Những nền văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long
Không gian văn hoá cổ của Việt Nam được xác lập bởi những gương mặt của từng vùng, đầu tiên được biết tới chính là văn hoá Đông Sơn. Địa điểm quần tụ chính của văn hoá Đông Sơn là đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là lưu vực những con sông lớn như sông Hồng, sông Thao... Từ gốc rễ ban đầu, trải qua đời sống sinh hoạt và lao động, những cư dân thuộc nền văn hoá này đã dần đưa những giá trị sơ khai ấy trở nên tinh tuý hơn. Đồng thời với văn hoá Đông Sơn, vào tới miền Trung của đất nước, người ta lại thấy được những nét lung linh, huyền ảo của văn hoá Sa Huỳnh. Như vậy, cùng với sự chuyển dịch của không gian, người ta dễ dàng tìm được những vùng văn hoá khác nhau. Song cũng chính trong sự khác biệt ấy, những nét tương đồng của các vùng miền văn hoá dễ dàng được nhận ra. Tiến sâu vào phía Nam Tổ quốc, văn hoá Đồng Nai, một nền văn hoá tiêu biểu cho văn hoá Nam Bộ cũng có những nét tương đồng ấy. Ngược dòng thời gian theo những vết chân của người tiền sử phần nào chúng ta sẽ nắm bắt được quá trình hình thành nên những nền văn hoá ấy, những nền văn hoá tạo lập nên diện mạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn. Với những nét đặc trưng của văn hoá Nam Bộ được hình thành từ điều kiện tự nhiên đặc thù, cuộc sống của các cư dân tiền sử ở đó gắn liền với những khu rừng rậm, động vật hoang dã. Những câu chuyện huyền thoại được họ biến thành cuộc sống thực. Cùng với đó là sự giao lưu với những không gian văn hoá khác nhau mà cụ thể ở đây là Sa Huỳnh và Đông Sơn. Ta có thể thấy những nét hoa văn tương đồng giữa hiện vật Đông Sơn và hiện vật Đồng Nai, và sự lặp lại của những hoa văn giống như trên mộ chum của văn hoá Sa Huỳnh.
Không gian văn hoá đồng bằng sông Cửu Long được hình thành sau quá trình biển tiến và biển lùi, sự rút lui của đợt biển lùi cuối cùng đã tạo nên một vùng đất rộng lớn ven biển, mà thời gian đầu phần nhiều là những bãi sình, lầy. Các cư dân thủa ban đầu tại khu vực này đã tìm đến những địa điểm có lợi cho việc khai thác thiên nhiên để cư trú. Những địa điểm ấy lúc này còn giữ được khá nhiều vẻ xưa cũ, những cư dân tiền sử của đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Đồng Nai nói riêng đã chọn khu vực gần sông suối làm chỗ cư trú, sự tiện lợi từ việc cư trú ven sông suối đã đem lại nhiều lợi ích, họ có thể khai thác nguồn thức ăn ngay từ trong lòng suối, ven những bìa rừng, những hoạt động phù hợp với trình độ sản xuất thấp.
Cùng với quá trình lao động và tồn tại, việc chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng đẩy nhanh quá trình phát triển của cư dân, sau thời gian sống trong những hang đá, cư dân cổ đã dựng được những túp lều ven sông. Sự phát triển ấy cùng với thời gian và quá trình giao lưu với bên ngoài đã hình thành tại địa vực này một nền văn hoá cổ, đại diện cho cả khu vực rộng lớn. Tại khu vực đồi Gia Tân, còn gọi là đồi Nứa, nơi xưa kia nằm trong nhiều ngọn núi lửa đã tắt, nham thạch của núi lửa tạo nên một nền tảng cho canh tác nông nghiệp. Những đoàn khảo cổ đã tìm tới đây với hy vọng tạo dựng lại chút gì đó của xã hội xưa kia thông qua những hiện vật được khai quật. Cùng với những hiện vật đã hoá thạch như vỏ ốc, vỏ sò và các sinh vật khác, người ta còn tìm thấy những hiện vật cho biết một xã hội tiền sử đã tồn tại ở nơi đây. Trước tiên là những dụng cụ thô sơ làm bằng gỗ, thứ nguyên liệu dễ khai thác và tạo hình nhất thời bấy giờ. Sau đó là các đồ vật như rìu, dao bằng đá hết sức thô sơ. Những đồ vật này được các chuyên gia đánh giá thuộc vào thời sơ kỳ đá mới, tức là đã có tác động của con người lên những phương tiện ấy để dễ bề sử dụng. Người ta cũng tìm thấy được những chế tác tinh vi về hình thức và cả phương thức sản xuất như những khuôn đá, từ đó có thể thấy được quá trình phát triển của cư dân đồng bằng sông Cửu Long mang tính liên tục, không đứt gãy.
Trải qua những cuộc khảo sát với những di vật phát hiện được, các nhà nghiên cứu đã tái tạo lại sơ bộ hoạt động sinh hoạt và lao động của cư dân thời tiền sử ở đồng bằng sông Cửu Long. Lúc bấy giờ, do trình độ lao động còn chưa phát triển mạnh, các cư dân này sống dựa chủ yếu vào thiên nhiên. Những khu rừng, con sông chính là nơi cung cấp cho họ nguồn lương thực để tồn tại. Tuy đã có lửa, nhưng những đồ dùng trong sinh hoạt và lao động vẫn chưa được hoàn thiện như thời gian sau này nên hoạt động săn bắt thú rừng vẫn rất khó nhọc. Về sau người tiền sử ở đồng bằng sông Cửu Long bên cạnh việc dựng những túp lều cạnh suối để sinh sống, đã biết tác động đơn giản vào thiên nhiên. Họ dịch chuyển những phiến đá to tụ lại một nơi để lợi dụng vào việc phục vụ sinh hoạt và ngăn suối bắt cá. Những hoạt động ấy vẫn gắn vào khu vực ven con sông, con suối cho tới mãi về sau. Và cũng có thể coi đó là bước đầu sơ khai về những kiến thức thuỷ lợi đơn giản nhất. Do chưa tạo được thói quen cư trú tại đồng bằng, bước chuyển đầu tiên của những cư dân tiền sử nơi đây được lựa chọn ở sườn núi dốc, nơi có thể đốt rẫy làm nương.
Chính từ nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, trong khi sự khắc nghiệt của thiên nhiên cản trở phần nào việc khai thác để sinh sống, các cư dân đã bắt đầu chuyển vào giai đoạn phát triển tiếp theo, đó là việc ra đời những hoạt động canh tác nông nghiệp, nhằm tự cung cấp cho mình một phần nhu cầu. Từ những sườn dốc trên núi, xen lẫn với những tảng đá và tro tàn, màu xanh nhân tạo đã dần xuất hiện bởi sự tác động của con người. Cùng với việc canh tác ấy, cư dân tiền sử ở đồng bằng sông Cửu Long buộc phải tạo ra cho mình những dụng cụ sản xuất từ đá tuy còn thô sơ. Thêm vào đó, họ cũng không chỉ chú trọng tới việc đi săn những con thú nữa, mà tìm cách dụ chúng tới những chiếc bẫy được họ chế tạo ra. Việc bắt cá cũng không đơn giản như trước, họ đã biết tìm tới những nơi mà ở đó có thể bắt được những con cá lớn với chủng loại phong phú hơn. Chính những hoạt động lao động phong phú này đã là nền tảng thúc đẩy sự phát triển văn hoá dù chỉ là sơ khai của cư dân đồng bằng sông Cửu Long, ví dụ những việc mở ra giao thông đường thủy. Những chiếc thuyền độc mộc được cư dân về sau này chế tác theo đúng hình dạng nguyên bản. Như vậy có thể thấy diễn tiến văn hoá của vùng đồng bằng sông Cửu Long có vòng quay khá đầy đủ và liền mạch theo thời gian.
Những món đồ trang sức cổ được phát hiện trong thời gian sau đã đánh dấu một bước phát triển mới trong đời sống lao động và sinh hoạt của các cư dân nơi đây, cùng với nó là sự phát triển của công việc chế tạo những đồ dùng phục vụ đời sống như cụm bình, nồi gốm cổ. Việc dùng lửa để thắp sáng và nấu chín thức ăn cùng với những sản phẩm gốm đã tạo ra bước ngoặt trong đời sống người tiền sử. Trải qua những thời kỳ phát triển khác nhau của nhân loại, cư dân tiền sử đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc tại địa vực này.
Với một không gian rộng lớn bao gồm toàn bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những địa thế phong phú với rừng rậm, núi cao, những con sông giao nhau chằng chịt, văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua những bước phát triển hình thành nên một nền tảng cơ bản cho diện mạo khu vực này. Thời gian trôi đi, khi văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long mà tiêu biểu là văn hoá Đồng Nai dần trôi vào lụi tàn thì địa vực này trong một thời gian đã bị quên lãng phần nào...
Nhưng cùng với thời gian, đồng bằng sông Cửu Long lại ấp ủ trong mình sức sống của một nền văn hoá mới. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết về lịch sử của lục tỉnh Nam Bộ có chép về diễn biến từng quá trình phát triển ở khu vực này thì ngay khi văn hoá Đồng Nai đi vào quá khứ, ở đây đã xuất hiện một nền văn hóa mới trẻ trung, đầy sức sống và không kém phần huyền diệu, đó chính là văn hoá óc Eo. Được coi là sự tổng hợp của văn hoá Đồng Nai và những văn hoá khác du nhập từ ngoài vào qua sự giao thoa, văn hoá óc Eo mang trong mình những nét đặc sắc của văn hoá Đồng Nai, văn hoá Ấn Độ và cả những giá trị tinh tuý của bản địa. Xã hội Óc Eo được đánh dấu thời kỳ hưng thịnh từ đầu Công nguyên cho tới thế kỷ 7, cùng với quá trình tồn tại và phát triển, văn hoá Óc Eo đã giới thiệu một diện mạo rất phong phú nhưng cũng mang đậm dấu ấn bản địa. Giờ đây những hiện vật thuộc thời kỳ này vẫn giữ được những dáng nét như thủa ban đầu. Khác với văn hoá Đồng Nai, văn hoá Óc Eo được tìm thấy trên diện rộng, địa vực và không gian ảnh hưởng của văn hoá Óc Eo không chỉ nằm tại nơi được coi là trung tâm ở An Giang, mà người ta còn có thể tìm thấy ở nhiều địa điểm khác trên khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những di chỉ còn lại cho thấy đời sống tinh thần của cư dân Óc Eo đã phát triển tới một trình độ cao hơn rất nhiều so với thời kỳ trước, đặc biệt là tập quán về tín ngưỡng.
Ông Vương Thu Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Long An nhận xét: "Những hiện vật được tìm thấy là những hiện vật trang sức, đồ thờ cúng trong các nghi thức cúng tế của các tôn giáo. Bên cạnh đó kỹ thuật chế tác những hạt chuỗi bằng đá quí và thủy tinh cũng khá phát triển".
Trải qua những cuộc khai quật, những khám phá dưới lòng đất đã cho thấy những khả năng tư duy, thế giới quan của cư dân Óc Eo có những tiến bộ mở rộng nhờ quá trình giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, kết quả của những hoạt động thông thương rất phát triển thời bấy giờ. Người ta nhận biết được điều ấy nhờ những nét tương đồng trong các hiện vật cũng như hoạt động về tín ngưỡng của họ. Tục thờ sinh thực khí cũng cho thấy trình độ trồng lúa của người Óc Eo đã rất phát triển.
Tại khu vực di tích Gò Đồn, một trong những địa điểm tìm được có công trình thuộc thời kỳ Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, người ta đã tìm thấy nhiều phế tích gạch đá xây trên các gò đất, những cọc gỗ, nhiều đồ mỹ phẩm vàng, bạc, đồng, đá quý ngoại nhập hoặc làm tại chỗ, nhiều đồng tiền cắt, tiền tròn và huy chương nước ngoài cùng các vật dụng sinh hoạt khác. Ngoài ra, trong nền văn hoá này còn có nhiều kiến trúc khác nhau, như những vết tích nhà sàn để ở, những kiến trúc gạch đá lẫn lộn, thể hiện một trình độ cao trong kiến trúc xây dựng, nghệ thuật tạc tượng ở đây đã phát triển, gồm 2 nhóm hình tượng Ấn Độ Giáo và Phật Giáo. Nghệ thuật làm đồ kim hoàn cũng đạt đến đỉnh điểm cao. Đặc biệt trong văn hoá Óc Eo, còn tìm thấy chữ viết trên hiện vật như nhẫn, con dấu... những chữ ấy có dạng chữ Phạm ở thế kỷ thứ V thời kỳ Gúp Ta Ấn Độ cổ đại. Do vậy, có thể khẳng định sự tồn tại trong không gian mở một nền văn hoá nghệ thuật Óc Eo.
Ông Vương Thu Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Long An cho biết: "Về nghệ thuật điêu khắc, chạm đá và tạc tượng, đã tìm thấy những hiện vật tiêu biểu, ví dụ như nghệ thuật tạc tượng gỗ ở di chỉ Bình Hòa, Đức Huệ. Trước đây, những nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm thấy 2 pho tượng gỗ có niên đại thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Về tượng đá cũng khá phong phú, người ta đã tìm thấy ở Gò Sao, Gò Đồn, Gò Tháp... những pho tượng như tượng nam thần, nữ thần trong ấn Độ giáo... Về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng những đền đài được đánh giá khá cao, biểu hiện qua những di chỉ kiến trúc được khai quật ở Gò Tháp, Gò Trâm Quyền...".
Sự chuyển giao giữa những thời kỳ văn hoá, từ cổ đại, mà Đồng Nai là tiêu biểu cho tới Óc Eo, và sau nữa là Lung Leng, những nền văn hoá cổ tồn tại trên địa vực đồng bằng sông Cửu Long đã tạo lập chỗ đứng của mình trong điều kiện tự nhiên và xã hội đặc trưng.
Theo bước chân của người xưa, ta còn thấy rõ được quá trình giao lưu giữa những nền văn hoá ấy với những khu vực lân cận, và điều đó cũng đem lại cho văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long những nét khác biệt trong sự tương đồng.
Ông Vương Thu Hồng, Phó Giám đốc Bảo tàng Long An cho biết: "Qua nghiên cứu cho thấy, đó là sự tiếp nhận từ nền văn hóa cư dân bản địa với các nền văn hóa khác nhau. Mối giao lưu này có lẽ là do con đường giao lưu trên biển tạo ra. Theo các nhà khảo cổ học, trong điều kiện vùng đất này thuộc châu thổ đồng bằng sông Cửu Long thì mối quan hệ không phải chỉ với Ấn Độ, mà với cả vùng Địa Trung Hải và vùng Trung Á nữa, nó được phản ảnh qua những di vật mang dấu ấn của những vùng đó, cũng như các yếu tố trong nghệ thuật như đồng tiền chạm hình người, pho tượng theo phong cách hậu Hy Lạp hoặc mang phong cách Ấn Độ".
Từ thủa ban đầu khi sự biến đổi của tự nhiên đã tạo cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long một không gian sinh sống, từ sự xuất hiện của những cư dân đầu tiên tại đây, cho tới những hoạt động theo bầy đàn thời tiền sử. Rồi về sau, khi những hoạt động, những phát hiện mới tại vùng đất này đã được ghi chép lại từ sơ bộ cho tới đầy đủ, thì lịch sử của cả một quá trình phát triển theo từng giai đoạn ở đồng bằng sông Cửu Long đã được dần tái tạo và hình thành rõ rệt hơn. Những cái tên như văn hoá Đồng Nai, văn hoá Óc Eo rồi văn hóa Lung Leng đã làm nền tảng bồi đắp cho diện mạo văn hoá cả khu vực dày dặn hơn.
Thời gian cứ trôi đi, và kết thúc của một ngày cũng là điểm đón chào một ngày mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét