Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

TÍNH THỐNG NHẤT VÀ ĐA DẠNG VĂN HÓA CHAMPA


TÍNH THỐNG NHẤT VÀ ĐA DẠNG VĂN HÓA CHAMPA

I. Không gian văn hóa Champa.         
    Trong tổng thể  nền văn hóa chung của dân tộc trong lịch sử, văn hóa Champa chiếm vị trí quan trọng, góp một sắc màu đa dạng, độc đáo trên dải đất hình chữ S ven biển Đông. Sự độc đáo thể hiện bản sắc riêng của tộc người Chăm sáng tạo ra theo suốt chiều dài lịch sử từ những thế kỷ đầu công nguyên đến khi sát nhập chung vào nền văn hóa dân tộc. Vị trí quan trọng bởi nền văn hóa này tồn tại trên một không gian lớn của lãnh thổ dân tộc ngày nay từ Quảng Bình đến Bình Thuận và cả những đảo xa cùng vùng Tây Nguyên rộng lớn. Có thể thấy, không gian của văn hóa Champa nằm gần trọn trong dải đất miền Trung hôm nay; phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ gắn với núi rừng Tây Nguyên rậm rạp, bao la; phía Đông là biển lớn chập trùng. Kẹp giữa núi và biển là dải đất đồng bằng nhỏ hẹp chạy dài ven biển do các con sông có nguồn gốc từ dãy núi phía Tây chảy về biển tạo thành. Do kiến tạo địa chất, không gian văn hóa Champa chia thành nhiều tiểu vùng ngăn cách bởi những dải Hoành Sơn tỏa từ dãy Trường Sơn đâm ngang xuôi ra biển theo hướng Đông - Tây tạo thành. Có thể thấy địa hình vùng đất chia làm những tiểu vùng chính: Phía Bắc là vùng Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế được giới hạn bởi dãy núi Hoành Sơn với đèo ngang hiểm trở phân giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình ở phía Bắc. Phía Nam ngăn cách  là dải núi cao trùng điệp với đèo Hải Vân cao ngất, nơi có “đệ nhất hùng quan”. Tiếp đến là vùng đất Quảng Nam - Quảng Ngãi với phía Bắc là đèo Hải Vân; phía Nam ngăn cách là đèo Bình Đề với vùng đất Bình Định. Đây là vùng đất có dải đồng bằng với diện tích lớn nhất miền Trung. Nằm giữa vùng đất là địa bàn tỉnh Bình Định hiện nay với giới hạn phía Bắc là đèo Bình Đê; phía Nam là đèo Cù Mông cao ngất. Tiếp đến là vùng đất Phú Yên với đèo Cù Mông phía Bắc và đèo Cả hiểm trở phía Nam. Vùng đất Khánh Hòa hiện nay nằm gọn trong bồn địa với đèo Cả ngăn phía Bắc, núi Tà Lương ngăn phía Nam, đây là vùng đất với những dải đồng bằng hẹp chạy ven các triền sông lớn xen giữa những dải núi non hùng vĩ. Vùng đất này nổi tiếng với sản phẩm trầm hương trong lịch sử, nên còn có tên gọi Xứ Trầm hương. Từ núi Tà Lương trở vào là dải đồng bằng cồn cát ven biển của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, ngăn cách với vùng đất Đông Nam bộ là con sông Đồng Nai hình thành nên địa giới tự nhiên. Vùng đất này được coi là vùng khí hậu khô hạn nhất miền Trung, đồng bằng hẹp khô hạn, cồn cát chiếm tỷ lệ cao.
Có thể thấy, toàn bộ dải đất miền Trung có địa hình chung, phía Tây là khối núi Trường Sơn, tiếp theo là các dải đồi thấp chiếm hầu hết diện tích, tiếp đến là “các đồng bằng duyên hải hầu như chỉ là một đường viền nhỏ hẹp mà cuộc sống kinh tế ngay trong quá khứ cũng không tách rời khỏi khối núi vĩ đại đó” (Lê Bá Thảo – 1977). Phía Đông là biển lớn, ngoài biển mỗi vùng có hệ thống đảo liên quan.
Mặc dù có tính chất chung như vậy, nhưng do sự chia cắt của địa hình, trong lịch sử mỗi vùng đất lại tồn tại như một vùng khu biệt với đầy đủ địa hình sông ngòi, đồng bằng, trung du, miền núi, nghiêng từ Tây sang Đông tạo nên các vùng tách biệt nhau. Mối liên hệ của các vùng chủ yếu thông qua đường biển theo trục Bắc – Nam, còn đường bộ ít thuận lợi để có sự qua lại mật thiết với nhau bởi sự chia cắt của những dải núi ngang sừng sững chắn chạy từ Tây sang Đông hiểm trở. Mỗi vùng có đủ mặt các loại hình núi, đồi, đồng bằng, sông và các vịnh biển hình thành nên hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi trong vùng và đi các vùng khác.
Địa hình mỗi tiểu vùng nhìn chung cho thấy không gian kín của mỗi vùng, nhưng có không gian mở chung ra biển. Mỗi vùng đó lại có con đường riêng gắn bó với vùng đất Tây Nguyên giàu có và rộng lớn. Ví dụ như Quảng Nam là sông Thu Bồn, Quảng Ngãi là đường bộ đèo Violac, Phú Yên là hệ thống sông Đà Rằng,  Nha Trang (Khánh Hòa) là đèo Phượng Hoàng; Bình Thuận là hệ thống sông Dinh vv...
Những yếu tố địa lý nêu trên trong quá trình lịch sử đã chi phối quan trọng sự hình thành và phát triển của văn hóa Champa trong lịch sử, tạo nên những vùng văn hóa đa dạng, trên nền tảng của một nền văn hóa thống nhất, kéo dài theo suốt chiều dài lịch sử tộc người Chăm.


 
Bản đồ không gian văn hóa Champa
(Nguồn: Thống kê khảo tả các di tích... H.Parmentier 1909)
II. Di tích văn hóa Champa.
Theo các nguồn sử liệu cùng những tài liệu khai quật khảo cổ học cho biết, ngay từ những năm đầu của lịch sử, trên dải đất miền Trung đã có nhiều nhóm người Chăm cư trú trên các vùng đất khác nhau. Tài liệu ghi chép về những nhóm người Chăm phía bắc bị nhà Hán xâm lược đô hộ lập nên huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam, mà sau này họ khởi nghĩa giành thắng lợi lập nên nhà nước độc lập Lâm Ấp( Lin Y) trên vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam ngày nay. Những cộng đồng người Chăm phía Nam vẫn sống độc lập với tổ chức nhà nước sơ khai ban đầu. Các cuộc khai quật khảo cổ học tại Đồng Nghệ (Quảng Ngãi); Khe Ông Dầu ( Phú Yên), Hòa Diêm ( Khánh Hòa) với số lượng đồ gốm phong phú, mang đặc trưng riêng của vùng đất đã cho biết ở đây có những nhóm người Chăm cư trú khác nhau và có mối quan hệ với nhau. Bia kí Champa cũng cho biết người Chăm xưa có 2 tộc người chính là tộc Katu và tộc Dừa giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và tinh thần của người Chăm trong lịch sử.
Điều kiện không gian mở với biển, điều kiện tự nhiên kinh tế nhiệt đới phong phú có giá trị đã mang lại dải đất miền Trung sức sống. Những năm đầu Công nguyên  vùng đất Champa đã xuất hiện các thuyền buôn ngoại quốc đến đây bán mua trao đổi. Các gương đồng thời Hán có mặt từ Quảng Bình đến Quảng Nam đã nói lên luồng thương mại từ Bắc xuống Nam. Các mảnh gốm Ấn Độ có mặt tại Quảng Nam đã cho biết mối quan hệ buôn bán xa theo dòng từ Nam đên Bắc,  dấu hiệu manh nha xuất hiện con đường  gốm sứ tơ lụa trên biển mà vùng biển Champa là nơi hội tụ. Sự giao thương là “cú hích” cộng với sự hội nhập văn hóa bản địa đã hình thành văn hóa Champa trong lịch sử và tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử.
“Dân tộc Chàm đồng hóa nhanh với nền văn minh ấy; họ theo tôn giáo và phong tục, chữ viết và tư tưởng, hành chính và pháp luật của nền văn minh ấy”. Người Chătheo địa hình và vùng cư trú đã tổ chức xã hội Champa thành 5 vùng giống nhau như 5 công quốc: Indrapara, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Các văn bia khắc đá và các văn bản khác cho thấy Champa được tổ chức theo kiểu giống quốc gia liên bang hoặc hợp bang hơn là một quốc gia quân chủ thống nhất”. “Một số công quốc có thể tương ứng với các tỉnh do tổ chức Chàm giữ lại Indrapara, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Trước hết văn hóa Champa có nguồn gốc là văn hóa bản địa kết hợp với sự hội nhập của văn hóa tôn giáo Ấn Độ, trong đó yếu tố văn hóa tôn giáo Ấn Độ mang tính nổi trội. Mặc dù sớm tiếp xúc và một phần bộ phận khu vực đã từng chịu đô hộ của văn hóa Hán, nhưng người Chăm không tiếp nhận nền văn hóa này vào thành bộ phận văn hóa dân tộc. Chối từ mô hình văn hóa Hán, tiếp thu, chấp nhận mô hình văn hóa Ấn,
Trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa, với nền cảnh chung  là tôn giáo  có nguồn gốc Ấn Độ, trên các vùng Champa hình thành nên hệ thống cơ sở xã hội và văn hóa tương đồng nhau đó là hệ thống thành thị - Trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của vùng đất. Hệ thống thương cảng, nơi giao lưu buôn bán trong và ngoài vùng. Trung tâm tôn giáo: các cơ sở thờ phụng tôn giáo: tháp thờ, đền thờ.
Hệ thống di tích này nằm theo trục hướng đông - Tây, dọc theo các dòng sông lớn trong khu vực làm nên một chỉnh thể văn hóa chung. Có thể thấy hệ thống di tích này theo các dòng sông lớn tại các vùng như sau:
 Quảng Trị: Cảng Cửa Việt - Thành Thuận Châu - Trung tâm tôn giáo: Tháp Dương Lệ, theo trục sông Thạch Hãn.
Thừa Thiên Huế: Cảng Tư Hiền - Thành Lồi - Trung tâm tôn giáo Văn Trạch Hòa (Phong Điền), theo trục hệ thống sông Hương - Ô Lâu.
 Quảng Nam: Cảng Đại Chiêm cảng - Thành Trà Kiệu - Trung tâm tôn giáo Mỹ Sơn theo trục sông Thu Bồn.
Quảng Ngãi: Cảng Sa Kỳ - Thành Châu Sa - Trung tâm tôn giáo: Chánh Lộ, theo trục sông Trà Khúc.
Bình Định: Cảng Thi Nại - Thành Chà Bàn - Trung tâm tôn giáo: Tháp bánh Ít, theo trục hệ thống sông Kon - Hà Thanh
 Phú Yên: Cảng cửa sông Đà Rằng - Thành Hồ - Trung tâm tôn giáo Hòn Mốc theo trục sông Đà Rằng.
Khánh Hòa: Cảng cửa sông Cái - Thành (?) - Trung tâm tôn giáo: Ponagar theo trục sông Cái.
Ninh Thuận: Cảng Phan Rang - Thành Virapura(?) -  Trung tâm tôn giáo Hòa Lai(?), theo trục sông  Dinh.
Bình Thuận: Cảng Phan Thiết - Thành Song Lũy - Trung tâm tôn giáo (?) theo trục sông Song Lũy.
 Như vậy, bên cạnh các vùng đã tìm thấy đầy đủ dấu tích của 3 trung tâm văn hóa Champa trên mỗi vùng đất, đặc biệt là các vùng đất định đô cũ như Quảng Nam, Bình Định, hay các vùng quan trọng như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên thì cũng có nhiều vùng chưa xác định rõ đủ mặt 3 trung tâm, nhưng chắc cũng nằm trong quy luật chung này. Những di tích này cho thấy tính thống nhất văn hóa của Champa trên toàn lãnh thổ, nhưng cũng cho thấy tính độc lập trong mỗi khu vực, tạo nên sự đa dạng của văn hóa trong lịch sử. Đây cũng là cơ sở vật chất để góp phần đưa ra nhận định thể chế Champa là một quốc gia liên bang gồm nhiều tiểu quốc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
III. Mô hình và mối quan hệ giữa các di tích.
1. Hệ thống thương cảng.
 Trong quá trình tồn tại phát triển, do điều kiện tự nhiên, nền kinh tế Champa khai thác rừng và khai thác biển giữ vị trí quan trọng. Sự kết hợp kinh tế rừng với kinh tế biển hình thành nên hệ thống cảng trên mỗi vùng đất. Cảng biển - sông là cầu nối giữa các vùng trong khu vực và các quốc gia bên ngoài. Do kiến tạo của địa chất, đã hình thành hệ thống vịnh vũng ven biển, ven dải đất Champa. Các con sông từ Trường Sơn đổ về các vịnh tạo nên hệ thống cảng. Cảng là nơi hội tụ sản phẩm biển ngược dòng sông lên phía Tây cung cấp cho thị trường rừng, cao nguyên. Cảng là nơi hội tụ sản phẩm rừng cung cấp cho thị trường đặc biệt là xuất khẩu.
Ai về nhắn với Nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên
Vai trò trung chuyển của Cảng đã được con người sử dụng từ lâu trong lịch sử. Các cảng biển Champa đều có nguồn gốc từ tiền cảng trong văn hóa Sa Huỳnh. Những cuộc khảo sát, thám sát khai quật khảo cổ học đã phát hiện hàng loạt các di tích văn hóa Sa Huỳnh ven các cảng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...,  đặc biệt là tại Hội An-Quảng Nam. Đến thời kỳ Champa, hệ thống cảng bùng lên sức sống, hầu hết các cảng đều xuất hiện hệ thống di tích liên quan các miếu, tháp thờ. Cảng Champa ngoài chức năng hoạt động kinh tế, đây là điểm tiếp xúc văn hóa. Các thương lái nước ngoài khi đến đây buôn bán đã tạo nên điểm giao lưu vô tình hoặc có ý về văn hóa, tín ngưỡng. Những di tích, di vật có niên đại sớm nhất trong văn hóa Champa thường gắn liền với hệ thống cảng như bia Võ Cạnh (Nha Trang - Khánh Hòa) hay nhóm hiện vật tìm được tại Cao Lao Hạ (Quảng Bình). Hệ thống cảng là nơi tiếp nhận sớm nhất các luồng văn hóa tín ngưững đến vùng đất. Ngoài văn hóa tôn giáo Ấn Độ, các tôn giáo khác cũng xuất hiện trên địa bàn các cảng Champa. Đạo Hồi có mặt vào thế kỷ IX tại thương cảng Đại Chiểm cảng (Quảng Nam) với các mảnh gốm Ítsalam có màu men xanh lục sậm cooban, xương gốm trắng dày thô xốp tìm được qua khai quật di tích Cù Lao Chàm đã nói lên sự ảnh hưởng của các thương nhân Ảrập đến vùng đất. Đạo Hồi theo thương nhân đã có ảnh hưởng vào đây với các kiến trúc tháp thờ Champa khá độc đáo như tháp Bằng An (Quảng Nam), Chánh Lộ (Quảng Ngãi). Sau này thông qua các cảng biển sự thâm nhập của đạo Hồi càng rầm rộ đặc biệt trên địa bàn Ninh - Bình Thuận tạo nên tầng lớp Chăm Hồi giáo trên vùng đất. Có thể nói cảng Champa là không gian mở theo suốt chiều dài lịch sử để người Chăm giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng nhiều luồng văn hóa từ bên ngoài đưa vào. Đó là không gian mở của văn hóa Champa trong lịch sử.



2. Hệ thống thành cổ.

Thành cổ có mặt trên hết các khu vực của người Chăm, hệ thống thành cổ này ngoài chức năng quân sự còn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của mỗi vùng. Với vai trò quan trọng của đường thủy, các tòa thành thường được xây dựng ven các dòng sông chính mỗi vùng đất. Thành Lồi với sông Hương (Thừa Thiên - Huế), thành Trà Kiệu với sông Thu Bồn (Quảng Nam), thành Châu Sa với sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), thành Chà Bàn với sông Kon (Bình Định), thành Hồ với sông Đà Rằng (Phú Yên).... Về vị trí các thành được xây dựng chủ yếu ở phía Nam, phần hạ lưu các dòng sông, nơi tĩnh của dòng chảy với lòng sông rộng và sâu, có đủ lượng nước để tàu thuyền vào ra từ cảng thị lên các tòa thành thuận lợi cả về mùa mưa và mùa khô khi dòng sông cạn kiệt. Nghiên cứu một số tòa thành cho thấy, thành được xây dựng ở vị trí giao thoa hai nguồn nước ngọt và mặn vào mùa khô. Do cấu tạo dòng sông miền Trung ngắn và dốc nên về mùa khô, lượng nước thấp, nước biển xâm thực sâu vào nội địa. Địa điểm xây các tòa thành được chọn ở địa điểm này để giao thông đường thủy thuận lợi cả vào mùa khô dựa vào nước biển. Vị trí này thể hiện rõ nhất khi nghiên cứu thành Lồi trên hệ thống sông Hương (Thừa Thiên - Huế). Theo tài liệu lịch sử cho biết các tòa thành tường thường được xây bằng gạch, quy mô to lớn với nhiều công trình kiến trúc bên trong. Thành Điển Xung (Simhapura-Trà Kiệu), kinh đô Lâm Ấp “thành xây bằng gạch, cao hai trượng, ở trên xây bức tường gạch cao một trượng, có đục những lỗ vuông. Trên thì lát ván, trên ván làm gác, trên gác có mái. Ở trên mái lại dựng lầu, cái lầu cao là 6-7 trượng, thấp là 4-5 trượng.... Trong thành có thành nhỏ với chu vi là 30 bộ. Cung tranh điện ngói không mở cửa về hướng Nam, nhà dài ở hai đầu hồi, nóc theo chiều Nam Bắc ... Điện mở cửa hướng Đông, nào mái bay con giống, nào cửa xanh thềm đỏ, nào xà dài dui vuông, phần nhiều làm theo lối cổ. Cột ở gác, điện cao hơn thành một trượng rưỡi. Tường trát phân trâu, màu sắc xanh nhoáng. Nhà nách chạy quanh .... Nhà có hơn 50 khu liền hồi liền nóc, thềm mái tiếp nhau. Đền thần tháp quý lớn nhỏ 8 miếu, dài nhiều tầng, bình tựa tháp Phật ....”, “Cung vua Chàm thì rộng, cao lợp ngói có hoa văn, có tường đất bao quanh. Hoàng cung được quét vôi”. Các cuộc điều tra khảo sát, khai quật khảo cổ học các tòa thành cho thấy quy mô thành to lớn, được xây dựng quy chỉnh thường có hình chữ nhật nằm dọc theo dòng chảy con sông, các góc thành bắt góc vuông vức.  Tường thành được đắp đất cao vững chắc, bên ngoài dốc đứng, bên trong xoải xuôi, trong thành thường có các tường ngăn phân thành các khu khác nhau. Khai quật trong lòng thành tại các thành Trà Kiệu. thành Trà (Bình Định); thành Hồ (Phú Yên) cho thấy ở đây có hai loại hình kiến trúc, kiến trúc cung điện có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, quy mô lớn dài, với dấu vết móng còn lại cùng vật liệu xây dựng như gạch, ngói ống, ngói âm dương, đầu ngói ống mặt hề, ngói mũi lá.... Kiến trúc tôn giáo có mặt bằng hình vuông, hệ thống tượng thờ, bệ thờ nằm trong kiến trúc. Với không gian vùng đất không rộng, tính biệt lập cao thành ở đây có chức năng là trung tâm hành chính văn hóa giữ vai trò chủ đạo, chức năng quân sự giữ vai trò thứ yếu. Do đặc thù của các tòa thành có vai trò kinh đô trong lịch sử, trong thành còn có các công trình kiến trúc tôn giáo. Cuộc khai quật năm 1927 tại Trà Kiệu đã phát hiện nhóm kiến trúc tháp bị sụp đổ với nhiều hiện vật điêu khắc có giá trị như Bệ thờ Trà Kiệu, các tượng thờ vv.. Cuộc khai quật thành Trà (Bình Định) tìm thấy trong lòng thành ngôi đền thờ với nhiều tượng đất nung có giá trị  nghệ thuật.

 3. Hệ thống trung tâm tôn giáo.
Trung tâm tôn giáo là nhóm di tích không thể thiếu được trong mỗi vùng đất. Những địa điểm này thường gắn bó chặt chẽ với các tòa thành. Những trung tâm tôn giáo ấy có vai trò là “Thánh địa” trên vùng đất cố đô như Mỹ Sơn (Quảng Nam) hay trung tâm tôn giáo của vương triều như Bánh Ít (Bình Định), Ponagar (Khánh Hòa), hay có thể là trung tâm tôn giáo của chính quyền quản lý vùng đất ấy như Chánh Lộ (Quảng Ngãi), Hòn Mốc (Phú Yên); PoKloong Giarai (Ninh Thuận) vv.... Vị trí xây dựng thường nằm phía trên thượng nguồn dòng sông, nơi định vị tòa thành, hay có thể quanh tòa thành thuận lợi cho hoạt động tôn giáo của vương triều hay chính quyền. Tùy theo chức năng của các trung tâm tôn giáo này mà các di tích được xây dựng, sử dụng trong thời gian khác nhau, số lượng, quy mô khác nhau. Khu di tích Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo quốc gia được xây dựng và sử dụng liên tục trong lịch sử kéo dài hơn một ngàn năm với trên 70 công trình kiến trúc được xây dựng, hoặc được xây dựng lại nhiều lần như Ponagar, hay một quần thể kiến trúc tôn giáo hoàn chỉnh như Bánh Ít.Sự hiện diện quyền lực của tôn giáo bên cạnh quyền lực chính quyền tạo nên một nhà nước vương quyền kết hợp chặt chẽ với thần quyền là hằng số xuyên xuốt trong lịch sử xã hội Champa, tạo nên bản sắc văn hóa tộc người theo thời gian.
Như vậy, có thể thấy, trong mỗi vùng văn hóa Champa có 3 trục quay quanh nhau gồm trục kinh tế (cảng thị), trục quản lý xã hội (thành) và trục tinh thần (tôn giáo) tạo nên sức sống và bản sắc văn hóa. Ba trục này có mối quan hệ khăng khít hữu cơ, thống nhất với nhau cùng vận hành, tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử tộc người Chăm. Về mô hình có thể thấy những giai đoạn sớm ba trung tâm tạo nên văn hóa Champa chạy dọc theo tuyến Đông- Tây theo các dòng sông từ biển lên rừng như mô hình Cảng Đại Chiêm - Thành Trà Kiệu - Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), hay Cảng Cửa Đại - Thành Hồ - Trung tâm tháp Hòn Mốc (Phú Yên).
Những giai đoạn sau, đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử, mô hình ba trung tâm này được thu gọn với cảng - thành - trung tâm tôn giáo mà thành và trung tâm tôn giáo liền kề nhau như Cảng Thi Nại - Thành Chà Bàn - Trung tâm tôn giáo Thập tháp (trong đó Thập tháp được xây dựng sát  ngoài tường thành Chà Bàn).
Dù thời gian có thay đổi nhưng mô hình 3 trung tâm luôn tồn tại theo suốt chiều dài lịch sử. Vị trí 3 mô hình có thay đổi nhưng điểm chung là 3 trung tâm đó đều lấy các dòng sông làm trục chính không gian tồn tại của mình. Ba trung tâm là sức sống của văn hóa Champa, chính vì thế có thể nói văn hóa Champa là văn hóa sông - biển trong đó yếu tố biển nổi trội.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, văn hóa Champa luôn có tính thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ người Chăm quản lý. Trong không gian chung, mỗi vùng có không gian văn hóa riêng, cách thể hiện riêng độc đáo. Từ cội nguồn văn hóa, chủ nhân là một tộc người thống nhất, tín ngưỡng bản địa tương đồng, ảnh hưởng chung từ một nền văn hóa Ấn Độ, cho nên quá trình phát triển văn hóa mỗi vùng tuy có sự khác nhau nhưng đều có tính thống nhất cao, hình thành nên bản sắc văn hóa Champa trong lịch sử./.
Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét