Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Tinh thần Phan Châu Trinh, tinh thần xuyên thế hệ


Tinh thần Phan Châu Trinh, tinh thần xuyên thế hệ


Nhân kỷ niệm lần thứ 85 ngày mất của Phan Châu Trinh, bài viết này phân tích tinh thần khai sáng của Phan Châu Trinh và tính chất xuyên thế hệ của tinh thần đó.
Tinh thần Phan Châu Trinh và thế hệ nhà nho duy tân đầu thế kỷ 20
Phan Châu Trinh (1872-1926) được xem là lãnh tụ phong trào Duy tân trong thập niên đầu thế kỷ 20. Đám tang ông là dịp dấy lên cao trào đấu tranh trong cả nước, có mọi từng lớp dân chúng tham gia. Huỳnh Thúc Kháng đánh giá: “ (…) đến lúc tóc bạc răng long, còn muốn thiệt hành cái chủ nghĩa dân chủ để cứu vớt đồng bào. (…) Thế thì tiên sanh không những là một người chí sĩ lo nước quên mình mà chính là một nhà thủ xướng Cách mạng về đường chánh trị nước ta vậy.” (Mộ chí, NQT 2006: 17)
Từ những năm hoạt động đầu tiên, Phan Châu Trinh đã nổi bật vai thủ lãnh trong bộ ba chí sĩ Quảng Nam cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp là những người chủ xướng canh tân, người đương thời kể cả “phái” bạo động đều thừa nhận và trân trọng, cũng như giới sử học ở miền Nam trong nửa sau thế kỷ 20. “Phan Châu Trinh vượt lên ý thức hệ cũ, đẩy vua quan vào hậu trường, đẩy Nho giáo vào tàng viện, đặt Dân quyền lên ngai vàng. Tức là ông muốn chấm dứt quan hệ văn hóa với nước Tàu cũ để tiếp thu Văn hóa Tây phương qua một dự phóng nước Việt mới.” (NVX 1970: 45) Đọc lại cuốn sách tâm huyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân về Phong trào Duy tân, thấy rõ tác giả đã dày công sưu khảo, tìm cách lý giải “do đâu Phan Châu Trinh sớm chủ trương Dân quyền, (…) tại sao ông say mê thuyết dân quyền đến thế kia”. (NVX 1970: 46-47)
Từ những năm hoạt động đầu tiên, Phan Châu Trinh đã nổi bật vai thủ lãnh trong bộ ba chí sĩ Quảng Nam cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp là những người chủ xướng canh tân, người đương thời kể cả “phái” bạo động đều thừa nhận và trân trọng, cũng như giới sử học ở miền Nam trong nửa sau thế kỷ 20. “Phan Châu Trinh vượt lên ý thức hệ cũ, đẩy vua quan vào hậu trường, đẩy Nho giáo vào tàng viện, đặt Dân quyền lên ngai vàng. Tức là ông muốn chấm dứt quan hệ văn hóa với nước Tàu cũ để tiếp thu Văn hóa Tây phương qua một dự phóng nước Việt mới.” (NVX 1970: 45) Đọc lại cuốn sách tâm huyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân về Phong trào Duy tân, thấy rõ tác giả đã dày công sưu khảo, tìm cách lý giải “do đâu Phan Châu Trinh sớm chủ trương Dân quyền, (…) tại sao ông say mê thuyết dân quyền đến thế kia”. (NVX 1970: 46-47)
Không ai cắt nghĩa hết được về một cá nhân, về người kiệt xuất lại càng không nên giải thích tùy tiện. Nhưng khá thuyết phục khi tác giả nhắc lại Trinh “là con võ quan, không quen sự câu thúc”, “mới lớn lên là phải chạy giặc, chuyên học võ và rong chơi với các hạng quân nhân, hạng nghèo khổ, hạng thách đố những thứ giáo dục chi hồ giả dã”. Lớn lên nhờ đi học nhiều nơi, “ở huyện rồi lên tỉnh, ra đế đô, phiêu lưu nơi đây nơi đó chứ không ở cố định một nơi nào nên rất ít định kiến, ít tin nhảm, ít bảo thủ. Lúc còn là học sinh ông đã ngang tàng, khí khái, không biết sợ ai, thầy học bất công, ông cũng dám làm cho mang nhục ở vào cái thời quân, sư, phụ được xem bất khả xâm phạm.” Vì vậy, về bản tính, tác giả cho rằng “tình cảm và lý trí của ông không giống hầu hết các nhà Nho khác tí nào. Vì ông vừa có cốt cách đại nho lại vừa là kẻ bạt mạng, vừa ở trong khuôn khổ, vừa luôn luôn muốn đạp phá khuôn khổ.” (NVX 1970: 47-49)
Phan Châu Trinh tự nhìn nhận về mình cũng tự hào về khí phách khác người: “Tôi từ nhỏ đến lớn đi học, (…) tôi không khi nào đắc chí cả. (…) anh em, (…) thầy dạy đều cho là khùng, là ngu. (…) Quan bộ trưởng cùng các đồng liêu đều cho tôi là ngu cuồng mà hỏi tại sao. Chính tôi cũng không biết! Cho nên tôi chỉ cười mà chịu thôi! Đó là cái chân tướng của tôi trong thời khoa cử. Đến khi tôi đọc được sách mới (năm Nhâm Dần 1902[1], do ông Đào Nguyên Phổ tặng) thì lấy làm sướng quá và nói: đây là lúc dùng cái ngu, cái khùng này vậy… tôi lấy cái ngu cuồng của tôi mà làm cái thằng cuồng, thằng ngu của tôi chưa chắc đã không chút gì bổ ích cho quốc dân.” Cuồng, ngu chẳng qua là khác với đa số. Dám tự khẳng định mình khác với số đông là bản lãnh của ông Trinh từ trước cả khi tiếp xúc với tân thư[2]; mà tân thư có lẽ cũng chẳng phải là nguồn dạy ông một “chủ nghĩa cá nhân” nào cả. Nói về “hùng khí của vĩ nhân” là Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Xuân có nhận xét xác đáng và thấu đáo: “Họ không phải không biết nương cậy, vì trong mưu trí đã có nương cậy, nhưng bao giờ họ cũng tự nương cậy ở khả năng mình trước hết.” (NVX 1970: 53)
Theo Huỳnh Thúc Kháng, từ khi hiểu về văn minh, tư tưởng phương Tây, câu Phan Châu Trinh thường nói là: “Cái độc chuyên chế cùng cái hủ nhà nho ta, đã thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do Dân quyền Âu Tây chính là vị thuốc đắng đầu chữa bệnh đó.” (NVX 1970: 69). Hoàn toàn có thể xem Phan Châu Trinh là người đã đi xa nhứt thế hệ của ông trong việc tiếp thu tư tưởng dân chủ, dân quyền; là lãnh tụ cả nước của phái duy tân được nho sĩ ba kỳ trọng vọng, là người sôi nổi, hùng biện và có năng lực lãnh đạo mạnh mẽ nhứt trong bộ ba Quảng Nam, là nhà canh tân độc đáo và độc sáng. Nhưng tôi sẽ rất khó được thuyết phục về sự độc nhứt của ông. Trước hết, vì Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và nhiều chiến sĩ văn hóa khác đã cùng ông dấy lên cuộc đổi mới hướng tới “tân văn hóa”, “tân sinh hoạt” đều chia sẻ lý tưởng dân chủ, dân quyền, đều vô cùng nhiệt huyết trong hoạt động đấu tranh vì mục tiêu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.
Ngay cả nhà nho duy tân thuộc phái “bạo động”, vì cho rằng ưu tiên số một lúc bấy giờ là lật đổ chánh quyền thực dân giành lại độc lập, họ cũng không kém phần hăng hái mở trường, lập hội buôn, hội thương, … Và những năng lực mới mà các nhà nho đó biểu hiện cũng không kém độc đáo và gây ấn tượng cho cả đương thời và hậu thế. Chỉ xin nêu hai trường hợp.
Đi sâu vào tiểu sử cá nhân, Lý Tùng Hiếu đã vẽ lại chân dung đầy đủ nhứt từ trước tới nay của Lương Văn Can (1854-1927), thục trưởng Đông Kinh nghĩa thục, ngôi trường do Phan Châu Trinh bàn bạc cùng các chí sĩ Đông du mở ra ngay tại Hà Nội (NHL 1974: 41, 43-49, LTH 2005: 85-89). Nhưng Lương Văn Can là ai? Xuất thân gia đình nghèo, “đời đời mưu sinh bằng nghề nông và nghề tiện gỗ” (LTH 2005: 58), được cha cho theo Hán học, đậu cử nhân từ 1874 và được bổ giáo thụ (một chức học quan) từ 1875, ông từ chối làm quan, về dạy học tư tại nhà gia đình ở số 4, Hàng Đào, Hà Nội. Mấy chục năm sau, cũng tại căn nhà đó, bên dưới vẫn là cửa hàng buôn bán vải lụa của bà cử Can và hai con gái[3], đã mở ra những lớp học đầu tiên của Đông Kinh nghĩa thục. Con nhà nghèo đi học, mới 20 tuổi đã thành tài, lại từ chối làm quan để giữ mình trong sạch (“thủ tuyết”, chữ của Lương Văn Can, Hành trạng, LTH 2005: 60). Năm 1892 ứng cử vào Hội đồng thị chính đầu tiên của Hà Nội, rồi từ chức vì thấy mình không được phát biểu gì trong hội nghị, “chỉ vâng vâng dạ dạ, chỉ như con trùng ứng thanh, không làm ích gì cho tổ quốc và xã hội được” (LTH 2005: 63-64). Là thục trưởng ngôi trường được mở theo mô hình Khánh Ứng nghĩa thục (nay là đại học Keio danh tiếng), ông đồng thời bộc lộ tài năng kinh doanh, ngay cả khi bị đi đày lên Nam Vang (Phnom Penh) vẫn nhìn ra cơ hội tại một thị trường còn trống trải đầy tiềm năng. Ông cùng con trai, con gái, con dâu khuếch trương việc buôn bán phát đạt bằng nguồn hàng từ Sài Gòn, Hà Nội đưa qua, nhờ đó có tiền giúp đỡ các chiến sĩ chống Pháp và mua sách báo cách mạng từ nước ngoài chuyển về trong nước.
Tôi biết ơn các nhà sáng lập Quỹ học bổng Lương Văn Can ngày nay đang giúp sinh viên thêm cơ hội học hành, đồng thời truyền bá gương sáng doanh nhân Lương Văn Can đang được doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh tôn làm bậc thầy về đạo đức kinh doanh. Nhưng tôi mong lịch sử công bằng nhìn nhận Lương Văn Can trước hết là người trí thức, người “hòa giải”, giúp hai phái canh tân và bạo động thống nhứt trên một dự án hữu dụng là Đông Kinh nghĩa thục, nơi quyên góp tài chánh cho “ám xã”, bí mật gởi thanh niên đi Đông du, nơi phổ biến thơ văn yêu nước chống Pháp của Phan Bội Châu từ hải ngoại chuyển về, cũng là nơi Phan Châu Trinh là diễn giả xuất sắc thường xuyên giảng bài nhứt. Vị thục trưởng đáng kính của Đông Kinh nghĩa thục, ngôi trường tiêu biểu cho giáo dục canh tân, tự chủ, mà tự chủ ngay dưới ách thống trị thực dân, lẽ nào không xứng đáng được tôn vinh như một trí thức mở đường?
Người thứ hai, lẽ đương nhiên là Phan Bội Châu (1867-1940). Quả là có khác biệt lớn, thậm chí là đối lập về phương cách cứu nước mà Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh hình dung vào những năm đầu thế kỷ 20. Hai bên đã tranh luận nhiều lần[4], từ khi hai người “biết nhau ở khoa thi Hội năm Quí Mão 1903” (289)[5] đến khi Phan Châu Trinh sang Nhật tìm Phan Bội Châu kịch liệt “nghị luận, mổ xẻ lợi hại, được thua không sót điều gì” (289). Tuy nhiên, “tương phản nhi tương hành” vẫn là thực tế trong thập niên đầu thế kỷ 20 giữa nhà nho duy tân thuộc hai phái canh tân và bạo động, họ đối lập về đường lối nhưng một số việc vẫn đồng thời tiến hành, thậm chí là hợp tác; đó cũng là nét đặc sắc mà đời sau hình như bị hụt hơi để hiểu, chưa nói để thực hành. Cũng cần lưu ý hoàn cảnh ra đời và tính chất đặc biệt của Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, theo Vĩnh Sính là được Phan Châu Trinh “viết khoảng tháng 4, 1910 – tháng 3, 1911 ở Mỹ Tho trước khi đi Pháp” (VS 2007). Đây là một bản thảo dở dang, “rất nhiều chỗ bôi xóa, sửa chữa” (NQT 2006: 174), một số đoạn được viết đi viết lại nhiều lần và chưa đi vào nội dung rao trong nhan đề thì đã đột ngột bỏ dở. Riêng viết về hành trạng, “nhân phẩm, tính cách và học thức của Phan Bội Châu”, tôi đếm trong bản dịch của Nguyễn Q. Thắng có không dưới bảy lần, chứng tỏ tác giả vừa xác quyết lại vừa trăn trở, cân nhắc biết bao[6].
Ai đọc bản thảo nầy cũng phải kinh ngạc và cảm phục sự phân tích sắc bén, vừa thấu đáo vừa vững chắc, đi đến cùng của sự việc với lý trí mạnh mẽ khi tác giả nói về những sai lầm, khiếm khuyết của ông Châu mà tác giả cho là “tương hợp với tính chất, trình độ quốc dân” (286). Nhứt là khi phân tích, lý giải ấy đến từ một nhà nho, dẫu là nhà nho duy tân, mới khoảng cuối thập niên đầu thế kỷ 20. “Phê phán hiện thực với đầu óc duy lý là chỗ khu biệt họ Phan với thế hệ sĩ phu ái quốc cùng thời” (NHC 2007), nhận xét tinh tường nầy của nhà phê bình văn học Nguyễn Huệ Chi áp dụng ở đây rất đắc. Thán phục, rồi không khỏi lo âu, khi đầu thế kỷ 21 về nhiều mặt chúng ta chưa theo kịp.
Tuy nhiên, càng đáng cảm phục hơn khi vừa không chút nể nang, thỏa hiệp khi phê phán, ông Trinh lại vừa ngay thẳng, chân tình nhấn mạnh giữa mình và ông Châu về cuộc đời, “tính chất, chí khí giống nhau, đến cảnh ngộ cũng giống nhau, duy có ý kiến khác nhau mà chủ nghĩa càng trái nhau” (298-299). Ông khen ông Châu “là người rất phụ khí, dám làm việc lớn mà không tiếc thân, sức tự tin rất mạnh, bất luận chủ nghĩa nào đã làm dầu đến chết cũng không thay đổi (…) từ nhỏ đến lớn luôn kiên phụ, không chịu khuất phục.” (299) “Tôi cũng thế”, “tôi cũng vậy” là câu lặp lại thường xuyên mỗi lần ông Trinh nói về ý chí vì nước quên thân, lòng kiên định vì lý tưởng, tinh thần bất khuất trước cường quyền và nghịch cảnh của ông Châu. Chê ông Châu là sách viết ra “đều là chửi bới, mắng nhiếc (…) mà không có căn cứ, lý luận” (309); nhưng kể lại chuyện “ở Hương Cảng cùng biện luận, ông đuối lý rồi khóc sướt mướt”, ông Trinh chú thích ngay: “Tôi thương yêu ông ở chỗ ấy.” (285) Chừng đó mà không đủ để họ coi nhau là tri kỷ, tri âm… phải chăng vì hậu bối hẹp lòng mà không cảm nhận được sự quý yêu, kính trọng nhau giữa hai thủ lãnh? E không chỉ có vậy. Mà phải chăng còn có một nếp nghĩ quá ăn sâu trong phân biệt bảo thủ/canh tân, bạo động/ỷ Pháp, ích nước/hại dân, phải/quấy, đúng/sai, hay/dở theo kiểu khác biệt luôn loại trừ nhau?
Đông Kinh nghĩa thục của Nguyễn Hiến Lê kể giai thoại lý thú về Phan Châu Trinh nhiều lần tranh luận với các thầy giáo khác của Đông Kinh nghĩa thục. Đặc biệt khi định đăng đàn diễn thuyết bảo vệ quan điểm “không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam” (Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc), bị hai đồng nghiệp một già một trẻ phản biện là “không chấn hưng Hán học thì không cứu được nước Nam” (Bất chấn Hán học, bất túc dĩ cứu Nam quốc), ông cười, nhận: “Hai tiên sinh đều phản đối thì tôi xin thôi, để tôi xét kỹ lại xem”, và được khen là người khoáng đạt. Tinh thần tranh biện dựa trên lý trí và sự tôn trọng khác biệt chánh kiến, như vậy, đã ít nhiều lan tỏa trong nhà nho duy tân. Khi nhận ra khác biệt, thậm chí đối lập giữa hai chọn lựa ưu tiên độc lập hay dân chủ – mà hai phái đều hiểu rõ nhu cầu cấp thiết – vì sao chúng ta nhứt định cứ phải xác quyết đúng/sai và chỉ thấy “kẻ thù” mà không thấy “tri âm”? Huống chi bài toán lịch sử đặt ra nó lại đầy mâu thuẫn, lại thiên nan vạn nan đến vậy…
Tư tưởng và phương lược cứu nước của Phan Bội Châu cũng không bất biến từ 1907- 1908 hay 1925-1926. Trong 15 năm bị giam lỏng, ông già Bến Ngự đã không ngừng trưởng chí cho thanh niên nam nữ, nhứt là học sinh hai trường Quốc học và Đồng Khánh. Ông kín đáo tiếp sức cho Đạm Phương nữ sử dấy lên làn sóng nữ quyền ngay giữa đế đô, ông là nhân tố quyết định (ĐDA 2003: 13-14) khiến Đào Duy Anh đệ đơn từ chức giáo học ở Đồng Hới để theo nghề viết báo, giúp Huỳnh Thúc Kháng lập công ty và ra báo Tiếng Dân, và mãi tới cuối đời ông vẫn là bạn vong niên của cặp vợ chồng trí thức trẻ Đào Duy Anh-Trần Thị Như Mân. Ông vừa là lãnh tụ tinh thần của Việt Nam Quốc dân đảng vừa là bạn thơ của Hàn Mặc Tử, lại là người nồng nhiệt ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền trong cả nước. Luôn đứng về phía người “thấp cổ bé họng” để khuyến khích, động viên họ “giữ quyền người, tranh quyền gái”, tư tưởng dân chủ nơi ông không thể nói chưa thoát nổi gông cùm “văn chương bát cổ”. Ôi, còn bao nhiêu điều chúng ta chưa biết hết về các nhà nho đầu thế kỷ khi họ – nhanh, chậm và bằng nhiều đường, theo nhiều cách, với nhiều phong thái khác nhau – tự giải phóng mình ra khỏi “thế giới Hán hóa” (Léon Vandermeersch) đã hàng ngàn năm thống trị tư tưởng Việt!
Có người nói nhà nho duy tân là thiểu số. Sưu tầm, khảo cứu ngày càng chứng minh ngược lại. Vả chăng, đặt lại vấn đề về thang giá trị cổ truyền, lật nhào trật tự vốn có, khơi dòng cho cái mới sinh sôi, bao giờ cũng chỉ có thể từ thiểu số. Nhưng thiểu số ấy, nếu có tâm huyết, tài năng và bắt mạch đúng xu thế phát triển sẽ có sức lan tỏa để dấy lên thành làn sóng triều dâng. Các tác giả đã nghiên cứu phong trào Duy tân và nhân vật của phong trào hầu hết chia sẻ nhận định về sự thức tỉnh của rộng rãi từng lớp sĩ phu trong thập niên đầu thế kỷ 20, so với trước đó kẻ tiên giác, tiên tri chỉ là cá biệt.
Vậy thì Phan Châu Trinh có cô đơn không? Có, trong chừng mực con người biết có cảm xúc riêng, biết suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình chớ không chỉ a dua, xu phụ số đông ắt phải trải nghiệm sự cô đơn của tư duy độc lập. Nhưng không, ông cô đơn sao được khi mà sĩ phu cả nước đều hưởng ứng lời kêu gọi canh tân? Bắc, Trung kỳ nô nức lập thương hội, tân học hội, diễn thuyết hội, mở đồn điền trồng quế, tiêu, trà theo lối mới, mở trường học, lập công ty, thực hành cái mới trên quy mô nhiều xã ở Quảng Nam. Cuộc vận động “tân văn hóa”, “tân sanh hoạt” đi sâu vào đổi thay từ trang phục – Phan Châu Trinh “lăng-xê mốt” Tây hồ – đến cái răng, cái tóc từ xưa vẫn được dạy là cái gốc con người, phụ mẫu sanh ra sao phải để y nguyên làm vậy. Chỉ vài năm để đổi thay nếp nghĩ của bao đời đèn sách; chỉ chưa tròn 12 tháng để lừng lẫy một Đông Kinh nghĩa thục ngay dưới mũi thực dân, nhiều trường học khác ở các tỉnh lân cận Hà Nội, hơn bốn chục trường lớn, nhỏ dọc các tỉnh miền Trung, Phú Lâm và nhiều xã có “đời sống mới”, hội và trường học Dục Thanh (Thể dục Thanh niên), công ty Liên Thành ở Phan Thiết sau chuyến Nam du của bộ ba Quảng Nam, rầm rộ cuộc Minh tân ở Sài Gòn với nhà nho như Nguyễn An Khương thúc giục đồng bào đừng ngại làm “chú bán cơm” để cạnh tranh với “Chệt, Chà”, bà Nguyễn Thị Xuyên từ tiệm may khéo chuyển thành khách sạn-nhà hàng Chiêu Nam lầu đón người yêu nước khắp ba kỳ, ông chủ báo Gilbert Chiếu có quốc tịch Tây vẫn hăng hái đấu tranh bất chấp tiếng thị phi của đồng bang và sự đàn áp thực dân… Phát triển văn học quốc ngữ được cú hích mạnh từ tài liệu do Ban Tu thư Đông Kinh nghĩa thục dịch, biên soạn, xuất bản, lưu hành; và nhiều bài ca thấm vào quần chúng qua hò vè, hát ru. “Tân văn hóa”, “tân sanh hoạt” không chỉ dừng ở khẩu hiệu ái quốc mà đi sâu, lan rộng vào đông đảo người dân thành thị lẫn nông thôn khắp Bắc, Trung, Nam. Các nhà giáo dục chúng ta ngày nay làm sao không ngưỡng mộ, thèm thuồng trước sức lan tỏa và hấp lực canh tân văn hóa, đổi mới con người nhường ấy?
Nguyễn Văn Xuân đánh giá “phong trào Duy tân (1905-1908) là quan trọng nhất, xuất hiện như một ánh sáng lồ lộ, phát ra tiếng vang dội khắp núi sông, đẩy quặt lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế… sang một ngã rẽ sau khi đã góp phần lớn lao Làm Mới con người và xã hội” (NVX 1970: XII-XIII). Ông cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm tiền phong trào[7], phong trào và hậu phong trào Duy tân. Ý tưởng tinh thần canh tân xuyên thế hệ là cùng trong mạch suy nghĩ đó.
Tinh thần xuyên thế hệ
Phan Châu Trinh là lãnh tụ cuộc đấu tranh dân chủ, dân quyền vào đầu thế kỷ 20. Nhưng ông không phải là người đầu tiên hiểu bản chất cuộc xung đột, không chỉ là võ trang, với thực dân Pháp. Người đó là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), người Việt Nam sớm nhứt đã nhận ra cái mà ông Tộ gọi là “đại thế trong thiên hạ”, nay ta gọi toàn cầu hóa.
Như nhiều kẻ sĩ đương thời, ông Tộ đã học Nho. Nhưng khác họ, là người công giáo nên bị loại ra ngoài khoa cử, ông chỉ học để biết, do đó, không chịu sự gò ép trong tư tưởng của sĩ phu học để đi thi và để làm quan; ông lại sớm tiếp cận nguồn tri thức mới, thạo tiếng Pháp, giao tiếp được bằng tiếng la-tinh và một số ngôn ngữ châu Âu khác. Đào Duy Anh – là người do quan hệ gia đình[8] đã tiếp xúc những tài liệu đầu tay về Nguyễn Trường Tộ, quả quyết: “Mặc dầu là người Công giáo từ lúc sinh ra, tâm hồn tiên sinh đã bị lay động mạnh bởi tiếng bom nổ ở Đà Nẵng năm 1848 và, từ lúc đó, người thanh niên 20 tuổi ấy quyết từ bỏ lối học cổ truyền để đi theo lối học thực dụng. Tiên sinh đã được giám mục Gauthier, giáo phận Xã Đoài, dạy cho tiếng Pháp, cung cấp cho các bản dịch chữ Hán của các sách Tây phương (chính là tân thư mà nửa thế kỷ sau, hai ông Phan được tiếp cận khi đã trên dưới 30 tuổi, BTP) và cho đi du lịch ở Hong Kong và Singapore.”[9] Bản thân ông Tộ cũng tự tin khẳng định trong một bài viết năm 1864: “Việc khôi phục không phải tìm ở trong nước mà phải tìm ở ngoài thiên hạ. Bởi vì từ 15 năm nay, tôi đã biết rõ tất phải có mối lo như ngày nay, nên tôi đã ra sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết cho mình, chứ không phải chỉ mới một ngày” (TBC 1988: 144-145). Năm 1868, ông lại viết: “Mấy chục năm nay, tôi bôn tẩu trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến thiên xưa nay, đem những điều đã học trong sách nghiệm ra việc đời. Dù trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện, thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình…” (TBC 1988: 287). Học hỏi và suy nghĩ suốt ngót nghét mười lăm, hai mươi năm trời, kể từ tiếng đại bác của tàu chiến Pháp năm 1848 khiến vua Thiệu Trị tức giận lên cơn nhồi máu cơ tim mà chết – phản ứng chừng mực nào có thể coi là “yêu nước”, nhưng chỉ đáng thương hại, từ kẻ cầm quyền – cho đến khi dâng bản Hòa từ đầu tiên năm 1861, chỉ nhìn vào động lực thúc đẩy ông, thời gian ông suy gẫm, cái mà ông học được, và nhứt là cách học của ông, chúng ta cũng phần nào hiểu được một tầm nhìn, và một cách thế khác để làm người trí thức Việt.
Bài “Thiên hạ đại thế luận” (1863) mở đầu đĩnh đạc: “Tôi là Nguyễn Trường Tộ, bề tôi nước Đại Nam đã từng trốn ra nước ngoài xin đem những điều mà tôi đã biết và thấy một cách chính xác về sự thế trong thiên hạ, mạo tội kính bẩm” (TBC 1988: 107, BTP nhấn mạnh). Bức màn bao bọc “thế giới Hán hóa” thực chất đã bị xé toạc đi từ tư thế đĩnh đạc đó. Phương lược cứu nước của Nguyễn Trường Tộ được ông trình bày cũng ngay từ bản điều trần rất sớm nầy[10] thật rõ ràng và khái quát: “Theo cách ngày nay thì nên để quân lính nghỉ ngơi, (…) nhượng một tấc đất mà nhân dân lợi vô cùng. (…) Dân đã yên sau sẽ khiến kẻ hiền tài vượt biển, sang các nước lớn học cách đánh trận giữ thành, học tập trí xảo của thiên hạ, giao thiệp với họ lâu dài, mới biết lường sức đo tài, biết hết tình trạng của họ. Học cho tinh vi mới sinh kỹ xảo, rất mực kỹ xảo mới mạnh…” (TBC 1988: 111) Nó được lý giải rõ hơn trong một bài viết khác năm 1864: “ Người phương Tây là kẻ bán cái trí cái dũng, nếu ai biết khéo mua thì chẳng bao lâu các thứ họ có sẽ trở thành của mình. (…) Ta đã học hết cái thuật của họ (…), rồi sau lấy cái trí tuệ vốn có sẵn của chúng ta thêm vào cái trí tuệ ta mua được của họ. Đất là đất của ta, mượn cái trí xảo của họ ngày càng già nua còn cái trí xảo của ta thì mới mẻ, trẻ trung, đem hai trí mà địch lại một trí, lẽ nào không thắng được? Như trường hợp Tây Châu (châu Mỹ, BTP) là một chứng cớ vậy” (TBC 1988: 137).
Về tác hại của lối học cũ, Nguyễn Trường Tộ chắc chắn không phải là không thấy. Ông chỉ dằn lòng chưa nói ra, vì nhằm vào những mục tiêu ưu tiên khác, trong tình thế đất nước chưa mất trọn, triều đình theo cách nói của ông là mải lo mò kim đáy biển (lấy lại đất đã mất) mà không chịu ra sức giữ hòn ngọc còn nắm trong tay (canh tân đất nước còn chủ quyền để mưu đồ khôi phục). Ông đề xuất cải cách trên nhiều phương diện, chấn chỉnh võ bị, cải tổ hành chánh, thuế khóa, khai thác tài nguyên, khoáng sản, mở rộng thông thương, phát triển kinh tế… Ông thiên về mở ra những lãnh vực học thuật mới hữu dụng hơn là phê phán cựu học. Tuy nhiên, như thể không kìm lòng được, ông nhận xét: “Nói về học thuật mà không có đường lối sáng suốt rõ ràng, một phần do ở sách vở và một phần tại triều đình. Tuy nhiên tôi chưa dám nói rõ, sợ có điều quan ngại. (Nếu đừng bắt tội mà cho phép nói, tôi sẽ nói rõ)” (TBC 1988: 250). Cuối phần bàn về “sửa đổi học thuật”, ông kết luận: “Trên đây tôi chỉ nói sơ qua những tệ hại thông thường, cạn cợt, dễ thấy, để sửa sang lại học thuật mà mong những điều tôi nói ra đó sẽ không bị buộc tội. Còn nói đến nho phong ngày nay đã gây ra tệ hại lớn cho Trung quốc cũng như nước ta như thế nào, chỉ rõ ra phải đến mấy trăm khoản cũng chưa hết. Nhưng nếu nói ra, chắc tôi không dám về nước! (Lúc nầy, 1867, ông đang đi công cán tại Pháp theo lịnh triều đình mua thiết bị và mời thầy về mở trường dạy nghề ở Huế. BTP) Triều đình có muốn nghe không?” (TBC 1988: 258) Tuy các bản điều trần viết bằng chữ Hán, song lời lẽ của Nguyễn Trường Tộ thường rất thẳng thắn, không có chút gì của văn phong trường ốc ngày xưa. Để trình bày kế sách cứu nước, ông không ngại điều cấm kỵ nào, sẵn sàng nói thẳng những đề nghị dẫu là nghịch nhĩ tới đâu. Vài đoạn ngắn mà hai ba lần hỏi đi hỏi lại, “nếu cho phép nói”, “có muốn nghe không” chứng tỏ ông hiểu rõ đụng vào cựu học là đụng vào thành trì kiên cố nhứt. Mà đó cũng là chỗ căn cội sâu xa, thiết yếu nhứt. Ông nhượng bộ chẳng qua vì đại cuộc: “Bởi vì phong tục dân tình ngày nay ra sao triều đình cũng đã biết rõ hết rồi. Nay nếu muốn nhất thời sửa đổi hết tất cả tệ đoan ấy, sợ sinh nhiều mối nghi ngờ hoang mang, chống báng lẫn nhau làm cho lòng người không yên” (TBC 1988: 251).
Những người, như Nguyễn Trường Tộ, tuy không thể bao quát, tự tin, sắc sảo như ông song cũng đã ít nhiều hiểu sức mạnh của phương Tây không chỉ ở tàu đồng, đạn sắt và nhận thức canh tân là nhứt thiết phải thực hành, không chỉ có giáo dân như Đinh Văn Điền, mà còn có đại thần như Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, Phạm Phú Thứ, quan thấp hơn như Nguyễn Thành Ý, Nguyễn Thông, rồi có cả người học trò xuất sắc mà không thiết đi thi, như Nguyễn Lộ Trạch, nhờ làm con rể Trần Tiễn Thành mà trở thành người thừa kế và truyền bá tư tưởng Nguyễn Trường Tộ, với bài “Thiên hạ đại thế luận” khác, trực tiếp lay động thế hệ nhà nho đầu thế kỷ 20.
Sau ba năm ngắn ngủi 1905-1908, phong trào Đông du-Duy tân bị thực dân đàn áp bằng bạo lực, dẫu là bí mật, bất hợp pháp hay “ỷ Pháp”, công khai. Nhưng làn sóng đã cuộn lên từ chiều sâu văn hóa, tư duy, sao có thể triệt tiêu chỉ bằng án chém, án tù?
Tiếp tục vai trò từng lớp sĩ phu duy tân, là các trí thức tân học, trong đó có con, cháu họ. Trong Đông du-Duy tân, trí thức tân học còn là lớp trẻ bên cạnh các bậc trưởng thượng, hoặc lấy quyết định đi học võ bị ở Nhật như Lương Ngọc Quyến, hoặc tham gia sáng lập trường cùng với gia đình và trực tiếp chiêu sinh, dạy học, như Lương Trúc Đàm; hay lợi dụng tư thế là công chức chánh quyền bảo hộ như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn để đứng đơn xin mở trường và dạy tiếng Pháp tại Đông Kinh nghĩa thục. Sau khi phong trào bị đàn áp, có người như Nguyễn Tất Thành sau thời gian dạy học ở trường Dục Thanh đã quyết định tìm đường sang phương Tây, tận cội nguồn của “tự do, bình đẳng, bác ái” với tâm nguyện học lấy tri thức, hiểu thấu văn minh, văn hóa của người để về giúp đồng bào, có người vào Nam ra Bắc trở thành trụ cột của báo giới quốc ngữ, một công cụ đấu tranh mới bùng phát mạnh mẽ từ thập niên 1920, như Đào Trinh Nhất, Phan Khôi. Và không lâu sau đó, trí thức trẻ tân học cả nam lẫn nữ nhanh chóng trở thành nhân vật chánh trên mặt trận văn hóa, báo chí, sáng tác văn thơ cũng như hoạt động chánh trị trong nước và ở hải ngoại.
Hậu duệ xuất sắc của Phan Châu Trinh là Nguyễn An Ninh (1900-1941), con trai một nhân vật tích cực trong cuộc Minh tân là Nguyễn An Khương. Ông ngoại của Ninh là nhà nho “rất có nề nếp và nghiêm khắc” (NTM 2000: 18), nhưng phải “chịu thua” đứa cháu ngoại vừa nghịch ngợm, sớm “chỉ huy” cả dì, cậu trang lứa mình, vừa thông minh trước tuổi. Từ nhỏ, Ninh đã tập hợp trẻ con trong nhà bắc thang leo lên chặt sợi dây treo bức hoành phi mà ông ngoại được tặng, chỉ vì ghét mấy chữ “Dân chi phụ mẫu”, có nghĩa (quan là) cha mẹ của dân. Bị ông xích lại để trị tội, cậu bé ứng khẩu bài thơ: “Xích xiềng rèn đúc tự bên Tây, Cớ sao đem tới nước Nam nầy, Để ta phải chịu chân cùm trói, Chừng nào tháo được xích xiềng đây?” Năm Ninh tròn mười tuổi, “đã thông thạo chữ nho, nhuần nhuyễn tứ thơ ngũ kinh” (NTM 2000: 26) ông ngoại mới cho lên Sài Gòn ở với cha mẹ và cô để đi học. Ninh được cho đi học trường dòng Taberd, nhờ đó “giỏi tiếng Pháp và thuộc nhiều kinh thánh” (NTM 2000: 31), về nhà đọc tân thư trong tủ sách Chiêu Nam lầu, lại mua sách về Phật Thích ca đọc thêm. Theo lời kể của con gái ông là Nguyễn Thị Minh, chúa Giêsu và Phật Thích ca là “hai đấng cứu thế được ba tôi rất tôn sùng” (NTM 2000: 32). Chuyển sang học trường trung học Pháp Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), Ninh sớm tìm việc làm thêm là viết tin cho báo, chỉ để thỏa chí tự lập chớ không phải vì cần tiền. Đậu cử nhân Luật ở Pháp và đã bắt đầu làm luận án tiến sĩ với đề tài “Tính dân chủ ở các làng xã Việt Nam”, ông Ninh rẽ ngang vì quan tâm hơn đến những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc và đất nước. Ông tham gia sinh hoạt chánh trị, kết giao với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, cùng làm báo Le Paria. Ông rời nước Pháp năm 1922, với câu nói sẽ còn luôn dội lên cảm xúc mạnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ học sinh Việt Nam đã ngồi trên ghế các nhà trường Pháp: “Sự đàn áp đến với chúng tôi từ nước Pháp nhưng tinh thần giải phóng cũng đến từ nước Pháp.”
Về Sài Gòn, ông Ninh chọn nghề làm báo để chống thực dân và truyền bá văn minh phương Tây. Tên báo La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông rè) được chọn để đáp lời thách thức của Thống đốc Nam kỳ Cognacq bằng thách đố khác: phải nghe tiếng chuông rè thì chánh quyền thực dân càng nhức óc. Ông ra báo bằng tiếng Pháp để thoát khỏi sự kiểm duyệt một cách hợp pháp; cũng như ông diễn thuyết bằng tiếng Pháp trước đồng bào người Việt để mật thám Pháp nghe được tỏ tường và ông có chứng cớ khi cần biện luận. La Cloche Fêlée không sống được lâu, phải dừng ở số 19, bất chấp sự kiên cường của Ninh: báo bị cấm bán ở sạp, ông ôm báo ra đường rao bán (từ đó hình thành phong cách bán dạo có rao hàng, và rao có ca có kệ, lại là do người đàn ông đứng bán); nhà in nầy bị cấm in báo, ông chạy qua nhà in khác in tiếp, v.v… Số 19, Ninh ký tên bài “Tiếng chuông cuối cùng”: “Đây có phải là tiếng chuông cuối cùng hay không? Phải, vì là tiếng chuông không còn ngân vang lên nữa. Nhưng đâu phải đây là cách duy nhất phục vụ đất nước. Đồng bào của tôi có thể tin chắc rằng tôi sẽ hoạt động bằng những phương cách khác có hiệu quả hơn nhiều cho việc mưu cầu lợi ích Tổ quốc của tôi. Trong bài báo hôm nay, tôi không nói lời từ biệt độc giả.” (NTM 2000: 78)
Quả thật, người trí thức đó đã tìm mọi phương thức đấu tranh không bạo động (ngoại trừ đánh lính khi bị xúc phạm) để đạt mục tiêu đòi dân chủ và nâng cao dân trí, nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hóa Đông-Tây. Giữa năm 1925, Nguyễn An Ninh tổ chức đưa Phan Châu Trinh về nước. Chương trình hành động của Phan Châu Trinh và Nguyễn An Ninh gồm ba mục đích: tục bản tờ La Cloche Fêlée với nhà in riêng, sắm máy in mới tối tân hơn; mở một trường tư lớn; mở hội quán làm diễn đàn của người yêu nước. Phan Văn Trường nhận lời làm chủ nhiệm La Cloche Fêlée tục bản. Nguyễn An Ninh đã chuẩn bị chu đáo việc đổi tên báo thành L’Annam và đăng toàn văn Tuyên ngôn Cộng sản trên báo, đó là lần đầu tiên Tuyên ngôn được đăng trên báo công khai ở Sài Gòn, lại là xuất bản bằng tiếng Pháp. Ông cũng đã viết sẵn lời giới thiệu, có câu: “Dù ai đó tán thành hay phản đối một học thuyết thì cũng nên tìm hiểu ít nhất những nguyên lý của nó để có thể đánh giá được giá trị đích thực của nó” (NTM 2000: 112).
Ngày 24/3/1926, Nguyễn An Ninh bị bắt. Đêm hôm đó, Phan Châu Trinh qua đời vì bịnh lao phổi nặng, không cứu nổi. Cái chết không chấm dứt ảnh hưởng lâu dài và sâu lắng của một trí tuệ, một tầm nhìn, một phong cách. Nhưng nó đột ngột cắt ngang chuỗi hoạt động mới khởi phát lại của Phan Châu Trinh với hai bài diễn thuyết “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” và “Đạo đức và luân lý Đông Tây”.
Tinh thần khai sáng, gắn liền mục tiêu độc lập với mục tiêu dân trí, dân quyền, dân sinh để đưa dân tộc tiến lên bằng người, có nguồn gốc từ nhận thức về cái Nguyễn Trường Tộ gọi là “những tình thế lớn dọc ngang trong thiên hạ”, nói cách khác là quan hệ quốc tế, tạo nên sự tiếp xúc, giao thoa, tiếp biến giữa các nền văn hóa khác nhau. Từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, đã diễn ra những trăn trở, đặt lại vấn đề, những so sánh, đối chiếu và chuyển động. Cũng là Nguyễn Trường Tộ từng biện luận: “Thời đại nào có chế độ ấy. Con người sinh vào thời đại nào cũng chỉ đủ làm công việc của thời đại ấy mà thôi. Vậy thì người sinh vào thời xưa làm xong công việc của thời xưa. Rồi dần dần thời thế đổi dời, làm sao có thể mỗi mỗi ôm giữ phép xưa mãi được?” (TBC 1988: 225)
Biết vậy, song lịch sử không chỉ giản lược tiệm tiến theo tuyến tính. Nhìn lại khoảng trăm năm trở lại đây của Việt Nam, tinh thần khai sáng không tiến theo đường thẳng. Đứt gãy đau lòng, có lúc cảm nhận oan khiên. Nguyễn Trường Tộ mất năm 41 tuổi, lúc đang chuẩn bị lên đường sang Pháp trong một nỗ lực bền bỉ lấy lại đất đã mất bằng con đường đấu tranh ngoại giao đa phương, nhằm củng cố thế chánh trị cho triều đình thử kế sách canh tân. Phan Châu Trinh qua đời ở tuổi 54 khi kế hoạch đấu tranh văn hóa bằng sự phối hợp hành động giữa các thế hệ, các xu thế chánh trị trong và ngoài nước cùng chống thực dân, vì độc lập, dân chủ mới khai mào trở lại. Nguyễn An Ninh mất ở trại tù Côn đảo cũng mới ngoài bốn mươi. Chưa kể bao người khác đã hy sinh khi hoài bão lớn chưa thành.
Cả Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đều tự nhận mình có tội, vì chưa hoàn thành tâm nguyện giúp ích cho dân, cho nước. Song di sản của tinh thần duy tân qua nhiều thế hệ vẫn khẳng định sự cần thiết chuyển biến tận bề sâu văn hóa, bằng nỗ lực kiên trì, dài lâu trong giáo dục, truyền thông, nâng cao dân trí. Tinh thần khai sáng mạnh mẽ nhứt là ở những người biết mở lòng, mở trí trước tri thức mới lạ, trước cách nghĩ, cách làm khác với cái gì mình quen thuộc; những người tự chủ, tự lập, bất khuất trước bạo lực, cường quyền, nhưng khoáng đạt, chân tình với người cùng chí hướng. Họ có sức lan tỏa và năng lực tạo ra thay đổi khi, cùng với ý chí và nhiệt huyết xả thân vì đại cuộc, họ còn có tri thức rộng, hiểu thực tế và sắc bén một tư duy phản biện, một cái nhìn lý trí về hiện thực. Có bảo đảm tinh thần canh tân đó luôn sống trong tâm huyết, trí tuệ và tư duy những người làm giáo dục, làm văn hóa để vun bồi, phát triển nó ở thế hệ trẻ hôm nay? Tưởng rằng chúng ta chỉ được phép trả lời: nó phải sống, vì lẽ sống còn của cộng đồng dân tộc và của mỗi cá nhân con người Việt Nam.
 ----------
Thư mục
Đào Duy Anh (Hồi ký), 2003, Nhớ nghĩ chiều hôm, Văn nghệ Tp. HCM, 592 tr.
Lý Tùng Hiếu, 2005, Lương Văn Can và phong trào Duy tân-Đông du, Văn hóa Sài Gòn, Tp. HCM, 344 tr.
Nguyễn Hiến Lê, 1974 (tb), Đông Kinh nghĩa thục, Lá bối, Sài Gòn, 208 tr.
Nguyễn Huệ Chi, “Tỉnh quốc hồn ca và ngữ khí phê phán của Phan Châu Trinh”, Vietsciences, 27/9/2007,http://vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhluan/tinhquochonca-phanchutrinh.htm
Nguyễn Q. Thắng, 2006 (tb), Phan Châu Trinh, cuộc đời và tác phẩm, Văn học, Tp. HCM, 644 tr.
Nguyễn Thị Minh, 2000, Nguyễn An Ninh. “Tôi chỉ làm cơn gió thổi”, Trẻ, Tp. HCM, 460 tr.
Nguyễn Văn Xuân, 1970, Phong trào Duy tân, Lá bối, Sài Gòn, 384 tr.
Trương Bá Cần, 1988, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Nxb Tp. HCM, 516 tr.
Vĩnh Sính, “Phan Châu Trinh và hồn Tinh vệ”, Vietsciences, 14/4/2007, http://vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhluan/hontinhve.htm
Vĩnh Sính, “Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Chu Trinh”, Vietsciences, 22/2/2008,http://vietsciences.free.fr/vietnam/bienkhao-binhluan/ynghiatacpham.htmoi
Mọi trích dẫn đều tôn trọng chánh tả, chữ viết hoa, in nghiêng từ nguyên tác.
 

[1] Nhiều tác giả khác theo Phan Tây hồ tiên sinh niên biểu do Huỳnh Thúc Kháng soạn, chép là ông bắt đầu tiếp xúc với tân thư từ 1903. Ở đây tôi tạm theo chính ghi chép của Phan Châu Trinh trong Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, NQT 2006: 293.
[2] Có thể xem rất nhiều giai thoại về ông do chính Huỳnh Thúc Kháng chép, được Nguyễn Văn Xuân bổ cứu bằng nguồn tư liệu từ gia đình và nhân chứng khác, NVX 1970: 38-39, 47-52.
[3] Bà cử Can, nhũ danh Lê Thị Lễ là con nhà nho, bản thân làm nghề buôn bán vải lụa, ngoài cửa hàng ở Hàng Đào còn có cửa hàng Quảng Bình An ở Hàng Ngang là của hồi môn. Sau vài tháng hoạt động, Đông Kinh nghĩa thục lỗ nặng, bà quyết định bán cửa hiệu nầy để giúp chồng “theo trọn con đường phụng sự tổ quốc” (LTH 2005: 136). Sau nầy, bà tâm sự với người nhà: “Tôi cầm bút ký tờ đoạn mại mà tay run lên. Từ nhỏ, có bao giờ dám đụng tới di sản của tổ tiên đâu. Bán cửa hiệu đó xong, độ một tháng sau trường bị đóng cửa, nếu không, tôi không biết trường sẽ phải dùng cách nào để kiếm tiền.” (NHL 1974: 102)
[4] Vĩnh Sính đã tường thuật và phân tích nội dung tranh luận trong ba lần gặp. Xem VS 2008.
[5] Trừ trường hợp chú thích khác, tất cả trích dẫn trong đoạn nầy và hai đoạn tiếp theo đều là từ Phan Châu Trinh,Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp), NQT 2006: 267-317.
[6] Tôi không nghĩ như Vĩnh Sính (VS 2007) là Phan Châu Trinh không hoàn thành bản thảo Tân Việt Nam vì bị bịnh, mất đột ngột; vì từ 1910-1911 cho tới 1926, ông hẳn đã có thời gian nếu thiệt sự muốn hoàn tất. Bản thảo nầy, đúng hơn, có lẽ là ghi lại những lý lẽ ông đã dùng biện luận với Couzineau, tham biện Mỹ Tho trong cuộc họp trước đó; những câu hỏi mà ông tự nêu (hay nhắc lại câu người ta hỏi mình?), rồi tự trả lời cho phép tôi đặt giả thuyết như vậy. Mục đích tự biện minh về “chánh nghĩa” của “minh xã” và thân oan cho đồng chí, đồng bào đã bị hành quyết hay còn bị tù đày hết sức rõ ràng. Người đọc đời sau không thể quên điều nầy khi sử dụng bản thảo dở dang làm tư liệu. Mặt khác, những ý tưởng của Phan Châu Trinh về “nước Việt Nam mới sau khi liên hiệp với Pháp” rốt cuộc đã chưa hề được viết ra trong bản thảo nầy hay bất cứ di cảo nào khác, theo tôi, là điều rất đáng suy nghĩ. Sẽ xin phép đề cập lại trong dịp khác.
[7] Rất thú vị, Nguyễn Văn Xuân xác định phạm vi tiền phong trào là “từ thời các chúa Nguyễn đến cuối thế kỷ XIX”. Do không bị “điều kiện hóa” bởi tình trạng tiền thuộc địa và thuộc địa, nên có vẻ ông nhận ra quan hệ hữu cơ giữa phát triển nội, ngoại thương, kinh tế và những chuyển động văn hóa qua tiếp xúc, giao thoa với ngôn ngữ, tri thức, khoa học kỹ thuật, lối sống và giá trị từ nền văn minh khác. Đáng tiếc là cuốn sách mà ông cho biết đã viết xong chỉ mới xuất bản có phần giữa (phong trào Duy tân), hai phần kia chưa được công bố, nay không rõ có còn không.
[8] Bà Trần Thị Như Mân, vợ Đào Duy Anh, là cháu nội đại thần Trần Tiễn Thành, thành viên Cơ mật viện đã được ông Tộ tin cậy gởi gắm nhiều tâm sự, cũng là người đã đọc và tàng trữ các bản điều trần của ông.
[9] Đào Duy Anh, “S.E. Trần Tiễn Thành”, Bulletin des Amis du Vieux Hue, số 2, tháng 4-6/1944, tr. 135 và “Ông Nguyễn Trường Tộ học ở đâu?”, Tri Tân số 7, ngày 18/7/1941. Dẫn theo TBC 1988: 21.
[10] Bản điều trần đầu tiên gọi là “Hòa từ” (Bàn về việc hòa) được trình khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi năm 1861, văn bản nầy hiện không tìm thấy. Tác giả Trương Bá Cần cho rằng “Thiên hạ đại thế luận” (Bàn về cái đại thế trong thiên hạn, 1863) thực chất là “Hòa từ” được sửa chữa, bổ sung (TBC 1988: 25).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét