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

124. Niê Thuột TVTU, Thượng tá, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Đắc Lắc

125. Lê Đức Thuý Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN

126. Lê Thế Tiệm Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an

127. Bùi Sĩ Tiếu BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình

128. Nguyễn Văn Tình Đại tá, Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Hải quân

129. Ma Thanh Toàn Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 2

130. Nguyễn Khánh Toàn Thiếu tướng, Thứ trưởng thường trực Bộ CA

131. Phạm Văn Trà Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

132. Hà Mạnh Trí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TC

133. Nguyễn Thế Trị Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng

134. Nguyễn Minh Triết Bí thư Thành uỷ Tp.HCM

135. Nguyễn Đức Triều Chủ tịch Hội Nông dân VN

136. Nguyễn Phú Trọng Bí thư Thành uỷ Hà Nội

137. Trương Vĩnh Trọng Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp

138. Đỗ Quang Trung Bộ trưởng-Trưởng ban Tổ chức cán bộ CP

139. Mai Thế Trung Phó bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương

140. Trần Văn Truyền BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

141. Mai ái Trực Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định

142. Trần Văn Tuấn Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định

143. Phạm Minh Tuyên Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình

144. Trương Đình Tuyển Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An

145. Nguyễn Văn Tự BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hoà

146. Y Vêng PBTTU, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum

147. Hồ Đức Việt Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên

148. Lâm Chí Việt BTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang

149. Hồng Vinh (Nguyễn Duy Lự) Tổng biên tập Báo Nhân Dân

150. Nguyễn Văn Yểu Phó Chủ tịch Quốc hội
Tuổi bình quân: 54.5



4. Phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 là bước mở đầu quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 - Chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI QUA 5 NĂM

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG

LẦN THỨ VIII

Kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 được xây dựng trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1991 - 1995 đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và chuyển sang thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Kế hoạch đặt ra mức phấn đấu cao, thực hiện đồng thời 3 mục tiêu về kinh tế - xã hội: tăng trưởng cao, bền vững và có hiệu quả; ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô; chuẩn bị tiền đề cho bước phát triển cao hơn sau năm 2000, chủ yếu là phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nhất là từ giữa năm 1997 đến năm 1999, tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực, cùng với thiên tai nghiêm trọng liên tiếp xảy ra đã đặt nền kinh tế nước ta trước những thử thách quyết liệt.

Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, duy trì được nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 7%/năm; công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng.

1. Nền kinh tế vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực

1.1. Nổi bật là nông nghiệp phát triển liên tục, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung và giữ vững ổn định kinh tế - xã hội

Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hằng năm 5,7% so với mục tiêu đề ra 4,5 - 5%, trong đó nông nghiệp tăng 5,6%, lâm nghiệp 0,4%, ngư nghiệp 8,4%.

Cơ cấu mùa vụ đã chuyển dịch theo hướng tăng diện tích lúa đông xuân và lúa hè thu có năng suất cao, ổn định. Các loại giống lúa mới đã được sử dụng trên 87% diện tích gieo trồng. Sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân hằng năm trên 1,6 triệu tấn; lương thực bình quân đầu người đã tăng từ 360 kg năm 1995 lên trên 444 kg năm 2000.

Nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến bước đầu được hình thành; sản phẩm nông nghiệp đa dạng hơn. So với năm 1995, diện tích một số cây công nghiệp tăng khá: cà phê gấp hơn 2,7 lần, cao su tăng 46%, mía tăng khoảng 35%, bông tăng 8%, thuốc lá tăng trên 18%, rừng nguyên liệu giấy tăng 66%,... Một số loại giống cây công nghiệp có năng suất cao đã được đưa vào sản xuất đại trà.

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị đất nông nghiệp tăng từ 13,5 triệu đồng/ha năm 1995 lên 17,5 triệu đồng/ha năm 2000.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển. Sản lượng thịt lợn hơi năm 2000 ước trên 1,4 triệu tấn, bằng 1,4 lần so với năm 1995.

Nghề nuôi, trồng và đánh bắt thuỷ hải sản phát triển khá. Sản lượng thủy sản năm 2000 đạt trên 2 triệu tấn so với mục tiêu kế hoạch 1,6 - 1,7 triệu tấn; xuất khẩu đạt 1.475 triệu USD.

Công tác trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng có tiến bộ. Trong 5 năm đã trồng 1,1 triệu ha rừng tập trung, bảo vệ 9,3 triệu ha rừng hiện có, khoanh nuôi tái sinh 700 nghìn ha. Độ che phủ tăng từ 28,2% năm 1995 lên 33% năm 2000.

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2000 đạt 4,3 tỷ USD, gấp hơn 1,7 lần so với năm 1995, bình quân hằng năm chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước; đã tạo được 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo (đứng thứ 2 thế giới), cà phê (đứng thứ 3) và hàng thuỷ sản chiếm 34% trị giá kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Những thành tựu đạt được nêu trên là kết quả thực hiện các chính sách đổi mới về phát triển nông nghiệp và nông thôn, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường.

1.2. Công nghiệp và xây dựng vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được nhiều tiến bộ

Nhịp độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm 13,5%; trong đó công nghiệp quốc doanh tăng 9,5%, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 11,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,8%.

Một số ngành công nghiệp tiếp tục tổ chức và sắp xếp lại sản xuất, lựa chọn các sản phẩm ưu tiên và có lợi thế, có nhu cầu của thị trường để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đạt chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Năng lực sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá: năm 2000 so với năm 1995, công suất điện gấp 1,5 lần (tăng 2.715 MW); xi măng gấp 2,1 lần (tăng 8,7 triệu tấn); phân bón gấp trên 3,0 lần (tăng 1,5 triệu tấn); thép gấp 1,7 lần (tăng 1,0 triệu tấn); mía đường gấp hơn 5 lần (tăng hơn 60.000 tấn mía/ngày).

Sản lượng một số sản phẩm quan trọng tăng nhanh. Năm 2000 so với năm 1995, sản lượng dầu thô gấp 2,1 lần; điện gấp 1,8 lần; than sạch vượt ngưỡng 10 triệu tấn, trong đó xuất khẩu trên 3,0 triệu tấn; thép cán gấp hơn 3 lần; xi măng gấp hơn 2 lần; vải các loại gấp 1,5 lần; giấy các loại gấp 1,7 lần,...

Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp (kể cả tiểu, thủ công nghiệp) tăng nhanh, năm 2000 đạt 10,0 tỷ USD, gấp hơn 3,4 lần năm 1995, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Cơ cấu các ngành công nghiệp đã có chuyển dịch đáng kể, hình thành một số sản phẩm mũi nhọn, một số khu công nghiệp, khu chế xuất với nhiều cơ sở sản xuất có công nghệ hiện đại. Đến năm 2000, công nghiệp khai thác dầu thô, khí tự nhiên và dịch vụ khai thác dầu khí chiếm khoảng 11,2% tổng giá trị sản xuất toàn ngành, công nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống chiếm khoảng 20,0%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước chiếm khoảng 5,4%.

Ngành xây dựng đã tiếp nhận công nghệ xây dựng mới, trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, có thể đảm đương việc thi công những công trình quy mô lớn, hiện đại về công nghệ; năng lực đấu thầu các công trình xây dựng cả trong và ngoài nước được tăng cường.

 Đáp ứng đủ nhu cầu xi măng, tấm lợp; cơ bản đáp ứng được nhu cầu về thép xây dựng thông thường. Một số loại vật liệu xây dựng chất lượng cao (gạch lát nền, gạch ốp lát) sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn châu Âu và khu vực.

1.3. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển trong điều kiện khó khăn hơn trước, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế và phục vụ đời sống

Giá trị các ngành dịch vụ tăng 6,8%/năm.

Thương mại phát triển khá, bảo đảm lưu chuyển, cung ứng vật tư, hàng hoá trong cả nước và trên từng vùng. Thương mại quốc doanh được sắp xếp lại theo hướng nắm bán buôn, tham gia kinh doanh bán lẻ đối với một số mặt hàng thiết yếu; mạng lưới trao đổi hàng hoá với nông thôn, miền núi bước đầu được tổ chức lại. Tổng mức hàng hoá bán lẻ tăng bình quân 6,2%/năm (đã loại trừ yếu tố biến động giá).

Du lịch phát triển đa dạng, phong phú, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Tổng doanh thu du lịch tăng 9,7%/năm.
Dịch vụ vận tải về cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao lưu hàng hoá và đi lại của nhân dân. Khối lượng luân chuyển hàng hoá tăng 12%/năm và luân chuyển hành khách tăng 5,5%/năm.

Dịch vụ bưu chính - viễn thông có bước phát triển và hiện đại hoá nhanh. Giá trị doanh thu bưu điện tăng bình quân hàng năm 11,3%.

Các dịch vụ tài chính, kiểm toán, ngân hàng, bảo hiểm,... được mở rộng. Thị trường dịch vụ bảo hiểm đã được hình thành với sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; dịch vụ tài chính, ngân hàng đã có những đổi mới quan trọng, tăng bình quân hằng năm 7,0%.

Các loại dịch vụ khác như tư vấn pháp luật, khoa học và công nghệ,... bắt đầu phát triển.

1.4. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực

Cơ cấu các ngành kinh tế đã từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP đã giảm từ 27,2% năm 1995 xuống còn 24,3% năm 2000; công nghiệp và xây dựng từ 28,7% tăng lên 36,6% và dịch vụ từ 44,1% năm 1995 còn 39,1%. Mặc dù vậy vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội VIII (cơ cấu vào năm 2000 tương ứng là 19-20%, 34-35% và 45-46%).

Cơ cấu thành phần kinh tế đã có sự dịch chuyển theo hướng sắp xếp lại và đổi mới khu vực kinh tế nhà nước, phát huy tiềm năng khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Đến năm 2000, tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước trong GDP vào khoảng 39%; khu vực kinh tế tập thể 8,5%; khu vực kinh tế tư nhân 3,3%; khu vực kinh tế cá thể 32%; khu vực kinh tế hỗn hợp 3,9% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 13,3%.

Các vùng kinh tế gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, các đô thị, các địa bàn, lãnh thổ, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm ở 3 miền đang được xây dựng và hình thành từng bước.

Đến năm 2000, các tỉnh vùng núi phía Bắc đóng góp khoảng trên 9% GDP của cả nước; vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 19%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung khoảng gần 15%; vùng Tây Nguyên gần 3%; vùng Đông Nam Bộ khoảng 35% và đồng bằng sông Cửu Long khoảng 19%.

Các vùng kinh tế trọng điểm đóng góp khoảng 50% giá trị GDP cả nước; 75-80% giá trị gia tăng công nghiệp và 60-65% giá trị gia tăng khu vực dịch vụ. Nhịp độ tăng trưởng của các vùng trọng điểm đều đạt trên mức trung bình cả nước, đóng vai trò tích cực lôi cuốn và kích thích các vùng khác cùng phát triển.

2. Các cân đối chủ yếu trong nền kinh tế đã được điều chỉnh thích hợp để duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống nhân dân

2.1. Đã cải thiện một bước quan hệ tích luỹ và tiêu dùng theo hướng tăng tích luỹ cho phát triển

Tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP từ 18,2% năm 1995 tăng lên 27% năm 2000. Tổng quỹ tích luỹ tăng bình quân hằng năm trên 9,5%; toàn bộ tích luỹ tài sản so với GDP từ 27,2% năm 1995 được nâng lên 29,5% năm 2000 (bình quân 5 năm 1996 - 2000 là 28,5%).

Tổng quỹ tiêu dùng tăng bình quân hằng năm hơn 5%, tiêu dùng bình quân đầu người tăng hằng năm gần 3,5%.
Tỷ lệ tích luỹ trong tổng tích luỹ - tiêu dùng bình quân 5 năm là 26,8%; riêng năm 2000 khoảng 28,7%, tỷ lệ tiêu dùng tương ứng khoảng 71,3%.

2.2. Các cân đối tài chính - tiền tệ có tiến bộ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và khai thác tốt các nguồn lực

Ngân sách nhà nước bước đầu được cơ cấu lại theo hướng tích cực và hiệu quả hơn.

Việc cải cách thuế giai đoạn 2 và triển khai thực hiện Luật Ngân sách đã góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân hằng năm trên 8,7%, cao hơn mức tăng bình quân GDP; trong đó thu từ thuế và phí chiếm 94,2%; mức động viên bình quân hằng năm bằng 20,3% GDP.

Chi tiêu ngân sách nhà nước được cơ cấu lại theo hướng tiếp tục xoá bao cấp trong chi ngân sách, tăng chi đầu tư phát triển, xoá đói, giảm nghèo, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế...; thu hút thêm nguồn lực của dân cư thông qua việc xã hội hoá một số mặt hoạt động kinh tế, xã hội, nhờ đó nhiều nhu cầu chi được đáp ứng tốt hơn. Tổng chi ngân sách nhà nước bình quân hằng năm bằng khoảng 24,2% GDP; trong đó chi cho đầu tư phát triển tăng bình quân hằng năm khoảng 14,6%, chiếm khoảng 27% tổng chi ngân sách; chi thường xuyên tăng bình quân hằng năm là 6%, chiếm 59%; chi trả nợ, viện trợ hằng năm chiếm khoảng 14%.

Mức bội chi ngân sách bình quân hằng năm khoảng 4% GDP.

Các chính sách tiền tệ, tín dụng tiếp tục được đổi mới; việc điều hành các cân đối tiền tệ theo tín hiệu thị trường bước đầu đạt được các kết quả tích cực. Cơ chế quản lý và điều hành lãi suất ngoại hối, tỷ giá từng bước được đổi mới theo các nguyên tắc của thị trường. Hệ thống ngân hàng bước đầu được chấn chỉnh và đổi mới; các tổ chức tín dụng phát triển, chất lượng và hiệu quả tín dụng được nâng lên. Đã hình thành thị trường tiền tệ liên ngân hàng, bắt đầu áp dụng công cụ thị trường mở và thành lập trung tâm chứng khoán.

Cân đối ngoại tệ được cải thiện, từ chỗ thâm hụt lớn, đến nay, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế đều có kết dư; tuy nhiên chưa thật ổn định, vững chắc.

2.3. Đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn trong nước. Số công trình được đưa vào sử dụng nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trước đây; năng lực của hầu hết các ngành sản xuất, dịch vụ và kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng lên rõ rệt

Tổng nguồn vốn đầu tư xã hội thực hiện trong 5 năm qua khoảng 440 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD (theo mặt bằng giá 1995), tốc độ tăng bình quân 8,6%/năm; trong đó: vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chiếm 22,7%; vốn tín dụng đầu tư chiếm 14,2%; vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chiếm 17,8%; vốn đầu tư của tư nhân và dân cư chiếm 21,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 24%.

Nguồn vốn trong nước đã được khai thác khá hơn, chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư, tạo điều kiện tốt hơn để tập trung đầu tư vào những mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng.

Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội được tập trung cho nông nghiệp khoảng 11,4% so tổng nguồn; các ngành công nghiệp khoảng 43,7%, trong đó đầu tư cho các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chiếm khoảng 30,0% tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp; giao thông vận tải và bưu chính - viễn thông khoảng 15,7%; lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá khoảng 6,7%; các ngành khác (công cộng, cấp thoát nước, quản lý nhà nước, thương mại, du lịch, xây dựng...) khoảng 22,5%.

Do điều chỉnh chính sách và cơ cấu đầu tư, nên quy mô đầu tư ở các vùng đều tăng. So với 5 năm trước, vốn đầu tư cho vùng miền núi phía Bắc gấp trên 1,8 lần, vùng đồng bằng sông Hồng gấp 1,3 lần; vùng Bắc Trung Bộ gấp 1,5 lần; vùng Duyên hải miền Trung gấp 1,7 lần, vùng Tây Nguyên gấp 1,9 lần, vùng Đông Nam Bộ gấp 1,7 lần và vùng đồng bằng sông Cửu Long gấp gần 2 lần.
Riêng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ước thực hiện trong 5 năm (1996-2000) khoảng 100 nghìn tỷ đồng (theo giá 1995), đã tập trung hơn cho lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp khoảng 22,5%; cho công nghiệp 9,5%; cho giao thông vận tải và bưu chính - viễn thông 29,8%; cho khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao 18,7%, cho các ngành khác 19,5%.

Nhờ tăng đầu tư, số công trình được đưa vào sử dụng và năng lực của hầu hết các ngành tăng nhiều, kết cấu hạ tầng có bước phát triển khá, đáp ứng yêu cầu trước mắt và tạo được những năng lực gối đầu cho thời kỳ sau năm 2000:

Các công trình và các tuyến trục giao thông quan trọng, các tuyến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các khu công nghiệp, các vùng kinh tế, các tuyến lên Tây Nguyên, miền núi, các tuyến nằm trong vùng kinh tế trọng điểm,... được tập trung đầu tư nâng cấp, bảo đảm giao thông thông suốt trên cả nước.

Trong 5 năm đã xây dựng mới 1.200 km và nâng cấp 3.790 km đường quốc lộ; sửa chữa phần lớn các cầu yếu trên các tuyến trục giao thông, làm mới 11,5 km cầu; sửa chữa và nâng cấp 200 km đường sắt, khôi phục 8 cầu, với tổng chiều dài là 2.600 m trên tuyến đường sắt Thống Nhất; mở rộng và hiện đại hoá một số cảng biển quan trọng như Hải Phòng, Sài Gòn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn,... nâng tổng năng lực thông qua hệ thống cảng biển lên 45 triệu tấn/năm; nâng cấp các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và một số sân bay nội địa khác, nâng tổng năng lực thông qua hệ thống sân bay lên 6,5 triệu hành khách/năm.

Hệ thống bưu chính - viễn thông có bước phát triển khá, được hiện đại hoá về cơ bản. Tất cả các tỉnh và các huyện được trang bị tổng đài điện tử, được nối với nhau qua các tuyến cáp quang và viba số. Mật độ điện thoại đạt trên 4 máy/100 dân, gấp 22 lần so với năm 1991. Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đạt xấp xỉ 20 máy/100 dân, trên 85% số xã trong toàn quốc đã có điện thoại; trên 82% số xã có báo đến trong ngày; 61,5% số xã có điểm bưu điện, văn hoá xã. Mạng viễn thông quốc tế và công nghiệp viễn thông có bước phát triển nhanh, hiện đại hơn.

Hệ thống thuỷ lợi được nâng cấp và phát triển trên các vùng, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Diện tích được tưới nước và tạo nguồn nước tăng thêm 82 vạn ha, tiêu úng tăng 43,4 vạn ha, không những góp phần tăng diện tích và nâng cao năng suất cây trồng, mà còn tạo điều kiện và khả năng hạn chế, phòng tránh thiên tai, ổn định sản xuất lâu dài.

Kết cấu hạ tầng ở nhiều thành phố, đô thị và nông thôn được đầu tư cải tạo nâng cấp. Đến năm 2000 đạt được mục tiêu 100% số huyện và 80% số xã, phường trên toàn quốc có điện. Tỷ lệ số dân ở nông thôn được cung cấp nước sạch mới đạt 40%, thấp xa so với mục tiêu; trên 95% số xã đã có đường ôtô vào đến trung tâm.

Cơ sở vật chất của các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, du lịch, thể dục thể thao và các ngành khác đều được tăng cường đáng kể.

3. Kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển

3.1. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển khá

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt trên 51,6 tỷ USD, tăng bình quân hằng năm trên 21%, gấp 3 lần mức tăng GDP. Khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng khá. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã có sự thay đổi một bước. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản tuy vẫn chiếm vị trí quan trọng nhưng có xu hướng giảm dần, từ 42,3% năm 1996 xuống còn 30% năm 2000; tỷ trọng của nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp tăng tương ứng từ 29% lên 34,3%; nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản từ 28,7% lên 35,7%.

Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 184 USD/người, tuy còn ở mức thấp, nhưng đã thuộc loại các nước có nền ngoại thương phát triển.

Thị trường xuất, nhập khẩu được củng cố và mở rộng thêm. Thị trường châu Á chiếm gần 58% tổng kim ngạch xuất khẩu và trên 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; riêng thị trường các nước ASEAN tương ứng chiếm trên 18% và 29%. Trên một số thị trường khác như EU, châu Mỹ, Trung Đông, hàng xuất khẩu của ta đã có mặt và đang tăng dần.

Tuy chưa tính vào cân đối xuất nhập khẩu hằng năm, nhưng các dịch vụ thu ngoại tệ như kiều hối, xây dựng các công trình ở nước ngoài (trúng thầu), xuất khẩu lao động, dịch vụ, trao đổi chuyên gia... đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm khoảng 61 tỷ USD, tăng bình quân hằng năm khoảng 13,3%; tỷ trọng hàng tiêu dùng trong tổng kim ngạch nhập khẩu giảm đáng kể, từ 13% năm 1996 còn 5,2% năm 2000.

Mức chênh lệch xuất nhập khẩu so với kim ngạch xuất khẩu đã từ 49,6% năm 1995 giảm xuống còn 6,3% vào năm 2000.

3.2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội

Trong 5 năm 1996-2000, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đưa vào thực hiện (không kể phần góp vốn trong nước) đạt khoảng 10 tỷ USD (theo giá 1995), gấp 1,5 lần so với 5 năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới và bổ sung đạt 24,6 tỷ USD, tăng so với thời kỳ trước 34%.

Cơ cấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta; tỷ lệ vốn FDI thu hút vào lĩnh vực sản xuất vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế tăng từ 62% năm 1995 lên 85% vào năm 2000.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), ASEAN có chiều hướng tăng hơn 5 năm trước (tỷ lệ vốn đăng ký của các dự án từ EU bình quân chiếm 23,2% thời kỳ 1991 - 1995, tăng lên 25,8% thời kỳ 1996 - 2000; tỷ lệ vốn đăng ký các dự án từ các nước ASEAN đã tăng tương ứng từ 17,3% lên 29,8%). Riêng các nước thuộc EU, Mỹ, Nhật Bản chiếm 44% tổng vốn đăng ký tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo ra 34% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu (chưa kể dầu khí) và đóng góp trên 12% GDP của cả nước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút trên 35 vạn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp làm việc trong các ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ liên quan; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý và mở rộng thị trường.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã từng bước mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, đã có trên 40 dự án đầu tư vào 12 nước và vùng lãnh thổ, chủ yếu trong các ngành xây dựng, chế biến thực phẩm, thương mại, dịch vụ... Tuy quy mô còn nhỏ, nhưng qua hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện nâng cao hiệu quả, đẩy mạnh được xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ và lao động ra nước ngoài.

3.3. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tiếp tục tăng, góp phần quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng

Hàng năm, nguồn vốn ODA cam kết tăng đáng kể; việc giải ngân ngày càng được cải thiện. Tính chung trong 5 năm, nguồn vốn ODA đưa vào thực hiện khoảng 6,1 tỷ USD, tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế như điện, giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước; phát triển nông nghiệp và nông thôn, xoá đói, giảm nghèo; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; tăng cường năng lực và thể chế trong các lĩnh vực cải cách hành chính, luật pháp, quản lý kinh tế; hỗ trợ một số lĩnh vực sản xuất như chế biến thuỷ sản, nông sản,...

Nhiều dự án đầu tư bằng vốn ODA đã được đưa vào sử dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

4. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất

Quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân.

Năm học 1999 - 2000 so với năm 1994-1995, quy mô học sinh mẫu giáo gấp 1,2 lần, học sinh trung học cơ sở gấp 1,6 lần, học sinh trung học phổ thông gấp 2,3 lần, đào tạo đại học gấp 3 lần, đào tạo nghề gấp 1,8 lần.

Đến hết năm 2000 có 100% tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu thực hiện chương trình phổ cập trung học cơ sở.

Phong trào học tập văn hoá, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý, ngoại ngữ... phát triển nhanh. Số sinh viên trên 1 vạn dân vào năm 2000 đạt 117 người, số năm đi học trung bình của dân cư là 7,3 năm.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật các trường được nâng cấp, cải thiện. Mạng lưới trường phổ thông đã được sắp xếp tương đối ổn định. Hầu hết các xã đã có trường tiểu học; phần lớn các xã ở vùng đồng bằng có trường trung học cơ sở. Các trường ngoài công lập đã hình thành và bắt đầu phát triển mạnh. Hệ thống các trường dân tộc nội trú tỉnh, huyện được củng cố và mở rộng.

Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, các trường chuyên nghiệp đang từng bước được tổ chức, sắp xếp lại. Hệ thống các trường đào tạo nghề phát triển rộng khắp.

Chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến bước đầu. Số đông học sinh, sinh viên có năng lực tiếp thu nhanh các kiến thức, nhất là về khoa học tự nhiên, kỹ thuật, ngoại ngữ và tin học. Tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt tiêu chuẩn tăng lên. Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được cải tiến, hằng năm trên 80% giáo viên được đào tạo nâng cao và chuẩn hoá. Việc xã hội hoá trong lĩnh vực này bước đầu được triển khai.

5. Khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực

Khoa học xã hội và nhân văn đã bước đầu cung cấp được các luận cứ khoa học phục vụ yêu cầu hoạch định chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và đổi mới các cơ chế chính sách.

Khoa học tự nhiên và công nghệ tập trung triển khai nghiên cứu những đề tài cấp nhà nước và cấp bộ, tỉnh, thành phố. Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh và trong đời sống xã hội. Trình độ công nghệ trong một số ngành sản xuất, xây dựng dịch vụ đã được nâng lên và đổi mới đáng kể.

Trong công nghiệp và xây dựng đã cải tiến, hoàn thiện một số dây chuyền sản xuất, xây dựng; khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước; lựa chọn và khai thác các công nghệ nhập khẩu như: công nghệ tự động hoá thiết kế, công nghệ đóng tàu, công nghệ xử lý nền móng công trình trong điều kiện địa hình phức tạp xây nhà cao tầng, công nghệ gia công cơ khí độ chính xác cao,...

Trong nông nghiệp, đã ứng dụng một số thành tựu của công nghệ sinh học; đưa một số giống mới vào sản xuất đại trà trên cơ sở áp dụng các kết quả nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ mới và công nghệ cao.

Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các viện nghiên cứu, các trung tâm khoa học và công nghệ được tăng cường một bước, có nhiều cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ được chú trọng đào tạo chuyên sâu và đồng bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, có khả năng tiếp thu và làm chủ một số công nghệ hiện đại.

6. Trong hoàn cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, các lĩnh vực văn hoá, xã hội đã có bước phát triển khá, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân

6.1. Giải quyết có kết quả vấn đề việc làm cho người lao động. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, dịch vụ, đa dạng hoá ngành nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đã tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới và tăng thêm việc làm cho người lao động.

Mạng lưới các trung tâm xúc tiến việc làm, trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và các đoàn thể quần chúng đã đóng góp phần tích cực trong việc tạo cơ hội để người lao động có thể tiếp cận việc làm hoặc tự tạo việc làm, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng.

 Trong 5 năm qua đã có thêm khoảng 6,1 triệu lao động được thu hút vào làm việc và tạo thêm việc làm trong các ngành kinh tế, xã hội, bình quân mỗi năm thu hút khoảng hơn 1,2 triệu người; trong đó khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác đã đóng góp phần đáng kể, tạo ra nhiều chỗ làm việc mới.

6.2. Công tác xoá đói, giảm nghèo đã được triển khai mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh, nhất là ở các vùng nghèo, xã nghèo; đã thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ và đạt được kết quả khá.

Từ khi có chủ trương xoá đói, giảm nghèo (năm 1992) đến nay, Nhà nước đã đầu tư thông qua các chương trình quốc gia có liên quan đến mục tiêu xoá đói, giảm nghèo khoảng trên 21 nghìn tỷ đồng. Trong 2 năm gần đây, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho các địa bàn khó khăn, Nhà nước đã dành riêng cho phần xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc chương trình xoá đói, giảm nghèo khoảng 2.000 tỷ đồng.

Các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã triển khai nhiều công việc cụ thể giúp các hộ nghèo đói giảm bớt khó khăn, từng bước tự vươn lên, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ đói nghèo trên tổng số hộ trong cả nước đã từ 20% năm 1995 giảm xuống còn 10% năm 2000, đạt được mục tiêu đề ra và nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nước giảm tỷ lệ đói nghèo tốt nhất.

Đời sống dân cư nhiều vùng được cải thiện rõ rệt. Mức tiêu dùng bình quân đầu người tính theo giá hiện hành tăng từ 2,6 triệu đồng năm 1995 lên 4,3 triệu đồng năm 2000.

6.3. Công tác văn hoá, thông tin có nhiều đóng góp tích cực trong việc động viên toàn dân tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Các cơ quan và phương tiện thông tin đại chúng đã tích cực tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng, động viên và cổ vũ các nhân tố tích cực, đấu tranh chống các mặt tiêu cực và các tệ nạn xã hội, khơi dậy và phát huy truyền thống nhân ái, giúp đỡ lẫn nhau trong những khi hoạn nạn, thiên tai.

Chương trình đưa văn hoá về cơ sở, mở rộng diện phủ sóng phát thanh và truyền hình, đưa đến những vùng cao, biên giới và hải đảo được thực hiện có kết quả khá. Đến hết năm 2000, sóng truyền hình đã phủ trên 85%, sóng phát thanh đã phủ 95% diện tích cả nước và đưa đến nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều cơ chế quản lý văn hoá, thông tin đã được đổi mới theo hướng xã hội hoá, huy động được thêm nhiều nguồn lực cho các hoạt động này.

6.4. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình và bảo vệ chăm sóc trẻ em, đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ sinh bình quân mỗi năm giảm 0,78‰ (mục tiêu là 0,6‰). Tỷ lệ tăng dân số năm 1995 là 1,7%, năm 2000 là 1,4%, vượt mục tiêu đề ra. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình được tăng cường đáng kể; bình quân mỗi huyện đã có 2 trung tâm liên xã làm dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm 100% tuyến tỉnh, huyện và 70% tuyến xã có trang thiết bị phù hợp. Với các tiến bộ trên, năm 1999 Việt Nam đã được Liên hợp quốc tặng giải thưởng về công tác dân số.

Tạo được phong trào toàn xã hội chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; thực hiện các mục tiêu của chương trình hoạt động quốc gia về trẻ em; 51% quận, huyện có điểm văn hoá, vui chơi cho trẻ em; 70% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa được chăm sóc.

6.5. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng. Các chỉ số sức khoẻ cộng đồng được nâng lên. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 38% năm 1995 xuống 33 - 34% năm 2000; tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 81‰ xuống còn 42‰; các bệnh bại liệt, bệnh thiếu vitamin A, bệnh uốn ván sơ sinh cơ bản được thanh toán vào năm 2000. Các bệnh sốt rét, bướu cổ năm 2000 đã giảm gần 60% so với năm 1995.

Một số bệnh viện được nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới; hầu hết các xã đã có trạm y tế. Trung tâm y tế chuyên sâu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được hình thành bước đầu; trang thiết bị y tế đã được nâng cấp ở các tuyến. Các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được phát triển. Các chính sách về bảo hiểm y tế và chế độ thu một phần viện phí đã góp phần khắc phục những khó khăn của ngành. Nhiều nơi đã triển khai tốt chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, gia đình có công với dân, với nước.

6.6. Các hoạt động về xã hội, chăm sóc người có công, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn... được mở rộng, thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đoàn thể.

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và ngay trong những năm nhịp độ tăng trưởng kinh tế bị giảm sút, chúng ta đã thực hiện mạnh mẽ hơn các chính sách bảo đảm xã hội (nâng lương tối thiểu, tăng phụ cấp hưu trí, người có công,...), mức sống của cán bộ, công chức, người về hưu, gia đình có công với cách mạng đã được nâng lên một bước.

Đến nay đã có 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng đến cuối đời; hàng chục vạn thân nhân của liệt sĩ được đỡ đầu. Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, lập sổ tiết kiệm tặng cho các gia đình chính sách có khó khăn phát triển rộng khắp; xây dựng và đưa vào sử dụng 8 khu nuôi dưỡng thương binh nặng, 6 trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Các nghĩa trang lớn như Hàng Dương (Côn Đảo), Trường Sơn, Đường 9 (Quảng Trị), Điện Biên Phủ (Lai Châu), Việt - Lào (Nghệ An), Bến Dược (thành phố Hồ Chí Minh) và các nghĩa trang của các tỉnh, thành phố khác đã được xây dựng và nâng cấp khang trang. Việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ đã được quan tâm và có nhiều kết quả, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của nhân dân đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ từ thiện đã được thành lập, huy động được sự đóng góp chung của cộng đồng. Các hoạt động từ thiện giúp đỡ người tàn tật, các nạn nhân chiến tranh, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi lang thang, cơ nhỡ đã đem lại nhiều kết quả thiết thực. Việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai đã được quan tâm và thực hiện kịp thời, có hiệu quả, thể hiện truyền thống tốt đẹp tương thân tương ái trong cơn hoạn nạn của dân tộc ta.

6.7. Phong trào thể dục thể thao phát triển rộng rãi ở các địa phương, trong các trường học, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp, cơ quan,... Các hoạt động thể thao thành tích cao đã có bước tiến bộ trong việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ vận động viên và phát triển những bộ môn mới để nâng cao thành tích thi đấu trong nước và quốc tế, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ.


Trong 5 năm qua, nhiều đạo luật về kinh tế, xã hội được ban hành đã thể chế, cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hình thành về cơ bản khuôn khổ pháp lý cho nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành trong cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế quản lý kinh tế, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách được đồng bộ hoá và hoàn thiện dần, đang phát huy tích cực trong quản lý kinh tế và trong đời sống xã hội.

 Trong quá trình triển khai thực hiện các Luật, Pháp lệnh, các Chỉ thị, Nghị quyết... đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới phù hợp với tiến trình phát triển, tạo ra môi trường vĩ mô thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Thị trường hàng hoá, dịch vụ; thị trường vốn, tiền tệ; thị trường bất động sản... đang được hình thành với những cơ chế chính sách quản lý phù hợp đã tạo thêm động lực cho sự phát triển, khơi dậy tính năng động của nền kinh tế.

8. Quốc phòng và an ninh được giữ vững

Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước đã được tăng cường, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu trong lĩnh vực bảo đảm kỹ thuật, giữ gìn, bảo quản và từng bước cải tiến vũ khí, trang thiết bị hiện có; cải thiện đáng kể đời sống bộ đội, công an; đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu về doanh trại, cấp điện, cấp nước và các nhu cầu về đời sống tinh thần.

Các tuyến phòng thủ biên giới, các địa bàn trọng điểm về kinh tế, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là vùng biển, hải đảo đã được tăng cường. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với quốc phòng và an ninh được chú trọng hơn trong công tác quy hoạch và kế hoạch. Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố, phát triển; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Đạt được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nêu trên chủ yếu là nhờ tinh thần đoàn kết phấn đấu của toàn dân, toàn Đảng, của các ngành, các cấp; sự đúng đắn của các Nghị quyết Trung ương cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội VIII phù hợp với tình hình mới; sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và điều hành của Chính phủ, đặc biệt là việc đề ra các cơ chế chính sách phù hợp, tạo thêm thế và lực mới để vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện các mục tiêu kế hoạch.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong 5 năm qua vẫn còn thấp so với tiềm năng và khả năng phát triển. Tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều mặt khó khăn, yếu kém:

(1) Chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế còn thấp; nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chưa đủ sức cạnh tranh.

Trong nông nghiệp, kỹ thuật và phương thức canh tác tiên tiến chậm đưa vào thực hiện trên diện rộng; chưa chú trọng đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến; chậm mở rộng các ngành, nghề và thị trường ở nông thôn....

Một số ngành công nghiệp sản xuất còn khó khăn, tốc độ đổi mới công nghệ chậm. Một số dự án, chương trình phát triển công nghiệp đề ra trong kế hoạch 5 năm qua được triển khai chậm hoặc chưa triển khai được do các yếu tố khách quan từ phía đối tác và do nguyên nhân chủ quan về tổ chức quản lý, điều hành,... Khu vực doanh nghiệp nhà nước chậm được sắp xếp, củng cố và đổi mới; các thành phần kinh tế đầu tư vào công nghiệp còn dè dặt, cầm chừng. Còn một bộ phận không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, thiếu năng động, trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước.

Một số sản phẩm nông, công nghiệp tính theo đầu người còn rất thấp, nhưng vẫn bị tồn đọng không tiêu thụ hết; nguyên nhân do chất lượng thấp, giá thành cao; mặt khác do sức mua của các tầng lớp dân cư còn thấp.

Lĩnh vực xuất khẩu có những hạn chế về tạo nguồn hàng, chất lượng và sức cạnh tranh. Xuất khẩu hàng nông sản thô, nguyên liệu thô còn chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều mặt hàng còn phải xuất khẩu qua trung gian hoặc chỉ là gia công, nên hiệu quả không cao.
Mức tăng trưởng giá trị các ngành dịch vụ chỉ đạt trên 50% kế hoạch, trong khi lĩnh vực này chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, nên hạn chế mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

(2) Cơ chế, chính sách về thị trường tài chính, tiền tệ chưa đồng bộ.

Chính sách thuế chưa thật hợp lý, chưa bao quát hết các nguồn thu. Thất thu ngân sách, nợ thuế và khê đọng thuế còn lớn. Việc sử dụng và quản lý nguồn tài chính quốc gia còn lãng phí, kém hiệu quả. Tài chính doanh nghiệp nhà nước còn nhiều yếu kém. Các khoản chi bị dàn trải cho nhiều mục tiêu, hạn chế hiệu quả sử dụng ngân sách.

Hoạt động của các ngân hàng thương mại còn nhiều yếu kém. Chất lượng tín dụng thấp, tỷ lệ nợ quá hạn lớn; tình hình tài chính của một số ngân hàng thương mại khó khăn. Thị trường vốn phát triển chậm; tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn lớn; các loại dịch vụ tài chính, ngân hàng chưa phát triển. Thị trường chứng khoán đã mở ra, song hoạt động còn lúng túng.

Nguồn vốn trong dân cư chưa được huy động đúng mức, chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích dân bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 năm qua thấp hơn mức dự kiến; công tác quản lý trong lĩnh vực này còn nhiều vướng mắc, yếu kém. Một số dự án ODA giải ngân chậm.

Đầu tư còn phân tán, làm cho hiệu quả sử dụng đồng vốn, nhất là vốn từ ngân sách chưa cao. Trong nông nghiệp ít chú ý đầu tư vào khâu nghiên cứu, ứng dụng giống mới có năng suất và giá trị hàng hoá lớn. Trong công nghiệp, chưa tập trung đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại; chưa đầu tư đúng mức cho phát triển ngành cơ khí chế tạo. Cơ cấu đầu tư theo vùng lãnh thổ chưa phát huy tốt thế mạnh của từng vùng, nhất là những vùng có tiềm năng nhưng chưa có điều kiện khai thác.

(3) Công tác giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ còn nhiều bất cập.

Chất lượng, hiệu quả của giáo dục và đào tạo tuy đã có những chuyển biến, nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu; cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, mất cân đối về bậc học, về ngành nghề, về vùng lãnh thổ; việc giáo dục đạo đức, chính trị trong các trường học chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ học vấn ở một số vùng còn quá thấp. Các hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục và đào tạo còn nhiều, nhưng chậm được khắc phục.

Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa tuy có phát triển nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chi phí học tập còn cao so với khả năng thu nhập của dân cư, quy chế đóng góp chưa rõ ràng, hợp lý là trở ngại lớn đối với học sinh, nhất là các gia đình nghèo.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới ở mức 20% (so với 50% trở lên ở nhiều nước và chưa đạt mục tiêu 22-25%) làm cho khả năng tiếp thu kỹ thuật công nghệ mới gặp nhiều khó khăn.

Các hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự gắn kết với nhu cầu và hoạt động của các ngành kinh tế, xã hội, chậm đưa vào ứng dụng những kết quả đã nghiên cứu được. Trình độ công nghệ của nước ta còn thấp nhiều so với các nước xung quanh, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Năng lực tự tạo ra công nghệ mới còn rất có hạn.

Các cơ quan nghiên cứu khoa học chậm được sắp xếp cho đồng bộ, còn phân tán, thiếu phối hợp, do đó đạt hiệu quả thấp. Các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp, các trường đại học chưa gắn kết với nhau. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật thiếu tập trung và dứt điểm cho từng mục tiêu. Cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao tuy còn ít, song chưa được sử dụng tốt.

(4) Nhiều vấn đề xã hội và môi trường đặt ra rất bức xúc.

Lực lượng lao động tăng tự nhiên mỗi năm khoảng 1,2 triệu người, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị năm 2000 còn ở mức 6,4% và tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng ở nông thôn mới đạt 73,8% so với mục tiêu là 75%, đang trở thành vấn đề gay gắt, nổi cộm nhất hiện nay.

 Tỷ lệ đói nghèo trong toàn quốc mấy năm gần đây tuy đã giảm mạnh, nhưng chưa vững chắc, nếu gặp thiên tai, mất mùa thì nhiều hộ vẫn có thể rơi vào tình trạng đói nghèo trở lại. Đời sống của nhân dân ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn rất khó khăn. Tình trạng khiếu kiện kéo dài trở thành rất bức xúc.

Cơ sở vật chất của ngành y tế tuy có được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở tuyến huyện, xã. Cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, các vùng biên giới, vùng cao... còn quá thiếu thốn, lạc hậu. Tình hình dịch bệnh cục bộ vẫn xảy ra ở một số nơi, số người nhiễm HIV tiếp tục tăng. Việc khám và chữa bệnh cho người nghèo là vấn đề nổi cộm hiện nay.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và tệ tham nhũng không giảm. Các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, nhất là nạn ma tuý, tiếp tục tăng và lan rộng đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội. Tai nạn giao thông xảy ra nghiêm trọng và có xu hướng tăng nhanh. Tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự tuy có giảm nhưng chưa cơ bản, vững chắc. Cuộc đấu tranh chống các thói hư, tật xấu, nọc độc văn hoá, hủ tục mê tín dị đoan, thoái hoá đạo đức,... còn mang nhiều tính hình thức, chậm đưa lại hiệu quả thiết thực.

Môi trường đô thị, khu công nghiệp tập trung và một số vùng nông thôn bị ô nhiễm ngày càng nặng. Cơ chế chính sách về môi trường còn thiếu đồng bộ, nhận thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư còn nhiều hạn chế.
Những tồn tại yếu kém và những mặt chưa làm được trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính, chủ yếu là:

Công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương còn nhiều bất cập, thiếu ráo riết, thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ nên hiệu lực và hiệu quả chưa cao. Các giải pháp đề ra thực hiện thường quá chậm làm cho nhiều giải pháp mang tính thời sự, tình thế còn ít ý nghĩa trong thực tế. Công tác quản lý sản xuất kinh doanh ở cấp cơ sở thiếu chủ động, nhạy bén.

Một số Nghị quyết của Đảng chưa được các ngành, các cấp nhận thức thống nhất và chấp hành nghiêm chỉnh; chậm trễ trong việc làm rõ và cụ thể hoá một số chủ trương quan trọng như sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Một số cơ chế, chính sách có xu hướng trở lại bao cấp như khoanh nợ, xoá nợ, giảm thuế, miễn thuế, bù lãi suất, bao cấp qua giá và các hình thức bảo hộ quá mức của Nhà nước đã làm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu năng động, sáng tạo và có phần ỷ lại.

Cải cách hành chính chậm, thiếu kiên quyết, thực hiện chưa đồng bộ, hiệu quả thấp; ý thức trách nhiệm, kỷ luật và năng lực tổ chức thực hiện ở các ngành, các cấp còn rất yếu, còn mang tính bản vị cục bộ, sợ trách nhiệm, cấp dưới chờ đợi, đùn đẩy lên cấp trên. Tập trung, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành nhiệm vụ còn kém, tinh thần sáng tạo, vượt khó chưa cao.

Một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ công chức còn nhiều yếu kém, bất cập về trình độ chuyên môn và năng lực điều hành công việc, chưa tương xứng với cương vị và trách nhiệm được giao; một số không ít cán bộ thoái hoá về phẩm chất, chạy theo sự cám dỗ vật chất, sống thực dụng, cửa quyền, hối lộ, sách nhiễu, tham nhũng,... ảnh hưởng rất xấu tới uy tín của Đảng và Nhà nước, nhân dân chê trách, gây cản trở lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Ngoài ra, nguyên nhân khách quan từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và thiên tai nặng nề trên nhiều miền của đất nước, cũng gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế nước ta, làm chậm quá trình phát triển, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT, NHIỆM VỤ VÀ

CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN

KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2001 - 2005

Bước vào kế hoạch 5 năm đầu tiên của thế kỷ mới, tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thuận lợi, cơ hội lớn đan xen với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Thế và lực của nước ta mạnh hơn nhiều so với trước. Chính trị - xã hội tiếp tục ổn định; quan hệ sản xuất được đổi mới phù hợp hơn; thể chế kinh tế thị trường đã bước đầu hình thành và vận hành có hiệu quả. Hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp đang phát huy trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Năng lực sản xuất và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã tạo ra tiền đề cần thiết cho bước phát triển mới. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực. Quan hệ kinh tế, ngoại giao của nước ta đã được mở rộng trên trường quốc tế.

Năm 2000, nền kinh tế đã bắt đầu lấy lại được nhịp độ tăng trưởng tương đối khá, tạo đà phát triển trong những năm tiếp theo.

Tuy vậy, trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn kém, quy mô sản xuất nhỏ bé, các cân đối nguồn lực còn hạn hẹp; mức thu nhập và tiêu dùng của dân cư thấp, chưa đủ tạo sức bật mới đối với sản xuất và phát triển thị trường. Lĩnh vực xã hội tồn tại nhiều vấn đề bức xúc. Cải cách hành chính tiến hành còn chậm.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trên thế giới, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học; xu thế toàn cầu hoá; khả năng ổn định và phục hồi của nền kinh tế khu vực và thế giới trong thập kỷ tới có những tác động tích cực, tạo điều kiện cho nước ta mở ra khả năng hợp tác kinh tế, khai thác lợi thế so sánh, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để phát huy tốt hơn nội lực, tạo thành sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước. Đồng thời cũng có những yếu tố không thuận, tăng sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế nước ta.

Vấn đề đặt ra là phải phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, đặc biệt là trí tuệ và kỹ năng lao động của người Việt Nam, nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, khắc phục những khó khăn, yếu kém, tận dụng mọi thuận lợi và thời cơ để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

1. Mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ chủ yếu

Kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 thể hiện các quan điểm phát triển và mục tiêu chiến lược 10 năm tới mà nội dung cơ bản là: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản; vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

 Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 là:

Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Nâng cao rõ rệt hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mở rộng kinh tế đối ngoại. Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người. Tạo nhiều việc làm; cơ bản xoá đói, giảm số hộ nghèo; đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tiếp tục tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

Mục tiêu tổng quát nêu trên được cụ thể hoá thành định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

1.1. Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm cao hơn 5 năm trước và có bước chuẩn bị cho 5 năm tiếp theo.

1.2. Phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo; củng cố kinh tế tập thể; hình thành một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nhanh hàm lượng công nghệ trong sản phẩm.

1.3. Tăng nhanh vốn đầu tư phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng cơ cấu kinh tế có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh. Hoàn chỉnh một bước cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng. Đầu tư thích đáng cho các vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ đầu tư nhiều hơn cho các vùng còn nhiều khó khăn.

1.4. Mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Củng cố thị trường đã có và mở rộng thêm thị trường mới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng nhanh xuất khẩu, thu hút vốn, công nghệ từ bên ngoài. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, thực hiện các cam kết song phương và đa phương.

1.5. Tiếp tục đổi mới và lành mạnh hoá hệ thống tài chính - tiền tệ, tăng tiềm lực và khả năng tài chính quốc gia, thực hành triệt để tiết kiệm; tăng tỷ lệ chi ngân sách dành cho đầu tư phát triển; duy trì ổn định các cân đối vĩ mô; phát triển thị trường vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

1.6. Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý; triển khai thực hiện chương trình phổ cập trung học cơ sở; ứng dụng nhanh các công nghệ tiên tiến, hiện đại; từng bước phát triển kinh tế tri thức.

1.7. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc: tạo nhiều việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở cả thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn; cải cách cơ bản chế độ tiền lương; cơ bản xoá đói, giảm nhanh hộ nghèo; chăm sóc tốt người có công; an ninh xã hội; chống tệ nạn xã hội. Phát triển mạnh văn hoá, thông tin, y tế và thể dục thể thao; nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

1.8. Đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, đổi mới và nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước. Đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng. Thực hiện tốt dân chủ, nhất là dân chủ ở xã, phường và các đơn vị cơ sở.

1.9. Thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng và an ninh; bảo đảm trật tự kỷ cương trong các hoạt động kinh tế, xã hội.

2. Các chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế, xã hội chủ yếu

2.1. Các chỉ tiêu kinh tế:

- Đưa GDP năm 2005 gấp 2 lần so với năm 1995. Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm thời kỳ 5 năm 2001-2005 là 7,5%, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,3%, công nghiệp và xây dựng tăng 10,8%, dịch vụ tăng 6,2%.

- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,8%/năm.

- Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 13%/năm.

- Giá trị dịch vụ tăng 7,5%/năm.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16%/năm.

Cơ cấu ngành kinh tế trong GDP đến năm 2005 dự kiến:

- Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp 20 - 21%.

- Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng khoảng 38 - 39%.

- Tỷ trọng các ngành dịch vụ 41 - 42%.

2.2. Các chỉ tiêu xã hội:

Tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học trong độ tuổi đạt 80%, tỷ lệ học sinh phổ thông trung học đi học trong độ tuổi đạt 45% vào năm 2005.

Tiếp tục củng cố và duy trì mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Giảm tỷ lệ sinh bình quân hằng năm 0,5; tốc độ tăng dân số vào năm 2005 khoảng 1,2%.

Tạo việc làm, giải quyết thêm việc làm cho khoảng 7,5 triệu lao động, bình quân 1,5 triệu lao động/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 30% vào năm 2005.

Cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% vào năm 2005.

Đáp ứng 40% nhu cầu thuốc chữa bệnh sản xuất trong nước.

Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn 22 - 25% vào năm 2005.

Nâng tuổi thọ bình quân vào năm 2005 lên 70 tuổi.

Cung cấp nước sạch cho 60% dân số nông thôn.

III. DỰ BÁO VỀ CÁC CÂN ĐỐI LỚN THỜI KỲ

5 NĂM 2001 - 2005

Những dự báo và tính toán các cân đối lớn trong nền kinh tế dựa vào các yếu tố sau đây:

- Bước đột phá mới về cơ chế, chính sách, nhằm tăng khả năng khai thác các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong nước để phát triển như nguồn vốn từ đất đai và từ việc chuyển dịch mục tiêu sử dụng đất (khai hoang, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất và giá trị cây trồng, vật nuôi trên mỗi đơn vị diện tích...); từ lao động (cơ cấu lại nguồn lao động, trình độ tay nghề, phân bố lại lao động, dân cư...); từ nguồn đầu tư vật chất, trí tuệ và tinh thần của mọi người dân; từ công suất sản xuất của các ngành đã tạo được; từ khả năng khai thác nguồn tài nguyên và lợi thế của đất nước. Đồng thời tranh thủ tối đa khả năng đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là nguồn lực chất xám và tài chính.

- Khả năng phát triển khoa học và công nghệ cùng với việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển các ngành, các lĩnh vực.

- Khả năng hình thành và mở rộng các loại thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường vốn; phát triển kinh tế đối ngoại, nhất là việc thu hút nguồn vốn bên ngoài, phát triển thị trường xuất khẩu.

Những dự báo này sẽ được cập nhật, hiệu chỉnh trong xây dựng kế hoạch hằng năm và điều hành thực hiện kế hoạch.

1. Dự báo lao động và việc làm

Theo tính toán ban đầu, số lao động cần giải quyết việc làm trong 5 năm 2001-2005 là 15 triệu người, bao gồm lao động mới tăng thêm mỗi năm khoảng 1,2 triệu và số lao động chưa được giải quyết việc làm từ 5 năm trước chuyển sang; trong đó ở nông thôn (tính theo ngày công quy đổi) khoảng 12,5 triệu người, ở thành thị khoảng 2,5 triệu người.

Trong 5 năm tới, dự tính thu hút và tạo việc làm thêm cho khoảng trên 7,5 triệu lao động trong các ngành kinh tế, xã hội, bình quân mỗi năm khoảng trên 1,5 triệu người; trong đó:

 Ở khu vực nông thôn, với việc chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi; phát triển đa dạng ngành nghề trong các lĩnh vực công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ... dự kiến có thể thu hút và tạo thêm việc làm cho khoảng trên 9 triệu lao động (tính theo ngày công quy đổi), đưa số lao động có việc làm ở nông thôn vào năm 2005 khoảng 28 triệu người.

 Ở khu vực thành thị, dự kiến trong 5 năm có thể thu hút và tạo việc làm thêm khoảng 1,78 triệu người trong các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, đưa tổng số lao động có việc làm ở thành thị vào khoảng trên 11 triệu người.

Tính đến năm 2005, tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn vào khoảng 80%; tỷ lệ lao động chưa có việc làm ở thành thị chiếm khoảng 5,4% số lao động trong độ tuổi.

2. Về khả năng tích luỹ và tiêu dùng trong nền kinh tế

Tổng GDP được tạo ra trong 5 năm tới vào khoảng 2.650 - 2.660 nghìn tỷ đồng (tính theo giá năm 2000), tương đương 190 tỷ USD; tổng quỹ tiêu dùng dự báo tăng khoảng 5,5%/năm, tỷ lệ tích luỹ nội địa sẽ có khả năng nâng lên 28-30% GDP, trong đó tích luỹ từ khu vực ngân sách khoảng 6% GDP; tích luỹ khu vực dân cư, doanh nghiệp khoảng 22-24% GDP. Khả năng huy động đưa vào đầu tư khoảng 80% tổng số tích luỹ nội địa trong năm; đó là chưa tính đến nguồn vốn để dành từ các thời kỳ trước.

3. Về khả năng đưa vào thực hiện các nguồn vốn từ bên ngoài

Toàn bộ nguồn vốn bên ngoài có thể thu hút cho đầu tư phát triển là 18-20 tỷ USD, trong đó:

Khả năng thu hút nguồn vốn ODA.

Trong 5 năm tới, khả năng thực hiện nguồn vốn ODA khoảng 10 - 11 tỷ USD, bao gồm cả các dự án có vốn ODA được hợp thức hoá bằng các hiệp định vay vốn nhưng chưa giải ngân và các khoản có thể cam kết mới trong thời gian tới.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Dự kiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thực hiện trong 5 năm tới khoảng 9 - 10 tỷ USD, bao gồm vốn các dự án đã được cấp phép chưa được thực hiện của các năm trước; vốn thực hiện các dự án cấp phép mới và vốn bổ sung các dự án đã thực hiện.

Ngoài ra còn có khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khác khoảng 1-2 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra nước ngoài, mở thị trường chứng khoán và tìm thêm các nguồn vay khác để đầu tư trung và dài hạn.

4. Dự báo khả năng cân đối ngân sách nhà nước

Tiếp tục thực hiện một số nguyên tắc cơ bản trong cân đối ngân sách nhà nước:

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân hằng năm là 20 - 21% GDP, trong đó thuế và phí khoảng 18 - 19% GDP. Bội chi ngân sách và chỉ số lạm phát được khống chế ở mức độ hợp lý.

Trên cơ sở đó, dự báo cân đối ngân sách 5 năm (2001 - 2005) như sau:

Với dự kiến tổng sản phẩm trong nước 5 năm tới tăng 7,5%/năm, và theo các tỷ lệ huy động như trên, thì dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm khoảng 620 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ thuế và phí khoảng 560 nghìn tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách 5 năm dự kiến là 720 - 750 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến chi đầu tư phát triển chiếm 25 - 26%; chi thường xuyên chiếm 57 - 58%; chi trả nợ trong, ngoài nước chiếm 17 - 18% tổng chi ngân sách.

5. Dự báo khả năng thanh toán quốc tế

Trên cơ sở các tính toán ban đầu về khả năng xuất khẩu, nhập khẩu, các dịch vụ thu chi ngoại tệ, kiều hối; thu nhập từ đầu tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài, khả năng thu hút nguồn vốn ODA; đồng thời dự kiến mức trả nợ theo tiến độ các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thì cán cân thanh toán quốc tế trong 5 năm tới được cải thiện nhiều hơn so với 5 năm trước.

6. Dự báo vốn đầu tư phát triển

6.1. Theo tính toán và dự báo ban đầu, khả năng huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong 5 năm tới vào khoảng 830-850 nghìn tỷ đồng (theo giá năm 2000), tương đương 59 - 61 tỷ USD, tăng khoảng 11- 12%/năm, trong đó nguồn vốn trong nước chiếm khoảng 2/3. Tỷ lệ đầu tư so với GDP chiếm khoảng 31 - 32%, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5%/năm và có công trình gối đầu cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.

Trong tổng vốn đầu tư xã hội, đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chiếm 20-21%; đầu tư bằng tín dụng nhà nước chiếm 17- 18%; khu vực doanh nghiệp nhà nước đầu tư chiếm 19-20%; khu vực dân cư, doanh nghiệp tư nhân đầu tư trực tiếp 24-25%; đầu tư trực tiếp nước ngoài theo dự báo và tính toán ban đầu, dự kiến đưa vào thực hiện chiếm 16 - 17%.

6.2. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội nêu trên sẽ được định hướng đầu tư vào một số ngành và lĩnh vực chủ yếu như sau:

- Tiếp tục tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nâng tỷ lệ đầu tư lên đạt khoảng 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

- Đầu tư vào các ngành công nghiệp, nhất là các ngành mũi nhọn, để tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh một số sản phẩm hàng hoá, dự kiến tỷ trọng chiếm khoảng 44% đầu tư toàn xã hội.

- Đầu tư cho lĩnh vực giao thông vận tải, bưu điện khoảng 15% vốn đầu tư toàn xã hội.

- Đầu tư vào các ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá xã hội khoảng 8% vốn đầu tư toàn xã hội.

- Đầu tư cho các ngành khác như công cộng, cấp và thoát nước, quản lý nhà nước, thương mại, du lịch, xây dựng... khoảng 20%.

6.3. Vốn đầu tư từ ngân sách và tín dụng mà Nhà nước có thể trực tiếp và chủ động bố trí theo cơ cấu chiếm bình quân hằng năm vào khoảng 35-39% tổng vốn (khoảng trên 10% GDP).

Vốn ngân sách nhà nước sẽ dành khoảng 65-70% trong tổng nguồn để tập trung đầu tư cho một số lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế và khoảng 30 - 35% kết cấu hạ tầng xã hội.

Việc đầu tư để tạo ra năng lực sản xuất mới và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sẽ huy động từ nguồn vốn vay dưới nhiều hình thức, nguồn vốn tự tích luỹ của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Điều đó đòi hỏi cần đổi mới mạnh mẽ các chính sách, cơ chế huy động các nguồn vốn, khuyến khích tích luỹ cao trong nước cho đầu tư và thu hút nguồn vốn bên ngoài.

7. Dự báo quan hệ cung - cầu một số vật tư hàng hoá chủ yếu

7.1. Quan hệ cung - cầu về lương thực

Tổng sản lượng lương thực có hạt 5 năm dự kiến 165-170 triệu tấn, tăng bình quân hằng năm trên 2%.

Lương thực hàng hoá trong 5 năm chiếm 43% tổng sản lượng, bình quân mỗi năm có khoảng 14 triệu tấn.

Lượng lương thực hàng hoá được đưa vào tiêu dùng ở thị trường thành thị và các khu vực công nghiệp tập trung trong 5 năm bằng khoảng 38-42% sản lượng lương thực hàng hoá; dự kiến xuất khẩu khoảng 42-45% sản lượng lương thực hàng hoá; tăng thêm dự trữ quốc gia hợp lý để bảo đảm an toàn lương thực quốc gia.

7.2. Quan hệ cung - cầu về điện năng

Nhu cầu điện thương phẩm đến năm 2005 dự báo khoảng trên 37 tỷ kWh, tăng 11%/năm, trong đó ngành công nghiệp chiếm 45%, tăng 13,2%/năm; ngành nông nghiệp chiếm 2,5%, tăng 5%/năm; các ngành dịch vụ chiếm 8%, tăng 14%/năm; điện cho sinh hoạt chiếm 45%, tăng 10,5%/năm.

Dự báo đến năm 2005, tổng công suất nguồn có khoảng 11.400 MW, đáp ứng nhu cầu phụ tải khoảng 8.000 MW, bảo đảm sản lượng điện phát ra năm 2005 khoảng 44 tỷ kWh, tăng bình quân 12%/năm; điện thương phẩm khoảng 37,0 tỷ kWh.

Như vậy, theo dự báo ban đầu thì mức độ an toàn và cân đối năng lượng trong 5 năm tới có thể bảo đảm được.

7.3. Quan hệ cung - cầu về xăng dầu

Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu các loại trong 5 năm khoảng 55 triệu tấn, tăng bình quân hằng năm khoảng 10%/năm.

Sản lượng xăng dầu thành phẩm sản xuất trong nước do nhà máy lọc dầu số 1 bắt đầu hoạt động từ năm 2004 đến năm 2005 khoảng 7,5 triệu tấn. Cần bố trí kế hoạch nhập khẩu trong 5 năm khoảng 47,5 triệu tấn.

7.4. Quan hệ cung - cầu về thép

Dự báo nhu cầu thép thành phẩm 5 năm khoảng 15 - 16 triệu tấn, tăng bình quân hằng năm 10%. Sản lượng thép cán sản xuất trong nước trong 5 năm tới có khả năng đạt trên 10 triệu tấn. Lượng thép cần nhập khẩu trong 5 năm khoảng 5,7 triệu tấn, bình quân mỗi năm nhập khẩu trên 1,1 triệu tấn các loại thép mà trong nước chưa sản xuất được.

7.5. Quan hệ cung - cầu về xi măng

Dự báo nhu cầu xi măng 5 năm khoảng 80 - 85 triệu tấn, tăng 55 - 60% so với thời kỳ 1996 - 2000. Bình quân mỗi năm nhu cầu tiêu dùng khoảng 16 - 17 triệu tấn. Sản lượng xi măng sản xuất trong nước 5 năm tới có khả năng trên 85 triệu tấn. Như vậy lượng xi măng sản xuất trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu.

7.6. Quan hệ cung - cầu về phân bón

Dự báo nhu cầu phân bón các loại bình quân hằng năm khoảng 7 triệu tấn, trong đó phân urê trên 2,4 triệu tấn, phân lân các loại khoảng 1,4 triệu tấn, phân NPK khoảng 2 triệu tấn... Dự kiến trong 5 năm tới, sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu về phân lân các loại, phân NPK, các loại phân vi sinh và một phần phân urê. Cần nhập khẩu trong 5 năm tới trên 9 triệu tấn phân urê, khoảng 2,5 triệu tấn DAP và một số loại phân vi lượng khác.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC VÀ VÙNG

Căn cứ vào định hướng phát triển của chiến lược, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và vùng trong kế hoạch 5 năm tới là:

1. Định hướng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn

Chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh phù hợp với tiềm năng và lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động của từng vùng, từng địa phương. Ứng dụng nhanh khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học; gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; hình thành sự liên kết nông - công nghiệp - dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn.

Tích cực khai hoang mở rộng diện tích canh tác ở những nơi còn đất hoang hoá chưa được sử dụng, phân bố lại lao động dân cư; giảm nhẹ tác động của thiên tai đối với sản xuất.

Phát triển mạnh ngành, nghề và kết cấu hạ tầng ở nông thôn, tạo thêm việc làm mới để chuyển lao động nông nghiệp sang làm ngành, nghề phi nông nghiệp, nâng cao đời sống của dân cư nông thôn. Phấn đấu đến năm 2005 thu nhập bình quân của nông dân gấp 1,7 lần so với hiện nay; không còn hộ đói, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo.

Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất lương thực theo hướng thâm canh, tăng năng suất và tăng nhanh lúa đặc sản, chất lượng cao. Sản lượng lương thực có hạt năm 2005 dự kiến 37 triệu tấn, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Tập trung phát triển các cây công nghiệp chủ lực có khả năng cạnh tranh như cao su, cà phê chè, chè, điều,... Ngoài ra cần đặc biệt chú trọng phát triển các loại rau quả và các sản phẩm đặc trưng khác.

Phát triển chăn nuôi, dự kiến năm 2005, sản lượng thịt hơi các loại khoảng 2,5 triệu tấn. Hướng chính là tổ chức lại sản xuất, khuyến khích phát triển hộ hoặc nông trại chăn nuôi quy mô lớn; đầu tư cải tạo đàn giống, tăng cường công tác thú y; chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển đàn bò thịt, sữa và các cơ sở chế biến thịt, sữa; tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tục thực hiện dự án 5 triệu ha rừng. Tăng nhanh diện tích trồng rừng mới, kết hợp với khoanh nuôi, bảo vệ tái sinh rừng. Trồng mới 1,3 triệu ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng lên khoảng 38 - 39% vào năm 2005; hoàn thành cơ bản công tác định canh định cư và ổn định đời sống nhân dân vùng núi.

Phát triển khai thác hải sản xa bờ và điều chỉnh nghề cá ven bờ hợp lý. Đầu tư phát triển mạnh ngành nuôi, trồng thuỷ sản, xây dựng vùng nuôi, trồng tập trung, gắn với phát triển công nghiệp chế biến chất lượng cao; đẩy mạnh nuôi tôm xuất khẩu theo phương thức tiến bộ, bảo vệ môi trường. Xây dựng đồng bộ công nghiệp khai thác cả về đội tàu, cảng, bến cá, đóng và sửa tàu thuyền, dệt lưới, dịch vụ hậu cần, an toàn trên biển. Phấn đấu đạt sản lượng thuỷ sản năm 2005 vào khoảng 2,4 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thuỷ sản khoảng 2,5 tỷ USD.

Phát triển mạng lưới thuỷ lợi, bảo đảm cải tạo đất, thâm canh, tăng vụ và khai thác các vùng đất mới. Hoàn thành xây dựng các công trình thuỷ lợi kết hợp với phòng tránh lũ ở miền Trung như hệ thống thuỷ lợi sông Chu; hệ thống thuỷ lợi Bang (Quảng Bình); thuỷ điện, thuỷ lợi Rào Quán (Quảng Trị); hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế); hồ Định Bình (Bình Định). Khởi công xây dựng thuỷ điện sông Ba Hạ kết hợp với phòng chống lũ đồng bằng Tuy Hoà (Phú Yên). Xây dựng và củng cố hệ thống đê biển và các công trình ngăn mặn, thuỷ lợi cho nuôi, trồng thuỷ sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Kiên cố hoá các tuyến đê xung yếu; tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương. Phấn đấu đến năm 2005, đưa năng lực tưới lên 6,5 triệu ha gieo trồng lúa và 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp (tăng 60 vạn ha).

Phát triển nhanh cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, tiếp tục đầu tư xây dựng đường giao thông đến hơn 500 xã hiện chưa có đường ôtô đến trung tâm, mở rộng mạng lưới cung cấp điện, thực hiện tốt chương trình quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, đến năm 2005 có 60% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Mở mang các làng nghề, phát triển các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đưa công nghiệp sơ chế và chế biến về nông thôn và vùng nguyên liệu; phát triển lĩnh vực dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật, trao đổi nông sản hàng hoá ở nông thôn,... tăng nhanh việc làm cho khu vực phi nông nghiệp. Tiếp tục chương trình xoá đói, giảm nghèo, chú trọng phát triển các đô thị nhỏ, các điểm bưu điện, văn hoá ở làng, xã, các trung tâm văn hoá cụm xã. Đảm bảo an toàn xã hội, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở nông thôn.

Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân 4,8%/năm. Đến năm 2005, ngành nông nghiệp chiếm khoảng 75 - 76% giá trị sản xuất toàn ngành; lâm nghiệp khoảng 5 - 6%; thuỷ sản khoảng 19 - 20%.

2. Định hướng phát triển công nghiệp

Phát triển với nhịp độ cao, có hiệu quả, coi trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến và tiến tới hiện đại hoá từng phần các ngành sản xuất công nghiệp.

Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Xây dựng có lựa chọn, có điều kiện về vốn, công nghệ, thị trường, và hiệu quả một số cơ sở công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất: dầu khí, luyện kim (thép, alumin, nhôm, kim loại quý hiếm...), cơ khí, điện tử, hoá chất cơ bản...

Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử. Phát triển một số cơ sở công nghiệp quốc phòng cần thiết.

Kết hợp hài hoà giữa phát triển công nghiệp đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu; có những biện pháp bảo hộ hợp lý, bảo đảm công nghiệp phát triển với khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp với nhiều quy mô, nhiều trình độ; chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp định hướng chung và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; trước hết, tập trung cho công nghiệp chế biến, công nghiệp sử dụng nhiều lao động và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển mạnh mẽ tiểu thủ công nghiệp.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 13%/năm.

Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp:

Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, phát triển mạnh theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài; chú trọng các mặt hàng như chế biến thuỷ sản, chế biến lương thực, thịt, sữa, đường mật, nước giải khát, dầu thực vật...

Phấn đấu đến năm 2005 đạt 8 - 10 lít sữa/người/năm và đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sữa gấp 2 lần so với năm 2000, nâng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước lên 20%. Tiếp tục quy hoạch phát triển đồng bộ ngành mía đường cả về vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến; dự kiến sản lượng đường mật các loại bình quân đầu người vào năm 2005 khoảng 14,4 kg. Chú trọng đầu tư sản xuất dầu thực vật, phát triển các cơ sở chế biến rau, quả gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

Ngành giấy, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất giấy hiện có, nghiên cứu xây dựng thêm một số cơ sở sản xuất bột giấy và giấy để có thể tăng công suất thêm 20 vạn tấn, trong đó có nhà máy bột giấy ở Kon Tum công suất 13 vạn tấn/năm, đưa tổng năng lực sản xuất lên 60 vạn tấn và đạt sản lượng 50 vạn tấn vào năm 2005.

Ngành dệt may và da giầy, chú trọng tìm kiếm và mở thêm thị trường trong nước và nước ngoài. Tăng cường đầu tư, hiện đại hoá một số khâu sản xuất, tập trung đầu tư sản xuất sợi, dệt, thuộc da; chú trọng phát triển nguồn bông và khai thác nguồn da các loại, tăng phần sản xuất trong nước về các nguyên liệu và phụ liệu trong ngành dệt may và da giầy để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu. Đến năm 2005, đạt sản lượng 2,5 - 3 vạn tấn bông xơ, 750 triệu mét vải, nâng sản lượng giy dép lên trên 410 triệu đôi.

Ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin, viễn thông, thực hiện đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, hiện đại hoá những cơ sở sản xuất điện tử đã có, xây dựng một số cơ sở mới để đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm dần nhập khẩu và tăng dần xuất khẩu; tăng nhanh tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tập trung đầu tư và có chính sách để phát triển mạnh công nghiệp phần mềm phục vụ nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu, đưa giá trị sản phẩm phần mềm đạt trên 500 triệu USD vào năm 2005, trong đó xuất khẩu khoảng 200 triệu USD.

Ngành cơ khí, tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, hiện đại hoá một số khâu then chốt trong chế tạo, chú trọng phát triển công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu, đặc biệt là các loại tàu có trọng tải lớn. Tăng khả năng chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ, thiết bị lẻ cho công nghiệp chế biến; nông cụ và máy nông nghiệp; các loại thiết bị cho các cơ sở công nghiệp vừa và nhỏ; phương tiện vận tải, máy công cụ, máy xây dựng, cơ khí tiêu dùng. Phát triển một số lĩnh vực hiện đại như cơ điện tử; từng bước đưa ngành cơ khí thành ngành công nghiệp mạnh, đáp ứng khoảng 25% nhu cầu chế tạo thiết bị cho nền kinh tế và nội địa hoá khoảng 70-80% các loại phụ tùng xe máy và 30% phụ tùng lắp ráp ôtô.

Ngành dầu khí, tiếp tục tìm nguồn vốn hợp tác thăm dò, tìm kiếm khai thác để tăng thêm khả năng khai thác dầu khí. Sản lượng khai thác dầu năm 2005 đạt 27 - 28 triệu tấn quy đổi. Đẩy mạnh công tác phát triển mỏ và xây dựng đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn để đưa vào vận hành năm 2002; nhà máy lọc dầu số 1 đưa vào vận hành năm 2004 nhằm đạt sản lượng 6 triệu tấn xăng, dầu và các sản phẩm dầu vào năm 2005. Ngoài ra, sẽ tiến hành một số công tác chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy lọc dầu số 2, đường ống dẫn khí và cơ sở chế biến, sử dụng khí ở khu vực Tây Nam, ở đồng bằng sông Hồng. Tận dụng khả năng để đầu tư ra nước ngoài nhằm phát triển lâu dài ngành dầu khí nước ta.

Ngành điện, sản lượng điện phát ra năm 2005 khoảng 44 tỷ kWh, tăng bình quân 12%/năm, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp, phát triển các ngành dịch vụ và phục vụ dân sinh.

Trong 5 năm tới, công suất nguồn điện tăng thêm khoảng 5.200 MW, đến năm 2005 tổng công suất nguồn điện khoảng 11.400 MW, trong đó thủy điện chiếm 40%, nhiệt điện khí trên 44%, nhiệt điện than trên 15%,... Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống tải điện. Tích cực chuẩn bị cho công trình thuỷ điện Sơn La, phấn đấu tạo đủ điều kiện để khởi công xây dựng trong kế hoạch 5 năm này.

Ngành than, mở rộng thị trường tiêu thụ than trong và ngoài nước để tăng nhu cầu sử dụng than, bố trí sản xuất than hợp lý giữa cung và cầu. Thực hiện chủ trương đầu tư có trọng điểm, đổi mới công nghệ, nâng cao tính an toàn trong sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc của công nhân ngành than. Dự kiến sản lượng than năm 2005 khoảng 15 - 16 triệu tấn.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xi măng để đưa vào khai thác trong 5 năm tới; nghiên cứu xây dựng mới một vài nhà máy xi măng để tăng thêm 8 - 9 triệu tấn công suất. Đến năm 2005 dự kiến tổng công suất đạt trên 24,5 triệu tấn. Phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng khác như tấm lợp, gạch, ngói, khai thác và chế biến đá granit, sản xuất các thiết bị trang trí nội thất... để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngành hoá chất phân bón, nghiên cứu các điều kiện để sớm khởi công xây dựng nhà máy sản xuất DAP công suất 33 vạn tấn phân diamon phốt phát; tăng năng lực khai thác và tuyển quặng apatít lên 76 vạn tấn/năm, đưa tổng năng lực sản xuất phân lân các loại đến năm 2005 khoảng 2,2 triệu tấn. Triển khai xây dựng nhà máy sản xuất phân đạm từ khí để có thể huy động một phần công suất vào năm 2004. Tích cực thực hiện các công tác chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng nhà máy sản xuất đạm đi từ khí hoá than, gối đầu công suất cho 5 năm sau. Dự kiến sản lượng phân urê năm 2005 vào khoảng 80 - 90 vạn tấn.

Nâng cao năng lực sản xuất một số hoá chất cơ bản như xút, sôđa; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cao su, trong đó sản lượng lốp ôtô, máy kéo đạt 1,2 triệu bộ/năm.

Ngành thép, tiếp tục triển khai đầu tư chiều sâu các cơ sở luyện và cán thép hiện có. Đầu tư xây dựng mới 1 - 2 cơ sở sản xuất phôi thép, nâng năng lực sản xuất phôi từ 40 vạn tấn năm 2000 lên 1 - 1,4 triệu tấn năm 2005. Xây dựng nhà máy cán thép nguội và nhà máy cán thép nóng để sản xuất thép tấm, thép lá. Nghiên cứu và chuẩn bị xây dựng cơ sở luyện thép liên hợp từ quặng trong nước và nhập khẩu. Sản lượng thép cán các loại năm 2005 vào khoảng 2,7 triệu tấn.

Khai thác và chế biến các loại khoáng sản, phát triển công nghiệp khai thác bôxit, luyện alumin và chế biến nhôm theo 1 trong 2 phương án: sản xuất 300 nghìn tấn/năm alumin để điện phân 75 nghìn tấn nhôm sử dụng trong nước; sản xuất 1 triệu tấn alumin cho xuất khẩu, giai đoạn sau nâng lên 3 triệu tấn. Đầu tư khai thác và tuyển quặng đồng, khai thác imenhít, đá quý, vàng, đất hiếm; xây dựng nhà máy luyện kẽm Thái Nguyên, luyện đồng ở Lào Cai.

3. Định hướng phát triển các ngành dịch vụ

Đa dạng hoá các ngành dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống xã hội.

Phát triển thương mại, cả nội thương và ngoại thương, bảo đảm hàng hoá lưu thông thông suốt trong thị trường nội địa và giao lưu buôn bán với nước ngoài. Chú trọng công tác tiếp thị và mở rộng thị trường nông thôn, thị trường miền núi; tạo liên kết chặt chẽ giữa các vùng trong nước. Củng cố thương mại nhà nước; tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ trên thị trường tăng khoảng 11 - 14%/năm.

Nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động du lịch. Liên kết chặt chẽ các ngành liên quan đến hoạt động du lịch để đầu tư phát triển một số khu du lịch tổng hợp và trọng điểm; đưa ngành du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển và đa dạng hoá các loại hình và các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, lịch sử, thể thao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất và đẩy mạnh hợp tác liên kết với các nước trong hoạt động du lịch.

Nâng cao chất lượng, tăng khối lượng và độ an toàn vận tải hành khách, hàng hoá trên tất cả các loại hình vận tải; có các biện pháp tích cực để giải quyết tốt vận tải hành khách công cộng ở các thành phố lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, phấn đấu để giảm thiểu tai nạn giao thông... Nâng tỷ lệ thị phần vận tải quốc tế bằng hàng không, đường biển... Khối lượng luân chuyển hàng hoá tăng 9 - 10%/năm. Luân chuyển hành khách tăng 5 - 6%/năm. Nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính - viễn thông. Năm 2005 mật độ điện thoại đạt 7 - 8 máy/100 dân. Phổ cập dịch vụ điện thoại đến 100% số xã trong toàn quốc.

Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, kiểm toán, tư vấn pháp luật, dịch vụ trí tuệ, tin học, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao...

Nhịp độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng các ngành dịch vụ trên 7,5%/năm.

4. Định hướng phát triển kinh tế đối ngoại

Về xuất khẩu, nhập khẩu.

Tăng nhanh tổng kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm nhập khẩu những vật tư, thiết bị chủ yếu, có tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh. Tạo thị trường ổn định cho một số loại mặt hàng nông sản thực phẩm và hàng công nghiệp có khả năng cạnh tranh; tìm kiếm các thị trường cho mặt hàng xuất khẩu mới. Nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu, tăng thêm thị phần ở các thị trường truyền thống, tiếp cận và mở mạnh các thị trường mới.

Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng để tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dầu thô, gạo, cà phê, cao su, hàng thuỷ sản, dệt may, da giầy, hàng thủ công mỹ nghệ, điện tử và linh kiện điện tử, phần mềm máy tính,... Đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm khoảng 114 tỷ USD, tăng 16%/năm. Nhóm hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng bình quân hằng năm là 15,9%; trong đó, nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp chiếm 43% kim ngạch xuất khẩu công nghiệp, tăng bình quân hằng năm 22%. Nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng bình quân hằng năm 16,2%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm khoảng 118 tỷ USD, tăng bình quân hằng năm 15%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị và phụ tùng chiếm 32,6% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng bình quân hằng năm 17,2%; nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu chiếm 63,5%, tăng bình quân hằng năm 13,9%; nhóm hàng tiêu dùng chiếm khoảng 3,9%, bằng 5 năm trước.
Về thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, các ngành công nghệ cao, vật liệu mới, điện tử, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và các ngành Việt Nam có lợi thế, gắn với công nghiệp hiện đại và tạo việc làm.

Tập trung thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; tiếp tục nghiên cứu đề án xây dựng khu kinh tế mở để đưa vào kế hoạch 5 năm. Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Định hướng trong 5 năm tới dành khoảng 15% vốn ODA vào các ngành nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản, kết hợp mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá đói giảm nghèo; khoảng 25% cho ngành năng lượng và công nghiệp; khoảng 25% cho các ngành giao thông, bưu điện, cấp, thoát nước và đô thị. Coi trọng sử dụng vốn ODA trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra cần tăng cường đầu tư ra nước ngoài; phát triển các dịch vụ thu ngoại tệ; du lịch và các dịch vụ khác.

5. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng

Tập trung nâng cấp và hoàn thiện bước cơ bản các trục đường giao thông trên các tuyến Bắc - Nam (kể cả đường hầm qua đèo Hải Vân), các tuyến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đi các khu công nghiệp, các vùng kinh tế quan trọng; nâng cấp quốc lộ 1A, mở thêm tuyến trục song song để giải toả ách tắc giao thông, củng cố các tuyến liên tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ; nâng cấp các tuyến lên Tây Nguyên, miền núi. Thông tuyến giai đoạn I đường Hồ Chí Minh. Xây dựng các cầu lớn: cầu Thanh Trì, cầu Cần Thơ, cầu Bính, cầu Bãi Cháy. Tiếp tục nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, bảo đảm an toàn chạy tàu. Hoàn thành cải tạo, nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng mới theo quy hoạch các cảng Cái Lân, Hải Phòng, Nghi Sơn, Cửa Lò, Tiên Sa, Dung Quất, Liên Chiểu, Chân Mây, Quy Nhơn, Nha Trang, Thị Vải, Cần Thơ. Nâng cấp một số tuyến đường sông và hệ thống các cảng sông chính. Hoàn thiện sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nâng cấp các nhà ga tuyến nội địa.

Tiếp tục thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, bảo đảm 60% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch. Hoàn thành các dự án cải tạo nâng cấp hạ tầng đô thị ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng... như các dự án cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, nâng cao năng lực giao thông đô thị, cung cấp nguồn nước cho công nghiệp và đô thị gấp 2 lần so với hiện nay. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng đường giao thông nông thôn.

Phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và mạng lưới thông tin liên lạc quốc gia và quốc tế hiện đại, dung lượng lớn, chất lượng cao; đầu tư để nâng dần tỷ lệ nội địa hoá trong việc sản xuất, lắp ráp thiết bị thông tin liên lạc.

6. Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo

Tiếp tục quán triệt quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu và tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện trong phát triển giáo dục và đào tạo. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giáo dục. Định hình quy mô giáo dục và đào tạo, điều chỉnh cơ cấu đào tạo, nhất là cơ cấu cấp học, ngành nghề và cơ cấu theo lãnh thổ phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên các cấp.

Củng cố và duy trì thành quả phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ, đặc biệt ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở; xây dựng thêm trường học ở các cấp học phổ thông, bảo đảm số học sinh trong lớp ở từng cấp học theo tiêu chuẩn, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đưa số học sinh trung học tăng 7%/năm.

Xây dựng hoàn chỉnh, phát triển các trường đại học và cao đẳng theo mạng lưới hợp lý để hình thành một số trường đại học có chất lượng đào tạo ngang tầm với những trường đại học có chất lượng cao trong khu vực.

Số học sinh tuyển mới vào đại học và cao đẳng tăng 5%/năm. Đặc biệt chú trọng đào tạo chất lượng cao một số ngành công nghệ, kinh tế và quản lý nhà nước để đáp ứng nhu cầu nhân lực và nhân tài của đất nước.

Tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và phương thức đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao. Gắn việc hình thành các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với hệ thống các trường đào tạo nghề. Phát triển nhanh và phân bố hợp lý hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn cả nước; mở rộng các hình thức đào tạo nghề đa dạng, linh hoạt, năng động.

Số học sinh công nhân kỹ thuật tăng 11 - 12%/năm.

Đổi mới cơ bản công tác quản lý và tổ chức giáo dục; xây dựng hệ thống giáo dục nhằm tạo điều kiện cho mọi người có thể học tập suốt đời theo hướng thiết thực, hiện đại, gắn chặt với yêu cầu của xã hội. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và luật pháp để bảo đảm sự nghiệp giáo dục phát triển ổn định, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu về con người và nguồn nhân lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Ngăn chặn và đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục, xây dựng một nền giáo dục lành mạnh.

Nhà nước dành tỷ lệ ngân sách thích đáng, kết hợp đẩy mạnh xã hội hoá phát triển giáo dục và đào tạo. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục và đào tạo. Chủ động dành một lượng kinh phí thích đáng của ngân sách để tăng nhanh số học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh được đào tạo ở một số nước phát triển.

7. Định hướng phát triển khoa học và công nghệ

Trong 5 năm tới cần tạo bước phát triển mới, có hiệu quả trong các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng các thành quả khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng trong từng ngành, từng sản phẩm, từng lĩnh vực và từng vùng kinh tế.

Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu những luận cứ cho việc tạo động lực phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới sâu rộng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Khoa học tự nhiên chú trọng nghiên cứu cơ sở khoa học cho sự phát triển các lĩnh vực công nghệ trọng điểm và khai thác các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, dự báo, phòng tránh, giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Việc đổi mới công nghệ sẽ hướng vào chuyển giao công nghệ, tiếp thu, làm chủ những công nghệ mới; đặc biệt lựa chọn những công nghệ cơ bản, có vai trò quyết định đối với nâng cao trình độ công nghệ của nhiều ngành, tạo ra bước nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả phát triển của nền kinh tế.

Trong nông nghiệp tập trung nghiên cứu ứng dụng để có bước đột phá về giống cây, con có năng suất và giá trị cao; nghiên cứu và đưa vào ứng dụng tốt công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến nông sản.

Trong công nghiệp và xây dựng, tập trung nghiên cứu và ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, coi trọng nghiên cứu phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin viễn thông, công nghệ tự động hoá, công nghệ vật liệu mới.

Tập trung xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước, tăng năng lực tiếp thu, làm chủ, thích nghi, cải tiến các công nghệ hiện đại nhập từ nước ngoài trong một số lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, rút ngắn thời gian chuyển giao công nghệ, sớm đưa vào ứng dụng trong sản xuất.

Xây dựng các khu công nghệ cao ở Hoà Lạc và ở thành phố Hồ Chí Minh. Trang bị một số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia đạt trình độ khu vực và thế giới; đưa nhiều cán bộ khoa học và công nghệ đi đào tạo tại các nước có khoa học và công nghệ tiên tiến.

8. Định hướng phát triển văn hoá

Đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; "Xây dựng nếp sống văn minh và gia đình văn hoá"; phong trào "Người tốt, việc tốt". Thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, động viên toàn dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tài năng, lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, thoát cảnh nghèo nàn, lạc hậu. Nhân rộng những điển hình tốt trên các mặt sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội; kiên quyết đấu tranh loại trừ các hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn xã hội.

Phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; bảo tồn và tôn tạo các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể làm nền tảng cho sự giao lưu văn hoá giữa các cộng đồng, giữa các vùng cả nước và giao lưu văn hoá với bên ngoài. Tiếp tục đưa các hoạt động văn hoá thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc; phát động phong trào toàn dân tham gia thực hiện nếp sống văn minh, gia đình, bản, làng văn hoá; tiến tới hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hoá bằng nguồn lực nhà nước và mở rộng xã hội hoá, làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người. Phấn đấu 80% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá; 50% làng xóm, khu phố đạt chuẩn văn hoá quốc gia; 78% xã phường có nhà văn hoá; bình quân mỗi người dân có 4 bản sách/năm.
Đầu tư thích đáng để đào tạo nhân tài, nghệ sĩ; có chính sách động viên lực lượng văn học nghệ thuật sáng tác, xây dựng các công trình, các tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật. Xây dựng làng văn hoá các dân tộc Việt Nam thành trung tâm giáo dục văn hoá, nghệ thuật dân tộc.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống phủ sóng phát thanh, truyền hình trên cả nước, bảo đảm trên 90% các hộ gia đình xem được Đài Truyền hình Việt Nam và nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam. Phát triển và hiện đại hoá mạng lưới thông tin đại chúng, mở rộng mạng lưới khai thác Internet với sự quản lý của Nhà nước.

Phát triển mạnh các hoạt động thể dục, thể thao cả về quy mô và chất lượng, góp phần nâng cao thể lực và phát huy tinh thần dân tộc của con người Việt Nam; chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc đăng cai tổ chức và tham gia SEAGAMES 2003 tại Việt Nam; thực hiện xã hội hoá các hoạt động thể thao mang tính chuyên nghiệp.

9. Định hướng phát triển các lĩnh vực xã hội

Trong 5 năm tới, tập trung tạo việc làm và ổn định việc làm cho khoảng 7,5 triệu người, bình quân trên 1,5 triệu người/năm; phấn đấu đến năm 2005 giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn khoảng 5,4% và nâng quỹ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên 80%.

Phát triển sản xuất, kinh doanh và các loại hình dịch vụ, thực hiện tốt các chương trình kinh tế - xã hội, tăng chất lượng xuất khẩu lao động được xem là những khâu quan trọng trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động cho sản xuất công nghiệp, xây dựng từ 16% năm 2000 lên 20-21% năm 2005, lao động trong các ngành dịch vụ từ 21% lên 22-23%. Giảm lao động nông, lâm, ngư nghiệp cả về số tuyệt đối và tỷ trọng từ 63% xuống còn 56 - 57%. Tăng nhanh lao động kỹ thuật từ 20% năm 2000 lên 30% vào năm 2005.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xoá đói, giảm nghèo. Quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng cho các vùng nghèo, xã nghèo; đồng thời nâng cấp, cải tạo các tuyến trục giao thông nối vùng nghèo, xã nghèo với các trung tâm của những vùng khác, nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi cho vùng nghèo, vùng khó khăn để phát triển. Đi đôi với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phải rất coi trọng việc tạo nguồn lực cần thiết để dân cư ở các vùng nghèo, xã nghèo đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng nhanh thu nhập. Phấn đấu đến năm 2005 về cơ bản không còn hộ đói và chỉ còn khoảng 10% số hộ thuộc diện nghèo. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các huyện đồng bằng miền Trung và các tỉnh Nam Bộ về cơ bản không còn hộ nghèo. Nâng dần mức sống của các hộ đã thoát nghèo, tránh tình trạng tái nghèo.

Giảm mức sinh bình quân hằng năm 0,5‰; tốc độ tăng dân số vào năm 2005 vào khoảng 1,2%; quy mô dân số đến năm 2005 khoảng 83 triệu người, trong đó ở nông thôn khoảng 60 triệu, ở thành thị khoảng 23 triệu; phân bố dân cư hợp lý giữa các vùng; từng bước nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư, hạn chế việc mở rộng chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư và các nhóm xã hội khác nhau, đưa các yếu tố tích cực của dân số vào các kế hoạch phát triển.
Phát động phong trào toàn xã hội bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thực hiện các mục tiêu vì trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi xuống còn 30, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 35, mở rộng tiêm chủng trẻ em từ 8-10 loại vắc-xin, tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản xuống còn 0,9; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 22 - 25% vào năm 2005; không còn trẻ em bị mù chữ ở tuổi 15; 70% trẻ em được phổ cập trung học cơ sở; 50% cơ sở có điểm văn hoá vui chơi cho trẻ em; 80% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được bảo vệ, chăm sóc.

Phát triển y tế dự phòng, cải thiện các chỉ tiêu sức khoẻ, nâng thể trạng và tầm vóc của người Việt Nam và tăng tuổi thọ bình quân lên khoảng 70 tuổi vào năm 2005. Phát triển công nghiệp dược phẩm, nâng cao chất lượng sản xuất thuốc chữa bệnh; bảo đảm 40% nhu cầu thuốc chữa bệnh được sản xuất từ trong nước với chất lượng cao.

Hoàn chỉnh quy hoạch, củng cố và nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở; có bác sĩ làm việc ở tất cả các trạm y tế xã đồng bằng và trung du, phần lớn các xã miền núi. Tiếp tục củng cố và phát triển thêm bệnh viện ở một số tuyến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, giải quyết một bước tình trạng thiếu giường bệnh; bảo đảm sự bình đẳng thụ hưởng các dịch vụ về y tế trong các tầng lớp dân cư. Hiện đại hoá một số bệnh viện đầu ngành, các trung tâm y tế chuyên sâu và một số bệnh viện khu vực.
Từng bước ngăn chặn và giảm tốc độ phát triển bệnh dịch AIDS. Tập trung sức cho việc phòng trừ và giải quyết trọng điểm tệ nạn xã hội.

Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên.

Chăm sóc, giúp đỡ người già không nơi nương tựa, những người tàn tật và những nạn nhân do hậu quả chiến tranh để lại.
Thực hiện cải cách cơ bản tiền lương. Tiền lương phải cơ bản bảo đảm đủ sống cho người lao động và phù hợp với sự phát triển kinh tế. Trên cơ sở cải cách tiền lương, đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

10. Bảo vệ và cải thiện môi trường

Kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững; tiến tới bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực tối thiểu do Nhà nước quy định. Trước mắt, tập trung giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở các khu công nghiệp, các khu dân cư đông đúc, chật chội ở các thành phố lớn và một số vùng nông thôn. Kiểm soát ô nhiễm và ứng cứu sự cố môi trường do thiên tai lũ lụt gây ra; có kế hoạch cải tạo, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường trên các dòng sông, hồ ao, kênh mương... Thực hiện các dự án về cải tạo, bảo vệ môi trường: xây dựng vườn quốc gia, khu rừng cấm, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen di truyền, xây dựng các công trình làm sạch môi trường.

 Đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tiết kiệm và tiết chế sử dụng tài nguyên không tái tạo được. Tăng cường kiểm tra và giám sát môi trường trong từng dự án đầu tư và từng quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, các vùng lãnh thổ. Áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất ít chất thải, ít gây ô nhiễm môi trường.

11. Định hướng phát triển các vùng lãnh thổ

11.1. Trung du và miền núi Bắc Bộ (Tây Bắc và Đông Bắc)

Phát huy thế mạnh về đất và rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển mạnh kinh tế trang trại. Đối với những vùng có khả năng trồng cây lương thực thì đầu tư thuỷ lợi nhỏ, đưa các loại giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái trong vùng để phát triển sản xuất lương thực tại chỗ, không phá rừng làm nương rẫy sản xuất lương thực.

Tái tạo vốn rừng kết hợp với phát triển các vùng rừng nguyên liệu công nghiệp, gỗ trụ mỏ. Trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đặc biệt trồng rừng phòng hộ khu vực đầu nguồn sông Đà gắn với việc bảo vệ cảnh quan. Phát triển các vùng cây công nghiệp tập trung, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn như chè, cây ăn quả, phát triển các vùng cây đặc sản, gỗ trụ mỏ,... Thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, định canh định cư kết hợp với phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy trồng lương thực và các cây khác.

Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản; công nghiệp vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; xây dựng thuỷ điện quy mô lớn cung cấp cho cả nước, đồng thời phát triển thuỷ điện nhỏ đáp ứng nhu cầu ở những vùng sâu, vùng xa...; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và tiểu thủ công nghiệp ở các đô thị và nông thôn; công nghiệp luyện kim; chế tạo cơ khí; phân bón; hoá chất... Xúc tiến nghiên cứu và xây dựng thuỷ điện Sơn La. Cải tạo và mở rộng các khu vực tập trung công nghiệp hiện có, đồng thời hình thành tuyến hành lang công nghiệp theo đường 18 gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tập trung đầu tư nâng cấp các quốc lộ 6, 2, 3, 1, 70, 37, 4D, 279, 32, 42. Khôi phục và nâng cấp các đường vành đai quốc lộ 4, N1, N2 để tạo ra mạng lưới đường hoàn chỉnh cho cả vùng. Cải tạo đường thuỷ, nâng cấp các cảng sông chuyên dùng như Vạn Yên, Tà Hộc, Sơn La. Phát triển tuyến hành lang biên giới trên cơ sở phát triển các đô thị gắn với kinh tế cửa khẩu, nâng cấp các đường giao thông tới vùng biên quan trọng. Từng bước xây dựng các vùng biên giới đủ mạnh để giữ vững biên cương, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Phát triển nhanh các loại hình dịch vụ, trước hết là thương mại, phát triển mạng bưu chính - viễn thông an toàn, thông suốt, cấp điện, cấp nước, xây dựng các trung tâm cụm xã, các đô thị trung tâm gắn với các khu công nghiệp, nâng cấp các cửa khẩu biên giới.

Phát triển mạnh du lịch, chú trọng du lịch sinh thái, cảnh quan thiên nhiên như hồ Ba Bể, hồ Thác Bà, hồ Núi Cốc, Sapa...; tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá trong vùng gắn với phát triển du lịch.

Có quy hoạch cụ thể để ổn định dân cư, định canh, định cư, nâng cao dân trí, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc.

11.2. Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, giao lưu quốc tế và trong nước thuận tiện để chuyển mạnh cơ cấu, tiến tới sử dụng hết lực lượng lao động (kể cả chuyển một bộ phận đi vùng khác). Tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có; xây dựng khu công nghệ cao Hoà Lạc. Chuẩn bị điều kiện để hình thành từng bước các điểm công nghiệp mới dọc tuyến đường 5, đường 18, đường 10, khu vực các tỉnh lân cận phía Bắc và Tây Bắc Hà Nội...

Phát triển công nghiệp với trình độ công nghệ cao, hiện đại, trên các lĩnh vực như cơ khí chế tạo, sản xuất hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng, sản xuất phần mềm tin học, sản xuất các loại vật liệu xây dựng,... kết hợp với sử dụng được nhiều lao động.
Tiếp tục xây dựng và nâng cấp các tuyến giao thông như quốc lộ 1, 5, 10, 18; hoàn thành việc nâng cấp và mở rộng cảng Hải Phòng; xây dựng cảng nước sâu Cái Lân; xây dựng cầu Thanh Trì, cầu Bính, cầu Bãi Cháy; hoàn thành xây dựng nhà ga hàng không quốc tế Nội Bài. Hoàn chỉnh một bước hệ thống giao thông công cộng ở thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Hiện đại hoá mạng lưới bưu chính - viễn thông; cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống cấp nước ở các đô thị Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long... Xây dựng tháp truyền hình Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá;  hình thành các vùng lúa chất lượng cao ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tiếp tục phát triển thế mạnh của vụ đông, phát triển cây thực phẩm và chăn nuôi gắn với công nghiệp chế biến nhiều trình độ công nghệ; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau, thịt, trái cây, hoa... phục vụ cho đô thị, du lịch và xuất khẩu. Khai thác và sử dụng hợp lý dải ven biển trong vùng, phát triển nghề nuôi, trồng và đánh bắt thuỷ, hải sản, từng bước phát triển nghề nuôi thuỷ sản trên biển.

Phát huy vai trò các trung tâm thương mại, y tế, giáo dục, đào tạo của cả nước. Phát triển mạnh du lịch trong vùng, đầu tư xây dựng khu du lịch tổng hợp Hạ Long - Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn. Phát triển các điểm du lịch ở các tỉnh gắn với các trung tâm du lịch ở trong và ngoài vùng để hình thành rõ nét các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng.

Dành một phần vốn đầu tư đáng kể để hoàn thiện và nâng cấp chất lượng môi trường đô thị; nghiên cứu, chỉnh trị, nạo vét và mở rộng một số cửa sông ven biển ở phía nam đồng bằng sông Hồng. Chú trọng quy hoạch xây dựng nhà ở tại các đô thị vệ tinh.
11.3. Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Xây dựng công nghiệp lọc hoá dầu và sớm hình thành khu kinh tế Dung Quất - Chu Lai. Thu hút các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vào các khu công nghiệp đã được cấp phép. Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng (Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình), khai thác thiếc Quỳ Hợp (Nghệ An), khai thác đá ốp lát, chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Phát triển cơ khí sửa chữa và đóng tàu thuyền; công nghiệp dệt, da, may... Hình thành các khu công nghiệp ven biển.

Thâm canh cây lúa nước ở đồng bằng ven biển. Phát triển chăn nuôi, chú trọng các loại đặc sản chăn nuôi của vùng như hươu, dê... để tạo nên đặc trưng có giá trị cao. Phát triển mạnh nuôi, trồng thuỷ, hải sản, gắn với công nghiệp đánh bắt và chế biến hải sản.

Tái tạo vốn rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, mía, bông, dâu tằm, thuốc lá, cói... và các cây công nghiệp dài ngày phù hợp với điều kiện sinh thái cây trồng. Trồng rừng chắn gió, chắn cát ven biển, hình thành các vành đai xanh quanh thành phố, thị xã, khu công nghiệp.

Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về cơ sở hạ tầng để gắn kết khu vực này với các vùng lân cận, góp phần thực hiện chương trình hành lang Đông Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gắn với nhiệm vụ phát triển khu tam giác biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Xây dựng đường hầm qua đèo Hải Vân và đường tránh phía Tây qua thành phố Huế. Nâng cấp và xây dựng theo quy hoạch các cảng biển Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng, Tiên Sa, Dung Quất, Liên Chiểu, Chân Mây, Quy Nhơn, Nha Trang. Từng bước hiện đại hoá những sân bay trọng điểm trong vùng. Nâng cấp các quốc lộ 7, 9, 12 (mới), 19, 24. Xây dựng một số tuyến giao thông trục ngang nối trục quốc lộ 1. Xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu biên giới. Khai thác điều kiện thuận lợi của đường Hồ Chí Minh để phát triển miền đất phía Tây của vùng.

 Xây dựng hệ thống cấp, thoát nước ở các khu công nghiệp, nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng ở các đô thị.

Hoàn thành xây dựng các công trình thuỷ lợi kết hợp với phòng tránh lũ như hệ thống thuỷ lợi sông Chu, thuỷ lợi An Mã (Quảng Bình), thuỷ điện, thuỷ lợi Rào Quán (Quảng Trị), hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Định Bình (Bình Định). Nghiên cứu đưa vào xây dựng một số công trình phòng chống lũ lụt theo quy hoạch phát triển khu vực lũ lụt miền Trung, thực hiện các biện pháp dự phòng và hạn chế tác hại của thiên tai lũ lụt, hạn hán nặng.

Phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng kiên cố các trường lớp ở vùng thường bị thiên tai, bão lụt. Củng cố và phát triển hệ thống các trường đại học trong vùng.

Khai thác thế mạnh du lịch văn hoá, lịch sử và du lịch biển, ven biển; phát triển các trung tâm du lịch ở từng tỉnh trong vùng và các điểm du lịch hấp dẫn như: cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha, Cảnh Dương, Lăng Cô, Non Nước, Văn Phong, Đại Lãnh... Phối hợp sự phát triển của các đô thị, khu, cụm công nghiệp với phát triển du lịch, nhất là du lịch biển. Phát huy vai trò trung tâm kinh tế - văn hoá vùng của cụm đô thị Đà Nẵng - Huế.

11.4. Tây Nguyên

Với vị trí chiến lược và ưu thế về đất đai, tài nguyên, xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, tiến tới có vùng kinh tế động lực.

Phát triển với tốc độ nhanh theo hướng thâm canh cây công nghiệp xuất khẩu (cà phê, chè, cao su, điều, hồ tiêu...) và các loại cây công nghiệp khác như bông, dâu tằm, cây dược liệu, cây ăn quả, rừng nguyên liệu giấy, và các loại cây đặc sản... Gắn việc trồng rừng mới, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả với việc khôi phục và bảo vệ, chăm sóc rừng, giữ vững môi trường sinh thái và tăng nhanh độ che phủ của rừng. Mở rộng diện tích và thâm canh cây ngô, phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày, hạn chế tiến tới chấm dứt việc phá rừng làm nương rẫy. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế trang trại,...

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến cà phê, cao su, công nghiệp thực phẩm. Lựa chọn, trang bị một số dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao từ cây công nghiệp, lâm sản, chăn nuôi... Xây dựng nhà máy bột giấy Kon Tum gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển cơ khí sửa chữa, công nghiệp vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến bôxit; hoàn thành xây dựng thuỷ điện Yaly.

Từng bước hình thành một số khu công nghiệp tập trung.

Phát triển các tuyến đường trong khu vực và các tuyến sang Lào và Campuchia. Coi trọng việc xây dựng hệ thống thuỷ lợi, nhất là đập thuỷ điện, đập chứa nước gắn với hệ thống kênh mương của các vùng sản xuất tập trung. Kết hợp xây dựng giao thông với hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi, cầu cống và các công trình phục vụ sản xuất và đời sống. Phát triển mạng lưới bưu chính - viễn thông an toàn, thông suốt.

Xây dựng các trung tâm thương mại tập trung ở các thành phố, thị xã tạo mối giao lưu hàng hoá với các vùng khác và với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Phát triển du lịch, xây dựng các trung tâm du lịch Đan Kia, Suối Vàng, Hồ Lăk, Buôn Đôn... Hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng. Xây dựng các cửa khẩu biên giới.

Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống trường học, trạm xá, bệnh viện, điểm sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu dân sinh. Chú trọng phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo, đầu tư nâng cấp Đại học Tây Nguyên, Đại học Đà Lạt. Cải tạo và xây dựng mới các cơ sở y tế. Triển khai xây dựng các vùng kinh tế mới theo quy hoạch.

Nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đi đôi với tiếp tục thu hút vốn, phân bố dân cư và lao động theo quy hoạch.

11.5. Miền Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp khai thác dầu khí, công nghiệp năng lượng, phân bón, hoá chất từ dầu khí; phát triển công nghiệp kỹ thuật hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp ở các tỉnh, tránh tập trung quá mức công nghiệp vào các đô thị lớn. Khuyến khích đầu tư vào 32 khu công nghiệp và khu chế xuất được cấp giấy phép; xây dựng khu công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh; tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào để đưa các khu công nghiệp vào hoạt động có hiệu quả.

Tiếp tục đầu tư xây dựng trục đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành, nâng cấp quốc lộ 22. Tập trung hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ 50, quốc lộ 1 và xây dựng đường quốc lộ N1 nối khu vực Đông Nam Bộ với đồng bằng sông Cửu Long. Nâng cấp cụm cảng Sài Gòn, từng bước đầu tư xây dựng mới cụm cảng Thị Vải và các cảng sông hiện có. Cải tạo đầu mối đường sắt thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Phnôm Pênh, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát nước ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung. Đẩy nhanh việc xây dựng các đô thị vệ tinh mới gắn với các khu công nghiệp xung quanh thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đại hoá ga hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phát triển lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi núi trọc (tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai); tăng nhanh việc trồng và sớm ổn định rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt giữ diện tích rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) và ven biển của Bà Rịa - Vũng Tàu, chú trọng rừng nguyên liệu giấy, rừng quốc gia và rừng đầu nguồn Trị An.

Phát huy thế mạnh đất đai để phát triển mạnh cây công nghiệp (cao su, cà phê, điều, mía đường, bông...), cây ăn quả, cây nguyên liệu giấy. Củng cố các điểm dân cư gắn với các vùng chuyên canh tập trung lớn về cà phê và cao su, tạo điều kiện thu hút thêm lao động từ đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển khai thác, nuôi, trồng, chế biến và các dịch vụ nghề cá.

Hình thành hệ thống các trung tâm thương mại có quy mô và trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực. Ngoài trung tâm du lịch và dịch vụ lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, tập trung phát triển du lịch, dịch vụ biển ở Vũng Tàu, Côn Đảo, Mũi Né. Hình thành các đô thị vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hoà.

Phát huy vai trò các trung tâm công nghiệp, khoa học, văn hoá, dịch vụ (thương mại, xuất khẩu, viễn thông, tài chính, ngân hàng) của thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận, tiến tới có tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.

11.6. Đồng bằng sông Cửu Long

Phát huy lợi thế của vùng sản xuất lương thực, rau quả, thuỷ sản hàng hoá lớn nhất của cả nước, tăng nhanh diện tích gieo trồng, năng suất và chất lượng sản phẩm đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu và các dịch vụ.

Tăng cường kết cấu hạ tầng, trước hết là mạng lưới đường bộ gắn với mạng giao thông thuỷ cùng với việc nâng cấp quốc lộ 1A và xây dựng cầu Cần Thơ, mở thêm tuyến để giải toả ách tắc giao thông. Nạo vét luồng lạch, đặc biệt là luồng cửa Định An, cửa Tiền, cửa Trần Đề. Nâng cấp và xây dựng một số cảng sông. Nâng cấp các sân bay trong vùng.

Nâng cấp các quốc lộ đến tỉnh lỵ, mở thêm tuyến dọc biên giới phía Tây Nam. Xây dựng đường giao thông ở các vùng nông thôn, xoá cơ bản cầu khỉ. Có biện pháp hạn chế tác hại của lũ lụt hằng năm, bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống, quy hoạch và xây dựng nhà ở trong các vùng lũ lụt.

Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cấp, thoát nước cho các khu đô thị, các khu công nghiệp. Thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư tập trung và dọc các kênh rạch.

Phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; công nghiệp may mặc, dệt, da giầy, chế biến thức ăn gia súc, cơ khí, vật liệu xây dựng, hoá chất. Phát triển các khu công nghiệp hiện có. Triển khai xây dựng các cụm công nghiệp sử dụng khí Tây Nam; xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở các địa bàn thích hợp.

Ổn định diện tích trồng lúa. Coi trọng thâm canh, nghiên cứu chuyển đổi mùa vụ một số loại cây trồng để phòng tránh lũ lụt, hạn hán. Hình thành các vùng chuyên canh lúa đặc sản và một số cây công nghiệp ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao. Tập trung khai thác vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

Khôi phục tuyến rừng bảo vệ bờ biển; giữ vững diện tích cây tràm, ổn định diện tích dừa nước, bảo vệ rừng ngập mặn và rừng phòng hộ vùng Bảy Núi. Xây dựng và củng cố hệ thống đê biển phía Đông và phía Tây, các công trình ngăn mặn, thuỷ lợi, cho nuôi, trồng thuỷ sản. Phát triển mạnh ngành khai thác và nuôi, trồng thuỷ sản có giá trị xuất khẩu cao, đặc biệt là tôm, cua và các loại đặc sản khác để có thể đóng góp 50% giá trị xuất khẩu thuỷ, hải sản của cả nước.

Phát huy thế mạnh kinh tế của đảo Phú Quốc và Thổ Chu. Xây dựng và phát huy vai trò trung tâm kinh tế - văn hoá vùng của thành phố Cần Thơ. Xây dựng mới kết hợp với nâng cấp hệ thống các trường học, bệnh viện, nhà văn hoá. Đầu tư nâng cấp trường Đại học Cần Thơ, hình thành một số trường đại học ở những tỉnh có điều kiện. Tập trung sức nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng.

Tiến hành xây dựng một số trung tâm thương mại ở các thành phố, thị xã trong vùng. Khai thác lợi thế về vị trí địa lý để phát triển nhanh các loại hình du lịch miệt vườn, sinh thái, du lịch biển, đảo... gắn với thành phố Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tuyến du lịch liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

12. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng và an ninh

Kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với củng cố quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh phát triển, cạnh tranh và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới trong thập kỷ tới.

Việc kết hợp kinh tế, xã hội với quốc phòng và an ninh được tiến hành xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm, hằng năm ở mỗi ngành, lĩnh vực, vùng, và từng tỉnh thành phố. Các công trình được xây dựng trong các ngành kinh tế, các vùng kinh tế, nhất là các vùng trọng điểm, vùng biển và ven biển, vùng cửa khẩu và những vùng kinh tế đặc biệt khác phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế trong từng ngành, từng vùng; khi cần thiết có thể tăng cường khả năng chủ động ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước. Đồng thời nghiên cứu xây dựng một số cơ sở công nghiệp quốc phòng cần thiết, chú trọng những cơ sở vừa phục vụ cho quốc phòng, an ninh, vừa sử dụng cho phát triển kinh tế. Huy động mạnh các cơ sở công nghiệp quốc phòng và tổ chức cho lực lượng vũ trang tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng tăng cường những trọng điểm về kinh tế, những địa bàn xung yếu về quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trong mọi tình huống.

V. ĐỊNH HƯỚNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005

1. Tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và công dân đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh

Trong giai đoạn 2001-2005 tập trung sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật, đổi mới công tác chỉ đạo thực hiện để bảo đảm các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, thực sự là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hoàn thành về cơ bản việc sắp xếp, tổ chức lại và đổi mới quản lý doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, bảo đảm vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Bảo đảm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh; thực hiện việc tách quyền chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan nhà nước với quyền sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xoá bỏ chế độ cơ quan, cấp hành chính chủ quản; chuyển một bộ phận doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Tăng cường đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ, tập trung cho những doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành và lĩnh vực then chốt như công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng, công nghiệp công nghệ cao; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công ích.

Hoàn thành cơ bản việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% sở hữu vốn. Ưu tiên bán cổ phần cho người lao động, mở rộng việc bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tiếp tục thực hiện việc giao, bán, khoán, cho thuê những doanh nghiệp nhà nước có quy mô nhỏ mà Nhà nước không cần nắm giữ và không cổ phần hoá được; sáp nhập, giải thể hoặc phá sản các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả và không thực hiện được các biện pháp trên. Có chính sách để kiên quyết giải quyết nợ tồn đọng và lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.

Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả các tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con, kinh doanh đa ngành tổng hợp trên cơ sở ngành chuyên môn hoá, gọi vốn thuộc nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh, làm nòng cốt để hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh ở một số ngành và lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế quốc dân như viễn thông, hàng không, dầu khí,...

Nhà nước thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Hoàn thành quá trình chuyển đổi các hợp tác xã cũ, đồng thời nghiên cứu bổ sung Luật Hợp tác xã cho phù hợp với tình hình mới. Phát triển các loại hình hợp tác xã bao gồm các thể nhân và pháp nhân. Khuyến khích hình thức liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hợp tác xã.

Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển mạnh. Thực hiện quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mỗi công dân nhằm phát huy tối đa nội lực, phát triển lực lượng sản xuất. Sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội cho mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm cơ hội và khả năng lựa chọn bình đẳng của các thành phần kinh tế trong tiếp cận về vốn, đất đai, lao động, công nghệ, trong sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Tiếp tục phát huy những tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp, tiến tới xây dựng một luật áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau thuộc các thành phần kinh tế. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế trang trại.

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển và là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam.

 Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào nước ta, nhất là sản xuất hàng xuất khẩu và sản phẩm công nghệ cao. Từng bước thống nhất khung luật pháp, chính sách và điều kiện kinh doanh áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư ra nước ngoài để phát huy lợi thế so sánh của đất nước.

2. Hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường

Xúc tiến việc hình thành đồng bộ các loại thị trường đi đôi với việc tạo lập khung pháp luật bảo đảm sự quản lý và giám sát của Nhà nước. Coi trọng công tác tiếp thị và tổ chức thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận thị trường, ký kết hợp đồng, tự chủ và tự chịu trách nhiệm kinh doanh; giảm đến mức tối đa sự can thiệp hành chính của các cơ quan nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong kinh doanh. Thực hiện nghiêm túc Luật Doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản doanh nghiệp; chống đặc quyền và lũng đoạn thị trường, ban hành Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền trong kinh doanh phù hợp với những điều kiện thực tế của Việt Nam.

Phát triển thị trường vốn và tiền tệ với các hình thức đa dạng thích hợp, bao gồm hệ thống ngân hàng, thể chế tài chính phi ngân hàng, công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư và bảo lãnh đầu tư... nhằm thu hút các nguồn vốn trong xã hội, mở rộng nguồn vốn dài hạn và trung hạn. Giảm mạnh các hình thức bao cấp về vốn, tín dụng. Cải cách hệ thống ngân hàng thương mại, tách chức năng tín dụng, chính sách ra khỏi chức năng kinh doanh của các ngân hàng thương mại quốc doanh, đặt các ngân hàng thương mại quốc doanh hoạt động trong môi trường cạnh tranh; lành mạnh hoá toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại quốc doanh. Hiện đại hoá và đổi mới công nghệ của hệ thống ngân hàng, đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin, phấn đấu để hệ thống tài chính - ngân hàng đạt trình độ trung bình của khu vực. Triển khai an toàn và từng bước mở rộng phạm vi hoạt động của thị trường chứng khoán.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách nhằm mở rộng thị trường lao động, tạo cơ hội bình đẳng và tiếp cận trực tiếp về đào tạo và việc làm cho mỗi công dân, khuyến khích người lao động học tập, đào tạo và tự kiếm việc làm. Bảo đảm sự dịch chuyển linh hoạt của người lao động trong khu vực kinh tế nhà nước. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề, hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Có chính sách thích hợp thu hút nhân tài và lao động có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và ngoài nước. Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động phản ánh những thực tế đã thay đổi, bảo vệ lợi ích hợp lý của người lao động, đồng thời khuyến khích người sử dụng lao động tạo thêm việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động, tìm việc làm trong nước và ngoài nước. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, nhất là lao động có đào tạo. Thu hút mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ và hiện đại hoá hệ thống đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường và sự phát triển khoa học, công nghệ. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội, tạo sự bình đẳng về cơ hội được bảo hiểm xã hội đối với người lao động trong các thành phần kinh tế; giải quyết thoả đáng quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động.

Phát triển thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển quyền sử dụng đất; mở rộng cơ hội cho các công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được dễ dàng có đất và sử dụng đất lâu dài cho sản xuất kinh doanh. Tính đủ giá trị của đất, sử dụng có hiệu quả quỹ đất của các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang, ngăn chặn sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả. Hoàn thành dứt điểm việc đăng ký và cấp giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà trên toàn quốc, trước hết là ở các đô thị. Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ và tập trung đất canh tác trong một số vùng có điều kiện. Sửa đổi các quy định về việc chuyển quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, thúc đẩy quá trình bán nhà ở của Nhà nước tại các đô thị, mở rộng các hình thức kinh doanh bất động sản. Giải quyết dứt điểm các tranh chấp về quyền sử dụng đất canh tác, đất thổ cư và nhà ở còn tồn đọng. Có chính sách xử lý đất canh tác và việc làm cho nông dân.

Từng bước mở rộng thị trường bất động sản cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia đầu tư. Quy hoạch sử dụng đất đai, nhất là ở các đô thị, theo hướng văn minh, hiện đại, công bố công khai quy hoạch này để doanh nghiệp và người dân thực hiện.

Phát triển các thị trường dịch vụ như dịch vụ khoa học công nghệ; dịch vụ tư vấn pháp luật, tư vấn quản lý, thị trường sản phẩm trí tuệ; dịch vụ tài chính - tiền tệ, dịch vụ bảo hiểm... Xúc tiến nhanh việc ứng dụng thương mại điện tử. Khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các thị trường dịch vụ nói trên.

3. Tăng cường hiệu lực của các công cụ, chính sách quản lý vĩ mô, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch hoá, nâng cao tính định hướng và dự báo, nâng cao chất lượng của các quy hoạch và kế hoạch, gắn quy hoạch, kế hoạch với thị trường. Hoàn thiện hệ thống thông tin và dự báo, phục vụ kế hoạch, gắn kế hoạch với cơ chế chính sách. Tăng cường chế độ trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa các cấp trong xây dựng, điều hành thực hiện kế hoạch. Đổi mới nội dung và phương pháp lập và thực hiện kế hoạch theo hướng huy động tối đa nội lực, khai thác mọi tiềm năng của ngành, của địa phương gắn với sử dụng có hiệu quả cao nguồn lực bên ngoài. Công bố công khai chiến lược kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển để tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch của từng ngành, từng cấp và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Có định hướng phát triển phù hợp cho từng vùng kinh tế để phát huy cao nhất mọi tiềm năng trong vùng.

Chính sách đầu tư nhà nước được điều chỉnh theo hướng tăng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nhà nước.

Tiếp tục xoá bỏ bao cấp trong đầu tư phát triển. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án không có khả năng thu hồi vốn; hỗ trợ đầu tư cho những vùng khó khăn, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình kinh tế trọng điểm của Nhà nước.

Huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư vào các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh bằng các hình thức thích hợp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư vào một số dự án ở những ngành, lĩnh vực và những vùng ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ.
Tăng cường hiệu lực và đổi mới cơ chế quản lý ngân sách nhà nước theo hướng triệt để tiết kiệm, nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc quyết định và thực hiện ngân sách, thực hiện công khai, minh bạch trong chi tiêu ngân sách.

Tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thuế theo hướng nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện công khai, minh bạch, giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và dân cư; khuyến khích phát triển sản xuất và bảo đảm công bằng xã hội. Tiến hành cải cách thuế giai đoạn 3 theo hướng thu hẹp dần các mức thuế suất, giảm tỷ trọng thuế gián thu, áp dụng các sắc thuế mới như thuế thu nhập cá nhân, thuế bất động sản. Thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thuế. Cải tiến hình thức thu phí, lệ phí qua ngân sách; đổi mới phương thức thu thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, chống thất thu và lạm thu. Cơ quan thuế thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đổi mới và hoàn thiện chính sách và cơ cấu chi tiêu ngân sách nhà nước theo hướng tích cực; triệt để xoá bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua ngân sách nhà nước và các công cụ chính sách khác. Gắn việc đổi mới chính sách chi tiêu ngân sách nhà nước với việc thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục thể thao... Tăng cường các biện pháp thực hiện triệt để tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước.

Tăng cường quản lý nợ, nhất là nợ nước ngoài; xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước. Đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các quỹ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Nhà nước theo hướng chuyển từ tiền ưu đãi sang hậu đãi. Đổi mới chế độ kế toán, kiểm toán, thanh tra tài chính, chế độ báo cáo, thông tin, bảo đảm hoạt động kinh doanh phải công khai, minh bạch đối với tài chính doanh nghiệp. Xây dựng Luật Quản lý vốn và tài sản của Nhà nước. Ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ mới trong quản lý tài chính, nâng cấp và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về công khai và nghiệp vụ kế toán, kiểm toán đối với hệ thống tài chính. Thiết lập cơ chế giám sát tài chính - tiền tệ nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, kiểm soát các luồng vốn, các khoản vay nợ, trả nợ, mở rộng các hình thức công khai tài chính. Nâng cao hiệu lực pháp lý và chất lượng kiểm toán nhà nước như một công cụ mạnh của Nhà nước.

Xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, kích thích đầu tư phát triển, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững. Đổi mới chính sách tiền tệ theo hướng vận dụng các công cụ chính sách gián tiếp. Thực hiện chính sách tỷ giá, lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở theo cung cầu trên thị trường, từng bước nâng cao khả năng chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, trước hết là đối với những tài khoản vãng lai. Nâng cao vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực điều hành, quản lý tiền tệ, giám sát các hoạt động tín dụng; tăng cường năng lực của Ngân hàng Nhà nước về tổ chức, thể chế và cán bộ.

Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành phù hợp với yêu cầu thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các luật: Luật Thương mại, Luật Phá sản doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai,... Xây dựng một số luật mới như: Luật Doanh nghiệp trên cơ sở thống nhất Luật Doanh nghiệp nhà nước và Luật Doanh nghiệp hiện hành; Luật Đầu tư trên cơ sở thống nhất Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước; Luật Khuyến khích Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, v.v.. Đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng luật, ban hành và thực thi pháp luật, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tổ chức thi hành luật một cách nghiêm minh.

4. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, mở rộng kinh tế đối ngoại

Tiếp tục chính sách mở cửa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển, tích cực chuẩn bị các điều kiện về kinh tế, thể chế, cán bộ... để thực hiện thành công quá trình hội nhập trên cơ sở phát huy nội lực, bảo đảm độc lập, tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi. Thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong quá trình hội nhập, trước hết là lộ trình giảm thuế quan. Thực hiện chính sách bảo hộ có trọng điểm, có điều kiện và có thời hạn phù hợp với tiến trình hội nhập. Tích cực thực hiện các cam kết đối với các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mà nước ta đã tham gia, đặc biệt chú ý tới các cam kết trong khuôn khổ ASEAN (như AFTA, AICO, AIA,...), APEC, ASEM; xúc tiến đàm phán để gia nhập WTO. Từng ngành, từng doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch, giải pháp để thực hiện các cam kết quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, mở rộng thị phần trên những thị trường truyền thống, khai thông và mở rộng thị trường mới.

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động xuất, nhập khẩu mà pháp luật cho phép, bao gồm cả xuất, nhập khẩu dịch vụ. Nhà nước khuyến khích xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực có lợi thế so sánh, thông qua vận hành quỹ hỗ trợ tín dụng xuất khẩu, cũng như các biện pháp bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, các biện pháp hỗ trợ về thông tin, tìm kiếm khách hàng, tham dự triển lãm, hội chợ... Đầu tư đồng bộ từ nghiên cứu, sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiếp thị... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm tỷ trọng hàng hoá xuất khẩu thô trong kim ngạch xuất khẩu, tăng số lượng các mặt hàng và kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến và chế tạo có giá trị gia tăng cao. Đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính, giảm các chi phí giao dịch phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) phù hợp yêu cầu phát triển đất nước. Nghiên cứu để tiến tới áp dụng một khung pháp luật thống nhất chung cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

5. Chính sách phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ

Tăng cường đầu tư vào phát triển con người thông qua phát triển mạnh giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đảm bảo nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặt giáo dục hoạt động trong môi trường sư phạm lành mạnh, nhanh chóng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

Đổi mới chính sách đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Chú trọng sử dụng và phát huy tiềm năng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.

Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với giáo dục và đào tạo, thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển giáo dục ở tất cả các bậc học. Ngân sách nhà nước tập trung hơn cho các bậc giáo dục phổ cập ở vùng nông thôn, miền núi. Đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông. Khuyến khích hình thành và mở rộng các quỹ khuyến học ở các ngành, các địa phương, các hiệp hội, tiếp tục mở rộng hình thức tín dụng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Mở rộng đào tạo công nhân, kỹ thuật viên và nhân viên nghiệp vụ theo nhiều trình độ, phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Tăng cường tiềm lực và đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế đầu tư và quản lý khoa học và công nghệ, huy động mọi nguồn vốn trong nước và ngoài nước để phát huy tiềm năng và tăng tác dụng của khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống. Hỗ trợ nhập khẩu công nghệ mới, mũi nhọn, tổ chức tốt việc tiếp thu và làm chủ các công nghệ đó. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khoa học, các trường đại học, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và cá nhân được tổ chức các hoạt động nghiên cứu, triển khai, được bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền công bố, trao đổi, chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu theo quy định của pháp luật. Sửa đổi những quy định liên quan đến việc chuyển giao công nghệ theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giảm thuế (đặc biệt là thuế thu nhập đối với các chuyên gia có trình độ cao của Việt Nam và của nước ngoài), giảm chi phí giao dịch đối với các hoạt động chuyển giao công nghệ.

Tiếp tục tăng đầu tư thích đáng từ ngân sách nhà nước, đồng thời phát huy mọi nguồn lực cho nghiên cứu những lĩnh vực khoa học công nghệ mới như công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và nghiên cứu cơ bản có lựa chọn. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng Internet, đặc biệt là chính sách giá, nhằm giúp các cá nhân, các doanh nghiệp khai thác thông tin công nghệ và thị trường trên thế giới. Nghiên cứu đề xuất những biện pháp xúc tiến thương mại điện tử, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tiếp cận với khách hàng và thị trường, kể cả thị trường ngoài nước. Xây dựng quỹ tín dụng và hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng với mục tiêu tài trợ cho việc đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích chuyển giao công nghệ, hợp đồng khoa học, công nghệ và tạo lập thị trường lao động khoa học, công nghệ. Ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Đổi mới cơ bản, toàn diện công tác quản lý khoa học, công nghệ và môi trường từ Trung ương đến tỉnh, thành phố.

Ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học trong việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ và đào tạo. Thí điểm mô hình dạy nghề có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế.

Đổi mới cơ chế, chính sách đối với các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao. Có chính sách thích hợp đối với các loại hình và hoạt động khác nhau (như bảo tồn, bảo tàng, điện ảnh, văn hoá dân tộc v.v.), sử dụng có hiệu quả đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước với đóng góp của xã hội nhằm phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khoẻ toàn dân, đồng thời tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ vận động viên thành tích cao ở những bộ môn có lợi thế của Việt Nam.

6. Tiếp tục đổi mới chính sách xã hội, chính sách bảo vệ môi trường

Có các chính sách thích hợp tạo công bằng về cơ hội và bình đẳng trước pháp luật cho mọi công dân, mọi doanh nghiệp và nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong tìm và tự tạo việc làm, trong tiếp cận với thông tin kinh tế, thông tin thị trường,... Khuyến khích và tôn vinh những người làm giàu chính đáng đi đôi với chống làm giàu phi pháp, tham nhũng, gian lận thương mại.

Cải cách cơ bản hệ thống tiền lương, hợp thức hoá các thu nhập mang tính chất lương. Thực hiện công khai, minh bạch về thu nhập, điều tiết thu nhập cao, hoàn thiện chính sách tiền lương và thu nhập. Cải cách cơ chế bảo hiểm xã hội và bảo đảm xã hội, cải cách và tăng cường chất lượng hệ thống bảo hiểm xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản cho nhân dân, nhất là cho người nghèo, vùng nghèo. Ban hành Luật Bảo hiểm xã hội.

Tăng cường sự trợ giúp của Nhà nước cùng với phát triển các quỹ đền ơn đáp nghĩa, các quỹ xã hội, chăm sóc người có công, các đối tượng chính sách, nạn nhân chiến tranh, thiên tai.

Cải cách và nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước đối với bảo đảm xã hội, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động này. Thể chế hoá và thực hiện tốt các chính sách chế độ về xoá đói, giảm nghèo.

Tiếp tục phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là nạn ma tuý và tai nạn giao thông.

Tăng cường công tác quản lý môi trường ở các vùng kinh tế trọng điểm, vùng dân cư tập trung. Lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn mục tiêu bảo vệ môi trường với mục tiêu nâng cao mức sống của cộng đồng dân cư. Tăng cường đầu tư để ngăn ngừa sự cố môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường; trước hết xử lý nước thải, chất thải rắn, tập trung ở các bệnh viện lớn; nghiên cứu tái sử dụng chất thải và áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn. Tăng khả năng dự báo các sự cố thiên nhiên, thời tiết, bão lụt, động đất, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hình thành khung pháp luật, chính sách về bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng gắn chính sách kinh tế với chính sách bảo vệ môi trường; huy động sự tham gia và đóng góp của mọi tầng lớp dân cư, của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về môi trường, các chính sách môi trường thích hợp, nhất là chính sách thuế, phí môi trường, các loại quỹ môi trường,...

7. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh

Cải cách hành chính nhà nước là một công việc quan trọng quyết định thành công của công cuộc đổi mới giai đoạn 2001 - 2005. Tổ chức và cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, trong sạch, có đủ phẩm chất và năng lực phục vụ nhân dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kỷ cương nhà nước và chế độ trách nhiệm cá nhân: coi trọng chính sách cán bộ trên cả 2 mặt bồi dưỡng và rèn luyện, có biện pháp ngăn chặn hiện tượng tiêu cực, thiếu dân chủ. Xử lý vi phạm về mặt Đảng và pháp luật Nhà nước một cách nghiêm minh và bình đẳng đối với cán bộ, công chức nhà nước. Tách hệ thống cơ quan hành chính công quyền với hệ thống cơ quan sự nghiệp, áp dụng các cơ chế tài chính thích hợp.

Công khai hoá các nội dung và cơ chế, phương thức giám sát của các cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng và nhân dân về thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước. Minh bạch và công khai các thông tin, các quy định của Nhà nước, nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm đẩy lùi những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân ở các cơ quan công quyền. Nâng cao hiệu quả trong hoạt động lập pháp và hiệu lực trong giám sát của Quốc hội.

Phân cấp mạnh và toàn diện giữa các cấp trong hệ thống hành chính nhà nước trên cơ sở gắn trách nhiệm với quyền hạn, nghĩa vụ với quyền lợi. Phân cấp nhiệm vụ phải được gắn với phân cấp về tài chính và ngân sách. Tăng cường phối hợp hoạch định, điều hành cơ chế, chính sách và chương trình. Hiện đại hoá hệ thống thông tin, các phương tiện quản lý hiện đại, báo cáo đáng tin cậy và nhanh nhạy giữa các cơ quan và giữa các cấp. Tăng cường chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, cơ chế đã được ban hành. Tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng.

Cải cách hệ thống tư pháp, bảo đảm các quyền dân chủ của công dân, tăng cường các tổ chức hỗ trợ tư pháp. Nâng cao việc giám sát của công dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực, không phân biệt vị trí, cấp bậc.

Có chương trình, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên cán bộ, công chức nhà nước. Thực hiện chế độ bổ nhiệm công chức có thời hạn, chế độ luân chuyển công chức, tạo điều kiện cho công chức nâng cao trình độ chuyên môn và sát với dân. Tinh giản bộ máy hành chính một cách cơ bản. Có chính sách giải quyết thoả đáng số người dôi ra. Đổi mới và tăng cường hệ thống cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách cho Nhà nước.

Hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức hoạt động không vì lợi nhuận mà vì nhu cầu và lợi ích của nhân dân. Những tổ chức này có thể được Nhà nước uỷ quyền thực hiện một số nhiệm vụ, cung cấp một số dịch vụ công với sự giám sát của cộng đồng. Thông qua đó Nhà nước có thể tập trung sức lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hơn.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét