Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Tránh chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch


Tránh chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch
Sau thất bại nặng nề ở biên giới năm 1950, quân đội Pháp tập trung củng cố thế phòng ngự, bình định các vùng địch hậu, tăng cường lực lượng. Đến cuối năm 1951, Pháp huy động lực lượng lớn đánh ra chợ Bến, Hòa Bình, nhằm giành quyền chủ động chiến lược, tiêu diệt một bộ phận lực lượng và chia cắt chiến trường ta, gây tiếng vang để xin thêm viện trợ của Mỹ, củng cố tinh thần ngụy quân, ngụy quyền. Liên tục trong tháng 11-1951, quân Pháp mở cuộc hành quân "Hoa Tuy-líp" đánh chiếm chợ Bến; cuộc hành quân "Hoa sen" đánh chiếm thị xã Hòa Bình, sông Đà và Đường 6.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng ta và Tổng Quân ủy nhận định: Địch đánh ra Hòa Bình, lực lượng cơ động bị phân tán trên mặt trận rộng lớn và bộc lộ ngoài công sự, lực lượng ở đồng bằng bị dàn mỏng, thế của chúng bị sơ hở, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung du sẽ sơ hở hơn trước. Núi rừng hiểm trở, địa hình chia cắt, công sự chưa vững chắc, đây là một cơ hội tốt để ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở cả chiến trường phía trước và phía sau. Từ nhận định trên, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương mở một cuộc tiến công lớn đánh địch trên cả hai mặt trận: Tập trung chủ lực ở mặt trận chính là Hòa Bình và táo bạo đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu ở Đồng bằng Bắc Bộ, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của chúng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, mà trọng tâm là Đồng bằng Bắc Bộ.
Khẩu đội pháo binh Đại đoàn 351 tiến công địch trong trận Tu Vũ tháng 12-1951. Ảnh tư liệu.
Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh. Lực lượng tham gia gồm Đại đoàn 304, 308, 312 và Đại đoàn công pháo 351. Chiến dịch Hòa Bình chia làm ba đợt, kết thúc ngày 25-2-1952, khi quân Pháp rút khỏi Hòa Bình. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước phát triển nghệ thuật chiến dịch: Nghệ thuật xác định mục đích chiến dịch cụ thể, kiên quyết, phù hợp với tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch; nghệ thuật chỉ đạo tác chiến và xử trí tình huống chiến dịch chính xác, linh hoạt, phù hợp; nghệ thuật kết hợp đánh địch với phá hoại giao thông địch, kết hợp tác chiến với địch vận, vũ trang tuyên truyền xây dựng cơ sở; điển hình là nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của địch.
Khi địch đánh ra Hòa Bình, ta nhận định: Chỗ mạnh của địch là quân đông, hỏa lực mạnh với máy bay, tàu chiến, pháo binh, xe tăng... Khi ta mở màn chiến dịch ngày 10-12-1951, thế bố trí của địch khá vững chắc, dựa vào các cứ điểm, cụm cứ điểm liên hoàn hỗ trợ chi viện cho nhau, khống chế và thu hút lực lượng chủ lực của ta đến chiến trường mà chúng đã lựa chọn để tiêu diệt. Từ thực tế đó, về phía ta trong giai đoạn 2 của cuộc kháng chiến (giai đoạn đẩy mạnh chiến tranh du kích, chuẩn bị thế và lực để phản công), phương châm tác chiến chiến lược là tiêu diệt sinh lực địch, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng, chuyển sang giai đoạn 3, phản công và tiến công. Mặt khác, trình độ tiến công vào công sự vững chắc của bộ đội ta lúc đó còn rất hạn chế, tập đoàn cứ điểm Hòa Bình là nơi địch tập trung mạnh, công sự vững chắc, đây là mục tiêu vượt xa trình độ bộ đội chủ lực của ta vào thời điểm cuối năm 1951 đầu năm 1952. Ngay từ đầu chiến dịch, Bộ chỉ huy đã xác định “nơi nào địch sơ hở thì ta đánh, nơi nào có điều kiện tiêu diệt sinh lực thì ta đánh, không nhất thiết là đánh Hòa Bình”. Bộ chỉ huy đã chọn hướng sông Đà - Ba Vì, vì hướng này ta có điều kiện thuận lợi tiêu diệt sinh lực địch hơn.
Đến cuối tháng 12-1951, khi 4 binh đoàn địch xuất hiện trong vùng hữu ngạn sông Đà, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn tiến công Đá Chông và núi Chẹ, vì so sánh lực lượng đã thay đổi bất lợi cho ta. Sang đợt 3 chiến dịch, khi chuyển hướng tiến công Hòa Bình - Đường 6, Bộ chỉ huy chỉ rõ: Trước mắt là để tiêu diệt sinh lực địch, chưa phải là để giải phóng đất đai, nếu ở Hòa Bình - Đường 6 khó khăn thì ta có thể quay lại sông Đà - Ba Vì và khi địch trên Đường 6 đã trở nên “cứng”, thì Bộ chỉ huy chủ trương hoạt động nhỏ và chỉ đánh những cứ điểm nào thật yếu. Chủ trương đánh mạnh trên sông Đà trong suốt đợt 1 và đợt 2 cũng như chỉ đạo đánh vào chỗ yếu của địch, đánh nhỏ liên tục trên Đường 6 trong bước 1, đợt 3 để tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực, thể hiện nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tài tình, sắc sảo, sáng tạo ở cấp chiến lược, chiến dịch, phù hợp với điều kiện về vũ khí trang bị và trình độ tác chiến của bộ đội ta lúc bấy giờ, đồng thời nó còn kế thừa, phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha ta.
Nghệ thuật chỉ đạo tránh chỗ mạnh, đánh chỗ sơ hở mỏng yếu của địch trong Chiến dịch Hòa Bình, kết quả vừa tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng thị xã Hòa Bình, phá tan âm mưu chia cắt vùng giải phóng Việt Bắc của ta với các chiến trường phía Nam, mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, còn đánh bại ý đồ của địch muốn thu hút chủ lực ta vào nơi mạnh nhất của chúng là tập đoàn cứ điểm Hòa Bình để tiêu diệt. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình làm thay đổi cục diện chiến trường chính Bắc Bộ có lợi cho ta, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch, là những kinh nghiệm quý để ta tiếp tục vận dụng vào thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiếp theo, đặc biệt là các chiến dịch trong cuộc tiến công chiến lược 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Đại tá Đào Văn Đệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét