Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ hai (1951)


1. Danh sách Ban Chấp hành Trung ương khoá II (trích Biên bản bầu cử, ngày 18-2-1951)
Ngày 6/2/2006. Cập nhật lúc 10h 6'
* Các đồng chí trúng cử chính thức:
1. Hồ Chí Minh
2. Trường Chinh
3. Nguyễn Chí Thanh
4. Lê Duẩn
5. Võ Nguyên Giáp
6. Phạm Vǎn Đồng
7. Phan Đình Khải (tức Thọ)
8. Nguyễn Lương Bằng
9. Hoàng Quốc Việt
10. Chu Vǎn Tấn
11. Tôn Đức Thắng
12. Lê Vǎn Lương
13. Trần Đǎng Ninh
14. Hoàng Vǎn Hoan
15. Trần Quốc Hoàn
16. Lê Thanh Nghị
17. Nguyễn Duy Trinh
18. Phạm Thiện Hùng
19. Ung Vǎn Khiêm
* Các đồng chí trúng cử dự khuyết:
1. Nguyễn Khang
2. Nguyễn Vǎn Trân
3. Hà Huy Giáp
4. Hồ Sĩ Khảng
5. Vǎn Tiến Dũng
6. Tố Hữu
7. Hồ Tùng Mậu
8. Nguyễn Vǎn Kỉnh
9. Nguyễn Chánh
10. Hoàng Anh
Tháng 2 nǎm 1951
Đại hội đảng lao động việt nam
Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.




2. Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam

Hỡi đồng bào thân mến,
Thế giới ngày nay đã chia thành hai phe rõ rệt:
Phe đế quốc phản dân chủ do Mỹ cầm đầu, gồm các nước đế quốc và các chính phủ phản động tay sai của đế quốc, chúng mưu cướp nước người ta hòng làm chủ thế giới, đàn áp phong trào giải phóng của các dân tộc và phá hoại hòa bình, dân chủ thế giới, định gây chiến tranh thứ ba, đưa loài người vào chỗ bi thảm, khốn cùng.
Phe dân chủ chống đế quốc do Liên Xô lãnh đạo, gồm các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, các dân tộc bị áp bức, nhân dân lao động và những người tiến bộ ở những nước tư bản. Họ ra sức kiến thiết quốc gia, đấu tranh giải phóng dân tộc, gìn giữ độc lập, bảo vệ hoà bình và dân chủ thế giới, mưu cho loài người ngày thêm đoàn kết, tiến bộ và hạnh phúc.
Phe dân chủ đã mạnh hơn phe đế quốc. Liên Xô ngày thêm cường thịnh. Các nước dân chủ nhân dân kiến thiết mau chóng, cách mạng Trung Quốc thành công và nhân dân Triều Tiên kháng chiến thắng lợi, đó là những chứng cớ hiển nhiên.
Nước ta, dân ta đứng về phe dân chủ.
Thực dân Pháp đứng về phe đế quốc. Chúng muốn cướp nước ta. Đế quốc Mỹ ra sức giúp chúng. Nhân dân ta quyết không chịu làm nô lệ, kiên quyết kháng chiến để giữ nước giữ nhà, và đang chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công.
Lực lượng kháng chiến của ta ở nhân dân. Trong nhân dân ta, hơn 90 phần 100 là người lao động, tức là công nhân, nông dân và trí thức lao động. Vì vậy lao động là lực lượng chính của kháng chiến và kiến quốc.
Nhiệm vụ chính của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam hiện nay là đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường, hoàn toàn thực hiện dân chủ nhân dân để dần dần tiến tới chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam cần phải có một đội tiền phong, một bộ tham mưu, một chính đảng mạnh mẽ, sáng suốt, kiên quyết, trong sạch và cách mạng triệt để:
Đảng Lao động Việt Nam
Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và trí thức lao động yêu nước nhất, hǎng hái nhất, cách mạng nhất. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động; những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin.
Nguyên tắc tổ chức của Đảng là dân chủ tập trung.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật nghiêm ngặt và tự giác.
Chính sách của Đảng là chính sách ích quốc lợi dân.
Luật phát triển của Đảng là phê bình và tự phê bình.
Nhiệm vụ chính của Đảng Lao động Việt Nam hiện nay là:
Đoàn kết, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc để tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh đổ bọn can thiệp Mỹ, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, làm cho nước nhà độc lập và thống nhất thực sự.
Đảng Lao động Việt Nam hết sức ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hoà, đoàn kết và cộng tác chặt chẽ với các đảng phái, các đoàn thể trong Mặt trận Liên-Việt, để thực hiện dân chủ nhân dân về mọi mặt: chính trị, kinh tế, xã hội, vǎn hoá.
Đảng Lao động Việt Nam chủ trương: đảm bảo quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Quân đội là những chiến sĩ đánh giặc giữ nước, gian khổ nhất, cần được chǎm sóc đặc biệt về đời sống vật chất và tinh thần.
Công nhân là những chiến sĩ sản xuất trong các xí nghiệp, cần được cải thiện sinh hoạt và tham gia quản lý xí nghiệp.
Nông dân là những chiến sĩ sản xuất ở nông thôn, cần được giảm tô, giảm tức và hưởng những cải cách hợp lý về ruộng đất.
Trí thức lao động cần được khuyến khích, giúp đỡ phát triển tài nǎng.
Tiểu thương, tiểu chủ, cần được giúp đỡ để phát triển thương nghiệp và thủ công nghiệp.
Những nhà tư sản dân tộc cần được khuyến khích, giúp đỡ hướng dẫn kinh doanh, để góp sức vào việc phát triển kinh tế quốc dân.
Những nhà địa chủ yêu nước cần được đảm bảo quyền thu tô đúng mức.
Các dân tộc thiểu số cần được giúp đỡ về mọi mặt và hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.
Chị em phụ nữ cần được thiết thực giúp đỡ để thực hiện nam nữ bình đẳng.
Tín đồ các tôn giáo cần được tín ngưỡng tự do.
Kiều bào ở các nước cần được bênh vực.
Kiều dân nước ngoài được bảo vệ sinh mệnh, tài sản. Đặc biệt là Hoa kiều, nếu tình nguyện sẽ được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ như công dân Việt Nam.
Đối ngoại, Đảng Lao động Việt Namchủ trương dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ và giúp đỡ hai dân tộc Miên, Lào kháng chiến giành độc lập, cùng Việt Nam hoàn toàn giải phóng Đông Dương; tích cực ủng hộ phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức; đoàn kết chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, liên hiệp mật thiết với nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa Pháp đang góp phần vào công cuộc chống đế quốc, gìn giữ hòa bình và dân chủ thế giới.
Hỡi đồng bào,
Đảng Lao động Việt Nam kế tục sự nghiệp lịch sử vẻ vang của các đảng cách mạng tiền bối, phát triển truyền thống cách mạng anh dũng của dân tộc Việt Nam.
Đảng Lao động Việt Nam quyết vượt mọi khó khǎn, phấn đấu đến cùng để mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn dân và cũng để giải phóng cho lao động.
Hỡi các chiến sĩ trong quân đội chính quy, bộ đội địa phương và dân quân du kích, hãy hǎng hái thi đua giết giặc lập công.
Hỡi anh chị em công nhân, nông dân, trí thức lao động và toàn thể đồng bào, hãy thi đua tǎng gia sản xuất, sáng tác, phát minh để phụng sự kháng chiến, kiến quốc.
Toàn thể đồng bào trong nước và ngoài nước, hãy đoàn kết chặt chẽ chung quanh Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam và vị lãnh tụ của dân tộc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đảng Lao động Việt Nam thành khẩn yêu cầu các đoàn thể và đồng bào thật thà phê bình cán bộ đảng viên và chính sách của Đảng đặng cho Đảng luôn luôn tiến bộ và làm đúng nguyện vọng của nhân dân.
Tin ở cố gắng của toàn thể đảng viên, ở sức ủng hộ của anh chị em lao động và sự hưởng ứng của toàn thể đồng bào. Đảng Lao động Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ:
Đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn,
Phát triển chế độ dân chủ nhân dân,
Góp sức gìn giữ hòa bình và dân chủ thế giới,
Tiến đến chủ nghĩa xã hội.

Đảng Lao động Việt Nam
Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương đảng.

3. Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam

Mục Đích và tôn chỉ
Đảng Lao động Việt Namlà Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Mục đích của Đảng là phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, để thực hiện tự do, hạnh phúc cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tất cả các dân tộc đa số, thiểu số ở Việt Nam.
Đảng Lao động Việt Namlấy chủ nghĩa Mác - Ǎngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông kết hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
Đảng Lao động Việt Nam nhận định cách mạng Việt Nam hiện nay là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhiệm vụ của cách mạng đó là đánh đuổi đế quốc xâm lược, xoá bỏ các di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện người cày có ruộng, phát triển kinh tế, chính trị, vǎn hoá dân chủ nhân dân để tạo điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn hiện tại, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng là đánh đuổi đế quốc xâm lược. Mục đích và tôn chỉ
Muốn thực hiện các nhiệm vụ trên,Đảng Lao động Việt Namphải củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở công nông và lao động trí óc liên minh do giai cấp công nhân lãnh đạo; tập hợp đông đảo quần chúng thợ thuyền, dân cày, trí thức, tiểu tư sản và các từng lớp, các người yêu nước và tiến bộ xung quanh Đảng; củng cố chính quyền nhân dân; củng cố và phát triển quân đội nhân dân.
Đảng Lao động Việt Nam nhận định cách mạng Việt Nam là một bộ phận khǎng khít của phong trào hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa thế giới do Liên Xô lãnh đạo. Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể nhân dân Việt Nam sát cánh với nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, xây dựng dân chủ nhân dân và hoà bình lâu dài trên thế giới.
Đảng Lao động Việt Namtổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung và có kỷ luật rất nghiêm, kỷ luật tự giác. Dân chủ và kỷ luật của Đảng là cốt để giữ cho Đảng được thống nhất tư tưởng và hành động để tẩy trừ những khuynh hướng cơ hội, bè phái ra khỏi Đảng. Đảng dùng phương pháp phê bình và tự phê bình một cách thường xuyên để sửa chữa những sai lầm khuyết điểm của mình và luôn luôn tiến bộ.
Đảng Lao động Việt Namlấy việc phục vụ quần chúng nhân dân làm đường lối hoạt động của Đảng. Bởi vậy, mỗi đảng viên phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân, hiểu rõ nguyện vọng nhu cầu của quần chúng nhân dân để kịp thời giải quyết một cách thích đáng. Đảng phải chống bệnh cô độc, mệnh lệnh, quan liêu, cũng như bệnh theo đuôi quần chúng.
Đảng Lao động Việt Namnhận rõ sứ mạng của mình rất nặng nề, nhưng tiền đồ rất vẻ vang. Tất cả các đảng viên phải hǎng hái, dũng cảm thi hành Chính cương, Nghị quyết của Đảng, đưa cách mạng đến thành công và thực hiện mục đích của Đảng.
Chương thứ nhất
Đảng viên

Điều thứ 1- Tất cả những người ở Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, thừa nhận Chính cương, Điều lệ của Đảng, hoạt động trong một tổ chức cơ sở của Đảng, phục tùng kỷ luật của Đảng, đóng nguyệt phí cho Đảng, đều được nhận là đảng viên.
Điều thứ 2- Tất cả các đảng viên đều có nhiệm vụ:
a) Tham gia sinh hoạt Đảng, thực hiện nghị quyết, chính sách của Đảng; giới thiệu đảng viên mới, phát triển ảnh hưởng Đảng; đấu tranh chống tất cả mọi tư tưởng, hành động có hại đến sự nghiệp và thanh danh của Đảng.
b) Liên kết chặt chẽ với quần chúng, hoạt động trong một tổ chức quần chúng, tìm hiểu nhu cầu nguyện vọng của quần chúng để giải quyết một cách kịp thời và thích đáng; hết lòng phục vụ quần chúng, học hỏi quần chúng và giáo dục quần chúng.
c) Kiên quyết đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình thế giới.
d) Làm gương mẫu trong việc chấp hành nghị quyết và giữ kỷ luật của Chính phủ và của các đoàn thể cách mạng của nhân dân; làm gương mẫu trong mọi công tác cách mạng, trong công tác lao động và trong việc giữ gìn của công.
đ) Luôn luôn cố gắng nâng cao trình độ chính trị, trau dồi tư tưởng của mình bằng cách học tập chủ nghĩa Mác - Ǎngghen - Lênin - Xtalin và tư tưởng Mao Trạch Đông.
Điều thứ 3- Những đảng viên chính thức đều có quyền:
a) Bàn bạc và biểu quyết công việc Đảng.
b) Tuyển cử và ứng cử vào các cơ quan chỉ đạo của Đảng.
c) Đề nghị, giãi bày ý kiến với bất kỳ một cơ quan nào trong Đảng, cho đến Đại hội toàn quốc của Đảng.
d) Trong các cuộc hội nghị, được phê bình, chất vấn về chủ trương, chính sách của Đảng, được phê bình bất kỳ người nào, cấp bộ nào trong Đảng.
Những đảng viên dự bị không có quyền biểu quyết công việc Đảng, tuyển cử và ứng cử vào các cơ quan chỉ đạo của Đảng; còn các quyền khác thì đều được hưởng như đảng viên chính thức.
Điều thứ 4- Người muốn vào Đảng:
a) Phải xin với chi bộ nơi mình ở hoặc làm việc và phải khai rõ lý lịch cho chi bộ xét.
b) Phải có 2 đảng viên chính thức giới thiệu, đảm bảo lý lịch khai đó là đúng, và đảm bảo xứng đáng được vào Đảng.
c) Được hội nghị chi bộ công nhận và cấp trên chuẩn y. Việc xét để công nhận và chuẩn y này phải làm từng người một.
d) Phải trải qua một thời kỳ dự bị.
Điều thứ 5- Điều kiện người giới thiệu, cơ quan chuẩn y và thời kỳ dự bị phải tuỳ theo thành phần giai cấp của người xin vào Đảng mà quy định.
a) Thợ thuyền, cố nông, bần nông, dân nghèo ở thành thị:
Phải có 2 đảng viên ít nhất đã chính thức 6 tháng giới thiệu, do hội nghị chi bộ công nhận, cấp trên trực tiếp của chi bộ chuẩn y, và trải qua 6 tháng dự bị mới được nhận là đảng viên chính thức.
b) Trung nông, tiểu tư sản trí thức và những người thuộc các tầng lớp tiểu tư sản khác:
Phải có 2 đảng viên ít nhất đã chính thức 1 nǎm giới thiệu, do hội nghị chi bộ công nhận, cấp trên trực tiếp của chi bộ chuẩn y, và trải qua một nǎm dự bị mới được nhận là đảng viên chính thức.
c) Những người thuộc các từng lớp xã hội khác chưa kể trong hai hạng trên:
Phải có 2 đảng viên ít nhất đã chính thức 2 nǎm giới thiệu, do hội nghị chi bộ công nhận, tỉnh uỷ hay thành uỷ chuẩn y và trải qua 2 nǎm dự bị, mới được nhận là đảng viên chính thức.
Chú thích:
a) Binh sĩ cách mạng tuỳ theo thành phần giai cấp mà kết nạp. Những binh sĩ đã tham gia quân đội trên 3 nǎm nếu thuộc thành phần giai cấp loại b thì được hưởng điều kiện loại a, nếu thuộc thành phần giai cấp loại c thì được hưởng điều kiện loại b.
b) Những chiến sĩ có công đặc biệt khi được kết nạp vào Đảng thì có thể được rút ngắn thời kỳ dự bị. Việc rút ngắn thời kỳ dự bị này sẽ do chi bộ quyết định và cấp trên chuẩn y.
c) Những người đổi nghề trên 3 nǎm thì tính theo thành phần giai cấp mới.
Điều thứ 6- Đối với đảng viên các đảng khác muốn vào Đảng Lao động Việt Nam:
Nếu là đảng viên thường thuộc thành phần giai cấp loại a kể ở điều thứ 5 (nghĩa là thuộc thành phần thợ thuyền, cố nông, bần nông, dân nghèo ở thành thị) thì phải chịu điều kiện loại b (nghĩa là điều kiện của trung nông, tiểu tư sản trí thức và những người thuộc các tầng lớp tiểu tư sản khác).
Nếu thuộc thành phần giai cấp loại b thì phải chịu điều kiện loại c (nghĩa là điều kiện của những người thuộc các từng lớp xã hội khác chưa kể trong hai hạng trên).
Nếu thuộc thành phần giai cấp loại c, hoặc nếu ở các cấp chỉ đạo từ tỉnh trở lên của các đảng ấy, thì phải có 2 đảng viên Đảng Lao động ít nhất chính thức 3 nǎm giới thiệu, do Ban Chấp hành Trung ương hoặc cơ quan được Ban Chấp hành Trung ương uỷ quyền chuẩn y và phải trải qua 2 nǎm dự bị, thì mới được nhận là đảng viên chính thức.
Điều thứ 7- Người giới thiệu phải chịu trách nhiệm với Đảng về lý lịch và tư cách người mình giới thiệu suốt khoảng thời gian trước khi người ấy được nhận là đảng viên chính thức.
Cơ quan nào chuẩn y cũng phải chịu trách nhiệm như thế.
Điều thứ 8 - Trong thời kỳ dự bị, người đảng viên dự bị phải được học hỏi những điều tối thiểu cần thiết về đường lối chính sách của Đảng, về lề lối làm việc và sinh hoạt trong Đảng. Chi bộ phải chú ý xem xét trình độ hiểu biết, tinh thần, tư cách và sự tiến bộ của người đảng viên dự bị.
Điều thứ 9 - Khi thời kỳ dự bị của một đảng viên dự bị đã hết thì chi bộ xét việc chuyển đảng viên ấy thành đảng viên chính thức. Nếu thấy chưa đủ điều kiện, thì có thể kéo dài thời kỳ dự bị nhiều nhất là gấp đôi. Nếu hết thời gian ấy mà xét vẫn không đủ điều kiện nhận là đảng viên chính thức, thì đưa ra khỏi Đảng.
Quyết định của chi bộ về việc chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức phải được cấp uỷ đã chuẩn y cho kết nạp vào Đảng thông qua mới có giá trị.
Điều thứ 10 - Đảng viên nào muốn ra Đảng thì phải chính thức yêu cầu với chi bộ do chi bộ chuẩn y và cấp trên trực tiếp thông qua.
Điều thứ 11 - Tuổi đảng của một đảng viên tính từ ngày đảng viên ấy được nhận là chính thức.
Trong thời gian mất liên lạc với Đảng, nếu thật vẫn hoạt động cách mạng thì thời gian ấy được tính vào tuổi đảng.
Chương thứ hai
Dân chủ tập trung trong đảng
Điều thứ 12 - Đảng Lao động Việt Namtổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, nghĩa là:
a) Cơ quan chỉ đạo các cấp của Đảng đều do tuyển cử lập nên. Trừ trường hợp khó khǎn không tổ chức tuyển cử được mới do cấp trên chỉ định.
Khi tuyển cử, tất cả các đại biểu chính thức đều có quyền ứng cử, giới thiệu tuyển cử người mình tín nhiệm. Nếu tuyển cử ở hội nghị toàn thể chi bộ thì tất cả các đảng viên chính thức trong chi bộ đều có quyền như thế.
b) Các nghị quyết trong các hội nghị của Đảng đều lấy theo ý kiến đa số. Trước khi nghị quyết, các đảng viên được quyền phát biểu hết ý kiến của mình.
c) Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương.
Đảng viên nào đối với chỉ thị, nghị quyết của đa số và của cấp trên có chỗ không đồng ý, thì có quyền yêu cầu xét lại, nhưng trong khi chờ đợi, vẫn phải tích cực thi hành những chỉ thị, nghị quyết đó.
d) Cơ quan chỉ đạo của Đảng ở mỗi địa phương được quyền giải quyết công việc thuộc phạm vi mình theo đúng đường lối, chính sách, nguyên tắc của Đảng và chủ trương của cấp trên. Gặp những việc quan trọng hoặc những việc vượt quá phạm vi địa phương thì phải xin chỉ thị cấp trên.
đ) Từng thời hạn nhất định, cấp dưới phải báo cáo lên cấp trên tình hình địa phương, chủ trương và công việc đã làm. Từng thời hạn nhất định, cấp trên cũng phải báo cáo tình hình chung, chủ trương và công việc đã làm cho cấp dưới.
Nếu có những điều không hiểu hoặc không đồng ý, cấp dưới có quyền hỏi và đề đạt ý kiến lên cấp trên.
Chương thứ ba
Hệ thống tổ chức của đảng
Điều thứ 13 - Tổ chức của Đảng cǎn cứ vào đơn vị sản xuất, đơn vị công tác, hay đơn vị hành chính. Các đảng bộ khi mới thành lập phải được cấp trên cách một cấp chuẩn y.
Điều thứ 14 - Hệ thống tổ chức của Đảng như sau:
Toàn quốc, có Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.
Xứ, khu (hoặc liên khu) có đại hội đại biểu xứ, khu (hoặc liên khu) và Ban Chấp hành xứ, khu (hoặc liên khu), (gọi tắt là xứ uỷ, khu uỷ, hoặc liên khu uỷ).
Tỉnh, thành có đại hội đại biểu tỉnh, thành và ban chấp hành tỉnh, thành (gọi tắt là tỉnh uỷ, thành uỷ).
Huyện, quận (trong thành phố), thị xã, có đại hội đại biểu huyện, quận, thị xã và ban chấp hành huyện, quận, thị xã (gọi tắt là huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ).
Trong mỗi xã, xí nghiệp (nhà máy, hầm mỏ, bến tàu, đồn điền, hãng buôn), trường học, công sở, cơ quan, khu phố có hội nghị toàn thể chi bộ và ban chấp hành chi bộ (gọi tắt là chi uỷ). Trong những xã, xí nghiệp hay khu phố có nhiều chi bộ thì có đại hội đại biểu xã, xí nghiệp, khu phố và ban chấp hành xã, xí nghiệp, hay khu phố.
Chú thích:
ở những khu vực quan trọng về kinh tế, chính trị, v.v. có thể tổ chức những khu bộ đặc biệt. Tổ chức và quyền hạn của các khu bộ đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Điều thứ 15-Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của mỗi đảng bộ là đại hội đại biểu của đảng bộ ấy. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của chi bộ là hội nghị toàn thể chi bộ.
Giữa khoảng 2 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, cơ quan chỉ đạo cao nhất của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương.
Giữa khoảng 2 kỳ Đại hội đại biểu của mỗi đảng bộ, cơ quan chỉ đạo cao nhất của đảng bộ ấy là ban chấp hành đảng bộ.
Giữa khoảng 2 kỳ hội nghị toàn thể chi bộ, cơ quan chỉ đạo cao nhất của chi bộ là chi uỷ.
Đại hội đại biểu mỗi đảng bộ phải có quá nửa số đại biểu được triệu tập đến tham dự thay mặt cho quá nửa số đảng viên và số đảng bộ cấp dưới thì mới có giá trị. Nghị quyết của đại hội đại biểu mỗi đảng bộ do cấp trên trực tiếp chuẩn y. Ban chấp hành do đại hội ấy cử ra phải được ban chấp hành cấp trên cách một cấp chuẩn y.
Điều thứ 16- Khi cần quyết định những chủ trương quan trọng hoặc kiểm thảo công tác, hoặc bổ sung một số cấp uỷ viên, các cấp uỷ có thể triệu tập những cuộc hội nghị toàn đảng bộ (hội nghị toàn quốc, hội nghị toàn xứ, khu; hội nghị toàn tỉnh, thành; hội nghị toàn huyện, quận, thị xã). Số đại biểu do cấp uỷ triệu tập ấn định, và do cấp uỷ dưới cử lên.
Phải có quá nửa số đại biểu được triệu tập đến tham dự, thay mặt cho quá nửa số cấp uỷ dưới, thì hội nghị toàn đảng bộ mới có giá trị.
Nghị quyết của hội nghị toàn đảng bộ mỗi cấp phải do cấp uỷ triệu tập thông qua. Những uỷ viên bổ sung phải được cấp trên cách một cấp chuẩn y.
Nếu được cấp trên đồng ý, hội nghị toàn đảng bộ mỗi cấp có thể thay cho đại hội đại biểu mà bầu ra ban chấp hành mới.
Điều thứ 17- Khi cần phổ biến nghị quyết, hoặc trưng cầu ý kiến về những vấn đề nhất định, hoặc đúc và phổ biến kinh nghiệm, các cấp uỷ có thể triệu tập những cuộc hội nghị cán bộ.
Điều thứ 18- Các cấp uỷ tuỳ theo sự cần thiết được lập ra các ban và tiểu ban giúp việc. Thành phần, quyền hạn, trách nhiệm và cách làm việc của các ban và tiểu ban này do cấp uỷ phụ trách quyết định, dựa theo một nghị quyết chung của Ban Chấp hành Trung ương.
Gặp những việc đặc biệt, các cấp uỷ có thể lập ra những ban đặc biệt, xong việc rồi giải tán.
Chương thứ tư
Chi bộ, tổ chức nền tảng của đảng
Điều thứ 19- Trong mỗi xã, xí nghiệp (nhà máy, hầm mỏ, bến tầu, đồn điền, hãng buôn) trường học, công sở, cơ quan, khu phố, nếu có từ 3 đảng viên trở lên thì thành lập chi bộ. Việc thành lập chi bộ phải do cấp uỷ trên cách một cấp của chi bộ chuẩn y. Nếu mới chỉ có 1 hay 2 đảng viên, thì các đảng viên ấy tạm ghép vào một chi bộ gần đó mà sinh hoạt.
Điều thứ 20- Nhiệm vụ của chi bộ là:
a) Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và của Chính phủ; lãnh đạo quần chúng nơi mình hoạt động thực hiện chủ trương chính sách ấy.
b) Phân phối và kiểm tra công tác của các đảng viên, giáo dục đảng viên, kết nạp đảng viên mới, thu đảng phí, khen thưởng và thi hành kỷ luật.
c) Thảo luận và tham gia việc quyết định các vấn đề thuộc đường lối chính sách chung của Đảng.
d) Thường lệ báo cáo tình hình chung ở địa phương mình lên cấp trên.
Điều thứ 21- Chi bộ có dưới 9 đảng viên chính thức thì do hội nghị toàn thể chi bộ cử ra bí thư (có thể cử thêm phó bí thư nếu cần) để chỉ đạo công việc hàng ngày.
Chi bộ từ 9 đảng viên chính thức trở lên thì do hội nghị toàn thể chi bộ cử ra chi uỷ từ 3 đến 7 người để chỉ đạo công việc hàng ngày. Chi uỷ cử ra bí thư chi bộ (có thể cử thêm phó bí thư nếu cần). Bí thư chi bộ ít nhất phải có 1 nǎm tuổi đảng. Chi uỷ cứ 6 tháng cử lại 1 lần.
Điều thứ 22- Chi bộ đông đảng viên có thể tuỳ điều kiện công việc hay địa thế mà chia ra tiểu tổ. Mỗi tiểu tổ có tổ trưởng. Tổ trưởng làm việc dưới sự chỉ đạo của chi uỷ.
Điều thứ 23- Toàn thể chi bộ khai hội thường lệ mỗi tháng một lần để xét tình hình, kiểm điểm công tác, thảo luận chỉ thị nghị quyết của cấp trên, định chương trình làm việc, phân phối công tác cho các đảng viên, v.v.. Nếu đến kỳ hạn thì cử bí thư hoặc chi uỷ, và cử đại biểu đi dự đại hội đại biểu cấp trên nếu có.
Gặp việc quan trọng bất thường, bí thư hay chi uỷ phải triệu tập hội nghị bất thường.
Chi uỷ thường lệ 2 tuần phải khai hội 1 lần để xét tình hình và định kế hoạch công tác.
Điều thứ 24- Ở những xã, xí nghiệp, hoặc khu phố mà số đảng viên quá đông thì tuỳ theo quan hệ về kinh tế, địa dư mà tổ chức ra nhiều chi bộ.
Mỗi chi bộ xí nghiệp nhiều nhất không nên quá 70 đảng viên.
Mỗi chi bộ xã, khu phố nhiều nhất không nên quá 50 đảng viên.
Trên các chi bộ ấy có ban chấp hành xí nghiệp, xã, hoặc khu phố chỉ đạo.
Điều thứ 25-Ban chấp hành xã, xí nghiệp, hoặc khu phố do đại hội đại biểu xã, xí nghiệp, hoặc khu phố cử ra và cứ 6 tháng cử lại một lần; ban chấp hành xã, xí nghiệp, hoặc khu phố cử ra ban thường vụ, bí thư (nếu cần thì cử thêm phó bí thư) để giải quyết công việc hàng ngày. Bí thư ban chấp hành xã, xí nghiệp, hoặc khu phố ít nhất cũng phải 2 nǎm tuổi đảng.
Điều thứ 26- Nhiệm vụ của ban chấp hành xã, xí nghiệp, hoặc khu phố là:
a) Thi hành những nghị quyết của đại hội đại biểu xã, xí nghiệp hoặc khu phố và chỉ thị nghị quyết của cấp trên; chỉ đạo các chi bộ hoạt động.
b) Tổ chức và chỉ đạo các công tác của Đảng trong phạm vi xã, xí nghiệp, hoặc khu phố.
c) Chỉ đạo công tác cho các đảng đoàn trong các cơ quan, đoàn thể trong xã, xí nghiệp, hoặc khu phố.
d) Phân phối cán bộ, quản lý tài chính đảng trong phạm vi xã, xí nghiệp, hoặc khu phố.
Điều thứ 27-Toàn thể ban chấp hành xã, xí nghiệp, hoặc khu phố thường lệ mỗi tháng họp một lần và cứ 3 tháng phải báo cáo tình hình chung của xã, xí nghiệp, hoặc khu phố và công việc đã làm cho các chi bộ thuộc quyền chỉ đạo của mình biết. Đúng kỳ hạn, ban chấp hành xã, xí nghiệp hoặc khu phố phải báo cáo lên cấp trên.
Ban thường vụ thường lệ nửa tháng phải họp một lần.
Chương thứ nǎm
Huyện bộ, quận bộ, thị bộ
Điều thứ 28- Tất cả các đảng bộ trong một huyện, quận (trong thành phố) hay thị xã họp thành huyện bộ, quận bộ hay thị bộ của Đảng.
Điều thứ 29- Cơ quan có quyền cao nhất của một huyện bộ, quận bộ hay thị bộ là đại hội đại biểu huyện bộ, quận bộ hay thị bộ.
Đại hội đại biểu huyện bộ, quận bộ hay thị bộ do huyện uỷ, quận uỷ hay thị uỷ triệu tập, thường lệ một nǎm một lần. Gặp trường hợp đặc biệt, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ có thể triệu tập sớm hơn hay lùi lại, nhưng phải được tỉnh uỷ, thành uỷ đồng ý.
Nếu huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ xét cần, hoặc nếu quá nửa số đại biểu đã dự kỳ đại hội đại biểu trước hay quá nửa số đảng bộ trong huyện, quận, thị xã yêu cầu mà tỉnh uỷ, thành uỷ đồng ý, hoặc nếu tỉnh uỷ, thành uỷ xét cần thì huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ triệu tập đại hội đại biểu bất thường của huyện bộ, quận bộ, thị bộ.
Số đại biểu chính thức và dự khuyết đi dự đại hội đại biểu do huyện uỷ, quận uỷ hay thị uỷ cǎn cứ vào tình hình chung, vào số lượng đảng viên và sự quan trọng của mỗi đảng bộ cấp dưới mà ấn định. Huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ chỉ được cử một nửa số uỷ viên làm đại biểu chính thức, và có thể chỉ định thêm một số đại biểu chính thức nữa, nhưng số đại biểu này không được chỉ định trong huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ và không được quá một phần mười tổng số đại biểu chính thức do các địa phương cử lên.
Phải có quá nửa số đại biểu được triệu tập đến tham dự, thay mặt cho quá nửa số đảng viên và số đảng bộ trong huyện, quận hay thị xã thì đại hội đại biểu huyện bộ, quận bộ, thị bộ mới có giá trị.
Điều thứ 30- Công việc của đại hội đại biểu huyện bộ, quận bộ, thị bộ là:
- Xét và chuẩn y các báo cáo của huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ cũ;
- Bàn và định các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, vǎn hoá, và các vấn đề nội bộ của Đảng trong huyện, quận, thị xã theo đúng đường lối chính sách chung của Đảng;
- Bàn các vấn đề do tỉnh uỷ hay thành uỷ đề ra ;
- Cử ban huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ mới và cử đại biểu đi dự đại hội đại biểu tỉnh, thành nếu có.
Điều thứ 31- Huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ là cơ quan có quyền cao nhất của huyện bộ, quận bộ và thị bộ giữa khoảng 2 kỳ đại hội đại biểu huyện bộ, quận bộ và thị bộ.
Số uỷ viên chính thức và dự khuyết trong huyện uỷ, quận uỷ và thị uỷ do đại hội đại biểu huyện bộ, quận bộ, thị bộ ấn định, dựa vào sự quyết định chung của cấp trên. Trong khi đang làm việc nếu thiếu uỷ viên chính thức thì huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ có thể quyết định lấy uỷ viên dự khuyết lên. Nếu thiếu nữa thì do hội nghị toàn huyện, toàn quận, toàn thị xã cử thêm, hay do tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ định. Số cử thêm hay chỉ định không được quá một phần tư tổng số uỷ viên do đại hội đại biểu cử ra.
Các uỷ viên huyện bộ, quận bộ, thị bộ ít nhất cũng phải 2 nǎm tuổi đảng.
Điều thứ 32- Công việc của huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ là:
- Thi hành nghị quyết của đại hội đại biểu huyện bộ, quận bộ, thị bộ và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên;
- Chỉ đạo các ban chấp hành xí nghiệp, xã, khu phố và các chi bộ hoạt động;
- Tổ chức và chỉ đạo các công tác của Đảng trong phạm vi huyện, quận, thị xã;
- Chỉ đạo công tác cho các đảng đoàn trong các cơ quan, đoàn thể trong huyện, quận, thị xã;
- Phân phối cán bộ, quản lý tài chính đảng trong huyện, quận, thị xã.
Điều thứ 33- Toàn thể hội nghị huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ cử ra ban thường vụ, bí thư và phó bí thư để giải quyết công việc hàng ngày.
Bí thư huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ ít nhất cũng phải 3 nǎm tuổi đảng.
Điều thứ 34- Toàn thể hội nghị huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ thường lệ, họp mỗi tháng 1 lần. Và cứ 3 tháng huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ phải báo cáo tình hình chung và công việc đã làm cho các đảng bộ trong huyện, quận, thị xã biết.
Đúng kỳ hạn, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ phải báo cáo lên cấp trên.
Chương thứ sáu
Tỉnh bộ, thành bộ
Điều thứ 35-Tất cả các huyện bộ, thị bộ trong một tỉnh, tất cả các quận bộ trong một thành phố họp thành tỉnh bộ, thành bộ của Đảng.
Điều thứ 36- Cơ quan có quyền cao nhất của một tỉnh bộ, thành bộ là đại hội đại biểu tỉnh bộ, thành bộ ấy.
Đại hội đại biểu tỉnh bộ, thành bộ do tỉnh uỷ, thành uỷ triệu tập, thường lệ 18 tháng 1 lần. Gặp trường hợp đặc biệt, tỉnh uỷ, thành uỷ có thể triệu tập sớm hơn hay lùi lại nhưng phải được xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) đồng ý.
Nếu tỉnh uỷ, thành uỷ xét cần, hoặc nếu quá nửa số đại biểu đã dự kỳ đại hội đại biểu trước hay quá nửa số huyện bộ, quận bộ, thị bộ yêu cầu mà xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) đồng ý, hoặc nếu xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) xét cần thì tỉnh uỷ, thành uỷ triệu tập đại hội đại biểu bất thường của tỉnh bộ, thành bộ.
Số đại biểu chính thức và dự khuyết đi dự đại hội đại biểu do tỉnh uỷ, thành uỷ cǎn cứ vào tình hình chung, vào số lượng đảng viên và sự quan trọng của mỗi huyện bộ, quận bộ, thị bộ mà ấn định. Tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ được một nửa số ủy viên làm đại biểu chính thức, và có thể chỉ định thêm một số đại biểu chính thức nữa, nhưng số đại biểu này không được chỉ định trong tỉnh uỷ, thành uỷ và không được quá một phần mười tổng số đại biểu chính thức do các địa phương cử lên.
Phải có quá nửa số đại biểu được triệu tập đến tham dự, thay mặt cho quá nửa số đảng viên và số huyện bộ, quận bộ, thị bộ trong tỉnh, thành thì đại hội đại biểu tỉnh bộ, thành bộ mới có giá trị .
Điều thứ 37- Công việc của đại hội đại biểu tỉnh bộ, thành bộ là:
- Xét và chuẩn y các báo cáo của tỉnh uỷ, thành uỷ cũ;
- Bàn và định các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, vǎn hoá và các vấn đề nội bộ của Đảng trong tỉnh, thành theo đúng đường lối chính sách chung của Đảng;
Bàn các vấn đề do xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) đề ra;
- Cử ban tỉnh uỷ, thành uỷ mới, và cử đại biểu đi dự đại hội đại biểu xứ, khu nếu có.
Điều thứ 38- Tỉnh uỷ, thành uỷ là cơ quan có quyền cao nhất của tỉnh bộ, thành bộ, giữa khoảng 2 kỳ đại hội đại biểu tỉnh bộ, thành bộ.
Số uỷ viên chính thức và dự khuyết trong tỉnh uỷ, thành uỷ, do đại hội đại biểu tỉnh bộ, thành bộ ấn định, dựa vào sự quyết định chung của cấp trên. Trong khi đang làm việc nếu thiếu uỷ viên chính thức thì tỉnh uỷ, thành uỷ có thể quyết định lấy uỷ viên dự khuyết lên. Nếu thiếu nữa sẽ do hội nghị toàn tỉnh, toàn thành cử thêm, hay do xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) chỉ định. Số cử thêm hay chỉ định không được quá một phần tư tổng số uỷ viên do đại hội đại biểu cử ra.
Các uỷ viên tỉnh, thành ít nhất cũng phải 3 nǎm tuổi đảng.
Điều thứ 39- Công việc của tỉnh uỷ, thành uỷ là:
- Thi hành nghị quyết của đại hội đại biểu tỉnh bộ, thành bộ và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên;
- Chỉ đạo các huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ hoạt động;
- Tổ chức và chỉ đạo các công tác đảng trong phạm vi tỉnh, thành;
- Chỉ đạo công tác cho các đảng đoàn trong các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, thành;
- Phân phối cán bộ, quản lý tài chính đảng trong tỉnh, thành.
Điều thứ 40- Toàn thể hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ cử ra ban thường vụ, bí thư và phó bí thư để giải quyết công việc hàng ngày. Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ ít nhất cũng phải 4 nǎm tuổi đảng.
Điều thứ 41- Toàn thể hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ thường lệ 3 tháng họp một lần. Cứ 6 tháng, tỉnh uỷ, thành uỷ phải báo cáo tình hình chung và công việc đã làm cho các chi bộ trong tỉnh, thành biết.
Đúng kỳ hạn, tỉnh uỷ, thành uỷ phải báo cáo lên cấp trên.
Chương thứ bảy
Xứ bộ, khu bộ
Điều thứ 42- Tất cả các tỉnh bộ, thành bộ trong một xứ, một khu (hoặc liên khu) họp thành xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) của Đảng.
Điều thứ 43- Cơ quan có quyền cao nhất của một xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) là đại hội đại biểu xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ).
Đại hội đại biểu xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) do xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) triệu tập thường lệ 18 tháng một lần. Gặp trường hợp đặc biệt, xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) có thể triệu tập sớm hơn hay lùi lại, nhưng phải được Ban Chấp hành trung ương đồng ý.
Nếu xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) xét cần, hoặc nếu quá nửa số đại biểu đã dự kỳ đại hội đại biểu trước hoặc quá nửa số tỉnh bộ, thành bộ yêu cầu mà Ban Chấp hành Trung ương đồng ý, hoặc nếu Ban Chấp hành Trung ương xét cần thì xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) triệu tập đại hội đại biểu bất thường của xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ).
Số đại biểu chính thức và dự khuyết đi dự đại hội đại biểu do xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) cǎn cứ vào tình hình chung, vào số lượng đảng viên và sự quan trọng của mỗi tỉnh bộ, thành bộ mà ấn định. Xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) chỉ được cử một nửa số uỷ viên làm đại biểu chính thức và có thể chỉ định thêm một số đại biểu chính thức nữa, nhưng số đại biểu này không được chỉ định trong xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) và không được quá một phần mười tổng số đại biểu chính thức do các địa phương cử lên.
Phải có quá nửa số đại biểu được triệu tập đến tham dự, thay mặt cho quá nửa số đảng viên và số tỉnh bộ, thành bộ trong xứ, khu (hoặc liên khu) thì đại hội đại biểu xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) mới có giá trị.
Điều thứ 44- Công việc của đại hội đại biểu xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) là:
- Xét và chuẩn y các báo cáo của xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) cũ;
- Bàn và định các vấn đề quân sự, chính trị, kinh tế, vǎn hoá và các vấn đề nội bộ của Đảng trong xứ, khu (hoặc liên khu) theo đúng đường lối chính sách chung của Đảng;
- Bàn các vấn đề do Ban Chấp hành Trung ương đề ra;
- Cử ban xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) mới và cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc nếu có.
Điều thứ 45- Xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) là cơ quan có quyền cao nhất của xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) giữa khoảng 2 kỳ đại hội đại biểu xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ).
Số uỷ viên chính thức và dự khuyết trong xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) do đại hội đại biểu xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) ấn định, dựa theo nghị quyết chung của Ban Chấp hành Trung ương. Trong khi đang làm việc, nếu thiếu uỷ viên chính thức thì xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) có thể quyết định lấy uỷ viên dự khuyết lên. Nếu thiếu nữa sẽ do hội nghị toàn xứ, toàn khu (hoặc liên khu) cử thêm hay do Ban Chấp hành Trung ương chỉ định. Số cử thêm hay chỉ định không được quá một phần tư tổng số uỷ viên do đại hội đại biểu cử ra.
Các uỷ viên xứ, khu (hoặc liên khu) ít nhất cũng phải 4 nǎm tuổi đảng.
Điều thứ 46-Công việc của xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) là:
- Thi hành nghị quyết của đại hội đại biểu xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) và các chỉ thị nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương;
- Chỉ đạo các tỉnh uỷ, thành uỷ hoạt động;
- Tổ chức và chỉ đạo các công tác của Đảng trong phạm vi xứ, khu (hoặc liên khu);
- Chỉ đạo công tác cho các Đảng đoàn trong các cơ quan, đoàn thể trong xứ, khu (hoặc liên khu);
- Phân phối cán bộ, quản lý tài chính đảng trong xứ, khu (hoặc liên khu).
Điều thứ 47- Toàn thể hội nghị xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) cử ra ban thường vụ, bí thư và phó bí thư để giải quyết công việc hàng ngày. Bí thư xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) ít nhất cũng phải 6 nǎm tuổi đảng.
Đối với các tỉnh bộ, thành bộ ở xa hoặc những khu vực đặc biệt, xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) có thể tổ chức các ban cán sự giúp việc mình để chỉ đạo những nơi đó. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và cách làm việc của các ban cán sự này do xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) ấn định, rồi thông tri cho các tỉnh bộ, thành bộ và khu bộ đặc biệt có quan hệ biết.
Điều thứ 48- Toàn thể hội nghị xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) thường lệ 6 tháng họp 1 lần, và cứ 6 tháng xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) phải báo cáo tình hình chung và công việc đã làm cho các tỉnh bộ, thành bộ trong xứ, khu (hoặc liên khu) biết.
Đúng kỳ hạn, xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) phải báo cáo lên cấp trên.
Chương thứ tám
Cơ quan trung ương của đảng
Điều thứ 49- Đại hội đại biểu toàn quốc là cơ quan có quyền cao nhất của Đảng, thường lệ ba nǎm họp 1 lần. Gặp trường hợp đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương có thể triệu tập sớm hơn hay lùi lại. Trong trường hợp triệu tập lùi lại, Ban Chấp hành Trung ương phải thông tri rõ lý do ít nhất cho đến cấp tỉnh biết.
Ban Chấp hành Trung ương phải nêu các vấn đề sẽ bàn ở Đại hội cho các cấp thảo luận trước.
Nếu Ban Chấp hành Trung ương xét cần hoặc nếu quá nửa số đại biểu đã dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần trước hoặc quá nửa số xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) và đảng bộ khác trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu thì Ban chấp hành Trung ương triệu tập Đại hội đại biểu bất thường. Đại hội đại biểu bất thường được quyền giải quyết các vấn đề như Đại hội đại biểu thường.
Số đại biểu chính thức và dự khuyết dự Đại hội đại biểu toàn quốc và cách thức tuyển cử do Ban Chấp hành Trung ương cǎn cứ vào tình hình chung, vào số lượng đảng viên và sự quan trọng của mỗi xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) và đảng bộ khác trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương mà ấn định. Ban Chấp hành Trung ương chỉ được cử một nửa số uỷ viên làm đại biểu chính thức và có thể chỉ định thêm một số đại biểu chính thức nữa, nhưng số đại biểu này không được chỉ định trong Ban Chấp hành Trung ương và không được quá một phần mười tổng số đại biểu chính thức do các địa phương cử lên.
Phải có quá nửa số đại biểu được triệu tập đến tham dự, thay mặt cho quá nửa số đảng viên và số xứ bộ, khu bộ (hoặc liên khu bộ) và đảng bộ khác trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương thì Đại hội đại biểu toàn quốc mới có giá trị.
Điều thứ 50- Công việc của Đại hội đại biểu toàn quốc là:
- Xét và chuẩn y các báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương cũ;
- Quyết nghị hoặc sửa chữa Chính cương, Điều lệ Đảng;
- Cử Ban Chấp hành Trung ương mới.
Điều thứ 51- Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan có quyền cao nhất của Đảng giữa khoảng hai kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc.
Số uỷ viên trung ương chính thức và dự khuyết do Đại hội ấn định. Các uỷ viên dự khuyết được dự các cuộc hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương nhưng không có quyền biểu quyết. Trong khi đang làm việc, nếu thiếu uỷ viên chính thức thì Ban Chấp hành Trung ương quyết định lấy uỷ viên dự khuyết lên. Nếu thiếu nữa sẽ do Hội nghị toàn quốc cử thêm. Gặp trường hợp không họp Hội nghị toàn quốc được thì do Ban Chấp hành Trung ương chỉ định. Số cử thêm hay chỉ định không được quá một phần tư tổng số uỷ viên do Đại hội đại biểu toàn quốc cử ra.
Điều thứ 52- Công việc của Ban Chấp hành Trung ương là:
- Thi hành Chính cương, Điều lệ của Đảng và các nghị quyết khác của Đại hội đại biểu toàn quốc;
- Chỉ đạo các xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) và các đảng uỷ trực thuộc hoạt động;
- Chỉ đạo tất cả các hoạt động của Đảng trong phạm vi toàn quốc;
- Thay mặt Đảng đưa các đề nghị của Đảng cho Quốc hội, Chính phủ Trung ương, cho các cơ quan chỉ đạo Trung ương của Mặt trận dân tộc thống nhất và của các đoàn thể nhân dân, chỉ đạo các Đảng đoàn trong các cơ quan ấy làm việc;
- Thay mặt Đảng giao thiệp với các Đảng anh em;
- Phân phối cán bộ trong toàn quốc;
- Định nguyệt phí và quản lý tài chính của Đảng.
Điều thứ 53- Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị toàn Ban cử ra Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Kiểm tra Trung ương.
Bộ Chính trị là cơ quan thay mặt Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo hết thảy mọi công tác của Đảng giữa khoảng hai kỳ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương.
Ban Bí thư giải quyết các công việc hàng ngày theo đúng nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị.
Tuỳ theo sự cần thiết, Ban Chấp hành Trung ương có thể tổ chức các Cục trung ương để chỉ đạo các địa phương xa. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn và cách làm việc của các Cục trung ương sẽ do Ban Chấp hành Trung ương ấn định và thông tri cho các địa phương có quan hệ biết.
Điều thứ 54- Ban Chấp hành Trung ương thường lệ 6 tháng họp 1 lần và cứ 6 tháng 1 lần phải báo cáo tình hình chung và công việc đã làm cho đến cấp tỉnh biết.
Chương thứ chín
Ban kiểm tra các cấp
Điều thứ 55- Ban Chấp hành Trung ương, các xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ), thành uỷ, tỉnh uỷ phải cử ra một số uỷ viên lập thành ban kiểm tra của cấp mình.
Nhiệm vụ các ban kiểm tra là:
- Xem xét tư cách và cách làm việc của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, hủ hoá, lạm dụng chức vụ;
- Kiểm tra cách thi hành dân chủ, gìn giữ kỷ luật ở các cấp, xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở các cấp dưới;
- Kiểm tra tài chính của đảng;
- Giúp cấp uỷ kiểm tra sự hoạt động của các cấp dưới.
Điều thứ 56- Danh sách các ban kiểm tra tỉnh, thành phải được xứ uỷ, khu uỷ (hoặc liên khu uỷ) chuẩn y. Danh sách các ban kiểm tra xứ, khu phải được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn y. Các ban kiểm tra làm việc dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ; đề nghị của ban kiểm tra phải được cấp ủy chuẩn y mới có giá trị.
Chương thứ mười
Đảng đoàn
Điều thứ 57- Trong các cơ quan chính quyền đoàn thể nhân dân, Đảng lập ra các đảng đoàn. Đảng đoàn cấp nào do cấp uỷ ấy chỉ định. Chương mười một
Điều thứ 58- Nhiệm vụ của đảng đoàn là thực hiện đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng, tǎng cường ảnh hưởng Đảng trong các tổ chức mình hoạt động, nghiên cứu và đề nghị để cấp uỷ quyết định chủ trương công tác đối với tổ chức ấy.
Điều thứ 59- Đảng đoàn cấp nào phải làm việc dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ cấp ấy.
Do sự giới thiệu của các cấp uỷ, đảng đoàn cấp trên và đảng đoàn cấp dưới hoặc các đảng đoàn cùng cấp có thể liên lạc với nhau để trao đổi ý kiến và kinh nghiệm công tác.
Chương mười một
Khen thưởng và thi hành kỷ luật
Điều thứ 60-Đảng đặt ra chế độ khen thưởng và thi hành kỷ luật là cốt để tǎng cường sức chiến đấu của Đảng, giữ vững kỷ luật, giáo dục đảng viên và quần chúng.
Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác, tất cả các đảng viên đều phải tuyệt đối phục tùng.
Điều thứ 61- Các đảng viên hay cấp bộ nào đặc biệt gương mẫu, dũng cảm, tận tụy, nhiều sáng kiến, gây được nhiều thành tích, làm trọn nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khǎn, nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, được quần chúng tín nhiệm và mến phục, đều được khen thưởng.
Điều thứ 62- Các đảng viên hay cấp bộ nào chống lại đường lối, chính sách và nghị quyết của Đảng, gây chia rẽ bè phái trong Đảng, hành động trái Điều lệ của Đảng, bỏ nhiệm vụ, lạm dụng chức vụ, tiết lộ bí mật của Đảng, lạm dụng tài chính, v.v. đều tuỳ lỗi nặng nhẹ mà thi hành kỷ luật như sau:
a) Đối với toàn đảng bộ hay cấp uỷ thì:
Cảnh cáo trong Đảng hay trước quần chúng, thay đổi một bộ phận cấp uỷ, thay đổi toàn thể cấp uỷ, giải tán cả đảng bộ, tổ chức lại.
b) Đối với cá nhân thì:
Cảnh cáo trong Đảng hay trước quần chúng, hạ tầng công tác, khai trừ có thời hạn, khai trừ không thời hạn ra khỏi Đảng.
Điều thứ 63- Quyền thi hành kỷ luật định như sau:
a) Đối với mọi cấp bộ hay một cấp uỷ:
Việc cảnh cáo và giải tán một bộ phận hay toàn thể do cấp uỷ trên đề nghị, cấp uỷ trên nữa quyết định.
b) Đối với một cấp uỷ viên:
Việc hạ tầng công tác và khai trừ, do cấp uỷ cùng cấp đề nghị, cấp uỷ trên quyết định và cấp uỷ trên nữa chuẩn y. Việc cảnh cáo do cấp uỷ cùng cấp đề nghị, cấp uỷ trên quyết định.
Ban Chấp hành Trung ương có quyền hạ tầng công tác và khai trừ một uỷ viên trung ương nếu được hai phần ba tổng số uỷ viên trung ương đồng ý.
c) Đối với đảng viên thường:
Các hình thức thi hành kỷ luật đều do chi bộ quyết định, riêng hình thức khai trừ thì phải do cấp trên chuẩn y.
Điều thứ 64- Khai trừ là hình thức kỷ luật nặng nhất trong Đảng đối với đảng viên, ngoài hình thức ấy không còn hình thức nào khác nặng hơn. Các cấp uỷ trước khi quyết định dùng hình thức ấy phải cân nhắc thật kỹ càng và phải để cho người đảng viên phạm lỗi được trình bầy trường hợp phạm lỗi của mình.
Điều thứ 65- Khi thi hành kỷ luật, cấp uỷ phải tuyên bố rõ lý do. Cấp bộ hay người bị thi hành kỷ luật có quyền yêu cầu xét lại hoặc khiếu nại lên cấp trên cho đến Đại hội toàn quốc của Đảng. Các cấp uỷ khi nhận được thư khiếu nại nhờ chuyển lên trên, phải lập tức chuyển ngay không được chậm trễ.
Điều thứ 66- Việc cho các đảng viên bị khai trừ có thời hạn được sinh hoạt đảng lại thuộc quyền cấp uỷ đã thi hành kỷ luật đó. Nếu đảng viên ấy đổi sang địa phương khác thì cấp uỷ địa phương trước khi cho sinh hoạt đảng lại phải hỏi ý kiến cấp uỷ đã thi hành kỷ luật.
Thời hạn bị khai trừ không được tính vào tuổi đảng.
Đối với đảng viên bị khai trừ không thời hạn, nếu được kết nạp lại, sẽ coi như đảng viên mới và phải có những cán bộ có kinh nghiệm điều tra kỹ lưỡng trước khi kết nạp lại.
Chương mười hai
Tài chính của đảng
Điều thứ 67-Tài chính của Đảng do nguyệt phí của đảng viên góp, và do tiền quyên hoặc ủng hộ của đảng viên và quần chúng góp thành.
Điều thứ 68- Nguyệt phí của đảng viên phải cǎn cứ vào lương bổng hay lợi tức mà quy định theo tỷ lệ. Thể lệ cụ thể sẽ do Ban Chấp hành Trung ương định. Đảng viên nghèo quá thì được tạm thời miễn nộp đảng phí.
Điều thứ 69- Việc lạc quyên phải do Ban Chấp hành Trung ương quyết định, các cấp đảng bộ không được tự ý tổ chức.
Điều thứ 70- Tài chính của Đảng phải thống nhất. Mỗi tháng các cấp bộ phải đóng một phần ba tổng số thu được lên cấp trên.
Chương mười ba
Sửa đổi điều lệ đảng
Điều thứ 71-Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng.
Phụ lục
Tổ chức đảng trong vùng địch tạm chiếm
và trong quân đội
a) Ở vùng địch tạm chiếm, Đảng không hoạt động công khai được, thì cách thức, hệ thống tổ chức Đảng và thủ tục vào Đảng sẽ do Ban Chấp hành Trung ương cǎn cứ vào Điều lệ Đảng và tình hình cụ thể địa phương mà ra nghị quyết riêng.
b) Hệ thống tổ chức Đảng trong quân đội cũng sẽ do Ban Chấp hành Trung ương cǎn cứ vào Điều lệ Đảng và tình hình cụ thể của quân đội mà quyết định và ra chỉ thị thi hành.

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

 4. Chính cương Đảng Lao động Việt Nam

Chương I
Thế giới và Việt Nam
1. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chế độ phát xít sụp đổ, cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thêm trầm trọng, Liên Xô ngày càng cường thịnh, phong trào dân chủ lên cao. Thế giới chia làm hai phe: phe dân chủ chống đế quốc do Liên Xô lãnh đạo, phe đế quốc phản dân chủ do Mỹ cầm đầu.
Phe dân chủ ngày một mạnh, phe đế quốc ngày một suy. Cán cân lực lượng giữa hai phe đã nghiêng hẳn về phe dân chủ.
Muốn thoát khỏi nạn khủng hoảng, đế quốc Mỹ và các đế quốc khác đang ra sức chuẩn bị chiến tranh thứ ba và mở rộng các cuộc chiến tranh xâm lược. Nguy cơ chiến tranh đã rõ rệt. Nhiệm vụ trung tâm của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới lúc này là đấu tranh bảo vệ hoà bình. Dưới sự lãnh đạo của Liên Xô đứng đầu là thống chế Xtalin, phe dân chủ mở rộng thành mặt trận hoà bình thế giới, kiên quyết chống bọn gây chiến. Phong trào hoà bình sâu rộng, mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử. Đế quốc gây ra chiến tranh thứ ba tức là tự sát.
2. Trong chiến tranh và sau chiến tranh thứ hai, nhờ chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa phát xít, cách mạng dân chủ nhân dân lan rộng và đã thành công ở nhiều nước Trung Đông Âu và Viễn Đông. Chế độ dân chủ nhân dân thành lập, tách những nước đó ra khỏi hệ thống đế quốc chủ nghĩa.
Cách mạng dân chủ nhân dân ngày càng có tính chất phổ biến. Nó là con đường chung cho các nước tiền tiến cũng như các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, cho những nước gần Liên Xô cũng như những nước xa Liên Xô.
3. Một đặc điểm của thế giới sau chiến tranh thứ hai là phong trào giải phóng thuộc địa và nửa thuộc địa sôi nổi làm lay chuyển hệ thống đế quốc chủ nghĩa đến tận nền tảng.
Phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa đã trở thành một bộ phận khǎng khít của phong trào chống bọn đế quốc gây chiến, bảo vệ hoà bình và giành dân chủ trên thế giới.
Hiện nay bọn đế quốc Anh, Pháp, Hà, v.v. đang dùng thủ đoạn xảo quyệt thừa nhận độc lập giả hiệu, mua chuộc giai cấp tư sản và địa chủ bản quốc để duy trì quyền thống trị của chúng ở các thuộc địa. Đế quốc Mỹ cũng ra sức biến những thuộc địa đó thành thị trường và cǎn cứ quân sự của mình. Nhưng các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa đã nhận rõ con đường cứu sống duy nhất của mình là: đoàn kết dân tộc, mật thiết liên lạc với nhân dân thế giới, đặc biệt với nhân dân lao động chính quốc, kiên quyết tiến hành đấu tranh võ trang lâu dài dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Họ nhất định sẽ thắng lợi.
4. Việt Nam là một tiền đồn của phe dân chủ ở Đông Nam á.
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hoà bình và dân chủ trên thế giới. Trong khi giành tự do, độc lập cho mình, dân tộc Việt Nam bảo vệ hoà bình thế giới và làm cho chế độ dân chủ phát triển ở Đông Nam á. Nhờ những thắng lợi của phe dân chủ trên thế giới, đặc biệt là sự thành công vĩ đại của nhân dân Trung Quốc, và do sự cố gắng của toàn thể dân tộc, cách mạng Việt Nam nhất định sẽ thành công.
Chương II
Xã hội Việt Nam và cách mạng Việt Nam
I - Xã hội Việt Nam
1. Trước hồi thuộc Pháp, xã hội Việt Nam cǎn bản là một xã hội phong kiến. Nền tảng của xã hội đó là kinh tế nông nghiệp phần lớn có tính chất kinh tế tự nhiên. Ruộng đất là của vua quan và địa chủ phong kiến.
Nông dân bị bóc lột áp bức nặng nề hơn, sống rất cực khổ. Họ càng thống khổ hơn khi có bọn phong kiến nước ngoài đến thống trị. Họ cần được giải phóng. Họ cần có ruộng đất. Vì vậy nông dân đã nhiều lần khởi nghĩa. Những lần họ đấu tranh rộng rãi và quyết liệt đều đưa đến một cuộc thay đổi triều đại trong nước, hoặc một cuộc giải phóng dân tộc vẻ vang. Nhưng vì điều kiện kinh tế và xã hội chưa đầy đủ, thiếu một giai cấp tiền tiến lãnh đạo, cho nên trải qua bao nhiêu thế kỷ, cuộc đấu tranh của nông dân không thay đổi được tính chất phong kiến của xã hội Việt Nam.
2. Từ khi bị đế quốc Pháp chinh phục, Việt Nam biến thành một thị trường độc chiếm, một nguồn cung cấp nguyên liệu, một nơi cho vay lấy lãi và một cǎn cứ đóng quân của thực dân Pháp. Tính chất tự cấp, tự túc của kinh tế phong kiến Việt Nam bị lay chuyển.
Sau chiến tranh thứ nhất, do chính sách "đặc biệt khai thác thuộc địa" của đế quốc Pháp, kỹ nghệ khai mỏ và kỹ nghệ nhẹ của Pháp được mở mang thêm ở Việt Nam. Giai cấp công nhân Việt Nam thành hình và trưởng thành mau chóng. Tư bản Việt Nam ra đời nhưng bị tư bản độc quyền Pháp đè nén nên không phát triển được mấy.
Chính sách thuộc địa của đế quốc Pháp ở Việt Nam là một chính sách hẹp hòi, bảo thủ. Chính sách ấy làm cho Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nước Pháp. Nó kìm hãm sức phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam. Nó kết hợp những hình thức áp bức, bóc lột tư bản với những hình thức áp bức bóc lột phong kiến và nửa phong kiến, làm cho nhân dân Việt Nam nhất là công nhân và nông dân vô cùng thống khổ.
Trong chiến tranh thứ hai, phát xít Nhật xâm chiếm Việt Nam, chế độ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam cũng phát xít hoá. Nhân dân Việt Nam càng thống khổ hơn. Nhiều cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Các khu cǎn cứ du kích phát triển và chính quyền nhân dân thành lập ở khu giải phóng Việt Bắc.
Song nói chung, dưới thời thuộc Pháp, xã hội Việt Nam là một xã hội thuộc địa và nửa phong kiến.
3. Nǎm 1945, bị quân đội Xôviết đánh bại, phát xít Nhật đầu hàng. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân Việt Nam tổng khởi nghĩa thắng lợi. Nước Cộng hoà dân chủ Việt Nam thành lập. Những cải cách dân chủ được thực hiện. Xã hội Việt Nam bước vào con đường dân chủ nhân dân.
Nhưng đế quốc Pháp trở lại xâm lược. Cuộc kháng chiến trường kỳ và toàn diện của dân tộc Việt Nam bắt đầu. Hiện nay được bọn can thiệp Mỹ viện trợ và bù nhìn phản quốc giúp sức, đế quốc Pháp đã đặt lại chế độ thuộc địa, phát xít trên một phần đất nước ta.
Xã hội Việt Nam hiện nay gồm có ba tính chất: dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến. Ba tính chất đó đang đấu tranh lẫn nhau. Nhưng mâu thuẫn chủ yếu lúc này là mâu thuẫn giữa tính chất dân chủ nhân dân và tính chất thuộc địa. Mâu thuẫn đó đang được giải quyết trong quá trình kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và bọn can thiệp.
II - Cách Mạng Việt Nam
1. Hiện nay cách mạng Việt Nam phải giải quyết mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam và những thế lực phản động, khiến cho chế độ ấy phát triển mạnh mẽ và thuận chiều tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Thế lực phản động chính đang ngǎn cản sự phát triển của xã hội Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Những di tích phong kiến cũng làm cho xã hội Việt Nam đình trệ. Do đó cách mạng Việt Nam có hai đối tượng. Đối tượng chính hiện nay là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, cụ thể lúc này là đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Đối tượng phụ hiện nay là phong kiến, cụ thể lúc này là phong kiến phản động.
2. Nhiệm vụ cơ bản hiện nay của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội.
Ba nhiệm vụ đó khǎng khít với nhau. Song nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc. Cho nên lúc này phải tập trung lực lượng vào việc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược.
3. Động lực của cách mạng Việt Nam lúc này là: công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức và tư sản dân tộc; ngoài ra là những thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ. Những giai cấp, tầng lớp và phần tử đó họp thành nhân dân. Nền tảng của nhân dân là công, nông và lao động trí thức. Người lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân.
4. Giải quyết những nhiệm vụ cơ bản nói trên do nhân dân làm động lực, công nông và lao động trí thức làm nền tảng và giai cấp công nhân lãnh đạo, cách mạng Việt Nam hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Cách mạng đó không phải là cách mạng dân chủ tư sản lối cũ cũng không phải là cách mạng xã hội chủ nghĩa mà là một thứ cách mạng dân chủ tư sản lối mới tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, không phải trải qua một cuộc nội chiến cách mạng. Đó là một thứ cách mạng điển hình trong điều kiện lịch sử hiện nay.
5. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam nhất định sẽ đưa Việt Nam tiến tới chủ nghĩa xã hội. Do giai cấp công nhân lãnh đạo, liên minh chặt chẽ với nông dân và lao động trí óc, lại được sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, nhất là Trung Quốc, cách mạng Việt Nam không thể đi con đường nào khác ngoài con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đó là một con đường đấu tranh lâu dài, đại thể trải qua ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội.
Ba giai đoạn ấy không tách rời nhau, mà mật thiết liên hệ xen kẽ với nhau. Nhưng mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện.
Trong giai đoạn thứ nhất, giai đoạn hiện tại, mũi nhọn của cách mạng chĩa vào đế quốc xâm lược. Đảng phải tập hợp mọi lực lượng dân tộc, lập Mặt trận dân tộc thống nhất, kháng chiến chống bọn đế quốc xâm lược và các hạng Việt gian. Đồng thời phải cải thiện đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động, để cho nhân dân hǎng hái kháng chiến.
Song giai đoạn thứ hai, mũi nhọn của cách mạng chĩa vào lực lượng phong kiến. Lúc đó Đảng phải tập trung lực lượng xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện người cày có ruộng, đẩy mạnh việc kỹ nghệ hoá; hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân. Song, vẫn tiếp tục chống đế quốc thế giới, bảo vệ độc lập của dân tộc.
Đến giai đoạn thứ ba, trọng tâm của cách mạng là phát triển cơ sở xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị thực hiện chủ nghĩa xã hội. Những bước cụ thể giai đoạn này phải tuỳ theo điều kiện cụ thể của tình hình trong nước và ngoài nước khi đó mà quyết định.
Chương III
Chính sách của Đảng lao động Việt Nam
Đảng Lao động nhằm hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xoá bỏ di tích phong kiến và nửa phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, làm cho nước Việt Nam độc lập và thống nhất, dân chủ tự do, phú cường và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong kháng chiến và ngay sau kháng chiến, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương thi hành những chính sách sau đây đặng đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi và đặt cơ sở kiến thiết quốc gia.
1. Kháng chiến
1- Nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ để giành độc lập và thống nhất thật sự cho Tổ quốc.
2- Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh nhân dân. Đặc điểm của nó là : toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Nó phải trải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và tổng phản công.
3- Nhiệm vụ trọng tâm của cuộc kháng chiến từ nay đến thắng lợi là: hoàn thành việc chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi. Muốn vậy phải tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực vào việc kháng chiến theo khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Đồng thời phải luôn luôn bồi dưỡng lực lượng kháng chiến về mọi mặt.
4- Phải nắm vững phương châm chiến lược của chiến tranh nhân dân là
- Các mặt công tác chính trị, kinh tế, vǎn hoá đều nhằm mục đích làm cho quân sự thắng lợi. Đồng thời, đấu tranh quân sự phải phối hợp với đấu tranh chính trị, kinh tế, v.v..
- Phối hợp với việc tác chiến trước mặt địch với việc đánh du kích quấy rối phá hoại sau lưng địch.
2. Chính quyền nhân dân
1- Chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chính quyền dân chủ của nhân dân nghĩa là của công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc và các thân sĩ (địa chủ) yêu nước và tiến bộ. Những tầng lớp nhân dân ấy chuyên chính đối với đế quốc xâm lược và bọn phản quốc. Cho nên nội dung chính quyền đó là nhân dân dân chủ chuyên chính.
2- Chính quyền đó dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nhân, nông dân và lao động trí thức làm nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo.
3- Nguyên tắc tổ chức của chính quyền đó là dân chủ tập trung. Cơ quan chính quyền ở địa phương là Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính (hiện nay là Uỷ ban kháng chiến hành chính). Cơ quan chính quyền tối cao toàn quốc là Quốc hội và Hội đồng Chính phủ.
3. Mặt trận dân tộc thống nhất
1- Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đoàn kết tất cả mọi đảng phái, mọi đoàn thể và mọi thân sĩ yêu nước, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, nam nữ để cùng nhau kháng chiến kiến quốc. Nó ủng hộ chính quyền bằng cách động viên và giáo dục nhân dân thi hành mệnh lệnh chính quyền cũng như bằng cách đề đạt ý kiến, nguyện vọng của nhân dân lên chính quyền.
2- Mặt trận dân tộc thống nhất lấy liên minh công nông và lao động trí thức làm nòng cốt và do giai cấp công nhân lãnh đạo.
3- Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết với các đảng phái, các đoàn thể, các thân sĩ trong Mặt trận dân tộc thống nhất theo nguyên tắc:
- Đoàn kết thành thực: các bộ phận của Mặt trận giúp đỡ lẫn nhau và phê bình lẫn nhau một cách thân ái để cùng nhau tiến bộ.
- Thống nhất hành động: các bộ phận của Mặt trận thương lượng, thoả thuận với nhau để thống nhất mọi hành động theo một chương trình chung. Song mỗi đoàn thể của Mặt trận vẫn độc lập về tổ chức và có chương trình hoạt động tối đa của mình.
- Hợp tác lâu dài: các bộ phận trong Mặt trận đoàn kết nhau trong trường kỳ kháng chiến và trong công cuộc kiến quốc sau khi kháng chiến thắng lợi.
4. Quân đội
1- Quân đội Việt Nam là quân đội nhân dân, do nhân dân tổ chức và vì nhân dân mà chiến đấu. Nó có tính chất: dân tộc, dân chủ và hiện đại.
2- Trong kháng chiến, nguồn bổ sung chủ yếu của nó là bộ đội địa phương và dân quân du kích và nguồn trang bị chủ yếu của nó là tiền tuyến.
Kỷ luật của nó rất nghiêm, nhưng là kỷ luật tự giác và dân chủ. Vừa tác chiến, nó vừa tiến hành công tác chính trị rộng rãi làm cho trên dưới một lòng, quân dân nhất trí và tinh thần lính địch tan rã.
5. Kinh tế tài chính
1- Những nguyên tắc lớn của chính sách kinh tế hiện nay là đảm bảo quyền lợi của công và tư, của tư bản và lao động, tǎng gia sản xuất mọi mặt để cung cấp cho nhu cầu kháng chiến và cải thiện dân sinh, đặc biệt là cải thiện đời sống của nhân dân lao động.
2- Trong các ngành sản xuất, hiện nay phải chú trọng nhất việc phát triển nông nghiệp. Về công nghiệp chú trọng phát triển tiểu công nghệ và thủ công nghiệp, đồng thời xây dựng kỹ nghệ, phát triển thương nghiệp. Phát triển nền tài chính theo nguyên tắc: tài chính dựa vào sản xuất và đẩy mạnh sản xuất. Chính sách tài chính là:
- Tǎng thu bằng cách tǎng gia sản xuất, giảm chi bằng cách tiết kiệm.
- Thực hiện chế độ đóng góp dân chủ.
Chú trọng gây cơ sở kinh tế nhà nước và phát triển kinh tế hợp tác xã. Đồng thời giúp đỡ tư nhân trong việc sản xuất. Đặc biệt đối với tư sản dân tộc, khuyến khích, giúp đỡ và hướng dẫn họ kinh doanh.
3- Trong kháng chiến đi đôi với việc mở mang kinh tế quốc dân, phải tuỳ nơi, tuỳ lúc mà phá hoại và bao vây kinh tế địch một cách có kế hoạch, có hại cho địch mà không hại cho ta. Giải phóng đến đâu thì tịch thu tài sản của địch đến đó, thủ tiêu kinh tế thực dân của chúng.
6. Cải cách ruộng đất
1- Trong kháng chiến chính sách ruộng đất chủ yếu là giảm tô, giảm tức. Ngoài ra thi hành những cải cách khác như: quy định chế độ lĩnh canh, tạm cấp ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cho dân cày nghèo, chia lại công điền, sử dụng hợp lý ruộng vắng chủ và ruộng bỏ hoang, v.v..
2- Mục đích của những cải cách đó là cải thiện đời sống nông dân, đồng thời xúc tiến tǎng gia sản xuất, bảo đảm cung cấp và đoàn kết toàn dân để kháng chiến.
7. Vǎn hoá giáo dục
1- Để đào tạo con người mới và cán bộ mới và để đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc phải bài trừ những di tích vǎn hoá giáo dục thực dân và phong kiến, phát triển nền vǎn hoá giáo dục có tính chất: về hình thức thì dân tộc, về nội dung thì khoa học, về đối tượng thì đại chúng.
2- Chính sách vǎn hoá giáo dục hiện nay là:
- Thủ tiêu nạn mù chữ, cải cách chế độ giáo dục, mở mang các trường chuyên nghiệp.
- Phát triển khoa học, kỹ thuật và vǎn nghệ nhân dân.
- Phát triển tinh hoa của vǎn hoá dân tộc đồng thời học tập vǎn hoá Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác.
- Phát triển vǎn hoá dân tộc thiểu số.
8. Đối với tôn giáo
Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng. Đồng thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng tôn giáo mà phản quốc.
9. Chính sách dân tộc
1- Các dân tộc sống trên đất Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, đoàn kết giúp đỡ nhau để kháng chiến và kiến quốc; chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bài trừ mọi hành động gây hằn thù, chia rẽ giữa các dân tộc.
.....
2- Không xúc phạm đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số làm cho các dân tộc ấy tự giác cải cách tuỳ theo điều kiện của họ.
3- Giúp đỡ các dân tộc thiểu số tiến bộ về mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, vǎn hoá.
10. Đối với vùng tạm bị chiếm
1- Vùng tạm bị chiếm là hậu phương của địch. Công tác vùng đó là một phần trọng yếu của toàn bộ công tác kháng chiến.
2- Chính sách đối với vùng tạm bị chiếm là: đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, củng cố chính quyền cách mạng, phá nguỵ quyền, nguỵ quân, phối hợp đấu tranh với vùng tự do.
3- Đối với các hạng người trong hàng ngũ của địch thì trừng trị bọn cầm đầu nếu chúng không hối cải, khoan hồng đối với những kẻ lầm lỡ đã biết ǎn nǎn.
4- Khu mới giải phóng đoàn kết, an dân.
11. Ngoại giao
1- Những nguyên tắc của chính sách ngoại giao là nước ta và các nước tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, thống nhất quốc gia của nhau và cùng nhau bảo vệ hoà bình dân chủ thế giới, chống bọn gây chiến.
2- Đoàn kết chặt chẽ với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác và tích cực ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa và nửa thuộc địa. Mở rộng ngoại giao nhân dân; giao thiệp thân thiện với chính phủ nước nào tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đặt quan hệ ngoại giao với các nước đó theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và có lợi cho cả hai bên.
12. Đối với Miên, Lào
1- Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Miên, Lào và hết sức giúp đỡ hai dân tộc ấy cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương.
2- Nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài với hai dân tộc Miên, Lào trong kháng chiến và sau kháng chiến ...
13. Đối với ngoại kiều
1- Tất cả mọi ngoại kiều tôn trọng pháp luật nước Việt Nam đều được quyền cư trú, được bảo đảm sinh mệnh, tài sản và được làm ǎn tự do trên đất nước Việt Nam.
2- Các kiều dân thuộc quốc tịch các nước dân chủ nhân dân được hưởng quyền lợi và làm nghĩa vụ như công dân Việt Nam, nếu họ muốn và Chính phủ nước họ thoả thuận với Chính phủ nước ta.
Đặc biệt đối với Hoa kiều:
- Hoa kiều vùng tự do được hưởng tất cả quyền lợi của công dân Việt Nam, đồng thời ta vận động họ tình nguyện làm nghĩa vụ của công dân Việt Nam.
- Đối với Hoa kiều vùng tạm bị chiếm, vận động họ ủng hộ, tham gia kháng chiến chống đế quốc xâm lược Pháp, Mỹ.
3- Các người ngoại quốc vì đấu tranh cho độc lập, dân chủ hoà bình, bị các chính phủ phản động truy nã mà lánh nạn vào nước ta thì được ta nhiệt liệt bảo vệ và giúp đỡ.
14. Đấu tranh cho hoà bình và dân chủ thế giới
1- Đấu tranh cho hoà bình thế giới là nhiệm vụ quốc tế của nhân dân Việt Nam. Kháng chiến chống đế quốc xâm lược là một phương pháp triệt để nhất của dân ta để làm nhiệm vụ ấy.
2- Phối hợp cuộc kháng chiến của ta với các cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, nhất là của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác, của các dân tộc bị áp bức, của nhân dân Pháp.
15. Thi đua ái quốc
1- Thi đua ái quốc là một điệu làm việc mới. Phong trào thi đua là một phong trào quần chúng. Thi đua là thực hiện kế hoạch đã định.
2- Lúc này kế hoạch thi đua nhằm giết giặc ngoại xâm, tǎng gia sản xuất và diệt giặc dốt. Bộ đội, nông dân, công xưởng và lớp học là những nơi thi đua chính.
*
*    *
Trên đây là chính sách của Đảng Lao động Việt Nam.
Tất cả mọi đảng viên phải hiểu rõ chính sách đó, đồng thời làm cho quần chúng nhân dân và các đoàn thể trong mặt trận dân tộc thống nhất nhận định chính sách đó là chính sách chung.
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, toàn Đảng và toàn dân hãy hǎng hái phấn đấu tiêu diệt đế quốc xâm lược, đặng thực hiện chính sách đó trong phạm vi toàn quốc mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

Lưu tại Kho Lưu trữ
Trung ương Đảng.

5. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II
Ngày 12/6/2003. Cập nhật lúc 15h 23'
1. Tình hình thế giới trong 50 nǎm qua
2. Đảng ta ra đời
3. Thời kỳ 1931 - 1935
4. Thời kỳ 1936- 1939
5. Thời kỳ 1939- 1945
6. Từ Cách mạng Tháng Tám đến nay
7. Những khó khǎn của Đảng và Chính phủ
8. Cuộc trường kỳ kháng chiến
9. Sửa chữa những khuyết điểm sai lầm
10. Tình hình mới và nhiệm vụ mới
Nghị quyết của Đại hội Đảng Lần thứ hai (nghị quyết về báo cáo chính trị của đồng chí Hồ chí Minh) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét