Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Công tác hậu cần bảo đảm cho chiến dịch Hòa Bình


Công tác hậu cần bảo đảm cho chiến dịch Hòa Bình




Sau nhiều chiến dịch tiến công liên tiếp của ta trong 2 năm 1950-1951, quân Pháp tăng cường hệ thống phòng thủ, lập vành đai trắng để ngăn chặn quân chủ lực ta tiến công. Đồng thời, chúng ra sức càn quét vùng chiếm đóng, tập trung quân cơ động, sử dụng máy bay, pháo binh đánh phá vùng tự do, vùng căn cứ, gây nhiều khó khăn cho ta, nhất là ở vùng địch tạm chiếm.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương mở đợt hoạt động Thu - Đông 1951-1952 trên chiến trường chính là trung du, đồng bằng sông Hồng, ở cả mặt trận chính diện và vùng địch hậu. Phương châm của ta là: Tại những nơi địch kiểm soát chặt, lấy đấu tranh kinh tế và chính trị là chính, kết hợp xây dựng, phát triển lực lượng cơ sở. Đối với vùng tranh chấp, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, xây dựng và mở rộng các khu du kích. Để chuẩn bị cho đợt hoạt động này, Tổng cục Cung cấp đã gấp rút triển khai làm đường ô tô từ Phú Thọ qua Đồn Vàng, Hoà Bình vào Liên khu 3, 4; tranh thủ chở vũ khí, đạn về Liên khu 3 và tiến hành chuẩn bị về mọi mặt.
Nhằm nghi binh, thu hút sự chú ý của quân chủ lực và phá hoại công tác chuẩn bị của ta, từ ngày 09 – 14/11/1951, Pháp sử dụng lực lượng dự bị cơ động chiến lược gồm: 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội công binh, 1 trung đội xe tăng tổ chức đánh chiếm Hoà Bình và khu vực sông Đà. Sau đó, chúng tổ chức phòng ngự thành 2 khu: Sông Đà - Ba Vì (khu Bắc) và Hòa Bình - đường 6 (khu Nam). Trong đó, thị xã Hòa Bình được xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm. Ngoài ra, địch còn tổ chức Phân khu Chợ Bến để bảo vệ Hòa Bình từ phía Đông.
Trước tình hình trên, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch nhận định: Địch mở cuộc tiến công ra Hòa Bình sẽ gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng cũng tạo ra một cơ hội tốt để tiêu diệt sinh lực của chúng: “Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là một cơ hội rất tốt cho ta. Muốn thắng thì ta phải tích cực, chủ động, bí mật, mau chóng, kiên quyết, dẻo dai. Chắc thắng mới đánh”.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch về “Nhiệm vụ phá cuộc tiến công Hoà Bình của địch”, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Hòa Bình, sử dụng 3 đại đoàn (308, 312 và 304) tiến công địch ở mặt trận Hòa Bình; Đại đoàn 320 và 316 tiến vào vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương phá bình định, phát triển chiến tranh du kích phối hợp tác chiến với chiến dịch.
Để bảo đảm cho mặt trận Bắc, Nam Hòa Bình và thọc sâu vào trong vùng địch hậu, Tổng cục Cung cấp thành lập hai ban cung cấp tiền phương gồm cán bộ cung cấp, cán bộ đảng, chính quyền địa phương. Ban Cung cấp mặt trận Bắc Hòa Bình do đồng chí Trần Quyết - Khu ủy viên Liên khu ủy Việt Bắc làm Trưởng ban có nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Đại đoàn 308, 312 và một số đơn vị binh chủng. Ban Cung cấp mặt trận Nam Hòa Bình do đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (đại diện Tổng cục ở Liên khu 3 và Liên khu 4) làm Trưởng ban, bảo đảm cho Đại đoàn 304 đánh địch trên Đường số 6, Nam Hòa Bình và Đại đoàn 320 hoạt động ở vùng địch hậu đồng bằng sông Hồng. Các cơ quan Tổng cục ở hậu phương trực tiếp bảo đảm cho Đại đoàn 316 hoạt động ở vùng địch hậu trung du.
Khi trên quyết định mở chiến dịch, hậu cần của ta mới chuẩn bị được hơn 4.000 tấn thóc ở Phú Thọ và một ít gạo ở Nho Quan (Ninh Bình) theo kế hoạch Thu Đông. Để đáp ứng nhu cầu chiến dịch đòi hỏi phải chuyển gấp lương thực thực phẩm từ Thanh Hóa ra. Lúc này, địch đã chiếm Hòa Bình, đường giao thông vận tải bị cắt, vì vậy, ta phải mở lại con đường vận tải bộ phía Tây thị xã Hòa Bình qua Tu Lý, Hiền Lương xuống Mãn Đức. Ban cung cấp mặt trận phía bắc tập trung khai thác lương thực, thực phẩm tại chỗ ở khu vực bộ đội tập kết. Lực lượng quân nhu chiến dịch xuống các xã vận động nhân dân thu hoạch vụ mùa, nộp thuế nông nghiệp, tổ chức xay giã và gấp rút vận chuyển gạo đến trung tuyến cho các đơn vị.
Ban Cung cấp mặt trận phía Nam tập trung lực lượng chuyển gạo từ Thanh Hóa ra, cung cấp cho lực lượng chiến đấu ở mặt trận chính diện và lập một số kho trung tuyến ở hữu ngạn sông Đáy bảo đảm cho mặt trận địch hậu. Đồng thời, tổ chức chuyển vũ khí đạn từ Đồn Vàng qua Tu Lý đến Mãn Đức và từ Nho Quan qua Chi Nê, Đầm Đa đến Bãi Khoai bảo đảm cho các đơn vị. Các kho, trạm trung tuyến sử dụng dân công vận chuyển theo dây chuyền, kết hợp dùng thuyền tổ chức vận chuyển theo đường sông từ Nho Quan đi Chi Nê, Đầm Đa, vừa giảm nhân lực, vừa chuyển nhanh được khối lượng lớn vũ khí, trang bị.
Chiến dịch Hòa Bình diễn ra làm ba đợt. Đợt 1 (10-26/12/1951), ta tập trung đột phá tuyến Sông Đà: đánh địch càn quét ở nam Ba Vì, tiến công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh nhiều trận phục kích cắt đứt tuyến vận chuyển của địch trên Sông Đà, uy hiếp Đường số 6, đồng thời đánh mạnh ở vùng địch hậu Bắc Ninh.
Đợt 2 chiến dịch (27-31/12/1951), ta vây đánh cụm cứ điểm thị xã Hòa Bình (khoảng 8 tiểu đoàn địch) và Đường số 6 với nhiều trận đánh công kiên, nên tỷ lệ thương vong cao. Trong khi đó, việc cấp cứu và chuyển thương binh về phía sau trong một số trận không dứt điểm được, còn bỏ sót thương binh, tử sĩ khi rút quân. Đảng ủy và Bộ Chỉ huy mặt trận nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm, sau đó giao cho chính trị viên phó đại đội, tiểu đoàn và phó chính ủy trung đoàn trực tiếp phụ trách công tác thương binh, tử sĩ.
Để nuôi dưỡng bộ đội trong thời gian chiến đấu liên tục, dài ngày, tổ trưởng tổ cấp dưỡng Hoàng Cầm (Đội điều trị Đại đoàn 308) đã sáng tạo ra kiểu bếp nấu ăn vừa che được ánh lửa, vừa làm cho khói lan tỏa rộng và thấp, tránh sự phát hiện của máy bay địch, giữ bí mật, an toàn. Sáng kiến này có ý nghĩa rất lớn, nhanh chóng được phổ biến trên toàn mặt trận. Nhờ vậy, bộ đội thường xuyên được ăn, uống nóng, sức khoẻ nâng lên rõ rệt. Đồng chí Hoàng Cầm được thưởng Huân chương Chiến công và được tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (5/1952).
Nhằm tăng thêm hỏa lực đánh địch, Tổng cục Cung cấp giao Xưởng quân giới Lê Tổ sửa chữa gấp ba khẩu pháo 105 ly thu được của địch trong chiến dịch Biên giới. Cục Vận tải đã tổ chức kéo pháo từ Cao Bằng về. Cục Quân khí chuẩn bị đạn. Ở mặt trận phối hợp, Đại đoàn 320 hoạt động mạnh ở Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; Đại đoàn 316 phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương hoạt động ở Nam Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên... trong hơn ba tháng liền. Để biến hậu phương địch thành hậu phương của ta, Tổng cục Cung cấp đã tích cực chuẩn bị cơ sở từ trước, tổ chức một số tuyến vận tải vào vùng địch hậu Bắc Bộ, tiếp tế đạn cho bộ đội địa phương và dân quân du kích, lập một số kho nhỏ dự trữ mìn, lựu đạn, sẵn sàng bổ sung cho các đơn vị. Nhân dân vùng địch hậu luôn bị địch càn quét, phá hoại, đời sống rất khó khăn, nhưng vẫn hăng hái đi dân công, đóng thuế nông nghiệp phục vụ chiến dịch. Ở vùng Phát Diệm (Ninh Bình), để giữ bí mật tác chiến, địa phương gửi thóc nhờ nhân dân cất giữ, khi bộ đội chuẩn bị nổ súng, cán bộ đến từng gia đình vận động nhân dân xay giã. Chỉ trong một đêm bảo đảm đủ gạo cho bộ đội và một phần để dự trữ cho đợt hoạt động sau này.
Trong vùng địch hậu, các đơn vị đã tổ chức cứu chữa, điều trị thương binh rất linh hoạt: tiểu đoàn tổ chức đội phẫu thuật nhỏ, còn đội phẫu thuật trung đoàn được tăng cường bảo đảm cứu chữa và lưu giữ thương binh trong thời gian tương đối dài. Việc chăm sóc, bảo vệ và chuyển thương binh ra vùng tự do hoàn toàn dựa vào nhân dân. Từ vùng địch hậu Bắc Bộ ra vùng tự do phải vượt các sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Cầu, sông Thương trong điều kiện địch kiểm soát gắt gao. Để bảo đảm an toàn khi chuyển thương binh, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức nhiều chặng vận chuyển, dựa vào lúc địch sơ hở và thời cơ thuận lợi, chuyển từng chuyến một.
Đợt 3 (7/1-25/2/1952), ta chuyển hướng tiến công chủ yếu sang Đường số 6 và bao vây thị xã Hòa Bình: tập kích tiêu diệt trận địa pháo và 4 vị trí địch ở trung tâm và ngoại vi thị xã; đánh cắt giao thông, làm tê liệt vận chuyển của địch trên Đường số 6. Hậu cần chiến dịch đã bảo đảm kịp thời nhu cầu hậu cần cho các đơn vị trong đó có 83 tấn vũ khí, đạn dược.
Bị bao vây, cô lập ở Hòa Bình, lại bị đánh mạnh ở trung du, đồng bằng, sáng 23/02/1952, quân Pháp buộc phải rút khỏi Hòa Bình. Chiến dịch Hòa Bình kết thúc, ta loại khỏi chiến đấu hơn 6.000 tên địch, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu, xuồng, phá hủy 12 khẩu pháo, hàng trăm xe vận tải, thu gần 150 tấn vũ khí, đạn dược chiến lợi phẩm (trong đó có 788 súng các loại, 88 máy vô tuyến điện, 24 khẩu pháo); giải phóng khu vực Hòa Bình - Sông Đà, rộng trên 1.000 km2 với 20.000 dân; giữ vững đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3 và 4, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của thực dân Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh - Tư lệnh chiến dịch đánh giá: “Chiến dịch này là chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay. Ta đã phối hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích trên một quy mô rộng lớn... Thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình là thắng lợi quân sự, chính trị, kinh tế. Chiến dịch đã đánh bại âm mưu cố gắng giành lại quyền chủ động của Đờ -lát Đờ -tát -xi-nhi”.
Dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương, hậu cần chiến dịch đã huy động và cung cấp kịp thời cho các đơn vị 6.275 tấn gạo, hơn 200 tấn thực phẩm, 280 tấn đạn, cứu chữa 6.390 thương binh; huy động trên 330.400 lượt dân công phục vụ chiến dịch với 11.914.000 ngày công... góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Qua chiến dịch này, các lực lượng hậu cần đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về bảo đảm cho chiến dịch tiến công quy mô lớn (5 đại đoàn) trong điều kiện chưa có chuẩn bị trước, tác chiến ác liệt, dài ngày, điều kiện cứu chữa thương binh cũng như việc huy động nhân, vật lực gặp nhiều khó khăn. Những bài học đó đã được phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và hiện đang được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa phát triển trong xây dựng thế trận, tiềm lực hậu cần của quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá-Thạc sỹ Trần Đình Quang *
1. Từ điển Bách khoa Quân sự, Nxb QĐND 2005, tr 176.
2. Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND 1995, tr 180-188.
3. Lịch sử ngành Kỹ thuật, tập 1, Nxb QĐND 1996, tr 131-144.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét